Xuân Yến

Chương 54: Khánh Trường - Yêu là ảo giác thẳm sầu


Đọc truyện Xuân Yến – Chương 54: Khánh Trường – Yêu là ảo giác thẳm sầu

Chiều hè tháng Bảy. Cô tỉnh giấc, thấy mình ngồi dậy trên chiếc chõng tre nghỉ trưa, đẩy cửa gỗ, đi ra sân.

Nắng tản mạn nhuộm sân thành một bình nguyên trắng xóa. Trời chiều oi ả. Hoa dành dành chi chít trên cây, tỏa hương nồng nồng như lên men.


Chân xỏ đôi dép lê nhựa màu hồng tím do bà nội mua cho ở chợ. Tóc cúp, váy trắng. Khánh Trường năm tuổi men theo con ngõ nhỏ hẹp uốn lượn qua các nhà, đi xuống dòng suối bên đường cấp phối. Hết ngõ, không gian mở ra thoáng đãng, những dãy núi xanh lừng lững trập trùng, tiếng nước róc rách vang từ xa lại. Thế giới ngưng đọng như tranh sơn dầu, không gió thổi không cỏ động.

Dòng nước chảy tới, xối mạnh vào bờ và đá. Xách giày lội xuống, nước ngập ngang đầu gối. Đáy trải dày thủy tảo xanh lục, cá bé tôm nhỏ nhẹ nhàng lượn lờ, đá cuội sắc cạnh cà vào lòng bàn chân. Băng qua suối ngập nắng, đi sang bờ bên kia. Đằng xa, sóng vàng lăn tăn trong gió, toát ra một thứ phong vị thôn dã hầm hập mùi đất. Hoa cúc tây nở rộ, chộn rộn bạt ngàn như ráng mây.

Trong bụi cỏ có phúc bồn tử, cô cúi mình ngắt lấy một trái đỏ đã được mặt trời hun nóng, nhẹ nhàng đặt lên lưỡi. Ngẩng đầu, bắt gặp con bói cá đang nghỉ đỗ giữa những tảng đá gần bờ đột nhiên lao vọt lên, cất tiếng kêu trong trẻo trầm bổng. Cánh lấp lánh ánh tím xanh như đá quý, như một tia sáng thầm lặng bay vút tới nơi xa.

Tất cả trải ra lớp lang thứ tự. Kí ức ấu thơ của Khánh Trường bắt đầu từ thôn làng hẻo lánh giữa trùng điệp núi non Sùng Sơn. Cảnh tượng này chưa bao giờ tiêu tan trong tâm trí, trong giấc ngủ, trong lúc bồi hồi trước khi vào mộng, trong mỗi lần nhận ra ranh giới với hiện thực đã nhòa mờ, cứ như có một tấm gương từ nơi ngực dâng lên.


Hồi ức thì chân thực chính xác, mà hiện thực lại gây cảm giác biến ảo vô thường. Giống như cô của tuổi hai mươi bảy, được tàu chở vụt qua bình nguyên bao la lúc tinh mơ, bừng tỉnh giữa những giấc mộng lặp đi lặp lại. Ngoài cửa sổ tối om, thi thoảng mới thấy đèn lửa loáng thoáng lướt qua, sương buông dày nặng. Trong toa tắt điện, chỉ còn đèn hành lang cần mẫn rọi xuống lối đi nhỏ hẹp. Tàu lao rất nhanh, bánh sắt nghiến vào đường ray nghe chói cả tai. Chuyến đi tiếp tục. Hướng về Chiêm Lý. Hành trình trên tàu chỉ là mộng, còn hành trình trong mộng mới dẫn đến đích chăng. Không xác định được.

Trong mộng xuất hiện cô bé năm tuổi, có mối quan hệ đơn thuần mà cởi mở với mọi chuyện mọi vật, mối quan hệ này đã được đóng sâu xuống nền đất, không thể lay chuyển, cứ thế tồn tại một cách vững chãi trong số mệnh cô. Nó run rủi cô gái mười bốn tuổi bước xuyên đường hầm qua núi, không sợ hãi, một mình tiến thẳng về phía ánh nắng bóng hoa; run rủi người phụ nữ hai mươi bảy tuổi thăm thú một cây cầu vòm cổ xưa ở miền quê hoang vu Chiêm Lý, run rủi người ấy nhẹ nhàng nhảy xuống khỏi bệ cửa sổ đi theo Thanh Trì vào bể ái, cũng run rủi cô bền bỉ vùng vẫy và kiếm tìm. Tìm những đích đến chân thực đẹp đẽ lấp lánh sáng, tin tưởng chúng, sẵn sàng trả giá, chưa chùn bước bao giờ.


Nhưng chắc chắn là còn một cái tôi khác rơi rụng bên ngoài. Định sẵn là cô phải phù du điêu linh không nơi dựa dẫm trong cõi người, định sẵn là cô phải theo đuổi tình cảm với cơn đói khát gần như cố chấp và tham lam, định sẵn là cô và Thanh Trì sẽ chỉ làm tổn thương lẫn nhau trong quan hệ rắc rối của họ, định sẵn là bề ngoài độc lập mạnh mẽ của cô đang che giấu một nội tâm sứt mẻ đau đớn lâu dài. Cái tôi ấy như một người đàn ông dũng cảm, lẻ loi bước vào khu rừng sâu hút giữa đêm khuya, rời xa nhân thế, không có lấy một ngọn đuốc trong tay. Không tài nào tìm thấy vị trí của mình trên trần gian này.

Bây giờ đây. Cô ba mươi tuổi, lơ mơ tỉnh lại trên chiếc máy bay đang hạ dần độ cao giữa tiếng động cơ rì rì. Ngoài cửa sổ hiện ra những khoảnh ruộng bậc thang vòng quanh và những dãy núi trập trùng, trải dài mướt mát. Tiếp viên thông báo, nửa tiếng nữa, máy bay sẽ đáp xuống phi trường Quý Dương.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.