Võ Lâm Ngoại Sử

Chương 4: Chốn Võ Đường, Đánh Cho Phải Đạo -ngọc Kỳ Khôi Cũng Thật Kỳ Khôi


Bạn đang đọc Võ Lâm Ngoại Sử – Chương 4: Chốn Võ Đường, Đánh Cho Phải Đạo -ngọc Kỳ Khôi Cũng Thật Kỳ Khôi

Lại nói về các võ đường:
Thường các môn phái đều có những võ đường riêng. Trong một khoảng thời gian dài, trên giang hồ chỉ độc có những võ đường của môn phái Võ Đang Toàn Chân. Về sau này, một vài cao thủ cũng tự đứng ra lập võ đường riêng nhưng đa số đều thất bại, không tồn tại được lâu dài.
Võ Đang Toàn Chân là môn phái thuộc dòng Bắc tông, chủ trương tiệm ngộ (giác ngộ dần dần) nên trong các võ đường cũng thường hay phân biệt theo độ tuổi và trình độ quyền thuật. Ở kinh thành, nổi tiếng nhất là “Đại học võ đường”. Trong “Đại học võ đường” có nhiều đại cao thủ đến giảng dạy ở đó nhưng cũng có nhiều người không ra gì. Cũng có nhiều cao thủ chỉ loanh quanh kiếm sống trong các võ đường, họ cũng hình thành nên một số môn phái như Võ Đang Hàn Lâm, Võ Đang Hành Quyết hay Võ Đang Cực Đoan v.v… Tất cả đều dưới sự kiểm soát của đám đệ tử Toàn Chân. Tóm lại, võ đường nhiều, môn phái nhiều nhưng bởi sự quản lý chặt chẽ vô cùng nghiêm khắc của đám đệ tử Toàn Chân nên dù thế nào đi nữa không khí võ thuật nhìn chung là tẻ nhạt, không có sáng tạo.
Trong nội bộ môn phái Võ Đang cũng đã nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn. Trong nhiều năm, mặc dầu hết sức cố gắng nhưng trình độ võ thuật không có tiến triển gì nhiều, loanh quanh cũng chỉ là “mẹ hát con khen hay”, một số cao thủ như bọn Bá Chu được đôn đáo lên là thiên tài nhưng trong võ lâm nhìều người vẫn không tâm phục khẩu phục. Các giải thưởng võ thuật hàng năm trở thành trò hề mua vui cho thiên hạ. Thậm chí, còn có chuyện mua bán các danh hiệu nữa. Đôi khi núng thế, người ta còn trao giải thưởng võ thuật cho bọn đã chết rồi để khỏi có chuyện tranh giành, sinh sự này nọ. Tóm lại, sự hủ bại bế tắc của nền võ thuật nước nhà ai ai cũng nhìn thấy, chỉ có điều không ai muốn nói ra mà thôi.
Khi Trần Đăng Tài vào học ở “Đại học võ đường” thì nơi đây vẫn ở trong thời kỳ còn thịnh. Một số cao thủ từ võ đường này ra cũng đã từng nổi tiếng trong giới giang hồ – như bọn Dương Thu Mạc Sầu nữ hiệp hoặc Tam Bảo Thiếu Gia đại hiệp v.v… Đặc biệt trong số đó có Vĩnh Yên Rụt Cổ cao thủ đại hiệp tuy võ công không ra gì nhưng đã từng giữ chức chưởng môn phái Võ Đang trong nhiều năm trời.
Trần Đăng Tài lên kinh thành được bọn Ngô Xuân, Huy Viễn tiến cử với Tố Hồng Vương gia đại hiệp bấy giờ cũng đã từng giữ chức chưởng môn phái Toàn Chân. Trong buổi gặp mặt Vương gia, nghe theo lời của Ngô Xuân, Trần Đăng Tài biểu diễn tặng cho Tố Hồng xem bài quyền thuật tung hạt gạo. Tố Hồng ngồi xem, rất thích thú nhưng sau đó quay lại nói với Ngô Xuân và Huy Viễn:
“Ta xem bài quyền thuật này, thấy có hơi hướng của các môn phái Nam tông rất rõ, hai người có nhận ra như thế hay không?”
Huy Viễn nói:
“Thưa Vương gia, quả đúng như vậy, nhất là ở nửa đầu của bài quyền thuật.”
Ngô Xuân nói:
“Đoạn sau thì hoàn toàn là Bắc tông, không còn phải tranh cãi gì nữa.”
Tố Hồng gọi Trần Đăng Tài lại hỏi:
“Ngươi phải nói cho thực, ngươi học bài quyền tung hạt gạo này ở đâu, ai là sư phụ của ngươi?”
Trần Đăng Tài nói do một lão ăn mày vô danh dạy cho.
Ngô Xuân hỏi:
“Liệu đấy có phải là Bùi Lão Đại Điên kỳ hiệp hay không?”
Huy Viễn nói:
“Lão già này bị tẩu hoả nhập ma đã từ lâu rồi, làm sao có thể đi lại ở trên giang hồ được nữa?”
Tố Hồng nói với Ngô Xuân và Huy Viễn:

“Không phải ta hẹp hòi gì với người của môn phái Nam tông. Chính ta đây và cả hai ngươi nữa, khởi thuỷ lúc đầu đi vào võ lâm chúng ta cũng đều chịu ảnh hưởng của môn phái này. Tuy nhiên, trong thiên hạ thì “võ vô đệ nhị”, không thể để cho một môn phái bất kỳ nào khác tranh hùng với chúng ta được. Nếu thấy ở đâu có người của Nam tông thì phải vô hiệu hoá nó đi ngay. Có như thế, các môn phái Bắc tông mới độc tôn nhất thống được ở trên giang hồ.”
Ngô Xuân và Huy Viễn gật đầu bái lạy.
Tố Hồng nói:
“Về Trần Đăng Tài, ta thấy nó có khí chất nhưng còn phải rèn luyện nhiều. Cái gì gọi là bản năng với ảnh hưởng của môn phái khác phải xoá sạch đi cho kỳ hết. Sau này khi học xong “Đại học võ đường” có thể còn phải gửi nó đi du học nữa. Vứt nó ra ngoài giang hồ sớm cũng không có gì gọi là tốt.”
Cả bọn răm rắp nghe theo lời Tố Hồng.
Trong “Đại học võ đường” có Hoàng Lão Quái đại hiệp và Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi đại kỳ hiệp là những người kỳ lạ. Hoàng Lão Quái đi du học về, khi đánh nhau thường bày ra rất nhiều binh khí lỉnh kỉnh mua ở nước ngoài. Nhiều binh khí quá nên cả vợ và hai con gái cũng hay đi theo mang vác vũ khí nên rất buồn cười. Trận đánh nhau của Hoàng Lão Quái với Chế Giáo Đầu đại kỳ hiệp là một trận đánh “kinh điển” trong giới giang hồ.
Lần ấy, Chế Giáo Đầu đại kỳ hiệp có tham vọng nhảy lên làm chưởng môn phái Võ Đang. Ỷ mình là người được các đại cao thủ ở trong Toàn Chân ủng hộ nên Chế Giáo Đầu đi đâu cũng rất nghênh ngang. Khi ấy Hoàng Lão Quái mới đi du học ở nước ngoài về, Chế Giáo Đầu bèn gây sự đánh dằn mặt y để làm gương cho võ lâm ở trên giang hồ.
Chế Giáo Đầu đi đến “Đại học võ đường” gọi to:
“Ta nghe nói ở đây có người mới đi du học ở nước ngoài về vẫn thường hay huênh hoang này nọ, có đúng như thế hay không?”
Hoàng Lão Quái biết Chế Giáo Đầu ám chỉ mình, bèn nghĩ bụng:
“Mình không ra đánh nhau với y nhất định sẽ bị mất uy thế ở trong giang hồ, còn mặt mũi nào nữa để lên bục giảng để dạy bảo môn sinh? Nhưng Chế Giáo Đầu là một đại kỳ hiệp lừng danh, kiếm pháp của y vô cùng sắc sảo lợi hại, không biết bao nhiêu người đã từng chết ở dưới lưỡi kiếm của y. Trận đánh này với Chế Giáo Đầu một mất một còn, ta không thể nào coi thường được.”
Hoàng Lão Quái gọi vợ và hai con gái lại hỏi nên hoà hay đánh? Phu nhân Hoàng Lão Quái là người rất giỏi độn toán bảo rằng:
“Nên đánh! Nhưng ông tuổi Ngọ, phải đánh y vào giữa giờ Ngọ thanh thiên bạch nhật. Lại cũng phải đánh đúng vào ngày Ngọ nữa. Tôi và hai con gái sẽ ở bên ngoài ủng hộ, tiếp ứng các thứ binh khí. Có bao nhiêu binh khí ta bày ra hết. Đánh trận này một mất một còn. Tôi và hai con gái buộc khăn tang trắng lên đầu coi như tử chiến.”
Hoàng Lão Quái nghe lời ra hẹn ngày giờ đánh nhau với Chế Giáo Đầu. Đúng giờ Ngọ, ngày Ngọ, hai bên đánh nhau. Trận đánh này to quá, đáng ghi chép để lại về sau.
Chế Giáo Đầu hỏi Hoàng Lão Quái:
“Có biết ta là ai hay không?”
Hoàng Lão Quái lắc đầu:
“Không biết!”
Chế Giáo Đầu bảo:

“Hãy nghe ta nói đây:
Mười lăm tuổi ta đã nổi danh,
Khởi nguyên từ đất Chiêm Thành.
Dương khí tràn trong huyết quản,
Đánh nhau ma chạy xung quanh.
Đánh một trận tung hoành tang tóc,
Đánh trận sau quỷ khóc như ri.
Giang hồ vạch một lối đi,
Thông minh nhất đẳng ai bì được ta?”
Hoàng Lão Quái cũng bảo:
“Vậy mi có biết ta là ai không?”
Chế Giáo Đầu bảo:
“Không biết, ta không thèm biết!”
Hoàng Lão Quái bảo:
“Hãy nghe ta nói đây:
Thông minh nhất đẳng ai bì được ta?
Thông kinh vạn quyển,
Sách chứa đầy nhà.

Các ban binh khí,
Ta đều học qua.
Tuổi trẻ nổi tiếng hào hoa,
Hồng Lam ấy chính quê nhà ta đây!
Đi đâu ai cũng gọi thầy,
Trọ trà trọ trẹ đến Tây cũng gờm…”
Chế Giáo Đầu bảo:
“Không khéo chỉ có hư danh mà thôi. Hãy xem đường kiếm của ta rồi biết!”
Nói rồi múa đôi song kiếm xông vào đánh Hoàng Lão Quái. Hoàng Lão Quái vác thương ra đỡ. Đánh một chập, Hoàng phu nhân vác mâu ra. Hoàng Lão Quái vứt thương đi, cầm lấy mâu đón đánh. Một chập sau lại thay mâu bằng đao, rồi lại thay đao bằng búa, rồi lại thay búa bằng chuỳ, rồi lại thay chuỳ bằng kích… cứ như thế thay đổi liên tục đến mười tám loại binh khí khác nhau. Hoàng phu nhân và hai cô con gái cầm các binh khí chạy xung quanh hò reo ầm ĩ.
Thật là:
Người như sóng dưới con tàu, nửa rồ nửa dại,
Lưỡi kiếm vung lên như rắn lượn, rồng bay.
Chạy đôn chạy đáo,
Nam Bắc Đông Tây.
Khi ủ rũ như triết gia mắc bệnh,
Khi giỡn chơi như trẻ nhỏ thơ ngây.
Đôi khi cũng phải mặt dày,
Đôi khi cũng phải loay hoay một mình…
Còn người kia:
Đánh cho phải đạo,
Đánh cho âm dương bát nháo.
Đánh cho hết vênh hết váo,

Mười tám ban binh khí chẳng thiếu thứ nào.
Bảy mươi sáu chước đều dùng cho hết,
Sát khí đằng đằng oai phong lẫm liệt.
Trận đánh này không biết thắng thua!
Nổi danh nức tiếng giang hồ!
Hai bên đánh nhau đến hết giờ Ngọ thì Hoàng Lão Quái không đánh nữa. Chế Giáo Đầu thấy Hoàng Lão Quái thay đổi binh khí liên tục, lại thấy vợ con của y đứng xung quanh bình luận với lại mách nước loạn xị cả lên thì nghĩ bụng:
“Tay này thật khó chơi. Mình đánh một đằng, y đỡ một nẻo. Các thứ binh khí của y lại lạ lẫm, khó hiểu, ta cũng chưa biết rõ hết tính năng của chúng. Thôi thì chờ một dịp khác sẽ đánh nhau sau. Ta cũng chỉ cốt đánh để dằn mặt y chứ không chủ bụng để đánh cho chết! Dù sao đi nữa thì võ đường này cũng vẫn cùng môn phái với ta, cũng không nên cạn tàu ráo máng quá.”
Nghĩ như vậy nên Chế Giáo Đầu cũng không đánh nữa. Về sau này, trong giang hồ cũng nhiều người bàn tán về trận đánh này, người thì bảo Hoàng Lão Quái được, người thì bảo Chế Giáo Đầu được, nhưng thật ra đây là trận đánh dở dang, không có ai thua hay được.
Sau khi đánh nhau, Hoàng Lão Quái trở về võ đường, các môn sinh hết lời ca ngợi. Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi ra đón y, hai người cùng nhau nói chuyện, luận bàn về kiếm pháp của Chế Giáo Đầu.
Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi là một đại cao thủ ở trong giang hồ. Y người thấp lùn, vì vậy mới có tên là Nhất Thốn. Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi không bao giờ đánh nhau ở dưới đồng bằng. Ai khiêu chiến, y cũng lùi dần, dụ đối thủ lên đến tận Tây Nguyên đất đỏ rồi mới đánh nhau. Ở vùng đất đỏ, sức lực của y tự nhiên tăng gấp trăm lần ở dưới đồng bằng. Chỉ với một đoạn gậy ngắn, y tả xung hữu đột, đến cả trăm vạn người cũng không thể nào đánh ngã được y. Ngược lại, khi ở dưới đồng bằng, y như bị rút kiệt sức lực, đi lại khó khăn, đến một tên nha đầu vớ vẩn cũng có thể đánh ngã y dễ dàng như bỡn. Bởi vậy, ở dưới đồng bằng, đi đâu Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi cũng phải cẩn thận giữ gìn. Y không giao du quảng đại. Kiếm pháp của y uyên bác, tính tình lại cương trực thẳng thắn, trong giang hồ mọi người khi nhắc đến y vẫn một mực có sự kính trọng.
Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi có tham vọng cải tổ Võ Đang Toàn Chân. Y nói với Hoàng Lão Quái:
“Hiện nay, tình trạng nghiệp dư, không có số má ở trong môn phái Võ Đang thật kỳ cục. Không khí võ thuật ngột ngạt, cá mè một lứa, rất đáng tồi tệ!”
Hoàng Lão Quái nói:
“Biết làm sao được? Muốn làm gì đó ắt phải có thời. Ngay đối thủ của ta là Chế Giáo Đầu cũng là người giỏi, nhưng cái thời của y chỉ cho phép y thi thố đến thế mà thôi. Thật tiếc!”
Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi nói:
“Nếu trong võ lâm chỉ toàn là một lũ giá áo túi cơm thì nền võ thuật của nước nhà nguy mất. Đã đến lúc phải thay đổi nó đi!”
Đúng là:
Chốn võ đường, anh hùng bế tắc
Ngoài giang hồ, vằng vặc trăng soi
Tham vọng thay đổi giang hồ của Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi rồi sẽ ra sao, hãy đọc tiếp sang chương 4.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.