Bạn đang đọc Xuyên Đến Nữ Tôn Quốc Full [hoàn] – Chương 49: Ta Cũng Không Phải Thương Nhân
Hai bát bún măng ngan rất nhanh được mang lên. Mùi thơm hòa quyện lan tỏa khắp phòng khiến Trần Vân Sương và Lê Ngọc Lan không khỏi ngạc nhiên. Hóa ra mùi măng chua thực sự hợp với bún ngan như vậy.
Hiểu Linh lúc này mới lấy ra hũ măng ớt cô mang theo, đặt lên bàn:
– Hai người nếu ai ăn được cay thì ăn thử kèm cùng món này đi. Đây chính là măng ớt mà ta nói đến.
Trần Vân Sương vốn ưa ăn thanh đạm, nên cũng không chú ý lắm. Nhưng Lê Ngọc Lan nàng là kẻ không cay không vui, chợt ngửi thấy mùi ớt cay nồng từ hũ măng ớt thì ánh mắt sáng rực.
Hiểu Linh ung dung thưởng trà chờ hai vị “khách quan” ăn xong bát bún của mình. Khi người làm dọn dẹp xong xuôi và dâng trà lên, cô mới nói:
– Hai vị cảm thấy măng chua và măng ớt thế nào?
Trần Vân Sương đáp:
– Phạm cô nương có thể cung cấp bao nhiêu? Măng ớt là đồ ăn kèm có thể ít một chút, nhưng măng chua thì Phúc Lạc lâu có lẽ cần một lượng lớn để cung ứng cho cả chuỗi cửa hàng. Măng chua lại chỉ mình cô nương có.
Hiểu Linh cười như không cười, lắc đầu đáp:
– Ta muốn bàn với hai vị vụ làm ăn này. Nhưng không phải theo cách ta cung- ngươi cầu. Ta không có năng lực lớn như vậy. Ta muốn bán một lần dứt khoát phối phương cho hai vị.
Lê chưởng quầy nhìn Hiểu Linh, mỉm cười:
– Phạm cô nương tại sao không chọn con đường tự mình cung ứng, mà lại muốn dứt khoát bán cho chúng ta phối phương? Nếu cô nương tự mình cung ứng, chẳng phải sẽ có ưu thế về mặt giá cả hơn sao?
Hiểu Linh không chút để ý tới cái nhìn tìm tòi của Lê chưởng quầy với cô, tùy ý nghịch cái chén trên bàn một chút, đáp:
– Hai vị cũng biết, măng chỉ có thể thu mua mà không thể trồng. Để có một lượng lớn măng làm măng chua, dứt khoát phải có nhân lực, vật lực để chuyên chở. Ta là một nông dân, hai thứ đó đều không có. Nhưng Phúc Lạc lâu hẳn là có chuyến hàng cố định hoặc ít nhất phải có nhân thủ chuyên thu mua đồ lâm sản nơi thượng nguồn sông Mã Nhi. Nên chuyện gom măng tươi với các vị dễ dàng hơn nhiều. Cách làm măng muối lại đơn giản, sớm muộn gì cũng bị phát hiện ra mà thôi. Ta chỉ là muốn bán một lần, vật lấy hiếm vì quý. Phúc Lạc lâu cũng có thể hỏa bạo một thời gian.
Trần Vân Sương và Lê chưởng quầy thoáng nhìn nhau. Trần Vân Sương đáp:
– Nga… ra là ý tứ như vậy. Nếu đã thế, Phạm cô nương ra một cái giá đi.
Hiểu Linh trong đầu đã định ra một cái giá. Nhưng vốn cô không rõ quy mô Phúc Lạc lâu như thế nào, doanh thu cũng như mức độ tiêu thụ dự kiến của họ ra sao. Nên cũng không chắc giá mình đưa ra có hợp lý hay không. Vì thế, cô nói:
– Ta cũng không phải thương nhân. Không biết nên đưa ra giá nào cho hợp lý. Lại là mời Hà gia chủ cùng Lê chưởng quầy định giá. Ta tin là hai vị cũng không để ta bị thiệt.
Trần Vân Sương không ngờ nàng sẽ đá quả bóng về phía mình. Nếu như đề giá thấp, sợ rằng nàng sẽ cảm thấy hắn không nể mặt, dù gì đường đệ cũng đang phải nhờ cậy nhà nàng. Nhưng là Phạm Hiểu Linh sẽ là con người như vậy sao? Mà đề giá quá cao lại không phải là phong thái của một thương nhân. Nhíu nhíu mày suy nghĩ một chút, hắn vẫn là lấy một cái giá thông thường mua món ăn của Phúc Lạc lâu đi.
– Vậy ta đưa giá 100 lượng mua lại phối phương của Phạm cô nương đi. Nếu cô nương cảm thấy không ổn thỏa, có thể đi hỏi. Đây là giá thông thường mua phối phương. Hơn nữa như cô nương nói cách làm măng chua cũng không quá khó, nên ta chỉ ấn giá cho các món ăn đơn giản. Bằng không, nếu cô nương chịu đưa ra một số món ăn từ măng chua như cách vịt nấu măng ban nãy, bổn lâu sẽ tùy đó trả thù lao. À… nhắc đến vịt nấu măng và bún măng. Hai món này thêm 100 lượng nữa. Vậy là 200 lượng.
Hiểu Linh có chút giật mình: 200 lượng. Vượt xa những gì cô nghĩ. Vốn nghĩ cho dù là Lưu Minh đang ở nhờ chỗ cô, nhưng thân là thương nhân sẽ chú ý lợi về mình nhiều nhất mà áp giá xuống thấp. Một trăm lượng một món ăn bằng thu nhập năm năm của một hộ nông dân rồi.
Cô vốn muốn hỏi bọn hắn doanh thu trung bình tháng được bao nhiêu, lợi nhuận thuần như thế nào. Những món ăn này định giá ra sao, dự kiến bao nhiêu lâu sẽ thu hồi vốn, tỷ suất lợi nhuận như thế nào. Nhưng rốt cuộc Hiểu Linh cũng không hỏi. Một nông phụ như cô, làm sao có thể nói ra những từ ngữ mà chỉ sợ chính thương nhân bọn họ cũng không hiểu hết như vậy chứ.
Cô không nghĩ nhiều làm gì cho rối rắm. Người không vì mình thì trời tru đất diệt. Mấy năm lăn lộn trường đời làm cô cũng không còn mấy cái gọi là lòng tốt. Chỉ đối với những người cô để trong tâm mà đối đãi thì cô mới nghĩ cho họ nhiều hơn cho bản thân mà thôi.
– Giá Hà gia chủ đưa ra ta đã vừa lòng. Số tiền này ta mong được nhận 100 lượng bạc gồm 20 lượng bạc vụn, 80 lượng thỏi nguyên và số còn lại quy đổi ra ngân phiếu. Như vậy được chứ. Còn nữa phải phiền gia chủ hoặc lê chưởng quầy ghi lại phối phương dùm ta,
– Phạm cô nương không phải nên tự mình ghi ra sao?
Trần Vân Sương có chút ngạc nhiên hỏi lại. Hiểu Linh mỉm cười yếu ớt đáp:
– Ta vốn không biết chữ.
Oành một tiếng như sét đánh ngang tai Trần Vân Sương và Lê chưởng quầy. Những biết nàng xuất thân là nông dân, nhưng là có tra qua mẫu thân và phụ thân nàng cũng không phải người vùng này. Khi đến đây xây nhà cũng thuộc dạng dư dả một chút. Dù không đi học, nhưng hẳn Phạm Hiểu Linh cũng biết một ít chữ nghĩa. Đâu ngờ nàng lại…
Nhưng càng vì thế, Trần Vân Sương với Hiểu Linh nghi ngờ càng sâu, cũng càng hứng thú tìm hiểu. Trực giác mách bảo hắn, nàng ta còn nhiều điều chưa hiển lộ.