Bạn đang đọc Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới: Chương 22
22
Khói Xám
Đúng như ông già nói trước, giờ đây ngày nào cũng xuất hiện một cột khói xám. Khói bốc lên từ một điểm nào đó trong rừng táo và bị một đám mây dày u ám trên trời nuốt chửng ngay. Càng nhìn lâu tôi càng tin rằng rừng táo là nơi sản xuất ra tất cả mây trên thế giới này. Chiều đến, đúng ba giờ thì bắt đầu có khói, và thời điểm kết thúc phụ thuộc vào số súc vật chết. Cứ sau một trận bão tuyết hoặc một đêm giá buốt thì cột khói kéo dài hàng giờ, trông như một trận cháy rừng.
Tôi không hiểu vì sao người ta không nghĩ ra cách gì để cứu những con thú đó.
“Tại sao mọi người không xây chuồng trại chẳng hạn?”, tôi hỏi ông già trong khi chơi cờ. “Vì sao mọi người không bảo vệ chúng chống lại giá lạnh, tuyết và gió? Không nhất thiết phải nhiều nhặn gì. Một mái nhà và vài cọc rào xung quanh là đủ cứu sống được nhiều con vật!”
“Không ăn thua gì đâu”, ông già nói, mắt vẫn không rời bàn cờ. “Cậu nghĩ xem, ta làm chuồng, nhưng bọn chúng không chịu vào. Từ ngàn đời nay chúng ngủ ngoài trời. Kể cả khi vì thế mà bỏ mạng. Giá lạnh và gió tuyết là bạn đồng hành của chúng mà!”
Ông đại tá đẩy quân thầy tế chắn trực diện vua của tôi, và xây một chiến lũy kín bưng: kèm hai bên là hai con xe, tạo nên một hỏa tuyến. Giờ thì ông đợi tôi tấn công.
“Nghe cứ như những con vật ấy tự tìm lấy cái chết vậy!”, tôi nói.
“Về một khía cạnh nào đó thì đúng thế thật. Nhưng đối với chúng thì giá lạnh và đau đớn là chuyện thường tình, thậm chí có thể là sự giải thoát.”
Ông im lặng. Tôi đẩy quân khỉ lại gần tường thành, khiêu khích chúng dãn ra. Thiếu chút nữa thì ông đại tá cũng mắc mưu, nhưng đến sát nút thì ông cũng nhận ra và kéo quân kỵ sĩ lùi lại một nước, khiến hàng phòng thủ bây giờ trở nên kín mít.
“Dần dần cậu cũng ranh ma ra đấy!”, ông già cười.
“Nhưng vẫn chưa thể đọ nổi ông!”, tôi cũng cười. “Nhưng quay về chuyện lúc nãy. Ông nói ‘giải thoát’ nghĩa là sao?”
“Nghĩa là có thể chúng được cái chết giải thoát chứ sao. Tất nhiên chúng chết đi, nhưng cuộc sống mới sẽ bừng dậy vào mùa xuân. Với những con mới đẻ.”
“Và những con mới đẻ sẽ lớn lên và chịu đau khổ hệt như vậy cho đến chết, đúng không? Vì sao chúng phải khổ như vậy?”
“Vì đó là quy định”, ông già nói. “Cậu đến lượt. Cậu phải ăn con thầy tế của tôi, vì cậu không còn lựa chọn nào khác nếu muốn thắng.”
Sau ba ngày tuyết rơi với vài lần gián đoạn nho nhỏ, thời tiết chuyển sang nắng rực rỡ: đường sá ngập tuyết trắng xóa đột nhiên sáng rực dưới ánh mặt trời, chẳng mấy chốc đã róc rách tiếng tuyết tan. Khắp nơi sáng lấp lánh, và chỗ nào cũng nghe tiếng các đụn tuyết rơi ào ào trên cành cây xuống. Tôi kéo tấm rèm nặng che kín mít cửa sổ và trốn kỹ trong phòng để tránh ánh sáng. Nhưng chẳng ích gì – trốn đi đâu cho thoát. Thành phố làm từ băng tuyết tựa như một viên kim cương khổng lồ được mài sắc cạnh, phản chiếu ánh mặt trời vào tận từng ngõ ngách, bắn thẳng nó vào phòng tôi và mắt tôi một cách hiểm hóc.
Cả buổi chiều, tôi nằm sấp trên giường, vùi đầu xuống dưới gối và lắng nghe chim hót – những loài chim khác nhau với tiếng hót cũng khác nhau. Chúng thoáng đậu bên bậu cửa sổ bên cạnh, vì chúng biết rõ là những ông già ở khu công chức luôn rải ruột bánh mì ra đó cho chúng. Tôi cũng nghe tiếng mấy người già ngồi sưởi nắng và tán gẫu trước nhà. Chỉ mình tôi tránh xa ánh mặt trời ấm áp.
Tôi bò dậy khi trời đã tối, vã nước lạnh lên cặp mắt sưng vù, đeo kính đen và rời đỉnh đồi tuyết phủ đi xuống thư viện. Hôm nay tôi sẽ không đọc được nhiều giấc mơ, cũng là chuyện thường sau những ngày nắng gắt làm tổn hại mắt. Tôi làm xong một, hai đầu lâu thì con ngươi tôi bắt đầu đau nhói tựa như kim châm bởi luồng tia phát ra từ những giấc mơ xưa. Thêm vào đó hốc mắt nặng trĩu như đổ đầy cát, đầu ngón tay bì ra và vô cảm.
Thường thì những hôm như thế cô thủ thư chườm mắt tôi bằng một chiếc khăn ướt lạnh và đun cho tôi một bát xúp loãng hoặc sữa. Thoạt tiên tôi thấy cả hai thứ đều khó nuốt, như có sạn cát, thiếu vị dìu dịu, nhưng dần dần tôi cũng quen vị đó và thậm chí còn thấy ngon miệng.
Tôi nói cho cô biết, và cô mỉm cười mãn nguyện.
“Nghĩa là anh đã dần quen với cuộc sống ở thành phố này rồi đấy”, cô nói. “Tất cả những gì mình ăn uống ở đây đều có vị hơi khác so với mọi nơi. Ta chỉ dùng rất ít các nguyên liệu cơ bản. Trông như thịt nhưng không phải thịt, trứng không phải trứng, và cà phê cũng không phải cà phê. Chỉ có vẻ ngoài vậy thôi, toàn là làm nhái cả. Nhưng xúp này rất tốt, nó làm anh ấm người và đỡ nhức đầu hơn, đúng không?”
“Đúng”, tôi nói.
Quả thế thật, món xúp làm tôi khỏe lên, và đầu tôi cũng không còn váng vất như ban nãy. Tôi cảm ơn cô rồi nhắm mắt lại để quên hết mọi sự quanh mình.
“Anh còn cần gì nữa không?”, cô hỏi tôi.
“Em hỏi thế là sao?”
“Ờ, em cũng không rõ, chỉ có linh cảm như vậy. Ý em là nếu anh cần gì đó để thư giãn tâm hồn anh bị cứng lạnh trong mùa đông?”
“Cái mà anh cần là ánh mặt trời”, tôi nói và hạ cặp kính đen xuống lau rồi lại đeo lên. “Nhưng lại không được. Vì mắt anh không chịu được nắng.”
“Không, em ám chỉ thứ đơn giản hơn nhiều. Một thứ gì vặt vãnh thôi, cốt xoa dịu tâm hồn. Như vừa nãy em day mắt anh chẳng hạn. Nhất định có thứ gì tương tự cho tâm hồn chứ? Một cách nào đó để tâm hồn thảnh thơi, anh không nhớ ra sao? Người như anh đã làm gì trong thế giới ngoài kia của mình khi tâm hồn xơ cứng?”
Tôi cần nhiều thời gian để lật đi lật lại từng mảnh vụn ký ức còn đọng lại trong óc, nhưng không thể nhớ ra chi tiết nào tương thích với hình dung của cô.
“Anh không nhớ nữa, anh chịu đấy. Có lẽ anh đã đánh mất gần hết trí nhớ của mình rồi.”
“Dù là một chuyện cỏn con nào chăng nữa, nếu nhớ ra thì anh cứ nói ngay nhé, được không? Nào, ta hãy cùng nhau nghĩ lại đi. Em muốn giúp anh, dù chỉ là một chút xíu.”
Tôi gật đầu và hết sức cố gắng tập trung tinh thần để quay lại với những ký ức về thế giới ngày xưa đã bị vùi lấp. Sau những tảng đá sừng sững chắn ngang đường đi, bất di bất dịch – chúng không động đậy một li, mặc cho tôi mắm môi mắm lợi đẩy. Đầu tôi lại bắt đầu nhức. Ngày tôi chia tay với bóng của mình có lẽ cũng là ngày tôi đánh mất hẳn nhân thân của mình. Trong tôi chỉ còn lại duy nhất là tâm hồn, một tâm hồn ngơ ngác và vô nghĩa. Và bây giờ, khi mùa đông đến, nó lại còn cứng đơ và khóa chặt!
Cô áp tay lên thái dương tôi.
“Không sao, không sao mà. Ta sẽ nghĩ tiếp vào một dịp khác. Biết đâu anh sẽ tình cờ nghĩ ra điều gì.”
“Ừ, bây giờ anh đọc thêm một giấc mơ nữa”, tôi nói.
“Nhưng trông anh mệt mỏi lắm. Có lẽ tốt hơn là mai làm tiếp. Anh không nên cố gắng quá sức. Những giấc mơ xưa có mất đi đâu mà sợ?”
“Không, đọc mơ còn hơn là chẳng làm gì. Ít nhất thì anh cũng đỡ phải suy nghĩ.”
Cô nhìn tôi một chặp rồi gật đầu, đứng dậy đi vào kho. Tôi ngồi lại bên bàn, chống đầu lên tay, nhắm mắt lại để chìm vào đêm tối. Liệu mùa đông còn lâu nữa không? Ông già có nói đến một mùa đông lê thê và khắc nghiệt. Và nó mới chỉ bắt đầu! Liệu bóng tôi có qua nổi thời gian này không? Và tôi nữa, tôi và tâm hồn xáo động ngơ ngác – liệu chính tôi có qua nổi mùa đông này không?
Cô đặt đầu lâu lên bàn, lấy một chiếc khăn ẩm lau sạch bụi như mọi khi và đánh bóng lên bằng một chiếc khăn khô. Đột nhiên cô ngẩng đầu lên: “Thật là em không thể làm gì được cho anh?”
“Em làm rất nhiều cho anh rồi mà!”, tôi đáp.
Cô ngừng tay lau, ngồi xuống ghế và nhìn tôi chằm chằm. “Em không ám chỉ công việc ở đây. Mà là chuyện khác. Có thể anh muốn ngủ với em chẳng hạn?”
Tôi lắc đầu. “Không, anh không muốn ngủ với em. Như tất nhiên anh rất hân hạnh khi được hỏi như vậy.”
“Nhưng sao lại không? Anh cần em cơ mà, không đúng sao?”
“Anh cần em, đúng vậy. Nhưng anh không thể ngủ với em, ít nhất là bây giờ thì chưa. Đây không phải là chuyện cần hay không cần, vấn đề hoàn toàn khác hẳn.”
Cô ngồi đờ ra một lúc, miên man suy nghĩ. Nhưng rồi cô lại tiếp tục đánh bóng chiếc đầu lâu. Trong lúc đó tôi ngả đầu ra sau và nhìn đăm đăm lên trần nhà cao và bóng đèn vàng treo trên đó. Tôi không thể ngủ với cô ở đây và lúc này – kệ cho tâm hồn sơ cứng và mùa đông hành hạ. Việc ấy chỉ làm cho tâm hồn tôi thêm rối rắm và gia tăng cảm giác mất mát. Ngoài ra, tôi linh cảm thấy thành phố này muốn tôi ngủ với cô để dễ dàng tiệp cận tâm hồn tôi hơn.
Cô đặt chiếc đầu lâu được lau bóng trước mặt tôi, nhưng tôi không ấp tay lên đó mà quan sát đôi tay cô đặt trên bàn, dường như có thể đọc ra một ẩn ý nào đấy. Nhưng vô ích. Đơn giản đó chỉ là mười ngón tay thon mảnh, chẳng nói lên điều gì.
“Em kể cho anh nghe thêm về mẹ em đi!”
“Kể gì cơ?”
“Gì cũng được.”
“Ờ…”, cô nói và chạm tay vào đầu lâu trên bàn. “Em tin là em cảm nhận về mẹ em khác hẳn so với mọi người. Tất nhiên ngày đó đã xa rồi, và ký ức của em không còn chính xác nữa, nhưng dù sao em vẫn biết rằng tình cảm đối với mẹ khác hẳn so với tình cảm đối với bố hay em gái. Tuy nhiên em không hiểu rõ tại sao.”
“Tâm hồn là thế đấy. Nó không hoạt động một cách đều đều. Nó như một con sông, luôn đổi dòng cùng cảnh trí nơi nó chảy qua.”
Cô mỉm cười. “Nghe có vẻ không đúng.”
“Nhưng sự thật là thế”, tôi nói. “Vả lại, em vẫn yêu mẹ đến tận bây giờ, phải không?”
“Làm sao em biết được?”
Cô xoay trở chiếc đầu lâu trên bàn mấy lần và nhìn nó chằm chằm.
“Em thấy câu hỏi không rõ ràng phải không?”
“Vâng, có thể, có lẽ thế thật.”
“Được, thế thì anh hỏi ngược lại: em còn nhớ mẹ em thích gì không?”
“Có, cái đó thì em biết rõ. Mặt trời, dạo chơi, nghịch nước trong mùa hè, vâng, và mẹ em cũng thích chơi với bọn thú một sừng. Những hôm trời ấm, em và mẹ em hay đi dạo rất lâu. Mọi người ở đây thường không làm thế. Anh cũng thích đi dạo, phải không?”
“Đúng, rất thích”, tôi nói. “Anh cũng yêu mặt trời và nước. Em không nhớ thêm gì nữa à?”
“Có chứ. Ở nhà mẹ hay độc thoại. Nhưng em không biết có nên gọi đó là một sở thích hay không – nhưng đúng là mẹ em hay nói chuyện một mình.”
“Nói về gì?”
“Em không nhớ nữa. Nhưng đó không phải là những cuộc độc thoại theo nghĩa thông thường. Em không thể giải thích tại sao, nhưng đối với mẹ em nhất định nó có một ý nghĩa đặc biệt nào đó.”
“Một ý nghĩa đặc biệt?”
“Vâng, mẹ em luôn có một kiểu nhấn mạnh rất buồn cười, kéo dài các từ cuối rồi lại phát âm chúng thật nhanh, hoặc đôi khi nói với giọng cao và đôi khi trầm – nghe như tiếng gió thổi.”
Tôi đăm đăm nhìn vào chiếc đầu lâu trong tay cô và lội qua biển sương mù của ký ức một lần nữa. Và lần này tôi đã nhớ ra.
“Một bài hát! Mẹ em đã hát!”, tôi nói.
“Anh cũng biết nói như thế à?”
“Bài hát không phải để nói, mà để hát.”
“Anh hát xem nào”, cô nói.
Tôi hít một hơi sâu và định hát một câu, nhưng không thể nhớ ra điều gì. Mọi bài hát đã trôi tuột khỏi lồng ngực. Tôi nhắm mắt thở dài.
“Chịu thôi. Anh không nhớ ra bài nào cả”, tôi nói.
“Anh cần gì để có thể nhớ ra một bài?”
“Ước gì anh có một cái máy quay đĩa và một bài hát… Không, thế thì phức tạp quá. Một nhạc cụ nào đó cũng được. Nếu để anh nghịch chơi một nhạc cụ nào đó thì có thể anh sẽ nhớ ra một bài hát.”
“Cái mà anh gọi là ‘nhạc cụ’ trông ra sao?”
“Không thể diễn tả bằng một câu được, có hàng trăm loại nhạc cụ. Cách chơi cũng hoàn toàn khác nhau. Và âm thanh của chúng cũng khác nhau, tùy thuộc vào từng loại nhạc cụ, chưa kể đến hình dáng và kích cỡ. Có những nhạc cụ lớn đến nỗi bốn người mới khiêng nổi, nhưng loại khác lại để vừa vào lòng bàn tay.”
Vừa nói xong câu ấy thì tôi cũng nhận ra rằng chút xíu ký ức mà tôi đang theo đuổi đang dần dần trở nên mạch lạc hơn. Có thể mọi việc sẽ từ từ phát triển theo chiều hướng tốt.
“Có thể ta tìm được gì tương tự trong kho lưu trữ của thư viện. Gọi là ‘kho lưu trữ’ thì hơi quá, thật ra nó chỉ là một căn phòng chất đầy những đồ vặt vãnh. Chính em cũng không biết trong đó có gì, vì em mới chỉ liếc qua một lần. Mình vào đó xem nhé?”
“Được”, tôi nói. “Hôm nay đằng nào anh cũng không đọc mơ được nữa.”
Chúng tôi đi xuyên qua kho lớn với những giá đặt đầu lâu, qua một hành lang mà tôi chưa biết để đến một tấm cửa kính mờ giống như cửa ra vào thư viện. Nắm đấm cửa bằng đồng thau phủ một lớp bụi mỏng, cửa không khóa. Cô thủ thư bật đèn. Trong ánh sáng vàng vọt bụi bặm hiện ra một căn phòng hẹp và dài, chất đầy một núi đồ đạc hắt bóng lên tường trắng.
“Hầu hết đồ vật ở đây là va li và túi. Đây đó tôi nhìn thấy một hộp đựng máy chữ hay túi vợt tennis, nhưng đó chỉ là trường hợp cá biệt. Phần lớn đồ vật ở đây toàn là va li và túi xách đủ kích cỡ. Có lẽ đến một trăm chiếc, tất cả phủ một lớp bụi trông đến phát kinh. Không thể nhận ra xuất xứ của chúng, nhưng có thể tiên liệu sẽ mất bao nhiêu thì giờ để mở hết ra.
Việc đầu tiên là tôi ngồi thụp xuống và mở một hộp đựng máy chữ. Bụi chảy xuống ào ào và bay tung như bão tuyết. Một chiếc máy chữ kiểu cổ lộ ra, với những phím to hình tròn như máy tính tiền. Có vẻ như nó đã được dùng nhiều, vì lớp sơn bị tróc ra ở nhiều điểm.
“Em có biết cái gì đây không?”
“Không”, cô vừa nói vừa tiến ra đứng cạnh tôi, khoanh hay tay trước ngực. “Em chưa thấy thứ này bao giờ. Đây là nhạc cụ à?”
“Không, đây là một cái máy chữ. Có thể in ra chữ cái. Máy này cũ lắm rồi.”
Tôi đóng nắp hộp lại, cất máy về chỗ cũ và quay sang một chiếc rương bằng mây đan. Trong đó có một bộ đồ ăn picnic. Tất cả dao, dĩa, đĩa và chén buộc cẩn thận, giấy ăn đã ngả vàng khè, chắc ngày xưa màu trắng. Cũng là một di vật của ngày xa xưa. Hôm nay người ta chỉ dùng đĩa giấy bạc và cốc giấy, không ai khuân mấy đồ này đi xa nữa.
Trong một túi du lịch to bằng da lợn toàn là quần áo. Com lê, sơ mi, cà vạt, tất, đồ lót – hầu hết đã bị mối cắn nát, không nhận ra nữa. Lẫn trong đó là túi đồ vệ sinh cá nhân và một chai rượu dẹt. Lông chổi cạo râu và cước bàn chải răng đã cứng quèo. Tôi mở chai rượu và ngửi, từ trong chai không có lấy một thoáng hơi cồn thoát ra. Ngoài ra chẳng có gì trong túi nữa. Không có một quyển sách, sổ tay hay lịch bỏ túi.
Tôi mở thêm mấy va li và túi xách nữa, nhưng các đồ vật trong đó hầu như không khác nhau nhiều. Quần áo và những thứ lặt vặt – tựa như được ai đó vội vã và vô tâm quẳng vào. Những hành lý này thiếu một thứ gì đó mà người ta luôn mang theo khi đi xa, và chính điều đó cho thấy một sự trái tự nhiên. Chẳng ai ra khỏi nhà chỉ với vài bộ quần áo và đồ vệ sinh! Nói chung tôi không thể phát hiện ra chi tiết nào về cuộc sống và nhân thân của chủ sở hữu trong đó.
Những bộ quần áo có thể nói là thuộc loại tầm tầm, không có thứ nào đặc biệt quý giá hay quá tồi tàn. Tôi chỉ có thể phân biệt ra mốt thời nào và dùng ùa nào cũng như các khác biệt về giới tính và thế hệ, ngoài ra không thể nhận ra một ấn tượng đặc biệt nào. Thậm chí chúng cũng có mùi giống nhau, hầu hết bị mối xông nát bét. Không thấy tên tuổi ai. Dường như đã có người cẩn thận kiểm tra từng đồ vật và xóa đi tên tuổi cũng như những gì riêng tư. Giờ chỉ sót lại những miếng vải mẫu vô danh từ các thời đại khác nhau.
Sau năm, sáu túi thì tôi bỏ cuộc, không thèm chạm vào đống đồ đạc ấy nữa. Bụi bay ngạt thở, mà tôi tin chắc là khó có thể tìm ra một nhạc cụ trong đó. Nếu ở thành phố này có một nhạc cụ nào đó thì chắc chắn không phải ở đây.
“Ta đi thôi”, tôi nói. “Bụi quá, anh cay hết cả mắt.”
“Anh có thất vọng vì không tìm thấy nhạc cụ nào không?”
“Có, nhưng biết đâu mình sẽ tìm ra ở nơi khác”, tôi nói.
Khi tôi chia tay cô và một mình trèo lên Đồi Tây, chợt gió mùa nổi lên ầm ầm, nó quét rào rào trên sườn dốc sau lưng tựa như có chủ ý đuổi theo tôi. Cánh rừng hú lên lanh lảnh xé tai. Tôi quay lại, thấy nửa vầng trăng treo trên đỉnh tháp đồng hồ, cô đơn và lạnh lùng. Những đám mây dày trôi qua quầng sáng. Dòng sông óng ánh như mực dưới ánh trăng.
Bỗng dưng tôi nhớ ra một chiếc khăn len quàng cổ trong một va li ở kho lưu trữ. Nó đã bị mối cắn thủng mấy chỗ nhưng quấn vài vòng quanh cổ thì sẽ ấm lắm. Tôi sẽ hỏi ông gác cổng, và chắc chắn sẽ được thông tin về chủ nhân của đồ đạc ở đó và liệu tôi có được phép sử dụng không. Không có khăn, tai tôi đau nhức trong gió lạnh như bị dao cắt. Ngày mai, việc đầu tiên là tôi sẽ đến chỗ ông gác cổng. Ngoài ra tôi cũng phải biết bóng mình ra sao.
Tôi quay lưng lại với thành phố và theo con đường đóng băng leo lên khu công chức trên đồi.