Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1)

Chương 13: Ấn Độ - Nepal -


Đọc truyện Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) – Chương 13: Ấn Độ – Nepal –

27. Krishna Janmashtami
Veera được lên đất liền và rủ tôi đi xem Krishna Janmashtami. Đây là một lễ hội Hindu tổ chức để kỷ niệm ngày sinh của thần Krishna, tổ chức hàng năm theo lịch của đạo Hindu. Năm 2010, Janmashtami rơi vào thứ Năm, ngày 2/9 (đúng ngày quốc khánh Việt Nam). Số tôi may bởi tôi ở đúng bang mà Janmashtami được đón nhận nồng nhiệt nhất: bang Maharashtra. Tại đây lễ hội này được biết đến như Dahi Handi có nghĩa là “Lọ đựng Curd”, một nét đặc trưng của lễ hội ở bang này. Cái tôi thích nhất ở đạo Hindu là các vị thần của đạo này rất “Con người” với tính cách không khác gì người phàm trần. Ví dụ, thần Krishna hồi nhỏ là một cậu bé rất nghịch ngợm. Cậu thích ăn Curd nên luôn tìm cách ăn vụng Curd của mẹ. Thế là mẹ cậu phải treo nồi Curd lên cao ngoài tầm tay với của cậu. Nhưng cậu bé Krishna không chỉ tham ăn mà còn rất thông minh. Cậu thuyết phục đám bạn xếp thành một kim tự tháp hình người, người này đứng trên vai người kia, đủ cao để cậu có thể với tay đến lọ đựng Curd quý báu. Tục lệ Handi được mô phỏng theo truyền thuyết này.
Trước ngày lễ, Handi đựng đầy Curd sẽ được treo lên cao. Các nhóm thanh niên sẽ phải tạo thành kim tự tháp người, và người trên cao nhất sẽ sử dụng một vật cứng để đập vỡ Handi. Các nhóm thanh niên này được gọi là Govinda Pathaks. Dĩ nhiên, những nhóm thành công sẽ nhận được giải thưởng là tiền mặt và quà tặng. Khắp thành phố Mumbai trong ngày lễ sẽ có khoảng bốn ngàn Handi được treo và khoảng hai ngàn nhóm Govinda Pathaks cạnh tranh để giành phần thưởng. Veera cho rằng xem những kim tự tháp người xây và đổ này sẽ là một trải nghiệm “Không thể nào quên”. Anh nói cụm từ “Không thể nào quên” với giọng kéo dài đầy châm biếm nên tôi không biết đây là điều tốt hay xấu nữa.
Lúc ấy tôi vẫn đang ở nhà Julia. Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi quyết định mặc cái gì đó “Ấn Độ” một chút nên Julia cho tôi mượn một bộ shalwar kameez màu hồng, còn chị mặc một bộ màu xanh. Shalwar kameez khá giống bộ áo dài ở mình, khác cái là phần áo chỉ dài đến gần gối. Để hoàn chỉnh dự án Ấn Độ hóa, chúng tôi còn đeo khăn cùng màu và gắn hạt binti cùng màu lên trán. Bao nhiêu công sức là thế vậy mà khi gặp Veera bò lăn ra cười rồi phán một câu xanh rờn là nhìn chúng tôi không khác gì khách du lịch nước ngoài điển hình.
Vì chúng tôi muốn đến nơi đông vui nhất, Veera dẫn chúng tôi đến một khu phố cổ ở Bandra East. Khu phố cổ này có nét gì đó khá giống phố cổ Hà Nội với những ngôi nhà gỗ hai tầng, những con hẻm nhỏ, những hàng hiên hẹp được che phủ bởi những mái nhà cong cong. Đến nơi rồi chúng tôi ngay lập tức nhận ra sai lầm của mình. Theo tiêu chuẩn Ấn Độ, “Vắng vẻ” thì có nghĩa là “Đông”, còn “Đông” có nghĩa là “Không thở được”. Đường phố tràn ngập người. Vì chiều cao khiêm tốn, tôi không thể nào nhìn quá gáy của hàng trăm người đàn ông trước mặt. Chen lấn mãi chúng tôi mới leo lên được một mái hiên nơi có tầm nhìn tốt hơn và mật độ người thấp hơn.
“Này, hiên này là của nhà riêng mà, mình được phép lên không?”.
Veera nhún vai: “Quan trọng gì”.
Mỗi góc phố đều có một Handi. Từ vị trí chiến lược này, chúng tôi có thể nhìn thấy ba Handi ở ba góc khác nhau. Handi ở gần tôi nhất, theo ước lượng của chúng tôi, phải cao đến mười ba mét. Bên dưới Handi đấy là cả trăm nam thanh nữ tú mặc đồng phục màu đỏ. “Đây là một nhóm Govinda. Họ chuẩn bị xây kim tự tháp người đấy”, Veera giải thích. “Handi này cao nên cần nhiều người”. Ban đầu, tất cả đứng sát vào nhau tạo thành một vòng tròn đặc kín người. Sau đó người này leo lên vai người kia, chuyên nghiệp không khác gì diễn viên nhào lộn. “Trước Dahi Handi các nhóm này phải tập luyện rất cẩn thận”. Sau bảy tầng người, kim tự tháp chỉ còn cách Handi khoảng hai mét. Đứa gà như tôi cũng có thể biết đây là thời điểm căng thẳng nhất bởi tiếng hò hét của mọi người xung quanh bỗng dưng lắng xuống. Tất cả nín thở theo dõi một cậu bé cao gầy nhanh nhẹn leo lên trên tầng cao nhất của kim tự tháp. Người phá Handi luôn là trẻ con bởi người lớn quá nặng cho vị trí này. Đứng trên vai hai người đàn ông trên cùng, cậu với tay cố gắng đập vỡ lọ, nhưng sau vài lần ngả nghiêng, cậu mất thăng bằng ngã xuống. Toàn bộ kim tự tháp cũng theo đó mà sụp đổ. Hàng trăm cánh tay ở dưới giơ lên cố gắng đỡ được ai thì đỡ. Trong cảnh tượng vô cùng hỗn loạn bên dưới, tôi dễ dàng nhận thấy một cô gái Govinda bị gẫy tay nằm nhăn nhó, người xung quanh thi nhau vẩy nước và phẩy tay quạt với hy vọng ít nhất cô bé có đủ không khí để thở trong lúc chờ xe chở tới bệnh viện. Tội nghiệp cô bé, giờ để chen ra khỏi đám đông cũng không phải chuyện đơn giản.
Nghỉ ngơi khoảng vài phút, toàn bộ quá trình được lặp lại từ đầu trong sự kinh ngạc của cả tôi và Julia. Veera, như những người Ấn Độ khác đã quá quen với cảnh này, hồn nhiên: “Dĩ nhiên họ sẽ tiếp tục, mới ngã một lần thì ai đã bỏ cuộc”. Lần này họ lại bị ngã. Nhưng đúng với tinh thần Govinda, họ đứng dậy tiếp tục chinh phục đỉnh Handi danh vọng. Đến lần thứ tư, cuối cùng họ cũng thành công. Lúc Curd từ Handi nhỏ tong tong xuống cũng là lúc cả con phố như nổ tung với tiếng reo hò. Không chỉ Govinda mà tất cả mọi người xung quanh cùng reo hò nhảy múa. Cậu bé vừa đập vỡ Handi trở thành anh hùng, được mọi người công kênh chạy khắp phố. Nước té tung tóe làm tôi liên tưởng đến lễ hội té nước ở Lào và Thái Lan. Không ai biết đây có phải là một phần của nghi lễ không hay chỉ vì trời nóng quá nên mọi người phát cuồng.
Chúng tôi xuống đường tính đi tìm một Handi khác cao hơn để xem. Trời nắng chang chang, ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Người ta hay nói người Ấn Độ có mùi đặc trưng do đồ ăn của họ sử dụng nhiều gia vị cay nóng và chen lấn trong dòng người nhớp nháp mồ hôi này tôi mới thấm thía “đặc trưng” nghĩa là thế nào. Không chỉ thế, tôi còn có cảm giác như hàng trăm cánh tay từ đủ mọi phương hướng cố gắng sờ soạng khắp người mình. Julia da trắng tóc vàng nên còn chịu nhiều tổn thất hơn. Veera đơn thương độc mã phải cố gắng lắm mới đưa được chúng tôi thoát khỏi đám đông một cách trọn vẹn. Đứng trong bóng râm để lấy lại hơi, Veera lên tiếng hỏi:
“Em biết cái gì rẻ nhất trong khu Hải quân không?”.

“Con trai?”.
“Không”. Veera phá lên cười “Bia”.
“Thật á?”.
“Ừ, phải có bia thì lính nơi đây mới chấp nhận được thực tại”. Veera vui vẻ nói “Ở trại lính đồ uống có cồn không phải chịu thuế”.
Nghe thấy bia là mắt Julia sáng rực lên. Chúng tôi bắt tàu đi ngược lên Colaba. Julia tóc vàng không lẻn vào được trại Hải quân nên tôi cùng cô đứng ngoài đợi. Veera hớn hở quay trở ra với chục lon bia giấu trong ba lô của mình. Sau đó chúng tôi bắt tàu đi xuống Bandra. Bình thường uống rượu bia ngoài bãi biển là bất hợp pháp, nhưng Veera biết một chỗ ngay dưới gầm cầu Sea Link có thể ngồi uống mà không bị ai bắt gặp. Đúng như tên gọi của nó gợi ý, Sea Link là cây cầu bắc qua biển nối liền hai phần của Mumbai là Bandra và Worli. Dài năm, sáu kilomet, Sea Link là niềm tự hào của kiến trúc nơi đây. Sea Link đẹp nhất là vào buổi tối khi hệ thống ánh sáng đắt tiền của nó phát huy công suất tối đa. Lúc đấy, cây cầu giống như một sợi dây ánh sáng vắt qua mặt biển đầy sao.
Bãi biển bí mật thông với thế giới bên ngoài bởi một đường hầm phủ đầy Graffiti. Chúng tôi chọn cho mình ba chỗ ngồi trên bãi đá đã bị sóng đánh mòn. Sea Link kẻ một đường cong phân cách bầu trời và mặt nước.
“Sao anh biết uống bia ngoài biển là bất hợp pháp?”.
“Tụi anh từng bị bắt một lần rồi”.
Có một điều tôi không thể hiểu về Veera và có lẽ chính anh cũng không hiểu:
“Làm thế nào mà người ham vui, nổi loạn, sẵn sàng phá bỏ bất cứ luật lệ nào như anh lại có thể sống sót trong quân đội?”.

“Lương cao, đãi ngộ tốt”. Anh trả lời.
“Vớ vẩn. Đừng có lấy cái đấy ra bịp em”.
“Ha ha, em hỏi câu khó quá. Bản thân anh suốt bảy năm vừa qua cũng tự hỏi mình câu hệt như vậy mà đến giờ vẫn chưa tìm được câu trả lời thích đáng”.
“Anh tham gia hải quân từ năm mười bảy tuổi. Hồi ấy cũng chẳng có gì là lạ khi một thằng con trai sinh ra trong môi trường Hải quân, lớn lên trong môi trường Hải quân, có gia đình làm Hải quân quyết định theo nghề nghiệp cha cả. Khi kí hợp đồng hai mươi năm, anh đâu ý thức được rằng mình đang bán đi một phần đáng kể của cuộc đời mình. Lúc đấy anh đâu có suy nghĩ được như em để biết mình muốn gì. Khi biết mình muốn gì, anh đã bị kẹt với cái nghề này rồi”.
“Bây giờ đâm lao thì phải theo lao. Đằng nào anh cũng lăn vào cái nghề này rồi, anh sẽ đẩy mọi thứ đến giới hạn tối đa, ăn Hải quân, ngủ Hải quân, chơi Hải quân xem cuộc sống sẽ đi đến đâu”. “Nếu hiếp dâm là điều không thể tránh khỏi, thì tốt hơn là nên chiều theo và tận hưởng nó như người ta khuyên?”.
Anh phá lên cười.
28. Bữa tiệc sinh nhật bất ngờ
Tôi chuyển đến nhà ở mới được một tuần thì sinh nhật tôi, chủ nhật ngày 19/9. Không có nhiều bạn ở Mumbai, cũng chẳng có tiền mà tiệc tùng, tôi quyết định sẽ lẳng lặng đón sinh nhật một mình. Sáng thứ bảy, Guru gọi điện cho tôi hẹn gặp ăn trưa. Guru là bạn của Preetam, người bạn gốc Ấn của tôi ở Singapore. Khi biết tôi đang ở Mumbai, Preetam giới thiệu anh cho tôi. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở một nhà hàng Trung Quốc khá nổi tiếng gần nhà tôi. Guru biết tôi thèm ăn đồ Việt Nam nhưng vì ở Mumbai không có nhà hàng Việt nào nên dẫn tôi đến đây ăn bù. Công việc Guru làm có lẽ là công việc mơ ước của nhiều người. Anh là kỹ sư tàu thủy. Cứ bốn tháng trên tàu là anh lại có bốn tháng nghỉ ăn lương. Tàu anh làm là tàu chở hàng di chuyển giữa Ấn Độ và châu u. Khi làm việc trên tàu, anh có cơ hội đến thăm nhiều nước châu u. Khi không phải làm việc, anh muốn đi đâu thì đi. Ăn xong, tôi rủ Guru đi mua sách.
“Em có thói quen cứ sinh nhật thì mua tặng mình một quyển sách hay”. Tôi hồn nhiên kể với Guru. Tôi mua cho mình cuốn Five point someone của Chetan Bhagat. Cuốn sách này mới được chuyển thành bộ phim 3 Idiots được đạo diễn bởi ngôi sao Aamir đang làm mưa làm gió ở Bollywood, ai cũng nói về bộ phim này nên tôi muốn đọc thử xem sao.
Lúc đưa tôi về, bất chợt Guru ddauw tôi một quyển sách gói rất đẹp: Maximum City: Bombay Lost and Found của Suketu Mehta. Anh xin lỗi rằng anh không biết hôm đấy là sinh nhật tôi nên anh không chuẩn bị trước được. Tôi cảm ơn anh những cứ áy náy sợ anh có khi nghĩ là tôi nhắc khéo.

Tối về, bước chân vào nhà, tôi thấy ba anh chàng cùng nhà ăn diện hết sức bảnh bao. Allen giục tôi thay đồ nhanh nhanh cả nhà đi Blue Frog. Blue Frog là một trong những câu lạc bộ đêm lớn và sang trọng nhất Mumbai. Tôi nhăn nhó:
“Blue Frog vé vào cửa đắt lắm”.
“Ash nhờ bạn cho mình vào danh sách khách mời nên không phải trả tiền. À, mà nhớ mặc đẹp vào đấy”.
Tôi tủi thân vì không ai nhắc gì đến sinh nhật. Cả ba người đều là bạn tôi trên Facebook mà không ai thấy thông báo của Facebook à? Tôi mặc lên người chiếc váy duy nhất mà mình có. Đi dép cao gót vào, buộc tóc gọn gàng lại, đeo đồ trang sức lên, tôi soi gương rồi tặc lưỡi: “Nhìn mình cũng dễ thương đấy nhỉ?”. Allen và Titus thì cứ trêu tôi cả buổi tối rằng tôi mặc váy vào nhìn cũng giống con gái. Ash thì liên tục giả vờ trẹo chân như thể anh đang đi dép cao gót vậy.
Đợi chúng tôi ở Blue Frog là ba người bạn khác của Allen: hai người con gái mà tôi quên mất tên rồi và một anh chàng tên là Ken. Ken cao ráo, da trắng, mắt nâu, tóc nâu, có vẻ gì mơ màng giống Neo ở trong phim Ma trận vậy.
“Ken đẹp trai không?”. Allen thì thầm vào tai tôi sau khi giới thiệu tôi với mọi người.
Tôi nhún vai:
“Nhìn cũng được”.
“Ken là diễn viên đấy”.
“Ở Bollywood thì ai mà chả là diễn viên”, tôi nghĩ thầm trong bụng. Julia cũng là diễn viên. Nhiều người có được một vài vai quần chúng cũng tự gọi mình là diễn viên.
Hôm đó là cuối tuần nên Blue Frog rất đông. Sàn nhảy chặt cứng người. Không hiểu vô tình hay cố ý mà chỗ xung quanh bàn của chúng tôi đặc biệt đông hơn hẳn. Thỉnh thoảng lại có người đến chụp ảnh chúng tôi, bảo vệ phải đến ngăn không cho họ lại gần. Nitesh lúc đấy cũng đang có mặt ở Blue Frog bởi anh được vũ trường thuê để chụp ảnh. Anh chạy đến chào hỏi chúng tôi rồi lại phải tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Đúng mười hai giờ, tự nhiên DJ chuyển sang chơi bài Happy Birthday. Một anh chàng phục vụ bàn bưng chiếc bánh sinh nhật cắm nến lung linh đến bàn chúng tôi. Allen cười hỉ hả khi thấy bộ mặt ngơ ngác ra vì ngạc nhiên của tôi:
“Em tưởng tụi này không biết sinh nhật của em hả? Nhìn mặt em tiu nghỉu lúc tối buồn cười lắm, nhưng không ai nói vì muốn em bất ngờ”.

Cả vũ trường, hàng trăm người, quay về phía chúng tôi hát mừng sinh nhật. Chưa bao giờ tôi được nhiều người chúc mừng sinh nhật đến thế. Từ hồi học cấp ba tôi đã sống xa nhà nên chẳng được bố mẹ tổ chức sinh nhật cho. Tôi đứng ngây ra, xúc động đến suýt phát khóc. Mọi người ôm tôi chúc mừng sinh nhật. Ken hôn nhẹ lên cổ tôi. Tôi đỏ bừng mặt. Sau đó, Ash đưa chúng tôi đến một nhà hàng rất đẹp để tôi có một bữa tối sinh nhật tử tế. Julia đến tham gia cùng chúng tôi. Lần ấy là sinh nhật vui nhất từ trước đến giờ của tôi.
Mấy hôm sau, Allen đang nói chuyện với bạn trên điện thoại thì chạy đến đưa điện thoại cho tôi:
“Ken muốn nói chuyện với em”.
Ken cho tôi hay cuối tuần này anh có buổi biểu diễn ở Hard Rock Café, anh mời tôi đến xem. Anh hỏi số của tôi, nhưng tôi không nhớ số của mình. Tôi bảo anh rằng nếu tôi đi được sẽ lấy số của anh từ Allen để báo cho anh biết. Nói vậy rồi cuối tuần tôi đi chơi với Swapnil và đám bạn nên cũng quên bẵng đi mất. Khoảng hai tuần sau, tôi gặp lại Nitesh. Anh hỏi:
“Sao em lại quen Ken?”.
“Ken nào cơ?”.
“Ken mà em đi cùng đến Blue Frog hôm sinh nhật em ấy”.
“À, Ken là bạn của Allen. Anh cũng biết Ken à ?”.
“Ken thì ai mà không biết”.
Lúc bấy giờ Nitesh mới giải thích cho tôi rằng Ken là một diễn viên, ca sĩ nhạc rock rất nổi tiếng ở Ấn Độ. Tôi về nhà tìm đọc về anh trên Wikipedia thì đúng là anh nổi tiếng thật. Biết rằng anh nổi tiếng, tự nhiên tôi quan tâm đến anh hẳn lên. Suýt nữa tôi còn hỏi Allen số của anh để liên lạc. Nhưng rồi tự nhiên tôi ngồi cười một mình. Tại sao vấn đề anh nổi tiếng hay không lại ảnh hưởng đến cách cư xử của tôi như thế? Ôi buồn thế, hóa ra mình cũng nông cạn như ai!!!
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.