Xuyên Qua Ngàn Năm

Chương 22: Trao đổi thêm điều kiện


Đọc truyện Xuyên Qua Ngàn Năm – Chương 22: Trao đổi thêm điều kiện

Nhìn Bình An Lộc đang ngồi cúi đầu phía đối diện, biết tính cách con trai quyết đoán và lạnh lùng, đôi khi còn tàn nhẫn, hiểu câu xin lỗi này là sự nhượng bộ, ông cũng hòa hoãn lại. Không cần biết con trai có nghe lọt tai hay không, điều cần nói cũng đã nói, ông hỏi tiếp vấn đề khác: “Con cần đội ngũ có sức khỏe tốt hơn trăm người vào mục đích gì mà gấp như vậy?”

“Sáng nay Văn Ba có nhờ Bá An trao đổi với con thêm hai điều kiện. Ông là một người cha thương con, không muốn con gái bôn ba theo mình vào rừng, để con gái ở lại một mình ông cũng không an tâm, nên cần người bảo hộ và chăm lo cho cuộc sống của con gái khi ông không có mặt. 

Ngoài nhóm người hỗ trợ theo ông vào rừng như con đã hứa, Văn Ba muốn có thêm hai ngôi nhà ở Châu và Trại. Quan trọng nhất là khi khám phá ở trong rừng, đoạn đường đi được vài ngày hoặc vài tuần tùy theo tình hình di chuyển, sẽ dựng một nơi ở tạm làm chỗ lưu trú và tới lui sau này, có khả năng dựng rất nhiều những nơi ở tạm như vậy. Văn Ba không có năng lực nên muốn bàn điều kiện trao đổi. Nếu con đồng ý, ông ta sẽ giúp nước Tây nuôi ngọc để lấy ngọc thể, có tuổi thọ hay không thì ông không biết, nhưng làm vật trao đổi buôn bán thì chắc chắn được.”

Nghe đến đây Vương không còn bình tĩnh được nữa, ông đứng bật dậy, làm Bình An Lộc cũng phải đứng dậy theo, anh biết phụ Vương sẽ kinh ngạc nhưng không nghĩ ông xúc động quá như vầy.

Vương bất an hỏi lại: “Lời này con tin được mấy phần?”

Bình An Lộc bình thản chắp hai tay lại cúi đầu: “Thưa phụ Vương! Nếu con dùng người thì sẽ không hoài nghi, nếu hoài nghi con sẽ không dùng. Hiện tại Văn Ba có nhược điểm. Vả lại, để tạo lòng tin ông ta đưa con thêm vật quý nhất của bản thân là đồng hồ.”

“Ngoài Bá An còn ai biết không?”

“Dạ, chỉ có con và phụ Vương. Bá An là người của con, phụ Vương yên tâm.”

Vương ngồi lại xuống ghế, trầm ngâm một hồi lâu mới lên tiếng: “Trước đây chưa từng có ai nhiệt tình với rừng như vậy, dù sao thứ ông ta muốn tìm chúng ta cũng sẽ được biết, chỉ với việc tạo ra được ngọc thể cũng đủ để ông ta xưng bá một phương, cứ hỗ trợ những gì Văn Ba yêu cầu nếu chúng ta có khả năng. 


Con thông báo cho thái sư ban thân sĩ và thiếu sư ban võ sĩ, bố trí toàn lực theo dõi và bảo vệ hai cha con họ chặt chẽ vào. Cũng đừng lộ liễu quá, ba nước còn lại thấy chúng ta ra sức lại sinh nghi mà tìm hiểu lí do. Cho gọi cha con Võ Ca Trung đặc biệt hỗ trợ, muốn tiếp cận hay âm thầm thì tùy họ không được áp đặt. Riêng đồng hồ cũng chỉ sử dụng được thời gian ngắn, không nên đoạt thứ người khác quý trọng và yêu thích, nên mua chuộc lòng tin của Văn Ba hơn là nhận mấy vật phù phiếm ấy.”

“Thưa phụ Vương! Đồng hồ này tốt hơn rất nhiều những loại chúng ta đã biết trước đó. Nếu dùng đúng theo chỉ dẫn của Văn Ba có thể sử dụng được hơn mười năm. Theo con! đây cũng là một tài nguyên tốt nên có, để hậu thuẫn cho nước Tây. Nếu phụ Vương đã chấp nhận yêu cầu của Văn Ba, con xin được phép giữ lại đồng hồ. 

Hai năm nữa cũng đến cuộc thi Cấp tiếp theo, nếu con bảo quản tốt thì đồng hồ này sẽ theo nước Tây vượt qua ba cuộc thi Cấp. Văn Ba tuy có sử dụng qua, ông cũng nói số năm chỉ là tương đối, nhưng nhất định sẽ vượt qua sáu năm vì ông mới sử dụng. 

Bây giờ phụ Vương bắt con từ chối đồng hồ cũng không còn ý nghĩa, việc đó khiến Văn Ba sẽ bị sức ép, với tính cách phân minh rành mạch ông ta sợ nhất là mắc nợ, ông sẽ nghĩ là bản thân bị ép phò tá đâm ra buồn bực không vui, lâu dần tích lũy sinh ra bất mãn. Vì từ đầu, Văn Ba đã rạch ròi nhấn mạnh qua các câu nói từ chối gián tiếp, ông không có ý định phò tá mà chỉ là hỗ trợ, trao đổi hoặc giúp đỡ cho nước Tây, chỉ vậy thôi!”

Vương nghe xong, âm thầm thở dài trong lòng. Ông không biết nên vui hay buồn với tố chất lãnh đạo trời sinh của đứa con này, đến bản thân ông là người dạy dỗ, nuôi nấng cũng không hiểu hết tính tình. Tính cách quá nhạy bén và sâu sắc, luôn tỏ ra lạnh lùng, chỉ thích thui thủi một mình, không thân cận với ai kể cả người thân trong gia đình, cũng không ham mê điều gì. Tội tình gì đâu mà phải sống như vậy, tuổi còn trẻ nhưng tâm hồn lại già cỗi không thấy mệt mỏi sao? Vương ngước đôi mắt tràn đầy lo lắng nhìn Bình An Lộc lên tiếng chấp thuận. Hai người bàn bạc thêm một số chuyện nữa cũng giải tán. 

Một đêm ngon giấc, Ngọc Mai ngủ thẳng cẳng không biết trời trăng mây gió, việc đầu tiên cô làm khi thức dậy là chạy bay qua phòng Baba. Không nhìn thấy người đâu, chỉ thấy chăn màn được gấp gọn gàng, Ngọc Mai rất muốn khóc rống vì cái tật ngủ nướng của bản thân. Tối qua, cô như bị cắt thịt khi bấm bụng lôi điện thoại ra, sử dụng nốt những phần trăm pin còn lại để đặt báo thức, canh Baba để ông không len lén đi vào rừng một mình bỏ lại cô. 

Khi điện thoại ré cô đã dậy, nhìn qua cửa sổ thấy ngoài trời tối thui, định bụng nằm thêm một lát vì hôm qua xóc nảy, hôm nay thấm khắp cả người ê ẩm, một lát của cô thật là tai hại. Bước vội đến tủ đồ, nhìn vào trong Ngọc Mai thở phào, đồ còn y nguyên. Quay về phòng mình thu dọn gọn gàng, sau khi vệ sinh cá nhân xong thì đi lòng vòng tìm Baba.

Xem như ông Ba may mắn, ông mà bỏ cô lại thì thấy cái cảnh. Ngọc Mai đang bước vào thời kỳ cuối xì tin, tính tình bạo loạn đang trong thời kỳ chuẩn bị đi ngủ đông. Hên cho ông không hốt phải cú chót.


Hiện tại, ông Ba đang thảnh thơi thư giãn phía sau nhà, tập thể dục nhẹ nhàng cho cái hông đang “rên rỉ” của bản thân. Khí hậu sáng sớm thật trong lành, từng tia nắng chiếu rọi không đủ xua bớt đi không khí còn vương hơi lạnh ẩm ướt. Nơi ông Ba đang đứng có một cái giếng bằng đá, khuôn viên xung quanh được bao lại bằng hàng rào tre. Vòng quanh theo hàng rào, phía trong sân là mảnh đất nhỏ đã được cày xới, đang sẵn sàng cho việc gieo trồng. Người dân nơi này thật chất phát và thân thiện, làm sẵn mọi thứ cho hai cha con rất nhiệt tình. Đúng là ông bà nói chẳng sai, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Ông Ba lại tự cho mình hai trăm điểm thông minh.

Nhìn xa xa phía trước, từng dãy núi lớn nhỏ nhấp nhô, cây cối bao bọc xung quanh cao vút thật hùng vĩ. Vị trí hiện tại của ngôi nhà nằm trên một khu đồi, phía trước là con đường quanh co ngoằn ngoèo, nếu đi lên trên là khu vực bạt ngàn với đồi chè thoai thoải, đi xuống phía dưới là từng mảnh ruộng lúa phì nhiêu. Sát cạnh đường đi có một con suối nhỏ chảy róc rách men theo triền đồi, len lỏi xuống phía dưới hợp lại với những con suối khác ở khu vực quanh đây, nhìn cảnh vật khiến tâm trạng ông thật thư thái. 

Đang đứng lắc hông qua lại ông Ba nghe có tiếng bước chân, không cần đoán cũng biết là ai. Ông lên tiếng chọc ghẹo: “Sao nào! Để điện thoại ré um trời làm chi bây giờ mới thức dậy! Không canh chừng Baba bỏ đi à?”

Ngọc Mai mặt dày cười tít mắt, giả bộ hiền ngoan cất giọng nhão nhẹt: “Ôi… con xin lỗi, con gái vô ý đánh thức Baba dậy à, con hư quá! Baba mắng con đi, hay là bây giờ con vào giăng mùng cho Baba ngủ lại nhé, người đừng giận! con gái buồn lắm nha…”

Da gà, da vịt ông Ba nổi cùng mình, càng lớn càng hết cách! Ông đứng ngắm nghía con gái đang bước tới trong bộ đồ bà ba hồng nhạt, khuôn mặt bầu bĩnh đang cười chúm chím lộ hai lúm đồng tiền. Sẽ không ai đoán được, tính tình ẩn sau đôi mắt to tròn như con nai vàng ngơ ngác này, sẵn sàng đạp mông con nai khác mà đi, đúng là lừa người mà.

Ngọc Mai cũng đang nhìn ngắm Baba diện bà ba trắng, bộ đồ rất hợp với ông, nhìn cứ như các ông hội đồng bước ra từ những bộ phim Nam Bộ xưa thời Pháp thuộc, nhưng khác ở điểm ông hội đồng trong phim người nào cũng lắm vợ, riêng ông hội đồng này không có bà vợ nào, nhìn khuôn mặt phúc hậu nhưng lòng dạ thì chưa chắc.

Hai cha con cùng ngắm, rồi cùng bật cười thích thú nghĩ xấu về nhau. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, sâu trong hai đôi mắt ấy là tình thương yêu và sự lo lắng đầy ắp dành cho nhau.


Hai cha con bắt đầu chuyển qua đề tài về mảnh đất nhỏ đã được xới, sẵn có khoai lang Mạc Ánh cho, hai người bàn bạc đem ươm chồi, rồi trả hạ thể để nhờ người dân quanh đây trông coi hom* giống hộ. Sau này, khi đi rừng về biết đâu lại có sẵn cả vườn khoai lang để ăn. Đúng lúc hai cha con đang bàn luận sôi nổi, thì có tiếng gọi lớn ở nhà trên, có người đến tìm ông Ba.  

Ngọc Mai không quan tâm lắm nên không đi theo ông Ba, bây giờ trước mắt cô đều là hình ảnh từng củ khoai lang xanh đậm đang vẫy chào trong tương lai. Đi vào nhà gom hết khoai vào rổ, chia phân nửa để lại chiều hấp ngày mai mang theo vào rừng, nửa còn lại đem đi ươm chồi, lấy theo con dao Ngọc Mai bắt đầu tập tành làm người nông dân. Xới một nhát đất rồi nhùi củ khoai xuống lấp lại, làm nữa rổ chưa tới mười phút hết sạch, thả gầu xuống giếng múc lưng thùng nước rồi ì ạch đem tưới, đến thùng thứ năm lưng Ngọc Mai sắp gãy cuối cùng cũng xong, đứng nhìn thành quả Ngọc Mai vô cùng đắc ý.

Rửa lại mặt mũi chân tay, bước lên nhà trên Baba đã đi mất từ lúc nào, Ngọc Mai buồn bực bước đến bàn ngồi xuống, thấy trên bàn để đồ ăn sáng, cô mở lồng bàn ra lại là cháo cá, hên là cô còn mấy em khoai chứ không chắc ói mất. Lấy khoai còn lại của tối qua ra ăn tiếp, vừa ăn vừa tắm tắc: khoai thiên nhiên cách ngàn năm ngon cực, ngọt bùi quá đã.

Ăn sáng xong, Ngọc Mai không ngồi yên mà nhìn trước ngó sau kiếm chuyện để làm, dù vậy nhưng vẫn không quên âm thầm ghim trong bụng, đợi Baba về cô phải lý lẽ một chập về hoạt động tự do cá nhân mới được. Lúc này cứ đi là đi luôn không nói năng gì, cũng không báo cho cô tiếng nào, không biết đường đâu mà lần.

Ông Ba không đi thì thôi, chứ đi là “mút mùa lệ thủy”, đến giờ cơm trưa cũng không thấy đâu. Nhìn người đem cơm Ngọc Mai hỏi thăm mới hay Baba đang đi cứu người ở rẫy phía trong.

Ngọc Mai nhìn người thím hiền hậu trước mặt, định lân la bắt chuyện làm quen, nhưng ngồi mới có xíu chưa kịp hỏi thăm điều gì thì chồng thím kêu về ăn cơm. Nhìn món canh cá và cơm Ngọc Mai ngán ngẩm, đành đem tất cả đồ ăn trên bàn xuống bếp chế biến lại, định nêm nếm theo khẩu vị của hai cha con. Nhìn quanh tìm kiếm mãi mới thấy được vài gia vị quen thuộc như dầu thực vật, tương, muối, đường, không có nước mắm, hay cô và Baba làm nước mắm để bán nhỉ! Ngẫm nghĩ thấy rất khả thi, cái ý định này phải suy nghĩ thật kỹ mới được.

Chỉ với ngần ấy gia vị, Ngọc Mai quyết định đem cá kho lại với nước tương, dầu và đường, nước canh cá cô đều đem đổ hết chỉ giữ lại mấy cọng rau, đem trụng với nước sôi cho bớt tanh mùi cá rồi xào với dầu và nêm thêm tí muối. Riêng tô cháo cá buổi sáng, Ngọc Mai chỉ hâm lại chứ không biết làm kiểu gì, với lại Baba khá thích ăn cháo. 

Đang ngồi ăn cơm thì Baba về, Ngọc Mai đứng dậy đến kệ lấy thêm chén đũa, vừa múc cháo cho ông cô vừa tính sổ: “Sau này nếu con có đi đâu, khi nào con muốn về thì về, Baba không được quyền hỏi.”

Đưa tay cầm chén cháo, vừa húp ông vừa hỏi: “Vì sao?” Gắp thêm một đũa cá vừa ăn ông vừa khen: “Cá hôm nay ăn ngon hơn mọi ngày rồi, có tiến bộ.”

Ngọc Mai không thèm phản ứng, ngồi ăn cơm tiếp. Ông Ba ngước mắt nhìn con gái lập lại câu hỏi: “Tại sao Baba không có quyền hỏi?”


“Baba đi đâu, làm gì, có nói với con đâu. Con muốn đòi quyền dân chủ trong gia đình này.”

Ông Ba trợn mắt: “Đâu ra kiểu dân chủ này chứ, Không được! Baba đi có việc gấp, một người leo cây bị té gãy tay, cứu người quan trọng nên lúc đó Baba không kịp báo lại cho con.” 

Ngọc Mai nhìn ông lom lom, có mà Baba nhớ nghề, quan trọng hơn là muốn khoe tay nghề thì có, cô hiểu ông quá mà! Nhưng giờ có cho cô một bao khoai cô cũng không dám nói.

“Người đó bị nặng không Baba? Sao không dẫn con theo để phụ giúp.”

Ông Ba không thể nói là dắt con theo lộ hết hay chi, trưa nay tranh thủ ông Ba gặp Mạc Lâm đưa đồng hồ và truyền lại phương thức bảo quản cũng như cách sử dụng,  đâu dễ gì ông mới bỏ lại cái đuôi này ở nhà chứ. Ông phải tranh thủ thời gian không dễ lắm đâu.

“Ổn rồi! Baba có để lại cho họ một ít thuốc để thay đổi, cũng may lần đắm tàu thuốc không bị hư, bây giờ mới có cái để dùng, tay không mà kêu Baba giúp, cũng không biết giúp ngả nào.”

“Nhưng họ biết cách thay thuốc và bó nẹp không?”

“Nơi này có đại y, do hôm nay ông ấy đi lên Phủ có chuyện đột xuất không về kịp, nên mọi người mới tìm Baba.”

*Hom: khi ươm chồi thành thân cây, sẽ chọn một đoạn giâm thành cây mới.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.