Đọc truyện Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) – Chương 36Phần III. Trung Đông –
77. Ronan
Ronan cười lớn khi nghe tôi đặt câu hỏi đó với anh.
“Anh sẽ kể cho em một điều để em thấy mối liên hệ khăng khít giữa người Do Thái và người đạo Hồi như thế nào. Em biết câu Ả rập duy nhất hầu hết người Israel biết là gì không? “Wakef wala ana batohak”.
“Nghĩa là gì?”.
“Dừng lại không tôi sẽ bắn”.
Chúng tôi đang ngồi trên bãi biển, chân trần xoải ra chạm mép sóng. Anh hơi nghiêng đầu sang nhìn tôi, cười nửa miệng, một mắt hơi nheo lại. Ronan luôn có vẻ gì đó rất khó hiểu: vừa nghịch ngợm, vừa sâu lắng, vừa tưng tửng, vừa chua cay. Khi anh ngồi im lặng đọc sách, tôi đã sợ rằng anh thuộc về một không gian khác tôi có thể thấy nhưng không bao giờ có thể chạm đến được. Nhưng chỉ cần anh nở nụ cười, đó sẽ là nụ cười ấm áp nhất trên quả đất mà không ai có thể cưỡng lại được. Còn bây giờ, anh đang ở đâu đó lửng lơ giữa hai thái cực: nửa như cười, nửa như suy tư, nửa như châm biếm.
“Anh đã phải dùng câu đó bao giờ chưa?”.
“Rồi”.
“Anh đã bắn ai bao giờ chưa?”.
“Anh đã từng ở trong quân đội”.
“Đó không phải là câu hỏi của em”.
“Khi đấy anh còn quá trẻ, anh chưa phân biệt được yêu nước và lẽ phải. Anh đã từng chiến đấu ở dải Gaza, anh đã từng giương súng bắn. Đó là một quá khứ buồn. Anh không muốn nói về nó”.
Lòng tôi quặn lại khi anh nói những điều đó. Tôi thương anh. Tôi như cảm nhận được nỗi đau của anh vậy. Tôi cầm lấy bàn tay anh, bàn tay đã từng cầm súng, hôn nhẹ vào đó. Anh lùa tay vào tóc tôi, hôn nhẹ lên môi.
78. Lễ hội body painting ở Israel
Có những người chưa bao giờ tôi nghĩ là mình sẽ gặp.
Có những thứ chưa bao giờ tôi nghĩ là mình sẽ thấy.
Có những việc chưa bao giờ tôi nghĩ là mình sẽ làm.
Có những việc, ngay cả khi đã làm rồi, tôi vẫn không thể tin được rằng bản thân mình đã làm việc đó.
Như Alice ở xứ sở thần tiên: Cảm xúc quá thật nhưng cảnh tượng quá ảo, để khi ra khỏi xứ sở đấy rồi vẫn không biết rằng mình đang tỉnh hay mơ.
Khi tôi lần đầu tiên nghe về lễ hội Pashut từ Amir và Dana, tôi đã nghĩ rằng đây là thứ kỳ quặc nhất trên thế giới.
“Không ai mặc bất cứ cái gì trên người? Suốt ba ngày liền? Ở giữa sa mạc? Nhiều người có sở thích kỳ quặc nhỉ?”.
“Không phải là sở thích, mà là như một cách phát triển bản thân. Mục tiêu chính của lễ hội này là để mình thấy yêu cơ thể mình hơn. Con người hay tự ti về cơ thể của mình. Đến lễ hội này rồi thì thấy thực ra cơ thể ai cũng có điểm khiếm khuyết. Như ngày trước chị tự ti vì mình béo”, Dana có vòng bụng khá to. “Nhưng giờ chị thấy có béo thì mình vẫn đẹp. Mình tự tin lên hẳn”.
“Nhưng có bị sàm sỡ không?”.
“Em đừng có nhìn nó theo cách bệnh hoạn như thế. Dana là bạn gái anh, nếu nó chỉ vì đàn ông đàn bà trần truồng thì anh thấy ghen chứ. Nhưng không, mọi người ở đó rất lịch sự. Với lại đấy cũng là lễ hội body painting luôn. Body painting là nghệ thuật tôn vinh vẻ đẹp cơ thể con người. Những họa sĩ hàng đầu Israel sẽ về đây tranh tài. Em nhìn này…”.
Amir cho tôi xem những bức ảnh anh chụp từ Pashut năm ngoái.
“Em nhìn vào những bức tranh này, em có nghĩ đến chuyện bậy bạ không? Nếu có, thì em quá bệnh hoạn”.
Tôi chết lặng đi ngắm nhìn những bức vẽ tuyệt vời. Trong phút chốc, tôi quên đi rằng chủ thể của những bức tranh đó là con người thực sự bằng xương bằng thịt. Trước mắt tôi, họ biến thành những tác phẩm nghệ thuật: họ là con thú hoang đói mồi trong sa mạc, họ là một vị thần lạc bước xuống trần gian, họ là một con bướm rực rỡ trong ánh chiều tà. Trong đầu tôi là một cuộc đấu tranh gay gắt giữa những gì mình cho là đúng và những gì mình được dạy là đúng. Tôi rất rất muốn có được một bức tranh như thế, để cho bản thân mình và để khoe với con cháu mình mai sau rằng mình cũng đã từng có một tuổi trẻ oanh liệt. Nhưng tôi sợ rằng, thế hệ đi trước sẽ vì thế mà không nhìn mặt tôi mất. Ở đây, những bức tranh như thế được tôn vinh. Về Việt Nam, những bức tranh thế sẽ bị chì chiết đến chết.
“Nhưng mọi người không thấy ngại à?”.
“Ban đầu thì cũng hơi ngại, nhưng sau một ngày là chẳng thấy ngại gì nữa. Với lại xung quanh mình ai cũng nude cả mà, có phải mỗi mình mình nude đâu mà sợ ngại. Nhưng nếu em ngại thì em không phải nude. Không ai ép em cả”.
“Vậy có nghĩa là em có thể đến tham gia nhưng sẽ không phải nude?”.
“Ừ. Nhưng đảm bảo là ở đấy em sẽ muốn nude ngay. Nude là một quyền, không phải là một trách nhiệm”.
Thấy tôi vẫn còn phân vân, anh bảo.
“Em cứ nghĩ cho kỹ đi. Nhưng anh đảm bảo rằng nếu em không đi thì em sẽ hối hận đấy. Người ta thường hối hận vì những gì mình không làm hơn là những gì mình làm. Em tham gia rồi, nếu thích thì tốt, nếu không thích thì coi như là một trải nghiệm. Có mất gì đâu”.
“Dạ…”.
“Em nghĩ nhanh đi, anh chị đăng ký cho. Vé vào là 300NIS (khoảng $80), như nếu mình đăng ký làm tình nguyện viên sáu tiếng/ngày thì mình sẽ không mất vé vào cửa, lại còn được miễn phí ăn ngày ba bữa”.
Tôi suy nghĩ mấy ngày, xong rồi quyết định rằng mình sẽ đi. Tham gia cho biết, chẳng ai bắt mình nude cả. Tôi kể cho Asher nghe về Pashut, cậu nhảy dựng lên:
“Hay thế. Bảo bạn mày đăng ký cho tao với”.
Thế là chúng tôi lên đường đi Pashut. Bố mẹ Nati cho chúng tôi mượn lều, túi ngủ. Chúng tôi về lại Tel Aviv, đi nhờ xe với một cặp khác mà chúng tôi liên hệ được qua website của ban tổ chức. Chúng tôi lái xe về phía Nam, đi qua thị trấn Beer Sheva xinh đẹp với những ngôi biệt thự trắng đầy hoa và những con đường xanh rợp lá cọ. Chúng tôi đi qua Makhtesh Ramon, makhtesh lớn nhất thế giới. Makhtesh là dạng địa hình chỉ có ở Israel, được hình thành bởi những vách đá vây tròn lấy nhau trong sa mạc. Nước đọng trong đấy từ ngàn năm trước dần dần bốc hơi đi để lại những vết xói mòn hằn sâu vào trong đá, tạo thành những hình khối và tông màu kỳ dị như bề mặt sao Hỏa vậy. Đường sa mạc vắng tanh vắng ngắt, xung quanh chẳng hề có dấu hiệu của sự sống. Thế rồi tự nhiên ở giữa cái gió và cát đó, ashram hiện ra im lìm và bình yên đến lạ.
Xây dựng trên một căn cứ quân sự cũ, ashram Shitim có đủ sự kín đáo và tách biệt để tránh sự dòm ngó của thế giới bên ngoài. Nhìn từ ngoài vào, chúng tôi cứ tưởng nơi này bỏ hoang. Chỉ khi bước vào bên trong, chúng tôi mới thấy hàng dãy những lều cắm san sát nhau trên bãi cỏ xanh mướt. Hầu hết mọi người vẫn còn mặc nguyên quần hoặc áo.
Khi đăng ký làm tình nguyện viên, Amir bảo làm dọn vệ sinh là nhàn nhất bởi một ngày chỉ cần dành khoảng hai, ba tiếng đi loanh quanh nhặt vỏ ốc, vỏ chai là xong, nên cả hai chúng tôi đều đăng ký tham gia bộ phận này. Nhưng khi đến nơi, chị quản lý nhìn tôi từ đầu đến chân rồi bảo tôi làm pha chế ở quán bar, còn cho Asher vào làm trong bếp.
“Chúc mừng em đã nhận được công việc vui nhất ở đây”. Anh là Kooshi, quản lý quán bar cầm tay tôi lên hôn. Da anh nâu bóng, mũi thẳng, mắt sâu, tóc dài xoăn thành từng lọn. Mỗi lần anh nhẹ lắc đầu là mái tóc lại bồng bềnh như tài tử điện ảnh. Ánh mắt anh lúc nào cũng đắm đuối như đang nhìn người yêu. Phải mất một lúc tôi mới nhận ra là anh say thuốc.
“Kooshi nghĩa là đen. Anh gọi mình luôn thế để khỏi ai chê anh đen. Ở đây em cứ thoải mái. Không biết gì thì hỏi, cần gì thì nói. Tất cả mọi người ở đây đều là người nhà. Em từ Việt Nam đến phải không? Anh thích Việt Nam lắm. Người Việt Nam anh hùng. Ôi anh xin lỗi, anh bị nói nhiều mà, đúng không? Nếu như anh nói nhiều thì em cứ bảo anh dừng lại nhé. Anh từ nhỏ bị ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý) nên phải uống Ritalin nhiều. Mà em biết Ritalin là một dạng thuốc phiện, nó khiến con người mình lúc nào cũng như say thuốc. À, mà mình đang nói đến đâu rồi nhỉ?”.
Anh nói với một cái giọng chân thành đến mức khiến cho người khó tính nhất cũng phải tan chảy. Mặc dù anh nói nhiều và hay lạc đề nhưng chẳng ai ghét được anh. Những lúc anh nói nhiều, mình chỉ cần nhẹ nhàng: “Kooshi, dừng lại” là anh dừng ngay lập tức: “Ôi, anh lại nói nhiều rồi, xin lỗi em nhé”. Kooshi lúc nào cũng cởi trần đóng khố. Khố của anh là một chiếc váy da bò anh tự cắt, tự đính khuy lên nhìn giống một chiếc váy của dân du mục. Anh quý chiếc váy đấy lắm. Một bận say thuốc quá hay thế nào, anh cứ khăng khăng tặng tôi cái váy đấy. Mặc dù rất thích nó, tôi phải từ chối vì sợ nếu nhận thì anh sẽ không còn gì để mặc.
Làm việc ở quán bar đúng là vui nhất. Quán bar lúc nào cũng là trung tâm của lễ hội. Ban ngày trời nóng, mọi người toàn đến đây mua nước. Buổi tối trời mát, nơi đây lại là nơi tiệc tùng. Làm ở đây, tôi có thể quan sát tất cả mọi chuyện diễn ra xung quanh. Cũng nhờ làm nhân viên pha chế, tôi nhanh chóng được tất cả mọi người nơi đây quen mặt.
“Mày chẳng cần làm việc ở đây mọi người vẫn quen mặt. Mỗi mình mày là người châu Á ở đây. Mà dân da trắng thì lại thích con gái châu Á”.
Có lẽ vì tôi lạ, lại lúc nào cũng đứng chình ình trước mặt nên hay được mọi người đến quán bar lôi ra làm chủ đề bàn tán khi không còn việc gì khác để làm. Thỉnh thoảng, mọi người nói chuyện về tôi cứ như thể tôi không có mặt ở đó vậy.
“Cô bé này được đấy. Một mình mà dám sang tận Israel. Lại còn dám tham gia lễ hội này”.
“Bé này hay cười dễ thương quá”.
“Chị đến quán bar này chỉ để nhìn em cười đấy”.
Đấy, bạn nào chê mình khó thương thì đề nghị đọc lại mấy lời nhận xét trên đây.
Lễ hội này đi kèm với rất nhiều hoạt động, trong đó có các workshop dạy thiền, dạy vẽ, dạy thêu thùa, dạy mát-xa do chính những người tham gia đăng ký dạy hoàn toàn miễn phí. Ai thích thì đi học cho vui, ai không thích thì cứ thảnh thơi ăn chơi nhảy múa. Ban tổ chức bố trí được hai bể bơi di động đặt ra giữa sa mạc. Buổi sáng đầu tiên mới chỉ lác đác người nude, đến khoảng tầm trưa trời nóng hơn thì phải đến một nửa. Tôi phát hiện ra hầu hết những người tham gia lễ hội này đều đã tham gia lễ hội ít nhất một lần rồi thành nghiện. Có người tham gia lễ hội này đã sáu, bảy lần.
“Cảm giác không còn gì che giấu con người thật của mình thích lắm. Mình chỉ là chính mình thôi. Chẳng còn ai đánh giá mình được qua quần áo mình mặc nữa”.
“Lỡ người ta đánh giá mình qua cơ thể của mình thì sao? Cái này to quá, cái này nhỏ quá chẳng hạn?”.
“Ha ha, em nhìn xung quanh đi có ai là hoàn hảo đâu mà đi đánh giá người khác”.
Sang đến buổi thứ hai thì mọi người nude gần hết. Asher ngày đầu tiên còn mặc quần đùi, ngày thứ hai cũng đã trần như nhộng. Chẳng hiểu sao nhìn người lạ nude không sao, nhìn Asher nude là tôi ôm bụng cười lăn lộn, không dám nhìn anh. Mọi người xung quanh bắt đầu thắc mắc tại sao tôi vẫn mặc quần áo đầy đủ thế.
“Đây mới là lần đầu tiên em tham gia cái này thôi. Cho em thời gian suy nghĩ đã”.
Ngày thứ hai, không khí rộn ràng hẳn lên với sự xuất hiện của các nghệ sĩ body hàng đầu Israel. Ban tổ chức bắt đầu truy tìm người mẫu. Mọi người kêu tôi tham gia. Tôi nhớ lại những bức tranh Amir cho tôi xem nên cũng hào hứng hẳn lên. Tôi đồng ý tham gia vẽ thử xem da mình có ăn màu không và xem tôi có thích không.
Da tôi ăn màu, và tôi cũng thích mê bức tranh. Bốn nhóm họa sĩ đều mời tôi làm người mẫu. Nhưng sau đó tôi được biết nếu trở thành người mẫu, tôi sẽ phải chấp nhận để ảnh của mình công khai trên báo chí. Tôi không thích như thế nên từ chối. Ngày tiếp theo, những người mẫu được chọn phải đứng yên sáu tiếng liền cho các họa sĩ tô tô vẽ vẽ. Vì mỗi tác phẩm đều cần rất nhiều thời gian và công sức, mỗi nhóm phải cần đến hai họa sĩ để làm việc. Năm nay nhiều tác phẩm đẹp, tôi nghe mọi người bảo thế. Trong số bốn họa sĩ mời tôi, một người giành giải nhất, một người giành giải nhì. Mọi người trêu tôi: “Em dại dột chưa. Giá mà tham gia thì có phải được giải rồi không”. Tôi cũng chẳng tiếc. Khi đến đây, tôi chỉ mong có được một bức tranh body painting trên chính cơ thể mình thì tôi đã có qua buổi vẽ thử.