Vợ! Có Phải Là Nhà

Chương 3


Đọc truyện Vợ! Có Phải Là Nhà – Chương 3

Mẹ tôi bán cơm tấm, mẹ nấu ngon nên bán rất đắt hàng. Trong những vị khách của mẹ có anh. Anh thuê nhà đối diện nhà tôi, mở tiệm sửa xe. Tiệm sửa xe của anh cũng đắt như quán cơm của mẹ tôi vậy. Mẹ tôi bán hai buổi, sáng cơm tấm, chiều cơm bình dân. Tôi thì tranh thủ sáng đi học, trưa về bưng phụ mẹ. Anh là một vị khách khá trung thành với quán cơm của mẹ.
Năm lớp 9 cuối cấp, tôi lao đầu vào học ngày lẫn đêm. Hôm ấy xui thế nào mà tôi bị xe đụng, đầu đập vô con lươn bất tỉnh trong mấy phút. Mở mắt ra thấy mình nằm trong bệnh viện Chợ Rẫy rồi. Mệt quá lại thiếp đi, tỉnh lại lần nữa thì thấy mình nằm ở nhà, và gương mặt tôi nhìn thấy đầu tiên là bà nội. Nội ân cần hỏi tôi có sao không, vài câu quan tâm khách sáo, thế mà tự dưng tui mừng mừng tủi tủi , nước mắt vô thức rịn ra. Nội nở nụ cười trìu mến, rồi đi ra ngoài. Nằm nghỉ ở nhà hai ngày, tôi phải cố đi học lại, vì kì thi gần kề. Mẹ vẫn lo buôn bán, ba đi làm, xe đạp của tôi đem qua tiệm của chú sửa, thế là chú xung phong đưa đón tôi đi học. Mẹ thấy chú cũng thật thà, nên đành đồng ý. Mẹ có gửi chú ít tiền, nhưng chú không nhận. Chú bảo do chú sửa xe của tôi lâu, tôi không có xe đi học thì chú chở là đúng thôi. Ấy thế mà mẹ đâu có chịu, mẹ dứt khoát dúi tiền vào tay chú, mẹ không muốn mang tiếng lợi dụng, nếu chú không lấy, mẹ sẽ kêu xe ôm chở tôi, thế là chú đành phải cầm.

Thời đó không hiểu sao mà chú sửa xe đạp của tôi lâu kinh khủng, cả tháng trời mà vẫn chưa xong. Hồi ấy, chú lớn hơn tôi 12 tuổi, nên tôi toàn gọi chú. Chú cao gầy, còn tôi ốm nhom, đen nhẻm làn da bánh mật, chỉ được cái gương mặt tròn thôi, có một thứ mà tôi tự hào đó là mái tóc. Tóc tôi nâu hạt dẻ, dài và thẳng. Thời mà duỗi tóc rất thịnh hành, thì tóc tôi thẳng mượt mà ai cũng tưởng duỗi không í.

Tôi vượt qua kì thi học kì xuất sắc, sau những đêm ngủ lúc 12 giờ, dậy lúc 4 giờ sáng, giờ nhớ lại còn ám ảnh.
Thi xong thì Giáng Sinh cũng về, ngoài đường đông đúc hẳn. Mọi người đổ xô ra Sài Gòn, và khu Xóm Đạo bên quận tám rất vui. Nhà nội ở mặt tiền đường lớn, nên chiều hôm đó, tôi lại bắt ghế ra ngồi trước cửa, ngắm dòng xe qua lại. Bình thường thì tôi cũng có nhóm bạn chơi lò cò, nhảy dây, bờ ao sông biển núi, chắc hôm nay là lễ, nên chúng nó được ba mẹ chở đi chơi hết rồi. Tôi vừa nhìn xe, vừa lẩm nhẩm lại những bài học trên lớp. Chợt chú trờ tới, chạy lên thềm nhà, đậu xe ngay trước chỗ tôi ngồi:

– Ngà không đi chơi sao ngồi đây?
– Sao Ngà phải đi chơi?
– Thì lễ mà.
– Ủa, lễ là phải đi chơi hả chú?

Tôi hỏi nghiêm túc , mà chú lại phá lên cười ha hả, nhìn muốn đạp phát cho té xe. Mà công nhận, chú cười rất đẹp, nụ cười vô tư mà giờ muốn tìm lại cũng khó. Cười cho đã, chú dựng chống xe, ngồi xổm trước mặt tôi, không hiểu do ánh đèn đường thời đó không được sáng, hay do mắt tôi sau những đêm ngủ không đủ để học bài, mà tôi lại thấy chú đẹp, đẹp lung linh, mờ ảo.


– Ngà muốn đi dạo Sài Gòn, xem hang đá không? Đẹp lắm đó.
– Ngà cũng muốn, nhưng ba trực đêm, mẹ thì lo chuẩn bị hàng mai bán rồi. Mẹ không thích nơi đông đúc đâu. Ngà ở nhà thôi.
– Ừ. Vậy tôi xin mẹ chở Ngà đi chơi nhé, chịu không?
– Chú chở Ngà?
– Ừ.

Tôi hí hửng gật đầu cái rụp, con nít đấy, 14 – 15 tuổi mà dễ bị dụ lắm cơ. Chú nháy mắt tinh nghịch, đứng lên nhìn tôi.

– Ngà chịu khó lên xin mẹ trước, rồi nhờ mẹ xuống nhà xíu nhé. Tôi vô nhà Ngà không tiện.
– Dạ

Tôi chạy lên lầu xin mẹ đi chơi, nói chú chở. Mẹ nhìn tôi hơi cau mày, mẹ lau vội tay rồi đi xuống. Chú nhìn mẹ, cúi đầu chào.


– Xin phép bác cho cháu chở Ngà đi xem hang đá. Tội nghiệp, học xong ở nhà cũng buồn lắm. Cháu hứa chở Ngà về trước 9 giờ tối.

Mẹ nhìn chú, rồi nhìn tôi thở dài. Mẹ thấy cái ghế tôi còn đặt ngay cửa, mắt mẹ thoáng buồn, mẹ xoa xoa đầu tôi.

– Con có muốn đi chơi không? Xem hang đá?
– Dạ. Mẹ cho con đi nha.
– Ừ! Đi tới chỗ đông người cẩn thận.

Mẹ nhìn qua chú “đưa cháu đi trông chừng giùm chị”. Chú lại nở nụ cười ngọt ngào, gật đầu đồng ý. Mẹ quay vô nhà, làm tiếp công việc dang dở. Tôi lên lầu, thay bộ đồ đi học, áo trắng, quần tây xanh, vì tôi không có đồ đi chơi đâu. Đồ này mẹ may cho đi học từ lớp 6 cơ, giờ học lớp 9 mặc áo dài rồi, nên đồ tây cất đó, thỉnh thoảng phụ đạo hay đi thi mới mặc thôi. Chạy xuống, chú nhìn bộ dáng tôi, mắt hơi nhếch lên, miệng thì cong chắc chuẩn bị cười tôi nữa đấy, cười nữa tôi giận không thèm cho chú chở nhá. Hên sao, chú không cười, chỉ lấy tay đằng hắng che miệng rồi leo lên xe chờ. Tôi leo lên ngồi sau xe chú, vi vu qua mấy con đường tấp nập, gió đêm thổi tóc tôi bay bay, xe chú lướt êm, làm tôi như bay giữa dòng người hối hả.
Chú chở tôi qua khu xóm đạo ở quận 8, đường đông thật, phải gửi xe tận ở đầu đường rồi đi bộ vô. Hang đá đẹp chưa thấy, chỉ thấy ngột ngạt đầy người. Gửi xe xong, chú nắm tay tôi dắt đi dưới những ánh đèn ông sao lấp lánh. Lần đầu tay tay với chú, tim tôi bỗng đập mạnh, mặt tôi nóng bừng. Rất nhiều người va vào tôi, mà chú không che được hết, có vài lần tưởng chừng chú phải buông tay, nhưng không, tay chú siết chặt, chặt hơn. Lần đầu tường tận những hang đá to cầu kì, tôi không khỏi mắt chữ A, miệng chữ O ngắm nhìn. Có thác nước nữa cơ, có ông già Noel khổng lồ, lắc lư theo điệu nhạc. Hai bên con đường treo rất nhiều đèn hình ngôi sao be bé đủ màu. Tôi cứ mãi ngước nhìn bầu trời đêm chứa đựng những vì sao lấp lánh như mơ vậy, bỏ hết dòng người chen chúc ở thế giới bên ngoài, đến khi tôi đâm sầm vào vòm ngực rắn rỏi của chú. Chú cúi nhìn tôi, thở hắt ra, hình như giận thì phải. Tôi cứ ngơ ngác, mắt chớp chớp chẳng hiểu chú giận gì. Chú cũng không nói, lặng lẽ nắm tay tôi, vòng lại, dắt ngược ra ngoài.


– Chú ơi! Bên trong còn nhiều hang đá lắm. Mình chưa xem hết mà.
– Giống nhau thôi, tôi chở Ngà ra Sài Gòn xem tiếp, còn kịp giờ về nữa. Về trễ Ngà bị mẹ la đó.

Thế là tôi lại lẳng lặng theo sau chú, hai tay đan chặt, mà mắt vẫn dõi theo dây đèn ông sao đủ màu chớp tắt. Chật vật lắm mới ra tới Sài Gòn, khu nhà thờ Đức Bà. Chú dựng chống đứng, kêu tôi chờ chú đi đâu đó. Ngồi trông xe mà tôi sợ thật sự, xung quanh toàn thanh niên loi nhoi cười nói, họ quăng bông giấy đầy đường. Hồi nhỏ, mẹ hay kể về những bà già chuyên dùng ngải bắt cóc, lột vàng của trẻ con, nên ít khi cho tôi đi đâu một mình lắm. Giờ mình tôi ở đây, tôi sợ như sắp khóc luôn í. Từ đâu có một đám thanh niên tiến về phía tôi, mặt tên nào cũng khinh khỉnh, nhìn như muốn nuốt sống tôi vậy, bọn chúng hốt một đống bông giấy dưới đất, đứng vây xung quanh tôi, bất ngờ thả tất cả bông giấy lên đầu tôi, cười ha hả rồi chạy đi. Tôi nhìn theo bọn chúng, tức không nói được nên lời, mắt tôi long lên, nước mắt chực trào. Bỗng đâu có ly lục trà sủi bọt đặt vào tay mình mát lạnh, tôi xoay lại nhìn chú. Gương mặt chú rất lạ, đôi mắt chú nhìn tôi như thương cảm, lẫn đau lòng, chú phủi phủi bông giấy trên đầu tôi xuống, đột nhiên, chú ôm tôi thật chặt. Tôi vẫn đang ngồi trên xe, còn chú đứng nhé.

– Tôi xin lỗi, Ngà đừng sợ, có tôi ở đây rồi.

Mọi người xung quanh nhìn chúng tôi, bọn thanh niên kia quay lại, chúng tính xả rác lên đầu tôi nữa hay sao í, nhưng tôi có cảm giác chú trừng mắt bọn chúng, thấy chúng nhấp nhấp tới tôi rồi lại thôi, chúng gom rác ( bông giấy) xả lên đầu người khác. Tôi đẩy chú ra, môi cong lên giận dỗi.

– Chú chở Ngà về đi, Ngà mệt rồi.
– Ừ.

Chú chở tôi, nhưng không chở về ngay, mà tắp vô công viên 23/9, tôi trừng mắt nhìn chú. Chú nhìn tôi da diết sao í, nở nụ cười gượng gạo.

– Ngồi ghế đá này đi, tôi gỡ hết bông giấy trên tóc xuống rồi về.


Tôi và chú ngồi xuống ghế đá. Chú kêu tôi xoay lưng để chú gỡ bông giấy cho. Ngồi xoay lưng với chú, tôi lại ngắm xe qua lại, nhìn vòng xoay bùng binh thắp sáng rực rỡ, vô thức tôi mỉm cười một mình. Sau lưng tôi, chú nhẹ nhàng gỡ sợi thun tôi buộc trên tóc xuống, luồn tay vào suối tóc dài suôn mượt của tôi mà gỡ từng miếng bông giấy be bé tròn tròn. Nhiều cơn gió thoảng qua, mùi hương Enchentuer hòa trong không khí từ tóc của tôi phảng phất thật dễ chịu, tôi không thấy chú gỡ tóc mình nữa, xoay lại thì thấy tay chú vẫn lơ lửng trong không trung, dường như đang rờ, thưởng thức mái tóc dài của tôi vậy, chẳng có gì gọi là phủi bông giấy hết. Bực mình, tôi cúi đầu, dùng tay quào quào tóc cho bông giấy rớt lả tả, chú không phụ tôi, mà đờ mặt ra ngó á. Xong xuôi, tôi giật sợi thun trong tay chú, cột lại tóc đuôi gà của mình.

– Chú mơ đã chưa, Ngà muốn về.
– Ừ.

Chú chở tôi về nhà gần 9 giờ. Chú lại nhờ tôi lên kêu mẹ xuống. Tôi nhìn chú mang bực bội, sao thích làm phiền mẹ tôi vậy, chở người ta đi chơi mà toàn mơ ngủ không. Nhưng rồi tôi cũng lên kêu mẹ.

– Dạ, cháu chở Ngà về an toàn. Nhưng lúc nãy bị một nhóm loi nhoi xả bông giấy lên đầu, em phủi chưa kĩ, bác phủi lại giùm cháu.
– À, lát chị kêu nó gội đầu. Cám ơn em.
– Dạ, cháu về.
– Ừ.

Chú đi qua phía tôi, đưa cho tôi ông già Noel bằng bông bé xíu, loại dùng móc khóa, nhoẻn miệng cười, xoa xoa đầu tôi, mới lên xe chạy đi.
Trong mỗi phút giây trong cuộc sống, nếu vui vẻ thì hãy tận hưởng đi, đừng như tôi giận dỗi, và chúng tôi đã lỡ nhau suốt 10 năm trời .Tôi nhìn ông Noel, dễ thương quá. Tôi cũng chẳng bao giờ ngờ rằng, sau lần đi chơi đầu tiên đó, phải tận 10 năm sau, tôi và anh mới tái ngộ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.