Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1)

Chương 3: Đông Nam Á - Brunei, Malaysia và Myanmar - -06


Đọc truyện Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) – Chương 3: Đông Nam Á – Brunei, Malaysia và Myanmar – -06

Phần 4: Mưa ở lễ hội rừng mưa 
Thời gian còn lại ở Brunei tôi dành để thăm thú các điểm du lịch nổi tiếng của Brunei: các ngôi đền thờ Hồi giáo trị giá hàng triệu đô, cung điện Sultan nguy nga tráng lệ, làng nổi lớn nhất thế giới Kampong Ayer – nơi 10% dân số Brunei sinh sống. Nhờ may mắn, tôi có dịp gặp gỡ và nói chuyện với Stephen Ignatius – nhà báo đầu tiên của Brunei và Tegla Loroupe – nữ vô địch điền kinh thế giới, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ người Kenya với câu chuyện cuộc đời giàu sức truyền cảm hứng. Sinh ra trong một gia đình với 24 anh chị em, lớn lên trong một nền văn hóa nơi phụ nữ không được đến trường, không được chơi thể thao, cô gạt bỏ những kỳ thị để theo đuổi đam mê của mình: chạy. Mối quan hệ của tôi với Caroline cũng được cải thiện đáng kể. Tôi bấy giờ đã chuyển đến ở nhà Rudy – CouchSurfer mà tôi lỡ cho “leo cây” từ ngày đầu tiên. Tối tối, Caroline đều gọi điện hỏi tôi có ổn không khiến tôi vô cùng xúc động. Có một chuyện vui để thấy Brunei nhỏ như thế nào. Khi biết tôi đến ở nhà người lạ, Caroline rất lo lắng, hỏi tên đầy đủ của Rudy. Rồi sau chỉ vài cú điện thoại, Caroline đã biết chính xác tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp của Rudy, thật đáng sợ. “Brunei như một cái làng vậy. Ở đây từ nhỏ đến lớn, ai cũng biết ai.”
Một buổi chiều, tôi đang ngồi dùng Internet ở văn phòng của Caroline khi chị đột ngột hỏi:
– Này, mai đi Rainforest Music Festival ở Miri không?
– Mai á?
– Ừ.
Thế là tôi cũng gật bừa. Lúc đó tôi đã quên béng vé máy bay khứ hồi về lại Malaysia. Ở Malaysia đã lâu, tôi chưa bao giờ sang bán đảo Đông Malaysia, khu vực mà bạn bè người Malaysia của tôi đều bảo là “Malaysia thực sự”.
9h sáng hôm sau, tôi có mặt ở văn phòng Caroline. Caroline lái chiếc xe Honda 7 chỗ to đùng. Tò mò tôi hỏi:
– Sao đi xe to cho tốn xăng hả chị?
Chị phá lên cười không trả lời. Sau này tôi mới biết xe 4 chỗ của nhà chị toàn “xe xịn”. Người Brunei coi Malaysia là một quốc gia kém phát triển, không an toàn nên không ai lái xe xịn sang đấy cả. Xăng dầu ở Malaysia không phải là vấn đề, bởi giá cả ở đây cực rẻ. Một lít xăng lúc bấy giờ chỉ nửa đô Brunei (khoảng 6 ngàn tiền Việt). Caroline cho hay những người Miri làm việc ở Brunei hay vận chuyển lậu xăng từ Brunei về Malaysia để bán với giá cao gấp đôi, nên chính phủ Brunei có luật giới hạn việc mua bán xăng của người lao động nước ngoài ở đây.

2 giờ lái xe từ Bandar đến Miri là cơ hội tuyệt vời để thưởng ngoạn phong cảnh làng quê Brunei. Brunei quả thực là một đất nước vô cùng xanh sạch đẹp. Ở đâu cũng toàn cây là cây. Do mức độ ô nhiễm thấp, bầu trời Brunei xanh ngắt. Quả thực đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thấy bầu trời ở đâu xanh đến như vậy.
Miri thuộc bang Sarawak, khu vực tự trị của Malaysia với visa và con dấu xuất nhập cảnh riêng. Người Việt Nam mình không cần visa cho Malaysia nên cũng không cần visa cho Sarawak. Những ai cần visa để vào Malaysia, nếu muốn vào Sarawak sẽ phải nộp hồ sơ xin visa Sarawak lúc xin visa Malaysia. Các bác làm cục hải quan Sarawak rất dễ chịu, chỉ nhìn hộ chiếu của tôi rồi cho đi mà không đóng dấu nhập cảnh. Tôi hơi băn khoăn nhưng lúc đấy mải vui nên cũng không hỏi, không hề biết rằng việc không có con dấu đấy sẽ gây cho tôi không ít rắc rối khi tôi rời khỏi Malaysia sau này. Sang đến Miri rồi, tôi mới chợt nghĩ ra:
– Tối nay ngủ ở đâu hả chị?
– Dĩ nhiên là khách sạn rồi.
Bạn của Caroline đã đặt phòng cho chúng tôi ở khách sạn sang trọng nhất của Miri, mà lại là phòng xịn nhất. Bạn của Caroline làm trong ngành du lịch nên anh lấy được giá rẻ, nhưng vẫn quá sức ngoài ngân sách của tôi. Caroline nhìn tôi có vẻ thông cảm:
– Em trả được bao nhiêu thì trả thôi, còn lại chị trả.
Nhưng để chị trả cũng hơi ngại, nên tôi tự trả hết phần của mình. Vèo một phát đã hết $100. Thôi, sau mấy ngày vật vã ở Brunei, một đêm đệm ấm chăn êm cũng bõ, tôi tặc lưỡi. Bệnh sĩ chết trước bệnh tim đấy mà.
Đến nơi tôi mới biết đấy là thời điểm tốt nhất để thăm Miri, bởi lúc đó thành phố này tổ chức kỷ niệm ngày chính thức thành phố với rất nhiều lễ hội. Đường phố tràn ngập những trang trí rực rỡ. Chúng tôi không tham gia được Music Festival vì vé đã bán hết, nhưng hóa ra thế lại may, bởi tối hôm đó trời mưa suốt. Charles và Justin, bạn của Caroline, đến đón chúng tôi ở khách sạn và một đêm ăn long trời lở đất bắt đầu. Tôi chưa bao giờ ăn nhiều đồ ăn ngon đến thế. Trước hết, chúng tôi đến một nhà hàng trên bãi biển ăn satay. Satay là món ăn quốc gia của Indonesia nhưng hết sức phổ biến ở Malaysia. Đây đại khái là thịt xiên, nhưng ăn với nước sốt rất ngon. Ở Malaysia, mình được chọn que thịt sống, tự nhúng vào nước sốt sôi sùng sục, nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Charles gọi cho tôi đồ uống đặc trưng của Miri. Tôi không biết tên gọi của nó là gì, nhưng nó bao gồm rất nhiều thứ: lúa mạch, vải khô, thạch, … và có mùi thơm rất dễ chịu. Sau đó chúng tôi đến một nhà hàng hải sản tôi nghe nói là rất nổi tiếng của Miri. Phải nói là hải sản Malaysia còn lâu với bằng được hải sản Việt Nam, nhưng tôi đặc biệt thích món nghêu hấp sả và mực chiên bột. Tiếp theo là đồ tráng miệng ở Citrus, và đây vẫn là đồ tráng miệng ngon nhất mà tôi từng ăn. Nó bao gồm bánh chuối, chuối, siro và chô-cô-la trên một đĩa nóng. Chúng tôi cũng đi thăm Marina Bay – nhà hàng xây trên biển bởi tôi tò mò về kiến trúc của nhà hàng này. Xây nhà trên cát quả thực không đơn giản. Trước hết, họ phải củng cố móng, đợi cho mọi thứ lắng đọng và đông đặc lại mới bắt đầu xây được nhà. Toàn bộ nhà hàng được xây bằng gỗ, trạm khắc tỉ mỉ bởi những thợ lành nghề nhất của Indonesia. Từng tấm gỗ đều được bảo quản đặc biệt để chống chọi với cái ẩm ướt từ biển.
Chúng tôi trở về khách sạn lúc nửa đêm, no đủ và vui vẻ. Tôi ngủ một lèo đến sáng, chẳng lo nghĩ gì.

Phần 5: Khách sạn có ma ở Sibu 
Sáng, Caroline lên đường trở lại Brunei. Tôi tỉnh dậy, và bắt đầu hỏi một câu hỏi, một câu hỏi mà kể từ đó về sau, tôi phải tự hỏi mình rất nhiều: “Đi đâu bây giờ nhỉ?” .
Tôi gửi đồ của mình ở khách sạn và bắt đầu đi vòng vòng quanh thành phố để lấy ý tưởng. Tôi gặp một nhóm xe vespa từ Brunei, qua Miri tham gia diễu hành mừng sinh nhật thành phố. Biết tôi đi du lịch một mình từ Việt Nam, họ hết sức thích thú, xin chụp ảnh cùng và xin số liên lạc. Họ gợi ý cho tôi đến Kuching – thủ phủ bang Sarawak. Đây được coi là mảnh đất của những huyền thoại, những cánh rừng nguyên sinh, những chú chim mỏ sừng Rhinoceros và những bộ tộc săn đầu người. Tôi quyết định đến Kuching, nhưng trên đường đi, tôi muốn ghé thăm Sibu – thành phố người Hoa duy nhất ở Đông Malaysia. Dân số ở đây chủ yếu là người Hoa Foochow, nổi tiếng với ẩm thực Foochow của mình.
Caroline Amway gọi cho tôi lúc tôi đang ở trên xe buýt. Lo lắng vì tôi sẽ đến Sibu vào lúc nửa đêm, chị giới thiệu cho tôi với Koh, một người bạn của chị ở Sibu. Koh đón tôi ở bến xe và dẫn tôi vào thành phố tìm khách sạn. Vì lúc đó đã muộn, tôi đã khá mệt và không muốn làm phiền Koh nhiều, tôi chọn bừa bất kỳ một khách sạn nào tôi thấy. Đó là một khách sạn khá lớn, ở ngay trung tâm thành phố, có vẻ cũ kỹ, nhưng được cái khá rẻ (50RM ~ $15), lại có wifi. Người đàn ông gốc Hoa ở bàn tiếp tân không nói được tiếng Anh. Koh giúp tôi check in và để tôi ở lại trong phòng một mình.
Việc đầu tiên tôi làm khi nhận phòng là kiểm tra nhà vệ sinh. Vòi nước và xả bồn cầu không hoạt động. Tôi chạy xuống gọi người đàn ông trực đêm, ông vào kiểm tra thì mọi thứ đều hoạt động bình thường. Ông đi xuống và tôi bắt đầu sửa soạn để tắm. Đột nhiên, tôi nghe tiếng nước chảy trong nhà tắm, ai đó mở vòi nước rồi lại đóng lại. Tôi chạy vào xem, thì thấy nước vẫn chảy, bồn cầu đang xả nước và cuộn giấy vệ sinh tự động thả giấy xuống. Hoảng hồn, tôi lao xuống bàn tiếp tân, cố gắng giải thích cho người đàn ông nhưng ông không hiểu. Tôi không thể check out và tìm khách sạn khác, bởi Sibu không chỉ nổi tiếng bởi đồ ăn của mình, mà còn nổi tiếng với những bang nhóm gangster thống trị mọi ngóc ngách phố vào ban đêm. Tôi đành quay lại phòng, mở Facebook và bắt đầu kêu khóc với bất cứ ai tôi gặp online. Tôi không dám sử dụng nhà vệ sinh, thậm chí không dám tắm. Đến khoảng 3 giờ sáng, mọi âm thanh kỳ lạ kết thúc, và tôi ngủ thiếp đi khoảng 1 giờ sau đó.
Sáng hôm sau, tôi đi xuống và gặp một phụ nữ người Hoa ở bàn tiếp tân. Bà có thể nói tiếng Anh. Tôi kể lại cho bà những chuyện oái oăm lúc nửa đêm. Bà chẳng có vẻ gì ngạc nhiên:
– Cháu ở phòng nào?
– 405.
– Ở đây không có phòng 405.

Tôi giật mình lại chìa khóa phòng: 407. Vì lý do nào đó, cả đêm tôi cứ nghĩ mình ở phòng 405. Tôi cũng không hiểu sao ở đây không có phòng 405. 405 không phải là một con số đen đủi trong văn hóa người Hoa. Tôi hỏi nhưng không nhận được câu trả lời. Tôi check out, Koh đến đón đưa tôi về nhà chị. Có cho tiền tôi cũng không dám ở khách sạn đấy thêm một đêm nữa.
Vợ chồng Koh có 2 con gái, con gái lớn học lớp 9, con gái nhỏ mới có 5 tuổi, tên là Chloe. Không hiểu sao, Chloe rất thích tôi, không chịu rời tôi nửa bước. Koh cũng bảo tôi là người lạ đầu tiên Chloe bạo dạn đến thế. Koh và Chloe dẫn tôi đi thăm quanh thành phố. Nhưng tôi thích tự mình khám phá thành phố hơn. Đúng là thành phố người Hoa, nhà hàng nào cũng trưng biển tiếng Hoa, kiến trúc cũng đậm màu sắc Hoa và đồ ăn Foochow cực kỳ hấp dẫn. Sibu có một con sông lớn hết sức thơ mộng, với ngôi chùa Tua Pek Kong cổ kính từ thế kỷ 19 soi bóng kề bên. Tháp chùa có 7 tầng, trèo lên trên đỉnh có thể có cái nhìn toàn cảnh thành phố. Tôi đặc biệt ấn tượng với chợ Sibu. Đây là một chợ vô cùng lớn, rực rỡ nhiều màu sắc với nhiều loại hoa quả tôi chưa thấy bao giờ. Ham ăn, tôi chết mê chết mệt đồ ăn ở đây. Kompyang – món bánh quy đặc trưng của Sibu, làm từ bột mỳ, hành, mỡ và muối với nhân đa dạng tùy sở thích: nhân thịt, nhân rau, nhân ngọt, … ăn với nước sốt. Kampua Mieng – mì xào khô với thịt lợn xắt miếng, một đặc sản khác của Sibu. Chai Pau – bánh bao chay. Tôi cũng thử món lòng lợn xào hành tây mà tôi cứ nghĩ chỉ Việt Nam mới ăn lòng lợn xào, và món chè Sibu. Tôi ở với gia đình Koh một ngày, tối bắt chuyến xe buýt qua đêm đến Kuching. Koh gói đồ ăn để tôi không bị đói trên xe buýt. Tôi cảm kích vô cùng, không biết phải cảm ơn thế nào cho đủ. 
Phần 6: Cô bạn nổi loạn Cecilia 
Thời gian ở Kuching là quãng thời gian mà tôi học hỏi và trưởng thành hơn rất nhiều, với những mối quan hệ giữa người với người chồng chéo mà trước đó tôi chưa từng trải nghiệm.
Trước đó tôi đã liên hệ với Spiff trên CouchSurfing và anh cho tôi ở nhờ. Spiff bằng tuổi tôi, người Nigeria nhưng đang học tập ở Kuching. Anh đón tôi từ bến xe buýt, đưa tôi về ngôi nhà anh đang ở với những người bạn Nigeria khác của mình. Anh dẫn tôi vào phòng ngủ lớn nhất của ngôi nhà:
– Đây là phòng ngủ của tớ. Tớ host CouchSurfer ở đây luôn.
Tôi tá hỏa, tôi không hề biết rằng mình sẽ phải chung phòng với Spiff, đừng nói là … chung giường. Nhưng lỡ đến đây rồi biết làm sao, đùng đùng bỏ đi thì thô lỗ quá, mà cũng chẳng biết đi đâu. “Nghĩ nhiều nhức đầu, giờ mới là sáng sớm”, tôi tặc lưỡi, “thôi đi tắm đã rồi hẵng hay.” Thế là tôi đi tắm. Phòng con trai có khác, phòng tắm bẩn. Vốn không chịu được cái gì bẩn, tôi tiện thể kỳ cọ luôn chứ không có ý gì. Vậy nhưng Spiff có vẻ áy náy lắm.
Spiff dẫn tôi đến gặp Cecilia. Cuộc gặp gỡ có vẻ ngượng nghịu. Hai người chủ yếu nói chuyện với tôi chứ không nói chuyện qua lại với nhau. Spiff để tôi lại với Cecilia vì anh phải đi có việc. Tôi đến đúng vào thời gian nghỉ hè, anh tranh thủ đi làm thêm.
Tôi kết thân với Cecilia khá nhanh. Phần vì chúng tôi bằng tuổi, phần vì cô bạn này cũng có tính cách “nổi loạn” tiềm ẩn. Ban đầu, tôi chỉ định ở lại Kuching vài ngày, nhưng Cecilia thuyết phục tôi:
– Chỉ 10 ngày nữa là Gawai, ấy mà bỏ lỡ thì phí lắm. – Gawai, hay Lễ hội thu hoạch, là ngày lễ quan trọng nhất của bang Sarawak. Gawai được tổ chức hàng năm vào ngày 31/5 và 1/6.
Thế là tôi quyết định ở lại. Trong thời gian chờ đợi, tôi tính kiếm việc gì làm cho đỡ chán. Cecilia dẫn tôi đến club Terminal One, nơi mà năm 17 tuổi, cô đã từng bỏ nhà đến đây xin việc. Chủ club coi Cecilia như em gái. Chị ngay lập tức đồng ý nhận cả tôi và Cecilia vào làm. Thế là tôi có việc. Nhưng vấn đề là bố mẹ Cecilia sẽ không bao giờ cho phép cô làm việc ở đây, dù công việc chỉ là phục vụ bàn thuần túy. Cô than phiền là bố mẹ cô quá nghiêm khắc, họ không tin tưởng cô, và không cho cô ra ngoài chơi. Cecilia đưa tôi về nhà, hy vọng tôi có thể thuyết phục bố mẹ cho cô vào thành phố ở cùng tôi (dĩ nhiên là chỉ trên danh nghĩa, tôi còn chẳng có chỗ ở cho tôi nữa là).

Gia đình Cecilia sống ở một làng nhỏ tên là 17 Mile, cách Kuching đúng 17 dặm. Ngôi làng nhỏ xinh xắn bình yên có nét gì đó rất giống với quê tôi. Ai bảo chỉ ở Việt Nam mới có chuyện cả gia đình trên một chiếc xe máy? Ở làng này, xe máy kẹp 3 kẹp 4 phóng vèo vèo. Spiff đưa chúng tôi đến đây, nhưng không chịu vào mà quay về ngay. Tôi hỏi lý do, Cecilia mới ngập ngừng:
– Bố mẹ tớ không thích Spiff.
– Tại sao?
– Spiff là bạn trai cũ của tớ.
Ra vậy! Hôm đấy là ngày đầu tiên hai người gặp nhau mặt giáp mặt kể từ khi chia tay cách đây một năm. Cecilia cũng không hiểu sao Spiff lại chọn đúng hôm đấy để liên lạc lại với mình.
Cecilia hóa ra là con lai, mẹ là người dân tộc Iban bản địa, bố là người Ấn Độ. Thảo nào Cecilia có nước da sô-cô-la đẹp thế. 
Bố Cecilia hào hứng chia sẻ với đủ chuyện trên trời dưới bể, nhưng tôi hứng thú nhất câu chuyện về bộ tộc săn đầu người ở đây. Sarawak từng được biết đến với cái tên hết sức hãi hùng “Vùng đất của những thợ săn đầu người”. Thanh niên bộ tộc này muốn trở thành một người đàn ông thực sự phải săn được ít nhất một đầu người. Nạn nhân thường là kẻ thù hay là những người làng khác lạc bước vào địa phận làng họ. Đầu săn được sau đó sẽ được về khoe với cả làng, đốt khô và treo trước cửa nhà như một chiến tích. Nhà nào càng nhiều đầu lâu càng được coi trọng. Mới đây những năm 50, khi mà người Trung Quốc sang đây tìm đường buôn bán, không ít người xấu số đã bị chuốc rượu say và cắt mất đầu. Tục lệ này ngày nay tuy không còn duy trì, không ít thợ săn đầu người ngày trước giờ vẫn còn sống. Một số công ty du lịch ở đây có tour đi vào rừng thăm bộ tộc này. Tôi bày tỏ mong muốn đi một mình, mọi người đều khăng khăng ngăn cản. Nhỡ chẳng may có thợ săn đầu người nào ngứa nghề, thấy tôi lại tặc lưỡi: “A, mình chưa có cái đầu Việt Nam nào” thì tôi chết.
Nói chuyện với bố mẹ Cecilia một hồi, tôi nhận ra rằng vấn đề của Cecilia chẳng khác gì vấn đề của hầu hết bạn bè đồng trang lứa với tôi. Bố mẹ Cecilia không phải là nghiêm khắc, mà họ chỉ yêu thương và lo lắng cho Cecilia nhiều hơn mức mà Cecilia muốn. Ban đầu, mẹ Cecilia khăng khăng phản đối ý tưởng cho Cecilia vào thành phố, nhưng sau khi tôi thuyết phục cả một đêm (+ những thay đổi tích cực trong thái độ của Cecilia), sáng hôm sau mẹ Cecilia cũng đồng ý cho cô vào thành phố ở một tuần, thậm chí còn cho cô tiền tiêu vặt. Bố mẹ Cecilia cũng mời tôi đến đón Gawai cùng gia đình cô.
Khi ở Kuching, phần lớn thời gian tôi đi chơi cùng Cecilia và bạn bè cô. Tuy quãng thời gian ngắn ngủi, chúng tôi chia sẻ cùng nhau không ít chuyện vui buồn và đến giờ vẫn còn khá thân thiết. Tôi ở lại nhà Spiff, cũng một phần vì Cecilia muốn tôi “do thám” anh. 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.