Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới

Chương 02


Bạn đang đọc Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới: Chương 02


2
Bầy Thú Vàng
Đến mùa thu là toàn thân chúng phủ một lớp lông vàng ròng dày mượt. Vàng theo đúng nghĩa. Không một thứ sắc màu nào khác có thể lẫn vào được. Lông của chúng là vàng, xuất hiện trên thế gian này dưới dạng vàng và tồn tại trên thế gian này dưới dạng vàng. Với màu vàng óng không hề dính một màu pha trộn nào, chúng đứng đó giữa trời cao đất rộng.
Tôi tới thành phố vào một ngày xuân, hồi đó những con thú ấy mang lớp lông ngắn với những màu sắc khác nhau. Đen, nâu xám, hung hung và nâu đỏ. Có những con pha nhiều màu. Bầy thú với bộ lông đủ màu sặc sỡ nhẹ nhàng cuốn đi trên nền đất phủ màu xanh non như bị gió đẩy. Hầu như có thể coi chúng là những con thú hiền lành vì chúng rất trầm lặng. Ngay hơi thở của chúng cũng nhẹ như sương mai. Chúng lặng lẽ gặm cỏ, và no rồi thì rụt cẳng lại nằm lên thảm cỏ mà gà gật ngủ.
Xuân rồi hạ qua đi, và khi ánh sáng trong trẻo đã nhuốm màu bàng bạc và ngọn gió thu đầu tiên xô những con sóng trên mặt sông lững lờ thì những thay đổi bên ngoài của bầy thú bắt đầu hiện rõ. Thoạt tiên chỉ xuất hiện những đốm vàng lẻ tẻ, như những khóm cây ngẫu nhiên mọc trái mùa, nhưng chẳng bao lâu chúng tỏa ra vô số nhánh len lỏi khắp lớp lông ngắn, để rồi rốt cuộc phủ một lớp vàng lấp lánh sáng lên toàn thân. Toàn bộ diễn biến không đầy một tuần. Sự chuyển hóa bắt đầu gần như cùng lúc ở tất cả các con và chấm dứt hầu như cùng lúc. Sau một tuần, tất cả chùm một tấm chăn vàng ròng, không một ngoại lệ. Sớm hôm sau, khi ánh dương bừng lên và nhuộm thế gian trong ánh vàng tươi trẻ thì đó là lúc mùa thu về.
Riêng cái sừng dài mọc chính giữa trán chúng là trước sau vẫn mang một màu trắng quý phái. Trông nó không giống một cái sừng, đúng ra thì nên gọi là một đoạn xương gãy chọc xuyên qua da và mọc liền lại ở vị trí đó. Duy nhất và chỉ riêng màu trắng của sừng và màu lam của mắt chúng là không chuyển sang ánh vàng tuyệt mỹ. Các con thú hất đầu lên vài nhát và thúc sừng vào bầu trời thu, tựa như chúng muốn thử bộ cánh mới. Rồi chúng lội xuống làn nước sông đã chớm lạnh và nghển cổ với tới những chùm dâu đỏ mùa thu.

Khi hoàng hôn bắt đầu nhuộm tím bóng nhà cửa hiện trên nền trời, tôi trèo lên trạm canh ở bờ tường phía Tây để xem ông gác cổng thổi tù và dồn súc vật về. Tiếng tù và cất lên một nhịp dài và ba nhịp ngắn. Đó là quy định. Mỗi lần tiếng tù và vang lên là tôi lại nhắm mắt để âm thanh mềm mại ấy nhấn chìm mình. Tiếng tù và khác hẳn mọi âm thanh khác. Như một con cá trong suốt lấp lánh xanh lam, nó trườn qua đường phố đang chìm vào bóng đêm, phủ lên đá rải đường, tường nhà và lũy đất cạnh con đường chạy ven sông. Tựa như ngoằn ngoèo bò qua lớp thời gian vô hình bị khí quyển bao bọc, tiếng tù và khẽ lan tỏa đến tận hang cùng ngõ hẻm của thành phố.
Khi tiếng tù và vang lên, bầy kỳ lân cất cao đầu theo một hoài niệm ngàn xưa. Cùng lúc, hơn một nghìn con vật đứng cùng một tư thế và ngoảnh đầu về phía tiếng tù và vẳng đến. Vài con ngừng nhai nhành kim tước, một con khác ngừng nện móng lên nền đá rải đường, một con khác nữa thức giấc ngủ chiều trong tia nắng cuối cùng – và tất cả cùng cất cao đầu.
Tất cả đứng im trong khoảnh khắc này. Chỉ có bộ lông vàng ròng của chúng khẽ lay động trong gió chiều. Không rõ chúng đang nghĩ gì và đang nhìn gì. Chúng quay đầu theo cùng một góc về một hướng, và trong khi đăm đăm nhìn lên không trung thì chúng đứng im phăng phắc như tượng. Rồi tất cả dỏng tai lắng nghe tiếng tù và. Rồi cuối cùng, khi dư âm cuối cùng tan dần trong ánh hoàng hôn nhạt nhòa thì tất cả đứng dậy và chạy về cùng một hướng, dường như vừa sực nhớ điều gì. Vòng kiềm tỏa đã vỡ, và cả thành phố vang dội tiếng móng đổ dồn. Lúc đó tôi luôn mường tượng ra vô vàn bong bóng tí xíu sùi lên từ nền đất. Lớp bọt ấy phủ lên đường sá, dâng lên dọc theo bờ tường nhà và sau rốt nhấn chìm cả tháp đồng hồ.
Sau đó chỉ là một ảo giác lúc đêm về. Hễ tôi mở mắt ra là lớp bọt tan biến tức thì. Chỉ còn tiếng móng gõ như trống, và thành phố nom chẳng khác mọi khi. Bầy thú kéo đi như một dòng sông tràn lên mặt đường, chảy qua các ngõ phố quanh co. Không được chỉ lối. Không có con đầu đàn. Chúng cúi đầu và loạng choạng đi dọc lòng sông im lặng. Trông chúng như bị trói chặt bởi những sợi thừng hoài niệm, những sợi thừng rõ ràng tồn tại ngay cả khi không thấy trên mình từng con vật riêng lẻ.
Chúng đi từ phía bắc về, qua Cầu Cũ sang bờ nam, gặp chúng bạn từ phía đông lại, đi dọc kênh qua khu nhà máy, xuống tiếp phía tây, chui qua đường hầm bên dưới xưởng đúc, rồi tập trung ở Đồi Tây.
Khi những con đầu tiên về tới nơi, ông gác cổng liền ra mở. Cánh cổng được gia cố bằng những thanh sắt to đóng ngang dọc, trông rất nặng nề và chắc chắn. Cao khoảng bốn, năm thước, và phía trên có đóng đinh nhọn sắc lẻm để không ai trèo qua. Ông gác cổng ung dung kéo cánh cổng nặng nề ra và dồn những con vật vừa tụ tập ra ngoài. Cổng có hai cánh, nhưng bao giờ ông ta cũng chỉ mở một cánh.

Thường là cánh bên trái khóa chặt. Khi các con vật đã qua hết, ông gác liền đóng cổng lại và cài then.
Theo tôi được biết, Cổng Tây là nơi ra vào duy nhất của thành phố. Bao quanh thành phố là một bức tường thành hùng vĩ cao bảy, tám thước, chỉ chim chóc mới vượt qua nổi.
Khi trời hửng sáng, ông gác lại mở cổng, thổi một hồi tù và lùa súc vật vào. Khi chúng vào hết trong thành, ông lại đóng cổng, như mọi khi, và cài then.
“Thực ra không cần cài then”, ông gác cổng cho tôi hay. “Đằng nào thì ngoài tôi ra cũng chẳng ai kéo được cánh cổng nặng nề này. Mấy người cùng kéo cũng chẳng xong. Nhưng biết làm sao được, quy định là quy định.” Ông kéo cái mũ len sụp xuống sát lông mày và im lặng.
Ông gác cổng là người đàn ông lực lưỡng nhất mà tôi từng thấy. Người ông nung núc chắc nịch, hễ cơ bắp ông động cựa một chút xíu thôi là sơ mi và áo khoác của ông chỉ chực bục ra. Thỉnh thoảng ông nhắm mắt và chìm vào sự im lặng oai vệ. Tôi không biết đó có phải là một dạng sầu muộn của ông, hay các công năng bên trong cơ thể ông bị cắt rời khỏi thế giới xung quanh bằng một động thái nào đó. Dù sao đi nữa, khi sự im lặng đã chế ngự ông thì tôi không còn cách nào khác ngoài đợi cho đến khi ông tỉnh. Đó là lúc ông gác cổng lừ đừ mở mắt ra, vừa nhìn tôi thật lâu với ánh mắt uể oải vừa xoa hai tay vào nhau, tựa như phải gắng sức hiểu ra lý do sự hiện diện của tôi ở đây vậy.
“Tại sao buổi tối ông dồn súc vật lại và cho ra ngoài thành, chỉ để sáng hôm sau lại cho chúng vào?”, tôi hỏi ngay khi thấy ông đã hồi tỉnh.
Ông gác cổng vô cảm nhìn tôi chằm chằm một hồi lâu. “Vì đó là quy định”, ông đáp. “Thế đấy. Giống như mặt trời mọc ở đằng Đông và lặn ở đằng Tây.”

Ngoài việc mở và đóng cổng, hình như phần thời gian còn lại của ông chỉ dành cho việc bảo dưỡng các công cụ. Trong trạm canh có vô thiên lủng các loại công cụ: rìu, đục, dao, và cứ rảnh rỗi là ông mài bén chúng trên phiến đá mài. Sau khi mài xong, các lưỡi cắt lấp lánh sáng trắng và trông rất nguy hiểm. Có vẻ như chúng không phản chiếu ánh sáng mà theo tôi chính chúng chứa một nguồn sáng bí hiểm nào đó.
Thấy tôi ngắm nghía các công cụ, khóe miệng của ông gác cổng nở một nụ cười thỏa mãn.
“Chú ý, chạm một tí tẹo là đứt tay ngay đấy!” Ông chỉ ngón tay sần sùi của mình vào đống công cụ. “Khác hẳn mấy thứ hàng sản xuất đại trà của bọn nghiệp dư bày bán khắp nơi! Tự tay tôi rèn từng lưỡi dao một đấy. Thế mới gọi là thủ công nghiêm túc, ngày xưa tôi là thợ rèn mà. Bảo dưỡng tử tế, nằm thuận trong tay. Chọn cái cán vừa vặn với trọng lượng lưỡi dao không đơn giản đâu nhé. Cậu cầm một con dao lên tay đi, con nào cũng được, nhưng cẩn thận đừng chạm vào lưỡi!”
Trong đống công cụ trên bàn tôi lựa ra một con dao nhỏ nhất và cầm lên tay. Quả thật, nó phản ứng nhạy như một con chó săn được huấn luyện và rít một đường khô lạnh trong không khí. Ông gác cổng thật sự có quyền tự hào về bản thân.
“Cán dao tôi cũng làm lấy. Tôi đẽo nó từ gỗ tần bì mười tuổi. Người ta có thể tranh cãi xem vật liệu nào làm cán tốt nhất, tôi thì nhất quyết dùng gỗ tần bì mười tuổi. Không non hơn, cũng không già hơn, được mười tuổi là gỗ có đủ độ cứng, độ ẩm và độ căng mong muốn. Tần bì loại tốt ở Rừng Đông.”
“Ông cần chừng này dao làm gì?”
“Nhiều việc”, ông gác cổng nói. “Mùa đông là phải dùng chúng suốt. Đến mùa đông rồi cậu sẽ thấy. Mùa đông ở đây dài lắm.”

Bên ngoài cổng đàn súc vật có chỗ ngủ qua đêm của chúng. Có cả một con suối để chúng uống nước. Phía sau là một rừng cơ man là táo.
Dọc tường thành phía tây có ba tháp canh, chúng được che chắn tiềm tiệm để chống mưa. Từ đây có thể quan sát đàn súc vật qua các cửa sổ rào lưới sắt.
“Ngoài cậu ra chẳng ai ngắm mấy con vật ấy cả”, ông gác cổng nói. “Nhưng rồi cũng chán dần thôi. Cậu hiếm khi đến đây mà. Sống một thời gian ở đây rồi thì cậu sẽ hết hứng. Như mọi người khác. Trừ tuần đầu tiên của mùa xuân.”
Ông kể cho tôi biết, trong tuần đầu tiên của mùa xuân, dân thành phố trèo lên các tháp canh để xem những con vật đánh nhau. Chỉ trong một tuần ấy, hình ảnh bình yên biến đổi không ngờ, chỉ lúc ấy thôi – khi các con vật vừa thay lông mùa đông và ngay trước lúc các con mẹ sắp đẻ con – các con đực xông vào nhau một cách tàn bạo không tưởng tượng nổi. Biển máu tràn lan dưới đất làm nảy sinh một trật tự mới và cuộc sống mới.
Bây giờ là mùa thu, từng con vật khoanh chân nằm riêng một chỗ, những bộ lông vàng tỏa sáng trong nắng chiều. Chúng nghếch đầu lên chờ đợi, im phăng phắc như những bức tượng chôn chân xuống đất, cho đến khi những tia sáng cuối cùng trong ngày biến mất sau tán lá rừng táo. Khi vầng dương cuối cùng cũng lặn hẳn và bóng đêm rủ xuống, chúng gục đầu ngả chiếc sừng trắng lên mặt đất và nhắm mắt.
Thế là hết một ngày trong thành.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.