Võ Lâm Phong Thần Bảng

Chương 36: Tình Yêu Và Luân Lý


Bạn đang đọc Võ Lâm Phong Thần Bảng – Chương 36: Tình Yêu Và Luân Lý

Suy qua thái độ của bọn người trong Quảng Hàn Cung, đối với lão nhân gù, Quan Sơn Nguyệt tuy chưa có ấn tượng gì về lão, cũng có thể hiểu đại khái, lão là một nhân vật phi thường.
Bắt đầu từ khi tiếp xúc với Đạn Kiếm, Quan Sơn Nguyệt tin chắc là những người trong cung đều có tài nghệ siêu phàm, và vị thủ lãnh là Nguyệt Hoa Phu Nhân thì hẳn là một tay cao minh tột bậc. Cái tài của bà vừa được biểu hiện qua một khía cạnh, là âm điệu của đàn cầm.
Tiếng đàn của bà thừa làm điên đảo chàng, thì đủ hiểu căn cơ tu vi của bà thâm hậu đến đâu.
Nhưng lão nhân gù lại phá vỡ hấp lực đó thì ra lão nhân còn trên bà một bậc.
Cho nên, chẳng những bọn thị giả chẳng dám vô lễ với lão, mà chính Nguyệt Hoa Phu Nhân cũng phải nhân nhượng mấy phần.
Những sự kiện đó, thực sự không làm Quan Sơn Nguyệt chú ý cho lắm, bởi võ đạo mênh mang, người học võ chẳng biết học đến đâu cho cùng, và trên giang hồ cái câu cao nhân tắc hữu cao nhân trị được thực nghiệm nhiều nhất.
Thì, chàng không lạ gì cái sự hơn kém của khách giang hồ. Có lạ chăng đối với chàng là sự tiết lộ của lão nhân gù. Lão ta đã nói là khám phá được sự tình, thế ra, sự tình gì mà lão khám phá được? Và sự tình đó có liên quan đến chàng chăng?
Hẳn là có, không nhiều thì ít, cũng vì vậy mà lão nhân gù bảo Cầm Khiêu để chàng ở lại.
Nguyệt Hoa Phu Nhân cũng kinh ngạc như chàng, không hiểu sao lão nhân muốn cho chàng ở lại, trong khi bà ta chỉ muốn đàm thoại riêng với lão nhân.
Bà trừng mắt, hỏi:
– Tại sao lưu hắn lại đây?
Lão nhân gù điểm một nụ cười:
– Phải có đạo lý chứ, nếu không thì lão phu giữ hắn lại đây làm gì? Bởi vì, sự tình phu nhân muốn biết, tiểu tử này biết rõ hơn lão phu!
Nguyệt Hoa Phu Nhân nghi ngờ hỏi:
– Đà Ông nói sao? Hắn vừa lên đây chưa được một khắc …
Lão nhân gù lại cười:
– Sao phu nhân không để cho lão phu nói hết ý?
Phu nhân cắn môi, rồi buông gọn:
– Thế thì Đà Ông nói đi.
Lão nhân gù đưa tay xoa lên hàm râu thưa, từ từ thốt:
– Trước hết, lão phu cho phu nhân biết một cái tin không vui lắm. Cái người mà phu nhân đang muốn biết hành tung đó, hiện tại không còn nữa! Y đã chết hai mươi bốn năm rồi! Y chết tại Hàng Ái Sơn!
Nguyệt Hoa Phu Nhân khích động mãnh liệt, song bà cố nén cơn xúc cảm, hỏi:
– Thật chứ?
Lão nhân gù gật đầu:
– Trăm lần thật, ngàn lần thật!
Lão lấy trong mình ra một chiếc vòng ngọc, nửa phần tròn, trao cho bà, đoạn tiếp:
– Để chứng minh sự việc, lão phu tìm đến ngôi mộ của y, quật mộ lên, lấy chiếc vòng ngọc này, chiếc vòng nằm giữa đống xương tàn của y!
Tiếp chiếc vòng, cầm nơi tay, phu nhân nhìn nó, ánh mắt của bà ngời lên, lệ thảm đã cài mi, bà chớp mắt, vài hạt nhỏ rơi xuống.
Tuổi già, lệ như sương, còn đâu đọng thành hạt lớn như hàng thanh thiếu có cả một hồ lệ trong lòng?
Lâu lắm, bà thở ra, cao giọng u buồn thốt:
– Già biết! Y không thể sống lâu! Lúc ly khai già, y đã mang trọng bịnh …
Bổng, Quan Sơn Nguyệt biến sắc mặt, bước tới, van cầu:
– Phu nhân cho tại hạ được nhìn qua chiếc vòng!
Nguyệt Hoa Phu Nhân nạt ngang:
– Bước ra xa đừng làm rối trí ta!
Lão nhân gù mỉm cười:
– Chờ một chút, tiểu tử! Cái phần câu chuyện có liên quan đến ngươi, chưa tới, ngươi hãy đứng ngoài vòng, bình lặng mà nghe lão phu kể giai đoạn đầu với phu nhân, giai đoạn đầu không dính dấp đến ngươi.
Quan Sơn Nguyệt nổi tính quật cường, cao giọng gắt:
– Không được! Tại hạ muốn xem chiếc vòng, phu nhân không cho không được! Chỉ vì …
Nguyệt Hoa Phu Nhân toan phát tác, lão nhân gù nhướng đôi mày, hỏi:
– Tại sao ngươi nhất định đòi xem cho bằng được?
Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ một chút:
– Bởi vì tại hạ cũng có một chiếc giống chiếc đó.
Lão nhân gù và phu nhân cùng giật mình. Lão nhân gù vội hỏi:
– Chiếc vòng của ngươi hiện ở đâu?
Quan Sơn Nguyệt lại suy nghĩ một chút:
– Tại hạ không biết, lúc tại hạ lên chín, sư phụ tại hạ lấy chiếc vòng cất luôn, từ đó đến nay, không hề trao lại cho tại hạ.
Lão nhân gù hấp tấp hỏi:
– Sư phụ của ngươi là ai? Hiện tại ở đâu?
Quan Sơn Nguyệt đáp:
– Gia sư ngày trước là Minh Đà Lịnh Chủ, họ Độc Cô, tên là Minh, hiện tại hành tung bất định.
Chàng suýt tiết lộ hành tung của sư phụ, cũng may chàng kịp cảnh giác.
Chàng biết rõ, ngày nay sư phụ chàng đang sống cảnh thanh tu, rất ghét bị quấy nhiễu.
Lão nhân gù nhìn chàng, không nói gì.
Nguyệt Hoa Phu Nhân bỗng đổi thái độ, giọng nói của bà trở nên ôn nhu, bà trao chiếc vòng cho Quan Sơn Nguyệt, đồng thời thốt:
– Ngươi xem đi, có giống chiếc vòng của ngươi chăng?
Quan Sơn Nguyệt tiếp chiếc vòng, quan sát một lúc. Vì bị chôn hơn hai mươi năm dài trong đất, nó mất cái vẻ sáng của nó. Tuy nhiên, chàng cũng nhận rõ những nét chạm trên mình nó. Xem một lúc, chàng trao trả nó lại cho phu nhân, rồi thốt:

– Hình thể không sai bao nhiêu, có điều nó khác hơn chiếc vòng của tại hạ.
Nguyệt Hoa Phu Nhân lộ vẻ khẩn trương:
– Khác ở chỗ nào? Ngươi nói cho ta nghe!
Quan Sơn Nguyệt lấy làm lạ về thái độ của bà. Tuy nhiên cũng giải thích:
– Tại hạ không nhớ rõ lắm, đại khái thì trên chiếc vòng của tại hạ, có khắc sơn cảnh, trên sơn đầu, có một vầng trăng. Còn của phu nhân thì khắc những hoa cúc …
Nguyệt Hoa Phu Nhân kêu lên một tiếng, bà đang ngồi, thế mà bà chao chao, như chực ngã xuống.
Quan Sơn Nguyệt kinh hãi, kêu lên:
– Phu nhân làm sao thế?
Nguyệt Hoa Phu Nhân cố gượng trấn định tâm thần, khẻ lắc đầu, đáp:
– Chẳng sao cả.
Rồi bà giục:
– Nói nữa đi, nói tiếp cho ta nghe. Do đâu, ngươi có chiếc vòng đó?
Quan Sơn Nguyệt đáp:
– Tại hạ cũng chẳng biết do đâu có nó. Tại hạ nhớ mang máng là lúc nhỏ từng đeo nó nơi cổ, lúc đó tại hạ không chú ý đến những hình khắc trên mình nó có ý nghĩa gì. Mãi đến năm tại hạ được chín tuổi, đột nhiên nhớ ra tên mình là Quan Sơn Nguyệt, do đó tại hạ liên tưởng đến cảnh nơi chiếc vòng, và nghĩ rằng tên mình có liên quan với chiếc vòng, nên đem điều thắc mắc hỏi sư phụ. Sư phụ nổi giận, mắng luôn mấy câu, lấy luôn chiếc vòng, giữ mãi đến nay, không trao lại cho tại hạ.
Nguyệt Hoa Phu Nhân vội hỏi:
– Thế ngươi không phải là Minh Thiên Lý?
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Không, tại hạ là Quan Sơn Nguyệt, cái tên Minh Thiên Lý do Thị Thơ cải biến mà thành.
Nếu là trước đó, thì việc chàng thay đổi tên họ sẽ gây nên phẫn nộ nơi phu nhân rồi, song hiện tại thì bà hỏi để mà hỏi, hỏi nhưng không lưu ý đến câu đáp.
Bà hỏi luôn:
– Sư phụ ngươi có giải thích điều thắc mắc của ngươi chăng?
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Không hề! Gia sư chỉ khuyên tại hạ không nên nghĩ ngợi viển vông.
Nguyệt Hoa Phu Nhân cau mày:
– Ngươi họ Quan? Thân thế của ngươi như thế nào, ngươi có biết rõ chứ?
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
– Tại hạ không rõ. Từ lúc nhỏ, tại hạ được sư phụ nuôi dưỡng mãi đến lúc trưởng thành, cái tên Quan Sơn Nguyệt sở dĩ có là do gia sư đặt cho.
Phu nhân nhìn sững chàng:
– Lý do gì khiến sư phụ ngươi đặt cho ngươi cái tên đó?
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Tại hạ không rõ.
Phu nhân bực tức:
– Cái gì ngươi cũng không rõ! Sao ngươi không rõ chi hết?
Quan Sơn Nguyệt cười khổ:
– Đúng như vậy đó, phu nhân! Gia sư dạy tại hạ tất cả, trừ một việc, là thân thế của tại hạ, chẳng bao giờ người đề cập đến việc đó. Người chỉ cho biết đại khái, tại hạ là một kẻ mồ côi, cha chết, mẹ chết, người đem tại hạ về nuôi dưỡng, giáo huấn …
Phu nhân hấp tấp hỏi:
– Năm nay ngươi được bao nhiêu tuổi? Hẳn điều này ngươi cũng phải hiểu chứ?
Quan Sơn Nguyệt đáp:
– Tự nhiên, ít nhất một con người cũng biết được tuổi của mình. Tại hạ năm nay được hai mươi sáu tuổi.
Nguyệt Hoa Phu Nhân co ngón tay tính.
Bổng, bà để rơi mấy giọt lệ thấp giọng thốt:
– Đúng! Hai mươi sáu năm rồi! Ta biết! Mãi đến lúc chết y vẫn còn hận ta!
Bà thốt xong câu đó, tự thốt với chính bà, chẳng hướng về lão nhân gù hay Quan Sơn Nguyệt.
Tuy nhiên, cả hai đều nghe rõ.
Lão nhân gù chợt kêu lên:
– Hay! Xảo diệu thay! Lão phu không tưởng là trong thiên hạ lại có sự tấu xảo lạ lùng như thế này!
Nguyệt Hoa Phu Nhân ngẩng mặt lên:
– Đà Ông! Việc này, cần phải được truy cứu rất kỹ!
Lão nhân gù khoát tay:
– Khỏi! Còn truy cứu gì nữa chứ? Lão phu dám bảo đảm là chẳng hề sai!
Sự thật là vậy, phu nhân ạ!
Nguyệt Hoa Phu Nhân lắc đầu:
– Không được đâu, Đà Ông! Già nghĩ, phải thận trọng để tránh những bẽ bàng sau này. Hiện tại, tâm tình của già rối loạn tơi bời, vả lại …
Lão nhân gù hiểu ý bà, vội gật đầu, chận lời:
– Lão phu biết rồi, vậy phu nhân nên hồi tỵ một lúc, để mặc cho lão phu xử trí. Lão phu sẽ làm một cuộc phối kiểm thật kỹ, sau đó kết quả như thế nào, lão phu sẽ thông tri phu nhân.
Dừng lại một chút, lão tiếp:

– Có điều, lão phu tự hỏi, chẳng biết nên thuật hết sự tình chăng, hay lại phải giấu giếm?
Nguyệt Hoa Phu Nhân suy nghĩ một chút:
– Hiện tại, già không còn cố kỵ điều chi nữa, sự tình ngày cũ, Đà Ông có nhắc lại, kể cũng chẳng quan hệ gì. Xin Đà Ông lưu ý, nếu cuộc phối kiểm đem lại kết quả tốt đẹp, thì lập tức cho già biết nhé!
Lão nhân gù gật đầu:
– Tự nhiên! Phu nhân yên trí, và tự tiện!
Nguyệt Hoa Phu Nhân nhìn Quan Sơn Nguyệt lượt cuối, đoạn bước ra ngoài.
Quan Sơn Nguyệt hoang mang, chẳng hiểu phu nhân và lão nhân gù nói gì với nhau.
Nhưng, chàng đâu có thì giờ để suy tư, phu nhân ra khỏi cửa rồi, lão nhân gù bắt chuyện với chàng liền.
Giữ thần sắc trang trọng, lão gọi Quan Sơn Nguyệt:
– Ngồi xuống đi, tiểu tử, lão phu sẽ cho ngươi biết một đoạn cố sự, có liên quan trọng đại đến ngươi, ngươi hãy chú hết tâm thần nghe lão phu thuật.
Quan Sơn Nguyệt hết sức lấy làm lạ, tự hỏi lão gù sẽ giở trò gì với chàng đây, xem có vẻ huyền huyền ảo ảo quá chừng. Chàng muốn hỏi, song thấy lão gù nghiêm nghị trở lại, nên thôi, chỉ ngồi xuống chờ nghe.
Lão nhân gù trầm ngâm một lúc, chừng như sắp xếp những gì sẽ nói, theo thứ tự thời gian. Sau cùng, lão đằng hắng mấy tiếng, rồi bắt đầu thuật:
– Sự việc đã xảy ra ba mươi năm trước, lúc lão phu còn là một thanh niên, bởi lúc đó, lão phu chỉ có năm mươi tuổi …
Một con người ở lứa tuổi năm mươi mà xưng mình là thanh niên, thì hẳn lạ lùng, nếu không là muốn thốt một câu khôi hài.
Chàng điểm một nụ cười.
Lão nhân gù gắt:
– Tại sao ngươi cười? Tuy lão phu đã có năm mươi tuổi, nhưng tóc còn xanh, râu chưa dài, cũng xanh nốt, như vậy có khác chi bọn niên thiếu các ngươi?
Tóc xanh, râu xanh, thì cái tuổi xanh luôn chứ?
Rồi lão thuật tiếp:
– Ba năm trước đó, lão có kết giao với một người bằng hữu, người ấy với ngươi hiện tại, có rất nhiều điểm hơn người, văn tài rộng, vũ học cao, tuổi độ ba mươi. Chúng ta vừa gặp nhau, là có cảm tưởng là trời sanh ra cả hai để mà kết tình bằng hữu, đúng với câu ý hợp, tâm đồng …
Lão mơ màng, như hồi ức lại thời xa xưa, tưởng niệm bóng hình người cố hữu. Một phút sau, lão tiếp:
– Lúc đó, lão phu có hai kẻ tử đối đầu, họ là một đôi vợ chồng, sánh với lão phu tuổi thì kém, song vũ công tương đương, trước sau, lão phu và họ giao đấu với nhau hơn mười mấy lần, mỗi lần giao đấu là mỗi lần lão phu nhận bại …
Quan Sơn Nguyệt nhếch môi, như sắp sửa cười.
Lão nhân gù trừng mắt:
– Ngươi đừng tưởng là lão phu kém họ nên nhận bại như vậy! Chẳng qua, lão phu đơn độc, mà họ lại đủ đôi, ít phải thua đông. Tuy nhiên, không phải cả hai cùng liên thủ, nghinh chiến với lão phu. Một đấu một, nhưng lão phu thì trường kỳ, còn họ thì luân phiên với nhau, ai mệt thì ra ngoài vòng chiến, để cho kẻ khỏe thay vào, còn mình thì ngơi nghỉ, dù thân hình ta có là sắt cấu tạo thành, ta cũng phải phờ người. Làm sao ta không bại được chứ?
Lão lại dừng, vẻ tưng tức hiện nơi gương mặt, rồi lão tiếp:
– Đương nhiên, chúng ta không phải giao đấu vì thù. Chúng ta muốn so kém về vũ công, duy nhất vì vũ công, thuần túy mà giao đấu, cho nên bại rồi là nhận bại ngay, hẹn ngày tái đấu, trở về tập luyện, đúng kỳ lại gặp nhau …
Lần này thì Quan Sơn Nguyệt cười thành tiếng:
– Càng giao đấu, càng bại, thế mà lão tiền bối cứ giao đấu luôn đến mười mấy lần, thật là cái chí khí hết sức kiên cường, tại hạ vô cùng khâm phục.
Lão nhân gù trầm giọng:
– Một đấu hai, ai bại mà không tức? Lão phu không phục nên tái đấu mãi.
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
– Người ta hai, lão tiền bối một, sao tiền bối không tìm một viện thủ?
Lão nhân gù «hừ» một tiếng:
– Tìm đâu? Ngươi tưởng lão phu không tìm à? Ngươi biết không, vào thời gian đó, tìm được một người có vũ công xuýt xoát với lão phu là tìm kim đáy biển đấy!
Quan Sơn Nguyệt đồng ý, chàng không cho rằng lão nhân khoác lác, bởi chàng biết rõ cái thực tài, và cái tài của lão, đừng nói là ba mươi năm về trước, dù cho là ngày nay, có lắm nhân tài xuất hiện, vị tất có một vài người đạt đến mức thành tựu của lão ta?
Lão nhân gù tiếp:
– Tuy nhiên, lão phu cũng cố làm một việc cầu may, đi khắp sông hồ, đến tận núi sâu, rừng thẳm, động vắng, hang cùng, tìm một viện thủ, bất ngờ lão phu gặp một người, lập tức lão phu đưa người đó đến luôn nơi ước đấu … Song, khi bọn lão phu đến nơi …
Quan Sơn Nguyệt chận hỏi:
– Thì sao? Đôi vợ chồng đó có bằng lòng cho viện thủ của tiền bối giao đấu với họ chăng? Kết quả như thế nào?
Lão nhân gù thở dài:
– Lão chồng đi vắng, chỉ có một mụ vợ ở nhà, cuộc tái đấu bất thành.
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Sao lại bất thành được? Trái lại đó là một dịp may cho lão tiền bối chứ?
Trước, họ lấy hai đấu một, thì sau họ phải chịu một đấu hai, họ đâu có lý do gì từ khước cuộc tái đấu? Chính là cái cơ hội cho lão tiền bối phục hận vậy!
Lão nhân gù nổi giận:
– Ngươi hèn quá! Ngươi đánh giá bọn lão phu thấp quá!
Quan Sơn Nguyệt không phiền:
– Theo ý tại hạ thì đó là một sự chí công! Bởi họ đã từng lấy hai đấu một, họ phải chấp nhận một đấu hai!
Lão nhân gù càng giận hơn:
– Đành là họ luôn luôn lấy hai đấu một, song hai của họ là hai vợ chồng, một nam một nữ, còn hai của lão phu là hai bằng hữu, hai nam. Hai nam đấu với một nữ, thì còn thể thống gì? Phải chi vợ vắng mặt, chồng ở nhà thì ngươi nói như vậy cũng được cho!
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Lão tiền bối có lý! Nhưng, ít ra lão tiền bối cũng có thể một đấu một chứ?

Chẳng lẽ đến nơi rồi lại trở về không?
Lão nhân gù thở dài:
– Thoạt đầu lão phu cũng nghĩ như ngươi, ngờ đâu, sau cuộc đàm thoại, vị bằng hữu của lão phu và nữ nhân đó lại có vẻ tâm đầu ý hợp quá chừng, cho nên …
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Thế là chưa giao đấu, lão tiền bối lại bại nữa rồi! Khi người chồng trở lại, thì dù có tái đấu, lão tiền bối vẫn đơn độc như thường, bởi vị bằng hữu của lão tiền bối nghiễm nhiên trở thành đồng minh của đôi vợ chồng đó. Giả như có một cuộc tái đấu hai chống hai, thì người bằng hữu của lão tiền bối cũng không thể xuất toàn lực đánh bại người mà y nhận ra ý hợp tâm đầu. Như vậy, trước thì hai đấu một, sau thì ba đấu một.
Hận vì việc cũ, lại hận vì chàng cứ chận lời mãi, lão nhân gù phát cáu, gắt:
– Nếu ngươi nghe đoạn cố sự của lão phu mà không thấy hứng, thì thôi vậy, lão phu không thuật tiếp.
Quan Sơn Nguyệt lại cười:
– Lão tiền bối nghĩ oan cho tại hạ rồi, trái lại, tại hạ cao hứng vô cùng! Bởi quá cao hứng cho nên nóng nảy nghe, nóng nảy biết, do đó cứ hỏi chận lão tiền bối mãi. Tại hạ không có ý bắt bẻ chi đâu!
Lão nhân dịu tính khí lại, rồi tiếp:
– Vị bằng hữu của lão phu không trở mặt, bỏ mặc lão phu một mình, để bước sang cánh đối lập, giúp vợ chồng họ. Y chỉ đề nghị là nên chờ người chồng trở về, rồi một đấu một, cặp đấu cặp cho công bình. Lão phu phải nghe theo y và cả hai cùng tìm một địa phương cư trú, chờ người chồng trở về … Bọn lão phu đợi đúng một tháng …
Quan Sơn Nguyệt chớp mắt:
– Lúc đó, người chồng trở về?
Lão nhân gù lắc đầu:
– Nếu lão ta trở lại, thì còn nói làm già Lão thở dài.
Quan Sơn Nguyệt kinh ngạc:
– Không lẽ lão ấy gặp biến cố gì trong thời gian xuất ngoại?
Lão nhân gù gật đầu:
– Suốt một tháng, chúng ta chờ đợi, người chồng vẫn không trở về. Trong khi đó, có người mang tin của lão đến, cho biết là vì một việc quan trọng, lão ta đến một địa phương rất xa, ngày về không hẹn trước được, lão phu và vị bằng hữu không thể chờ lâu hơn nữa, phải cáo biệt người vợ. Lão phu có biết đâu trong một tháng đợi chờ cuộc tái đấu, người bằng hữu của lão phu và người vợ của lão kia lại yêu nhau, tình yêu của họ đậm đà đến độ họ không rời xa nhau, nhưng vị bằng hữu của lão phu không thể bỏ lão phu trở lại một mình, bắt buộc phải theo lão phu mà về, về đến nhà rồi y tìm cách trở lại, hội hiệp với nữ nhân đó …
Quan Sơn Nguyệt không chận lời lão nữa.
Lúc chàng chận, thì lão gắt, rồi lão thuật, khi chàng bình tịnh chờ nghe, thì lão lại im bặt. Thành ra, Quan Sơn Nguyệt không dằn được tánh hiếu kỳ, phải hỏi:
– Rồi sau đó, sự tình diễn tiến như thế nào, lão tiền bối?
Lão nhân gù lại thở dài:
– Sau đó, những gì đã xảy ra, lão phu không được rõ lắm. Bởi lão phu tìm được một bí kíp, để luyện thành một môn công phu kỳ diệu, lão phu dành tất cả thời giờ, chuyên luyện môn công đó trên đỉnh Đại Thanh Sơn. Sau đó, lão phu tìm đến chốn cũ, thì hay ra, nơi đó đã phát sanh lắm việc …
Quan Sơn Nguyệt chớp mắt:
– Lão tiền bối có gặp đôi vợ chồng đó chăng? Việc gì đã phát sanh?
Lão nhân gù thở ra:
– Người vợ thọ thai, do mối tình vụng trộm với vị bằng hữu của lão phu.
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một chút:
– Còn người chồng? Lão ấy có trở lại không?
Lão nhân gù lắc đầu:
– Không! Tuy nhiên, lão ta cũng có đưa tin về, là không lâu lắm, lão sẽ trở lại nhà …
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
– Đúng là một việc khó! Bà ấy xử trí như thế nào, lão tiền bối?
Lão nhân gù đáp:
– Bà ta và vị bằng hữu của lão phu bối rối phi thường, họ chẳng biết phải làm sao, lại hỏi kế nơi lão phu.
Quan Sơn Nguyệt nóng nảy:
– Lão tiền bối sắp xếp cho họ làm sao?
Lão nhân gù lộ vẻ thương tâm:
– Lão phu còn biết làm sao? Trong hoàn cảnh đó, lão phu chỉ còn có cách là hỏi bà ta, trong hai người bà tha thiết với ai, giả như bà yêu vị bằng hữu của lão phu, thì ngay từ lúc đó phải thu xếp hành trang, cùng người tình rời quê hương, tìm đến một phương trời xa lạ, chung sống với nhau may ra còn kịp, chứ nếu không thì khi người chồng trở về, sóng gió sẽ dấy lên, tang tóc sẽ phủ trùm. Còn như bà không chịu nghe người tình trốn tránh chồng bà, thì dù muốn dù không, cũng phải diệt cái bào thai lúc nó chưa lớn lắm. Dù là một hành động vô nhân đạo, song cần bảo vệ hạnh phúc của bà, thì bà phải vô nhân đạo, trong tình thế đó bà không cưỡng lại được.
Quan Sơn Nguyệt tặc lưỡi:
– Không thể làm khác hơn những lời của lão tiền bối, trừ ra bà tự tử! Bà ấy có nghe lời lão tiền bối chăng?
Lão nhân gù đáp:
– Tự nhiên là bà ta tha thiết với vị bằng hữu của lão phu, điều đó thì bà có thừa nhận với lão phu, cho nên bà ta và vị bằng hữu của lão phu chấp nhận giải pháp thứ nhất, cùng bỏ nhà ra đi đến một địa phương hoang vắng …
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
– Họ đến nơi nào, hắn lão tiền bối biết chứ?
Lão nhân gù gật đầu:
– Đại Ba Sơn! Họ xây tổ uyên ương tại đó.
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
– Và bắt đầu từ ngày ấy, họ thỏa thích yêu nhau, họ hưởng thụ trong khi người chồng …
Chàng không dứt câu, bỏ lửng như thế rồi kết thúc bằng một tiếng tặc lưỡi, đệm thêm một cái cau mày.
Lão nhân gù càng lộ vẻ buồn hơn:
– Người muốn, mà sự muốn không lành, thì khi nào cao xanh chấp thuận?
Khi người chồng trở lại, biết vợ ra đi, tự nhiên lão ta phải đi tìm. Một năm sau, lão biết bà ta trú ẩn nơi nào, lão biết bà đã làm gì, trong thời gian lão vắng mặt. Lúc đó, bà ta đã sanh đứa bé, nó vừa tròn năm tháng …
Quan Sơn Nguyệt khẩn trương ra mặt:
– Rồi việc gì xảy ra nữa?
Lão nhân thở ra:
– Còn việc gì nữa, nếu không phải là một cuộc ác chiến? Rất tiếc, lúc đó lão phu không có mặt tại cục trường!
Quan Sơn Nguyệt hỏi gấp:
– Kết quả cuộc chiến như thế nào?
Lão nhân gù đáp:
– Người chồng không thủ thắng nổi trước vị bằng hữu của lão phu, đang lúc lão ta đang bị dồn vào nguy cảnh, thì đột nhiên bà ấy xúc động tình chồng nghĩa vợ của những ngày nào, vội nhảy vào vòng chiến, tiếp trợ chồng, phản công lại người tình …
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
– Lòng dạ nữ nhân! Không ai hiểu được lòng dạ nữ nhân như thế nào!
Lão nhân gù gật đầu:

– Đừng ai mong hiểu nổi một nữ nhân! Ngươi thấy không, lão phu may mắn có một tướng mạo xấu xí, cũng nhờ thế mà nữ nhân buông tha cho, cũng thế mà lão phu được an nhàn sống đến tuần tuổi này!
Quan Sơn Nguyệt mơ màng:
– Nữ nhân là nguồn gốc của mọi sự phiền lụy trên đời!
Rồi chàng hỏi:
– Sau đó, còn gì nữa chăng, lão tiền bối?
Lão nhân gù đáp:
– Tự nhiên, vị bằng hữu của lão phu hết sức kinh ngạc trước sự thay đổi của người tình. Tuy vậy, y không hề nao núng, chấp cả hai vợ chồng liên thủ, y một mình nghinh chiến ung dung. Nhưng qua mấy chiêu đầu, y bỏ cuộc, có lẽ vì chán ngán, y bắt đứa bé mang theo, ly khai Đại Ba Sơn, về một phương trời xa lạ …
Quan Sơn Nguyệt chớp mắt:
– Đoạn cố sự lão tiền bối chấm dứt tại đó?
Lão nhân gù lắc đầu:
– Việc cũ còn dài, song lão phu không hiểu rõ ràng giai đoạn tiếp nối. Bất quá lão phu hiểu mang máng là đôi vợ chồng đó làm lành trở lại, sống luôn tại Đại Ba Sơn không trở về cố hương nữa. Độ hai năm sau, người vợ hạ sanh một nam hài nhi, rồi sau mấy năm nữa, người chồng chết. Người vợ ở luôn tại Đại Ba Sơn, nuôi dưỡng hài nhi, tuyển dụng một số người quanh quẩn bên mình cho đỡ tịch mịch …
Quan Sơn Nguyệt thốt:
– Tại hạ biết, nữ nhân đó hẳn là Nguyệt Hoa Phu Nhân! Còn người bằng hữu kia …
Dừng lại giây lát, chàng lại hỏi:
– Sau đó, y ra sao? Và, hiện tại y còn sống hay đã chết rồi?
Lão nhân gù đáp:
– Y ra đi, biền biệt, chẳng ai biết rõ y hạ lạc ở địa phương nào, lão phu có đi khắp nơi tìm y song không hiệu quả. Mãi đến mấy hôm trước đây, nhân có việc đi ngang qua Hàn Ái Sơn, lão phu mới biết được tin tức của y. Thì ra, sau ngày xa lánh người tình, y đến Hàn Ái Sơn dựng nhà ở đó, sống cuộc đời quy ẩn, không được mấy năm, y chết, còn đứa con thì y trao cho một trung niên thơ sanh, nhờ nuôi dưỡng …
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp hỏi:
– Người trung niên thơ sanh là ai?
Lão nhân gù đáp:
– Sự việc cách nhiều năm, những người tại địa phương nào còn nhớ rõ lắm, bất quá họ nhớ mang máng là người thơ sanh đó, một hôm, từ xa đến, làm khách của vị bằng hữu của lão phu, cả hai tương đồng thinh khí, thành dễ thân nhau.
Chính thơ sanh mai táng thi hài vị bằng hữu của lão phu. Không ai biết tên họ của người thơ sanh đó.
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
– Người thơ sanh đó có đặc điểm gì chăng? Cư dân không biết tên họ, ít nhất cũng thấy hình dáng, tướng mạo của người thơ sanh như thế nào chứ?
Lão nhân gù gật đầu:
– Cư dân còn nhớ là người thơ sanh đó có một ngón thừa nơi bàn tay tả.
Quan Sơn Nguyệt kêu lên:
– Thế là gia sư rồi!
Lão nhân gù cũng kêu lên:
– Vậy ngươi là đứa bé lão mang đi!
Quan Sơn Nguyệt khích động phi thường. Trong phút giây thảng thốt, chàng chẳng nói được tiếng nào.
Lão nhân gù thở dài:
– Thực ra, ngay từ lúc ngươi cho biết là ngươi cũng có một chiếc vòng ngọc như chiếc của Nguyệt Hoa Phu Nhân, lão đã đoán sự tình như thế rồi. Vòng ngọc đó, vốn là một đôi, một chiếc chạm hoa cúc, một chiếc chạm núi và trăng, cúc và trăng tượng trưng tên của Nguyệt Hoa Phu Nhân và vị bằng hữu của lão phu, mà cũng là phụ thân của ngươi. Phu nhân tên là Lê Thu Cúc, còn phụ thân ngươi tên là Vạn Tân Nguyệt. Sở dĩ phu nhân chọn cái hiệu Nguyệt Hoa là vì bà muốn tưởng niệm mãi phụ thân ngươi!
Quan Sơn Nguyệt sững sờ, thừ người một lúc lâu, cuối cùng chàng khóc.
Khóc một lúc chàng lẩm nhẩm:
– Đáng lý ra là tại hạ phải mang họ Vạn mới phải! Chẳng hiểu tại sao gia sư lại dùng họ Quan mà đặt tên cho tại hạ!
Lão nhân cười khổ:
– Điều đó, ngoài sư phụ ngươi ra, còn ai biết được?
Bỗng từ bên ngoài, Nguyệt Hoa Phu Nhân xô cửa, lách mình bước nhanh vào. Mặt bà đầm đìa lệ thảm, bà thốt:
– Khỏi cần hỏi sư phụ hắn! Già đã biết rồi. Tân Nguyệt hận già vô cùng, đến chết cũng còn hận, vì muốn hận nên không muốn cho già sau này tìm con, nhìn con, do đó, y đổi họ. Tuy nhiên cái tên Quan Sơn Nguyệt tự nó cũng nói rõ lai lịch của kẻ mang nó, bởi Quan Sơn Nguyệt, ám chỉ sự quan hệ của thân thế một người đối với vầng trăng núi! Còn như cái việc chôn luôn chiếc vòng ngọc bên mình, đúng là Tân Nguyệt muốn hủy một chứng tích!
Lão nhân gù điểm một nụ cười bước tới mầng:
– Phu nhân! Sự tình đã khám phá, mẫu tử trùng phùng, phần việc của lão phu cầm như hoàn tất, lão phu kính mầng cho phu nhân và xin cáo từ!
Lão vái chào đoạn quay mình bước ra cửa.
Phu nhân gọi gấp:
– Khoan đi, Đà Ông, già xin đa tạ ơn trọng của Đà Ông và mời Đà Ông lưu lại nơi biệt xá, cho già bày tiệc mừng, thết đãi Đà Ông.
Lão nhân gù cười lớn:
– Phải! Nói là cáo từ, chứ khi nào lão phu đi ngay cho, ít nhất cũng uống một vài chén rượu rồi sẽ đi chứ!
Lão nhân gù ra ngoài rồi, còn lại trong phòng, hai mẹ con nhìn nhau, họ nhìn nhau, họ nhìn nhau song chẳng ai nói một lời gì trước.
Mẫu tử trùng phùng, tất phải vồ vập, thổ lộ tâm tình, hoài niệm đó là lẽ thường, nhưng họ không vồ vập, không kể lể ngay như những người khác, là vì dù sao họ cũng bỡ ngỡ, bởi từ lúc nào đến bây giờ, họ có gặp gỡ nhau đâu?
Hiện tại, họ như hai kẻ xa lạ, do một tình cờ, biết được quan hệ giữa nhau như thế nào, và riêng về Quan Sơn Nguyệt thì chàng không thấy bi hoài về sự xa cách qua nhiều năm tháng. Từ nhỏ, chàng không hưởng được sự âu yếm của mẹ, từ nhỏ chàng không được ấp ủ bởi tình mẫu tử, thì giờ đây mọi sự đối với chàng quá lạ, bất quá thiên luân bừng dậy, mà chàng khích động, chứ thực ra, sự xa cách của mẹ con chàng, chẳng có một ảnh hưởng nào đối với chàng. Chàng có biết mẹ mình ra sao mà nhớ nhung, mong tưởng?
Nếu có một người nhớ nhung một người, thì chính là Nguyệt Hoa Phu Nhân nhớ chàng. Cho nên bà phải cất tiếng trước:
– Con! Sao con thừ người ra thế? Con không thể gọi một tiếng mẹ được sao?
Quan Sơn Nguyệt mấp máy môi, lâu lắm chàng mới để thoát lọt được hai tiếng:
– Mẫu thân!
Đến lúc đó Nguyệt Hoa Phu Nhân mới ôm chầm lấy chàng.
Nguồn lòng tuông ra, tình cảm bốc rạt rào, qua một lúc lâu Nguyệt Hoa Phu Nhân thốt:
– Bây giờ, mẹ con đã gặp nhau, con nên đổi họ lại đi, bởi cái họ con đang mang đó, chẳng phải họ của phụ thân con!
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Không nên đâu mẹ, cái họ của con đang mang, sở dĩ có là do ý muốn của phụ thân, dù sao con cũng tôn trọng ý muốn của phụ thân.
Nguyệt Hoa Phu Nhân giật mình:
– Phụ thân con chọn họ đó cho con, là vì hận mẹ, con muốn giữ luôn họ đó, thế ra con cũng hận mẹ sao?
Quan Sơn Nguyệt không đáp được.
Chàng không đáp được, bởi sự tình diễn tiến ngoài chỗ tưởng của chàng!
Bỗng nhiên mà có một người mẹ, trong khi chàng chưa biết thân thế ra sao, trong khi chàng không hề nghĩ là sẽ gặp bất ngờ, chàng chưa hiểu nổi cái cảm giác thực sự trong lúc này như thế nào.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.