Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1)

Chương 23: Ấn Độ - Nepal - - 52


Đọc truyện Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) – Chương 23: Ấn Độ – Nepal – – 52

50. Vỡ mộng với trại trẻ mồ côi
“Trời ơi, mình làm cái quái gì ở Nepal thế này?”.
Đó là câu đầu tiên tôi thốt ra khi xuống xe ở Kathmandu lúc năm giờ sáng. Tự nhiên tôi thấy mình ngu ghê gớm. Đùng đùng giữa trời đông lạnh chọn đi đâu không chọn lại chọn lên Himalaya. Lạnh, lạnh, lạnh, lạnh, lạnh. Chưa bao giờ tôi thấy lạnh đến như thế. Không khí lạnh đến mức hít thở thôi cũng đã là một cực hình. Tôi mặc bộ quần áo nỉ Asenla may cho rồi mặc áo len mà Asenla tặng làm quà Giáng sinh vào bên trong, mặc thêm áo khoác bên ngoài mà vẫn lạnh. Da tôi cứng lại, tay chân không cử động được. Đầu óc tôi cũng đông đặc lại, chẳng nghĩ được gì. Không xe bus xe biếc gì hết, tôi phóng tay bắt taxi về trại trẻ mồ côi.
Các bé mở cửa ra chạy ùa đến ôm lấy tôi. Tôi được bố trí một căn phòng riêng. Phòng đối diện là hai tình nguyện viên khác đến từ châu u, tôi không nhớ chính xác là nước nào. Vào nhà rồi vẫn lạnh. Sau hai ngày hai đêm vật vã từ biên giới về đây, tôi chỉ muốn tắm gội cho sạch hết bụi bẩn trên đường đi, nhưng trời lạnh đến mức động vào nước còn sợ nói gì đến tắm. Ở đây không có nước nóng mà phải kéo nước từ giếng đào sâu dưới đất. Các bé một tuần chỉ tắm gội một lần vào trưa chủ nhật khi mặt trời lên cao.
Buổi chiều, Maya phóng ô tô đến thăm. Việc đầu tiên chị làm là đưa cho tôi danh sách dài dằng dặc những thứ cần mua cho trại trẻ mồ côi. Tôi xem qua phát hiện ra trong danh sách đó có việc mua mười thùng đựng rác cho trại trẻ. Tôi hỏi những thùng rác mà mẹ con bác người Hà Lan mua cho đâu, Maya nói là không biết. Tôi hỏi hai bạn tình nguyện thì các bạn bảo mấy buổi đầu tiên các bạn ấy đến thì có thấy, nhưng rồi tự nhiên chúng biến mất. Nói chuyện với các bạn một hồi tôi còn tìm hiểu thêm được nhiều thông tin cực sốc. Trong số năm mươi trẻ em mồ côi ở đây, khá nhiều trong số đó không phải là trẻ mồ cô thật mà là con cháu họ hàng của Maya. Bác người Hà Lan mua cho trẻ ở đây rất nhiều đồ chơi, nhưng bác vừa đi một cái là phần lớn đồ chơi bị Maya tịch thu chỉ cho con cháu của mình chơi. Và rồi là Maya suốt ngày hỏi đến tiền. Cái này thì tôi cũng cảm nhận rất rõ. Vừa lĩnh lương, tôi đã đóng góp tiền mua thịt hàng tuần cho các bé, nhưng Maya bắt đầu hỏi đến đủ các loại tiền khác. Thứ nhất, tôi cũng chẳng có nhiều tiền đến vậy. Thứ hai, tôi nhận ra rằng ban quản lý trung tâm này cũng tham nhũng như rất nhiều những trại trẻ mồ côi khác. Hai bạn tình nguyện viên kia đã cất công sang tận Nepal làm tình nguyện rồi mà tự nhiên bỏ đi cũng không biết đi đâu. Mặc dù rất quý các bé ở đây, tôi không muốn ở lại làm việc cho bộ máy tham nhũng này nên lấy lý do này kia về lại thành phố, tìm cách thiết thực hơn để giúp đỡ các bé.
Không có chỗ ở, tôi phải ở tạm khách sạn. Đi cả ngày trời hỏi han tất cả các nhà nghỉ ở Thamel, tôi tìm được phòng ở Nepal Guest House, một nhà nghỉ ngay cạnh Irish Pub, với giá chỉ 300Rs ($1 lúc bấy giờ tương đương 70 Nepali Rupees). Tôi đã nghĩ khách sạn ở Myanmar là rẻ, khách sạn ở Nepal còn rẻ hơn nữa. Chỉ với $4, tôi có thể thuê được phòng đẹp nhất của khách sạn với tường và nền lát gỗ, giường đôi to vật vã, bàn làm việc, cửa sổ to thoáng, nhà tắm riêng với nước nóng, lại bao gồm cả wifi. HR, bác chủ khách sạn, bảo rằng bây giờ đang là mùa vắng khách nên mới cho tôi thuê với giá đó.
Lúc ra ngoài ăn tối, thấy biển quảng cáo tiệc Giáng sinh, tôi mới chợt nhớ ra là Giáng sinh sắp đến rồi. Tự nhiên, tôi thấy thương mình ghê gớm. Một thân một mình ở đây, không quen biết ai thì đón Giáng sinh thế nào? Tôi nhớ đến các bé ở trại trẻ mồ côi. Không biết các bé ấy đã bao giờ được đón Giáng sinh chưa?
Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu tôi. Tôi lên nhóm Nepal trên CouchSurfing post một tin nói rằng tôi muốn tổ chức một bữa tiệc Giáng sinh nho nhỏ cho năm mươi bé ở trại trẻ mồ côi, ai chưa có kế hoạch gì cho Giáng sinh đều được chào đón. Mọi người có thể đóng góp một khoản tiền tùy tâm để mua quà cho các bé. Sau đó khi các bé đi ngủ, cả nhóm có thể về lại Thamel nhậu nhẹt để ăn mừng Giáng sinh kiểu người lớn. Kathmandu có lẽ có nhiều trái tim bơ vơ. Trong một ngày tôi đã nhận được sáu trả lời, quyên góp được gần $100. Ở Nepal, đây là một khoản tiền khá lớn. Chúng tôi mua bánh kẹo, sô-cô-la, hoa quả, bóng bay, rồi bắt xe bus đến đấy. Vắng khách hay sao đó (vắng theo tiêu chuẩn của Nepal thôi chứ vẫn có khách phải đứng), xe lượn lờ từ đầu này đến đầu kia thành phố, gần hai tiếng mới đến trại trẻ mồ côi. Đến nơi thì chúng tôi hay hung tin là các bé vừa bị bắt đi ngủ. Tôi biết giờ này các bé chưa ngủ đâu. Không có Maya ở đấy, tôi đành phải tự quyết định. “Đánh thức các bé dậy”, tôi bảo mấy tình nguyện viên ở đấy. Thế là chúng tôi vào gõ cửa từng phòng. Các bé mặt ngơ ngác không biết chuyện gì đang diễn ra, nhưng vốn nghe lời, các bé ngoan ngoãn ngồi thành hàng trong căn phòng mọi khi được dùng là phòng ăn kiêm phòng học. Không khí ban đầu có vẻ kì cục vì chẳng ai biết mình đang làm gì.
“Các bé biết đêm nay là đêm Giáng sinh không?”
Một vài bé gật.
“Đã ai từng đón Giáng sinh chưa?”.
Tất cả đều lắc.
Chúng tôi vừa hỏi vừa trả lời về Giáng sinh. Mấy bạn đi cùng tôi cũng được cái vui tính, bắt đầu làm trò: hát hò nhảy múa. Các bé cười nghiêng ngả. Rồi chúng tôi phát quà. Còn thừa quà, chúng tôi nảy ra ý định cho các bé thi văn nghệ. Các bé nhiệt tình hưởng ứng. Tất cả hát hò, nhảy múa như phát cuồng. Lúc chúng tôi ra về, các bé tranh nhau ôm tôi. Một số bé thổn thức khóc bởi chưa bao giờ được tham gia một bữa tiệc như thế. Bé này ôm xong lại đứng vào hàng ôm tiếp. Riêng cái màn ôm này đã mất hơn nửa tiếng. Quả thực, đấy là Giáng sinh vui nhất từ trước đến giờ của tôi.
51. Chiến lược “Kebano”
Trong số những người trả lời tôi vụ Giáng sinh hôm đó, có một anh chàng mà tôi chỉ nhận được tin nhắn khi mà tôi đang trên xe bus đến trại trẻ mồ côi rồi. Người đó là Asher. Anh chàng gửi tôi một tin nhắn cũng thảm thiết không kém: “Tao đang héo hon vì buồn chán ở Kathmandu đây, mày có trò gì vui đến giải cứu cho tao”. Tư tưởng lớn gặp nhau, chúng tôi nhanh chóng kết thân.
Sau hơn một tuần ở Kathmandu, tôi vẫn chưa biết mình đang làm cái quái gì ở đây. Kế hoạch ban đầu của tôi là ở tạm đây một thời gian tập trung viết cho Walyou, nhưng kế hoạch cứ ngày một ảm đạm vì lạnh đến mức tôi thậm chí còn chẳng bỏ tay ra khỏi chăn mà viết được. Cho đến một ngày, tinh thần của tôi xuống thấp đến mức tôi quyết định gọi cho Asher hy vọng rằng trí tuệ Do Thái của anh có thể cho tôi thêm một ít động lực.

“Tao đi chết đây. Bao nhiêu deadline mà tao chẳng tập trung được vào cái gì”.
“Hừm, trong trường hợp này thì cách tốt nhất là sử dụng chiến lược Kebano”.
“Là sao?”
“Là mày nói Kệ bà nó, tắt máy tính, rồi ra ngoài đi chơi”.
Và đấy chính xác là những gì tôi làm sau đó.
Asher gọi bạn của anh và bốn đứa chúng tôi leo lên hai con xe máy già nua, long sòng sọc luồn lách qua làn xe cộ nổi tiếng điên khùng của Kathmandu. Sau gần một tiếng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được miền đất hứa: Một quán ăn giữa chốn đồng không mông quạnh. “Ở đây có chhaang rất ngon”, Binod hồ hởi giới thiệu. Căn nhà nhỏ dựng lên ngay giữa cánh đồng lúa với một kiến trúc khá kỳ cục cho phép khách hàng có thể ngồi bất cứ đâu: trong phòng, trên cầu thang, trên gác xép. Từ mái nhà nơi chúng tôi ngồi, bạn có thể phóng tầm mắt ra xa tít tận chân trời. Bò thong thả đi dạo trong sân. Gà thong dong cục tác trên mái. Một cảm giác thanh bình đến lạ. Mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ thì tự nhiên, người bạn bác sĩ của chúng tôi nhận được một cuộc gọi khẩn cấp từ bệnh viện. Anh nhìn có vẻ hết sức bối rối, nhưng rồi quyết định tắt máy và nói:
“Kệ bà nó”.
Ha, chiến lược Kebano là nhất. Giá như anh chàng này mà nghĩ sâu xa rồi bất chợt bỏ về thì chúng tôi lại phải kẹp ba mà về.
Chúng tôi gọi chhaang và rosy (vodka của Nepal) với đủ loại đồ ăn vặt Nepal: đậu phộng muối, thịt trâu khô, khoai tây xay nhuyễn nấu masala, trứng rán đậu lăng, cá mặn, măng. Cảnh, gió, rượu khiến tôi cảm giác hơi ảo. Tôi phát hiện ra một cái lồng với những dải dây dài treo bên trong.
“Ớt à?”.
“Không, thịt khô đấy”.
“Mình lấy được không?”.
“Mình có thể đặt người ta nướng ngay cho bây giờ”.
“Không, nó muốn ăn trộm cơ”. Ha, chỉ có Asher là hiểu tôi. Mua thì còn gì thú vị.
“Lồng bị khóa mà”.
“Để em thử. Canh chừng cho em nhé”.

Tôi chạy đến, khéo léo mở khóa rồi luồn ngón tay của mình vào trong, lôi ra mấy mẩu thịt nhỏ. Cả nhóm còn chuẩn bị báo Kantipur. Chúng tôi tự nhiên cười lăn lộn khi thấy Asher cẩn thận gói thịt vào trong giấy báo, nhét vào trong túi. Trời ạ, chúng tôi cứ như là kẻ trộm chuyên nghiệp vậy.
“Chỗ này khoảng bao nhiêu tiền?”. Tôi hỏi.
“Khoảng 100Rs. Có thể hơn”.
“Mình nên để lại 100Rs tiền tip”.
“Khoooooong”. Binod nhiệt tình phản đối. “Không ai để tiền tip ở Nepal cả. Kỳ cục lắm”.
Tôi phải giải thích thêm rằng tip không phải là chuyện phổ biến ở Nepal. Nhà hàng thường tính 10% hay 15% phí dịch vụ. Tôi đã có một lần vô cùng xấu hổ vì cả gan dám tip. Tôi đưa cho cậu bé làm việc ở khách sạn 100Rs vì xách ba lô lên phòng cho tôi, cậu nhìn tôi như thể bị xỉ nhục.
“Tiền này để làm gì?”.
“Không có gì”. Tôi chạy vào phòng, đóng sầm cửa lại để giấu khuôn mặt đỏ bừng bừng. Từ đó về sau, tôi không bao giờ tip ai ở đây nữa.
Chúng tôi rời nhà hàng với chiến lợi phẩm, cảm giác như một băng đảng tội phạm. Thỉnh thoảng cũng phải phạm một tội gì đó vô hại để thấy rằng mình vẫn là con người.
Chúng tôi về lại thành phố và tụ tập ở Sam’s bar. Tôi rất thích bar này vì nó có đống lửa rất ấm cúng. Tất cả mọi người có thể ngồi quây quần quanh đó. Asher bẻ một que tre từ ban công, xiên thịt vào đó rồi nướng. Khách Sam’s bar hôm đấy được một phen cười bể bụng vì hai đứa dở người dí sát mặt vào đống lửa, vừa ăn xiên thịt nướng cháy đen vừa tấm tắc khen như thể nó ngon lắm.
Tôi trở về khách sạn, tràn đầy sinh khí và động lực. Ít nhất tôi cũng đã có thể bỏ tay ra khỏi chăn để viết bài này. Chiến lược Kebano thật là hiệu quả. Trí tuệ Do Thái cấm có sai.
52. Tìm gặp Kumari của Nepal
Một lần ngồi chúng tôi đang đang ngồi tán dóc, Binod khoe màn hình điện thoại của anh. Đó là hình một cô bé khoảng sáu, bảy tuổi, đánh môi đỏ chót, đuôi mắt đen dài, mắt phượng to tròn ở trán, đội mũ đỏ, áo đỏ.
“Cháu gái anh. Kumari đấy”.
“Kumari là cái gì?”

“Con bé này ở Nepal mà chẳng biết gì về Nepal thế. Kumari là nữ thần sống đấy”.
“Hả? Cháu gái anh sạo lại là nữ thần?”.
“Kumari. Sinh ra là cháu anh nhưng thực ra là nữ thần đầu thai vào đó”.
“Thật á? Người ta thờ lạy bé này luôn á?”.
“Thật. Người thờ lạy quá nhiều luôn”.
“Ghê nhỉ. Thế anh là cậu của nữ thần có được tính là nam thần không?”.
“Nói năng linh tinh. Lên mạng tìm hiểu đi.”
Tôi lên mạng tìm hiểu và đã bị sốc. Tôi cứ nghĩ mình là đứa rảnh đường rảnh đất, vậy mà một nét văn hóa hay như thế này lại không hề biết tới. Kumari, tiếng địa phương nghĩa là thần trinh tiết, là hiện thân của nữ thần tối cao Durga của đạo Hindu. Khắp Vương quốc Nepal có năm hay ba Kumari. Mỗi Kumari trị vì một khu vực để ban phước lành cho người dân ở đó.
Việc lựa chọn Kumari trải qua những quy trình, quy định rất khắt khe. Kumari được lựa chọn từ những bé gái khoảng ba đến năm tuổi thuộc dòng tộc Shakya, cùng dòng tộc vớiĐức Phật Thích Ca Mẫu Ni. Những bé gái có cơ thể hoàn mỹ, không chút khuyết điểm, chưa từng bị thương chảy máu, chưa từng bị mụn nhọn trên người…mới đủ điều kiện làm ứng cử viên. Những bé gái hội đủ ba mươi hai điểm cát tường (cổ trắng ngần, thân như cây bồ đề, chân như đùi hươu, lông mi dài và cứng, mắt và tóc đen nhánh, ngực như sư tử, răng đều tăm tắp…) sẽ phải trải qua những bài kiểm tra nghiêm khắc hơn nữa để đảm bảo rằng bé gái đó sở hữu những đức tính của thần Durga, bao gồm sự thanh thản và dũng cảm. Một trong những bài kiểm tra đó là bé gái phải ngủ một mình trong phòng tối với đầu súc vật xếp quanh mà không thể hiện sự sợ hãi.
Bài kiểm tra cuối cùng cũng không khác gì với bài kiểm tra tìm Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng. Ứng cử viên phải lựa chọn chính xác vật dụng của Kumari tiền nhiệm trong một loạt những vật dụng được đưa ra. Bé gái được chọn sau đó sẽ được làm lễ chuẩn bị cho nữ thần nhập vào. Kể từ đó, toàn bộ cơ thể của Kumari được coi là linh thiêng, không được phép chạm đất trừ khi nền được trải thảm đỏ. Kumari không được sống chung với gia đình. Những bé gái này sẽ phải từ biệt cuộc sống trần tục để vào sống trong ngôi đền dành riêng cho mình. Kumari không đến trường mà giáo viên phải đến ngôi đền để giảng dạy. Mỗi năm, Kumari chỉ được ra ngoài để ban phước lành trong các dịp lễ quan trọng như lệ hội truyền thống Indra Jatra của người Hindu tại thủ đô Kathmandu.
Quan trọng nhất và được tôn thờ nhất là Kumari Hoàng gia sống trong ngôi đền ở trung tâm thủ đô Kathmandu, cách Thamel chỉ khoảng ba mươi phút đi bộ. Tôi quyết định rằng mình phải tìm gặp Kumari này cho bằng được. Nhưng chỉ có người Nepal và Ấn Độ mới được cho phép gặp nữ thần. Cách duy nhất để người nước ngoài như tôi có thể diện kiến Kumari là chờ nữ thần xuất hiện ở cửa sổ ngôi đền hai lần mỗi ngày vào chính giờ sáng và bốn giờ chiều. Thế là sáng hôm ấy, tôi cẩn thận diện lên mình bộ quần áo truyền thống của con gái Ấn Độ với hy vọng có thể đánh lừa được bác bảo vệ như lần ở Taj Mahal.
Ngôi đền nằm trong Quảng trường Durba Kathmandu. Bình thường người nước ngoài phải mua vé $3 vào trong, nhưng mà bảo vệ ở đây khá lỏng lẻo nên trừ khi bạn đâm đầu thẳng vào chỗ soát vé, bạn đi từ bất kỳ hướng còn lại đều không phải mua vé. Bên ngoài ngôi đền có khoảng bốn, năm người dân chào mời bán hình của Kumari. Một bà cụ da đồi mồi, mắt nhăn nheo, tay lật lật xấp ảnh, miệng phì phèo điếu thuốc. Thấy là lạ, tôi mua cho cụ một tấm.
Ngôi đền ba tầng thực ra là một ngôi nhà gạch chỉ được ốp gỗ dành riêng cho Kumari. Trong đền chỉ có một người làm bảo vệ luôn mặc đồ thường dân, thầy tu phụ trách đền và những người phục vụ.
Tuy nhiên, sau khi năn nỉ mọi cách, rồi cả trèo tường mà vẫn thất bại, tôi đành ngậm ngùi tham gia nhóm khách du lịch đang chen nhau đứng dưới sân chờ đợi sự xuất hiện của Kumari. Mọi người được nhắc cất máy ảnh vì nếu thấy máy ảnh, Kumari sẽ không ra mặt.
Kumari đương nhiệm có tên là Matina Shakya, sáu tuổi, xuất hiện ở khung cửa sổ với vẻ mặt hơi buồn. Kumari Matina Shakya xuất hiện trong bộ trang phục màu đỏ với tóc vấn cao cùng với nhiều trang sức và con mắt thứ ba được vẽ trên trán tượng trưng cho sức mạnh nhìn xuyên thấu. Khách du lịch nước ngoài hoan hỉ vỗ tay, người dân Nepal thành kính cúi lạy.
Kumari Shakya thờ ơ nhìn khắp lượt đám đông. Kumari không cười, không vẫy tay chào, không nói một lời nào nhanh chóng đi vào trong, nhanh tới mức một số người vẫn còn ngơ ngác.
Người dân Nepal ở trong đền giải thích cho tôi biết mỗi biểu hiện trên nét mặt hoặc cử chỉ của Kumari đều được coi là điềm báo. Họ cũng nói rằng tôi là người may mắn khi gặp được Kumari với khuôn mặt lạnh như băng vì như thế có nghĩa là mọi ước nguyện của tôi đã được chấp nhận.
Nếu Kumari khóc hoặc cười to thì đó là điềm báo của bệnh tật hoặc cái chết. Người dân Nepal cũng tin rằng khi Kumari ứa nước mắt là điềm báo có ai đó sắp chết hoặc than phiền về thức ăn nghĩa là có người sắp mất mát về tài chính.

Không trực tiếp gặp được Kumari Shakya, tôi tìm cách gặp nữ sống thần khác. Gặp Kumari đang trong thời gian cai trị là không tưởng, tôi nhờ Binod sắp xếp cho tôi gặp cô cháu gái của mình. Đó là Chanira Bajracharya, vừa bước sang tuổi mười sáu, người từng làm Kumari tại thành phố cổ Patan, nằm cách thủ đô Kathmandu khoảng ba kilomet về phía Đông Nam. Chanira đã từng được xem là Kumari quan trọng thứ hai của Nepal, chỉ sau Kumari Hoàng gia.
Chanira mất ngôi vị Kumari cách đây hai tháng khi cô bắt đầu có kinh. Người dân Nepal tin rằng một khi Kumari chảy máu, dù là do kinh nguyệt hay bị thương, Nữ thần tối cao Durga của đạo Hindu sẽ rời bỏ cô.
Tôi gặp Chanira tại căn phòng trong ngồi đền thiêng, nơi Chanira từng gặp gỡ thần dân đến xin ban phước lành. Tôi từng tiếp xúc với rất nhiều cô gái trẻ Nepal, nhưng trong những phút đầu gặp Chanira vẫn rất khó trò chuyện. Sau khi chào cô bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Nepal mà không được đáp trả, tôi mới được cha cô giải thích rằng cô vẫn chưa học được cách giao tiếp với người lạ và vẫn quen với quy định không được phép trò chuyện. Tôi không biết nên bắt đầu bằng chủ đề gì. Chanira không chơi thể thao, không nghe nhạc, mặc dù cô được coi là một trong những Kumari cấp tiến và hiện đại nhất.
Cha cô còn cho biết trước đây không người ngoài nào được phép nói chuyện với Chanira vì bị cho là làm ô uế sự thanh khiết của Kumari. Sau một lúc độc thoại, cuối cùng tôi cũng khiến Chanira mỉm cười và bắt đầu nói chuyện. Với mọi người dân Nepal giờ đây Chanira cười hay khóc dường như không còn là điềm báo nữa.
Tóc búi gọn sau gáy, mặc áo len và quần bò trong tiết trời se lạnh, Chanira trông khác hẳn với những bức ảnh trang nghiêm trong bộ đồ lễ vẫn còn treo trong phòng. Nếu không được báo trước, chắc tôi và ngay cả những người dân Nepal khó có thể nhận ra cô từng là Kumari.
Không được trang điểm như khi còn là Kumari, nhưng khuôn mặt bầu bĩnh của Chanira vẫn toát lên nét đẹp và sự quyến rũ lạ lùng. Cách nói chuyện của Chanira cũng toát lên thần khí và đặc biệt là sự thông minh như người dân Nepal vẫn lưu truyền.
Dường như Chanira vẫn chưa quen với cuộc sống của người phàm trần và việc cô trở lại ngôi đền như để vơi đi sự tiếc nuối và nỗi nhớ về nơi đã gắn bó suốt thời niên thiếu, từ lúc mới năm tuổi. Chanira cho biết trong một thập kỉ làm Kumari, cô không có bất kỳ người bạn nào, nhưng có thể trò chuyện và chơi với hai người anh em trai của mình.
“Thế có buồn không?”.
“Không, cũng chẳng buồn”.
Trong suốt gần mười năm làm Kumari, Chanira hầu như chỉ gặp dân chúng đến làm lễ, nhất cử nhất động đều được quan sát và xem như là điềm báo. Chanira thậm chí phải kiềm chế để không cười to thành tiếng vì đó được xem là điềm báo về bệnh tật nặng hoặc cái chết. Chanira cho biết mỗi năm khi còn ở ngôi vị Kumari, cô chỉ rời khỏi ngôi đền gần hai mươi lần để tham dự các buổi lễ quan trọng.
Chanira nói tiếng Anh khá dở do không được thực hành nên tôi phải nhờ Binod phiên dịch. Chanira vào học đại học ngành tài chính đã được một tháng sau khi tốt nghiệp phổ thông đúng như ước nguyện khi còn ở trong đền thiêng. Ít tháng trước, Chanira khiến dư luận quốc tế xôn xao khi là Kumari đương nhiệm đầu tiên của Nepal vượt qua kì thi trung học phổ thông được tổ chức ngay trong ngôi đền.
Một điều khá dễ hiểu khi Chanira nói thực sự cô có cảm giác hụt hẫng khi không còn là Kumari nữa. Trước đây, cô không được phép ra ngoài, nhưng cảm thấy vui mỗi lần làm lễ với dân chúng và đặc biệt là gặp gỡ các bạn học sinh. Bây giờ, cô không biết sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình thế nào. Cô đang dần làm quen với bạn cùng lớp đại học, nhưng việc kết bạn không dễ.
Cô cũng không quen đường sá trong thành phố do ở trong ngôi đền quá lâu. Giờ đây mỗi lần ra ngoài, Chanira đều phải nhờ người thân đi kèm. Trước đây bố mẹ không được phép quát mắng, chỉ dạy Chanira, nhưng từ nay mọi việc sẽ khác.
Sau khi đã quen nhau, tôi đề nghị dẫn Chanira đi chơi, thăm thú thành phố đề làm quen với cuộc sống đời thường, cô vui vẻ gật đầu và hẹn tôi đến nhà đón. Tôi hào hứng kể và muốn dẫn Chanira đến thưởng thức món Pizza cực ngon và cả những món ăn thời thượng khác mà giới trẻ Nepal yêu thích.
Tuy nhiên, Chanira bẽn lẽn nói rằng cô không được phép ăn uống ngoài phố. Dường như Chanira quên rằng mình đã không còn là Kumari nên hoàn toàn có thể ăn ở nhà hàng, đi học, làm việc, yêu và kết hôn như những cô gái trẻ khác ở Nepal.
Từ một cô bé bình thường trở thành Kumari đã khó, nhưng từ thánh nữ trở lại làm người thường, hòa nhập với thế tục còn khó hơn. Khi còn là nữ thần, Chanira và cả gia đình cô được tôn thờ, chiều chuộng, nhiều mong muốn của họ đều được Nhà nước đáp ứng. Khi ngôi vị thiêng liêng đó không còn nữa, Chanira lo lắng mình và gia đình cũng sẽ bị lãng quên dần đi như những Kumari khác.
Hiện cựu Kumari Chanira sống nhờ vào gia đình cùng khoản trợ cấp mang tính tượng trưng (khoảng 800.000 VND/tháng) dù Tòa án Tối cao Nepal đã lệnh cho Chính phủ nước này phải đảm bảo đời sống và giáo dục cơ bản cho các cựu Kumari.
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.