Đọc truyện Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới – Chương 23
24
Trại Giam Bóng
Ba hôm sau, thời tiết tuyệt vời chợt biến mất. Sáng sớm tôi ngủ dậy và thấy bầu trời giăng đầy mây đen nặng trĩu. Những tia mặt trời đã mất hết ánh long lanh ấm áp sau khi xuyên nổi màn mây xuống đất. Trong ánh sáng xám chì lạnh lẽo, trông những cành cây trụi lá như vệt nứt nẻ của bầu trời. Tiếng nước réo ầm ào chối tai. Nhìn mây mà đoán thì chẳng có gì ngạc nhiên nếu trời đổ tuyết bất cứ lúc nào. Nhưng không thấy tuyết rơi.
“Hôm nay sẽ không có tuyết”, ông già giải thích. “Mây này không phải mây tuyết.”
Tôi mở cửa sổ và ngắm kỹ bầu trời một lần nữa nhưng không nhận ra có gì khác biệt nào với “mây tuyết”.
Ông gác cổng ngồi trước bếp lò to tướng và sưởi đôi chân không giày. Chiếc lò sưởi giống hệt như ở thư viện. Mặt trên là hai tấm phẳng để đặt ấm nước và nồi, tận dưới cùng là hộc đựng xỉ. Phía trước có cửa như tủ đựng quần áo, tay nắm to bằng gang đúc. Ông gác cổng ngồi trên ghế đẩu và gác chân lên nó. Tôi ngạt thở vì hơi nước bốc ra từ ấm đun nước và khói của thứ thảo dược mạt hạng nào đó – chắc ở đây người ta quen dùng nó thay thế cho thuốc lá – chưa kể đến mùi hôi hám từ chân ông ta. Sau ghế là chiếc bàn gỗ lớn xếp đầy đá mài và dao, rìu thành hàng ngay ngắn. Cán dao và rìu nhuốm màu xỉn và mòn vẹt.
Tôi vào đề ngay: “Tôi cần một khăn quàng cổ, lạnh cổ quá.”
“Đúng thế đấy!”, ông gác cổng nói rất trang nghiêm. “Tôi rất hiểu.”
“Ở phòng lưu trữ đằng cuối thư viện có lắm đồ, trông có vẻ như chẳng ai cần nữa, và tôi nghĩ là có thể lấy ra vài thứ.”
“À, cậu nói đến mấy đồ lặt vặt ấy chứ gì”, ông gác cổng nói. “Cứ lấy đi. Nếu cậu cần thì tôi đồng ý. Thích gì thì cứ lấy. Khăn quàng, măng tô, tất tật.”
“Chủ nhân của chúng thì sao?”
“Cậu không phải quan tâm đến họ. Ngay cả khi họ còn sống thì mấy thứ ấy cũng chẳng ai cần nữa. À, cậu đang tìm một nhạc cụ thì phải?”
Tôi gật. Hình như chẳng có gì ông này không biết.
“Về nguyên tắc thì ở thành phố này không có nhạc cụ nào cả”, ông nói. “Nhưng chẳng có gì là tuyệt đối. Cậu làm việc tận tụy, cớ gì lại không được nhận một nhạc cụ cơ chứ? Cậu hãy đến nhà máy điện và hỏi tay quản lý. Có thể anh ta kiếm được cho cậu thứ gì đó.”
“Đến nhà máy điện?”, tôi ngạc nhiên hỏi.
“Cậu không tin à? Dĩ nhiên là chúng ta có nhà máy điện!”, ông gác cổng nói và chỉ lên bóng đèn trên đầu. “Nếu không thì lấy đâu ra điện – hái điện trên cây táo xuống hay sao?” Ông vừa cười vừa vẽ đường cho tôi đến nhà máy điện. “Cậu đi con đường phía nam con sông và đi một đoạn ngược dòng chảy. Khoảng nửa tiếng sau cậu sẽ thấy bên tay phải một kho chứa lúa cũ kỹ đã tốc mái và không còn cửa. Ở đó cậu rẽ phải và đi tiếp tới một ngọn đồi, ngay sau đó là bìa rừng. Cậu đi chừng năm trăm thước vào rừng là đến nhà máy điện. Hiểu rồi chứ?”
“Tôi nghĩ thế”, tôi nói. “Nhưng mùa đông vào rừng có nguy hiểm không? Mọi người dặn tôi thế, và tôi cũng đã có kinh nghiệm xấu rồi.”
“Ờ nhỉ, đúng đấy. Tôi quên khuấy đi mất. Vậy mà chính tay tôi bế cậu lên xe và đưa qua đồi trở về thành phố đấy”, ông gác cổng nói. “Cậu đã bình phục lại chưa?”
“Ổn cả rồi, cảm ơn ông.”
“Chắc cậu vẫn còn ngán tận cổ hả?”
“Đúng thế.”
Ông gác cổng cười đầy mãn nguyện và đổi chân gác trên tay nắm cửa lò. “Nhưng thế là tốt. Có bị bỏng tay thì lần sau người ta mới cẩn thận. Và khi đã cẩn thận thì họ sẽ không bị bỏng nữa. Những thợ đốn cây giỏi nhất là người có một vết sẹo. Một thôi, không hơn và không kém. Cậu hiểu tôi định nói gì chứ?”
Tôi gật đầu.
“Song cậu không việc gì mà phải ngại đến nhà máy điện. Nó ở ngay sau rặng cây đầu tiên, chỉ có một đường duy nhất đến đó, nghĩa là cậu không thể đi lạc được. Ở đó cậu cũng không gặp lũ người rừng. Chỉ ở sâu trong rừng và ngay sát tường thành là nguy hiểm thôi. Tránh mấy chỗ ấy ra thì cậu không có gì phải sợ cả. Tuy nhiên, vì bất cứ lý do gì thì cậu cũng không được rời khỏi đường, và cũng không được đi sâu hơn vào rừng phía sau nhà máy điện. Không thì lại có chuyện xảy ra như lần vừa rồi.”
“Người quản lý cũng thuộc vào nhóm những người sống trong rừng à?”
“Không, không, anh ta thì không. Tay ấy khác với lũ người rừng, nhưng cũng khác với chúng mình ở thành phố. Chẳng phải nạc cũng chẳng phải mỡ. Là loại người không thể chuyển hẳn vào rừng, mà cũng chẳng quay về thành phố được nữa. Vô hại, nhưng cũng chẳng làm được trò trống gì.”
“Những người sống trong rừng là kiểu người gì?”
Ông gác cổng nghiêng đầu là lặng lẽ nhìn tôi một lát. “Tôi đã nói ngay từ đầu: cậu có thể hỏi gì cũng được, nhưng tôi có trả lời hay không lại là chuyện khác.”
Tôi gật.
“Tốt. Tôi sẽ không trả lời câu hỏi này”, ông gác cổng nói. “Này, cậu vẫn muốn thăm bóng của cậu nhỉ. Hôm nay được chưa? Mùa đông rồi, nó cũng đã mất sức khá nhiều. Bây giờ cậu có thể gặp nó.”
“Nó có ốm yếu lắm không?”
“Không, không, nó khỏe như vâm. Mỗi ngày tôi cho nó đi ra ngoài hàng tiếng đồng hồ để vận động. Nó ăn cũng ngon miệng lắm. Dĩ nhiên là ngày mùa đông càng ngắn đi và lạnh thì thể trạng của bóng cũng kém hơn, không có gì lạ. Bất khả kháng. Đó là chuyện thường tình nhất trên đời, tạo hóa sinh ra như vậy. Không phải lỗi của cậu hay của tôi. Nhưng cậu hỏi chính nó thì hơn, tôi sẽ đưa cậu đến chỗ nó.”
Ông lấy chùm chìa khóa treo trên tường, đút vào túi áo khoác, vừa ngáp vừa xỏ chân vào đôi ủng da to tướng. Trông chúng nặng nề dễ sợ, đế gắn đầy đinh nhọn để đi trên băng tuyết.
Nơi giam bóng nằm giữa hai thế giới – thành phố và thế giới bên ngoài. Tôi không được ra ngoài, bóng không được vào thành. Vì vậy đây là nơi duy nhất để chúng tôi gặp nhau: một người không bóng và bóng không người. Trại giam bóng nằm ngay ở cửa sau trạm canh. Gọi là “trại” thì hơi quá, nó không lớn hơn một khoảnh vườn bình thường, xung quanh là một hàng rào sắt kiên cố không chui lọt con chuột.
Ông gác cổng lấy chùm chìa khóa trong túi ra, mở cửa sắt cho tôi và vào theo. Trại giam bóng hình vuông, chằn chặn, phía đối diện bị chắn bởi tường thành. Một cây du già cỗi đứng giữa khoảng đất, dưới đó là một ghế băng gỗ trơn trụi. Cây du mốc thếch, không thể biết còn sống hay đã chết khô. Một túp lều vá víu cẩu thả bằng gạch và ván gỗ với cánh cửa lò xo thô sơ và cửa sổ không kính. Tôi không thấy bếp lò nào. Có lẽ ở đây không được sưởi.
“Bóng của cậu ngủ trong túp lều kia kìa”, ông gác cổng nói. “Trông thế cũng không đến nỗi nào. Có nước, có chỗ vệ sinh – đủ cả. Thậm chí có cả tầng hầm kín gió. Thôi thì không hẳn là khách sạn, nhưng cũng là chỗ chui ra chui vào. Cậu có muốn vào xem không?”
“Không, tôi đợi ở đây thì hơn”, tôi nói. Không khí hôi hám trong trạm canh đã làm tôi chóng mặt. Tôi đau đầu quá. Bên ngoài tuy lạnh nhưng ít nhất còn có khí trời.
“Tùy cậu. Tôi gọi nó ra”, ông gác cổng nói và chui vào lều.
Tôi bẻ cổ măng tôi lên, ngồi xuống ghế băng dưới cây du già và lấy gót giày di xuống nền. Đất trơ cứng, đây đó còn vương vài đám tuyết đóng đá. Băng giá chưa tan dưới bóng của tường thành, nơi mặt trời không chiếu đến.
Một lát sau ông gác cổng đi cùng với bóng ra khỏi lều. Ông dận gót giày đinh lên nền đất như muốn nghiền nát đám đất đóng băng dưới chân mình, bóng của tôi chậm chạm lủi thủi theo gót ông. Nó hoàn toàn không khỏe mạnh như ông gác cổng quả quyết ban nãy. Má nó hóp lại đến phát sợ, trên mặt chỉ còn thấy đôi mắt và râu ria.
“Tôi để hai người một mình với nhau mấy phút nhé”, ông gác cổng nói. “Chắc các cậu có nhiều chuyện để kể cho nhau nghe, cứ thoải mái. Nhưng không có nhiều thì giờ đâu! Và chớ có nghĩ đến chuyện hòa nhập làm một! Đừng để tôi phải phí thời gian để tách hai cậu ra. Chẳng đem lại gì ngoài chuyện khó chịu cho cả hai bên, rõ rồi chứ?”
Tôi làm ra vẻ chấp thuận và gật đầu. Có lẽ ông ta có lý. Đằng nào thì chỉ sau vài phút là họ lại tách chúng tôi ra, và tất cả lại bắt đầu từ đầu.
Hai chúng tôi dõi mắt nhìn ông gác cổng khóa cửa rồi biến vào trạm canh. Đinh dưới đế ủng của ông ta cắm vào nền đất, tiếng chân bước rào rạo xa dần. Rồi thì cánh cửa gỗ nặng nề cũng đóng lại. Khi ông ta khuất hẳn, bóng ngồi xuống cạnh tôi và bắt đầu di gót xuống nền nhà như tôi. Nó mặc một chiếc áo len cứng và thô, quần lao động và đôi giày cũ mà tôi mang đến tặng dạo trước.
“Thế nào, khỏe không?”
“Nhìn thì biết!”, nó trả lời. “Lạnh không chịu thấu, và đồ ăn thì không nuốt nổi.”
“Tôi nghe nói là cậu ngày nào cũng được ra ngoài và vận động.”
“Vận động?”, nó lặp lại và bực bội nhìn tôi. “Gọi là vận động thì hay đấy! Tôi phải giúp lão gác cổng đốt xác súc vật, chỉ vì thế mà lão ta lôi tôi ra khỏi đây mỗi ngày! Chất xác lên xe, chở ra rừng táo, tưới dầu lên và châm lửa đốt. Trước đó lão ta đã cắt đầu chúng cho gọn ghẽ. Cậu đã thấy bộ sưu tập hoành tráng của lão rồi đấy! Toàn dao với rìu. Lão già này đầu óc không bình thường. Nếu có điều kiện có lẽ lão sẽ cắt cổ tất cả những ai lão túm được.”
“Ông ta là một trong những người dân thành phố phải không?”
“Đâu phải, họ chỉ thuê lão làm việc này thôi. Lão sung sướng khi được đốt xác súc vật. Chẳng ai trong thành muốn làm việc đó cả. Từ đầu mùa đông đến giờ chúng tôi đã thiêu không biết bao nhiêu xác rồi. Sáng nay có ba con chết. Thiêu luôn.”
Nó lại di gót giày xuống đất một hồi, tôi cũng thế. Nền đất cứng như đá. Một con chim mùa đông đậu trên cành cây trên đầu chúng tôi. Nó kêu một tiếng lanh lảnh rồi bay mất.
“Tôi đã nhận được bản đồ rồi”, nó nói. “Chất lượng tốt hơn tôi mong đợi. Phần chú thích cũng tốt. Nhưng hơi muộn.”
“Tôi ốm liệt giường”, tôi nói.
“Tôi cũng nghe nói. Nhưng dù sao thì cũng quá muộn. Mùa đông đến rồi, thực ra tôi muốn có từ trước. Được thế thì mọi sự đã trôi chảy và kế hoạch của chúng mình lẽ ra đã đâu vào đấy.”
“Kế hoạch nào cơ?”
“Kế hoạch trốn khỏi đây chứ kế hoạch nào nữa? Hay cậu nghĩ rằng tôi cần tấm bản đồ để giải trí?”
Tôi lắc đầu. “Tôi vẫn hy vọng được cậu giải thích thành phố kỳ quái này là gì. Nói cho cùng thì cậu đã lấy đi gần hết mọi ký ức của tôi.”
“Không hẳn thế”, bóng nói. “Đúng là tôi có phần lớn ký ức của cậu, nhưng tôi không biết dùng nó làm gì có ích cả. Muốn làm vậy thì chúng ta phải hòa nhập vào nhau, nhưng hiện tại đó là chuyện bất khả thi. Nếu ta làm thế thì họ sẽ không bao giờ cho gặp nhau nữa và kế hoạch sẽ vĩnh viễn tiêu tan. Vì thế trước tiên tôi suy tư một mình đã. Tôi định nói là suy tư về thành phố này.”
“Sao nữa? Cậu nghĩ ra chuyện gì?”
“Không nhiều, nhưng bây giờ tôi chưa cho cậu biết được. Tôi phải nối các chi tiết với nhau đã, riêng lẻ thì chúng không có sức thuyết phục. Cho tôi chút thời gian nữa. Có đủ thì giờ suy nghĩ thì chắc chắn tôi sẽ tìm ra kết luận. Có thể lúc đó đã quá muộn. Từ dạo bắt đầu mùa đông sức khỏe tôi giảm sút rõ rệt, cứ tiếp tục như thế này thì tôi không dám cam đoan sẽ đủ sức thực thi kế hoạch đào tẩu – nếu ta lập ra được kế hoạch đó. Đó là lý do tôi muốn có bản đồ trước mùa đông.”
Tôi ngó lên tán cây du. Qua tấm lưới đan bằng cành cây tôi nhìn thấy vài vệt mây mùa đông xám xịt.
“Nhưng mình không ra khỏi đây được đâu”, tôi nói. “Cậu xem bản đồ rồi đấy! Không có đường nào thoát. Đây là nơi tận cùng thế giới. Ta không tiến không lui được bước nào đâu.”
“Cứ cho đây là nơi tận cùng thế giới, nhưng vẫn phải có một lối ra. Tôi tin chắc như vậy. Nhìn lên trời mà xem. Chim chóc vượt qua được tường thành, đúng không? Chúng bay đi đâu? Tất nhiên là bay ra ngoài, đến một thế giới khác, chỉ có thế thì thành phố này mới có bức tường bao quanh – nhằm ngăn người ta ra khỏi. Nếu bên ngoài không có gì thì xây tường làm gì? Và đâu đó sẽ có một lối ra.”
“Hoặc là không.”
“Tôi sẽ tìm được lối ra và cùng cậu thoát khỏi nơi này. Tôi không muốn chết trong cái xó khốn khiếp này!” Bóng im bặt và lại di chân trên nền đất. “Ngay từ đầu tôi đã nói với cậu là thành phố này có cái gì không ổn và bất thường”, bóng nói. “Đến bây giờ tôi vẫn tin chắc như vậy. Nó bất thường và trái khoáy. Nhưng vấn đề ở chỗ nó hoàn hảo trong sự bất thường và trái khoáy ấy. Vì tất cả đều bất thường và trái khoáy nên rốt cuộc tất cả có sự hài hòa nội tại. Hoàn hảo. Đại thể như vậy.”
Nó vạch một vòng tròn trên nền đất bằng gót giày. “Thành phố khép kín, như vòng tròn này. Vì thế càng ở lâu trong đó và suy đi nghĩ lại thì người ta sẽ cảm thấy mọi thứ đều bình thường. Cậu sẽ bắt đầu ngờ vực trí phán đoán của mình. Chính vì mọi thứ quá hài hòa và hoàn hảo. Cậu hiểu ý tôi muốn nói gì chứ?”
“Có, tôi hiểu. Chính tôi cũng nhận thấy như thế. Đôi khi tôi nghĩ chính mình mới là căn nguyên của lắm vấn đề.”
“Như thế là sai!”, bóng nói và vẽ những hình kỳ quặc bên cạnh vòng tròn. “Chúng mình có lý. Còn tất cả đều sai. Nhất định thế. Cậu phải tin tưởng, hết sức tin tưởng. Nếu mất lòng tin thì một lúc nào đó thành phố này sẽ nuốt chửng cậu. Lúc đó thì mọi sự đã quá muộn.”
“Nhưng đúng hay sai cũng chỉ là tương đối! Trong khi tôi đã bị lấy mất mọi ký ức, mà chính đó mới là tiêu chí quan trọng nhất để cân nhắc giữa đúng và sai.”
Bóng gật đầu. “Tôi hiểu cậu đang rối trí. Nhưng hãy nghĩ xem: cậu có tin là có động cơ vĩnh cữu không?”
“Không. Hoàn toàn không thể được.”
“Chính thế. Cũng giống như thành phố này. Một thế giới hoàn hảo, xét về lý thuyết cũng như thực tế là không thể có được, hệt như động cơ vĩnh cửu vậy. Từ đó suy ra ở đâu đó phải có một lỗi. Giống như cỗ máy trông có vẻ tự nó chuyển động liên tục nhưng kỳ thực nó sử dụng một ngoại lực được ẩn giấu mà mắt thường không nhìn thấy.”
“Và cậu đã phát hiện ra ngoại lực đó?”
“Không, chưa, nhưng như tôi vừa nói, tôi có một luận cứ còn phải củng cố thêm. Vì thế tôi cần chút thời gian nữa.”
“Tôi có thể giúp cậu, nếu cậu cho tôi biết luận cứ đó. Cậu nghĩ sao?”
Bóng rút tay khỏi túi quần, hà hơi vào và cọ giữa hai đầu gối. “Không, đối với cậu, đây là chuyện quá sức. Tôi chỉ yếu nhược về thể xác, nhưng ở cậu là tâm hồn bị tổn thương. Nhiệm vụ cấp thiết nhất của chúng ta là chữa cho nó lành. Không thì cả hai chúng ta đều ngã ngựa trước khi lên đường đào thoát. Hãy nhường tôi việc suy nghĩ, còn cậu tự lo thân cậu. Hiện tại đó là điều quan trọng nhất.”
Tôi nhìn xuống vòng tròn dưới đất và nói: “Cậu nói phải, tôi đang rối trí. Tôi không biết gì nữa, thậm chí không biết ngày xưa mình là ai. Một tâm hồn đã mất đi bản thể của mình thì sẽ còn bao nhiêu sức lực nữa? Nhất là ở một thành phố có quyền lực vô biên và đặt ra những lề luật ngặt nghèo? Từ khi mùa đông đến, càng ngày tôi càng biết ít hơn về tâm hồn mình và đánh mất sự tự tin.”
“Không phải”, bóng nói. “Cậu không đánh mất bản thể của mình. Ký ức của cậu đã bị vùi lấp một cách tinh vi, do đó cậu thấy rối trí. Cậu phải tin vào nội lực của mình. Không thì ngoại lực sẽ cuốn phăng cậu đi.”
“Tôi sẽ cố gắng”, tôi nói.
Bóng gật đầu, ngó một lúc trên bầu trời trĩu mây nhưng lại nhắm mắt ngay và chìm sâu vào suy tư.
“Mỗi khi bối rối tôi lại nhìn bầy chim”, bóng nói. “Lúc đó tôi cảm thấy rõ rệt là mình đang đi đúng hướng. Thành phố hoàn hảo này chẳng có ý nghĩa gì đối với những con chim cả. Chúng không quan tâm đến bức tường, cánh cổng hay tiếng tù và. Cậu hãy học theo chúng mỗi khi thấy bế tắc!”
Đúng lúc đó có tiếng ông gác cổng gọi tôi. Ông đứng ở cửa hàng rào và ra hiệu thời gian thăm hỏi đã hết.
“Cậu đừng đến đây một thời gian dài”, bóng thì thào vào tai tôi khi chia tay. “Khi nào cần cậu, tôi sẽ nghĩ ra cách để mình gặp nhau. Lão gác cổng đa nghi lắm. Nếu mình gặp nhau thường xuyên, lão sẽ đoán ra sự tình và sinh ra thận trọng, lúc đó ta sẽ khó trở tay. Một chuyện nữa: nếu lão hỏi hôm nay ra sao thì cứ ra vẻ là cậu không hiểu rõ những gì tôi nói, rõ chưa?”
“Hiểu rồi”, tôi nói.
“Thế nào?”, ông gác cổng hỏi khi tôi quay về trạm canh. “Lâu quá mới gặp lại bóng mình, chắc vui lắm nhỉ?”
“Tôi không rõ lắm”, tôi nói và lắc đầu.
“Hừm, thế đấy”, giọng ông đầy vẻ hài lòng.