Đọc truyện Vợ Người Du Hành Thời Gian – Chương 11: Sinh nhật
Chủ Nhật, 24/5/1992 (Clare 21 tuổi, Henry 28 tuổi)
CLARE: Hôm nay là sinh nhật lần thứ 21 của tôi. Một buổi tối mùa hè hoàn hảo. Tôi đang ở trong căn hộ của Henry, trên giường của Henry, và đọc The Moonstone. Henry đang ở trong căn bếp tí teo chuẩn bị bữa tối. Lúc khoác lên chiếc áo choàng tắm và hướng về phía nhà vệ sinh, tôi nghe tiếng anh ấy chửi thề với cái máy xay. Tôi từ tốn gội đầu, hơi nước làm mờ cả những chiếc gương. Tôi nghĩ đến việc cắt tóc. Sẽ thích làm sao nếu có thể gội đầu, chải tóc nhanh chóng và sẵn sàng để cuồng loạn. Tôi thở dài. Henry yêu mái tóc của tôi như thể nó là một sinh vật có ý thức riêng, như thể nó có linh hồn riêng, và như thể nó có thể đáp lại tình yêu của anh ấy. Tôi biết anh ấy yêu nó như một phần con người tôi, và tôi cũng biết anh ấy sẽ rất buồn nếu tôi cắt nó. Tôi cũng sẽ nhớ nó nữa. Chỉ là nó cần thật nhiều công sức, đôi khi tôi muốn gỡ nó ra như một bộ tóc giả và đặt nó sang một bên để ra ngoài chơi. Tôi cẩn thận chải tóc, gỡ những lọn rối. Tóc tôi thật nặng khi bị ướt. Nó kéo đầu tôi trĩu nặng. Tôi mở cửa phòng tắm để cho hơi nước bay đi. Henry đang hát thứ gì đó như Carmina Burana; nghe kì quái và lạc tông. Tôi bước ra khỏi phòng tắm trong lúc anh ấy đang dọn bàn ăn. “Đúng giờ lắm; bữa tối đã sẵn sàng.”
“Đợi một phút, để em mặc đồ đã.”
“Như vậy được rồi, thật đấy.” Henry đi vòng quanh bàn, mở áo choàng tắm ra và đưa tay vuốt nhẹ qua ngực tôi.
“Hừm, bữa tối sẽ nguội mất.”
“Bữa tối nguội rồi. Nó phải nguội như vậy.”
“Ừ, thì, hãy ăn tối thôi.” Tôi đột nhiên mệt lả, và khó tính.
“Được rồi.” Henry buông tôi ra mà không nói thêm một lời. Anh ấy trở lại với việc sắp xếp dao dĩa bạc. Tôi ngắm anh ấy một phút, rồi nhặt quần áo lên từ khắp mọi nơi trên sàn và mặc chúng vào. Tôi ngồi xuống bàn; Henry mang ra hai bát súp, nhợt nhạt và dày đặc. “Súp tỏi và khoai. Công thức của bà anh.” Tôi húp một thìa. Hoàn hảo, ngậy và mát. Món tiếp theo là cá hồi, với một lát măng tây dài trong dầu ô liu và nước ướp hương thảo. Tôi mở miệng để nói điều gì đó tốt đẹp về đồ ăn nhưng thay vào đấy lại nói, “Henry… những người khác có ngủ với nhau nhiều như chúng ta không?”
Henry cân nhắc. “Hầu hết những người khác… không, anh nghĩ là không. Chỉ những người mới quen nhau và vẫn chưa thể tin vào sự may mắn của mình. Như vậy là quá nhiều?”
“Em không biết. Có thể.” Tôi nói mà không rời mắt khỏi đĩa. Tôi không thể tin rằng mình đang nói điều này; tôi đã dành cả tuổi trưởng thành của mình để cầu xin Henry ngủ với tôi và giờ tôi đang bảo anh ấy rằng như vậy là quá nhiều. Henry ngồi rất im lặng.
“Clare, anh xin lỗi. Anh đã không nhận ra, anh không nghĩ đến điều đó.”
Tôi ngẩng đầu lên; Henry có vẻ hoang mang. Tôi bật cười. Henry mỉm cười, có đôi chút hối lỗi, nhưng mắt anh ấy thì hấp háy.
“Chỉ là, anh biết đấy, có những ngày em không thể ngồi nổi nữa.”
“Em chỉ cần lên tiếng. Cứ nói rằng ‘Không phải đêm nay, anh yêu, chúng ta đã làm 23 lần hôm nay rồi, em muốn đọc Bleak House.’”
“Và anh sẽ ngoan ngoãn nghe theo, không đòi hỏi?”
“Anh vừa làm theo đó thôi, chẳng phải sao? Khá ngoan ngoãn còn gì.”
“Phải. Nhưng rồi em cảm thấy tội lỗi.”
Henry bật cười. “Em không thể trông chờ anh giúp em trong khoản đó được. Đó có thể là hi vọng duy nhất của anh: ngày qua ngày, tháng đoạn tháng, anh sẽ trở nên còm cõi, thèm thuồng một nụ hôn, ham muốn được quan hệ sẽ quắt queo dần, và sau một thời gian em sẽ ló đầu ra khỏi cuốn sách của mình và nhận ra anh sẽ thực sự chết dưới chân em nếu em không ngủ với anh ngay lập tức, nhưng anh sẽ không nói một lời. May ra sẽ chỉ thốt ra những tiếng rên rỉ thì thầm.”
“Nhưng… em không biết, ý em là, em thì mệt lả, còn anh thì chẳng sao. Có phải em bất bình thường hay không?”
Henry nhoài người qua bàn và chìa tay ra. Tôi đặt tay mình lên tay anh ấy.
“Clare.”
“Dạ?”
“Có thể sẽ khiếm nhã khi nói điều này, và em bỏ quá, nhưng ham muốn tình dục của em vượt xa hầu hết tất cả những phụ nữ mà anh đã từng hẹn hò. Nếu là hầu hết những người khác họ đã thét gọi tên Chúa và không thèm nghe điện của anh hàng tháng trước rồi. Nhưng đáng lẽ anh phải biết… em luôn có vẻ thích thú. Nhưng nếu là quá nhiều, hoặc khi em không muốn, em phải nói cho anh biết, bằng không anh sẽ cứ bồn chồn và tự hỏi liệu anh có đang khổ sở với nhu cầu gớm ghiếc của anh.”
“Nhưng bao nhiêu là vừa đủ?”
“Đủ cho anh? Ồ, Chúa ạ. Ý tưởng của anh về một cuộc sống hoàn hảo là nếu chúng ta có thể ở trên giường cả ngày. Chúng ta sẽ quan hệ không ngừng nghỉ, và chỉ đứng dậy để lấy đồ dùng thiết yếu, nước và hoa quả để tránh bị thiếu vitamin, thi thoảng vào nhà tắm để cạo râu trước khi vùi đầu lên giường trở lại. Rồi lâu lâu chúng ta có thể thay ga trải giường. Và đi xem phim để tránh thối loét do nằm liệt giường. Và chạy nữa. Anh sẽ vẫn phải chạy mỗi buổi sáng.” Chạy bộ là tín ngưỡng đối với Henry.
“Tại sao phải chạy? Đằng nào anh cũng sẽ được tập thể dục không ngừng rồi.”
Anh ấy đột nhiên nghiêm túc. “Vì khá thường xuyên cuộc sống của anh phụ thuộc vào việc anh có thể chạy nhanh hơn kẻ đang rượt đuổi anh đến mức nào.”
“Ồ.” Giờ thì đến lượt tôi lúng túng, vì tôi đã biết điều đó. “Nhưng… biết nói thế nào nhỉ?… có vẻ như anh không đi đâu cả, kể từ khi anh gặp em trong hiện tại, anh hiếm khi du hành thời gian nữa. Phải không?”
“Vào Giáng Sinh, em đã chứng kiến rồi đấy. Và khoảng lễ tạ ơn nữa. Lúc đó em đang ở Michigan, anh không muốn nhắc đến nó vì anh đã rất phiền muộn.”
“Anh lại chứng kiến vụ tai nạn?”
Henry nhìn tôi chằm chằm. “Đúng vậy. Làm sao em biết?”
“Vài năm trước anh xuất hiện ở Sáo Bắc Mỹ vào dịp Giáng Sinh và kể cho em nghe. Anh đã rất buồn.”
“Phải rồi. Anh nhớ đã rất buồn khi chỉ cần nhìn vào ngày tháng đó trong danh sách, Chúa ạ, một Giáng Sinh phụ trội phải vượt qua. Chưa kể đó là một Giáng Sinh vốn đã tồi tệ; anh bị ngộ độc rượu và phải rửa ruột. Hi vọng anh đã không làm hỏng kì lễ của em.”
“Không. Em đã rất hạnh phúc khi gặp được anh. Và anh đã kể cho em nghe một điều rất quan trọng, rất riêng tư, cho dù anh đã cẩn thận không nói ra bất kì cái tên hay địa điểm nào. Nhưng nó vẫn là cuộc sống thực của anh, và em đã rất thèm khát bất kì thứ gì có thể giúp em tin rằng anh là thực chứ không phải một triệu chứng tâm thần trong em. Đó cũng là lí do vì sao em đã luôn chạm vào anh.” Tôi cười. “Em đã không nhận ra mình đã khiến anh khổ sở đến mức nào. Ý em là, em đã làm tất cả mọi việc em có thể nghĩ đến, mà anh vẫn điềm tĩnh hết mức. Chắc hẳn anh đã thèm muốn chết.”
“Ví dụ?”
“Món điểm tâm là gì nhỉ?”
Henry đảm đang đứng dậy lấy điểm tâm. Món kem xoài và quả mâm xôi. Có một cây nến nhỏ ló ra từ một góc; Henry hát Chúc mừng sinh nhật và tôi khúc khích cười vì anh ấy hát lạc tông hết cả; tôi ước rồi thổi nến. Kem có vị rất tuyệt; tôi rất hớn hở, và lục lọi trí nhớ để tìm lần nhử Henry đặc biệt nhất.
“Được rồi. Đây là vụ tệ nhất. Lúc đó em 16 tuổi, em đang đợi anh vào một buổi tối muộn. Đang khoảng 11 giờ, ngoài trời có trăng non, nên rất tối trong khoảng rừng thưa. Em đang rất bực với anh, vì anh đối xử với em như một đứa trẻ, hay như một cô bạn gái bình thường, đại loại thế… và em rất nóng lòng được đánh mất sự trinh trắng. Đột nhiên em nảy ra ý nghĩ giấu quần áo của anh đi…”
“Ôi, không.”
“Phải. Nên em đã giấu quần áo sang một chỗ khác…” Tôi hơi xấu hổ vì câu chuyện này, nhưng đã quá muộn.
“Và?”
“Và anh xuất hiện, em căn bản đã chòng ghẹo anh cho đến khi anh không thể chịu đựng nổi.”
“Và?”
“Và anh nhảy chồm lên em, ghìm chặt lấy, và trong khoảng 30 giây, cả em và anh đã nghĩ ‘Là lúc này đây’. Không phải như anh đã cưỡng hiếp em, vì em đã hoàn toàn tự nguyện đòi hỏi. Nhưng mặt anh lộ vẻ như vậy, rồi anh nói ‘Không’, và anh đứng dậy bỏ đi. Anh đi thẳng vào đồng cỏ qua những rặng cây và em đã không gặp lại anh trong suốt ba tuần sau đó.”
“Ồ. Anh ta có vẻ đứng đắn hơn anh nhiều.”
“Em rất áy náy nên đã cố gắng hết sức để hành xử đàng hoàng trong hai năm sau đó.”
“Cảm ơn Chúa. Anh không thể hình dung sẽ thế nào nếu phải tự kiềm chế mình thường xuyên hơn.”
“Nhưng anh sẽ. Đó là điều đáng kinh ngạc nhất. Suốt một thời gian dài em đã nghĩ anh không thích em. Dĩ nhiên, nếu chúng ta sẽ dành suốt quãng đời còn lại trên giường, thì em nghĩ anh có thể thực hành chút kiềm chế trong những cuộc dạo chơi của anh tới quá khứ của em.”
“Anh không đùa về việc muốn quan hệ nhiều đến thế. Ý anh là, anh biết nó nghe không thiết thực. Nhưng có một điều anh muốn nói với em từ lâu: anh cảm thấy rất khác. Anh thấy rất gần gũi với em. Và anh nghĩ chính điều đó đã giữ anh ở lại với hiện tại. Được gần gũi thể xác như cách chúng ta gần gũi đã sắp xếp lại não bộ của anh” Henry vuốt tay tôi bằng những đầu ngón tay của anh ấy. Rồi anh ấy ngẩng lên. “Anh có thứ này cho em. Hãy đến đây ngồi.”
Tôi đứng dậy và đi theo anh ấy vào phòng ngủ. Anh ấy xếp giường lại thành ghế tràng kỉ và tôi ngồi xuống. Mặt trời đang nép bóng và căn phòng tắm chìm trong ánh sáng hồng cam. Henry ở bàn, thò tay vào ngăn kéo và lôi ra một chiếc túi satin nhỏ. Anh ấy chỉ ngồi cách xa tôi chút xíu; đầu gối chúng tôi chạm vào nhau. Chắc hẳn anh ấy có thể nghe thấy tiếng tim mình đang đập, tôi nghĩ. Là giây phút này đây. Henry cầm tay tôi và nhìn tôi nghiêm trang. Mình đã đợi giây phút này lâu lắm rồi, giờ nó đã đến và mình đang sợ.
“Clare?”
“Vâng?” giọng tôi nhỏ bé và run rẩy.
“Em biết rằng anh yêu em. Em sẽ lấy anh chứ?”
“Vâng… Henry.” Một cảm giác quen thuộc trào dâng. “Nhưng anh biết đấy, thực ra thì… em đã lấy anh rồi.”
Chủ nhật, 31/5/1992 (Clare 21 tuổi, Henry 28 tuổi)
CLARE: Henry và tôi đang đứng trong tiền sảnh căn hộ nơi anh ấy đã lớn lên. Chúng tôi đã hơi muộn, nhưng vẫn chỉ đứng đây; Henry đang tựa vào thùng thư và thở chậm rãi, mắt nhắm tịt.
“Đừng lo lắng”, tôi nói. “Sẽ không thể tệ hơn lần anh gặp mẹ em.”
“Bố mẹ em đã rất tử tế với anh.”
“Nhưng mẹ em… rất khó lường.”
“Bố anh cũng vậy.” Henry đút chìa khóa vào ổ cửa trước và chúng tôi đi lên một dãy cầu thang rồi Henry gõ cửa một căn hộ. Ngay lập tức nó được mở ra bởi một bà lão Hàn Quốc nhỏ nhắn: Kimy. Bà mặc bộ váy bằng lụa màu xanh, môi tô đỏ sáng, và cặp lông mày bị tô hơi lệch. Mái tóc muối tiêu được búi và cuộn thành hai lọn quanh tai. Chẳng hiểu sao bà khiến tôi nhớ đến Ruth Gordon. Bà tiến đến ngang vai tôi rồi ngửa đầu ra sau nói, “Ồ, Henry, con bé thật xinh đẹp!” Tôi có thể cảm thấy mặt mình đang chuyển đỏ. Henry nói, “Kimy, phép lịch sự của bà đâu rồi?” Kimy cười và bảo, “Chào cháu, Clare Abshire!” và tôi nói, “Chào bà, bà Kim.” Chúng tôi mỉm cười với nhau, rồi bà nói, “Ồ, cháu cứ gọi ta là Kimy, ai cũng gọi ta là Kimy.” Tôi gật đầu và đi theo bà vào phòng khách; bố Henry đang ngồi đó, trong một chiếc ghế bành.
©.S.T.E.N.T
Ông chẳng nói gì cả, chỉ nhìn tôi. Bố của Henry gầy, cao, góc cạnh và mệt mỏi. Trông ông không giống Henry lắm. Ông có mái tóc ngắn, bạc, mắt tối màu, mũi dài và miệng mỏng hơi xệ xuống. Ông ngồi co cụm trên ghế và tôi để ý thấy đôi bàn tay ông, đôi bàn tay dài thanh tao được đặt trên đùi như một con mèo đang ngủ.
Henry đằng hắng và nói, “Bố, đây là Clare Abshire. Clare, đây là bố anh, Richard DeTamble.”
Bác DeTamble chậm rãi đưa một tay ra, và tôi bước lên bắt lấy nó. Nó lạnh như băng. “Xin chào, bác DeTamble. Rất vui được gặp bác.” tôi nói.
“Thật sao? Vậy thì Henry chắc hẳn chưa kể gì nhiều về ta cho cháu nghe.” Giọng ông khàn và vui vẻ. “Ta sẽ phải lợi dụng sự lạc quan của cháu rồi. Đến đây, ngồi cạnh ta. Kimy, có thể cho chúng tôi chút gì để uống chứ?”
“Tôi đang định hỏi mọi người. Clare, cháu uống gì? Ta đã làm Sangria, cháu uống thử nhé? Henry, cháu thì sao? Sangria? Được rồi. Richard, ông uống bia chứ?”
Mọi người có vẻ dừng lại trong giây lát. Rồi bác DeTamble nói, “Không, Kimy, tôi nghĩ tôi sẽ uống trà, nếu bà không phiền pha giùm.” Kimy mỉm cười rồi biến mất vào trong bếp, bác DeTamble quay sang tôi và nói, “Ta đang bị cảm. Ta đã uống thuốc, nhưng ta sợ rằng nó sẽ chỉ khiến ta đờ đẫn.”
Henry đang ngồi trên ghế trường kỉ ngắm chúng tôi. Tất cả nội thất trong nhà đều có màu trắng và trông như được mua ở JCPenney khoảng năm 1945. Bàn ghế được bảo vệ bằng nhựa trong và lớp vinyl được trải trên tấm thảm trắng. Lò sưởi trông như chưa từng được sử dụng bao giờ; bên trên là bức tranh thủy mạc tuyệt đẹp vẽ những ngọn tre trong gió.
“Bức tranh đẹp quá”, tôi lên tiếng, vì chẳng có ai nói gì.
Bác DeTamble trông có vẻ hài lòng. “Cháu thích nó không? Annette và ta đã mua nó ở Nhật Bản vào năm 1962. Chúng ta mua nó ở Kyoto, nhưng thực ra nó có xuất xứ từ Trung Quốc. Chúng ta đã nghĩ Kimy và Dong sẽ thích nó. Nó là bản sao chép thế kỉ XVII của một bức họa lâu đời hơn rất nhiều.
“Bố kể cho Clare về bài thơ đi”, Henry nói.
“Phải rồi. Bài thơ như thế này: ‘Tre không hồn, gửi tâm tư vào tận những tầng mây. Đứng một mình trên đỉnh núi, yên lặng, thanh cao, chí anh hùng. – Một trái tim thư thái, Trần Võ .[1]”
[1] Tạm dịch.
“Hay quá”, tôi nói. Kimy bước vào với đồ uống trên khay, Henry và tôi mỗi người lấy một cốc Sangria, còn bác DeTamble cẩn thận đỡ lấy tách trà của mình bằng cả hai tay; ly trà kêu lách cách trên đĩa trong lúc ông đặt nó xuống bàn. Kimy ngồi lên chiếc ghế bành nhỏ gần lò sưởi và uống Sangria của mình. Tôi nếm cốc của tôi và nhận ra nó rất mạnh. Henry nhìn tôi, nhướn lông mày.
Kimy nói, “Cháu có thích vườn tược không, Clare?”
“Có ạ,” tôi nói. “Mẹ cháu rất thích làm vườn.”
“Vậy thì cháu phải ra xem khu vườn của ta trước bữa tối. Những khóm mẫu đơn đang bắt đầu nở, và chúng ta phải cho cháu ngắm dòng sông nữa.”
“Nghe thú vị quá.” Tất cả chúng tôi kéo nhau ra ngoài vườn. Tôi thích thú ngắm sông Chicago, yên bình chảy dưới chân cầu thang gác bấp bênh; ngắm những bụi mẫu đơn. Kimy hỏi, “Vườn của mẹ cháu trồng gì? Bà có hoa hồng chứ?” Kimy có một vườn hồng nhỏ ngăn nắp và các giống trà lai ghép.
“Mẹ cháu có trồng hoa hồng. Thực ra, đam mê đích thực của bà là diên vĩ.”
“Ồ, ta cũng có diên vĩ. Chúng ở đằng kia.” Kimy chỉ tay về khóm diên vĩ. “Ta phải tách chúng ra. Cháu nghĩ mẹ cháu có muốn lấy vài cây không?”
“Cháu không biết. Cháu sẽ hỏi.” Mẹ tôi đã có hơn hai trăm bụi diên vĩ khác nhau. Tôi bắt gặp nụ cười trên môi Henry sau lưng Kimy và nhăn mặt với anh ấy. “Cháu sẽ hỏi mẹ xem bà ấy có muốn đổi lấy một vài cây của bà không; mẹ cháu có một số giống tự lai tạo, và bà rất thích tặng chúng cho bạn bè.”
“Mẹ cháu tự lai giống diên vĩ?” Bác DeTamble hỏi.
“Vâng. Bà cũng lai giống cả tulip, nhưng diên vĩ là giống ưa thích của bà.”
“Bà ấy là thợ làm vườn chuyên nghiệp?”
“Không ạ”, tôi nói. “Chỉ là nghiệp dư thôi. Mẹ cháu có người làm vườn riêng, ông ấy lo hầu hết công việc và còn nhiều người khác đến cắt và dọn cỏ nữa.”
“Chắc hẳn phải là một khu vườn rộng lắm”, Kimy nói. Bà dẫn đường trở vào trong căn hộ. Đồng hồ trong bếp đã hỏng. “Được rồi”, Kimy nói, “Đã đến giờ ăn.” Tôi đề nghị được giúp nhưng Kimy xua tay bảo tôi ngồi xuống. Tôi ngồi đối diện Henry. Bố anh ấy ngồi bên tay phải của tôi và chiếc ghế trống của Kimy ở bên trái. Bác DeTamble đang mặc áo len cho dù trong này khá ấm. Kimy có một chiếc tách sứ rất đẹp; khắc hình những con chim ruồi. Mỗi người chúng tôi có một cốc nước đá lạnh. Kimy rót vang trắng cho chúng tôi. Bà ngập ngừng trước li của bác DeTamble rồi bỏ qua khi thấy ông lắc đầu. Bà mang salad ra và ngồi xuống. Bác DeTamble nâng cốc nước. “Vì cặp đôi hạnh phúc”, ông nói. “Cặp đôi hạnh phúc”, Kimy nói, chúng tôi cụng li và uống. Kimy lại nói, “Clare, Henry nói cháu là nghệ sĩ, phải không? Nghệ sĩ gì?”
“Cháu chuyên về giấy. Nghệ thuật giấy.”
“Ồ. Cháu phải chỉ cho ta xem mới được, vì ta chẳng hiểu nó là cái gì. Giống nghệ thuật xếp giấy Nhật Bản?”
“Ồ, không.”
Henry giải thích giùm tôi. “Nó giống như các tác phẩm của nghệ sĩ người Đức mà chúng ta đã xem ở Viện Nghệ thuật, Anselm Kiefer. Những pho tượng giấy đen xì, to lớn đáng sợ.”
Kimy bối rối. “Tại sao một cô gái xinh đẹp như cháu lại làm ra những thứ xấu xí như vậy?”
Henry cười. “Đó là nghệ thuật, Kimy. Hơn nữa, chúng đẹp tuyệt vời.”
“Cháu dùng rất nhiều hoa”, tôi bảo Kimy. “Nếu bà cho cháu những bông hoa hồng đã héo của bà, cháu sẽ đưa chúng vào tác phẩm đang làm.”
“Được thôi”, bà nói. “Nó là gì vậy?”
“Một con quạ khổng lồ được làm từ hoa hồng, tóc và sợi hoa hiên.”
“Tại sao lại là quạ? Quạ tượng trưng cho sự bất hạnh.”
“Vậy sao? Cháu nghĩ chúng rất đẹp.”
Bác DeTamble nhướn một bên mày và trong thoáng chóc trông ông giống với Henry; ông nói, “Cháu có quan điểm khác thường về cái đẹp.”
Kimy đứng dậy dọn đĩa salad và mang ra một bát đậu xanh, đĩa vịt nướng sốt tiêu hồng cùng với đĩa xôi đang nghi ngút khói. Ngon tuyệt. Giờ thì tôi đã biết Henry học nấu ăn từ ai. “Mọi người thấy sao?” Kimy hỏi. “Tuyệt vời, Kimy ạ”, bác DeTamble đáp, và tôi đồng thanh với lời tán dương của ông. “Ít đường thêm một chút?” Henry hỏi. “Phải, ta cũng nghĩ vậy”, Kimy nói. “Dù sao cũng rất mềm”, Henry tiếp, và Kimy cười. Tôi với tay lấy cốc rượu của mình, Bác DeTamble gật đầu với tôi và nói, “Nhẫn của Annette rất hợp với cháu.”
“Nó đẹp vô cùng. Cảm ơn bác đã đồng ý để cháu đeo nó.”
“Chiếc nhẫn đó chứa rất nhiều kỉ niệm và lịch sử. Nó được làm ở Paris vào năm 1823 cho cụ của ta, tên Jeanne. Nó được bà của ta, Yvette, mang đến Mỹ vào năm 1920 và đã nằm yên trong ngăn kéo từ năm 1969 khi Annette qua đời. Ta rất mừng khi được thấy nó trở lại dưới ánh sáng ban ngày.”
Tôi nhìn chiếc nhẫn và nghĩ, Mẹ của Hery đã đeo nó trong lúc bị tai nạn. Tôi liếc nhìn Henry, người có vẻ cũng đang nghĩ như tôi, và nhìn bác DeTamble, người đang ăn món vịt của mình. “Kể cho cháu nghe về bác Annette đi”, tôi hỏi bác DeTamble.
Ông đặt dĩa xuống và tựa khuỷu tay lên mặt bàn, chắp tay lên trán. Ông nhìn tôi từ sau đôi bàn tay. “Ta chắc rằng Henry hẳn đã kể cho cháu đôi chút.”
“Vâng. Chỉ một chút. Cháu lớn lên bằng nhạc của bác ấy; bố mẹ cháu rất hâm mộ bà.”
Bác DeTamble mỉm cười. “Vậy thì cháu đã biết Annette có chất giọng phi thường tuyệt diệu nhất, ấm áp và trong trẻo, một giọng hát mới hay, mới cao làm sao. Bà ấy có thể diễn tả tâm hồn mình với chất giọng đó, cứ mỗi khi nghe bà ấy hát, ta lại cảm thấy cuộc sống của mình có nhiều ý nghĩa hơn chứ không chỉ là vấn đề sinh học đơn thuần. Bà ấy có thể thực sự nghe, và hiểu kết cấu, có thể phân tích chính xác cốt lõi của bản nhạc và cách thể hiện cần có. Bà ấy là người rất tình cảm, Annette. Bà ấy lôi ra những cảm xúc từ phía những người xung quanh. Sau khi bà ấy qua đời, ta không nghĩ mình có thể cảm nhận được bất kì thứ gì trên đời này nữa.”
Bác DeTamble ngừng lại. Tôi không thể nhìn vào ông nên quay sang nhìn Henry. Anh ấy đang đăm đăm nhìn bố với một nỗi buồn vô hạn, nên tôi lại nhìn vào đĩa của mình.
Bác DeTamble nói, “Nhưng cháu đã hỏi về Annette, đâu có phải về bác. Bà ấy là một người tốt, là một nghệ sĩ tuyệt vời; cháu không thường thấy hai thứ đó đi kèm với nhau. Annette khiến người ta hạnh phúc; bản thân bà ấy cũng hạnh phúc. Bà ấy luôn vui vẻ sống. Ta chỉ thấy bà ấy khóc hai lần trong đời: một lần khi ta trao chiếc nhẫn đó cho bà ấy và lần khác là khi Henry ra đời.
Lại một sự im lặng khác. Cuối cùng tôi nói, “Bác đã rất may mắn.”
Ông mỉm cười, vẫn giấu mình sau hai bàn tay. “Chúng ta đã may mắn, rồi đã không. Một phút trước chúng ta có tất cả những gì chúng ta mơ ước, rồi phút sau bà ấy đã tan thành từng mảnh trên xa lộ đó.” Henry nhăn nhó.
“Nhưng bác không nghĩ rằng”, tôi kiên quyết, “thà sống hạnh phúc trong một thời gian ngắn, cho dù phải đánh mất đi hạnh phúc đó, còn hơn là chỉ lay lắt sống suốt cả cuộc đời sao?”
Bác DeTamble nhìn tôi. Ông đưa tay ra khỏi mặt và nhìn tôi đăm đăm. Rồi ông nói, “Ta cũng thường tự hỏi như vậy. Cháu có tin vào điều đó?”
Tôi nghĩ về tuổi thơ của mình, tất cả sự chờ đợi, sự phân vân, và nỗi vui sướng khi được nhìn thấy Henry bước qua đồng cỏ sau nhiều tuần, nhiều tháng không được gặp anh ấy, rồi tôi nghĩ đến cảm giác chờ đợi trong hai năm để rồi tìm thấy anh ấy đứng trong phòng đọc của thư viện Newberry: niềm hân hoan khi có thể chạm vào anh ấy, sự xa xỉ vì được biết anh ấy ở đâu, được biết anh ấy yêu mình. “Có”, tôi nói, “Cháu tin.” Tôi bắt gặp ánh mắt của Henry và mỉm cười.
Bác DeTamble gật đầu. “Henry biết chọn người lắm.” Kimy đứng dậy để lấy cà phê, và trong lúc bà đang vào bếp, bác DeTamble nói tiếp, “Nó không biết mang yên bình đến cho cuộc sống của bất kì ai. Thậm chí, nó hoàn toàn ngược lại với mẹ nó: không đáng tin cậy, nhẹ dạ, và chẳng thèm quan tâm đến ai ngoài bản thân. Nói cho ta nghe, Clare, tại sao một cô gái đáng yêu như cháu lại muốn cưới người như Henry.
Mọi vật trong phòng dường như nín thở chờ đợi. Henry cứng đơ người nhưng chẳng nói điều gì. Tôi nhoài người về phía trước, mỉm cười với bác DeTamble và nói, bằng vẻ hăng hái, như thể ông vừa hỏi móm kem ưa thích của tôi là gì: “Vì anh ấy rất, rất giỏi trên giường.” Cả căn bếp rung lên vì tiếng cười. Bác DeTamble nhìn Henry đang nhướn lông mày và cười toe toét, rồi cuối cùng bác DeTamble cũng cười, nói, “Trả treo giỏi lắm, cháu gái.”
Sau khi đã uống cà phê và ăn bánh ga-tô hạnh nhân hoàn hảo của Kimy, sau khi Kimy cho tôi xem những bức ảnh của Henry khi còn nằm nôi, khi mới biết đi, rồi khi lên trung học (trong sự ngượng ngùng hết cỡ của anh ấy); sau khi Kimy đã thu thập được nhiều thông tin về gia đình tôi (“Có bao nhiêu phòng? Nhiều vậy sao! Này, nhóc, tại sao cháu không nói với ta rằng con bé vừa xinh đẹp vừa giàu có?”), tất cả chúng tôi đứng chào nhau ở cửa trước, tôi cảm ơn Kimy về bữa tối và tạm biệt bác DeTamble.
“Rất vui được gặp cháu, Clare”, ông nói. “Nhưng cháu phải gọi ta là Richard nhé.”
“Cảm ơn bác… Richard.” Ông nắm tay tôi trong giây lát và trong khoảnh khắc đó tôi nhìn thấy trong ông hình ảnh mà chắc hẳn bác Annette đã thấy rất nhiều năm trước… rồi nó tan biến và ông gật đầu ngượng ngùng với Henry, người đang hôn tạm biệt Kimy, rồi chúng tôi bước xuống nhà và đi vào buổi tối mùa hè rực rỡ. Tưởng như cả thế kỉ đã trôi qua kể từ khi chúng tôi bước vào nhà.
“Ôi”, Henry nói. “Anh đã chết cả ngàn lần trong bữa tối.”
“Em thể hiện ổn chứ?”
“Ổn? Em rất tuyệt! Ông ấy rất thích em.”
Chúng tôi bước dọc con phố, tay trong tay. Có một sân chơi cuối dãy phố, tôi chạy về phía xích đu và trèo lên, Henry cũng ngồi xuống xích đu bên cạnh, nhìn về hướng ngược lại với tôi, và chúng tôi đánh đi cao hơn, rồi cao hơn, vượt qua nhau, đôi khi cùng nhịp, đôi khi lao lại nhanh đến nỗi trông như chúng tôi sẽ đâm vào nhau. Chúng tôi cười, rồi cười, chẳng điều gì có thể khiến chúng tôi đau buồn, chẳng ai có thể lạc lối hay chết, hoặc cách xa: ngay lúc này đây chúng tôi đang ở cùng nhau, và chẳng thứ gì có thể làm hư hại sự hoàn mỹ của chúng tôi, hay có thể đánh cắp niềm vui trong giây phút hoàn hảo này.
Thứ Tư, 10/6/1992 (Clare 21 tuổi)
CLARE: Tôi đang ngồi một mình bên chiếc bàn nhỏ gần cửa sổ quán Café Peregolisi, một cái hố chuột nhỏ ấm cúng với món cà phê ngon tuyệt. Tôi phải làm bài luận Alice ở xứ sở thần tiên cho lớp Lịch sử Nghệ thuật Hư cấu xen lẫn Thực tại mà tôi đang theo học mùa hè này; nhưng thay vì làm bài, tôi lại đang ngồi mơ mộng, nhìn đăm đăm bất thần vào những người dân trong khu phố, những người đang vội vã tất bật buổi chiều muộn trên đường Halsted. Tôi không thường đến Boy’s Town, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ có thể tập trung hơn nếu đi tới nơi mà không ai quen biết sẽ đến tìm. Henry lại biến mất. Anh ấy không ở nhà và cũng không đi làm. Tôi cố không nghĩ đến chuyện ấy. Tôi đang học cách thờ ơ lạnh nhạt. Henry có thể tự lo liệu cho bản thân. Chỉ vì tôi không biết anh ấy đang ở đâu không có nghĩa rằng có chuyện không ổn. Ai biết được? Có thể anh ấy đang ở bên tôi.
Có ai đó đang đứng bên kia đường và vẫy tay với tôi. Tôi nheo mắt, tập trung nhìn, và nhận ra đó là người phụ nữ da đen thấp bé và cô ấy băng qua đường. Chỉ trong chốc lát cô ấy đã đứng trước mặt tôi. Cô ấy nhỏ đến nỗi mặt cô ấy chỉ ngang bằng tôi, cho dù tôi đang ngồi, còn cô ấy đứng.
“Chào Clare”, Celia nói. Giọng cô ấy mượt tựa bơ. Tôi chỉ muốn cuộn tròn trong giọng nói đó mà ngủ.
“Xin chào Celia. Chị ngồi đi.” Cô ấy ngồi, đối diện với tôi, và tôi nhận ra cô ấy trông thấp bé là do đôi chân; vì khi ngồi xuống, cô ấy trông không khác gì một người bình thường.
“Chị nghe nói em đã đính hôn”, cô ấy nói.
Tôi giơ bàn tay trái lên, cho cô ấy xem chiếc nhẫn. Bồi bàn lững thững đi lại và Celia gọi một cốc cà phê Thổ Nhĩ Kì. Cô ấy nhìn tôi và ném cho tôi một nụ cười tinh quái. Răng cô ấy trắng muốt, dài và lởm khởm. Mắt cô ấy to và mí mắt lờ đờ như muốn đóng lại. Mái tóc cuốn lọn dài của cô ấy được vén cao và tô điểm bằng những chiếc đũa màu hồng, cùng tông với chiếc váy hồng sáng lóa.
“Hoặc em rất dũng cảm hoặc điên khùng”, cô ấy nói.
“Mọi người cũng nói vậy.”
“Đến giờ thì em hẳn đã biết câu trả lời.”
Tôi mỉm cười, nhún vai, và hớp môt ngụm cà phê, quá ngọt và đã nguội.
Celia nói, “Em có biết bây giờ Henry đang ở đâu không?”
“Không. Chị có biết bây giờ Ingrid đang ở đâu không?”
“Có”, Celia nói. “Cô ấy đang ngồi trên chiếc ghế đẩu ở Berlin đợi chị.” Celia nhìn đồng hồ. “Chị muộn rồi.” Ánh sáng từ đèn đường khiến làn da nâu của cô ấy chuyển xanh rồi tím. Cô ấy trông như một người Sao Hỏa quyến rũ. Cô ấy mỉm cười với tôi. “Henry đang chạy trên phố Broadway trong bộ vét mặc lúc chào đời với một đám đầu trọc bám theo đuôi.” Ôi, không.
Người bồi bàn mang cà phê của Celia đến và tôi chỉ vào cốc của mình. Cậu ta rót đầy nó rồi cẩn thận đo một thìa đường, đổ vào rồi khuấy. Celia dựng chiếc thìa thẳng dậy trong cốc cà phê Thổ Nhĩ Kì bé tí. Nó đen và sánh như mật. Ngày xửa ngày xưa, có ba chị em gái… và họ sống dưới đáy giếng… Tại sao họ sống dưới đáy giếng?… đó là một cái giếng mật.
Celia đang đợi tôi nói gì đó. Nhún người khi bạn đang lựa lời để nói. Tranh thủ thời gian. “Thật sao?” tôi nói. Ồ, tuyệt lắm, Clare.
“Em có vẻ không lo lắng. Nếu người đàn ông của chị trần truồng chạy trên phố như vậy, ít nhất chị cũng sẽ phân vân một chút.”
“Thì, Henry không phải một người bình thường như mọi người khác.”
Celia cười. “Có thể nói thế, em gái ạ.” Cô ấy biết được đến đâu? Ingrid có biết không? Celia hướng người về phía tôi, uống cà phê của mình, mở to mắt, nhướn lông mày và mím môi. “Em thực sự sẽ lấy cậu ta?”
Một cơn giận dữ bốc đồng khiến tôi nói, “Nếu không tin chị có thể chứng kiến tôi làm điều đó. Hãy đến dự đám cưới.”
Celia lắc đầu. “Chị? Em biết đấy, Henry không thích chị. Dù chỉ một chút cũng không.”
“Chị cũng đâu quý mến gì anh ấy.”
Celia cười toe toét. “Giờ thì có. Cậu ta đá Ingrid Carmichel một cách tàn nhẫn, và chị đang hàn gắn lại từng mảnh của cô ấy.” Cô ấy liếc nhìn đồng hồ. “Chị muộn giờ hẹn rồi.” Celia đứng dậy và nói, “Sao em không đi cùng nhỉ?”
“Ồ, không, cảm ơn.”
“Thôi nào, em gái. Em và Ingrid phải gặp nhau mới được. Bọn em có rất nhiều điểm chung. Chúng ta sẽ có bữa tiệc độc thân nho nhỏ.”
“Ở Berlin?”
Celia cười. “Không phải thành phố. Quán bar.” Nụ cười của cô ấy như kẹo ngọt; nó nghe như được phát ra từ thân hình của một người phải lớn hơn nhiều. Tôi không muốn cô ấy bỏ đi, nhưng…
“Không, tôi không nghĩ đó là ý kiến hay.” Tôi nhìn vào mắt Celia. “Như vậy thì tàn nhẫn quá.” Cái nhìn chăm chăm của cô ấy giữ tôi lại, khiến tôi liên tưởng đến những con rắn, và mèo. Mèo có ăn dơi không?… Dơi có ăn mèo không? “Chưa kể, tôi còn phải hoàn thành bài luận này.”
Celia liếc nhanh vào cuốn sổ của tôi. “Gì đấy, bài tập về nhà hả? Ồ, đang là ngày phải lên lớp! Cứ nghe lời chị Celia của em đi, chị biết điều gì là tốt nhất cho các cô nữ sinh bé nhỏ… này, em đủ tuổi uống rượu rồi chứ?”
“Phải”, tôi tự hào nói với cô ấy. “Từ ba tuần trước.”
Celia tựa gần vào tôi. Mùi quế thoang thoảng toát ra từ cô ấy. “Đi nào đi nào đi nào. Em phải tận hưởng một chút trước khi lấy anh chàng thủ thư chứ. Đi nào, Clare. Em sẽ chết chìm trong đống phân mà lũ trẻ con nhà thủ thư ị ra tã trước cả khi em nhận ra đấy.”
“Tôi thực sự không nghĩ…”
“Vậy thì đừng nói gì, cứ đi thôi.” Celia gom đống sách của tôi lại và làm đổ bình đựng sữa nhỏ. Tôi loay hoay lau chùi, còn Celia cứ thế đi ra khỏi quán, tay cầm sách của tôi. Tôi chạy theo cô ấy.
“Celia, đừng, tôi cần chúng…” Với một người có đôi chân ngắn và đôi giày cao gót mười phân thì cô ấy đi rất nhanh.
“Chị sẽ không trả chúng cho em, cho đến khi em hứa sẽ đi cùng chị.”
“Ingrid sẽ không thích đâu.” Chúng tôi bước đi, hướng về phía Nam Halstead qua Belmont. Tôi không muốn gặp Ingrid. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi gặp cô ấy là ở đại nhạc hội Violent Femmes, như vậy là đủ rồi.
“Dĩ nhiên cô ấy sẽ thích. Ingrid rất tò mò về em.” Chúng tôi sẽ qua Belmont, đi qua các cửa hàng xăm hình, nhà hàng Ấn Độ, cửa hàng đồ da và những nhà thờ nằm đối diện cửa hàng. Chúng tôi đi dưới đường ray tàu điện và Berlin đã ở kia rồi. Nhìn từ bên ngoài nó không có vẻ hấp dẫn; các cửa sổ sơn đen kín mít và tôi có thể nghe tiếng nhạc disco đập thình thịch trong bóng tối phía sau gã gầy gò mặt đầy tàn nhang, người đòi xem thẻ căn cước của tôi mà không hỏi Celia, đóng dấu lên tay chúng tôi rồi để chúng tôi bước vào.
Khi mắt đã quen với bóng tối, tôi nhận ra nơi này đông nghịt phụ nữ. Họ túm tụm quanh sân khấu bé tí nhìn một vũ nữ thoát y đang uốn éo trong chiếc quần lót đỏ, ngực chỉ che hờ. Họ đang cười nói và tán tỉnh nhau ở quầy bar. Hôm nay là Đêm của các Quý bà. Celia kéo tôi lại bàn. Ingrid đang ngồi đó một mình với chiếc cốc chứa loại nước màu xanh da trời trước mắt. Cô ấy ngước nhìn lên và không nhảy cẫng vì vui mừng khi thấy tôi. Celia hôn Ingrid, vẫy tay bảo tôi ngồi xuống. Tôi đứng yên.
“Chào em,” Celia nói với Ingrid.
“Chị giỡn mặt với tôi hả”, Ingrid nói. “Chị dẫn cô ta đến đây làm gì?” Cả hai người bọn họ ngó lơ tôi. Celia vẫn ôm chặt lấy đống sách của tôi.
“Không sao đâu, Ingrid, cô ấy tốt mà. Chị chỉ nghĩ cả hai em có thể muốn biết nhau rõ hơn, thế thôi.” Celia có vẻ gần như hối lỗi, nhưng đến cả tôi cũng có thể thấy cô ấy đang thích thú trước sự khó chịu của Ingrid.
Ingrid liếc nhìn tôi. “Tại sao cô đến đây? Để lên mặt hả hê?”
Cô ấy tựa lưng vào ghế và hất cằm về phía tôi. Ingrid trông như một con ma cà rồng tóc vàng, áo khoác nhung đen và đôi môi đỏ mọng màu máu. Cô ấy đẹp mê hồn. Tôi cảm thấy mình như một cô nữ sinh nhà quê. Tôi chìa tay về phía Celia và cô ấy trả sách cho tôi.
“Tôi bị ép phải đến. Tôi về giờ đây.” Tôi quay người bỏ đi nhưng Ingrid chụp vội lấy tay tôi.
“Đợi đã…” cô ấy giật mạnh tay trái của tôi về phía cổ, tôi loạng choạng và làm rơi đống sách tứ tung. Tôi giật tay lại và Ingrid nói, “…Cô đã đính hôn?” tôi nhận ra cô ấy đang nhìn vào chiếc nhẫn của Henry.
Tôi chẳng nói gì. Ingrid quay qua Celia. “Chị đã biết, phải không?” Celia nhìn xuống bàn, chẳng nói nửa lời. “Chị mang cô ta tới đây để xát vào mặt tôi, đồ khốn.” Cô ấy thì thào. Tôi chẳng thể nghe được gì giữa tiếng nhạc đinh tai.
“Không, Ing, chị chỉ…”
“Cút đi, Celia.” Ingrid đứng dậy. Trong khoảnh khắc, mặt cô ấy xát vào mặt tôi và tôi hình dung cảnh Henry hôn lên đôi môi đỏ mọng đó. Ingrid nhìn tôi chằm chằm. Cô ấy nói, “Cô nói với Henry hãy xuống địa ngục đi. Và nói với anh ấy rằng tôi sẽ gặp anh ấy ở đó.” Ingrid đùng đùng bỏ đi. Celia ngồi vùi mặt vào hai bàn tay.
Tôi nhặt sách lên. Khi tôi chuẩn bị bước đi, Celia nói, “Đợi đã.”
Tôi đợi.
Celia nói, “Chị xin lỗi, Clare.” Tôi nhún vai. Tôi bước ra cửa, và khi quay người lại, tôi thấy Celia đang ngồi một mình ở bàn, uống li rượu màu xanh của Ingrid và tựa mặt vào tay. Cô ấy không nhìn tôi.
Ra đến ngoài đường tôi bước nhanh hơn cho đến khi ra tới xe, tôi lái về nhà rồi vào phòng và nằm trên giường mà gọi cho Henry, nhưng anh ấy không có nhà. Tôi tắt đèn nhưng không ngủ.