Bạn đang đọc Vụ Bí Ẩn Con Két Cà Lăm – Chương 3: Con Két Cà Lăm
CHIẾC XE ROLLS to lớn chạy hết tốc độ. Chỉ còn cách một khu nhà, thì Peter và Hannibal nhìn thấy một chiếc xe nhỏ màu đen, xuất hiện từ lối đi và đang chạy về hướng ngược lại. Xe chạy ngang và hai thám tử vừa kịp nhìn thấy người lái. Đó là một người đàn ông to mập, đeo kính dày. Hai thám tử không thấy mặt ông vì đầu ông quay sang bên kia.
– Ông Fentriss! Peter kêu.
– Nói lại cho đúng, người tự xưng là ông Fentriss. Chú Warrington ơi, đừng để lạc ông ta. Ta hãy theo xem ông ta đi đâu.
– Vâng, thưa cậu Hannibal.
Chú tài xế đạp thắng và định quay đầu xe lại.
– Dù có bắt kịp được tên này, thì bọn mình có thể làm gì được? Bọn mình đâu có lý do gì để trách ông ấy. Mà có khi ông Fentriss thật lại đang cần đến sự cứu giúp.
Hannibal phân vân, lưỡng lự giữa ý muốn đi theo người đàn ông giả danh và ý muốn đi cứu nạn nhân.
– Cậu nói đúng – cuối cùng Hannibal quyết định. Trước hết phải xem ông Fentriss có bị thương không. Chú Warrington à, chú cứ chạy thẳng.
Chiếc Rolls nhanh chóng đến lối đi, nơi chiếc xe đen vừa ra, và rẽ vào đó. Sau khi chạy vòng qua ngôi nhà của ông Fentriss, xe dừng lại trước mặt sau của ngôi nhà.
– Peter ơi – Hannibal hỏi, cậu có để ý quan sát chiếc xe chạy ngang chúng ta không? Đó là loại xe gì nhỉ?
– Xe hiệu Ranger, loại xe đua, hai cửa, bảng số xe của bang California. Số xe tận cùng bằng 13, đó là tất cả những gì mình kịp nhìn thấy.
– Còn chú Warrington, chú có nhớ số xe không ạ?
– Rất tiếc, cậu Hannibal à. Tôi chỉ kịp nhìn thấy là nệm xe bằng da màu đỏ.
– Đây là một vài dữ kiện. Ta sẽ tìm lại chiếc xe và chủ nhân sau này. Bây giờ, ta hãy đi tìm ông Fentriss thật.
Hai cậu vừa mới bước xuống xe, thì một tiếng kêu mới lại vang lên.
“Cứu tôi với! Hãy giúp tôi, tôi sắp ch…”
Giọng nói nghe yếu ớt và rất nhỏ.
– Nhanh lên! Ông ấy sắp chết! Peter la lên.
Chỉ cần ba bước, Peter đến được cửa sau, mà trong lúc vội vã người đàn ông mập đã để mở. Hai thám tử bước vào, và khi mắt quen với bóng tối, hai thám tử nhìn thấy tiền sảnh quen thuộc.
– Hướng này đi rồi. Ta hãy thử hướng khác! Hannibal gợi ý.
Hai thám tử lao vào một phòng khách rộng lớn, có bộ đồ gỗ năng nề và cổ xưa.
“Ai đó?” một giọng nói khó nghe dường như xuất phát từ chậu cây đặt trước cửa sổ vang lên.
Peter chạy đến. Bên chậu cây, một người đàn ông ốm yếu và ngơ ngác đang nằm đó, tay chân bị trói. Miếng giẻ nhét trong miệng ông hầu như làm ông sắp nghẹt thở.
– Chú đừng lo, chú Fentriss à. Cháu sẽ cởi trói cho chú ngay đây, Peter nói.
Do “tù nhân” cũng tự tháo được một phần giẻ nhét miệng và các chỗ cột dây trói khá lỏng, nên hai thám tử tháo một cách dễ dàng. Vịn vào vai hai cậu thám tử, người đàn ông tội nghiệp khập khiễng bước đến đi-văng và nằm xuống đó.
– Cám ơn – ông nói khẽ. Một lát nữa tôi sẽ lấy lại sức thôi.
Hannibal, nét mặt trịnh trọng, ngồi xuống đối diện với ông Fentriss.
– Thưa chú, Hannibal nói, cháu nghĩ ta nên gọi cảnh sát.
Người đàn ông có vẻ không đồng tình với đề xuất này.
– Ồ! Không, ông nói. Mà tôi cũng không có điện thoại.
– Không sao. Chúng cháu có điện thoại trong xe.
– Không được – ông Fentriss nói và dùng cùi chỏ nâng người lên một ít để nhìn hai vị khách trẻ cho rõ. Nhưng các cậu là ai? Làm thế nào các cậu lại ở đây?
Hannibal trình danh thiếp và giải thích rằng ông Alfred Hitchcock giới thiệu đến.
– Anh Alfred tử tế quá – ông Fentriss nói.
– Chú có chắc là chú không muốn cháu gọi cảnh sát không ạ? Hannibal hỏi thêm lần nữa. Tất nhiên, về vụ con két bị mất, Ba Thám Tử Trẻ sẵn sàng phục vụ chú. Nhưng dù sao, chú cũng đã bị tấn công, bị trói…
– Tôi rất muốn hai cậu nhận vụ này – ông Fentriss trả lời. Tôi sẽ xử sự không đúng nếu không tin tưởng các cậu sau tất cả những gì các cậu đã làm giúp tôi. Còn cảnh sát… thì tôi có đến rồi, và khi tôi nài nỉ người ta giúp tôi tìm lại con két, thì người ta lại nói bóng nói gió rằng tôi bịa ra chuyện này để tự quảng cáo cho mình, bởi vì tôi là diễn viên kịch.
– Cháu hiểu, thưa chú – Hannibal nói. Người ta sẽ nghĩ chú đã tưởng tượng ra vụ tấn công và tự trói mình, để chú được báo chí nói đến.
– Đúng đấy, cậu à. Nên không được đến cảnh sát. Các cậu hãy hứa với tôi là các cậu sẽ làm việc một mình.
Hai thám tử hứa làm theo yêu cầu của ông Fentriss. Rồi, Hannibal xin được biết chi tiết vụ con két bị mất.
– Tôi rất thương nó – ông Fentriss bắt đầu. Tôi đặt cho nó tên là Shakespeare, tưởng nhớ nhà văn mà chắc là các cậu có biết tiếng.
– Dạ tất nhiên là có. Đó là một trong các nhà soạn nhạc kịch vĩ đại. Ông sống tại Anh cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII. Ông đã viết khoảng ba mươi vở kịch, trong đó danh tiếng nhất có lẽ là vở Hamlet.
– Hamlet! Tôi đã diễn vai này không biết bao nhiêu lần – Ông diễn viên lớn tuổi bỗng hoạt bát hẳn lên. Thành công lắm!
Ông đặt tay lên ngực, giang tay kia ra và đọc với một giọng ảo não:
“Tồn tại hay không tồn tại đấy mới chính là câu hỏi.”
Rồi quay sang hai cậu thám tử, ông giải thích:
– Đó là một câu trong Hamlet. Một trong những câu thơ nổi tiếng nhất trong toàn bộ tác phẩm của Shakespeare. Con két của tôi luôn đọc câu thơ này.
– Con két của chú đọc Shakespeare à? Peter ngạc nhiên kêu. Vậy thì đó là một con két rất có học thức!
– Tất nhiên. Thậm chí nó còn có giọng Anh rất lịch sự, nhưng nó lại có một khuyết điểm khác.
– Khuyết điểm à?
– Con két tội nghiệp này bị cà lăm. Nó đọc: “Tồn tại hay – hay – hay không tồn tại đấy mới chính là câu hỏi.”
Mắt sáng rỡ. Hannibal quay sang bạn:
– Peter ơi, cậu có bao giờ nghe nói đến một con két cà lăm chưa hả? Ôi, mình cảm thấy vụ điều tra này sẽ không bình thường chút nào!
Peter cũng cảm nhận như thế, tuy nhiên Peter không vui như Hannibal.
Ông Fentriss dần dần hồi sức, thám tử trưởng ghi được tất cả những chi tiết cần thiết. Ông cựu diễn viên chỉ làm chủ con két từ khoảng ba tuần nay. Ông mua con két từ tay một người bán dạo, là một người đàn ông nhỏ bé có giọng Mêhicô, đến đây trong một chiếc xe do lừa kéo.
– Tại sao người bán dạo này lại đến gặp chú ạ?
– Do cô Irma Waggoner giới thiệu. Cô sống ở khu này. Cô ấy đã mua của ông bán dạo một con két rồi, và khi cô biết có một con biết đọc Shakespeare, cô ấy nghĩ tôi sẽ quan tâm.
– Dạ, cháu hiểu ạ. – Hannibal vừa trả lời vừa véo môi. Nghề của người đàn ông Mehicô này có phải là bán chim không ạ?
– Tôi cũng không biết nữa – ông Fentriss thừa nhận. Ngày hôm đó trong xe kéo có hai cái lồng: một lồng của Shakespeare, và lồng kia chứa một chú chim lông màu tối, vẻ khá lờ đờ. Người bán bảo đó là một loại két lông đen rất quý hiếm, nhưng không ai muốn mua do vẻ bề ngoài ốm yếu của nó.
– Người Mêhicô ấy có cho chú biết tên không? Hay tên ông ấy có ghi trên xe kéo không ạ?
– Không – ông Fentriss vừa đáp vừa lắc đầu. Người này ăn mặc rất tồi tàn, ho nhiều và rõ ràng muốn bán con két đi cho nhanh. Tôi mua con két mười lăm đôla. Các cậu hiểu không: không ai muốn mua bởi vì nó cà lăm.
– Xe kéo là loại xe bình thường hai bánh phải không ạ?
– Đúng. Bị tróc hết sơn. Nếu nhớ không lầm thì con lừa tên là Pablo. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói cho các cậu biết.
– Cậu nghĩ ông ta đã ăn cắp mấy con két hả Babal? Peter hỏi.
– Nếu vậy thì ông ấy đâu mang ra giữa đường bán. Nhưng điều chắc chắn là Shakespeare không phải của ông ấy.
– Sao vậy?
– Chú Fentriss vừa mới nói là con két nói giọng Anh, trong khi người đàn ông kia nói giọng Mêhicô.
– Cậu nói đúng – Peter bực tức thừa nhận.
– Bây giờ chú hãy kể cho chúng cháu về chính vụ mất tích.
– Cách đây ba ngày, tôi đi dạo, bỏ ngỏ cửa lớn và cửa sổ mở. Khi tôi về Shakespeare biến mất. Trên lối đi trong vườn có dấu bánh xe: mà tôi thì không có ôtô. Nên rõ ràng Shakespeare đã bị bắt cóc. Mà cảnh sát thì bảo có lẽ nó bay đi mất! Các cậu có bao giờ nghe nói đến một con két bay đi và mang theo lồng không?
– Chưa bao giờ – Hannibal thừa nhận. Bây giờ chú có thể kể về những sự kiện ngày hôm nay không ạ? Người đàn ông mập mà chúng cháu đã gặp đóng vai trò như thế nào?
– Vai trò của một tên lưu manh! Hắn đến đây gặp tôi và nói hắn là thanh tra Claudius. Hắn tự xưng là do cảnh sát phái đến. Hắn đặt ra những câu hỏi tương tự như các cậu, và tôi đã trả lời đúng như những gì tôi đã nói với các cậu vừa rồi. Hắn hỏi tôi có biết ai khác mua két từ tay ông già bán dạo kia không. Tôi có nói tên cô Waggoner.
– Hắn có vẻ hết sức quan tâm và hỏi tôi có biết con két biết nói gì không? Tôi trả lời “Tồn tại hay không tồn tại đấy mới chính là câu hỏi”. Hắn có vẻ càng quan tâm hơn nữa và hắn đã ghi lại tất cả vào giấy.
– Chú không kể là con két cà lăm à? Peter hỏi.
– Để làm gì! Nói cho cảnh sát nghe à? Tôi sợ hắn sẽ cười tôi!
– Rồi sau đó? Hannibal hỏi
– Sau đó, hắn hỏi xem người bán dạo có còn con két nào để bán nữa không. Tôi có nói đến con chim đen có vẻ ốm yếu. Khi đó tên Claudius kêu: “Chắc chắn là Râu Đen!”. Lúc đó tôi bắt đầu nghi ngờ về cái người tự xưng là cảnh sát kia…
– Cháu xin lỗi ngắt lời chú, thưa chú Fentriss – Hannibal vừa nói vừa liếc nhìn phần ghi chép của mình. Chú có thể mô tả con két của chú không ạ?
– Đầu màu vàng, thân thì đủ màu.
– Cám ơn chú. Sau đó chuyện gì xảy ra ạ?
– Tôi đứng thẳng người dậy (ông diễn viên vừa nói vừa làm) và tôi nói với tên đó: “Ông không phải cảnh sát. Tôi nghi ngờ chính ông đã ăn cắp con Shakespeare của tôi. Tôi khuyên ông hãy trả lại ngay cho tôi, nếu không ông sẽ hối tiếc.”
– Rồi sao ạ?
– Đúng lúc đó, có tiếng động từ bên ngoài. Ông Claudius chạy ra cửa sổ: chắc là ông nhìn thấy các cậu và nghĩ rằng có cảnh sát đi cùng các cậu. Hắn nhào đến tôi, khống chế tôi, mặc dù tôi kháng cự. Bị trói, bị nhét giẻ vào miệng, tôi đành phải chờ các cậu đến giải thoát. Phải thú nhận rằng tôi không hiểu chuyện gì hết. Tôi chỉ muốn tìm lại được con Shakespeare của tôi thôi. Các cậu nghĩ là sẽ thành công không?
– Ba Thám Tử Trẻ sẽ hành động hết khả năng của mình – Hannibal trịnh trọng hứa.
Sau khi chào, hai cậu ra xe và thấy chú Warrington đang đánh bóng xe, như thường lệ.
– Về nhà, phải không cậu Hannibal? Chú Warrington hỏi.
– Dạ về nhà, chú Warrington à.
Trong khi chiếc Rolls chạy xuống lối đi. Hannibal quay sang Peter.
– Theo mình – Hannibal nói, gần như chắc chắn là chính ông Claudius đã đánh cắp Shakespeare, sau đó ông ấy quay lại gặp ông Fentriss để moi thêm thông tin. Vậy mục tiêu số 1: tìm lại ông Claudius.
– Phần mình, mình không muốn chút nào – Peter nói. Cái ông Claudius đó có vẻ biết sử dụng thành thạo cả súng giả lẫn súng thật. Mà bọn mình có quá ít dấu vết…
– Chú Warrington, coi chừng! Hannibal ngắt lời.
Lời cảnh cáo không cần thiết. Bác tài đã nhìn thấy chiếc Limousine xám đang chạy bạt mạng trên lối đi. Một cú xoay tay lái khiến chiếc Rolls chạy vào bồn hoa, trong khi chiếc Limousine trượt và dừng lại gần như tại chỗ, trong tiếng phanh rít lên.