Bạn đang đọc Vũ điệu của thần Chết: Chương 33
Giờ thứ 37 của 45
Độ cao của sân bay này so với mực nước biển là 5180 feet”, Brad nói, anh chàng đang đọc từ quyển Cẩm nang cho phi công về Sân bay quốc tế Denver[113]. “Chúng ta đã ở độ cao đó khi đến gần Chicago và cái thứ chết tiệt này vẫn không nổ,”
“Còn bao xa nữa?” Percey hỏi.
“Từ vị trí hiện tại thì còn 902 dặm nữa.”
Percey tính toán rất nhanh trong vòng chỉ vài giây, rồi gật đầu. “Chúng ta sẽ tới đó. Dẫn đường cho tôi bằng phương pháp ước lượng hành trình[114], cứ tạm thời thế đã, cho tới khi chúng ta bắt được tín hiệu sóng VOR.” Sau đó cô nói vào radio, “Chúng tôi sẽ cố thử xem, Lincoln. Lượng nhiên liệu không còn dôi nhiều lắm. Chúng tôi sẽ có rất nhiều việc phải làm đấy. Tôi sẽ liên lạc với anh sau”.
“Chúng tôi sẽ chờ ở đây”.
Brad chăm chú nhìn bản đồ rồi lại so sánh với lịch trình bay không lưu. “Rẽ trái hướng 266”.
“266”, cô nhắc lại, rồi gọi cho Đài Kiểm soát Không lưu. “Trung tâm Chicago, đây là 695 Foxtrot Bravo. Chúng tôi đang hướng tới Sân bay Quốc tế Denver. Hình như đó là… chúng tôi có một quả bom nhạy với độ cao đang cài trên máy bay. Chúng tôi cần hạ xuống mặt đất chỗ nào có độ cao tương đương 5000 feet hoặc hơn. Cần có sóng VOR khẩn cấp để hướng dẫn bay tới Denver”.
“Đã nghe rõ, Foxtrot Bravo. Chúng tôi sẽ đáp ứng yêu cầu của các bạn sau một phút nữa.”
Brad hỏi, “Xin hãy tư vấn thông tin thời tiết trên đường bay, Trung tâm Chicago”.
“Ngay lúc này đang có front[115] áp cao quét qua Denver. Gió ngược có tốc độ dao động từ 15 đến 40 hướng 10, tăng dần lên 60, 70 knot hướng 25.”
Bell hỏi, “Cô có thể hạ cánh xuống đường cao tốc được không?”.
“Chỉ có điều nếu thế chúng ta sẽ hạ cánh trong một quả cầu lửa khổng lồ thôi”, Percey nói.
Đài Kiểm soát Không lưu hỏi, “Foxtrot Bravo, đã sẵn sàng ghi lại tần số VOR chưa?”
Trong khi Brad ghi lại các thông tin, Percey tranh thủ thả lỏng người, ngã hẳn đầu ra phía sau lưng ghế. Động tác này có vẻ rất quen thuộc và cô chợt nhớ ra đã trông thấy Lincoln Rhyme làm giống hệt trong chiếc ghế tinh ti của anh. Cô nghĩ tới bài thuyết giáo nhỏ của mình trước mặt anh. Tất nhiên là cô nói hoàn toàn nghiêm túc, nhưng lúc đó cô cũng chưa thực sự nhận ra những lời đó của mình có thể đúng đến mức này. Cả anh cũng như cô đều phụ thuộc hoàn toàn vào những mẩu nhựa và kim loại mỏng manh này.
Và có lẽ sắp chết đến nơi vì chúng.
Số phận là một kẻ đi săn…
Còn cách những 55 dặm. Họ có thể làm gì bây giờ?
Tại sao suy nghĩ của cô lại không được nhạy bén và sâu xa như của Rhyme? Chẳng lẽ cô không thể nghĩ ra cách gì đó để tiết kiệm nhiên liệu hay sao?
Bay cao hơn có nghĩ là sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Bay với trọng lượng nhẹ hơn cũng thế. Liệu họ có thể ném bớt thứ gì ra khỏi máy bay không?
Ném hàng ư? Lượng hàng của Tập đoàn U.S. Medical nặng đúng 478 pound. Vứt bỏ ngần ấy sẽ giúp họ bay thêm được vài dặm.
Nhưng ngay cả khi đã cân nhắc đến tình huống này, cô cũng biết chắc cô sẽ không bao giờ làm như vậy. Nếu như có bất kỳ cơ hội nào để cứu chuyến bay, cứu Công ty, cô cũng sẽ cố hết sức.
Cố lên nào, Lincoln Rhyme, cô nghĩ, hãy cho tôi một ý tưởng đi. Hãy cho tôi… Hình dung ra căn phòng của anh, hình dung ra mình đang ngồi bên cạnh anh, cô nhớ đến con tiercel – con chim ưng đực – đang oai vệ đi lại ngoài bậu cửa sổ.
“Brad”, cô hỏi giật giọng, “hệ số lượn[116] của chúng ta là bao nhiêu?”
“Của một chiếc Lear 35A ư? Tôi không biết.”
Percey đã từng bay trên một chiếc tàu lượn Schweizer 2-32. Mẫu đầu tiên của loại này được chế tạo năm 1962 và từ đó đến nay đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá hiệu suất hoạt động của các loại tàu lượn sau này. Tốc độ rơi như có phép màu của nó chỉ là 120 feet một phút. Chiếc tàu lượn có trọng lượng khoảng 1300 pound. Trong khi chiếc Lear mà cô đang lái lúc này nặng tới 14000 pound. Mặc dù vậy, đã là máy bay thì đều lượn được, dù có là máy bay gì đi nữa. Cô nhớ lại vụ việc liên quan đến chiếc 767 của hãng Hàng không Canada cách đây vài năm – đến tận bây giờ cánh phi công vẫn bàn tán về chuyện này. Chiếc máy bay phản lực siêu khổng lồ đã cạn sạch nhiên liệu do lỗi kết hợp của máy tính và con người. Cả hai động cơ đều ngừng hoạt động ở độ cao 41000 feet và chiếc máy bay bỗng trở thành một chiếc tàu lượn nặng 143 tấn. Vậy mà nó đã hạ cánh bằng cách trượt thẳng xuống sân bay (không kịp mở bánh xe dưới bụng) mà không một ai thiệt mạng.
“Hừm, chúng ta hãy nghĩ xem. Tốc độ rơi sẽ là bao nhiêu khi động cơ ngừng hoạt động?”
“Tôi nghĩ chúng ta có thể giữ ở mức 2300 feet một phút.”
Điều đó có nghĩa là tốc độ rơi theo chiều thẳng đứng sẽ tương đương với khoảng 30 dặm một giờ.
“Nào. Hãy tính xem giả sử chúng ta đốt thật nhiều nhiên liệu để đưa máy bay lên độ cao 55000 feet, khi nào thì nhiên liệu cạn sạch?”
“55000 feet ư?” Brad hỏi, không giấu được vẻ ngạc nhiên.
“Chính xác”.
Anh thoăn thoắt bấm số. “Nếu tăng độ cao với vận tốc 4300 feet một phút, chúng ta sẽ đốt hết rất nhiều nhiên liệu, nhưng sau khi đạt đến độ cao 55000 feet, mức tiết kiệm nhiên liệu sẽ tăng vọt. Chúng ta có thể giảm bớt năng lượng xuống…”
“Chỉ cần một động cơ?”
“Chắc chắn rồi. Chúng ta có thể làm như vậy.”
Anh gõ thêm vài con số. “Với kịch bản như vậy, chúng ta sẽ hết nhiên liệu khi còn cách sân bay 83 dặm. Nhưng, tất nhiên, khi đó chúng ta sẽ có độ cao cần thiết”.
Percey Clay, người vẫn luôn giành được những điểm A trong môn toán và vật lý và có thể tính nhẩm không cần dùng máy tính, như nhìn thấy những con số đang trôi qua trước mắt mình. Động cơ ngừng hoạt động ở độ cao 55000 feet, tốc độ rơi là 2300… Họ có thể hoàn thành chặng đường hơn 20 dặm một chút trước khi chạm mặt đất. Thậm chí còn có thể bay xa hơn thế nếu gió ngược chiều không quá dữ dội.
Brad, với sự giúp sức của một chiếc máy tính và những ngón tay nhanh thoăn thoắt, cũng cho cùng kết quả. “Dù sao cũng chỉ tương đối thôi.”
Chúa không tạo ra điều gì chắc chắn cả.
Cô nói, “Trung tâm Chicago, Lear Foxtrot Bravo đề nghị được phép bay lên độ cao 55000 feet ngay lập tức”.
Nhiều khi chúng ta phải chấp nhận năm ăn năm thua.
“Hả, xin nhắc lại, Foxtrot Bravo.”
“Chúng tôi cần tăng độ cao 55000 feet.”
Giọng của nhân viên Kiểm soát Không lưu ngập ngừng: “Foxtrot Bravo, máy bay của các bạn là một chiếc Lear 35A, đúng không?”.
“Xác nhận.”
“Trần bay tối đa của các bạn là 45000 feet.”
“Xác nhận thông tin đó, nhưng chúng tôi cần lên cao hơn.”
“Các mối hàn của máy bay gần đây đã được kiểm tra chưa?”
Các mối hàn chịu áp suất. Ở cửa chính và cửa sổ. Như những thanh giằng giữ áy bay không nổ tung.
“Tất cả đều ổn”, cô nói, lờ đi thực tế là chiếc Foxtrot Bravo mới bị bắn thủng lỗ chỗ và cũng chỉ được vá víu tạm thời lại ngay buổi chiều hôm đó.
Đài Kiểm soát Không lưu trả lời, “Đã nghe rồi, các bạn được phép lên độ cao 55000 feet, Foxtrot Bravo”.
Và Percey nhắc lại một câu xác nhận mà rất ít, ấy là nếu có, phi công lái những chiếc Lear từng nói, “Đã nghe rõ, đang chuyển từ độ cao 10000 lên 55000 feet”.
Percey ra lệnh, “Tăng mức nhiên liệu lên 88%. Thông báo thường xuyên tốc độ lên cao và độ cao ở các mốc 40000, 50000 và 55000”.
“Rõ”, Brad điềm tĩnh nói.
Cô kéo ngược cần lái lại và chiếc máy bay bắt đầu chúc mũi lên trên.
Họ lướt thẳng lên trên.
Tất cả những vì sao đêm…
Mười phút sau Brad hô to, “55000 feet”.
Mũi máy bay được hạ thấp xuống mức thăng bằng. Percey có cảm giác như thể cô thực sự nghe thấy những mối ghép của chiếc máy bay đang rên xiết. Cô nhớ lại bài học về cơ chế sinh học của cơ thể trong điều kiện độ cao như thế này. Nếu như cánh cửa sổ mà Ron mới thay thế bị bung ra hoặc bất kỳ mối hàn chịu áp suất nào bị nứt – ngay cả khi chiếc máy bay không bị xé toang ra thành từng mảnh thì hiện tượng giảm oxy đột ngột trong máu cũng khiến họ bất tỉnh chỉ sau năm giây. Ngay cả khi có mang mặt nạ dưỡng khí, áp suất chênh lệch cũng đủ làm máu trong người họ sôi lên.
“Tăng áp suất trong buồng lái lên mức tương đương với độ cao 10000 feet”.
“Áp suất lên mức độ cao 10000 feet”, anh thông báo. “Ít nhất như thế này cũng giảm bớt đôi chút áp suất khủng khiếp đang đè lên khung máy bay”.
“Sáng kiến hay lắm”, Brad nói. “Làm sao chị lại nghĩ ra ý tưởng này vậy?”
Những kỹ năng của loài khỉ…
“Chẳng biết nữa”, cô trả lời. “Hãy cắt năng lượng ở động cơ số hai. Đóng van dẫn lưu lại, ngắt van dẫn lưu tự động.”
“Đã đóng, đã ngắt”, Brad xác nhận.
“Tắt bơm nhiên liệu, tắt bugi đánh điện”.
“Tắt bơm, tắt bugi”.
Cô cảm thấy máy bay hơi lệch chao đi khi phần động cơ bên phải tắt hẳn. Percey bù lại phần nghiêng lệch bằng cách điều chỉnh một chút ở đuôi bánh lái. Cũng không có gì khó khăn lắm. Vì hai động cơ phản lực đều được bố trí ở phần đuôi của thân máy bay chứ không phải ở trên hai cánh, nên tắt bớt một động cơ cũng không ảnh hưởng nhiều đến sự ổn định của máy bay.
Brad hỏi, “Bây giờ chúng ta làm gì đây?”
“Tôi sẽ uống một cốc cà phê”, Percey nói rồi trèo phắt khỏi ghế lái của mình chẳng khác gì một cậu nhóc vừa nhảy ta khỏi ngôi nhà trên cây. “Ê, Roland, lần này anh muốn uống cà phê kiểu gì ấy nhỉ?”
Im lặng bao trùm trong phòng Rhyme suốt bốn mươi phút dài dằng dặc như tra tấn. Không chiếc điện thoại nào đổ chuông. Không một bản fax nào được chuyển đến. Không cả giọng nói vang ra từ máy tính, “Bạn vừa có thư!”.
Và rồi, cuối cùng, chuông điện thoại của Dellray vang lên. Anh vừa chăm chú nghe vừa gật đầu, nhưng Rhyme có thể nhận thấy ngay rằng đó không phải là một tin tốt lành gì. Viên đặc vụ tắt điện thoại.
“Cumberland à?”
Dellray gật đầu. “Nhưng là công cốc. Kall đã không còn ở đó từ nhiều năm nay. À, người dân trong vùng vẫn còn bàn tán về cái lần thằng nhóc đó trói ông bố dượng của nó vào gốc cây và để mặc cho lũ giòi xơi tái ông ta. Kiểu như một truyền thuyết vậy. Nhưng không còn họ hàng, người thân nào trong vùng cả. Và không một ai biết gì hơn. Hoặc biết nhưng không muốn nói.”
Lần này lại đến điện thoại của Sellitto rung lên. Viên thám tử mở máy và nói, “A lô?”.
Một đầu mối, Rhyme thầm cầu nguyện, lạy trời hãy để đó là một manh mối mới. Anh chăm chú theo dõi khuôn mặt bì bì, nghiêm nghị của viên cảnh sát. Anh này gập điện thoại lại.
“Đó là điện thoại của Roland Bell”, Sellitto thông báo. “Anh ấy chỉ muốn nói cho chúng ta biết. Họ hết sạch xăng rồi.”
Chú thích
[112]May-day: Tín hiệu cấp cứu trong vô tuyến điện quốc tế.
[113]Denver: Thủ phủ tiểu bangColarado của Mỹ, và nằm trên dải đồng bằng phía đông dãy núi Rocky, nên có độ cao tương đối so với mực nước biển. Đây là lý do tại sao Rhyme đã khuyên Percey lái máy bay đếnDenver.
[114]Phương pháp ước lượng hành trình: Phương pháp ước tính vị trí của máy bay hoặc tàu biển căn cứ vào tốc độ di chuyển sau khi xuất phát từ một vị trí đã xác định tọa độ.
[115]Front: Thuật ngữ khí tượng chỉ đường biển giữa các khối không khí có mật độ hoặc nhiệt độ khác nhau.
[116]Hệ số lượn: Thông số chỉ mối quan hệ giữa độ cao của máy bay và quãng đường máy bay lượn xa theo quán tính và sức nâng của không khí – tốc độ rơi càng thấp thì máy bay càng lượn được xa.