Bạn đang đọc Xúc xắc tình yêu – Chương 3 phần 2
Darcy Rhone và tôi là hai người bạn thân, lớn lên cùng nhau, gắn kết với nhau vì sống cùng trong vùng, lý do đó quan trọng hơn tất cả những lý do khác khi bạn còn học tiểu học. Chúng tôi chuyển đến sống tại một con phố cụt ở Neperville, bang Indiana vào mùa hè năm 1976, vừa kịp thời điểm để tham dự cuộc diễu hành kỷ niệm thị trấn tròn hai trăm tuổi. Chúng tôi đi bên cạnh nhau cùng diễu hành, cùng đánh những chiếc trống giống hệt nhau có màu đỏ, trắng và xanh da trời mà bố Darcy đã mua cho hai đứa ở cửa hàng Kmart. Tôi còn nhớ Darcy rướn về phía tôi và nói, “Chúng mình giả vờ như là chị em nhé”. Lời đề nghị ấy khiến tôi nổi da gà – chị em! Và chẳng hề mất thời gian lâu la gì, đối với tôi, cô ấy đã trở thành một người em gái. Trong suốt năm học, cứ tối thứ Sáu và thứ Bảy là chúng tôi ngủ lại nhà nhau, còn mùa hè thì hầu hết các ngày trong tuần. Chúng tôi tiếp nhận những sắc thái riêng trong cuộc sống của hai gia đình, những điều bạn chỉ có thể biết khi sống ngay cạnh nhà một người bạn. Ví dụ như tôi biết mẹ Darcy hay gấp những chiếc khăn tắm làm ba phần gọn gàng trong khi xem chương trình The Young and the Restless, bố của Darcy đặt mua dài hạn tạp chí Playboy, bữa sáng có thể ăn quà vặt cũng được, và những từ như ‘chết tiệt’ hay ‘khỉ thật’ đều chẳng có vấn đề gì to tát cả. Tôi tin rằng cô ấy quan sát được ở nhà tôi cũng nhiều điều, cho dù thật khó nói điều gì khiến cho cuộc sống của bạn trở nên độc nhất vô nhị. Chúng tôi chia sẻ với nhau tất cả mọi thứ – quần áo, đồ chơi, sân nhà, thậm chí cả tình yêu dành cho Andy Gibb và loài kỳ l
Đến năm lớp năm thì chúng tôi khám phá ra nhiều điều về bọn con trai. Điều đó dẫn tôi đến với Ethan, người đầu tiên tôi thích thật sự. Giống như mọi đứa con gái khác trong lớp, Darcy yêu Doug Jackson. Tôi biết điểm hấp dẫn ở Doug. Tôi thấy rõ mái tóc vàng hoe của cậu ta gợi nhớ đến anh chàng Bo Duke [1]. Cả cái quần Wrangles ôm khít lấy mông cậu ta thế nào, cái lược màu đen của cậu ta giắt gọn gàng ở túi quần sau bên trái. Và cậu ta chơi bóng giỏi – cậu ta tự nhiên, chẳng cần tốn sức mà cũng đánh được quả bóng ra ngoài tầm với của tất cả những đứa khác, bay thẳng vút lên trên.
[1] Một nhân vật viễn tưởng trong seri truyền hình Mỹ, từ năm 1979-1985.
Nhưng tôi yêu Ethan. Tôi yêu mái tóc khó bảo của cậu ta, yêu cái cách đôi má cậu ta chuyển sang hồng trong giờ giải lao, điều đó khiến cho cậu ta trông như nhân vật trong bức họa của Renoir vậy. Tôi yêu cái cách cậu ta xoay cây bút chì nét đậm giữa đôi môi đầy đặn, tạo thành những vết cắn nhỏ xíu đối xứng nhau ở gần chỗ gắn cục tẩy mỗi khi cậu ta hết sức tập trung suy nghĩ. Tôi yêu cậu ta lúc cậu ta hào hứng và vui sướng khi chơi trò đánh bóng bốn người với bọn con gái (cậu ta là đứa con trai duy nhất từng chơi cùng bọn tôi – những tên khác toàn chơi trò đánh bóng hai người và đá bóng thôi). Tôi yêu cái cách cậu ta lúc nào cũng tử tế với đứa con trai ít nổi bật nhất trong lớp, Johnnie Redmond, cậu bạn nói lắp kinh khủng, có mái tóc nồi úp cắt xấu tệ.
Darcy lấy làm khó hiểu, nếu không phải là bực bội, trước ý kiến trái ngược của tôi, cả Annalise Giles, bạn tốt của hai đứa, cũng nghĩ như vậy, cô ấy chuyển đến sống ở con phố cụt sau bọn tôi hai năm (sự chậm trễ này, cùng với thực tế là cô ấy đã có một đứa em gái, nghĩa là cô ấy không bao giờ có thể theo kịp và thực sự trở thành người bạn thân nhất được). Darcy và Annalise cũng thích Ethan, nhưng không đến mức như thế, và bọn họ nhất định cho rằng Doug đáng yêu hơn và hay ho hơn nhiều – đó là hai yếu tố sẽ khiến bạn lâm vào rắc rối nếu bạn dựa vào đó để chọn một anh chàng hay một người đàn ông, một điều tôi đã ý thức được dù mới chỉ có mười tuổi.
Tất cả chúng tôi đều cho rằng Darcy sẽ chiếm được giải thưởng danh giá mang tên Doug. Không phải chỉ vì Darcy mạnh dạn hơn những đứa con gái khác, đầu ngẩng cao đàng hoàng bước đến chỗ Doug ở quán ăn phục vụ hay trong sân chơi, mà còn vì cô ấy là đứa xinh nhất lớp. Với gò má cao, đôi mắt to cách nhau vừa phải và chiếc mũi nhỏ nhắn, cô ấy có một gương mặt mà ở lứa tuổi nào cũng được người ta ngưỡng mộ, cho dù bọn học sinh lớp năm không thể nói chính xác điểm gì khiến cho gương mặt ấy trở nên xinh đẹp. Tôi nghĩ, lúc mười tuổi tôi thậm chí còn chẳng hiểu gò má và cấu trúc xương là cái gì, nhưng tôi biết Darcy là một đứa xinh xắn, và tôi ghen với vẻ ngoài của cô ấy. Cả Annalise cũng vậy, cứ có cơ hội là cô ấy lại nói thẳng với Darcy điều đó, việc tôi thấy hoàn toàn không cần thiết. Darcy biết thừa là mình xinh rồi, và tôi nghĩ cô ấy không cần ngày nào cũng có người củng cố thêm điều đó làm gì.
Vậy là vào lễ Halloween năm đó, Annalise, Darcy và tôi tụ tập trong phòng của Annalise để chuẩn bị trang phục tạm thời của dân du mục – Darcy khăng khăng nói rằng đây là dịp tuyệt vời để trang điểm thật đậm. Trong khi xem xét đôi khuyên tai gắn kim cương giả mới mua ở cửa hàng Claire, cô ấy nhìn vào gương và nói, “Cậu biết không Rachel, mình nghĩ là cậu có lý”.
“Có lý về chuyện gì?” tôi hỏi, trong lòng trào dâng cảm giác hài lòng, tự hỏi không biết cô ấy đang nhắc đến lần tranh cãi nào trước đây.
Cô ấy đeo một cái khuyên lên và nhìn tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên nụ cười tự mãn trên gương mặt cô ấy – chỉ một dấu hiệu nhỏ nhất của nụ cười ấy thôi. “Cậu có lý về Ethan. Mình nghĩ là mình cũng sẽ thích cậu ta”.
“Cậu bảo ‘sẽ thích cậu ta’ là ý gì?”
“Mình chán Doug Jackson rồi. Giờ mình thích Ethan. Mình thích hai lúm đồng tiền của cậu ta”.
“Cậu ta chỉ có một thôi”, tôi đốp lại.
“Ờ, thế thì mình thích cái lúm đồng tiền của cậu ta vậy”.
Tôi nhìn Annalise tìm kiếm sự ủng hộ, để nói rằng bạn không thể nào cứ thế mà quyết định sẽ thích một người, mới được. Nhưng dĩ nhiên cô ấy chẳng nói gì, chỉ tiếp tục thoa cây son màu đỏ thắm, dẩu môi trước gương cầm tay.
“Mình thật không tin nổi cậu nữa, Darcy ạ!”
“Cậu làm sao thế?” cô ấy hỏi. “Annelise đâu có nổi giận khi mình thích Doug. Bọn mình đã san sẻ cậu ta với cả lớp hàng mấy tháng rồi. Đúng không, Annalise?”
“Còn h thế cơ. Mình bắt đầu thích cậu ta từ hồi hè. Cậu nhớ không? Lúc ở bể bơi ấy?” Annalise chen vào, lúc nào cũng không hiểu được toàn bộ câu chuyện.
Tôi lườm cô ấy, và cô ấy cụp mắt xuống, tỏ vẻ hối hận.
Chuyện kia khác. Đó là Doug. Cậu ta là người của công chúng. Nhưng Ethan là của riêng tôi mà thôi.
Buổi tối hôm đó, tôi không nói gì thêm nữa, nhưng trò cho-kẹo-hay-bị-ghẹo đã tan tành mây khói. Hôm sau đi học, Darcy chuyển cho Ethan một mẩu giấy, hỏi xem cậu ta thích tôi, cô ấy hay không thích đứa nào hết – cạnh mỗi lựa chọn có một ô vuông nhỏ, cùng với những lời chỉ dẫn là đánh dấu chọn một cái. Cậu ta chắc chắn đã chọn cái tên Darcy, bởi lẽ đến giờ giải lao thì bọn họ đã thành một cặp. Họ tuyên bố “hẹn hò” nhưng chưa bao giờ thực sự dành thời gian ở cạnh nhau, nếu không tính vài cuộc gọi buổi tối, thường được thảo ra từ trước cùng với Annalise luôn cười khúc khích bên cạnh Darcy. Tôi từ chối tham gia hay thảo luận về mối tình non nớt của cô ấy.
Trong suy nghĩ của tôi, điều quan trọng chẳng phải là ở chỗ Darcy và Ethan chưa từng hôn nhau, hay đó chỉ là năm học lớp năm, hay bọn họ “chia tay” hai tuần sau đó, khi mà Darcy hết hứng thú và quyết định lại thích Doug Jackson như trước. Chẳng phải ở chỗ, như mẹ tôi nói để tôi yên lòng, bắt chước chính là một dạng chân thực nhất của nịnh bợ. Điều quan trọng duy nhất là, Darcy đã cướp mất Ethan từ tay tôi. Có lẽ cô ấy làm vậy là vì cô ấy thực sự đã thay đổi cách nhìn về cậu ta; tôi tự nhủ với bản thân điều đó để không cảm thấy ghét cô ấy nữa. Nhưng có lẽ đúng hơn, Darcy cướp Ethan chỉ để cho tôi thấy rằng cô ấy cũng có khả năng làm được.
Thưa quý vị trong bồi thẩm đoàn, nói đúng ra. Darcy Rhone phải gánh chịu điều này. Gieo nhân nào, gặt quả ấy. Có lẽ đây là đòn trừng phạt đích đáng dành cho cô ấy.
Tôi hình dung ra gương mặt của những người trong ban bồi thẩm. Họ không hề bị tôi thuyết phục. Những bồi thẩm viên là nam giới đều tỏ vẻ sửng sốt – như thể hoàn toàn không hiểu gì cả. Chẳng phải đứa con gái xinh xắn nhất luôn luôn có được cậu con trai cô ta muốn sao? Thế giới này đúng ra phải vận hành một cách chính xác như thế. Một người phụ nữ có tuổi trong bộ trang phục trông thực tế bèn bĩu môi. Bà ta ghét cay ghét đắng cái kiểu so sánh khập khiễng như vậy – một vị hôn phu so với chuyện thích hồi lớp năm! Trời ơi đất hỡi! Một người phụ nữ ăn vận hoàn hảo, phần nào xinh đẹp, mặc bộ vest Chanel vàng nhạt đã đồng tình với Darcy và đứng về phe cô ấy. Tôi chẳng thể nói được gì để khiến bà ta đổi ý hay giảm nhẹ tội cho tôi hết.
Bồi thẩm viên duy nhất có vẻ xúc động khi nghe câu chuyện về Ethan là một cô gái hơi mập một chút, có mái tóc cắt ngắn qua vai màu cà phê hết sức đơn điệu. Cô ấy ngồi thõng xuống hàng ghế phía trong dành cho đoàn bồi thẩm, thỉnh thoảng lại đẩy gọng kính trên sống mũi khoằm. Tôi đã đánh trúng lòng thương cảm và sự công bằng của cô ấy. Cô ấy kín đáo tỏ vẻ hài lòng với việc tôi làm. Có lẽ là vì cô ấy cũng có một người bạn như Darcy, kẻ luôn luôn có được tất cả những gì mình muốn.
Tôi lại nghĩ hồi trung học, khi Darcy tiếp tục có được bất kỳ tên con trai nào cô ấy muốn. Tôi có thể thấy cô ấy hôn Blaine Conner cạnh tủ đồ của bọn tôi, nhớ lại nỗi ghen tỵ trào dâng khi tôi, kẻ không có bạn trai, bị buộc phải chứng kiến hành vi riêng tư không biết ngượng của họ. Blaine từ Columbus, bang Ohio, chuyển đến học ở trường chúng tôi vào mùa thu năm bọn tôi học lớp mười một, và ngay lập tức trở thành một người nổi bật ở khắp mọi nơi, trừ trong lớp học. Dù không thông minh sáng sủa, đến mùa xuân thì cậu ta đã trở thành cầu thủ đón bóng thuộc hạng sao trong đội bóng bầu dục, hậu vệ kiểm soát bóng trong đội bóng rổ và dĩ nhiên rồi, cầu thủ phát cú bóng đầu tiên ở môn bóng chày nữa chứ. Và nói vẻ bề ngoài đẹp trai như búp bê Ken của cậu ta, bọn con gái yêu cậu ta lắm. Doug Jackson chỉ xếp thứ hai thôi. Nhưng tiếc thay, Blaine đã có một cô bạn gái tên Cassandra ở Columbus rồi, cô gái mà cậu ta tuyên bố rằng “110 phần trăm thủy chung gắn bó” (một cách nói của dân thể thao, kiểu đó luôn khiến tôi phát bực vì rõ ràng về mặt toán học như thế là bất khả thi). Nhưng đó là chuyện trước khi Darcy nhúng tay vào, sau khi bọn tôi quan sát Blaine ném một cú bóng không ai đánh được về phía khu trung tâm và cô ấy quyết định rằng mình sẽ phải có được cậu ta. Ngày hôm sau cô ấy mời cậu ta đi xem Những người khốn khổ. Chắc bạn sẽ nghĩ rằng một dân chơi 3 môn thể thao như Blaine sẽ không thích thú với nhạc kịch, nhưng cậu ta lại hào hứng đồng ý hộ tống cô ấy. Sau buổi diễn, tại phòng khách nhà Darcy, Blaine để lại một vết đỏ khá lớn lên cổ cô ấy. Và sáng ngày hôm sau, một người có tên Cassandra ở Columbus, bang Ohio, đã bị “đá” qua điện thoại.
Tôi nhớ mình có nói với Annalise về cuộc sống may mắn của Darcy. Chúng tôi thường trao đổi về Darcy, điều đó khiến tôi băn khoăn tự hỏi không biết bọn họ buôn chuyện về tôi nhiều đến mức nào. Annalise nói chắc chắn rằng đó không chỉ vì vẻ ngoài xinh đẹp của Darcy hay thân hình hoàn mỹ của cô ấy, mà đó còn là sự tự tin, sức hấp dẫn của cô ấy nữa. Sự hấp dẫn thì tôi không biết, nhưng nghĩ lại thì tôi đồng ý với Annalise ở điểm tự tin. Cứ như thể hồi học trung học Darcy đã có được cách nhìn nhận của một người ba mươi tuổi rồi vậy. Cô ấy hiểu rằng không gì trong số đó thực sự quan trọng, rằng bạn chỉ sống có một lần thôi, và cũng nên sống hết mình. Cô ấy không bao giờ nhút nhát, không bao giờ thiếu tự tin. Cô ấy là hiện thân của tất cả điều mọi người vẫn nói khi nhìn lại thời trung học của họ: “Giá mà hồi đó mình biết được”.
Nhưng có điều này về Darcy và những chuyện hẹn hò mà tôi cần phải nói: cô ấy không bao giờ vì một tên con trai mà bỏ rơi chúng tôi. Cô ấy luôn luôn đặt bạn bè lên trên hết – đối với một đứa con gái học trung học thì đó quả là điều đáng ngạc nhiên. Thỉnh thoảng cô ấy bỏ rơi bạn trai hoàn toàn, nhưng thường thì cô ấy rủ cả bọn tôi đi cùng. Bốn người chúng tôi ngồi cùng một hàng ghế trong nhà hát. Cậu chàng được ưa thích trong tháng, rồi đến Darcy, Annalise và tôi. Cô ấy táo bạo và độc lập, khác với phần đông bọn con gái trung học, những đứa để cho tình cảm với bọn con trai lấn át cả bản thân. Có lúc tôi nghĩ chỉ là cô ấy không yêu bọn con trai cho lắm. Nhưng có lẽ Darcy chỉ muốn giữ quyền kiểm soát, và bằng cách làm một người yêu dành ít tình cảm cho người kia nhất, cô ấy có được điều đó. Dù đúng là ít quan tâm đến người kia hơn hay chỉ giả vờ như vậy, cô ấy vẫy bạn bè qua lại với tất cả những người đó, thậm chí cả khi đã cắt đứt quan hệ với họ rồi. Cứ xem Blaine là một ví dụ. Giờ cậu ta đang sống ở bang Lowa cùng vợ, ba đứa con và mấy con chó giống Labrador màu mâu, và hàng năm cứ đến sinh nhật của Darcy, cậu ta lại gửi e-mail cho cô ấy. Đó cũng là một kiểu quyền lực đấy chứ.
Thậm chí cho đến bây giờ Darcy vẫn còn kể lể về chuyện thời trung học tuyệt vời đến thế nào. Cứ mỗi lần cô ấy nói thế là tôi lại thấy ngượng ngùng, không thoải mái. Tôi thì cũng có những kỷ niệm đẹp về thời đó thật, tôi thích vì được nổi tiếng ở mức tầm tầm – một điểm lợi cũng thú vị khi là bạn thân nhất của Darcy. Tôi thích đi xem đấu bóng bầu dục cùng Annalise, vẽ mặt màu cam và xanh dương, cuộn mình trong những tấm chăn ngồi trên khán đài hạng xoàng và vẫy vẫy Darcy khi cô ấy ở dưới sân cổ vũ. Tôi yêu những tối thứ Bảy đi ăn ở quán kem Colonial, ở đó bao giờ chúng tôi cũng chỉ gọi ba món – một kem hoa quả, một bánh Snickers, một bánh hạt nhân phủ sô-cô-la đúp – rồi sau đó chia đều cho cả ba. Tôi yêu Bradon Beamer, người bạn trai đầu đời hẹn hò với tôi suốt năm lớp mười hai. Bradon cũng là một người sống nguyên tắc, một người theo đạo Thiên Chúa, là bản sao của tôi. Cậu ấy không uống rượu cũng không nghiện ngập, và thậm chí chỉ cần nói đến “chuyện ấy” thôi là cậu ấy cũng đã thấy tội lỗi rồi. Năm thứ hai trung học, Darcy đã trao thứ quý giá của mình cho Carlos, người Tây Ban Nha sang học theo chương trình trao đổi sinh viên. Cô ấy lúc nào cũng h dẫn tôi làm hư Bradon. “Nắm lấy ‘cái ấy’ của cậu ta như thế này này, mình đảm bảo xong ngay”. Nhưng tôi hoàn toàn lấy làm hạnh phúc, với những lần âu yếm thật lâu trong xe ô tô thể thao của nhà Bradon, và tôi thì chẳng bao giờ phải lo đến chuyện quan hệ tình dục an toàn hay lái xe trong lúc say rượu cả. Vậy nên, nếu những kỷ niệm của tôi không được đẹp huy hoàng thì ít nhất tôi cũng có vài khoảng thời gian vui vẻ đáng nhớ.
Nhưng tôi cũng có vô số những kỷ niệm buồn: những ngày mái tóc tôi trông thật khủng khiếp, những cái mụn trứng cá, những bức ảnh chụp ở lớp xấu ma chê quỷ hờn, không bao giờ được mặc những bộ quần áo hợp thời, những buổi khiêu vũ không có bạn trai cặp kè, mũm mĩm mà chẳng bao giờ giảm được cân nào, bị loại khỏi những đội tuyển, rồi thất bại trong cuộc bầu thủ quỹ lớp. Và cảm giác buồn bã, lo lắng không yên đến quá sức chịu đựng cứ tự đến rồi đi (hay nói chính xác hơn là mỗi tháng một lần) mà dường như tôi chẳng thể kiểm soát nổi. Thực ra thì đó là những chuyện điển hình của bọn thanh niên mới lớn. Chuyện thường ngày ấy mà, bởi lẽ nó xảy ra với tất cả mọi người. Tất cả mọi người trừ Darcy, thế đấy, cô ấy bước qua bốn năm trời với biết bao thay đổi ngỡ ngàng ấy mà chẳng bị gạt ra bên lề, chẳng chịu những ảnh hưởng xấu xí của tuổi dậy thì. Tất nhiên là cô ấy thích trường trung học rồi – trường trung học cũng thích cô ấy mà.
Có vẻ như với những đứa con gái nhìn nhận về thời niên thiếu của họ theo cách đó thì về sau, trong cuộc sống, họ cũng phải chịu đựng nhiều. Họ đến ngày họp mặt kỷ niệm mười năm với thân hình tăng lên chín cân, đã ly hôn, và hồi tưởng lại những ngày tháng huy hoàng đã qua từ lâu. Nhưng đối với Darcy, những ngày tháng huy hoàng ấy chẳng hề trôi xa. Không có khó khăn va vấp và cũng không mất mát gì cả. Đúng ra, cuộc sống chỉ ngày càng trở nên ngọt ngào hơn với Darcy mà thôi. Như mẹ tôi có lần đã nói, không giống như những người khác, Darcy có cả thế giới trong tay mình. Đó là một lời nhận xét không sai chút nào – và đến tận bây giờ vẫn còn đúng. Darcy luôn luôn có được những gì cô ấy muốn. Trong đó có cả Dex, một vị hôn phu trong mơ.
° ° °
Tôi để lại một lời nhắn vào di động của Darcy vì cô ấy sẽ tắt máy trong lúc xem phim. Tôi bảo rằng mình mệt lắm, không đi ăn tối được. Chỉ cần thoát được điều đó là tôi đã thấy đỡ nôn nao rồi. Thực ra, đột nhiên tôi cảm thấy rất đói. Tôi tìm thấy mấy cái thực đơn và gọi điện đặt một chiếc hamburger với pho mát và khoai tây chiên. Chắc là đến ngày Tưởng niệm Liệt sĩ tôi không kịp giảm hai cân rồi. Trong lúc chờ người ta mang đồ ăn đến, tôi hình dung ra cảnh mình và Darcy nghịch ngợm quyển s điện thoại từ bao nhiêu năm về trước, tự hỏi không biết tương lai sẽ ra sao và tuổi ba mươi sẽ mang lại cho chúng tôi điều gì.
Và tôi giờ thế này đây, không có anh chồng bảnh bao, không có hai nhóc, không người trông trẻ có trách nhiệm. Thay vào đó, ngày sinh nhật theo đúng chuẩn của tôi lại bị một hành động đáng xấu hổ phá hỏng mãi mãi… Ôi, thì thôi vậy. Có dằn vặt trách cứ bản thân vì chuyện đó cũng vô ích. Tôi nhấn nút gọi lại trên điện thoại và thêm vào yêu cầu đặt hàng một hộp sô-cô-la sữa lắc loại to. Tôi thấy cô gái ngồi trong góc dành cho bồi thẩm đoàn nháy mắt với mình. Cô ấy nghĩ món sữa lắc đúng là ý tưởng tuyệt vời. Dù sao đi nữa, chẳng phải ai cũng đáng có được vài phút yếu lòng trong ngày sinh nhật của mình hay sao?