Đọc truyện Vợ! Có Phải Là Nhà – Chương 1
” Lạch, xạch, xèn xẹt”, tiếng chồng ghế nhựa ma sát trên nền sân xi măng thật chói tai. Bà Nội đứng giữa sân, một tay chống nạnh, một tay chỉ trỏ về hướng mẹ tôi chửi rủa.
– Đồ đĩ thỏa, nó ăn nằm với cha chồng, chửi luôn cả mẹ chồng, cái giống gì mà lì hơn chó, đuổi hoài không chịu đi. Đồ đĩ! Nhà tao không nuôi đĩ, mặt mày dày thế hả con kia?
Mẹ cúi gầm mặt, nhặt lại từng cái ghế, cái bàn bị nội quăng ra đường. Từng giọt nước mắt mẹ rơi cũng không làm nội nguôi giận. Bà đứng đó tru tréo. Lôi luôn cả ngoại ra chửi đổng.
– Má chửi con sao cũng được, đừng xúc phạm tới mẹ con.
– Mẹ mày không dạy mày, nên đẻ ra mày làm phường ăn cắp, mày mang đồ nhà này về cho bả, sau bả chết nhét vô mắt bả mở to như cái tô.
Mẹ tôi giận lắm, mặt đỏ gay nhìn nội. Bà nhìn mẹ, trề môi, sấn tới.
– Mày đánh tao à, nè đánh đi. Đồ mất dạy!
Vừa nói, bà vừa nhào tới mẹ. Không biết cô mới từ đâu đi về, tưởng mẹ đánh nội liền lao tới, tát, cào cấu mẹ. Mẹ tôi phản kháng, vừa đỡ, dằn tay cô ra. Bà nội từ phía sau, giữ tay mẹ lại, cô được nước cào vào cổ mẹ những lằn vết thương sâu hoắm.
– Má muốn đánh, con để yên cho má đánh. Nó là em chồng. Nó hỗn là con có quyền đánh lại. Má nhắm má giữ con được không?
– Mày là chị dâu, chứ chị ruột mà hỗn với má tao cũng đánh.
Nội nghe mẹ nói, cũng chùng lại, trừng mắt nhìn cô
– Thôi, để đó lát thằng Đông về xử. Đánh thứ này đau tay thêm.
Bà buông mẹ ra, cùng với cô đi vô nhà. Mình mẹ ở lại thu dọn bãi chiến trường. Lòng mẹ đau và uất nghẹn, hàng xóm bu đông rồi cũng tản ra, họ bất bình đấy, nhưng đèn nhà ai nấy sáng, họ xem chỉ trỏ bàn tán, rồi tản đi như không thấy chuyện gì. Nhìn từng bịch gạo, mắm muối bột ngọt vương vãi dưới đất, bàn ghế gãy gọng, mẹ lặng lẽ thu gom từng đồng vốn của mình đem vứt bỏ, chỉ giữ được vài cái ghế nhựa vẹn nguyên. Gương mặt mẹ bỗng bình thản, nước mắt cũng cạn khô.
Sau khi dọn dẹp xong, mẹ tắm rửa cho tôi sạch sẽ, mẹ cũng tắm cho mình thật sạch. Hôm nay mẹ lạ lắm, mẹ chải tóc cho tôi, dặn dò đủ thứ, khi ấy tôi ngây ngô nào hiểu mẹ đang trăn trối cho con. Mẹ hỏi tôi thích mặc gì, mẹ cho tôi mặc áo đầm tôi thích nhất, dặn tôi ra ngoài chơi chờ ba về.
Khi tôi đã chạy đi chơi, mẹ cầm lọ thuốc ngủ trên tay cười như ngây dại. Mẹ viết những dòng uất ức cuối cùng trên trang giấy màu vàng nâu gửi lại cho ba. Chỉ có hai tờ giấy đôi, những nét chữ nhòe nhoẹt bởi nước mắt. Rồi mẹ đổ ra từng vốc thuốc viên tròn nhỏ, bỏ vô miệng, uống thêm ít nước. Cứ thế, khi ly cạn nước thì 100 viên thuốc ngủ đã nằm trọn trong bao tử của mẹ.
Đột nhiên tôi cảm thấy bồn chồn lạ. Cảm xúc của đứa trẻ 5 – 6 tuổi nhìn mẹ sụt sùi, tôi cũng khóc theo. Tôi ôm mẹ, vùi đầu vào lòng mẹ như thể đó là lần cuối cùng. Mẹ vỗ lưng tôi xuýt xoa, mắt mẹ bắt đầu lờ đờ, đầu hoa lên nặng trịch. Mẹ nói mẹ muốn ngủ, và mẹ nằm xuống, nhắm mắt an tĩnh đi vào giấc ngủ sâu. Tôi nhìn mẹ, tim nghẹn lại, mà tới khi lớn lên, tôi mới hiểu đó là đau lòng.
Ba và mẹ quen nhau trong đám cưới của người bạn chung. Ba say quá, nhà ngoại có chiếc xích lô của bác, thế là mẹ đạp xích lô chở ba về, vì nhà nội cách nhà ngoại chỉ 2 cây số. Mẹ tôi ấy hả, to cao và khỏe như đàn ông. Còn ba ngược lại nhỏ xương và nhỏ con. Tuy mẹ lớn xác, nhưng còn trẻ con lắm. Hai mươi hai tuổi, mà mẹ còn chơi nhảy lưng gù, tắm dưới trời mưa reo hò như con nít. Những ngày như thế, ba chỉ đứng bên kia đường nhìn qua rồi phì cười.
Quen nhau được mấy tháng rồi giận dỗi tận hai năm. Ba đăng kí đi bộ đội, mẹ ở nhà phụ ngoại buôn bán. Ngày ba về nước, hôm đó trời cũng đổ mưa to, me tắm mưa, còn ba đứng bên đường nhìn mẹ. Dì tôi thấy ba, khều mẹ xem. Mẹ giận dỗi, bỏ vô nhà. Nhà ngoại tôi nằm trong con hẻm sâu, hơi ngoằn nghèo. Về nhà, sau khi tắm rửa sạch sẽ, ngoại kêu mẹ ngồi nói chuyện, làm mai mẹ cho chú công an nào đó. Mẹ lớn tuổi rồi, con gái thời ấy 24 là bị già rồi í, ai xuôi khiến sao mẹ cũng gật đầu.
Đêm đó, mẹ trằn trọc không ngủ được. Mẹ nhớ ba, nhớ rất nhiều. Sáng hôm sau, mẹ viết thư nhờ dì giao cho ba, để làm gì ư, để đòi lại tấm hình khi xưa mẹ đã tặng. Ba lập tức hồi âm, hẹn mẹ đi uống nước mía trả hình, mẹ ra uống gần hết xe nước mía, ba mới nói ” anh quên hình ở nhà rồi”. Cứ thế, hai người dùng dằn hết nước mía rồi đá chanh, mà tấm hình vẫn chưa đòi được.
Ngày dạm ngõ mẹ tới, đêm trước, ngoại thấy mẹ ngẩn ngơ, biết con có tâm sự nên thì thầm hỏi nhỏ. Mẹ thừa nhận mẹ yêu ba mất rồi. Ngoại chỉ biết xoa đầu con thở dài, “thương con nhưng lỡ hứa với người ta rồi, con ơi”. Sáng hôm đó, hẹn 9 giờ mà gần 11 giờ, người bên nhà ấy mới qua báo tin chú bị tai nạn giao thông, xin dời ngày. Ngoại cảm thấy trong cái rủi có cái may, thế là ngoại viện lý do chắc không hợp nên thôi, mắc công lại gặp xui rủi. Bên kia cũng cảm thấy đám này không lành,nên nhanh chóng đồng ý. Sau khi họ ra về, ngoại lại ngồi bên giường với mẹ, ngoại nắm tay mẹ, nhìn mẹ đăm chiêu lo lắng:
– Con thương thì mẹ gả, chứ mẹ thấy nó ốm yếu, liệu có lo được cho con không? Thằng đó giống như nghiện xì ke vậy, chỉ được cái là hiền thôi.
– Mẹ yên tâm. Con tự chọn nên con sẽ tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình.
Thế là mẹ hẹn ba ra, dứt khoát một lần. Ba về thưa với nội, nhưng nội không chịu vì mẹ là gái gốc Bắc. Nội nói con gái Bắc hung dữ và không chung thủy. Nói sao bà cũng không xuôi. Ba phải đạp xe lên nhà ông nội xin cưới vợ. Ông nội gật gù mừng rỡ “để ba lo cho”. Ông nội cho ba 1 chỉ vàng, ba đi cắt ra làm cặp nhẫn cưới. Đích thân ông nội xuống nhà khuyên giải bà nội, còn đưa cho bà một số tiền săm sửa đồ cưới dâu. Nội gật đầu đồng ý, bằng mặt không bằng lòng.
Đám cưới ba mẹ rất đơn sơ, mẹ đạp xích lô đi mượn chén bát, bàn ghé. Ba chạy vạy nhờ người nấu đãi khách. Tiền để dành hết sạch mà không sắm nổi bộ nữ trang cưới. Để lên hình, ba nhờ bác dâu cho mượn đôi bông tai. Luống cuống sao chiếc bông bị gãy, như báo trước một điềm không lành. Cũng còn hên là bác không bắt đền chiếc bông gãy. Tiệc tan, mẹ cùng mấy dì rửa cả núi chén, sắp xếp đạp xích lô đi trả đầy đủ. Cứ tưởng được nghỉ ngơi, nhưng khi bước vào phòng tân hôn, cả ba và mẹ đều muốn ngả ngửa.
Căn phòng riêng biệt ở tầng một của ngôi nhà khang trang, bốc lên mùi ẩm mốc, và hôi thối. Chiếc giường sắt cũ kĩ, mục nát kê sát tường. Trên đó không có tấm nệm, hay chiếu gì cả, mà toàn là phân mèo chua lè hôi tanh. Ba và mẹ lại hì hụi lau dọn, để được ngả lưng cũng gần 4 giờ sáng. Mới 5 giờ, nội đã lên đập cửa ầm ầm kêu mẹ dậy nấu cơm. Mẹ uể oải ngồi dậy, nấu xong nồi cơm lại tranh thủ ngủ, vì 6 giờ mẹ đã phải đi làm. Mẹ làm công nhân may, theo ca xoay. 6 giờ đi làm là 4 giờ về. Vừa về đến nhà, mẹ đã nghe nội sốc xỉa “kêu nó nấu nồi cơm, nó giận dỗi không ăn, để bụng ra ăn hàng quán, sung sướng còn gì bằng”. Mẹ nghe rồi cũng cố nhịn cho qua, bắt đầu chuỗi ngày làm dâu trong tủi nhục và nước mắt.