Bạn đang đọc Xuyên Nhanh Ta Thực Sự Thích Nam Phụ Kia – Chương 8: Giá Y Cũng Là Màu Đỏ
Không bao lâu sau khi hoa phượng hoàng tàn lụi, Tô phủ liền nghênh đón Viễn Đình hầu phủ tới cửa cầu hôn.
Viễn Đình Hầu và Thế tử mang theo bà mối cùng mấy chục rương lễ vật tặng cho nhà gái, còn có tam thư: sính thư cầu hôn, lễ thư ghi danh sách lễ vật, nghênh thân thư cưới nhà gái.
Đồng thời Khâm Thiên Giám cũng đã tính toán ra ngày lành tháng tốt để gả cưới, Văn Nhân Cẩn và Tô Lạc Yên có bát tự tương hợp.
Đặc biệt nghe nói nhà trai còn tự mình mang đến một đôi chim nhạn lớn.
Tuổi của A Lạc bây giờ xem như là quá lứa, cho nên hôn sự này được quyết định gấp gáp.
Hơn nữa còn có nguyên nhân mượn hôn sự này để đè bẹp chuyện tai tiếng trước đó, hôn kỳ liền chọn ngày lành gần nhất.
Tuy rằng bên ngoài mỗi người đều trách cứ Thái tử và Tô Bạch Vi, nhưng A Lạc bị kẹp ở giữa, thanh danh cũng đã bị hủy hoại rồi.
Gần đây có đôi khi nàng đi ra ngoài, thường nghe thấy những lời chế giễu sau lưng.
Trước kia nàng là Thái tử phi nội định, không biết bao nhiêu quý nữ sau lưng hâm mộ ghen ghét đố kỵ, lúc này thấy nàng rơi vào thê thảm, tất nhiên sẽ có người nhân cơ hội bỏ đá xuống giếng.
Có người cười nhạo nàng ngay cả thứ muội cũng không đấu lại được, lại có người nói sau này không ai dám cưới nàng nữa, còn có người bảo nàng mau chóng xuất gia đi, đừng ở lại kinh thành này làm gì cho mất mặt.
Ngược lại Triệu Thu Thần ngày xưa luôn đối đầu với nàng, đột nhiên đổi tính, thỉnh thoảng đến Tô phủ tìm A Lạc chơi.
A Lạc không thèm để ý lời đồn đãi bên ngoài, trong lòng nàng tràn đầy chờ mong gả cho Văn Nhân Cẩn, đếm ngày trông mong hôn kỳ sắp tới.
Hôn kỳ được định vào tháng sau, đây là kết quả hai nhà thương nghị ra, đã là ngày lành gần nhất rồi.
Trùng hợp chính là, hôn kỳ ban đầu của A Lạc và Thái Tử cũng không cách xa ngày đó.
Nếu không phải không muốn có vẻ quá vội vàng, A Lạc còn muốn dịch về phía trước.
Vốn nàng cho rằng mình đã đủ gấp, kết quả A Lạc phát hiện còn có người còn gấp hơn nàng!
Đó chính là cha của Văn Nhân Cẩn, Viễn Đình hầu Văn Nhân Tụng.
Viễn Đình Hầu lúc còn trẻ cũng là một đại nhân vật, hắn không xuất thân từ hoàng thất, sở dĩ được phong hầu hoàn toàn là dựa vào quân công của mình từng chút từng chút kiếm được.
Văn Nhân Tụng vốn chỉ là một thiếu niên bình thường sinh ra ở nông thôn, có một năm quê hương gặp hạn hán mấy chục năm khó gặp, lương thực không thu hoạch được hạt nào, người trong nhà Văn Nhân Tụng đều chết vì đói, nghe nói làm lính sẽ có cơm ăn, hắn liền chống đỡ một hơi chạy đi tòng quân.
Khi đó vương triều Đại Vinh thành lập chưa đến trăm năm, thế cục chưa ổn định, địch Nhung ở phía Bắc cùng người Nam Cương đều đang làm loạn, Văn Nhân Tụng vừa vào quân doanh, liền thuận lợi như rồng gặp nước.
Hắn có thiên phú quân sự cực cao, trên chiến trường nhiều lần lập kỳ công, không biết đánh thắng bao nhiêu trận, dần dần từ một tiểu tốt bò đến vị trí đại tướng quân, mỗi một bút công lao tất cả đều chân thật.
Về sau hắn ở quan ngoại công huân quá lớn, thanh danh quá thịnh, đến nỗi dân chúng chỉ biết Văn Nhân đại tướng quân, không biết danh hiệu hoàng đế đương triều.
Điều này cực kỳ mạo phạm đến uy nghiêm của hoàng gia, vì thế đợi đến khi địch Nhung bị hắn đánh phục, không quấy rầy Đại Vinh nữa, Nam Cương cũng không nháo ra được loạn lạc gì, tiên đế liền hạ lệnh triệu hắn hồi kinh, nói muốn lấy phong hầu làm phần thưởng cho hắn.
Văn Nhân Tụng người này lại không yêu thích quyền thế, trong cốt tủy hắn vẫn là một tiểu thị dân chỉ cần có cơm no ba bữa là dễ dàng thỏa mãn.
Sau khi hắn hồi kinh, tiên đế quả nhiên giữ lời hứa, phong cho hắn làm một Viễn Đình hầu không có thực quyền, thuận lợi thu hồi binh quyền của hắn.
Sợ trong lòng hắn có bất mãn, tiên đế còn trấn an Văn Nhân Tụng nói rằng sẽ ban hôn cho hắn, quý nữ toàn thành chỉ cần hắn coi trọng người nào thì sẽ thành hôn với người đó.
Khi ấy, Văn Nhân Tụng hơn ba mươi tuổi, là một lão độc thân thô lỗ, vừa nghe lời này liền nhất thời cao hứng.
Kỳ thật lúc trước hắn ở quan ngoại không thiếu nữ nhân, nhưng nữ nhân bên kia quá mạnh mẽ, hắn vẫn thích người nhu thuận hơn.
Quý nữ kinh thành này ngược lại là một đám ôn nhu hiền thục, chỉ là chướng mắt hắn quê mùa, thi thoảng ở trên đường gặp phải quý nữ nhà nào xuất hành, nhìn thêm hai lần, đối phương đã bày ra vẻ mặt ghét bỏ nhìn hắn.
Hiện tại có mệnh lệnh của Hoàng đế, cho dù những quý nữ kia có chán ghét hắn, cũng không dám nói gì?
Bởi vì đạo khẩu dụ này của tiên đế, Văn Nhân Tụng liền thật sự nổi danh khắp kinh thành.
Người khác nổi danh thì đều là mỹ danh còn Văn Nhân Tụng lại là tiếng xấu.
Chúng quý nữ các nhà sợ mình sẽ bị người dã man từ quan ngoại này chọn trúng, ai nấy đều tránh hắn như rắn rết, ngày thường đóng cửa không ra, ngay cả yến hội trong kinh thành cũng tổ chức ít đi.
Mãi đến khi Văn Nhân Tụng chọn được thê tử, trong kinh mới khôi phục náo nhiệt như xưa, lúc ấy cũng coi như là một chuyện cười để nói.
Bất quá đừng nhìn thanh danh bên ngoài Viễn Đình hầu kém, là một tên côn đồ nổi tiếng xa gần, đại lão thô kệch, không có việc gì liền thích đi khắp nơi tìm người cưỡi ngựa uống rượu đi dạo hoa lâu, nhưng hắn đối xử với thê tử của mình lại ngoài dự liệu của người khác.
Năm đó Văn Nhân Tụng coi trọng nữ nhi của một phú thương đến kinh làm ăn, liền trực tiếp nhất kiến chung tình với tiểu cô nương, ngay sau đó liền tới cửa cầu thân, phú thương kia là một thương nhân, dĩ nhiên rất vui lòng kết thân cùng Hầu gia, gật đầu tại chỗ.
Sau khi tiểu cô nương gả qua, Văn Nhân Tụng thay đổi tật xấu trước kia, rượu hoa cũng không uống, mỗi ngày đều bảo vệ, trông coi bên người tiểu thê tử của mình.
Hai người trải qua một đoạn thời gian tương đối hạnh phúc, nhìn thấy tình cảm của bọn họ tốt như vậy, Văn Nhân Tụng vừa không nạp thiếp, cũng không ăn vụng, đối đãi với thê tử sủng ái như châu như bảo, các quý nữ trước kia chướng mắt hắn liền thấy hối hận vì đã bỏ lỡ nam nhân tốt như vậy.
Nhưng vận mệnh luôn vô thường, cuộc sống tốt đẹp không qua mấy năm, tiểu thê tử mang thai khó sinh, sinh ra Văn Nhân Cẩn bẩm sinh đã ốm yếu, ngay cả hài tử của mình cũng không nhìn được một cái liền ra đi.
Từ đó về sau, Văn Nhân Tụng không cưới vợ nữa.
Hắn cứ như vậy một mình nuôi nấng Văn Nhân Cẩn lớn lên, vẫn uống rượu hoa nhìn mỹ nhân như thường lệ, chỉ là hôm nay trong kinh thành, rốt cuộc không ai cười nhạo hắn nữa.
Thứ nhất mọi người đã thấy rõ tính khí của hắn, biết bề ngoài hắn nhìn như phóng đãng thành tính nhưng bản chất lại không tồi.
Thứ hai chính là bởi vì Văn Nhân Cẩn, Văn Nhân Cẩn quá xuất sắc, cho dù quanh năm ở Thiên Môn Sơn, mù mắt bẩm sinh, hiếm lắm mới hồi kinh một lần cũng vẫn đủ để khiến người ta biết hắn ưu tú hơn xa người thường.
Huống hồ dù hắn không ở kinh thành, nhưng bên ngoài thường xuyên có thư họa, bảng chữ mẫu hoặc thơ ca của hắn truyền đến, mỗi lần đều có thể khiến nhân sĩ tranh nhau nghị luận.
Sinh ra một nhi tử xuất chúng như vậy, Văn Nhân Tụng rất lấy làm kiêu ngạo.
Nhưng mà một khi nói đến chuyện thành gia lập thất, nhi tử khiến hắn kiêu ngạo bao nhiêu thì lại làm hắn đau đầu bấy nhiêu.
Văn Nhân Tụng nào không biết, tin tức về mệnh lệnh của vị sư phụ mà bên ngoài đang đồn đãi kia căn bản không phải là sự thật, Thanh Nhất đạo trưởng vốn đâu có nói như vậy, là do Văn Nhân Cẩn tự mình thả ra tin tức giả này, chỉ vì không muốn cưới vợ.
Văn Nhân Cẩn quá cố chấp, dù là cha hắn cũng không làm gì được.
Người bên ngoài vậy mà lại thật sự tin chuyện hoang đường đó, không có quý nữ nào muốn gả cho hắn.
Vậy nên khi Văn Nhân Cẩn nói với Viễn Đình Hầu, mình muốn đi Tô gia cầu hôn Tô tiểu thư, không ai biết Văn Nhân Tụng kích động bao nhiêu!
Đêm đó hắn ôm bài vị của thê tử vừa rơi lệ, vừa cảm động nói: rốt cuộc Văn Nhân gia cũng sắp có hậu rồi, bản thân đi xuống cửu tuyền không sợ hổ thẹn với liệt tổ liệt tông nữa.
Còn về Tô tiểu thư làm cho Văn Nhân Cẩn thay đổi chủ ý, Văn Nhân Tụng vừa cảm kích vừa hiếu kỳ, rất muốn nhìn xem rốt cuộc là thần thánh phương nào, đem đứa con trai thanh tâm quả dục sắp thăng tiên nhà mình câu hạ phàm.
Lần đầu tiên gặp Viễn Đình Hầu, A Lạc liền phát hiện ánh mắt đối phương nhìn nàng rất thân thiết, tràn đầy sự từ ái của trưởng bối, còn mang theo một loại nhiệt tình kỳ quái nào đó, giống như đây không phải là lần đầu tiên hai người gặp mặt vậy.
Thời điểm hai nhà bàn luận về hôn kỳ, Viễn Đình Hầu lại trực tiếp chỉ vào niên lịch nói: “Bốn ngày sau không phải là một ngày lành sao? Liền định vào bốn ngày sau đi!”
Trên niên lịch, Khâm Thiên Giám cùng kết hợp bát tự của đôi tân nhân để tính ra ngày thích hợp cho bọn họ cưới gả.
Sau đó, dùng bút đỏ khoanh tròn ngày đó, lấy việc này để biểu hiện niềm vui mừng.
Viễn Đình Hầu không biết chữ nhưng nhận ra vòng tròn đỏ kia, lại còn chuyên môn chọn những ngày gần đó.
Sau khi bị Tô thái phó lấy lý do bốn ngày quá vội vàng, sẽ không kịp chuẩn bị mà cự tuyệt, hắn lại tiếp tục chỉ một ngày cách sau đó: “Cái này thế nào?”
Tô thái phó mặt không chút thay đổi: “Nửa tháng cũng không được.”
A Lạc ở sau tấm bình phong cứ thấp tha thấp thỏm, cảm giác như người bị từ chối kia là chính mình.
“Cái này sẽ được chứ! Tô lão đầu, ngươi đừng nói không được nữa, ngươi ngẫm lại xem bây giờ người bên ngoài đang nói như thế nào, còn tiếp tục kéo dài, trì hoãn sinh biến đó, ngươi hiểu không?”
Lần này, Tô thái phó không mở miệng nữa, sau đó liền định ra ngày lành tháng tốt cho bọn họ.
Ngoại trừ chuyện hôn kỳ ra, còn có các việc khác nữa, bàn bạc xong toàn bộ thì đã mất nửa ngày trời, phải biết rằng Viễn Đình Hầu bọn họ đã tới từ lúc sáng sớm rồi.
Đến lúc này, đương nhiên phải giữ người lại ăn một bữa cơm.
Theo lý mà nói thì trước khi thành thân, đôi tân nhân không thể gặp mặt, vì tị húy nên A Lạc cùng Diêu thị ở gian trong còn phụ tử Tô gia và phụ tử Viễn Đình Hầu thì ở gian ngoài.
Viễn Đình Hầu là một người lớn giọng, ầm ỹ nói ngày đại hỉ phải uống rượu, tiếp đó mấy người bên ngoài liền mang rượu lên uống.
So sánh với tửu quỷ Viễn Đình Hầu này, hai phụ tử Tô gia chỉ biết đọc sách kiếm tri thức còn quá non.
A Lạc còn chưa ăn xong một bát cơm, Diêu thị đã không thể không đi ra ngoài chiếu cố Tô thái phó tửu lượng không lên nổi mặt bàn.
“Cộc cộc” Tiếng gõ cửa nhẹ nhàng đột nhiên vang lên.
A Lạc ngẩng đầu, theo tiếng kêu nhìn lại.
Bạch y công tử tuấn nhã đang đứng cạnh cửa, thân cao như tượng ngọc, thanh sạch điềm tĩnh, mỉm cười nhìn nàng.
Hắn ôn nhu gọi nàng: “Tô tiểu thư.”
A Lạc cảm thấy kỳ quái, với tính cách của Văn Nhân Cẩn, sao có thể tới nơi này mà không được phép?
Nàng đứng dậy đi tới trước mặt hắn, gần một chút mới phát hiện, khuôn mặt trắng nõn của Văn Nhân Cẩn hơi đỏ, đôi mắt màu hổ phách thấm đẫm hơi nước mỏng manh, tươi cười trên mặt cũng bớt đi vẻ thong dong như ngày thường, trở nên có chút ngốc nghếch.
“Ngài uống say rồi sao?” A Lạc ngửa đầu hỏi hắn.
Công tử say rượu cười lắc đầu, hỏi một đằng đáp một nẻo: “Ta tới đưa cho nàng một thứ.”
A Lạc nghi hoặc đáp: “Thứ gì?”
Văn Nhân Cẩn: “Nàng đưa tay ra.”
A Lạc liếc hắn một cái, xem ra là say thật rồi, lúc này nhìn Văn Nhân Cẩn chẳng khác gì một hài tử nóng lòng muốn hiến dâng bảo vật.
Nàng đưa tay ra, hướng lòng bàn tay vào trước mặt hắn.
Sợ hắn không nhìn thấy, nàng còn lên tiếng nhắc nhở một câu: “Tay ta đây.”
Văn Nhân Cẩn rũ mắt xuống, lông mi đen huyền cong vút tạo nên một bóng mờ trước mắt, hắn chậm rì rì nhấc tay lên, thử thăm dò chạm vào lòng bàn tay thiếu nữ.
Da thịt chạm vào nhau, truyền đến cảm giác hơi ngứa, A Lạc nhịn không được con lắc lắc ngón tay.
Trong chớp mắt tiếp theo, lòng bàn tay lạnh lẽo, một đóa hoa phượng hoàng cánh đỏ nhụy vàng xuất hiện trên tay nàng.
Nhưng đây cũng không phải hoa thật, nó được điêu khắc từ phỉ thúy hồng ngọc thuần khiết nhất, cánh hoa đỏ rực, hình dạng không khác gì so với hoa phượng hoàng thật, thoạt nhìn giống y đúc, trông sống động như thật, dù là đại sư điêu khắc lợi hại nhất đến, cũng phải thừa nhận tự thẹn không bằng.
“Nó có màu đỏ, phải không?” Giọng nói Văn Nhân Cẩn ôn thuần, cúi đầu nói, “Hoa Phượng Hoàng màu đỏ, máu đỏ, chu sa đỏ, giá y…!cũng là màu đỏ.”
“Cẩn đem đỏ tặng cho nàng, hi vọng tiểu thư sẽ thích.”
***
Khi Viễn Đình Hầu và Thế tử Văn Nhân Cẩn mang theo một đoàn xe sính lễ cùng bà mối nổi danh kinh thành tiến vào Tô phủ, đợi cả buổi sáng còn chưa đi ra, tin tức Viễn Đình Hầu phủ muốn kết thân với Tô gia liền giống như được mọc thêm cánh, bay đi khắp cả kinh thành.
Tất cả mọi người ai nghe thấy cũng đều chấn kinh, không thể tin được.
Lừa người khác chứ gì? Không phải thế tử Viễn đình Hầu đang để tóc tu hành sao? Không phải sư phụ đã sớm phê mệnh sao? Không phải cả đời không thể cưới vợ sao?
Hắn ta sẽ thành thân? Lại còn là vị Thái tử phi Nội Định Tô Lạc Yên hả?
Vậy Thái tử thì sao?
Tác giả có lời muốn nói: Tặng nàng hoa phượng hoàng, cũng tặng nàng áo cưới đỏ, hy vọng nàng sẽ thích..