Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới

Chương 18


Bạn đang đọc Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới: Chương 18

18
Đọc Mơ
Vậy là tôi tiếp tục đọc các giấc mơ xưa mà không biết gì về tâm hồn mình. Ngoài trời ngày càng lạnh hơn và tôi cũng không thể chùng chình công việc của mình mãi được. Vả lại, chừng nào còn tập trung tinh thần đọc mơ thì tôi quên được cảm giác mất mát – ít nhất là trong giờ phút ấy.
Thay vào đó, càng đọc nhiều giấc mơ xưa thì một cảm xúc khác ngày càng chế ngự tôi: cảm giác bất lực sinh ra từ việc tôi không hiểu thông điệp mà giấc mơ xưa đem đến, dù tôi có đọc nhiều đến mấy. Tôi đọc chúng đã đành, nhưng không luận ra được ý nghĩa của chúng. Có lẽ kết quả cũng giống nếu tôi đọc đi đọc lại một câu hoàn toàn vô nghĩa hoặc ngày ngày quan sát dòng sông chảy. Đơn giản là tôi chẳng đạt được gì hơn. Trong kỹ thuật đọc mơ thì tôi có tiến bộ, nhưng không vì thế mà tôi giỏi hơn. Bây giờ tôi đã xử lý được một lượng lớn các giấc mơ xưa một cách thuần thục và khéo léo, nhưng qua đó sự trống rỗng của công việc này càng biểu hiện rõ hơn. Con người không ngần ngại bất cứ nỗ lực nào để đạt tiến bộ. Còn tôi cứ giẫm chân tại chỗ.
“Anh không biết các giấc mơ thực ra có ý nghĩa gì”, tôi nói với cô thủ thư. “Em đã nói, nhiệm vụ của anh là đọc các giấc mơ xưa trong đầu lâu. Nhưng chẳng có gì trong đó đọng lại trong anh, chúng như đi xuyên qua anh. Anh không hiểu được một giấc mơ nào trong đó, và càng đọc thì anh càng có cảm giác mình bị tận dụng, bị hao mòn.”
“Vậy mà anh cứ đọc tiếp tục như bị ma ám! Tại sao?”
“Anh không biết”, tôi nói và lắc đầu. Một mặt, nhất định tôi vùi đầu vào công việc để lấp đầy hố sâu ngày càng lớn trong mình. Nhưng tôi thừa biết đó không thể là lý do duy nhất. Cô thủ thư nói có lý: tôi đọc như bị ma ám.

“Em cho là vấn đề ở chính trong anh”, cô nói.
“Trong anh?”
“Vâng. Em nghĩ là anh phải cởi mở tâm hồn hơn nữa. Tuy em chẳng hiểu gì về tâm hồn nhưng hình như tâm hồn anh bị khóa chặt. Anh nên thích đọc các giấc mơ xưa như chúng thích được anh đọc.”
“Sao em lại nghĩ thế?”
“Vì đó là bản chất việc đọc mơ. Hệt như chim chóc đến mùa là bay về phương Bắc hay phương Năm, còn người đọc mơ thì phải đọc mơ.”
Cô với tay qua bàn, đặt lên tay tôi. Và mỉm cười. Một nụ cười như ánh nắng mùa xuân dịu dàng tuôn ra giữa những làn mây.

“Hãy rộng mở tâm hồn! Anh không phải tù nhân. Anh là một cánh chim ngang trời, trên đường tới những giấc mơ.”
Kỳ thực là tôi cũng chẳng còn đường nào khác là thực sự cẩn trọng bắt tay vào từng giấc mơ. Tôi lấy trong dãy đầu lâu vô tận xếp trên giá ra một chiếc và thận trọng vác nó ra bàn như một đứa trẻ con. Rồi cô thủ thư giúp tôi lau sạch bụi bẩn trên đó bằng một cái khăn ẩm, sau đó dùng khăn khô cọ cho bóng lên, nhẫn nại và kỹ lưỡng, cho đến khi nó trắng tinh như tuyết mới rơi. Sự tương phản sáng tối khiến hai hố mắt toang hoác phía trước trông như hai cái giếng sâu không đáy.
Tôi khẽ áp tay lên đầu lâu, đợi nó thức dậy dưới hơi ấm bàn tay và lờ mờ tỏa sáng. Khi đã đạt được một nhiệt độ nhất định – không nóng bỏng, mà chỉ âm ấm như một khoảng sân dưới ánh mặt trời yếu ớt của mùa đông – chiếc đầu lâu được cọ cho bóng loáng bắt đầu kể ra những giấc mơ xa xưa tích tụ trong nó. Tôi nhắm mắt, hít thở thật sâu, mở rộng tâm hồn và lấy đầu ngón tay dò theo những câu chuyện đang được nó kể ra. Nhưng âm thanh phả ra nóng như tơ, hình ảnh hiện lên mờ ảo trong làn sương trắng như những vì sao xa xăm trên nền trời ban mai. Tôi không đọc được gì hơn vài mảnh vụn vô nghĩa, dù có hết sức chắp nối chúng với nhau để mong thành một hình trọn vẹn.
Tôi nhìn thấy những cảnh tượng chưa từng biết trong đời, nghe tiếng nhạc chưa bao giờ đến tai và những lời nói thì thầm không sao hiểu nổi. Tất cả xuất hiện cùng lúc và cũng đột ngột chìm vào đêm đen sâu thẳm. Giữa mảnh nọ và mảnh kia dường như không có sợi dây liên hệ. Tựa như khi ta dò sóng radio, từ kênh này nhảy qua kênh kia và chuyển ngay sang kênh tiếp theo. Tôi thử đủ cách để tập trung tinh thần mạnh hơn và đầu ngón tay nhưng cố đến mấy cũng chẳng ích gì. Rõ ràng tôi cảm nhận được rằng những giấc mơ xưa định nói với mình điều gì, nhưng đơn giản là tôi không thể đọc ra điều đó ở dạng một câu chuyện ra đầu ra đũa.
Có thể do kiểu đọc của tôi còn khiếm khuyết. Hoặc thứ ngôn ngữ của chúng ta nhiều năm ròng đã mòn mỏi và trục trặc. Hoặc cũng có thể tồn tại nhiều khác biệt về thời gian và ngữ cảnh giữa câu chuyện của chúng và câu chuyện do tôi nghĩ ra.
Dù thế nào đi chăng nữa, tôi không còn cách nào khác ngoài việc thầm lặng dõi theo những mảnh vỡ khác nhau hiện ra rồi lại biến đi. Tất nhiên đôi lúc cũng xuất hiện vài hình ảnh hay ấn tượng mà tôi thấy quen thuộc và dễ hiểu. Ví dụ như những cảnh thường nhật của ngọn cỏ run rẩy trong gió, mây trắng trôi ngang trời hay ánh mặt trời lấp lánh trên mặt nước. Nhưng chính những hình ảnh vô hồn đó lại đè nặng tâm hồn tôi với một nỗi sầu muộn bí hiểm khó tả nổi bằng lời. Tuy nhiên, những yếu tố sinh ra nỗi sầu muộn ẩn ở đâu trong các hình ảnh đó, đối với tôi là một câu đố không có lời giải. Như những con tàu ngoài kia trôi ngang khung cửa sổ, hình ảnh hiện ra rồi mất đi, không để lại dấu vết, không một lời giải thích.
Sau khoảng mười phút, hơi ấm lùi ra xa như nước triều xuống, và trước mặt tôi lại hiện nguyên hình chiếc đầu lâu trắng ớn, lạnh tanh. Những giấc mơ xưa lại chìm vào giấc ngủ dài dằng dặc, hình ảnh trôi đi như nước lọt qua kẽ tay rơi xuống đất. Công việc của tôi, “người đọc mơ”, là như thế đấy, chỉ có đầu lâu và đầu lâu, vô tận.

Khi chiếc đầu lâu đã nguội hẳn, tôi trả lại nó cho cô thủ thư và cô đặt nó lên giá cạnh những chiếc khác. Trong lúc đợi, tôi đặt tay lên bàn, vung vẩy tay chân cho đỡ tê và thư giãn. Mỗi tối tôi đọc được tối đa năm, sáu giấc mơ. Quá số đó là tôi mất tập trung, đầu ngón tay tôi cố lắm cũng chỉ có thể nhận ra một điểm nhỏ bùng nhùng. Khi kim đồng hồ chỉ mười một giờ, thường là tôi mệt bã người, kiệt sức đến mức không muốn đứng dậy nữa.
Những lúc ấy cô thủ thư luôn đun một ấm cà phê mới, đôi khi cô còn mang bánh quy hay bánh mì hoa quả mới nướng từ nhà đến. Chúng tôi ngồi đối diện nhau, không nói gì trong khi ăn. Thường là tôi quá mệt để có hứng chuyện trò. Cô hiểu và im lặng đồng cảm.
“Có thể vì lỗi của em mà anh không cởi mở tâm hồn?”, cô hỏi. “Có thể tâm hồn anh bị khóa chặt vì em không biết cách đáp lại xúc cảm của anh?”
Như mọi khi, chúng tôi ngồi ở bậc thang từ đoạn giữa Cầu Cũ dẫn xuống bãi cát bồi và nhìn xuống sông. Vầng trăng vỡ thành muôn mảnh nhỏ màu trắng lạnh ngắt trên mặt nước. Con thuyền gỗ nhỏ mà ai đó đã buộc vào cọc cạnh mép bãi bồi làm đổi âm điệu của nước. Do chúng tôi ngồi bên nhau trên bậc thang hẹp, vai tôi suốt buổi nhận được hơi ấm từ người cô. Lạ thật, tôi nghĩ. Con người đánh đồng tâm hồn với hơi ấm. Nhưng hơi ấm xác thịt và hơi ấm tâm hồn chẳng giống gì nhau.
“Không, không”, tôi nói. “Tâm hồn không cởi mở là vấn đề của riêng anh. Em không có lỗi gì cả. Anh không nắm bắt được tâm hồn mình, vì thế anh bối rối.”
“Nghĩa là anh cũng không hiểu nổi tâm hồn mình?”
“Cũng tùy”, tôi nói. “Đôi khi một thời gian sau người ta mới hiểu chuyện gì đã xảy ra, và thường là quá muộn. Nhưng trong đa số các trường hợp thì thực tế ta phải ra quyết định, dù không thể hiểu tâm hồn mình, lúc đó thì ai cũng thấy lúng túng.”

“Có vẻ như tâm hồn là một thứ gì tương đối kém hoàn hảo”, cô mỉm cười.
Tôi rút tay khỏi túi và ngắm nhìn, chúng trắng bệch như vôi dưới ánh trăng, như hai tượng điêu khắc hoàn chỉnh không còn chỗ trên thế giới này.
“Ừ, anh cũng có cảm tưởng như thế. Rất kém hoàn hảo”, tôi nói. “Nhưng nó để lại dấu vết. Và ta có thể lần theo dấu vết ấy như theo dấu chân hằn lên tuyết.”
“Và chúng đưa đến đâu?”
“Đến với chính mình”, tôi đáp. “Tâm hồn là thế đấy. Thiếu nó thì không có một định hướng nào.”
Tôi ngước nhìn lên trời. Trăng mùa đông treo trên thành phố có tường bao quanh và tỏa sáng quá mức. “Không, em chẳng có lỗi gì cả”, tôi nói.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.