Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1)

Chương 18: Ấn Độ - Nepal - -39


Đọc truyện Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) – Chương 18: Ấn Độ – Nepal – -39

37. Srinagar
Sau một đêm ngủ như chết, sáng hôm sau chúng tôi lên đường đi Srinagar, thủ phủ của Kashmir. Có lẽ chỉ có ở Kashmir biển báo thành phố mới dám ghi một câu xanh rờn: “Wee to Paradise on Earth”. Đôi khi tôi buồn vì mình không có tài tả cảnh và Kashmir càng làm cho tôi phải đau khổ dằn vặt vì cái sự bất tài của mình. Tôi ước gì mình có khả năng biến mọi cảm xúc của mình thành chữ, để người đọc có thể cảm nhận được cái đẹp, cái hồn của Kashmir. Mải ngắm cảnh, chúng tôi chẳng mấy khi nói chuyện. Nếu có nói, thì chủ đề cũng chỉ là về một cái đẹp khác của Kashmir.
“Trời ơi, chị muốn xem người Kashmir quá. Nghe nói con trai Kashmir đẹp dã man luôn”.
“Murdi bạn em là người Kashmir đấy. Bạn ấy xinh lắm. Nghe nói con gái Kashmir cũng đẹp quá trời luôn”.
“Đúng đúng. con gái Kashmir đẹp lắm”. Pankaj chen vào.
“Con trai thì sao?”. Cả tôi và chị Khánh đồng thanh hỏi.
“Hai chị phải tự xem rồi”.
Trời mỗi lúc một lạnh. Mới bắt đầu vào đông mà nhiệt độ đã xuống ba, bốn độ. Chị Khánh ủ một cái áo khoác lông to đùng. Tôi vẫn chỉ có chiếc áo len mặc bên ngoài chiếc áo phông dài tay. Tour sắp xếp cho chị Khánh ở khách sạn, nhưng nghe tôi dụ dỗ, chị muốn đi ngủ nhà thuyền. Quả thực, đến Kashmir mà không ở nhà thuyền thì chưa phải đến Kashmir. Nhà thuyền là một đặc sản, và cũng là minh chứng cho vẻ đẹp không thể cưỡng lại của mảnh đất này. Đến Kashmir, thật không khó để nhận ra điều đó. Hàng trăm ngôi nhà thuyền nhỏ nhắn rực rỡ màu sắc vai kề vai nối tiếp nhau trải dài cả cây số ven sông hay ven hồ Dal và Nagin. Theo Robinson kể, do Kashmir quá đẹp, quá nhiều người muốn mua đất ở đây. Để bảo vệ Kashmir khỏi đầu cơ bất động sản từ tư bản bên ngoài, quốc vương Kashmir bấy giờ mới ra một luật chỉ người Kashmir mới được mua đất ở Kashmir. Khi thực dân Anh sang Ấn Độ, họ tìm mọi cách để có thể lách luật và nhà thuyền là kết quả của việc lách luật đó. Những ngôi nhà thuyền ban đầu là nơi nghỉ dưỡng của người Anh dần dần được nâng cấp lên thành nhà nghỉ cho du khách. Người bạn mà tôi liên hệ trước trên CouchSurfing, Mustafa, ở trong một căn nhà thuyền như vậy. Tôi xin Mustafa cho tôi và chị Khánh ở nhờ.
Mustafa hẹn gặp chúng tôi trên cây cầu vắt qua con sông nơi thuyền nhà cậu neo đậu. Mustafa bằng tuổi tôi, tóc đen, mắt sâu, râu quai nón đậm chất Trung Đông. Cậu không hẳn là đẹp trai như những gì chị Khánh và tôi hình dung về con trai Kashmir, nhưng tôi có thể nói là cậu khá có duyên.
“Trời ơi, ấy mặc thế có lạnh không?”
“Nghe tiếng gì kêu lách cách không? Tiếng răng tớ đập vào nhau đấy”.
Thuyền có phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, bếp đủ cả. Khắp thuyền có rèm nhung phủ bốn phía để giữ ấm. Bác trai ngồi hút thuốc, chân hơ bên trên một giỏ lửa.
“Người Kashmir ai cũng có một giỏ lửa thế này để giữ ấm trong mùa đông. Người ta gọi nó là người vợ mùa đông đấy”. Bác cười móm mém. Tóc và râu bác dài bằng nhau, phủ ngang đến ngực.

“Bác hút gì thế?”.
“Cần sa. Cần sa Kashmir là hàng hiếm đấy”.
Bác gái từ dưới bếp tất tả chạy lên với ba ly trà. Trà Kashmir khác với trà ở các khu vực khác ở Ấn Độ, mà sau này tôi phát hiện ra là nó giống trà ở Ai Cập: trà thơm, không sữa nhưng nhiều đường. Trời lạnh không ai muốn uống nước cả, nên chỉ có uống trà nóng tì tì thôi.
Phải ở trên thuyền, chòng chành mỗi khi có người bước hơi mạnh chân, ngắm mặt trời lên lấp ló bên hàng cây chinar rực rỡ, nhâm nhi trà Kashmir, nghe cá gọi trên mặt nước, mới hiểu tại sao du khách yêu nhà thuyền đến thế. Thú đấy nhưng lạnh. Trời lạnh, ở trên sông càng lạnh. Đánh răng mà lười cứ tê cứng lại. Ngửi thấy hơi nước là đã thấy tê tái nói gì động vào nước. Sáng tỉnh dậy thấy nước đóng băng ở cạnh bờ. Chị Khánh tặc lưỡi:
“Ở một hôm cho biết thế thôi, đêm nay về lại khách sạn ở”.
Mustafa vốn là hướng dẫn viên du lịch nên hôm sau cậu đề nghị dẫn chúng tôi đi chơi. Nhưng chả hiểu sao Pankaj cứ mặt nặng mặt nhẹ có vẻ không muốn cho cậu đi cùng nên sau khi đến một số điểm du khách không thể bỏ qua như vườn thượng uyển, hồ Dal, leo lên đỉnh núi ngắm bao quát toàn cảnh thung lũng Kashmir đẹp như tranh vẽ, tôi và Mustafa tách ra đi riêng. Đi qua một chợ hàng thùng, tôi tạt vào mua một cái áo khoác mỏng dính với giá 200Rs ($4). Tôi không muốn mua áo quá dày vì nặng, dùng xong ở Kashmir rồi chẳng biết có dùng ở đâu nữa không mà tha lôi lỉnh kỉnh.
Mustafa dẫn tôi đến đám cưới một người bà con của cậu. Đám cưới Kashmir rất lạ. Trong mấy ngày liền, cô dâu mới cứ phải trang điểm, mặc quần áo đẹp cho bà con làng xóm tới ngắm. Cô dâu mặc chiếc váy đỏ, đội khăn đỏ, khắp người là đồ trang sức bằng vàng. Chị ngồi yên trong một góc phòng, lúc nào cũng phải cười tươi, còn bà con thì ngồi khắp phòng vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Chẳng ai nói được tiếng Anh, mọi người mang trà và bánh ngọt ra cho tôi rồi vừa nói chuyện vừa chỉ trỏ tôi gì đó, tôi nhìn thì lại cười một cách trìu mến. Tôi cũng cười lại. Chẳng biết làm gì, tôi cứ uống trà. Chị bưng trà cho tôi cứ cười tủm tỉm, có lẽ chưa thấy ai uống trà nhiều như tôi. Tự nhiên tôi thấyđồng cảm ghêgớm với cô dâu mới kia, đã lạ nước lạ cái rồi lại còn cứ phải ngồi như phỗng cho người ta ngắm nghía bàn tán. Mustafa bảo mọi người quý tôi lắm vì tôi xinh hiền, lại có vẻ ngoan, nhưng ai mà biết là Mustafa nói dối hay nói thật, hơ hơ.
Cũng nhờ Mustafa mà tôi được ăn thử rất nhiều đồ ăn đặc trưng của Kashmir. Buổi tối, cậu dẫn tôi ngồi ăn thịt xiên nướngở cạnh hồ Dal. Trời lạnh, tôi thích ngồi cạnh đống lửa, ngồi gần đến mức hơi nóng có thể phả vào mặt. “Mustafa sao không học đại học?”. Tôi hỏi. Cũng như hầu hết các bạn trẻ ở đây, cậu chỉ học xong cấp ba là nghỉ.
“Ngày trước có học, nhưng mà đợt vừa rồi bị giớinghiêm ba tháng, phải ở nhà suốt chẳng đến trường được nên bỏ luôn”.
“Giới nghiêm ba tháng?”.
“Ừ, ấy may mà lên đây đúng lúc bạo động vừa qua đấy. Từ tháng sáu đến tháng chín, bạo động liên miên.
Cứ vài hôm lại bị giới nghiêm một lần, không ai được ra ngoài vì họ sợ người dân biểu tình, ném đá”. (Giờ tôi đã hiểu tại sao ở Srinagar lại nhiều xe bị vỡ cửa kính đến thế).
“Kể cả đi học?”. Tôi không tin vào tai mình nữa.

“Ừ. Trẻ em còn chẳng được ra ngoài chơi. Nhiều bé bị khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng vì suốt ngày bị giữ trong nhà. Tớ có tình nguyện với một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ những em bé bị như thế”.
“Nếu đi học lại, ấy muốn học nghề gì?”.
“Hướng dẫn viên du lịch”.
“Tại sao?”.
“Công việc nhàn, lương cao, được gặp nhiều người nước ngoài”.
Tôi thấy buồn vì hầu hết các bạn trẻ tôi gặp tại những điểm du lịch nổi tiếng toàn muốn học để trở thành hướng dẫn viên. Không có gì sai khi chọn nghề này cả, nhưng ai cũng làm hướng dẫn viên thì lấy ai làmnhững nghề khác? Chưa kể,ở Kashmir do bạo động liên miên, ngành du lịch còn chưa biết đi đâu về đâu thì nói gì hướng dẫn viên. Đến thăm Kashmir lòng tôi cứ xắt lại. Một vùng đất vốn kiếm sống bằng ngành du lịch mà giờđây không còn khách du lịch nữa thì sống bằng gì? Các cửa hàng đóng cửa, khách sạn đìu hiu, đình côngliên miên, chợ tan từ sáu giờ tối. Sau tám giờ tối là không còn ai ra ngoài. Phương tiện công cộng khônghoạt động. Trạm xăng không bán nên auto-rickshaw, taxi vô cùng đắt đỏ. Khách sạn, chúng tôi là những người khách duy nhất.
Ngày chúng tôi rời Srinasar là “Black Day” – “Ngày đen tối” 27 tháng 10, đánh dấu ngày đầu tiên quân đội Ấn Độ đặt chân lên Kashmir. Trong ngày này, người dân Kashmir phản đối bằng cách ném đá vào quân đội và quân đội đôi khi sẽ bắn trả. Giới nghiêm toàn thành phố. Đêm trước đó đã có tám người bị thương. Tài xế của chúng tôi, vốn là người Ấn Độ theo đạo Hindu, sợ quá phải gọi anh chàng lễ tân vào ngủ cùng. Chúng tôi rời thành phố mà trong lòng cứ thấp thỏm. Giới nghiêm toàn thành phố. Cứ đi được khoảng năm phút chúng tôi lại bị chặn lại tra hỏi, liên tục phải vòng qua đường khác. Cũng may, do chúng tôi là khách du lịch nước ngoài nên cuối cùng cũng đi được. Ra khỏi Srinasar, chúng tôi lại suýt nữa bị mắc kẹt vì hết xăng mà trạm xăng đang đình công không hoạt động.
38. Những chàng trai Kashmir
Những ngày còn lại ở Kashmir, chúng tôi đi lang thang một số điểm du lịch nổi tiếng của khu vực này: Pahalsam, Kashmir. Nói chung, đi tour mặc dù cũng thú vị, nhưng chẳng có chuyện gì nhiều để kể. Chuyện mà tôi thấy hay ho nhất lại là một cái note nhảm nhí tôi ghi lại trong một ngày ở đây:
“Hôm nay mình đã có một suy nghĩ vô cùng dại dột, đó là suýt nữa đã mời một bạn trai đi ăn tối. Tại sao, tại sao, tại sao? Bố mẹ anh ấy ăn gì mà đẻ con ra đẹp trai quá đỗi như vậy?”.
Đó là cảm nghĩ của tôi khi đứng trước anh chàng Kashmir đẹp rụng rời mà chúng tôi gặp ở Gulmarg, điểm trượt tuyết nổi tiếng của Kashmir. Da săn rám nắng, gò má cao ửng hồng vì lạnh, môi đầy, sống mũi thẳng, tóc xoăn, mắt nâu mơ màng, anh mang trong người vẻ đẹp Kashmir huyền thoại mà chúng tôi đã được nghe nói đến bấy lâu nay. Nếu hình dung những ngôi sao điện ảnh là Disneyland thì anh là đồng cỏ bao la lộng gió đầy hoa dại vậy. Anh là người dắt ngựa cho chúng tôi khi chúng tôi cưỡi ngựa đi dạo quanh khu cao nguyên tuyệt đẹp này. Anh bảo bây giờ tuyết rơi chưa nhiều nên anh mới đi dắt ngựa. Khi nào trượt tuyết được, anh hướng dẫn trượt tuyết.
“Bây giờ có ai dám lên Kashmir nữa đâu mà có khách?”.

“Không, năm nay anh được sang châu u hướng dẫn cho khách hàng quen bên đó”.
“Bạn gái à?”.
“Không, khách hàng thôi. Anh không có bạn gái”.
“Nhà anh ở đâu?”.
“Anh ở làng cách đây khoảng mười hai cây số”.
“Anh về bằng gì?”.
“Anh đi xe máy”.
“Cho em về thăm làng anh nhé”.
“Ừ, tí nữa anh xong việc về đấy. Em đi cùng luôn đi”.
Ha ha, nếu mà đi một mình chắc là tôi đi ngay rồi đấy, nhưng đang đi cùng chị Khánh nên không đi được. Pankaj không có vẻ gì là muốn lái xe đến làng đấy cả. Đây là vấn đề của đi tour, mình lúc nào cũng phải theo lịch trình, không thể nào cao hứng lên đi khác được.
39. Mumbai nằm trong tay người Pubjabi
Đền Vàng Harmandir Sahib ở thành phố Amritsar, bang Punjab – một trong những điểm tôi muốn đến thăm trước khi tôi chết, bởi đây là trung tâm của đạo Sikh, có vị trí như Vatican của Thiên Chúa giáo vậy. Đạo Sikh là tôn giáo có tổ chức lớn thứ năm trên thế giới và là một tôn giáo có nhiều điều vô cùng thú vị. Thứ nhất, so với các tôn giáo khác ở Ấn Độ như đạo Hồi hay đạo Hindu, đạo Sikh cấp tiến hơn hẳn khi cho phụ nữ quyền bình đẳng với nam giới, và phụ nữ có thể dẫn dắt buổi cầu nguyện. Thứ hai, tôn giáo này nghiêm cấm mọi hành động tâm linh mù quáng, mê tín dị đoan như bắt phụ nữ che mặt, nhịn ăn, thờ cúng tranh tượng. Tôi rất ủng hộ quan điểm này. Thứ ba, đạo Sikh không hề có thầy tu, nữ tu bởi tôn giáo này phản đối các kiểu sống không gia đình: tha hương cầu thực, đi tu… Thứ tư, đây là một tôn giáo vô cùng hiếu chiến. Mỗi người theo đạo Sikh đều được khuyến khích phải sống như một chiến binh thần thánh. Với họ, nợ máu phải trả bằng máu và điều này đã được thể hiện qua những vụ trả thù đẫm máu trong lịch sử đạo Sikh. Bản thân Vương quốc đạo Sikh (nay là bang Punjab) được thành lập khi Guru Gobind Singh mang quân đi xâm lược thành phố Sirhind lúc bấy giờ còn đang theo đạo Hồi để trả thù cho cái chết của những người con trai út của mình. Người theo đạo Sikh luôn phải giữ 5 K, một trong số đó là Kirpan, con dao nhỏ cong ở đầu để gợi nhớ về lòng dũng cảm của năm người Sikh đầu tiên đã sẵn lòng tử vì đạo. Nhận biết người Sikh rất dễ. Bạn có thể nhìn vào tên họ: đàn ông đạo Sikh luôn có tên họ là Singh, nghĩa là sư tử; phụ nữ có tên họ Kaur, nghĩa là công chúa. Ngoài ra, đàn ôns đạo Sikh không bao giờ cắt tóc. Tóc dài được cuộn khăn thành một vòng tròn trên đầu. Nhiều bạn thường nhầm khăn cuộn này với khăn cuộn đạo Hồi, nhưng khăn cuộn đạo Sikh to hơn hẳn và họ hoàn toàn không để lộ tóc ra ngoài.
Quả thực, trước khi đến Ấn Độ tôi chẳng biết đạo Sikh là gì. Tôi bắt đầu nghe đến đạo này khi đọc cuốn Holy Cow của Sarah McDonald trên tàu từ Kolkata đi Mumbai. Sau đó, khi đến Mumbai tôi nghe mọi người đùa rằng kinh tế Mumbai nằm trong tay người Punjabi (phần lớn người Punjabi theo đạo Sikh). Tuy là thiểu số, người Sikh đã đạt được khá nhiều thành tựu về kinh tế và chính trị ở đất nước này. Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là Manmohan Singh, nghe tên mọi người cũng biết là theo đạo Sikh. Tôi không biết thành công của họ là do sự hiếu chiến hay sự đoàn kết của những người theo tôn giáo này nữa. Hiếu chiến không hẳn mang nghĩa là thích đổ máu, nhưng hiếu chiến theo nghĩa “hăng”, đã làm gì thì sẽ làm hùng hục. Tôi đã ngộ ra một điều, muốn làm được gì đó thì bản thân mình phải thúc, phải đẩy cho nó xảy ra, không thể cứ ngồi ì chờ người khác làm cho mình được.
Sarah đến Amritsar để chữa bệnh. Tôi cũng không nhớ lúc đó Sarah mắc bệnh gì, đến Ấn Độ người không quen có thể mắc đủ các thứ bệnh quái đản. Có bệnh thì vái tứ phương, có người giới thiệu cô đến Amritsar tắm nước hồ Sarovar. Tương truyền, hồ Sarovar quanh đền Vàng có chứa amrit, nước thánh hay nước trường sinh bất lão có khả năng chữa bách bệnh. Nước này thực ra là nước sông Hằng. Người đổ về đây đông như kiến, cả người tin lẫn người không tin. Đền Vàng có bốn cổng, mỗi cổng có hai bác bảo vệ đứng gác, uy nghiêm đúng kiểu chiến binh thần thánh đạo Sikh: cao lớn, áo dài chùng màu xanh đậm, khăn cuốn tóc và thắt lưng đều màu vàng, râu quai nón, mặt nghiêm nghị, chân dạng bằng vai đứng tấn, tay cầm thanh giáo uy nghiêm. Trông dữ dằn là thế nhưng khi tôi đến hỏi, bác vẫn tươi cười trả lời.
Muốn vào trong mình phải cởi dép, phủ đầu che tóc. Bước qua cổng, qua hành lang là vào đến hồ Sarovar. Gần cửa chỉ có đàn ông tắm, phụ nữ tắm ở phía trong kín đáo hơn. Đàn ông nơi này cũng lạ, xuống tắm đồ cởi gần hết mà tóc thì vẫn cuộn nguyên cả cục trên đầu. Tôi phân vân có nên xuống tắm không, nhưng rồi nghĩ khả năng chữa được bệnh thì ít, mà khả năng lây bệnh da liễu thì nhiều nên lại thôi.

Đi lòng vòng quanh hồ, tôi phát hiện ra một mái hiên lớn, dưới đó là khoảng vài chục các bác, các anh, các chị ngồi hì hụi nhào bột, bóc tỏi. Một giỏ sắt khổng lồ chứa ngập khay đựng đồ ăn, cao quá đầu người. Phía trên mái hiên là hàng chữ: “The Lord himself is the Farm. Himself is the Farmer. Himself he grows & grinds the corn”. (Bản thân Đức Chúa là nông trại. Bản thân Ngài là người nông dân. Bản thân Ngài trồng và nghiền ngô) Thấy hay hay, tôi ngồi xuống bữa một bác gái bận bộ sari màu nâu, vấn khăn màu nâu và một bạn nữ mặc sari màu tím nhạt, vấn khăn cũng màu tím nhạt, nhặt mấy củ tỏi lên bóc cùng mọi người.
“Bạn có nói tiếng Anh không?”. Tôi quay sang hỏi cô bạn ngồi cạnh.
“Chút chút”. Cô bạn bẽn lẽn trả lời.
“Mọi người đang làm gì vậy?”.
“Nấu ăn”.
“Cho ai?”.
“Cho tất cả”.
“Tất cả? Cho cả tớ nữa á?”.
“Ừ”. Cô bạn cười.
Thì ra đây là bếp ăn tập thể. Sau này tìm hiểu thêm tôi được biết hàng ngày bếp này phục vụ khoảng năm mươi ngàn người đến đây hành hương, hoàn toàn miễn phí. Người hảo tâm quyên góp đồ ăn, mọi người vào làm bếp, mọi người phục vụ, mọi người ăn. Hóa ra cái câu mà tôi đọc bên trên không chỉ là một trích đoạn trong Kinh Thánh của họ mà còn là một câu nhắc nhở mọi người “Muốn ăn thì lăn vào bếp”. Tôi chẳng hiểu lúc đấy tôi bị sao mà thấy bóc tỏi thú vị thế. Đầu tiên tôi bóc tỏi như mọi người bóc, tách nhánh ra, lấy dao cắt gốc, bóc vỏ rồi lại cắt gốc, bóc vỏ. Sau đó tôi phát hiện ra là nếu mình cắt gốc một lượt rồi bóc vỏ sẽ nhanh hơn rất nhiều. Một lúc sau tôi phát hiện ra nếu không dùng dao sẽ nhanh hơn nữa. Thế là tôi vừa bóc vừa tính giờ tự lập kỷ lục với mình, rồi tự sướng vì thấy mình bóc nhanh hơn hẳn người ta. Cứ ngồi bóc đến khi đầu ngón tay cái sưng đỏ lên mới đứng dậy đi ăn. Ngẩng lên mới phát hiện ra bạn gái ngồi cạnh đã đứng dậy đi từ lúc nào.
Tôi xếp hàng vào nhà ăn và được mọi người phát cho một cái khay đựng đồ ăn tiêu chuẩn của Ấn Độ: khay bằng kim loại, nông, chia ngăn đựng các loại đồ ăn khác nhau. Sau đó, tôi theo đám đông vào trong, ngoan ngoãn tìm chỗ, ngồi khoanh chân dưới đất, đặt khay trước mặt chờ đồ ăn. Tuy đông nhưng mọi người ngồi vào hàng lối rất lịch sự: nam một bên, nữ một bên. Đầu tiên là một bác với một rổ đầy rô-ti (bánh mì dẹt của Ấn Độ) đi dọc hàng, thả vào mỗi khay hai cái rô-ti. Sau đó lại có những người khác phát cơm rang, khoai tây xào, súp màu xanh xám bằng gì đó tôi cũng không biết. Tôi ăn không thích lắm nhưng không dám để thừa. Còn bao nhiêu người không có mà ăn, mình được cho ăn mà để thừa thì phí quá. Ăn xong đi loanh quanh tôi phát hiện ra một căn phòng rộng thênh thang, nền trải khăn, trần sẵn quạt cho mọi người đến nghỉ trưa. Một số người trải chăn ngay ở bãi cỏ phía ngoài để ngủ. Hành hương tiết kiệm một cách tối đa. Tôi nghĩ, nếu bạn nào đến khu vực này chẳng may không có chỗ qua đêm, thì đêm vào đây trải khăn ra ngủ cũng được.
Ăn no ngủ say rồi tôi mới đi thăm Đền Vàng. Đền nằm giữa hồ với một hành lang lát đá hoa, lợp vải trắng, lan can dát vàng lấp lánh dẫn vào. Nói chung Đền Vàng là tiêu biểu cho một kiến trúc vô cùng không ăn ảnh.Nhìn ở ngoài thì rất hoành tráng nhưng lên ảnh cứ bình bình thế nào ấy. Ảnh tôi chụp chẳng có ảnh nào đẹp, lên mạng tìm ảnh thiên hạ chụp cũng thấy toàn ảnh xấu. Phần đẹp nhất là những chạm khắc đá ngọc bên trong thì lại bị cấm không được chụp ảnh.
Một điểm thú vị khác của Pubjab là lễ hội Đổi cờ ở biên giới Pakistan – Ấn Độ. Ngày nào cũng thế, đúng năm rưỡi chiều, hai nước mở cửa biên giới và trao đổi cờ cho nhau. Những sĩ quan tham gia nghi lễ cứ như đang trình diễn một điệu múa kỳ lạ vậy. Nghi lễ này thu hút hàng ngàn du khách mỗi ngày. Mọi người la hét, reo hò cứ như cổ vũ đội tuyển quốc gia ra sân thi đấu. Tôi vừa xem vừa ấm ức. Trời ạ, Pakistan cách có vài bước mà mình không xin được Visa để sang đó.
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.