Đọc truyện Xuân Yến – Chương 101
Tác phẩm mới xuất bản vào mùa xuân, tôi không ra hiệu nhìn xem thế nào. Tôi không bao giờ đi ngắm sách của mình. Nghe nói có một số tác giả
thường lượn lờ ngoài hiệu, theo dõi xem sách mình có được ai cầm đọc
không, bày ở vị trí nào, tôi không bao giờ làm những việc như vậy. Cũng
ít khi tặng sách cho ai, không thích kí tên trên sách, không thích gặp
độc giả, không thích thảo luận với người khác về sách của mình. Cũng
không quan tâm người khác bàn tán thế nào về chúng.
Sách chỉ
thuộc về tôi vào quãng thời gian tôi viết, còn khi chúng gia nhập khu
vực lưu thông, thì chúng tôi tự động chấm dứt quan hệ. Sách bước vào một môi trường huyên náo phức tạp, tuân theo luật chơi của thế gian, từ đó
tôi không muốn lãng phí tâm tư vì nó nữa. Cũng không để ý khen chê lỗi
phải. Tôi chỉ biết, sách xuất bản rồi, tôi còn lại một mình, sạch bong,
trống rỗng. Giống như ý nghĩa của một chặng đường, không phải ở mục đích bên ngoài, mà ở quá trình bên trong. Tinh thần tập trung, cảnh giác,
tình cảm mãnh liệt, mỗi bước tôi đi để sáng tác đều thuộc hành vi tìm
kiếm ranh giới của nội tâm.
Tôi tự biết, lại một chặng đường nữa kết thúc. Cần phải tìm lối ra.
Để khuây khỏa, lại tình cờ đúng dịp, nên nhận lời tham dự một sự kiện.
Buổi nói chuyện do một cơ quan giao lưu văn hóa Nhật Bản tổ chức.
Tôi chưa bao giờ tham gia hoạt động nào tương tự như thế ở trong nước,
cứ trông tình hình xưa nay tác phẩm của tôi thường gây nhiều tranh cãi,
thì việc giữ khoảng cách với bên ngoài chí ít cũng giúp tôi duy trì
trạng thái thanh thản tự tại. Một số tác giả hăng hái và ngoan cường
tranh đấu với dư luận, tiến hành trường kì kháng chiến bằng lập luận
biện bác quan điểm kiến giải, tôi không làm được. Không có sức, cũng
không có hứng, cơ bản nhất là cảm thấy rất vô nghĩa. Thời gian sẽ khiến
mọi lập trường, lý lẽ, đánh giá phải rệu rã tiêu tan theo đời người. Vậy thì, sức cùng lực kiệt cuối cùng chỉ là một màn biểu diễn mà thôi.
Tham gia sự kiện ở một đất nước không ai biết đến mình, có thể coi như
đi du lịch. Cử tọa sẽ là mấy bà nội trợ và người già yêu thích văn học
và đọc sách, khách quen của các thư viện, hiện tượng thường thấy ở nước
ngoài. Trong số họ có lẽ không một ai biết tôi từng viết gì, như thế rất hay. Chí ít họ còn có hứng thú với bản thân tác giả, mà không phải là
hứng thú với các nhãn hiệu phân loại mà truyền thông gắn lên người tác
giả.
Tôi luôn có một tâm lý đối kháng với thế giới bên ngoài,
thường cảm thấy rất nhiều người không nói thật. Họ dối trá, sáo rỗng, ba hoa, nhại các kiểu nói lóng thịnh hành, dùng châm chích đả kích để che
đậy sự giả tạo trong lòng hoặc trơ tráo tuôn ra những lời thô lỗ sỉ
nhục, cho rằng thế là bản lĩnh. Họ chỉ không nói những lời tự kiểm điểm
và sám hối thành thực. Trong thời đại hoang đường này, lời nói chơi đùa, trêu ghẹo, sắp xếp, lừa phỉnh chúng ta, khiến chúng ta dần dần mất đi ý chí và tự do hành động. Tóm lại, đây là một thời đại say sưa với những
danh hiệu và đấu đá. Nó không phải là thời đại thích hợp để yên tĩnh
tỉnh táo mà viết và đọc. Cũng không phải thời đại thích hợp để tồn tại
độc lập bằng cá tính.