Bạn đang đọc Xóm Vắng – Chương 1
Sương bước lên cầu, đứng dựa lan can nhìn làn nước trong xanh lặng lờ trôi giữa giòng sông. Ánh nắng lung linh trong ánh nước. Nàng đứng thẫn thờ nhìn dòng sông, rồi lại nhìn cảnh đồng ruộng bao la trước mắt. Nàng thở dài, không hiểu tại sao mình đến đây và đến để làm gì?
Bên kia cầu, một ngôi cổ tự nằm im lìm dưới rặng dương cao vút, và xa xa rải rác những thôn trang đang sưởi mình dưới nắng. Sương bước qua cầu, đi thẳng về phía thôn xóm tiêu điều. Trời tháng năm, ánh nắng càng lúc càng gay gắt, khó chịu. Mồ hôi nhễ nhãi, đôi chân nặng nề nhưng Sương vẫn cố lê chân bước tới. Hai bên đường, dấu vết chiến tranh còn in hẳn nét tang thương. Đây đó cây cối xác xơ, cành rơi lá đổ. Ngoài xa, những vườn rau, các luống hoa lài vừa mới vun bồi, gầy dựng lại.
Sương thở dài, tiếp tục lê chân. Nàng bỗng ngạc nhiên dừng lại trước một ngôi nhà đổ nát bên đường. Có lẽ ngôi nhà này bị phá hủy từ lâu, sao đến bây giờ chưa có ai sửa sang lại? Ngôi nhà cất theo lối mới, kiến trúc thật đẹp, tỉ mỉ, cứ nhìn qua những bức tường đổ nát và vườn tược còn sót lại chung quanh, cũng nhận thấy đó thuộc một gia đình vào hàng phong lưu, khá giả.
Sương bước rẽ vào cổng nhà, trên cột trụ xi-măng tấm bảng đồng vẫn còn nguyên vẹn: “Mai Trang”. Khung cửa sắt chỉ khép hờ, bên trong, lá khô đổ đầy mặt đất, cành gãy, gạch vụn rơi tứ tung, dây leo bám đầy vách. Nhìn cảnh “Mai Trang” hoang tàn đổ nát, lòng Sương buồn lâng lâng. Nơi đây chắc đã có một thời êm đẹp lắm. Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Chủ nhân của ngôi nhà này và luôn cả gia đình không còn một người sống sót chăng?
Sương lách mình qua cánh cửa sắt bước vào trong, ngồi nghỉ chân trên bực thềm. Ánh chiều đã xuống, nắng vàng còn lảng vảng trên mấy bức tường màu xám xịt. Mấy đóa hoa hồng cố vươn mình giữa đám cỏ hoang lắc lư dưới cơn gió chiều. Nhìn cảnh hoang tàn, thê lương bất giác Sương thở dài.
Đâu đây có tiếng sột soạt trên lá khô khiến Sương giật mình lo sợ. Phía sau bức tường đổ, trong đám dây leo rậm rạp, có một chàng thanh niên từ từ đứng dậy. Sương suýt kêu lên một tiếng kinh hoàng, vì nàng không ngờ trong cảnh hoang tàn này lại còn có người ở. Có lẽ người ấy đã nằm trong góc tường từ lâu và sống như một bóng ma.
Nàng đưa tay bụm miệng, cố ngăn không cho tiếng la xuất phát ra ngoài. Nàng trố mắt nhìn chàng trai đang lững thững bước đi. Chàng đưa tay lần theo vách tường đổ, còn một tay chống gậy cồm cộp trên mặt đất, đi ngay về phía nàng. Tim Sương đập thình thịch, nàng đang đứng giữa khoảng trống phía trước sân nhà, không một chỗ nào khuất để lẩn tránh.
Thanh niên đã nhìn thấy rõ ràng và có lẽ đã trông thấy rõ nàng từ lâu nhưng Sương đã lầm, chàng ta quờ quạng bước tới, tay chống gậy dò đường, một tay lần vách. Rõ ràng là một người mù, mặc dầu đôi mắt chàng vẫn không khác gì người thường.
Nàng thở một hơi dài trước hoàn cảnh đáng thương ấy. Nàng nhìn chàng trân trân, theo dõi từng bước đi của người tàn tật giữa cảnh hoang tàn đổ nát. Nhìn kỹ đó là một chàng thanh niên đứng tuổi, có lẽ đã xấp xỉ cỡ 40. Nét mặt chàng in rõ vẻ ưu tư sầu khổ, có lẽ trong đời chàng đã gặp quá nhiều sóng gió. Rồi Sương lại thấy thích những nét mặt dày dặn, rắn rỏi, có nhiều sức chịu đựng như thế.
Chàng ăn mặc chỉnh tề, y phục may rất khéo, đó là một điều rất lạ đối với người đã bị tàn phế. Nhìn qua dáng điệu, nàng cũng đoán biết chàng là một người trong gia đình khá giả, nhưng tại sao lại đến nơi hoang vắng này? Chàng lần dò từng bước giữa những đống gạch vụn. Có lúc bị vấp chân, chàng loạng choạng muốn ngã. Bóng chàng nằm dài dưới ánh nắng chiều… Thỉnh thoảng lại chớp chớp đôi mi như suy nghĩ điều gì khó khăn lắm. Bóng người cô đơn tàn phế giữa cảnh hoang tàn khiến Sương xúc động, đôi mi nàng ươn ướt lúc nào không hay. Bỗng nhiên chàng vấp phải một mẩu gạch to, người lảo đảo về phía trước suýt té.
Sương giựt mình không kịp suy nghĩ gì cả, vội chạy tới đỡ chàng:
– Ý… Coi chừng.
Thanh niên giựt mình kinh ngạc, rồi chớp chớp đôi mi như cố nhìn Sương:
– Ai đó?
Giọng chàng trầm ấm nghe rất dễ có cảm tình… Sương không trả lời ngay được, mà chỉ ngẩng mặt nhìn chàng trân trân. Đã ngoài 30 tuổi rồi, đây là lần thứ nhất nàng mới nhìn thấy một gương mặt thanh niên in rõ nét đau khổ, xót xa và chan chứa những hy vọng tha thiết trong lòng.
Không nghe nàng trả lời, chàng lại hỏi tiếp:
– Ai vậy? Vừa… Vừa giúp tôi đó?
Sương thở ra nhè nhẹ, trấn tĩnh tinh thần:
– Dạ tôi.
– Tôi?… Mà là ai?
– Tôi… Tôi là Sương.
Rồi nàng giựt mình, không biết tại sao lại xưng tên với người ấy làm gì? Nàng tiếp:
– Ông không quen với tôi đâu, tôi chỉ đi ngang qua đây thôi, mới ghé lại ngồi nghỉ chân giây lát.
Thanh niên gật gù lắng tai nghe:
– Vậy thì tiếng thở dài tôi nghe hồi nãy không phải là ảo giác. Trong cảnh hoang tàn này mà có tiếng thở dài như thế không khác gì hồn ma bóng quế phải không cô?
Sương cau mày suy nghĩ rồi hỏi:
– Ông có đợi ai chăng?
– Cô bảo sao?
– Không… Không có gì cả.
Nàng nhìn gương mặt chàng… Gương mặt rắn rỏi đến nóng nảy hay dễ giận.
– Tôi chỉ hơi ngạc nhiên tại sao ông lại đến một nơi hoang tàn như thế này.
– Cũng như cô vậy, tại sao cô đến?
– Tôi à? Tôi chỉ muốn đến ngôi chùa gần đây chơi.
Chàng lại hỏi:
– Cô đi có một mình?
– Phải, tôi không có bạn thân vì đã du học ở ngoại quốc gần mười năm nay, mới trở về đây.
– À…
Dường như chàng không chú ý đến thân thế nàng, chỉ chú ý đến giọng nàng nói:
– Dù sao cô cũng nói tiếng mẹ đẻ thật khá.
Nàng cười:
– Thế à?
Sương biết rõ, tiếng mẹ đẻ nàng còn kém. Gần mười năm ở ngoại quốc ít khi nàng tiếp xúc với kiều bào khác nên không mấy khi dùng tiếng Việt. Vì vậy giọng nàng đã hơi lơ lớ, nặng nề.
Chàng gật đầu:
– Phải, tiếng Việt cô nói như người khác.
Chàng tiếp:
– Cô có cài hoa hồng trên áo phải không, tôi nghe thoang thoảng mùi hoa hồng.
– Vâng, tôi vừa hái hai đóa hồng ngoài hoa viên.
Chàng hơi ngạc nhiên:
– Ủa… Hoa viên còn có hoa sao?
– Còn hai khóm hoa hồng này chen chúc giữa đám cỏ hoang.
– Cỏ hoang lại chen giữa cảnh nhà hoang tàn.
Giọng chàng buồn buồn:
– Trước đây cây cối, vườn tược ở đây xum xuê lắm.
Sương xúc động nói:
– Tôi có thể tưởng tượng ra điều đó. Chắc ông rất quen thuộc với chỗ này.
Thanh niên thở dài:
– Quen thuộc à? Hơn thế nữa, đây là nhà tôi, vườn tôi và những gian phòng ấm áp thân yêu của tôi.
Sương trố mắt nhìn chàng:
– Trời ơi! Như vậy ông đã mất mát quá nhiều…
– Phải, tôi bị mất tất cả… Mất một cuộc đời!
Giọng chàng trầm trầm như từ một cõi xa xôi vang lại.
Sương lo lắng hỏi:
– Nhà bị cháy hả ông? Có ai bị nạn không?
Chàng lắc đầu:
– Không.
Nàng thở ra:
– Vậy thì còn có ngày kiến thiết lại.
Chàng hừ nhỏ một tiếng:
– Làm sao kiến thiết Hoàng Mai Trang này lại?
Rồi chàng lặng thinh, ngẩng mặt lên nhìn trời:
– Hình như đã xế chiều rồi phải không cô?
– Dạ phải, ánh nắng sắp tắt rồi.
Chàng vừa đưa tay quờ quạng tìm gậy vừa nói:
– Xin lỗi cô, tôi phải đi…
Bàn tay mò mẫm trên đám gạch vụn xung quanh. Sương cảm thương cho người tàn tật, nàng lấy gậy dúi vào tay chàng:
– Đây này, thưa ông.
– Dạ, cám ơn cô.
– Bây giờ ông về đâu?
– Cũng gần đây thôi, đi chừng một khoảng ngắn.
– Nếu có thể, ông cho phép tôi giúp đưa ông về.
Chàng lắc đầu:
– Cám ơn cô, không dám làm phiền cô, tôi đã thuộc đường, hơn nữa, tôi còn phải đón con tôi.
Tự nhiên, nàng vọt miện:
– Ông đã có con rồi sao? Bao lớn rồi ông… Ông định đón cháu ở đâu vậy?
Chàng hơi cau mày:
– Thưa… Hình như…
Sương cũng vừa nhận thấy mình quá lố… Nàng lắp bắp:
– Xin lỗi ông… Tôi…
Nàng đỏ bừng má, cúi đầu giấu sự lúng túng:
– Tôi… Chỉ vui miệng thôi. Tại vì tôi không có mấy bạn bè nên tôi… Nên tôi…
Nàng không nói hết câu, nhưng chàng cũng đoán được ý nàng nên mỉm cười dễ dãi:
– Dạ… Tôi hiểu, không có chi đâu cô.
Rồi chàng nói cho vừa lòng nàng:
– Con gái tôi mười tuổi rồi, nó học một trường trong xóm, hàng ngày thì nó về một mình, nhưng hôm nay sẵn ra đây nên tôi định bận về ghé đón nó luôn.
– Nếu có thể xin ông cho phép tôi đưa ông đón cháu, tôi… rảnh rang lắm, không có chuyện gì làm.
Chàng hơi khó chịu vì có một người cứ nằng nặc đòi giúp mình trong lúc mình không muốn. Chàng đáp giọng thản nhiên đến lạnh lùng:
– Nếu cô muốn.
Sương liếc mắt nhìn chàng, nàng hình như cũng nhận thấy chàng khó chịu, nhưng lúc đó chàng đi tới một khối đá lớn nên Sương vội nói:
– Ông… Coi chừng, có đá lớn trước mặt ông.
Nàng bước tới nắm đầu gậy:
– Để tôi dẫn ông đi.
Chàng đành gật đầu:
– Cám ơn cô.
Sương lặng thinh đi trước, hai người rời khỏi nơi căn nhà đổ nát bước ra con đường phẳng lì, dễ đi hơn. Sương để ý thấy chàng thuộc đường rất rành và giữa đám cỏ gai vào nhà đổ nát có một đường mòn nhỏ, chứng tỏ chàng đã đi đến thăm nhà này thường lắm. Một người mù đến ngôi nhà đổ nát để làm gì? Để ôn lại quá khứ, để làm sống lại những kỷ niệm chăng? Nàng khẽ liếc nhìn mặt chàng, chàng trở lại với gương mặt lạnh lùng nhưng đầy buồn bã. Nhìn gương mặt, khó đoán được chàng đang nghĩ gì trong lòng.
Đi một đọan nữa đến một gian nhà vách ván ba căn, khang trang sạch sẽ, đồ đạc trong nhà tuy không sang trọng nhưng chẳng có món nào dơ bẩn cả, chủ nhân cũng khéo trang trí nên rất đẹp. Trước nhà trồng nhiều hoa rất đẹp, ngoài cổng có một tấm bảng nhỏ đề tên “Trần Văn”.
Nàng hỏi thử:
– Ông Trần Văn…
Chàng ngạc nhiên:
– Sao cô biết tên tôi?
– Thì ông bảo là nhà ông ở gần đây, nãy giờ tôi thấy có ngôi nhà này nên đoán là nhà ông, còn tên ông viết ở tấm bảng nhỏ treo trước nhà kìa.
Chàng thanh niên gật đầu như chợt nhớ ra:
– Trí phán đoán của cô thật là phong phú. Cô làm nghề gì? Có phải đang viết văn không?
– Không, tôi đâu có tài đến mức ấy, mặc dầu tôi rất thích viết…
Nàng nhìn chàng:
– Tôi đi ngoại quốc, học về nghành giáo dục, tôi chỉ là một giáo sư tầm thường sắp sửa ra trường.
– Cô có thể đổi sang nghề viết văn, dường như cô đang tìm cốt truyện để viết! Cô đi thăm một cảnh hoang tàn, gặp người mù và định tìm hiểu thân thế người bạc phước này để gầy dựng một thiên tiểu thuyết.
Nàng nhếch mép, cười chua chát:
– Ông Trần à, ông lầm rồi. Tôi không thấy thích gì về thân thế hay về câu chuyện riêng của ông đâu.
– Có thật thế không?
Sương lặng thinh, hai người đều như trầm ngâm suy nghĩ. Đi thêm một đoạn đường, Sương nhìn thấy một ngôi trường tiểu học, bọn trẻ đang lũ lượt kéo ra ngoài. Có mấy đứa đi về phía hai người. Sương đứng lại nhìn chúng, chúng tươi cười líu lo như một đàn chim nhỏ.
Trần hỏi:
– Tan học rồi hả cô?
– Phải.
Sương hơi lo lắng:
– Mình đến trễ, có lẽ cháu đã về trước rồi.
– Cũng có thể.
Thái độ rất bình thản, dường như không quan tâm mấy về chuyện đó.
– Dáng người cao hay thấp? Chắc dễ thương lắm hả ông?
Sương nhình quanh như cố tìm đứa bé.
Trần lẩm bẩm:
– Tôi cũng đang muốn biết con tôi như thế nào đó.
– Ủa?
Sương nhìn Trần ngạc nhiên:
– Ông không biết cháu như thế nào sao?
Nàng thở ra, lòng nghẹn ngào. Phải rồi, chàng là một kẻ mù làm sao nhìn thấy con được! Nhưng chàng ta đã mù từ bao lâu?
Trần quay lại:
– Thôi, tôi về. Chắc nó đã về nhà rồi.
Sương ngăn lại:
– Khoan… Ông đợi thêm một chút nữa đi.
Sương chợt thấy một đứa nhỏ từ phía trong trường bước ra, nó đi một mình, nước da trắng xanh, vóc mình gầy yếu, mớ tóc dài bỏ xõa phía sau lưng. Đó có phải là con của Trần không? Sương hồi hộp, nàng đoán chắc đứa bé ấy là con của chàng rồi vì nó rất giống Trần. Nàng chưa hề nhìn thây đứa trẻ nào giống cha in hệt như thế: Đôi mi đậm, mắt to, sóng mũi cao, nhứt là nét mặt buồn buồn nhưng rắn rỏi không khác Trần một chút nào hết.
– Tôi nhìn thấy con ông rồi!
Nàng tiếp:
– Nó là một đứa bé gái đẹp lắm ông à!
– Sao cô dám quả quyết như thế?
Chàng vừa dứt lời đã nghe tiếng đứa trẻ mừng rỡ gọi lớn, nhìn thấy ba, nó lật đật chạy lại:
– Ba ơi! Ba…
Nó chạy đến nắm lấy tay cha, đôi mắt long lanh miệng mỉm cười sung sướng. Gương mặt trắng xanh của đứa bé đã ửng hồng:
– Ba đến đón con hả ba?
Rồi nó chạy tung tăng quanh mình chàng, vóc người gầy gầy, con bé trông như vừa mới lên sáu.
– Ba đi dạo, luôn dịp đến đón con.
Trần vẫn bình thản, giọng nói trầm trầm, thái độ dửng dưng ấy làm cho Sương khó chịu. Dường như Trần đã dửng dưng trước tình cảm nồng nhiệt vui vẻ của con. Thật là một người cha khô khan đến tàn nhẫn.
– Ba ơi!
Đứa bé chớp đôi mắt nhìn cha trìu mến, có áp má vào bàn tay Trần:
– Ba đi một mình hả ba? Còn bác Du và Chị Châu đâu?
Trần giơ tay chỉ Sương:
– Cô đây đưa ba đi, con lại cám ơn cô đi.
Cô bé quay lại nhìn Sương. Trong giây phút ấy bỗng nhiên nàng có ý nghĩ muốn ôm gọn nó vào lòng. Đứa bé dễ mến làm sao!
– Thưa cô, con cám ơn cô.
Đứa bé khẽ cúi đầu, nhưng vẫn đứng sát bên cha, không hề rời một bước, tay nó vẫn nắm chặt tay Trần. Nó chỉ thi hành theo ý muốn của cha cho có lệ rồi liền quay lại với ba:
– Thôi về ba, ba đi cho cẩn thận. Coi chừng dưới chân.
– Con dắt ba đi… Oanh.
Oanh nắm tay cha đi tới, thật ra Trần cũng không cần phải để con dắt nhưng chàng làm như thế để cho Oanh vui.
– Thôi cha con mình về, trời tới rồi.
Oanh quay lại phía Sương:
– Con xin chào cô.
Nói xong đứa bé nắm lấy tay cha dìu đi theo lề đường.
Sương đứng nhìn theo sau lưng hai cha con, hoàng hôn lờ lờ, hai bóng người mờ dần rồi như chìm hẳn trong đêm tối. Trong phút dây này, lòng Sương bỗng chua xót lạ lùng. Một người cha tàn tật với một đứa con gái nhỏ. Mẹ nó hiện đang ở đâu? Đôi mắt Sương tràn đầy nước mắt lúc nào mà nàng không hay.