Bạn đang đọc Xóm Vắng – Chương 6
Sáng sớm hôm ấy, Oanh mếu máo cho Sương hay là Trần đã bịnh.
Sương lo lắng vô cùng, nàng biết có lẽ vì quá đau đớn nên Trần cứ ở trong gian nhà ấy tới khuya lắm mới về. Nàng cũng hơi hối hận vì mình đã bỏ mặc chàng đêm qua nhưng nhớ tới những việc xảy ra đêm qua, nàng cũng phải rùng mình.
Chàng đã ngã bịnh vì kinh hoảng tinh thần? Nàng không sao hiểu được điều đó, nhưng nàng biết hoàn cảnh không cho phép nàng quá chú ý đến Trần.
Sương hỏi Oanh:
– Ba cháu bịnh ra sao?
– Dạ cháu không biết, bác tài đã đi mời bác sĩ. Từ mấy năm nay bác tài lo chăm sóc cháu và ba cháu rất chu đáo.
Sương lo quá không thể lơ là được:
– Cháu thấy chưa?
– Dạ thấy aỉ Bác sĩ Lưu hả cô?
– Không, ba cháu.
– Dạ ba cháu sốt nhiều lắm. Cứ nằm trăn trở mãi.
Sương thở dài nhìn ra cửa sổ. Con người có lẽ yếu ớt hơn tất cả loài vật vì phải chịu đau khổ không những về vật chất mà còn tinh thần nữa.
Tại sao? Tại sao Trần lần mò đến nơi hoang tàn đó để tìm hình bóng Mai? Một người đã chết. Và bây giờ chắc chàng tin chắc rằng mình đã gặp được vợ đêm qua, có lẽ chàng cho rằng mình gặp hồn ma của Mai. Tại sao? Tại sao tình cảm chàng vẫn đậm đà trong một khoảng thời gian suốt mười năm với một người đã mất.
Có tiếng Oanh:
– Thưa cô… Cô làm sao thế?
Sương giựt mình, nàng cảm thấy mình cần phải dứt khoát tình cảm với Trần, như thế vừa đúng nhưng cũng vừa đau khổ. Nàng vẫn cứng rắn, mạnh dạn trước những quyết định nhưng lần này nàng cảm thấy mình bị giao động mạnh.
Nghĩ như vậy, nàng khẽ rùng mình rồi ra dáng can cường quả quyết ngồi thẳng lưng dậy:
– Oanh, sửa soạn đi cháu. Trưa rồi.
Oanh ấp úng:
– Con… Con nghỉ một bữa nghen cô?
Nó vừa nói vừa lo lắng nhìn về phòng Trần.
Sương lắc đầu:
– Ở nhà có chị Châu, cả bác Du lo cho ba rồi, cháu đừng lo lắng nhiều, ba chỉ bịnh sơ sài mà thôi.
Rồi nàng dẫn Oanh tới trường. Nhưng hôm ấy, tinh thần nàng cứ ngẩn ngơ, nhiều lúc quên lửng cả bài đang giảng.
Chưa đến giờ tan học, nàng đã cho Oanh về sớm để xem chừng bịnh tình của Trần. Bác sĩ cho biết là Trần chỉ cảm lạnh, và bị xúc động mạnh, nhiệt độ cao nhưng không mấy nguy hiểm. Tánh tình Trần trở nên gắt gỏng, chàng không muốn cho ai vào phòng thăm mình cả.
Sương hơi lo ngại:
– Bác sĩ có bảo là cần nằm nhà thương không?
– Dạ bác Lưu bảo không cần lắm, mà ba cháu cũng không chịu nằm đâu.
Sương càng hối hận hơn, nàng biết tất cả đều do mình mà ra cả, bây giờ tình hình mỗi lúc một khó khăn hơn. Trước kia, nàng đã dặn lòng không nên dính líu vào nội vụ của gia đình này, nhưng giờ đây, không biết nàng có thể nào thoát ra được nữa không.
Buổi trưa hôm ấy, khi tan học, nàng cùng Oanh về nhà, Sương hơi ngạc nhiên vì có cả Lan đứng trong phòng khách.
Bà ta đứng dựa cửa sổ, tay cầm điếu thuốc, mắt ngó mông ra khoảng đồng ruộng mênh mông phía trước. Đây là lần thứ nhất Sương thấy Lan hút thuốc. Bà ta không trang điểm tỉ mỉ, dáng người hốc hác, mắt thâm quầng có lẽ vì đêm qua mất ngủ.
Thấy Lan, Oanh hơi sợ, nó rụt rè:
– Thưa má.
Lan quay lại liếc mắt nhìn hai người, ánh mắt tuy chẳng niềm nở gì nhưng cũng không có nét thù địch hay hằn học như trước. Có lẽ trong lòng bà đang mang nặng những tâm tư gì đó.
Bà khẽ gật đầu chào Sương rồi bảo Oanh:
– Oanh, con vào thăm ba con một chút rồi hỏi ba muốn ăn gì.
Sương càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy Lan đổi thái độ quá bất thình lình như vậy. Lan buồn rầu khô héo có phải vì Trần bịnh không? Lan có phải là con người tàn nhẫn vô tình như nàng tưởng chăng? Những cuộc tình trắc trở chưa hẳn do người đàn bà gây nên. Biết đâu khi trước vì một lý do nào đó khiến Lan mất quân bình trong não trí rồi ảnh hưởng đến đạo vợ chồng.
Oanh lên lầu gõ cửa phòng Trần. Vì không có khóa nên nó đẩy nhẹ bước vào.
Trong phòng tối om, màn cửa che kín mít, Trần đang nằm dài trên giường mắt lim dim như ngủ. Sương vừa định kéo Oanh trở ra bỗng nghe Trần hỏi:
– Ai vậy?
Sương trả lời ngay:
– Tôi và Oanh định đến thăm ông, ông cho phép.
Giây phút sau, Trần mới đáp:
– Xin mời vào.
Oanh chạy vội đến bên cha rồi kêu lên:
– Ủa, tay ba nóng quá.
Trần thở dài, chàng quá cô độc mà không có người thân nào kề cận để an ủi, săn sóc.
Sương thấy mấy bao thuốc trên giường và một ly nước. Nàng cầm bao lên xem thấy ngoài bao có ghi thuốc uống một giờ một viên và uống trong ba ngày, nhưng trong bao còn đến 11 viên.
– Sao ông không uống theo lời bác sĩ?
Trần nói giọng chán nản:
– Uống làm gì? Tôi không uống nữa.
Sương định nói gì, nhưng lại thôi. Nàng miễn cưỡng gượng cười:
– Tôi tạm làm khán hộ, mời ông uống viên thuốc.
Oanh đỡ cha ngồi dậy, Sương trao cho Trần viên thuốc rồi bưng tách nước kề tận môi chàng.
Trần bưng luôn tách nước uống một hơi thật dài rồi nằm xuống thở hào hển, mồ hôi vã ra ướt trán. Chàng lẩm bẩm như trong cơn mê:
– Tôi khát quá, khát đã mười năm nay rồi!
Sương cũng thấy trong lòng chua xót, đau đớn vô cùng. Nàng nhìn chàng, gương mặt Trần hốc hác, mắt lờ đờ, thái độ chàng đúng là thái độ của một người tuyệt vọng hoàn toàn. Nàng nghẹn ngào, thấy đau đớn trong từng làn da, từng thớ thịt. Chàng đau nặng như vậy mà nàng cũng không hay.
Sương bỗng ngạc nhiên, không hiểu những người trong nhà này ở đâu mà lại bỏ Trần khát như vậy. Bỏ nằm đây một mình thuốc không cho uống, có lẽ chàng đói cũng chẳng ai cho ăn. Ít ra cũng phải để một người bên cạnh săn sóc chàng chứ!
– Oanh à.
Nàng dặn nhỏ đứa bé:
– Cháu chạy xuống dưới bảo chị Châu nấu cháo cá hay cháo gì cho ba ăn, bịnh cũng phải cho ăn au lành chứ.
– Dạ.
Oanh chạy nhanh xuống lầu, Sương bước tới mở cửa sổ toang ra, nhưng vẫn để màn rũ cho chắn bớt gió.
Căn phòng vẫn còn tối. Sương bật thêm đèn, nàng thấy dễ chịu hơn, định quay lại nhìn Trần xem chàng có vừa lòng không. Nhưng nàng chợt nhớ ra là ánh sáng chẳng có giá trị gì với chàng cả. Bước lại gần giường, nàng sửa soạn giường chiếu của Trần lại cho ngay ngắn đàng hoàng. Bỗng tay nàng bị một bàn tay nóng bỏng nắm chặt vào. Sương giựt mình kêu nhỏ:
– Ông Trần… Chuyện gì vậy?
Trần phều phào:
– Cô… Cô là ai?
Sương vừa rút nhẹ tay ra vừa trả lời:
– Thì tôi là…
Trần bỗng nắm chặy tay nàng:
– Mai… Đúng là Mai rồi, không ai khác hơn nữa…
Sương giựt mình… Không… Nàng không thể để cảnh ấy diễn ra nữa được. Nàng rút mạnh tay, giọng hơi nghiêm khắc:
– Tôi là Sương, người mà ông nhờ tới kèm con Oanh. Tôi không quen với ai tên Mai cả, ông lầm rồi.
Trần nhíu mày, như cô tìm trong ký ức tên Sương:
– Sương…
Bỗng chàng lắc đầu:
– Không… Đừng nói đến cái tên xa lạ đó… Mai ơi hãy trở lại với anh, anh chờ em lâu quá rồi…
Chàng đưa tay ra phía trước quờ quạng tìm tay Sương, Sương vội lùi lại mấy bước, nàng nghẹn ngào chua xót cho Trần vô cùng. Trần gượng ngồi dậy, tìm chiếc ly nước trên bàn, nhưng chàng đụng làm ly nước ngã xuống, nước tràn ướt cả áo.
– Mai ơi…
Tiếng kêu thất vọng của chàng như một mũi dao đâm thẳng vào lòng Sương. Sương thở dài, vừa định bước tới thì thấy bà Lan đã đứng trước cửa phòng nhìn vào, nét mặt lạnh lùng.
Lan nhìn Trần với đôi mắt sâu sắc vô cùng, trong khi đó, Trần vẫn lẩm bẩm trong mê sảng:
– Mai ơi… Mai… Em ở đâu, anh van em mà… Bao lâu nay anh đau khổ quá rồi…
Lan bước tới cười lạnh lùng, nhưng thật buồn, bà đỡ Trần ngồi xuống một cách dửng dưng như giúp một người xa lạ, rồi quay sang Sương:
– Chán thật, cứ bao nhiêu đó hà. Suốt ngày cứ Mai ơi, Mai hỡi, thức cũng như ngủ…
Sương nhìn bà Lan. Tới bây giờ nàng mới hiểu được bà, thật cũng không trách chi bà khó chịu khi phải sống với một người chồng như thế suốt mười năm.
Nàng nói nhỏ:
– Thưa bà, ông đang sốt.
– Tôi biết, ổng sốt suốt mười năm nay rồi, sốt vì con quỷ cái đó!
Bất giác, Sương quay lại nhìn Trần, chàng lắc lư đầu, hai tay quờ quạng, miệng lẩm bẩm:
– Dang ra… Dang ra…
Chàng lắp bắp:
– Kìa… Nó đã đến, nó đến rồi. Mai ơi… Đừng quấy rầy ta… Rõ ràng ta trông thấy nó…
Chàng thở hào hển, hai tay vẫn quờ quạng trên không:
– Nó đã đến rồi, đừng giấu ta nữa… Mai ơi hãy đến bên anh, đừng đi đâu cả…
Lan chán nản quay đầu sang phía khác:
– Anh nên chết đi là hơn, tôi xem bộ anh sống còn đau khổ hơn chết nhiều.
Rồi bà quày quả bước ra, gọi vọng xuống nhà dưới:
– Bác tài ơi, sửa soạn xe gím tôi nghen, tôi đi à. Còn chị Châu lo giúp tôi xếp đồ đạc vào va li đi.
Sương bước theo, nàng định nói với Lan vài lời, nhưng nàng lại thôi, chẳng biết tại sao. Nàng quay lại giường Trần, gương mặt hốc hác và những lời mê sảng thảm thương của chàng làm nàng lo ngại.
Oanh từ bên ngoài chạy nhanh vào phòng, thái độ của cha làm nó sợ vô cùng. Nó mếu máo:
– Cô ơi… Ba con làm sao vậy cô… Ba con có chết không cô?
Sương cau mày, gạt đi:
– Nói bậy, ba cháu chỉ lên cơn sốt một chút chứ có gì đâu.
Nàng hối Oanh đi lấy khăn và một thau nước, rồi nàng thấm khăn đắp lên đầu Trần, thỉnh thoảng lại thay.
Nhờ thế mà cơn sốt của Trần dịu lần xuống, chàng bớt nói nhảm và đã nằm yên. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, Trần mới ngủ được. Nhưng Sương biết giấc ngủ của chàng cũng gây khổ sở cho chàng qua những lời nói lảm nhảm và những cơn giựt mình của Trần trong khi ngủ.
Lan lo sắp xếp vật dụng vào va li, có cả kem đáng răng. Sương biết là bà ta đi ít nhất là đôi ba bữa. Nàng lắc đầu, không ngờ Lan có thể bỏ Trần đi trong khi chàng bịnh nặng như thế này. Chị Châu đứng kề bên bà, liếc mắt nhìn Sương thở dài chán nản, còn bác tài thì nét mặt lầm lì, ít khi để lộ thái độ gì ra ngoài, vì bác ta là người rất sâu sắc.
Sau bữa ăn chiều, Oanh và Sương lại lên lầu. Nàng định cho Trần ăn vài muỗng cháo, nhưng nhiệt độ chàng vẫn chưa giảm và chàng vẫn mê man nên Sương đành chịu.
Đến 9 giờ thì Oanh đã mệt mỏi ra mặt, Sương bắt nó phải đi ngủ mặc dầu nó không muốn. Lan đã đi từ trưa rồi. Gian nhà chìm trong sự im lặng lạ thường, đầy vẻ thê lương. Sương vẫn canh chừng bên cạnh Trần để thỉnh thoảng thay khăn đắp trên chán chàng. Cơn sốt của Trần hạ lần, Trần có vẻ dễ chịu hơn nhưng chàng vẫn cựa mình mãi và cứ nói lảm nhảm.
Lâu lắm, chàng mới tỉnh, chàng phều phào:
– Ai đó?
– Dạ tôi, Sương đây.
Trần gượng mở mắt ra nhìn về hướng nàng:
– Cô Sương… Tôi làm phiền cô nhiều quá!
Sương nhân lúc ấy, lấy cháo ra cho Trần ăn, vì nàng biết chàng sẽ trở lại trạng thái hôn mê trong giây phút sau.
Trần lần mò nắm tay nàng, cảm động:
– Tôi… Tôi thật không biết nói sao…
Rồi chàng lại chìm vào trong cơn mê mệt. Có lúc chàng đã la:
– Mai… Đừng đi, ban đêm nguy hiểm lắm, trời ơi…
Chàng gọi thật thảm thiết, hai tay chới với phía trước mặt. Sương nghẹn ngào đưa tay giữ chặt tay chàng.
Trần vẫn mê sảng:
– Mai… Anh đã bảo đừng đi mà. Em là người vợ thuần hậu nhứt của anh, không ai có thể cướp em của anh được… Đừng đi nghen Mai, Mai của anh…
Rồi chàng đưa bàn tay nóng bỏng vuốt ve trên má, trên trán nàng. Sương khẽ gỡ đôi kính trên mặt xuống, nàng thở dài, không nỡ gạt tay chàng ra.
Chàng vẫn thều thào:
– Anh van em mà, đừng đi nghen Mai… Em muốn mắng chửi, đánh đập hay giết anh cũng được… Nhưng đừng đi. Em đi tức em mang theo mạng sống của anh theo luôn đó… Trời ơi, đừng đi mà Mai… Mai… Mai, em ở đâu rồi, em đâu rồi…?
Chàng nắm tay nàng càng lúc càng chặt như sợ nàng sẽ bỏ đi. Chàng nắm chặt đến nỗi Sương thấy nhức nhối tay mình. Nhưng nàng vẫn không rút ra, cứ ngồi trân mình để chàng mẩn mê trên mái tóc, trên làn da…
Hai dòng lệ chạy dài trên má nàng rơi xuống gối chàng, nàng không dám cử động sợ chàng tỉnh cơn mê.
Rồi Trần bỗng buông xuôi hai tay xuống, miệng thì thầm thật nhỏ không còn nghe được gì nữa.
Nàng thở dài nhìn mặt Trần, chàng lim dim đôi mắt, hơi thở nặng nhọc trên một giấc ngủ nặng nề. Sương gỡ một chiếc khăn ướt trên trán chàng và rờ thử, trán chàng đã bớt nóng nhiều.
Thấy gối Trần ướt đẫm nước trong khăn, nước mắt nàng và mồ hôi của chàng. Sương trở về phòng lấy chiếc gối của mình cho chàng kê đầu thay cho chiếc gối ướt.
Sương ngồi trên ghế, mãi tới lúc quá mỏi mòn rồi thiếp đi lúc nào không biết.
Khi nàng thức giấc trời đã sáng rồi, nàng đứng bật dậy và ngạc nhiên khi thấy ai đã đắp ình chiếc chăn bông. Nhìn lên giường thấy Trần đã tỉnh táo, chàng hỏi nhỏ:
– Cô thức rồi à?
– Dạ.
Nàng liếc nhìn đồng hồ rồi hoảng hốt:
– Chết, mười giờ 5 rồi… vậy là mất cả buổi dạy sáng của tôi rồi còn gì?
– Tôi đã bảo Oanh xin phép cho cô nghỉ dạy buổi sáng.
Mặc dầu chàng vẫn còn xanh xao, nhưng tinh thần có vẻ tỉnh táo lại như thường rồi.
Nàng lúng túng không biết làm gì, ấp úng nói:
– Ông đã khỏe, tôi rất mừng, hôm qua xem chừng ông nặng quá, tôi lo hết sức.
Trần mỉm cười:
– Cám ơn cô, bây giờ tôi thấy khỏe lắm nhất là sau khi ăn chén cháo mà cô đã dặn nấu sẵn cho tôi.
Sương chợt đỏ bừng má. Chết rồi, nàng ngủ mê thế này thì chẳng những Oanh mà cả chị Châu chắc cũng đã thấy nàng ngủ trong phòng này lúc bưng cháo lên cho Trần rồi.
Nàng vội đứng lên:
– Ông nên uống thuốc cho đúng kỳ, tôi để trên bàn đó, bây giờ uống được rồi ông à.
Nàng vừa nhóm bước thì nghe Trần nói:
– Xin cô vui lòng đưa giúp tôi.
Sương hơi do dự rồi bước tới đỡ Trần lên cho chàng uống thuốc. Trần vô tình kề mặt sát mái tóc nàng, chàng có vẻ ngạc nhiên, suy nghĩ một lúc thật lâu.
Sương vừa định bước ra thì Trần lại nói:
– Cô Sương, nếu đêm qua có gì phiền…
– Không có gì cả, tôi chỉ lo sợ cho ông vậy thôi.
– Không, tôi muốn nói trong cơn mê sảng, tôi có điều gì quấy rầy cô xin cô bỏ qua cho.
Sương ngập ngừng:
– Không… Không có chi cả ông à. Thôi, chào ông.
Nàng bước ra mà vẫn còn nghe tiếng Trần nói nhỏ ngoài sau:
– Tôi cám ơn cô vô cùng.
Trở về phòng riêng, Sương lấy hơi làm lạ khi vừa nhận ra khi nãy Trần có vẻ vui hơn bình thường.
Rửa mặt xong, Sương đứng bên gương chải tóc, nhưng nét mệt mỏi, ngẩn ngơ đã in nhiều nét quầng nhạt dưới mắt nàng. Sương thở dài rồi cầm lược chải đầu. Nàng bỗng nhớ tới lời Oanh:
– “Cô mà chải đầu hay uốn tóc theo lối mới, mặc đồ đẹp, bỏ cặp mắt kính xuống thì cô đẹp lắm”.
Giờ đây, Sương chải đầu theo lối mới thử, kính nàng chưa mang, nàng cũng nhận thấy là mình đẹp. Nhưng vẻ đẹp nàng không giống Lan một chút nào. Lan đẹp sắc sảo, còn nàng đẹp một cách hòa nhã, không thể so sánh được.
Rồi nàng lại giựt mình, không ngờ mình lại lọt vào trong hoàn cảnh hiện tại như thế này. Một hoàn cảnh hoàn toàn không thích hợp với nàng, nhưng lại lôi cuốn nàng.
Đáng lẽ nàng phải ra ngoại quốc, nàng phải lấy J… Rồi sanh con đẻ cái với chàng ta, sống cuộc đời bình thường như bao người khác. Nhưng tại sao nàng lại không muốn?
Ngay từ buổi chiều đầu tiên tới đây, nàng đã bị ngôi Hoàng Mai Trang thu hút, rồi nàng như bị mê hoặc với hoàn cảnh kỳ dị của chủ nhân nó, rồi nàng tiếp tục bước vào sự khó khăn.
Vừa chải đầu vừa suy nghĩ, Sương ngồi chải mãi như chẳng bao giờ xong. Nàng thấy thảnh thơi khi nghỉ được một buổi sáng, đáng lẽ nàng phải đi dạy như hôm nay.
Sương quấn mái tóc ra sau, rồi dùng kẹp lại cho chỉnh tề rồi lấy kính trắng đeo lên… Rõ ràng là một cô giáo đứng đắn, uy nghiêm với lũ trẻ.
Có tiếng gõ nhẹ ngoài cửa phòng:
– Cô Sương…
Nhận ra tiếng chị Châu, Sương mỉm cười:
– Vào đi chị.
Chị Châu tay cầm một đóa hoa hồng bước vào:
– Ông bảo tôi ghé chợ mua hoa này rồi mang vào cho cô. Hình như cô thích thứ hoa này?
– Thế à? Cám ơn chị nghen…
Chị Châu mỉm cười bước tới bình cắm hoa, gỡ bỏ hoa cũ rồi thay nước, cắm hoa mới.
Sương bước tới, cắt mấy cành hoa hồng, cành dài cành ngắn. Nàng rất chú ý đến nghệ thuật cắm hoa, nhất là của Nhật Bản nên nàng cắm rất tài.
Nàng nhớ khi mình mới đến đây, trong phòng cũng có sẵn một bình hoa hồng. Như thế, chứng tỏ tuy Trần mù loà, nhưng tâm trí chàng thì rất sáng suốt.
Chị Châu say sưa nhìn nàng cắm hoa, chị rất kính mến Sương. Chị thấy từ ngày nàng về đây thì gia đình này như ấm cúng hơn, như thấy còn có sinh lực chứ không hoàn toàn u tối như lúc trước.
Chị vô tình nói:
– Đêm qua chắc cô mệt lắm.
Sương đỏ mặt ấp úng:
– Tại… Không có ai săn sóc cho ông.
Chị Châu đáp:
– Dạ… Tại hôm qua tôi cũng bị cảm, buổi chiều tối tôi mê man thành ra không giúp gì cho cô được. Mà từ lúc cô về đây, gia đình này như vui lên vậy đó.
Sương ngạc nhiên:
– Vậy sao?
– Ơ… Oanh nó mạnh khỏe hơn trước, ông còn có lúc tươi cười và bà thì ít gây gổ hơn.
Rồi chị bước ra ngoài:
– Thôi, tôi xuống bếp nghen cô, hôm nay có khách… Phải làm cơm chiều, khách ông mời mà.
– Ủa, ông Trần bịnh sao còn mời khách?
– Dạ, tôi cũng chẳng biết. Hồi sáng ông có bảo ông Du lái xe đi mời rồi. Tôi nghe ông Du nói như thế.
– À…
Sương im lặng. Như thế thì trong nhà này bắt đầu xảy ra những chuyện khác lạ rồi đây.
Nàng mong cho bác tài xế Du đừng thấy nàng ngủ trong phòng Trần suốt đêm qua. Còn chuyện mời khách? Trần bịnh mà mời chứng tỏ người khách này quan trọng. Chắc có lẽ bạn bè gì hùn hạp của chàng trong chuyện làm ăn hàng ngày đây.
Sương cắm xong bình hoa, nàng rửa tay rồi ngồi ngó mong ra cửa sổ. Ánh nắng như mang lại cho căn phòng vẻ ấm áp vui tươi.
Sương bước suống lầu, định ra vườn hoa dạo một lúc cho vui. Nhưng khi đi ngang phòng Trần nàng thấy chàng nằm im trên giường, có lẽ ngủ, mà tấm màn che cửa sổ lại vén lên cao, ánh nắng tràn gần tới đầu chàng.
Nàng bước vào định buông màn che lại. Nhưng vừa tới bên cửa sổ nàng đã nghe tiếng Trần gọi:
– Cô Sương.
Nàng giựt mình quay đầu lại, hơi lúng túng:
– Dạ… Dạ ông còn thức à?
– Đêm qua, tôi ngủ được một giấc thật ngon.
Chàng ngưng lại một chút rồi tiếp:
– Cô có thể giúp tôi một việc nhỏ được không?
Sương ấp úng:
– Việc gì vậy ông?
Trần hơi ngập ngừng rồi nói:
– Cô có thể khép cửa phòng kín lại không? Tôi chỉ nhờ cô một việc nhỏ thôi.
Sương do dự.
– Có gì cô phải ngại đâu… Cả đến một thằng mù như tôi cô cũng chẳng tin được nữa sao?
Sương hơi cau mày:
– Thưa ông… Đâu có…
Trần thở dài:
– Tôi biết cô bực mình vì tôi lắm, nhưng tôi chỉ yêu cầu cô một việc nhỏ thôi. Cô làm ơn…
Sương đành nói:
– Được rồi, tôi khép đây.
Nàng bước lại cửa phòng khép kín, rồi bước đến bên Trần:
– Ông cần chi?
– Cô vui lòng đọc cho tôi nghe vài trang sách.
Sương không hiểu ra sao cả:
– Đọc gím ông à?
– Phải, từ khi mù dế giờ, tôi dâu còn dọc đươc nưa, xin cô vui lòng giúp tôi.
– Tôi sẵn sàng.
Trần lần mò trên dầu giường rút một xâu chìa khóa trao cho nàng.
– Cô lấy giúp tôi một chiếc hộp nhỏ trong ngăn tủ trái đàng kia. Chiếc chìa khóa nhỏ nhất đấy.
Sương thắc mắc nhìn Trần. Nàng mong rằng Trần vẫn sáng suốt cho nàng đỡ rắc rối. Nàng mở ngăn tủ, thấy một chiếc hộp nhỏ. Nàng hơi lăng người đi khi thấy chiếc hộp chạm toàng những hoa hồng thật khéo.
Cầm đến bên đầu giường Trần, Sương đưa chiếc hộp:
– Thưa đây, ông ạ.
Trần nói hơi run giọng, dường như chàng đang xúc động:
– Cô mở ra gím tôi.
Sương hơi do dự trước khi mở chiếc hộp, nàng ngạc nhiên vô cùng khi thấy một trong hai ngăn hộp chứa toàn những nữ trang, phần lớn là hột soàn, còn một bên là một quyển sách nhỏ bìa nhung đen, gáy đỏ.
Có tiếng Trần:
– Cô lấy quyển sách ra rồi đóng hộp gím cho tôi.
– Dạ.
– Những vật trong hộp là những đồ duy nhất còn lại sau tai nạn ấy, cô cất trả vào tủ đi. Xong cô hãy ngồi xuống ghế trên đầu giường đọc gím tôi những trang sách ấy.
Sương làm như một cái máy. Nàng ngồi lại ghế nhìn Trần thật nhanh rồi bắt đầu lật từng trang sách.
Đầu nàng nặng nề, cơn mệt mỏi kéo đến nhắc nhở nàng đêm qua thiếu ngủ. Sương thở ra cho bớt mệt rồi đọc hàng chữ ngoài bìa:
“Di cáo của Mai, người vợ yêu quí của anh”.
Trần nói như hối thúc:
– Đọc tiếp đi cô, hình như cô không được khỏe à?
– Dạ, tôi hơi mệt vì đêm qua ngủ ít.
Trần van nài:
– Nhưng cô giúp tôi một chút nghen.
Sương không đáp, nàng nhìn vào trang sách. Trước mắt nàng là những dòng chữ thật đẹp, uyển chuyển in lên trên nền giấy hồn nhạt, lờ mờ từng đóa hoa hồng.
Sương đọc nho nhỏ:
“Buổi gặp gỡ đầu anh đã nói tha thiết yêu em rồi. Tiếp theo những buổi gặp gỡ dưới ánh trăng, em cũng nói chỉ yêu anh. Anh vừa lòng chứ?
Nhưng không biết sao đêm nay nằm gần bên nhau, em lại thấy hình như mình xa cách, mặc dầu anh vẫn luôn thì thầm: Anh chỉ yêu em mãi mãi…
Sống chung mà xa cách
Thà xa cách còn hơn”.
Sương khẽ liếc nhìn Trần, chàng duỗi thẳng chân trên giường, hai tay đan sau ót làm gối. Nàng bỗng thấy nặng nề trong tâm tư khi nhìn những dòng chữ của một người nàng có thiện cảm, dù biết người đã chết!
Nàng có cảm giác như Trần bắt buộc nàng làm một việc gây đau đớn cho nàng. Sương bật khóc, nhưng nàng rán giữ không cho Trần nghe tiếng mình. Nàng biết mình không thể để tình cảnh như vầy mãi được rồi. Càng biết mình giấu giếm mọi người, và dối luôn cả mình không được rồi!
Sương nghẹn ngào đọc tiếp những nét chữ quen thuộc:
“Em còn nhớ một buổi chiều nóng bức như bao ngày khác trong cuộc đời nghèo nàng, côi cút của em, như một đóa hoa không hương không sắc, cô đơn nhưng sung sướng vì chẳng phải mộng, phải mơ, không chút ảo tưởng nên không đau khổ.
Chiều đó, em thắt nơ màu xanh thật tươi, và rồi em gặp anh, cuộc đời em hoàn toàn biến đổi. “
Sương nghẹn lời, những dòng chữ năm xưa như nhảy múa thật nhanh trước mặt nàng, nàng bật khóc.
Trần nghe tiếng khóc, nhưng giả vờ ngạc nhiên:
– Sao cô không đọc nữa.
Sương đứng nhanh dậy, bỏ cuốn sách lên giường Trần:
– Xin lỗi ông, tôi mệt quá… Tôi không thể nào đọc tiếp nữa.
Dứt lời, không để ý đến Trần nữa, nàng bước thật nhanh ra cửa như để chạy trốn. Trần chắc đã hiểu phần nào rồi.
Khép cánh cửa phòng Trần. Sương đứng thật im, mắt lim dim cố trấn định lại tinh thần. Nàng đã cố trấn định âm thầm từ bao lâu nay nhưng bây giờ chắc không được nữa… Khi nàng mở mắt ra thì thấy bác tài đã đứng trước mặt mình nhìn chăm chú như tìm hiểu.
Bất giác nàng buột miệng:
– Bác làm tôi hết hồn hoài.
Bác tài lặng đi giây lát, kiểu nói và giọng nói này bác nhớ là đã từng nghe ở một người nào bác mến lắm. Nhưng lâu rồi…
Bác cúi đầu cung kính:
– Dạ, xin lỗi cô.
Bác đưa cho Sương một mảnh giấy.
– Có điện tín cho ông.
– Bác đọc cho ông nghe à?
Bác Du ngập ngừng:
– Hay cô đọc gím ông nghen.
Sương vừa bước nhanh lên thang vừa nói:
– Dạ… Không…
Sương rất sợ ánh mắt nhìn như soi mói của bác tài…
Buổi chiều, Sương đi dạy như cũ. Oanh không đi chung với nàng, nó bảo là vài phút sau nó đi ngay. Nhưng vô học cả gần mười phút mới thấy Oanh ôm cặp bước vào lớp.
Giờ chơi, Oanh nói là ba nhắc cô, ba nhắn cô tan học về sớm ba có chuyện cần thiết…
Sương hỏi lại:
– Chuyện gì vậy Oanh?
– Dạ con không biết.
Sương thắc mắc vô cùng, Trần cứ quanh co mãi thế này, hay là chàng muốn bày thêm trò mới. Hay là Trần chưa biết gì, hoặc biết rồi mà sợ nàng giận dỗi bỏ nhà đi luôn chăng?
Ngồi trên bàn, nàng giảng bài gần như theo phản ứng tự nhiên thành thói quen của nghề giáo, còn tâm tư cứ nghĩ đâu đâu… Trần đã bạc tình mà. Mai ngày xưa trong nàng không biết đã đủ can đảm nối lại duyên xưa không. Nàng phân vân lắm, vì bấy lâu nay nàng cố xem gia đình Trần như xa lạ với mình và nhất là với Oanh, nàng đã cố hạn chế tình thương rất nhiều lần.
Bất giác, Sương cầm phấn viết thật nhỏ trên bàn hai câu đầu của bài thơ trong sách nàng vừa đọc cho Trần nghe:
– “Dĩ vãng qua rồi nhớ làm chi
Ân tình, thù hận, nước cuốn mây bay
Sống chung mà xa cách
Thà xa cách còn hơn”
Viết xong, Sương thấy mặt mày choáng váng nhũng gì ở quá khứ đã hoàn toàn khắc phục được nàng. Nàng không thể phủ nhận nó được nữa.
Sương cho học trò viết tập đoc. rồi bước đến cửa sổ nhìn ra ngoài ruộng mênh mông cho khuây khỏa bớt nỗi lòng.
Giờ ra về, nàng im lặng không nói với Oanh một lời, nàng linh cảm như đời mình sắp thay đổi một lần quan trọng nữa.
Vừa bước vào sân, nàng thấy bác tài Du đang lau chiếc Dauphine đầy bụi cát, chứng tích do bụi đường xa gây nên.
Thấy Oanh, bác tài mỉm cười:
– Oanh, chú Cao tới kìa.
Oanh mừng rỡ:
– A… Chú Cao… Chú Cao…
Oanh nhảy nhót tưng bừng, buông tay Sương chạy nhanh lên phòng khách miệng cười hí hửng.
Trong khi đó thì Sương thở dài:
– Thế là mình không còn giấu được ai nữa rồi… Cao… Cao…
Nàng đứng trân người ra đấy, đầu óc rối bung, không biết phải quyết định thế nào. Nàng chưa biết phải làm sao thì đã nghe tiếng cười nói huyên thuyên của Oanh, và tiếng nói sang sảng của một giọng đàn ông quen thuộc:
– Cháu dễ thương lắm Oanh, ngoan nữa. Đâu, cháu dẫn chú giới thiệu với cô cháu đi.
Sương bỗng quyết định:
– Không được, mình phải rời khỏi nơi này.
Nhưng đã trễ, nàng vừa quay lưng đã nghe tiếng nói của Oanh ngoài sau lưng mình:
– Cô… Chú Cao của cháu nè…
Sương biết mình không thể tránh đâu được nữa, chắc chắn không thể phủ nhận thực tế nữa. Sương đành quay lại người đàn ông ấy, giữ vẻ mặt lạnh lùng, bước tới chìa tay:
– Hân hạnh được biết ông.
Cao đứng sững lại, chăm chú nhìn nàng, quên cả việc bắt tay. Sương mỉm cười lặp lại:
– Rất hân hạnh được biết ông.
Nụ cười nàng thật lạnh lùng, Cao bỗng mỉm cười, thái độ tự nhiên:
– Dạ không dám, tôi cũng rất hân hạnh được biết… Cô Sương.
Chàng quay sang Oanh:
– Cháu ra ngoài xe lấy gói kẹo đi.
– Dạ.
Oanh nhảy nhót vui mừng, chạy thẳng ra ngoài.
Nụ cười biến nhanh trên mặt Cao, chàng nghiêm trang nhìn Sương một lúc rồi nói:
– Thật tôi cũng chẳng dám tin nữa chị Mai ạ.
Sương gật đầu:
– Chính tôi cũng chẳng tin.
– Chị Mai, anh Trần thật sáng mắt.
– Cần từ mười năm trước nữa kia.
Lời nói của nàng thật thản nhiên. Cao thở dài:
– Chị thay đổi nhiều lắm.
– Một oan hồn từ cõi khác trở về dĩ nhiên là phải thay đổi rồi.
Cao mỉm cười:
– Chị khéo lắm, nhưng với mái tóc cao, với đôi kính trắng bệ vệ, thằng Cao này vẫn biết chị là chị Mai.
Sương cười chua chát:
– Bây giờ tên Mai không còn nữa, cô Mai của ngày trước đã chết, cách đây mười năm rồi.
Cao lắc đầu, giọng xúc động:
– Không, chị vẫn là Mai… Chị không thể nào bỏ tên Mai ấy được, chị là Mai mãi mãi…
Sương đứng im… Danh từ Mai, một danh từ đã nằm yên mười năm nay bây giờ lại được khẳng định lên người nàng một lần nữa, người mang tên Mai lại là nàng.
Phải, nàng vẫn là Mai mà.
Mai, Mai đã sống lại rồi, vừa mới sống sau những lời của Cao nói, sau mười năm thật dài…
Có tiếng chân từ trên lầu bước xuống.
– Ba…
Oanh từ bên ngoài chạy lại Trần, chàng hỏi Cao:
– Cao… Phải vậy không?
Sương nhìn Trần nói:
– Không… Ông lầm rồi, Mai đã bị ông giết cách đây mười năm rồi… Ông nghe không…
Nàng nghe đầu mình nhức buốt rồi qụy xuống đất, mê luôn…