Đọc truyện Xuân Yến – Chương 5: Khánh trường chim trắng (2)
2 giờ 50 phút
chiều. Đúng giờ, cô có mặt tại quán cà phê ở tầng trệt tòa nhà CBD. Công ty của người kia ở tầng trên. Sau gần hai tiếng đồng hồ lơ lửng giữa
không trung và xóc nảy trên đường, uống một tách cà phê nóng thơm ở quán là sự thu xếp chu đáo. Có lẽ anh ta cũng muốn nhân cơ hội này thư giãn
một chút nên không hẹn gặp cô ở văn phòng, cô nghĩ.
Khánh
Trường đến sớm mười phút. Vào nhà vệ sinh,vã nước lên, rửa thật sạch mặt và các ngón tay, tẩy trôi bụi đường để đầu óc được tỉnh táo. Trong
gương hiện lên khuôn mặt một Khánh Trường của tuổi hai mươi bảy. Kiểu
tóc dài buông xõa vẫn duy trì từ thời thiếu nữ, rẽ và chải thẳng không
trang sức, tóc dày đen khỏe khoắn. Sơ mi trắng cổ lá sen, quần denim,
giày thể thao, phong cách trung tính. Sau bao hành trình gồ ghề ăn gió
nằm sương, làn da trở nên thô và sẫm lại, hệt như một quả lê vẫn còn
cuống xanh nhưng đã mất hết vị tươi ngon lúc mới hái.
Từ
chỗ ngồi của mình cô nhìn thấy Thanh Trì đẩy cửa bước vào, bèn đứng lên
đón anh, vẻ mặt nghiêm túc nhưng không khách sáo. Thanh Trì mặc sơ mi
trắng kẻ sọc xanh nhỏ, quần dài đen, giày da đen, phục sức chỉnh tề đúng như quản lý cấp cao của một doanh nghiệp nước ngoài. Anh có vóc dang
đàn ông phương Bắc, cao lớn đĩnh đạc, ưa vận động, cơ bắp rắn rỏi. Đầu
để kiểu flattop. Mắt một mí hơi xếch về phía thái dương, đuôi mắt sắc và nhạy. Vẻ ngoài đứng đắn đôn hậu. Về sau cô được biết bà cố tổ anh là
người Tokyo Nhật Bản. Anh nói tiếng phổ thông chuẩn miền Bắc. Cách phát
âm và trọng âm đem lại cho người ta cảm giác an tâm.
Cô còn chú ý đến nụ cười, từ đuôi mắt dài mảnh tỏa ra mấy nếp nhăn sâu và dài, trông rất gợi cảm.
Cô chiểu theo đề cương đã lên sẵn để thống nhất kế hoạch với anh. Fiona
yêu cầu cô đến nhà anh phỏng vấn, tiện thể phỏng vấn gia đình gia đình
anh luôn. Thanh Trì bằng lòng, nói buổi tối ở nhà vừa may có chiêu đãi
khách khứa, vợ anh sắp đưa con về Vancouver nên sẽ tổ chức một bữa tiệc
chia tay, cô có thể đến dự chung. Khánh Trường chợt cảm thấy lòng trống
rỗng, lý trí dừng hoạt động. Cô thất thần mất mấy phút. Mắt nhìn cảnh
chiều nặng buông ngoài cửa sổ, khuôn mặt xuất hiện vẻ bần thần ngơ ngác. Anh hỏi, cô mệt à? Cô quay mặt lại. Không mệt, cô đáp.
Họ nói chuyện rất lâu, mà tưởng như một câu cũng chưa hề trao đổi.
Tất cả những cuộc phỏng vấn kiểu này chỉ thu được hiệu quả chừng mực.
Mọi lời Thanh Trì nói với cô đều là sự tái lặp nội dung mà anh từng trả
lời trong nhiều lần phỏng vấn khác, là một bài phát phiểu thấu đáo đã
được vạch sẵn và nắn nót cẩn thận đến từng chi tiết. Công ty có sản phẩm mới sắp ra thị trường, anh cần phối hợp với phương tiện truyền thông để quảng bá. Ngôn từ bởi vậy chặt chẽ kín kẽ, đương nhiên không đủ độ chân thực, nhưng đây là cuộc phỏng vấn mà Fiona đã nghiêm túc tinh giản và
lên khung sẵn, cô biết tờ báo của cô cần những gì.
Đây
không phải là bài báo của Chu Khánh Trường. Cô không bao giờ dùng hình
thức này để đối diện với người phỏng vấn, không muốn phung phí thời gian của cả hai bên. Thanh Trì nói, hết giờ làm rồi, để tôi đưa cô về nhà
tôi. Hi vọng cô sẽ được thư giãn ở bữa tiệc.
Anh lái một
chiếc xe màu đen, của Đức, kiểu dáng đơn giản. Khoang xe rộng rãi, nhiệt độ vừa phải. Phảng phất mùi nước hoa tương trong. Khánh Trường gồng
mình, tự chủ đang là giờ tác nghiệp, chưa đến lúc thả lỏng. Nhưng không
hiểu sao cô không thể giữ vững nguyên tắc trước người đàn ông này. Nhạc
anh bật là bản giao hưởng của Shostakovich. Chặng đường không xa, đích
đến là một biệt thự thuộc khu ngoại giao đoàn Lệ Đô. Cô gà gật mấy lần,
hết nhắm mắt lại choàng tỉnh, rất mệt mỏi. Anh ở bên cạnh, khẽ thở dài
nhưng không nói năng gì, chỉ im lặng lái xe. Vành đai 3 đang tắc nghẽn,
dòng xe chật ních nhích từng bước một.
Màu chiều buông trùm thành thị, phố xá bắt đầu lên đèn.
Cô thiếp đi trên ghế, bên cạnh anh.
7
Trong giấc mơ, cô thấy mình du lịch đường dài với mẹ.
Tháng Tám, thành phố hình lòng chảo hầm hập hơi nóng, hồ nước sóng gợn lăn
tăn bên đường cũng không đủ làm dịu đi. Cô thấy sen trên mặt hồ tàn tạ
như đã cạn sự sống, viền lá to rộng ngả vàng. Những đài hoa chưa nở hết
như bị thiêu cháy, phản chiếu xuống làn nước. Hương hoa rữa nát xộc
thẳng vào khướu giác. Mẹ bắt một chiếc tắc xi, dẫn cô cùng đến quán trà
Thanh Đôn gặp một người đàn ông. Tắc xi không sạch sẽ, lại thêm điều hòa hỏng. Mẹ lau khuôn mặt đánh phấn, mồ hôi bắt đầu túa ra. Bình thường mẹ không trang điểm, nếu trang điểm là thể nào cũng nhếch nhác, đường kẻ
mắt nhòe màu, phấn không đều, son cũng lem luốc. Nhưng càng bôi bác, vẻ
đẹp của mẹ lại càng nổi bật. Dù bộ dạng không hài hòa không cân đối, mẹ
vẫn ngời ngời rạng rỡ.
Họ ngồi ở một phòng trà đặt giữa hoa
viên, vốn là một đình hóng mát cải tạo lại, có vách kính bao quanh kết
cấu cũ kĩ ấy. Nắng chói chang, mẹ và người đàn ông ngồi đối diện hai bên chiếc bàn bằng gỗ long não. Phục vụ bưng vào một ấm trà xanh, một đĩa
hạt hướng dương, một đĩa ô mai,một hũ sứ đựng lá trà, lại đặt hai bình
nước nóng dưới gầm bàn rồi đóng cửa lui ra. Mẹ bận đầm dài bằng vải bông sợi nhỏ màu thiên thanh, đôi bàn chân trần xỏ giày thêu hoa, cổ đeo một hạt mã não cũ xỏ sợi dây màu nâu sẫm. Người đàn ông có làn da sáng mờ
trong nắng mùa hạ.
Khánh Trường đứng bên vách kính, trông
ra cái hồ rộng vô biên từ khung cửa rộng vô biên ấy. Không khí ẩm ướt
nằng nặng quanh mình. Mặt kính phản chiếu gương mặt mẹ, ngồi đối diện
người đàn ông, im lặng một hồi lâu, nhìn ra hồ, rồi lại nhìn lên trời.
Không khí ngập đầy những vương vấn, dày đặc mà trơn bóng như những sợi
tơ. Mẹ từ từ giở hộp thuốc lá vẫn hút thường ngày, là thuốc yên thảo bạc hà đặc sản của vùng này. Gỡ vỏ hộp ra, vuốt hồi lâu cho phẳng và mềm
rồi đẩy sang người đàn ông, nói, tôi muốn xem chữ của anh. Người đàn ông đón lấy, cúi xuống, mái đầu đen nhánh, tay cầm chiếc bút dạ mà người
phục vụ dùng để ghi thực đơn, viết một dòng chữ: Chuyện đời là một cơn
mơ, kiếp người mấy độ ngẩn ngơ lạnh lòng.
Năm ấy, Khánh Trường năm tuổi.
Qua hình phản chiếu trong kính, cô trông thấy mẹ cầm vỏ bao thuốc lá, soi
lên nắng nhìn nét chữ người đàn ông viết trên đó, cứ như họ đang gặp
nhau ở thời đại thủy mặc bút nghiên, tâm đầu ý hợp, non cao nước xa. Mẹ
hai mươi sáu tuổi, vẫn còn trẻ. Bên kia hồ san sát nhà cao tầng, trông
như bộ xếp hình bằng nhựa, xấu xí, cẩu thả, hỗn độn. Trong mùi hương rữa nát nhức mũi của hoa sen, mẹ cô và người đàn ông có làn da sáng mờ đó
yêu nhau. Viết tiếp câu sau lên mảnh vỏ thuốc: Cuộc đời của một người
trôi qua như thế đấy. Cô bé đứng bên vách kính chẳng có việc gì làm, bèn chăm chú nhìn một con diệc trắng phau đột nhiên nhao ra khỏi tàng cây
rậm rạp, chân dài duỗi thẳng, cánh dang phẳng rộng, mỏ ngậm một con cá
chép bay ngược lên phía các nóc nhà.
Vòm không ngày hè
thoáng đãng, xanh ngắt không một gợn mây, trong sáng như gương. Bóng con chim lớn thư thái lướt qua, vạch ra trên cao một đường trắng bạc, Khánh Trường nhảy lên, gõ gõ ngón tay vào vách kính nóng sực, reo khẽ, nhìn
kìa, nhìn kìa, nó bay đến đằng kia rồi. Nắng gắt xói vào trán cô, mắt
như bắn ra toàn vụn thủy tinh. Mẹ từ đằng sau vươn tay tới, các ngón mát lạnh bưng lấy mắt cô. Mẹ nói, suỵt, suỵt! Khánh Trường, trật tự nào.
Mẹ và người đàn ông đó có nhìn thấy con chim kia không nhỉ! Thấy hay
không cũng không quan trọng. Mẹ lúc này không chỉ là mẹ của Chu Khánh
Trường, bà còn đại diện cho chính bản thân bà tồn hiện trên thế gian,
một người phụ nữ cô đơn cần tình cảm. Cha trầm lặng kiệm lời, có lẽ chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng mà bình thường mẹ cất giấu bên dưới những
bất hợp lý và thiếu cân bằng. Mà đây vốn là nơi chốn chứa đựng bản chất
của cuộc đời người phụ nữ. Dù được ngắm nhìn và thưởng thức hay không,
bà cũng sẽ tàn tạ đi theo thời gian. Chỉ có điều tính cách mẹ mạnh mẽ,
không thể nào cam chịu được.
Năm Khánh Trường sáu tuổi, mẹ yêu cầu ly hôn. Cha mẹ càng ngày càng không thể sống chung được nữ,
thường xuyên gây chuyện, trách móc lẫn nhau, đập nát tất cả bát đĩa
trong bếp, trường kì ly thân. Mỗi người là một cá thể lương thiện, nhưng hễ xuất hiện bên người kia là lại mặt lạnh như tiền oán thán lẫn nhau.
Đây thực sự là một mối nhân duyên không thể suy luận và giải thích giữa
người với người. Số phận đã định sẵn rằng sự đẹp đẽ giữa họ sẽ xói mòn,
chỉ còn cách tìm đường thoát ly. Cha không đồng ý. Mẹ đơn phương gửi đơn ra tòa, khăng khăng bỏ đi bất kể giá nào. Không ai biết đến sự tồn tại
của người đàn ông nọ. Khánh Trường tự nhủ rằng mình phải giữ trật tự. Sẽ không bao giờ nhắc chuyện du lịch đường dài đó với ai.
Mẹ
muốn dẫn cô bỏ đi, nhưng bà nội và cha dứt khoát không cho. Thậm chí bà
nội còn rời quê nhà Đường Khê lên thành phố, ở nhà họ để đợi quyết định
của tòa án. Vì sao cha mẹ kết hôn, vì sao sinh cô ra, lịch sử của người
lớn khiến trẻ con không tài nào hiểu nổi, nhưng lại bắt chúng phải gánh
chịu hậu quả. Cô nằm trên giường nhỏ, chập chờn thức giấc, trong phòng
khách chật hẹp, bà nội sụt sịt khóc mãi, chú ngồi bên khe khẽ an ủi. Bà
nội nhìn Khánh Trường, càng thêm thương xót, lo lắng đứa cháu thơ dại
rồi sẽ mất cân bằng êm ấm vì cha mẹ chia ly. Cô nghe rõ bà nội cứ lặp đi lặp lại tiếng lòng đau đớn, Khánh Trường biết làm thế nào, Khánh Trường biết làm thế nào đây.
Cô chỉ cảm thấy ưu tư vì kết cục không liên quan gì đến mình. Lơ mơ một lúc lại chìm vào giấc ngủ.
Phần lớn thời thơ ấu cô sống ở Đường Khê với bà nội. Cha mẹ thi thoảng đến
thăm, lễ tết thì đưa cô về thị xã ở cùng. Cứ đảo qua đá lại như thế. Cha mẹ bận làm ăn, bôn ba dài ngày, không gần gũi với cô cho lắm. Mẹ không
thuộc phạm trù phụ nữ bình thường, không làm việc thì lại du lịch, đọc
sách, hội họp và đủ mọi chuyện không liên quan. Mẹ yêu Khánh Trường, hễ
gặp là ngồi xuống dang tay ra đón cô chạy ào vào lòng rồi ôm cô thật
chặt. Bất kể thế nào, đây là người mà mẹ cưng chiều nhất đời. Mua cho cô áo váy đồ chơi kẹo bánh các loại, gia cảnh không sung túc gì nhưng luôn cố sức để cô được vui.
Cho dù là vậy, mẹ vẫn là một người
mẹ liên tục nhảy việc, thường xuyên xa nhà và thích ở một mình. Vào
những đêm hiếm hoi ngủ cùng mẹ, cô nằm trên giường ngắm người phụ nữ trẻ đó, mặc áo ngủ trắng đính đăng ten mảnh, ngồi thật lâu trước bàn trang
điểm hình bầu dục, cầm chiếc lược lông lợn chải mái tóc dài. Những sợi
tóc đen dày chảy mượt như mây. Ở mẹ có một sức mạnh, do sức sống dồi
dào, tình cảm mãnh liệt, tính cách phóng khoáng, ý chí và lý tính quấy
trộn vào nhau mà thành. Sức mạnh này khiến mẹ nảy sinh tinh thần chống
đối quyết liệt và rõ rệt với cuộc sống. Mẹ giống như một biểu tượng,
vượt qua mọi thứ dung tục u ám trên đời.
Đêm khuya cô bừng
tỉnh, người phụ nữ đang ngồi bên mép giường vươn tay ôm chặt lấy cô,
vuốt ve mái tóc và khuôn mặt cô, thương yêu vô hạn. Cô không biết có
phải là trời đã sáng hay không, trong phòng yên tĩnh, chỉ có ánh đèn ngủ hắt mờ mờ trên khuôn mắt mẹ. Mẹ không trang điểm, sắc mặt nhợt nhạt,
khóe mắt ứa lệ. Giống như một nụ cười xa xưa. A, nụ cười của mẹ luôn
khiến người ta lưu luyến như vậy. Ôc gọi mẹ, mẹ ơi, mẹ, vẫn bộ dạng ngái ngủ, mắt không mở ra. Mẹ vuốt trán, vuốt tóc mai cô, vô cùng quyến
luyến, nhẹ nhàng nói, Khánh Trường, con phải nhớ, mẹ yêu con. Mẹ rất yêu con.
Những giọt nước mắt rỏ tí tách xuống cổ và má ấm nóng trong tích tắc, nhưng con trẻ không quan tâm, chỉ hỏi dồn, mẹ ơi, ngày
mai mẹ đưa con đến vườn thú nhé, con muốn xem hươu cao cổ. Mẹ nói, được, đưa con đi, mẹ con mình cùng xem hươu cao cổ. Đưa con đi ăn cả mằn thắn nữa. Con là cục cưng của mẹ, là em bé xinh đẹp nhất trên đời. Nghe lời
hứa và lời khen của mẹ, cô rất vui vẻ, nhắm mắt êm ả ngủ thiếp đi. Dấu
lệ của mẹ sót lại trên mặt vẫn âm ấm chưa khô.
Khánh Trường năm sáu tuổi chưa hiểu được nỗi đau sinh ly tử biệt trên đời, tâm hồn
hoàn toàn ngây thơ vô tri. Mẹ giã biệt cô, nỗi đau này trong những tháng năm dằng dặc về sau mới dần dần thành hình và thấm thía, rồi trở nên
nặng trĩu theo thời gian, cuối cùng nghiền nát cô. Mẹ đã ly hôn với cha
như thế. Không mang Khánh Trường, không mang hành lý theo, dỗ dành để cô ngủ, rồi ngay tối hôm đó đáp xe lửa rời khỏi Vân Hòa, đi đến nơi xa tít tắp.
Mẹ cao chạy xa bay.
Trong mơ, Khánh
Trường trông thấy mình, cô bé con đứng bên vách kính, tưởng chừng chưa
hề chia xa với buổi chiều mùa hè nóng nực hư ảo ấy. Nếu đời người có thể có kì tích thì coi như mẹ đã chìa tay ra đón nhận nó rất nhanh chóng,
không hề trù trừ. Còn cha, chẳng bao lâu mắc bệnh, hôn nhân tan vỡ, sự
nghiệp thất bại, rã rời suy sụp triền miên rồi nằm liệt giường. Bà nội
chăm sóc cho cuộc sống của hai cha con, không cho phép mẹ thăm nom. Mẹ
đã lấy chồng mới. Về sau chuyển đến Thâm Quyến. Đường sá xa xôi, không
bao giờ quay lại nữa.
8
Cô yêu thiết tha người phụ nữ trẻ phản chiếu trên vách kính hôm ấy, đẹp đẽ căng tràn, giống như một bông hoa đang độ nở rộ nhất dưới nắng ấm. Cô
sẵn sàng yêu mãi như vậy. Lúc mười sáu tuổi, cô cũng từng oán hận một
lần. Trưởng thành rồi, lại một lần nữa cô tha thứ cho mẹ. Ai cũng phải
cô độc đối mặt với tiếng gió rít gào với miệng núi cheo leo với vực thẳm sâu hút của cuộc đời, bản thân mình không biết tự bảo vệ thì còn ai che chở bao bọc cho mình được lâu dài đây.
Khánh Trường không còn tin vào tình cảm. Nói cách khác, niềm tin của cô đã tiêu tan bởi hiện thực vụn vỡ trống rỗng.
Xét đến tận cùng, cô là một kẻ bị đánh bại.
Hai mươi bảy tuổi, Chu Khánh Trường từng bị đánh bại đó ngoi ra khỏi đống
đổ nát giả tạo của hiện thực, xuất hiện bên Hứa Thanh Trì.
Cô tỉnh lại. Thấy xe dừng ở hầm đỗ xe, Thanh Trì đang đọc tài liệu dưới
ánh sáng của ngọn đèn trần. Ngủ đã bao lâu cô cũng không biết. Anh vẫn
cứ thế đợi cô tỉnh dậy. Trên mình cô đắp chiếc áo khoác tỏa hương dìu
dịu. Có lẽ là kết hợp của các mùi địa y, tuyết tùng, lan Nam Phi. Cô mơ
hồ phân biệt từng tầng mùi thoang thoảng, thần trí mơ màng. Hai người ở
rất gần nhau, bưng kín trong không gian chật hẹp đang lững lờ một cảm
giác thân mật yên ả, như thể họ là một cặp đã sống bên nhau cả mấy chục
năm trời.
Người đàn ông mới gặp lần đầu này tạo ra quanh cô bầu không khí tự nhiên gần gũi mà cô chưa từng gặp ở ai. Không hiểu vì
sao, cảm thấy anh ta thân thiết như vậy mà chỉ có thể đáp lại bằng sự
yên lặng. Một cảm giác ập tới, mãnh liệt, thẳng thừng, khiến người ta
không kịp trở tay. Cô muốn phân tích và từ tốn xác nhận nó, bèn ngồi
thẳng người dậy, nhẹ nhàng nói với anh rằng, tôi ngủ quên mất, xin lỗi,
làm lỡ thời gian của anh. Trên vẻ mặt lạnh nhạt thường nhật, nụ cười nở
ra khoe hàm rắng trắng đều, hồn nhiên vô tư như trẻ nhỏ, không để lộ dấu hiệu hay cảm xúc nào quá mức. Anh nhìn vào mặt cô, không nói không
rằng. Họ cùng xuống xe.
Vì sao chuyến công tác này lại mệt
mỏi đến thế, rồi bao nhiêu lần chìm sâu vào giấc ngủ mê mệt nữa, cô
không tài nào lý giải được. Đây không phải là tác phong thông thường của cô. Có lẽ một năm qua cô chịu nhiều áp lực quá. Bài vở có nội dung đa
dạng, quan điểm rõ ràng, giữ chân được một lượng độc giả ổn định, khơi
gợi được nhiều dư luận sôi nổi trong và ngoài giới. Dù vậy công việc này mới tận dụng được phân nửa khả năng trời phú của cô. Nhưng nếu muốn thể hiện thêm thì không khỏi vấp phải các phản ứng công kích và ngờ vực.
Cô ý thức được rằng công việc của mình không có tương lai. Giữ khoảng cách và đi ngược lại dòng chảy chính của xã hội thì không thể lấy được tài
trợ quảng cáo hay xây dựng được quan hệ hợp tác thương mại với những
nhãn hàng lớn. Ai cũng biết thời trang và giải trí rất hấp dẫn đối với
công chúng. Và tòa soạn nào cũng sợ các rủi ro liên quan đến tư tưởng
quan điểm.
Phát hành ra, được khen hay nhưng bán không
chạy, gây áp lực không nhỏ lên phòng thị trường. Tạp chí đổi tổng biên
tập và thư kí tòa soạn. Lần này người cầm lái là người theo chủ nghĩa
thực dụng, lý tính vô cùng. Khánh Trường toàn viết những bài gây tranh
cãi, chi phí của cô lại thuộc loại cao trong ban biên tập. Cho dù cô đề
xuất ở khách sạn giá rẻ, tiết kiệm ăn ở và đi lại thì tất cả suy đến
cùng vẫn là tốn kém, cứ thế mãi thì ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận. Tạm thời chưa ai định sa thải Chu Khánh Trường, nhưng họ cũng không biết
phải để cô tiếp tục công việc ra sao. Triển vọng nghề nghiệp của cô hoàn toàn mù mịt.
Khánh Trường quyết định làm một số nữa rồi
thôi. Tháng Mười Hai cô sẽ đi Chiêm Lý, một thôn làng nơi núi non hẻo
lánh đang bảo tồn một công trình kiến trúc cổ và mấy cây cầu vòm lâu đời bằng đá và gỗ. Các di sản truyền thống ấy đang dần bị hủy hoại và tiêu
biến vì nhiều nguyên nhân như lũ lụt, mở mang đường sá và kinh tế hóa
thôn làng.
Cô gặp gia đình anh.
Một tư gia điển hình của tầng lớp thượng lưu. Biệt thự đẹp đẽ, ngăn nắp và hài
hòa, tọa lạc giữa hoa viên mùa thu. Bãi cỏ bằng phẳng rộng rãi, những
rặng anh đào và thường xanh xén tỉa gọn ghẽ, bể bơi nước trong biêng
biếc. Qua vách kính, có thể trông thấy tường dán giấy lụa, trần treo đèn chùm pha lê, sàn kê xô pha giấm, trải thảm lông cừu, bàn trà bày tượng
nhỏ và các món đồ thủ công mĩ nghệ cùng bộ ấm chén bằng sứ kiểu Anh để
dùng bữa trà chiều. Trong ga ra có xe việt dã, xe thể thao và lổng chổng xe đạp, ván trượt của trẻ con.
Cuộc sống của học hiện ra
sung túc, yên ổn, dư dả tự do và nhàn nhã. Khung cảnh này đối với Khánh
Trường mà nói là hết sức xa lạ. Cô không thuộc về giai tầng của họ.
Nhưng cô lại cảm thấy đây là lối sống mà con người nên được hưởng. Lẽ
nào người ta không đáng được sinh tồn trong môi trường sạch sẽ và thẩm
mĩ, không đáng tận hưởng lạc thú, ung dung và thư thái, không đáng –
trong những năm còn sống – có được sự tôn nghiêm, vui vẻ, được thỏa mãn
đầy đủ cân bằng về vật chất và tinh thần? Bần cùng, rủa xả, dằn vặt, dơ
bẩn, xấu xí… đâu có phải là tình trạng bình thường!
Vợ
của anh. Phùng Ân Kiện. Mặc váy dạ hội bằng tơ tầm dài chạm đất, nhan
sắc bình thường nhưng phong thái tao nhã. Bụng lùm lùm, sắp đáp máy bay
về Vancouver đợi ngày sinh nở. Đưa cả các con theo cùng. Cậu bé mười hai tuổi. Cô bé lên năm. Sắp thêm một bé trai nữa chào đời. Nhiếp ảnh gia
do Fiona phái tới đã đến nơi, chụp cả gia đình họ trước lò sưởi ở đại
sảnh. Một mai tấm ảnh này được đăng lên, kiểu gì cũng là một liều thuốc
trợ tim hiệu nghiệm cho giá trị quan chung của xã hội, rằng: đàn ông
phải thành đạt.
Phụ nữ muốn lấy người đàn ông thành đạt. Cuộc sống thành đạt là phải như thế này.
Tiệc toàn những gương mặt cô không quen, rất nhiều người nước ngoài, trò
chuyện với nhau bằng đủ mọi thứ tiếng, sâm banh, đồ ăn vặt tự phục vụ,
hoa tươi, đèn chùm, áo xiêm lộng lẫy, cười nói rộn ràng… Môi trường mà Fiona tiếp xúc và đăm đuối chắc là như thế này đây. Người phụ nữ thông
minh xinh đẹp nhường ấy, tốt nghiệp đại học danh giá, cố gắng hoàn thiện bản thân, mong được xã hội công nhận, mục tiêu sau cuối chẳng qua là để lấy được tấm chồng thuộc giai tầng cao hơn mình, hưởng thụ cuộc sống ở
một đẳng cấp khác.
Fiona nồng nhiệt yêu đương, nhưng không
duy trì quan hệ nào ổn định. Cô hiểu rõ những yêu cầu của bản thân. Cốt
tủy cô là một thiếu nữ phố huyện, hi vọng cưới được một người đàn ông
đáng để gửi gắm cả đời. Người ấy không thể là loại bình thường giơ tay
là thấy cô gặp hằng ngày, bởi bọn họ không đủ khả năng đem lại mức sống
mà cô mong ước: đổi quốc tịch, định cư nước ngoài, cho con cái theo học
các trường quốc tế, ở biệt thự, đi xe sang, năm nào cũng du lịch nghỉ
ngơi khắp thế giới, tiệc tùng xã giao linh đình, thân thế và địa vị rạng rỡ… Nếu chỉ cần mua nhà mua xe ở Thượng Hải, tự cô cũng làm được,
chẳng cần ai hỗ trợ. Cô đã khổ sở trả đủ mọi giá để hoàn thiện bản thân, nhất định phải gặt hái được sự đền đáp tương xứng. Cô hai mươi chín
tuổi, còn lớn hơn Khánh Trường hai tuổi, nhưng vẫn thật lòng thật dạ yêu thương và tin vào lý tưởng, nhiệt huyết sục sôi, chưa bao giờ gục ngã
vì hiện thực.
Mấy năm nay, đàn ông xung quanh đến đến đi đi ồn ào huyên náo, cuối cùng vẫn không có một ai để cưới. Chưa bao giờ cô giấu Khánh Trường những tham vọng của mình về hôn nhân, nhưng nhìn đám
người lộng lẫy đứng ngồi trong đại sảnh hoa viên, nhìn những cặp mắt đàn ông lóe lên sắc sảo lạnh lùng, Khánh Trường nghĩ họ cũng chẳng phải
dạng phù hợp với phong cách của Fiona dù hai bên có muốn tiến tới hôn
nhân đi nữa. Nhưng đã nỗ lực xông xáo đến thế, lý gì lại không tìm được
người đàn ông và cuộc sống đúng như mong muốn, có lẽ đây chính là điều
khiến Fiona không thể chấp nhận. Bởi thế cô luôn dốc sức dốc lòng mà
sống.
Trong khi đó, Khánh Trường lại cảm thấy đời người sớm lên chiều xuống, mệt mỏi cực cùng.
Nhiếp ảnh gia đã chụp xong. Cô phỏng vấn để bổ sung nội dung bài, nhiệm vụ
vậy là hoàn tất. Chẳng ăn gì, một mình nhâm nhi vài ly sâm banh, hai má
ửng hồng, lòng hơi ngây ngất. Đi xuyên qua đám đông đàn ông đàn bà ăn
bận sang trọng diêm dúa vui vẻ nhẹ nhàng, chỉ muốn tìm một góc để ngủ.
9
Vòng qua hồ bơi và vườn hoa, băng qua quầy tự phục vụ đồ ăn của đại sảnh, men theo cầu thang lên lầu trên.
Phòng cho khách nằm khuất ở cuối hành lang bên trái cầu thang, lúc này không
có ai. Gian phòng nhỏ với hai tông chủ đạo là trắng và lam, sàn nhà bằng gỗ anh đào hứng nắng chiếu lâu ngày đã lên nước đỏ au, rèm màn bằng tơ
thật màu lam tro và giấy dán tường vẽ tay theo phong cách thanh nhã.
Vào buồng vệ sinh riêng. Một không gian dễ chịu sạch sẽ, nền lát gạch men
màu lam trắng, gương hình bầu dục có khung mạ vàng, chân gỗ uốn cong đỡ
lấy bệ rửa bằng đá cẩm thạch. Trên đó đặt một chiếc bát sứ thô sơ kiểu
cổ, đựng một bánh xà phòng handmade làm từ dầu thực vật. Cô vặn vòi nước ra, lại đưa tay vốc nước vã lên mặt rồi nhìn vào mình chằm chằm trong
gương.
Khánh Trường rất ít trang điểm, không dùng nước hoa, không đọc tạp chí phụ nữ, không đeo trang sức, chưa bao giờ đi giày cao gót, hờ hững với phụ kiện, không màng vờ vĩnh điệu bộ để lấy lòng hay
tìm cách dựa dẫm vào đàn ông. Cô không phải người đề cao vẻ đẹp hay đặc
trưng nữ tính. Nữ tính là một cánh cửa đã đóng lại trong cuộc đời Khánh
Trường. Làm việc vất vả, đi lại xa xôi, thuốc lá và rượu mạnh, xăm mình
và yêu đương, suy nghĩ và đọc sách… những thứ này mới kích thích được
tinh thần cô. Cô cần bản chất và thuộc tính tự nhiên, trước sau đều thế.
Làm việc lâu ngày trong giới truyền thông, quen chứng kiến đủ mọi chiêu trò giả tạo, khoa trương phù phiếm. Chơi đùa với nó là một chuyện, bị nó
thao túng lại là chuyện khác. Nếu không hớn hở a dua bầy đàn thì sẽ bị
cô lập. Đẹp đẽ và trịnh trọng bị định nghĩa là lên nước kiểu vẻ, trong
khi đó xấu xa lệch lạc lại khơi gợi được sự hưng phấn của đám đông. Đây
là một thời đại điên loạn. Người ta nôn nóng loại trừ những thứ thanh
khiết thong thả thuần phác chân thực, để rồi thỏa thuê mãn nguyện trong
mô phỏng, dối trá, mù quáng và công kích.
Cô nhìn người phụ nữ trong gương, khẽ hỏi, cô có mệt không. Ngày tháng cô đơn kéo dài vẫn không khiến cô nguôi bớt đề phòng. Cô không chịu được cảnh một mình một bóng, nhưng người bạn lòng mãi vẫn chưa thấy xuất hiện.
Cửa sổ khung gỗ kiểu trượt có bệ cửa rất rộng. Cô tụt giày thể thao ra,
ngồi lên bệ. Ngoài kia là vườn sau của ngôi nhà, rèm đêm rủ thấp, những
ngọn đèn lần lượt sáng lên. Loáng thoáng vọng lại tiếng vui đùa của trẻ
con, tiếng Anh và tiếng nhạc nước ngoài, tiếng chó sủa giòn. Vườn giăng
đầy những cây hoa quế, giờ cô mới biết hương thơm ngọt ngào ngửi thấy
khi đi qua vườn ban nãy là từ đâu mà ra. Tấm rèm bằng sợi gai mịn Ấn Độ
màu trắng buông chùng khung cửa, tạo ra quanh cô một không gian nhỏ hẹp. Thuở bé, mỗi khi buồn bã hoặc bối rối, cô luôn tìm một nơi ẩn náu tách
biệt như tủ quần áo, rương hòm, bệ cửa sổ, ngóc ngách. Trạng thái ruồng
bỏ thế giới bứt hẳn mình ra này phảng phất hương vị cám dỗ đến mê người.
Cô áp mặt vào kính, tận hưởng cảm giác an toàn của góc nhỏ. Có lẽ đây là
vị trí mà cô nên ở, gió và ánh sáng bên ngoài không phải là của cô. Hơi
ấm tràn ngập căn phòng khiến cô rời rã. Cô ngủ thiếp đi, cũng chẳng biết mình ngủ bao lâu nữa.
Cảm giác gai người làm cô choàng tỉnh.
Trời đã tối mịt, vườn rực rỡ ánh đèn. Rèm được kéo ra, cửa sổ mở toang. Trên chiếc ghế bành theo phong cách hoàng hậu Anne Boleyn, ngồi yên với
khuỷu tay tựa vào tạy vịn, người đàn ông lặng lẽ nhìn cô. Từ phòng khách dưới lầu, từ bể bơi, vườn hoa, dồn dập vọng lên từng đợt sống hòa trộn
âm nhạc và tiếng cười rộn rã. Hai người họ như chìm sâu dưới đáy đại
dương sâu thẳm. Lại như đáp thuyền rời bến cảng lao vào màn đêm tăm tối, xa dần đèn đuốc lờ mờ hai bên, xa dần cõi tục, tách biệt cả với số kiếp của chính mình. Lòng cô đột nhiên lắng lại.
Chân trần đặt
xuống đất, dò dẫm tìm đôi giày thể thao rồi xỏ vào, hoàn toàn bình thản
trước ánh nhìn của anh, tưởng chừng cô ở đây là để đợi anh theo dấu cuối cùng, bắt giữ.
Ngủ ngon chứ, anh hỏi.
Tàm tạm, cô đáp. Nếu anh không đến, chắc đã ngủ thêm một lúc.
Anh đùa, nghe đồn động vật có bản năng tìm ra ngóc ngách thích hợp nhất cho việc ngủ nghỉ, nhờ vào trực giác.
Anh cũng tìm ra đấy thôi, đủ thấy đây không phải là bản năng độc quyền gì. Cô nói.
Bây giờ xuống nhà ăn chút gì đi, anh giục. Trốn chạy chỉ là chốc lát, không thể lâu dài.
Một hồi nào đó, từng có người nói với cô cũng bằng giọng điệu thế này. Cuộc hội thoại tự nhiên và thẳng thắn trong một căn phòng xa lạ, với một
người đàn ông quen biết chưa đầy mười tiếng đồng hồ. Như những người
tình lưu lạc từ lâu. Như thể kiếp trước anh là người rải đất xuống quan
tài cho cô. Như thể trong muôn vàn năm tháng chảy trôi, anh từng là
người cha đem lại máu thịt cho cô, lại cũng là cậu con trai hấp thụ máu
thịt của cô mà chào đời.
Im lặng theo anh xuống gác. Anh
dẫn cô đến bàn ăn, lấy đãi trắng, chọn cá hồi, phô mai lá Ý, ô liu, vài
quả mâm xôi tươi, lại rót thêm một ly vang trắng. Lựa toàn những món hợp khẩu vị cô cả. Cô bưng thức ăn đến chiếc bàn trong góc, không nói một
lời, bắt đầu thưởng thức. Anh cũng rót một ly vang trắng, thong thả nhấm nháp, mắt nhìn theo cô.
10
Nhiều năm sau đó, nhớ lại buổi tao ngộ với Hứa Thanh Trì, cô nghĩ, tác dụng
cảu cuộc gặp này, suy đến cùng là giúp cả hai tìm được vị trí gần với
bản thể nhất giữa một hiện thực xây dựng trên toàn những quy tắc, trật
tự và kết cấu khách quan. Nhưng không phải gần bản thể người kia, mà gần bản thể của chính mình. Đến đúng vị trí, từ đó trông thấy ánh sáng
tưởng chừng lụi tàn đang yếu dần đi bỗng lại bùng lên rực rỡ. Cứ thế cố
công sức, cứ thế cúi xuống chăm chú nhìn, đợi cho hoa lửa tắt lịm, đợi
sự lạnh lẽo và trống rỗng của bản chất mình phơi ra. Sự xuất hiện của
hai người họ đều chứa đựng những ý nghĩa nhất định. Đây là điểm xuất
phát của một chặng đường mà sau này di chuyển rất xa, rất xa rồi, gần
chạm đích, ngoái đầu nhìn lại, họ mới thấm thía được.
Suy
đến cùng, tình yêu là lối đi chênh vênh trên mép vực sinh mệnh của mỗi
người. Mục đích sau cuối là đến gần với bản thân.