Vô Ảnh Thần Chiêu

Chương 23: Hào Hoa Công Tử


Bạn đang đọc Vô Ảnh Thần Chiêu – Chương 23: Hào Hoa Công Tử

Bến Tần Hoài…
Phong cảnh nơi đây thật trang nhã và thơ mộng. Từ bờ sông nhìn vào, đây là một thị tứ to lớn không khác gì châu thành. Bờ sông đậu san sát các loại thuyền, thương thuyền, du thuyền…
Sâu vào bên trong, các tòa biệt thự cao tầng nằm tựa vào nhau, bên cạnh đó cũng có những nhà bình thường.
Lã Tuyết Cừu đứng ngắm cảnh mà ngẩn ngơ.
Vương Nhã Thư chuyển hàng hóa vào bến, mà Tuyết Cừu tưởng như không hay biết.
Thuyền trống rồi, Nhã Thư bước tới vui vẻ nói :
– Mời công tử về tệ xá!
Tuyết Cừu giật mình, nói :
– Tại hạ lẩn thẩn mất rồi. Tâm lý của Mỹ Cơ hôm nay ra sao?
Nhã Thi mỉm cười :
– Công tử khỏi lo! Thân huynh nay làm nhiệm vụ động viên cô nàng. Hai người có vẻ… chịu nhau lắm!
Vừa đi, Tuyết Cừu vừa hỏi :
– Có gì làm chắc không?
Nhã Thi nói :
– Mỹ Cơ nói với gia huynh, sẽ theo thuyền mà trôi nổi khắp giang hồ, có nhiệm vụ áp tải hàng hóa.
Tuyết Cừu bây giờ mới cười :
– Vậy là đỡ lo!
Đoàn người bước lên bờ. Nhã Thi vừa đi vừa giải thích phong tục, phong cảnh nơi đây. Nàng nói :
– Nơi đây có tiếng là đất văn vật ngàn năm, nó phồn thịnh từ thời Đại Đường. Dòng sông này từ đây xuôi về Nam Kinh gọi là Tần Giang. Ở nhánh sông con dưới kia có đại tửu lâu Tần Hoài, mỗi ngày có hàng trăm, hàng ngàn khách giang hồ lui tới.
Tuyết Cừu có vẻ ngạc nhiên hỏi :
– Với số khách đông như vậy chỗ đâu chứa thuyền, xe ngựa, chỗ đâu đặt bàn ghế, chỗ đâu làm phòng trọ cho khách nghỉ lại?
Nhã Thi mỉm cười…
Trên đường vào thị trấn, hai bên phố xá cất chen chúc, thỉnh thoảng lại có một vài cây cổ thụ, một vài cổ vọng đài…
Nhã Thi nói :
– Sắp tới nhà rồi!
Nhã Thi đi nhanh về phía trước để báo tin.
Gia đình họ Vương nơi đây nổi tiếng là đạo đức và giàu có. Vương lão tuổi gần lục tuần, có năm con, hai trai ba gái, thứ tự Nhã Thư, Thi, Dung, Uyên, và trai rốt là Ngôn. Nhã Ngôn nay mười lăm tuổi. Cả gia đình văn võ đều có tiếng ở thị tứ này.
Cả bọn cùng kéo vào ra mắt ông bà Vương lão. Ông bà thăm hỏi từng người coi như người trong gia đình.
Việc người lớn đâu đó xong, họ để các con tiếp xúc với khách một cách tự nhiên.
Gia đình họ Vương bây giờ đột nhiên có năm bậc giai nhân đương độ và hai chàng trai phong nhã…
* * * * *
Họ nghỉ ngơi đến chiều, Nhã Thư nói :
– Tần Hoài là nơi danh lam thắng cảnh đã đi vào lịch sử. Công tử và quý tiểu thư đến đây mà không đến những nơi nổi tiếng thì thật là uổng.
Nhã Thi nói :
– Bọn tiểu muội ở nhà, nhị vị công tử đi đi!
Giải Ngữ nói :
– Nên đi chung cho vui.
Thật ra, đi chung thì cũng hơi khó, bởi vì có hai vị công tử mà đến năm vị tiểu thư. Nhưng rồi họ cũng sắp xếp để đi.
Cỗ xe song mã chở bảy người đến đại tửu lâu Tần Hoài.
Tuyết Cừu mặc y phục mới do Nhã Thi may, trông chàng như một thư sinh.
Giải Ngữ và Mỹ Cơ đi với Nhã Thư. Nhã Thi, Nhã Dung, Nhã Uyên đi với Tuyết Cừu. Để được tự nhiên, họ chia làm hai bàn gần nhau.
Tiểu nhị chạy lại, Nhã Thi gọi :
– Thố thố, Lộ Trúc tửu!
Tuyết Cừu lặng người. Đại tửu lâu này có hàng trăm thức nhấm, hằng trăm loại rượu, cớ sao Nhã Thi gọi hai món này trùng với Tuyết Minh trước đây?
Chàng hỏi :
– Món thố thố thì phải dùng với Lộ Trúc tửu sao?
Nàng nói :
– Không nhất thiết!
Tuyết Cừu hỏi Nhã Dung, Nhã Uyên :
– Nhị vị hiền muội có dùng rượu được không?
Nhã Uyên năm nay gần mười bẩy tuổi, lứa tuổi nằm giữa tuổi thơ và người lớn, có những tưởng tượng phong phú, những ước mơ thầm kín, đó cũng là lứa tuổi thích mạo hiểm, nghĩa hiệp.
Nàng đáp :
– Bọn tiểu muội thỉnh thoảng cũng dùng rượu, nhất là những thứ rượu quý này. Tửu lượng không tệ nhưng nếu đại ca không cho phép thì bọn tiểu muội không dám.
Tuyết Cừu nói :
– Tiểu huynh nào dám thế? Chỉ sợ nhị vị hiền muội dùng không quen, e khó chịu thôi.
Quán dọn rượu và thức nhấm ra…
Mọi việc do các cô khéo tay bày biện.
Tuyết Cừu quan sát tửu lâu này.
Đây là một đại khách điếm bốn tầng, mỗi tầng có vài chục phòng, trong đó có một phòng dùng để làm thực phòng.
Riêng tại sân này cũng đến vài trăm thực khách. Sang hèn, quan quân, giang hồ, vương tôn công tử cũng có thể ngồi ở đây, chẳng cần thiết phải lên lầu. Nơi này mát mẻ, phong cảnh lịch sự.
Nếu bàn nào không có người đẹp thì nhà quán sẳn sàng cung cấp mỹ nữ. Không biết quán này có bao nhiêu giai nhân?
Tuyết Cừu để ý thấy những người của quán mặc một loại y phục riêng. Nhờ vậy mà chàng biết bàn nào cũng có người của quán, duy hai bàn của chàng và Nhã Thư là không có.
Bỗng Nhã Thi hỏi :
– Công tử suy nghĩ gì mà ngẩn ngơ vậy? Khai cuộc đi chứ!
Cả ba cô mỉm cười nhìn chàng.
Tuyết Cừu nói nhỏ :
– Quán này không phải là quán phục vụ cho khách một cách thuần túy. Họ có mục đích mưu đồ riêng.
Nhã Thi nói :
– Công tử căn cứ vào đâu mà xác quyết việc này?
Tuyết Cừu nói :
– Cứ nhìn những người tiếp khách nơi đây đủ biết họ có võ công rất cao. Có điều chưa biết họ là người trong tổ chức nào đó thôi.
Nhã Dung nói :
– Mặc họ! Chúng ta đang là thực khách, thì hãy tròn vai trong việc ăn uống là vui. Dây vào giang hồ thì thường hay đổ máu. Vô sự tiểu thần tiên!
Mỗi người mỗi câu, bàn tiệc này trở nên sôi nổi. Bàn Nhã Thư bên kia cũng linh hoạt không kém.
Chợt Nhã Dung nói :
– Nhìn phong thái của công tử, tiểu muội dám nói rằng, khắp cả Trung Nguyên này không có ai tài hoa bằng. Bởi vậy, tiểu muội đặt cho đại ca một tên khác, đó là Hào Hoa công tử.
Tuyết Cừu thản nhiên nói :
– Tiểu huynh là kẻ bần hàn cùng khổ. Y phục này của Nhã Thi may cho. Tiểu huynh không xứng với lời khen đó.
Nhã Uyên nói :
– Đại ca quá khiêm tốn! Khiêm tốn là đức tính tốt. Nhưng đại ca cứ nhận cái hiệu mới này, sẽ bớt đi sự phiền toái.
Tuyết Cừu phải công nhận Nhã Uyên rất sâu sắc. Chàng nói :
– Cảm ơn chư vị! Nhận thì tiểu huynh cứ nhận, nhưng mà xưng hô làm sao đây? Ví dụ có người hỏi các hạ tên gì, chả lý phải đáp Hào Hoa công tử?
Nhã Uyên nói :
– Có sao đâu? Nếu đối tượng là kẻ đối đầu, thì đại ca cứ xưng vậy là yên ổn. Còn kẻ biết điều, đại ca cứ nói thật tên mình.
Tuyết Cừu cười :
– Hay lắm! Từ nay tiểu huynh lại có thêm một mỹ hiệu là Hào Hoa công tử. Đa tạ chư muội.
Chợt có một thiếu nữ ăn mặc sang trọng, từ trong quán thoăn thoắt tiến về phía chàng. Nàng chào mọi người rồi nói :
– Chủ nhân của bổn quán có ý muốn gặp công tử?
Tuyết Cừu ngạc nhiên hỏi :
– Muốn gặp tại hạ? Chủ nhân của quý quán là ai? Và cô nương biết tại hạ tên gì?
Thiếu nữ nói :
– Xin công tử thứ lỗi, tiểu muội chỉ biết vâng lời ngoài ra không biết gì cả.
Nhã Thi nói :
– Xin cô nương hãy chịu phiền vào trong hỏi lại chủ nhân, chủ nhân là ai, mời vị công tử đó tên gì, để khỏi có sự nhầm lẫn. Nếu cần thì bàn này mời chủ nhân diện kiến.
Thiếu nữ có vẻ buồn, quay mình bỏ đi. Một lát nàng lại trở ra, nói :
– Chủ nhân không muốn xưng tên giữa đông người. Chủ nhân cũng không biết tên công tử, chỉ thấy công tử là khách có tướng mạo sang trọng. Chủ nhân muốn gặp để trao đổi vài việc, xin công tử vui lòng cho!
Ba Tỷ muội họ Vương cau mày, nhưng Tuyết Cừu nói :
– Được tại hạ sẽ vào!
Thiếu nữ chào rồi lui gót.
Nhã Thi nói :
– Mới vừa đặt tên Hào Hoa công tử thì đã có chuyện xui rồi.
Nhã Uyên nói :
– Chắc là không việc gì.
Tuyết Cừu đứng lên nói :
– Chư vị yên tâm! Tại hạ vào đó một lát rồi ra ngay!
Nói xong, chàng thong thả đi vào.
Thiếu nữ khi nãy đứng chờ chàng bên cửa, tiếp và đưa chàng vào phòng.
Nàng gõ cửa. Cửa mở, nàng nghiêng mình nói :
– Tiểu nữ đã làm xong việc!
Chủ nhân ra hiệu cho nàng lui gót.
Chủ nhân là một thiếu phụ trạc chừng ba mươi, tướng mạo trang nhã, đẹp tuyệt trần. Nàng y vận lộng lẫy. Da trắng như bạch ngọc, mắt êm dịu… Cả hai cùng nghiêng mình chào nhau. Thiếu phụ nhìn chàng chăm chăm và chàng cũng êm đềm nhìn lại nàng. Chưa ai lên tiếng…
Gió lùa vào rèm lay động. Thiếu phụ khẽ mỉm cười nói :
– Mời công tử vào!
Tuyết Cừu chưa bước vào, hỏi :
– Chủ nhân có tướng mạo cao quý thay! Chẳng hay… Nương tử cho gọi tại hạ có việc gì?
Nàng đáp :
– Thì cứ vào bên trong đàm luận!
Nàng đưa tay mời vào. Căn phòng hẹp nhưng sang trọng, trần thiết đơn giản và trang nhã. Vài bức cổ họa, dăm mười quyển sách trên án thư.
Một giường ngủ chưa buông rèm, một bàn tiếp khách có khảm xa cừ và ngọc. Trên bàn có bình rượu và bình trà. Hai ghế ngồi không đặt đối diện mà đặt cùng một bên.
Thiếu phụ nói :
– Mời công tử ngồi!
Tuyết Cừu chưa kịp nói gì, nàng nắm tay kéo xuống.

Tuyết Cừu hỏi :
– Nương tử có biết tại hạ? Và xin cho biết quý danh để tiện xưng hô.
Nàng nói :
– Chắc công tử ngạc nhiên lắm. Tiện thiếp là Uất Trì Thánh Linh. Tệ phụ đã qua đời, vừa mãn tang. Xin công tử cho biết cao danh!
Tuyết Cừu ngạc nhiên hỏi :
– Vậy là chủ nhân không biết tại hạ. Đã không biết sao lại mời vào đây?
Nàng rót ra hai cốc trà và một chén rượu, nói :
– Lý do sẽ nói sau, xin công tử đừng nóng lòng. Mời dùng trà, dùng rượu.
Tuyết Cừu nói :
– Thiên hạ đặt cho tại hạ cái tên… Hào Hoa công tử. Xin nương tử cho biết lý do có buổi gặp này?
Nàng mỉm cười nói :
– Công tử nhấm chút rượu hoặc trà đi đã Tiện thiếp có nghe người ta diễn tả lại diện mạo công tử như thế… như thế… với cái tên là Lã Tuyết Cừu…
Lã Tuyết Cừu nghĩ thầm :
– “Thì ra nàng biết… ta! Nhưng dòng họ Uất Trì xưa nay là chánh phái. Nhưng ý nàng thế nào? Thật khó hiểu!”
Tuyết Cừu nói :
– Vậy tại hạ là Lã Tuyết Cừu! Nói trắng ra, tại hạ là kẻ thù của võ lâm, phu nhân ý định thế nào với tại hạ?
Khánh Linh đáp :
– Cuộc sống không có trở lực, không thú vị. Cuộc sống mà mọi người đều phải thuần phục mình cũng không thú vị. Tiện thiếp là người làm cho công tử thấy cuộc sống có ý nghĩa. Mời công tử cầm chút rượu.
Tuyết Cừu bưng chén rượu lên nói :
– Đa tạ phu nhân! Tại hạ chỉ là tên thôn phu, nghề văn nghiệp võ không thông. Phu nhân dạy những lời cao sâu khiến tại hạ không hiểu.
Chàng nói rồi cạn ly rượu, đứng lên chắp tay nói :
– Thân hữu tại hạ đang ngồi chờ ngoài kia, có lẽ họ đang thắc mắc.
Khánh Linh cười :
– Công tử vội thế! Chén rượu vừa rồi, công tử uống một hơi, sao không vận nội công thử, có gì trở ngại chăng?
Tuyết Cừu nói :
– Phu nhân là bậc giai nhân, khuynh quốc. Rượu dẫu có pha chút độc cũng chả sao. Vì đó là tính nết của người đẹp.
Khánh Linh đứng lên nói :
– Công tử bận về với thân hữu. Ta đợi công tử cuối tiệc vậy.
Nàng đưa Tuyết Cừu ra cửa.
Tuyết Cừu về lại bàn mình.
Nhã Uyên hỏi :
– Ai gặp công tử?
– Chủ nhân! Tuyết Cừu đáp.
Nhã Thi nói :
– Theo chỗ tiểu muội biết, chủ nhân của quán là một giai nhân. Người ấy cao ngạo hơn hoàng hậu, ít ai được gặp mặt. Hôm nay bỗng nhiên muốn gặp công tử, tức là bên trong có một mưu tính gì. Công tử phải cẩn thận!
Tuyết Cừu nói :
– Tiểu thư nói đúng. Nhưng họ cố ý tìm ta, ta lại từ chối sao? Tại hạ đã từng vào sinh ra tử nhiều phen. Ở bến Tần Hoài này nếu có một chút thử thách, thì đó cũng coi như kỷ niệm mà thôi. Xin đừng bận tâm!
Nhã Thư và hai nàng ngồi bàn bên kia thấy Tuyết Cừu ra với gương mặt bình thản, họ cũng yên tâm.
Trời vào khuya, khách vào càng nhiều, đó là đặc tính của khách điếm Tần Hoài.
Tuyết Cừu nói :
– Sau buổi tiệc này, sáu vị ra về, tại hạ cần ở lại nghiên cứu vài việc.
Mỹ Cơ và Giải Ngữ cùng nói :
– Ta ở lại với công tử!
Tuyết Cừu mỉm cười :
– Cứ yên tâm! Ở lại đây thì khó điều tra lắm. Nếu đến trưa mai mà tại hạ không về, thì quý vị sẽ tính sau.
Nhã Uyên nói :
– Thôi, ta về, để công tử dễ làm việc.
Mọi người cùng lên xe ra về. Tuy vậy, dường như ai cũng thấy có vẻ lo lắng, nhất là Nhã Thi và Nhã Uyên.
Tuyết Cừu ngồi lại một mình, nhâm nhi với bình rượu còn lại.
Thiếu nữ khi nãy lại ra nói :
– Mời công tử vào.
Nàng nói xong rồi bỏ đi.
Tuyết Cừu đứng bên cửa ngần ngừ một chút, chàng gõ cửa. Có tiếng của Khánh Linh :
– Cứ tự nhiên!
Tuyết Cừu đẩy nhẹ cửa, thấy Khánh Linh đã mặc y phục khác. Trước đèn nàng đẹp lộng lẫy, không ai tưởng nổi đó là thiếu nữ ngoài đôi mươi! Vẻ đẹp của nàng có chút gì khêu gợi, nhưng gương mặt không mất đi nét
đoan trang chân chính.
Khánh Linh bước tới nắm tay chàng nói :
– Sở dĩ tiện thiếp muốn gặp công tử cũng chỉ muốn ấn chứng ở công tử một vài việc.
Chàng hỏi :
– Xin phu nhân dạy rõ!
Khánh Linh nói :
– Tiện thiếp là đệ tử Bát Quái giáo. Chắc công tử nghe nói đến giáo phái này rồi chứ?
Tuyết Cừu nói :
– Bát Quái giáo chia làm hai phái, cựu phái giữ tên cũ, tân phái đổi tên là Thiên Lý phái. Cả hai phái cùng thờ Lý tổ sư…
Khánh Linh mắt sáng lên, nói :
– Kiến thức của công tử sâu và rộng. Giờ Tý này, ngay tại tửu điếm Tần Hoài, có tất cả tám vị đại diện của tám giáo phái sẽ có một cuộc công chứng võ công. Ta muốn công tử đại diện Bát Quái giáo mà thi thố…
Tuyết Cừu nói :
– Tại hạ không ở trong giáo phái này, thì tư cách đâu mà đại diện?
Nàng lại nói :
– Nhưng tiện thiếp nhờ…
Tuyết Cừu minh định thái độ mình :
– Nếu ai bức hiếp phu nhân, hoặc làm một việc bất công, Tuyết Cừu này có thể ra tay can thiệp. Còn Bát Quái giáo nhắm đủ khả năng thi thố được thì tham dự, không thì thôi, chứ có ai ép?
Khánh Linh kéo Tuyết Cừu ngồi xuống trên… Đùi mình, một tay nắm tay chàng, một tay quàng qua vai chàng, nhưng kiểu ngồi này thật trái ngược. Thà Tuyết Cừu làm vậy thì được.
Chàng bình tĩnh nói :
– Phu nhân nên để cho tại hạ được tự nhiên!
Chàng nói vậy nhưng vẫn cứ ngồi trơ ra đó.
Khánh Linh đi ra ngoài đề :
– Công tử đã nổi tiếng là… Hào Hoa công tử, thì vướng bận gì thế ngồi này chứ?
Ngồi như vậy, tức hai người đã gần sát nhau.
Tuyết Cừu nghe mùi hương thoang thoảng từ cơ thể nàng toát ra… Nhưng chàng cố gắng giữ thái độ bình tĩnh để đối phó mọi việc bất ngờ.
Khánh Linh nói :
– Tiện thiếp hiện là quyền Chưởng môn Bát Quái giáo. Tín đồ Bát Quái giáo bị hạ sát khắp nơi, do sự kỳ thị về tông giáo… Tiện thiếp lấy làm đau đớn! Nếu đêm nay không thắng mấy giáo phái kia, thì không thể cứu vãn bản giáo được, và ngay tại đây, tiện thiếp giao quyền Chưởng môn lại cho công tử…
Tuyết Cừu suy nghĩ :
– “Chẳng lẽ nàng vì giáo phái của mình mà dùng mỹ nhân kế? Và nếu vậy thì cái tinh thần của tông giáo đâu còn?”
Tuyết Cừu xô nhẹ nàng ra nói :
– Giả sử phu nhân đối xử với tại hạ một cách nghiêm túc, có nghĩa là đừng qua trung gian của nhan sắc, thì Tuyết Cừu này còn có thể nghiên cứu, nên giúp cho quý giáo hay không. Còn phu nhân làm thế này, vong hồn người chín suối cũng buồn, và việc làm của tại hạ cũng không có ý nghĩa.
Khánh Linh giương đôi mắt đen láy nhìn chàng nói :
– Công tử chớ ngại! Nói vậy chứ ta đâu đã xuất giá bao giờ? Ta cũng một con người như ai cũng có rung động, buồn vui và có nữ nhân nào không ao ước người tình của mình là bậc hào kiệt? Công tử có giúp ta không?
Tuyết Cừu nói :
– Hãy chính danh rồi mới định phận! Tại hạ đành phụ lòng của tiểu thư!
Khánh Linh nói :
– Vậy là máu của Bát Quái giáo tiếp tục chảy! Mời công tử theo ta!
Nàng nói xong bước tới cửa phòng bên cạnh.
Đây là căn phòng lớn, chứa rất nhiều đồ đạc, từ đao kiếm, lọ chai, sách vở…
Phòng này có cửa chính và cửa hông, lại có cầu thang lên phòng trên.
Tuyết Cừu theo chân Khánh Linh lên phòng trên.
Bên ngoài phòng này treo đèn lồng và kết hoa. Bước vào bên trong, phòng đã trần thiết theo dạng nghi lễ như để tiếp đón bậc đại khách.
Có chín chiếc ghế đặt theo kiểu vòng tròn, ghế nào cũng phủ vải hoa, trước ghế có một bàn nhỏ, cao và trên đó có một lọ hoa nhỏ, tươi và ngát hương.
Nàng chỉ chiếc ghế trong cùng có phủ vải hoa đỏ, nói :
– Mời công tử an tọa!
Cả hai cùng ngồi xuống hai chiếc ghế kề nhau.
Một thiếu nữ bên ngoài bước vào nói :
– Bảy vị nương nương đã đến đang đợi lệnh Chưởng môn!
Khánh Linh nói :
– Hãy duy trì trật tự ở tửu lâu trong lúc ta bận việc! Mời tất cả lên đây. Kẻ tùy tùng của họ mời vào phòng bên tiếp đãi trà nước tử tế!
Khánh Linh kéo tay Tuyết Cừu bước ra cửa, nói :
– Chúng ta cũng phải nghênh tiếp họ. Trừ hai ghế khi nãy, công tử hãy hướng dẫn họ ngồi vào ghế nào cũng được.
Giây phút, dưới lầu kéo lên rất đông… Bảy vị nương nương là bảy thiếu nữ trẻ đẹp tinh khôi và ăn mặc nhiều kiểu khác nhau.
Người đi đầu là thiếu nữ áo hồng thêu hoa sen xanh đi kèm với… Con hồng hạc cao lớn dị thường, có thể chở người mà bay.
Khánh Linh đưa tay lên ngực làm dấu hiệu chào hỏi. Nàng giới thiệu :
– Thanh Liên giáo chủ Huyền Hoa.
Kế đó thiếu nữ thứ hai mặc y phục màu xanh, thêu hoa sen hồng.
Khánh Linh hô :
– Hồng Liên giáo chủ Tống Vân.
– Kế đến, Bạch Liên giáo chủ Hư Trinh.
– Đạo cô Tả Anh Huệ.
– Ni cô chưa xuống tóc Ngũ Ngoạn Cô.
– Thiên Lý giáo chủ Quách Đinh San.
– Toàn Chân chưởng môn Ngọc Diêu Quỳnh.
– Và cuối cùng Bát Quái chưởng môn đeo phù hiệu hình bát quái Uất Trì Khánh Linh.
Tất cả tám người ấy ngồi theo sự sắp xếp của Tuyết Cừu.

Sau bảy người này còn có một đám tùy tùng hoàn toàn là nữ cũng trẻ đẹp, ăn mặc theo giáo phái của họ. Dĩ nhiên tất cả đều mang vũ khí.
Điều ngạc nhiên nhất trong đám bảy người này có Ngũ Ngoạn Cô. Nàng thấy Tuyết Cừu nhưng vẫn làm mặt lạ.
Con hồng hạc đứng bên cạnh Huyền Hoa cho nàng tựa tay. Huyền Hoa có dáng tiên phẩm, trang trọng và cao nhã vô cùng!
Trong đám quần hồng này nàng là người tuyệt vời nhất!
Ngoài Ngũ Ngoạn Cô, người nào cũng nhìn Tuyết Cừu bằng cặp mắt tò mò lẫn kinh dị.
Khánh Linh nói :
– Nhân trên bước trường du của Hào Hoa công tử, bản giáo có mời công tử ở lại để làm chứng nhân cho cuộc hội ngộ hôm nay!
Ngũ Ngoạn Cô nói :
– Theo điều lệ, không có người lạ nào ngoài tám vị Chưởng môn. Hơn nữa, nơi đây là giới nữ lưu sinh hoạt, vậy yêu cầu Hào Hoa công tử hãy ra ngoài!
Lã Tuyết Cừu đứng lên, chào tám nàng tiên, xong rồi nói :
– Tại hạ vốn không muốn có việc náo nhiệt này. Nhưng do sự khẩn khoản của chủ nhân, là muốn nơi đây sắp xếp có sự công bằng. Nếu chư vị thấy không cần thiết, tại hạ xin lui gót vậy!
Chưởng môn Toàn Chân Ngọc Diêu Quỳnh nói :
– Đây là hảo ý của Bát Quái chưởng môn và cũng là thiện ý của Hào Hoa công tử, bản Chưởng môn ủng hộ đường lối này.
Sáu vị tiên nữ kia đều tán đồng.
Ngũ Ngoạn Cô đứng lên nói :
– Nếu vậy, ni nữ xin cáo lui!
Nàng nói xong quay gót.
Tuyết Cừu chận lại nói :
– Kẻ sắp thành chánh quả mà cũng nóng giận sao?
Bốn tiếng sắp thành chánh quả rất mầu nhiệm. Nàng đã từng chung đụng với Tuyết Cừu không biết bao nhiêu lần sắp thành, thế mà vẫn bất thành.
Trước những cảnh đó có khi nàng bẽ bàng, có khi đau nhói, có khi oán hận, có khi mang mang dại khờ…
Gặp chàng lần này, không biết bao nhiêu là xúc động, nhưng tại sao nàng phải làm vậy? Không biết bao nhiêu điều Tuyết Cừu muốn nói. Nhưng tạm thời chàng phải ẩn nhẫn.
Ngoạn Cô liếc xéo chàng một cái rồi ngồi xuống lại.
Khánh Linh nói :
– Xét về nguồn gốc, tám giáo phái chúng ta là một. Cũng bởi thời buổi nhiễu nhương, nên giáo lý bị suy đồi. Người khác tông phái sát hại lẫn nhau. Tệ giáo mời chư vị đến đây để tìm phương pháp hòa giải. Xin chư vị cho lời cao luận…
Sau lời Khánh Linh, không biết bao nhiêu lời tranh luận sôi nổi. Mỗi người mỗi ý, mỗi lời mỗi kiểu, không ai nhường ai.
Tuyết Cừu ngồi lặng thinh mỉm cười…
Có tiếng của hồng hạc ré lên… Mọi người im lặng nhìn nó.
Huyền Hoa nói :
– Ta muốn biết qua võ công của Hào Hoa công tử!
Tuyết Cừu nói :
– Tại hạ luôn luôn đứng ngoài sự tranh chấp của quý vị. Nếu không được như vậy, tại hạ xin cáo lui.
Ngoạn Cô đứng lên nói :
– Ta mời Thanh Liên giáo chủ!
Tuyết Cừu nói :
– Xin Thanh Liên giáo chủ đừng cho hồng hạc trợ chiến!
Câu nói đơn giản như vậy khiến Ngoạn Cô thấy mát lòng, vì nói vậy, tức là chàng có ý yểm trợ ngầm cho nàng.
Nhưng Huyền Hoa lại nói :
– Con hạc này nó quen giúp cho chủ. Không nên coi nó là một nhân vật, mà chỉ nên xem mỏ là một vũ khí! Nếu quý vị có trường hợp như vậy, ta chấp nhận thôi! Chưa đấu mà đã có sự tranh cãi rắc rối!
Ngoạn Cô nổi máu lên, nói :
– Cũng được! Nhưng ta giết con hạc trước, tức là Giáo chủ chịu thua cuộc chứ gì?
Huyền Hoa gật đầu :
– Đương nhiên!
Ngũ Ngoạn Cô rút kiếm. Huyền hoa đưa song chưởng hợp theo lối chữ Thượng. Nàng phất ra một chưởng, hồng hạc cũng bay tới tấn công.
Ngoạn Cô múa kiếm đâm tới phía người và hạc.
Keng một tiếng, mỏ hạc đã ngoạm lấy kiếm Ngoạn Cô. Cả phòng, ai cũng kinh dị.
Bấy giờ Huyền Hoa tung chưởng đánh tới…
Ngoạn Cô một tay giằng kiếm lại, tay kia đánh ra một chưởng cho hạc lui, trong lúc chân nàng thi triển bộ pháp để tránh chưởng của Huyền Hoa.
Hạc nhả kiếm ra và bay thốc tới đá vào nàng.
Cặp giò nó cao gần ngang chân người. Mỏ và chân hạc rắn như sắt, quả là một loại vũ khí đặc biệt nhất cổ kim. Đó là chưa kể chưởng lực của Huyền Hoa mạnh và nhanh đáo để Ngũ Ngoạn Cô dùng phân thân thuật mà đấu với hạc và Huyền Hoa.
Không rõ sao hạc lại múa. Người đứng bên thấy có bốn con hồng hạc chống với bốn nàng Ngoạn Cô.
Huyền Hoa chắp tay đứng nhìn, thỉnh thoảng đánh ra một vài chiêu để yểm trợ cho hạc.
Trường hợp lạ kỳ này, Tuyết Cừu và Khánh Linh không biết giải quyết ra sao. Phần bại đã nghiêng về Ngoạn Cô trong phút chốc.
Tuyết Cừu hồi hộp theo dõi.
Sáu cô Giáo chủ bên ngoài đều thấy rằng, Ngũ Ngoạn Cô võ công uyên thâm, có thể uyên thâm hơn các nàng có mặt ở đây, thế mà Ngoạn Cô chưa phải là đối thủ của Huyền Hoa cộng thêm với hạc.
Huyền Hoa không rút kiếm, bởi vì đã có hạc thay kiếm. Ai cũng thấy hồng hạc quả là một vũ khí lợi hại.
Nhiều tiếng leng keng nổi lên… Ngoạn Cô nhanh bao nhiêu, hạc nhanh bấy nhiêu. Y phục của Ngoạn Cô bị hạc xé rách nhiều nơi. Nó xé bằng mỏ, bằng vuốt. Một vài nhát mỏ găm vào mình Ngoạn Cô đau thấm thía, có nơi rươm rướm máu.
Bây giờ Ngoạn Cô mới biết mình đang ở thế nguy. Rõ ràng là vậy. Vì những lúc Ngoạn Cô bị hạc tấn công. Nếu Huyền Hoa đánh bồi thêm nữa, nàng tránh đâu khỏi thương vong?
Ngoạn Cô vừa buồn vừa thẹn, nàng đem hết bao nhiêu sức lực còn lại để chiến đấu trong tuyệt vọng.
Tuyết Cừu bất lực trong trường hợp này.
Bỗng Khánh Linh nói :
– Dừng tay!
Huyền Hoa rít lên một tiếng, hồng hạc lùi lại. Nàng khoanh tay nhìn Ngoạn Cô. Bộ lam y của nàng rách tơi tả, có nơi để lộ những mãng da trắng nõn nà, lại có những vết thương, vết máu…
Tuyết Cừu đưa thuốc Thần Thủy cho nàng nói :
– Con hạc có tên là Tuyết Nê hồng hạc, nó tinh quái lắm. Tiểu thư uống thuốc này vài khắc là ổn ngay!
Ngoạn Cô nhận thuốc rồi bỏ ra ngoài.
Tuyết Cừu chạy theo nói nhỏ :
– Giá nào… Hiền muội cũng phải chờ tiểu huynh! Có việc quan trọng lắm!
Thấy chàng có vẻ khẩn thiết như vậy, Ngoạn Cô gật đầu nói :
– Chốn này yêu ma quỷ mị nhiều lắm, không nên tin bất cứ ai!
Tuyết Cừu trở vào, kịp nghe Huyền Hoa hỏi :
– Còn vị nào chịu đấu nữa?
Không thấy ai lên tiếng, Quách Đình San Chưởng môn Thiên Lý giáo nói :
– Được! Ta đấu với Giáo chủ! Và ta cũng có một loại vũ khí riêng!
Nàng nói xong lấy trong người ra một cái bọc, không ai biết bọc đó đựng thứ gì. Nàng để bọc đó xuống đất rồi chuẩn bị chiến đấu.
Huyền Hoa tung chưởng đánh vào Đình San.
Chưởng đầu hai bên thử về nội lực chứ không chiêu thức gì cả. Cả hai cùng thối lui một bước, công lực của hai bên tương đương…
Trong khi đó, hạc đã mổ xé bọc ra, người ta thấy lúc nhúc những con vật như đỉa màu lục, bò có, búng có, tất cả nhắm vào hạc mà tấn công.
Hạc thấy loài lục điệp trùng sợ hãi ngay. Nó cất tiếng ré lên mấy tiếng…
Cả hội trường không ai theo dõi cuộc đấu của hai nàng tiên, mà chỉ để ý đến… Đỉa và hạc!
Thông thường, ai cũng biết những con dã hạc rất sợ đỉa. Còn loại hạc này là hồng hạc, một loại hạc quý hiếm, ở những vùng băng mạc mới có nó, lại sợ những con lục trùng này.
Tuyết Cừu lấy làm lạ tự hỏi :
– Chả lẽ hai cô này lại từng biết sở trường của nhau?
Có vài con đỉa búng tới kịp hạc. Hạc mổ nó, nhưng lạ thay, đỉa không suy suyển gì cả. Sức mạnh của hồng hạc mổ thủng cả thân cây, vậy mà đành chịu thua tính dai của loại đỉa này.
Tuy vậy, chưa có con nào đeo được chân nó. Đỉa không tấn công người, chỉ nhắm vào hạc.
Huyền Hoa và Đình San công lực gần tương đương! Huyền Hoa chủ về nhanh, Đình San chủ về mạnh. Hạc và đỉa cũng tương đương. Con đỉa nào bò riêng rẽ một mình bị hạc mổ và vứt đi nơi khác. Còn khi nó đến cả bầy, hạc lại chớp cánh chạy đi!
Trận đấu diễn ra trong vòng một khắc mà chưa phân hơn thua.
Tuyết Cừu thấy võ công của hai cô không thể sánh ngang Ngũ Ngoạn Cô. Ngoạn Cô nhận thua cũng khá oan!
Một khắc nữa trôi qua…
Khánh Linh nói :
– Hai vị dừng tay lại thôi!
Hai người nhảy ra ngoài, Đình San huýt gió thu đỉa lại.
Khánh Linh nói tiếp :
– Chúng ta còn nhiều cặp lắm. Bây giờ đã qua canh tư rồi. Hai vị được xem như hòa.
Lúc đó có một thị nữ chạy vào nói :
– Thưa Chưởng môn, có người muốn tìm Hào Hoa công tử!
Khánh Linh cau mày, hỏi :
– Ai vậy?
Thị nữ nói :
– Vị tiểu thư trẻ tuổi nhất trong đám bẩy người của công tử đầu hôm.
Khánh Linh nói :
– Ta nói đừng để ai quấy rầy trong buổi này kia mà?
Tuyết Cừu nói :
– Người nhà tại hạ nóng ruột, xin phép cho tại hạ ra gặp họ một chút.
Chàng nói rồi đi ngay. Vừa bước ra, đã thấy Nhã Uyên từ dưới cầu thang bước lên, nàng mặc võ phục trông gọn và đẹp.
Nhã Uyên nói liền :
– Tiểu muội ngủ không được! Không biết công tử có sao không, nên tiểu muội mới đến đây.
Tuyết Cừu nói :
– Hiền muội! Tiểu huynh vì những chuyện không đâu làm hiền muội áy náy. Nơi đây có sự tranh chấp giữa các bang phái, tiểu huynh ở ngoài sự tranh chấp đó. Chủ nhân thì không cho ai vào, kể cả những người tùy tùng của họ cũng phải đứng ngoài. Và công việc của tiểu huynh chưa xong!
Nhã Uyên nói :
– Tiểu muội xuống sân mà ngồi chờ đại ca vậy!
Tuyết Cừu nói :
– Tiểu huynh không an tâm.
Nhã Uyên chớp mắt :
– Không sao cả. Tiểu muội còn bình yên hơn đại ca. Đại ca phải tuyệt đối đề phòng. Không phải đại ca ở ngoài vòng tranh chấp như đại ca tưởng đâu.

Tuyết Cừu hơi ngạc nhiên, tại sao Ngoạn Cô và Nhã Uyên lại cùng một ý? Hơn nữa, họ mời chàng ở đây làm nhân chứng, sao Khánh Linh lại có sự quyết định?
Nhưng Tuyết Cừu vẫn tự tin nói :
– Đa tạ hiền muội! Nếu có gì nguy hiểm, tiểu huynh phóng xuống lầu là xong.
Nhã Uyên xuống lầu, Tuyết Cừu bước vào trong.
Ngọc Diêu Quỳnh và Tả Anh Huệ đang giao đấu. Họ đấu bằng kiếm.
Ngọc Diêu Quỳnh đánh Tố Tâm kiếm pháp, loại kiếm pháp đích truyền của Toàn Chân.
Anh Huệ sử kiếm theo phái Nga Mi. Cả hai đã bước vào trong cuộc sát đấu.
Họ là những tay kiếm thượng thừa. Trong phòng, kiếm phong tuôn ra ào ào, dường như hai bên đều quyết tử.
Cả hai đều sử dụng những chiêu thức thượng thừa và độc đáo.
Anh Huệ đánh ra chiêu “Tuyết Lạc Phân Phân”, đây là một trong những chiêu lợi hại nhứt của Nga Mi, ánh kiếm loang loáng trước ánh đèn.
Bên kia Diêu Quỳnh lại đánh ra chiêu “Bắc Đẩu Triều Lan” ở trong vài kiếm phổ khác cũng tên chiều nay, nhưng cách sử dụng rất khác nhau. Ở đây phải nghiêng chúi mình về phía đối phương, chân đứng theo lối hạc tấn, và những đường kiếm chuẩn bị đưa về phía trước.
Lã Tuyết Cừu tấm tắc khen…
Hai bên nhập vào rồi dang ra… Cứ như thế mà thay đổi vị trí không biết bao nhiêu hồi.
Tuyết Cừu thấy họ đấu nhau đến trí mạng không còn nhân nhượng. Người xem hết sức thu hút.
Hai khắc đi qua vẫn bất phân thắng bại.
Cả hai lui lại, nhường cho cặp Tống Vân và Hư Trinh.
Tuyết Cừu thấy, tất cả mấy trận đấu ở đây đều có tính cách nghệ thuật hơn là cừu thù, mặc dù các đối thủ đã đem hết khả năng của mình.
Tống Vân là Giáo chủ của Hồng Liên giáo, so với Giáo chủ Bạch Liên giáo là Hư Trinh còn kém một bực.
Tống Vân sử dụng thanh câu kiếm. Nhờ thanh kiếm dị dạng này đã gây khó dễ cho đối phương không ít.
Hư Trinh, thiếu nữ có nước da trắng xanh, gương mặt lạnh lùng khó hiểu, nửa như khinh miệt, nửa như bất cần, nhưng đường kiếm của nàng chuẩn xác vô cùng.
Mới vài hiệp đầu, Hư Trinh đã làm chủ cuộc đấu.
Khánh Linh nói :
– Thắng bại đã thấy rõ, hai vị nên dừng tay!
Hư Trinh hưu chiến.
Tống Vân nói :
– Đã bước lên vũ đài, thì chắc chắn sẽ có kẻ thắng người bại. Dù sao phải đấu hết cuộc, ít ra cũng phải hết giờ.
Tống Vân không muốn nhận bại.
Tuyết Cừu thấy lạ lùng hết sức. Nếu người ta âm mưu với mình sao lại có cuộc đấu đến sống chết như vậy?
Hư Trinh chả thèm nói năn, dùng ảo Hoa kiếm pháp mà đánh với Ngô Câu kiếm pháp.
Ngô Câu kiếm pháp không biết xuất xứ từ đâu, chỉ có một dạo thịnh hành từ thời Trung Đường do các nữ tướng học ở núi mang về. Qua đời Tống thì bị thất truyền.
Lã Tuyết Cừu cố theo dõi kỹ loại kiếm pháp này. Chàng thấy trong bộ Hình kinh mười lăm chiêu, thì sáu chiêu đầu tiên có phần giống với Ngô Câu kiếm pháp. Nhưng Vô Lai Tôn Giả nói, mười lăm chiêu ấy do ông sáng tác. Như vậy có nghĩ là sự sáng tác có khi cũng giống nhau.
Tống Vân sắp sửa bại.
Tuyết Cừu bỗng trầm giọng :
– Dừng tay!
Hư Trinh lại chống kiếm, trợn mắt nhìn chàng.
Tuyết Cừu xá một cái, nói :
– Kiếm thuật của Bạch Liên giáo chủ quả là lợi hại. Xuyên qua loại kiếm pháp này, tại hạ có điều không hiểu, xin Giáo chủ làm ơn chỉ giáo.
Hư Trinh lạnh lùng nói :
– Mỗi một tông phái có một pháp môn riêng, đó là kiếm pháp trấn môn của họ, công tử hiểu hay không hiểu không quan trọng gì đến ta cả!
Tuyết Cừu nói :
– Đành vậy! Nhưng đây là sự tình cờ. Nếu Giáo chủ cho phép, tại hạ mới dám trình bày.
Hư Trinh vẫn lạnh lùng :
– Ta không thích dài dòng, nếu cần thì cứ thử nhau mấy chiêu thì biết!
Họ bắt đầu khiêu khích Tuyết Cừu đó chăng? Chàng vẫn giữ bình tĩnh.
Tuyết Cừu nói thầm :
– Ta đã tuyên bố ngoài sự tranh chấp kia mà!
Tuyết Cừu im lặng ngồi xuống. Hào Hoa công tử cũng biết nhẫn nhục.
Hư Trinh lại nói :
– Ta mời Bát Quái chưởng môn!
Uất Trì Khánh Linh nói :
– Dù Bạch, Thanh, Hồng gì cũng là Liên cả! Hôm nay Tam Liên hợp nhất lại làm một. Thiên Lý và Bát Quái cũng hợp nhất làm một, Toàn Chân đạo giáo cũng hợp nhất Tam nhất thượng đồng để độc nhất Hào Hoa công tử chủ trương việc này.
Khánh Linh bất ngờ nói vậy, làm các vị Giáo chủ kia sửng sốt và Tuyết Cừu là người ngạc nhiên hơn ai hết.
Về điểm này có người nghĩ :
– Khánh Linh tư thông với Tuyết Cừu bán đứng các giáo phái.
Nhưng cũng có người nghĩ :
– Khánh Linh đã mượn đao giết người.
Chàng chỉ cười cười để xem phản ứng của các vị Giáo chủ.
Hư Trinh nói :
– Bạch Liên giáo không chịu thượng đồng và cũng không hợp Liên. Các Chưởng môn kia cũng một ý như vậy!
Hư Trinh nói :
– Có thể đây là âm mưu của tay trác tán công tử? Ta hãy giết hắn trước rồi mới tính chuyện Bát Quái giáo sau!
Bây giờ Lã Tuyết Cừu mới vỡ lẽ! Bảy tám cô nương kia chẳng qua là hàng đệ tử cao cấp của giáo phái của họ mà thôi. Có đâu Chưởng môn cùng một loạt lại là những thiếu nữ tuổi đôi mươi?
Tuyết Cừu nghiêm trang nói :
– Chủ trương ấy không phải của tại hạ. Tại hạ được Bát Quái chưởng môn mời dự và đứng ngoài sự tranh chấp, xin chư vị tiểu thư đừng ngộ nhận!
Chàng nói thì chàng nghe. Sáu thanh kiếm cùng một lúc phủ vào người chàng. Hạc và đỉa cũng tấn công.
Có những tiếng leng keng vang lên… Mấy thanh kiếm bị dội ra.
Nhưng các nàng là những cao thủ có tầm cỡ với Ngũ Ngoạn Cô, họ vây quanh và làm khốn đốn chàng không ít.
Khánh Linh đứng ngoài nhìn và hết sức thán phục.
Tuyết Cừu khổ tâm nhất là những con đỉa lạ này. Nó không bò mà chỉ búng chốc chốc vào người chàng. Nó búng tới đâu là bám tới đó. Khi nó bâu được vào áo rồi, thì tìm cách bò vào mình đeo, hút máu và nhả độc.
Đã có vài con bám vào áo.
Một cái khổ nữa là hồng hạc! Mỏ, chân, cánh của hạc là vũ khí. Nó sử dụng một lúc ba môn khá… Công phu! Mỏ và chân rất sắc đã đành. Cái cánh quạt của nó cũng phát ra luồng kình phong.
Chàng không muốn giết các nàng, cũng không muốn giết hạc. Chàng vừa đánh vừa lui ra cửa…
Lại một chuyện không ngờ nữa, mười bốn cô tùy tùng kia lại chuẩn bị lưới và dây.
Thấy lưới, chàng nhớ tới mạn nhện Khủng tri thù.
Tuyết Cừu nói :
– Tại hạ là Tiểu Sát Tinh, rất thích việc chém giết. Hôm nay quý vị tiểu thư không dừng tay, thì Cừu mỗ phải đại khai sát giới.
Ánh kiếm chớp lên, lưới và dây rớt ra từng mảnh. Vài ánh kiếm của chàng chớp lên nữa, một vài thanh kiếm bị gảy, nhưng chàng vẫn chưa muốn giết ai.
Lã Tuyết Cừu phóng người vào trong toan khống chế Khánh Linh, nhưng Khánh Linh ra ngoài tự bao giờ, cánh cửa sắt từ trên cao bất ngờ ập xuống nhốt vị công tử… Hào Hoa vào đó…
Tuyết Cừu ngồi xuống ghế nghỉ khỏe!
Bây giờ chàng mới nhớ hết lại những lời của Bát Quái chưởng môn nói :
– Cuộc sống không trở lực là không thú vị…
Chàng nhìn lại bốn vách tường. Một vách hoàn toàn là sắt và ba vách còn lại bằng đá xây, phá nó không phải là chuyện đơn giản. Nhưng phá nó ra, biết ăn thông vào phòng nào?
Chàng mỉm cười nói một mình :
– Thủ đoạn của họ không lấy gì hoàn hảo lắm! Có Ngoạn Cô trong đám yêu nữ này, chắc chắn chuyện có liên quan đến Ngũ Hoa và Đông Hải Thần Quân! Họ có thể làm cho ta chết bằng cách cho nhịn khát, hoặc xông hơi ngạt, có ai dám mở cửa? Tại sao Ngoạn Cô không nói rõ ta biết? Tại sao khi hội đủ tám người, họ không nói thẳng làm thẳng mà bày chuyện lòng vòng? Có lẽ trời bây giờ bên ngoài đã sáng. Và có lẽ Nhã Uyên thấy ta không ra mà nóng lòng, để lộ hình tích rồi cũng bị họ bắt nốt? Ngoạn Cô, Giải Ngữ có giúp gì được ta không?
Tuyết Cừu đứng dậy đi nghiên cứu tiếp! Bây giờ chàng nghĩ tới việc đào tường khoét vách.
Tuyết Cừu thấy, ngoài lối ra bằng cửa sắt, không còn một nơi nào đáng nghi là có cửa nữa.
Chàng lấy thanh Long Tuyền kiếm khoét thử dưới nền.
Kiếm nện vào đá nghe tiếng leng keng…
* * * * *
Ngũ Ngoạn Cô không tham dự việc này, bỏ ra ngoài đứng đợi chàng đợi mãi không thấy đâu.
Nàng thấy bảy cô gái đã kéo xuống lầu, mà không có Tuyết Cừu.
Ngoạn Cô thở dài bỏ đi, miệng lẩm bẩm :
– Đành phụ lòng chàng một phen mà giả cái ơn nghĩa với sư phụ!
Ngoạn Cô ra bờ sông, lên thuyền đi biệt…
* * * * *
Nhã Uyên xuống lầu bỏ ra ngoài phạm vi của tửu lâu, bấy giờ trời cũng vừa hừng sáng.
Nàng thấy một đám tiểu thư có hạc đi theo một cách đủng đỉnh, nàng biết Tuyết Cừu bị tai nạn rồi.
Nàng tự hỏi :
– Ta có nên thông báo cho các huynh tỷ biết không? Sức ta làm sao giải cứu được chăng?
Nguyên Nhã Uyên là thiếu nữ thông minh và gan dạ. Ngay từ nhỏ, cô đã tỏ ra là người có trí tuệ siêu việt. Nàng biết mấy cô kia xuống lầu rồi, nhưng vẫn còn có người canh gác nơi ấy để đề phòng đột kích hoặc dòm ngó.
Nhã Uyên chưa thể mạo hiểm được, về võ công nàng cũng biết tàm tạm để đỡ ngặt mà thôi.
Nhã Uyên suy nghĩ mãi vẫn không ra kế hoạch gì. Trong khi mấy cô kia theo ngã sau đi ra bờ sông, họ vừa đi vừa nói chuyện với vẻ tâm đắc lắm!
Con Hồng hạc bỏ đi riêng một mình để kiếm mồi…
Nhã Uyên nhìn con hạc to lớn như vậy, nàng động tâm nói :
– Nếu dụ được con hạc này cũng có chuyện dùng. Loại Tuyết Nê hồng hạc này rất thích sò và tôm!
Nàng chạy đến xóm thuyền để tìm những thứ đó.
Các thôn nữ chài lưới mặc đồ lam lũ, nàng bèn đổi y phục cho họ, rồi đem mớ sò tôm ấy mà đi dọc theo bờ sông.
Ngang qua chỗ Hồng hạc, nàng thả ra vài con tôm và vài trái sò, hạc mổ lia lịa, mổ vỡ trái sò rồi nuốt luôn cả thịt lẫn vỏ. Tôm thì nó lượm lia!
Huyền Hoa cứ ngỡ hạc mình có võ công cao, nên để mặc nó đi đâu thì đi, không cần chú ý.
Trong lúc đó, Nhã Uyên cố tình làm quen với con hạc này. Ngang qua chỗ vắng vẻ, nàng ngồi lại cho nó vài con tôm rồi vuốt lấy nó, nói :
– Hồng hạc! Ngươi có dám theo ta không?
Làm sao Hồng hạc trả lời? Muốn thử sự quen biết nó đến mức nào, nàng không cho nó ăn nữa, mà cứ ngoắc nó theo. Nàng đi nhanh nó đi nhanh, nàng đi chậm nó đi chậm.
Xa phạm vi Tần Hoài tửu lâu, nàng cưỡi lên mình nó nói :
– Ta ngồi, ngươi chở cho vững nhé!
Nàng ngồi bỏ chân qua một bên theo lối tiên cô cưỡi loan, hạc đi không chút lúng túng. Nó còn xòe cặp cánh cho rộng ra để đỡ lấy thân nàng, và cũng để nàng ngồi cho vững.
Nhã Uyên điều khiển hạc theo ngã vắng mà về lại nhà…
Huyền Hoa thấy hạc đi đã lâu mà không trở lại liền cho kẻ tả hữu đi tìm. Tả hữu đi tìm không thấy. Có người mách có cô gái xóm chài đã dẫn nó đi.
Kẻ tả hữu đi lục xóm chài cũng không thấy nó đâu.
Nàng có vẻ tức giận, moi trong người ra một lọ thuốc bột, có mùi hương rất nồng, sai kẻ tùy tùng trèo lên cây cao mà rải.
Có người hỏi nàng :
– Trong phạm vi bao nhiêu dặm, hạc bắt được mùi hương này?
Huyền Hoa đáp :
– Cũng tùy theo chiều gió. Nếu bình thường, hạc bắt hơi ngoài một dặm ở nơi đồng trống. Khi bắt được tín hiệu rồi, lập tức nó bay trở về.
– Nếu nó không bắt được hơi thì sao?
Nàng đáp :
– Bằng mọi giá phải tìm cho ra!
Mãi đến trưa không thấy hạc về, các cô và kẻ thuộc hạ rải nhau đi tìm.
Còn Nhã Uyên về đến nhà thuật lại mọi việc cho Nhã Thư và các tỷ tỷ nghe.
Nàng nói :
– Ta cứ giữ con hạc này trong nhà rồi cho người mai phục, thế nào bọn chúng cũng cho người ngang qua đây. Vương tỷ tỷ và Mỹ Cơ tỷ tỷ bắt họ mà tra xét, xem sự tình thế nào để giải cứu cho đại ca.
Vương Giải Ngữ là tay dùng độc rất giỏi. Nàng chuẩn bị đâu vào đó. Hai cô mặc thường phục giả đứng chơi cầu trong sân, chờ người Tần Hoài tửu lâu tới.
Không bao lâu có hai thiếu nữ y phục sang trọng tới.
Một trong hai cô hỏi :
– Nhị vị tỷ tỷ! Sáng giờ nhị vị có thấy con Hồng hạc đi qua đây không?
Vương Giải Ngữ cười hiền lành :
– Nó theo cô em tiểu muội về đây chỉ vì mấy con tép đất! Hiện giờ nó ở sau vườn.
Mỹ Cơ đưa hai cô kia đi. Giải Ngữ đi sau tung thuốc mê ra… Người của tửu lâu bị bắt lại…
Dĩ nhiên Giải Ngữ cứu tỉnh họ lại và bắt đầu tra xét…
* * * * *
Tuyết Cừu đi tới đi lui trong phòng chưa tìm ra được phương pháp thoát khỏi nơi đây.
Mấy ngọn đèn vẫn tiếp tục cháy, mặc dù bên ngoài trời đã sáng.

Chàng không biết làm gì cho đỡ buồn, liền lấy quyển Hải Triều Âm và bức tranh của Vương Giải Ngữ ra xem.
Chàng xem bức tranh trước.
Bức tranh đó Giải Ngữ vẽ hồi lúc năm tuổi, đâu có mang một ý nghĩa triết học nào? Chẳng qua là nàng thỏa mãn tính tưởng tượng của trẻ con.
Nhưng ngôi nhà lụp xụp kia dường như bị đổ rạp trước gió, còn cây lau, cây sậy thì lại uyển chuyển trước làn gió dữ, rõ ràng bức tranh có mang chất triết học.
Tuyết Cừu nhớ tới lão say đã nói những lời ẩn dụ, cũng tương tự như ý nghĩa bức tranh này.
Chàng ngồi lặng người để cảm nhận nó.
Trong khoảng chật hẹp này, chàng bị câu thúc, tâm lý có phần khủng hoảng, sự suy tưởng chắc chắn có giới hạn.
Hiểu thì hiểu vậy, nhưng làm sao biến cái hiểu ấy thành một sự có lợi cho cơ thể áp đụng vào trong thực tiễn của võ học mới là vấn đề.
Lã Tuyết Cừu đã đả thông được sinh tử huyền quan, chàng ngồi vận công, phổ cái tinh anh vào trong máu và hơi thở. Trao đổi giữa trọc khí với thanh khí, giữa chỗ nặng và nhẹ của cơ thể. Thân nhiệt của chàng bắt đầu nóng ran. Tuyết Cừu không dám phân tâm, hô hấp vẫn tiếp tục và dòng tư tưởng không đứt đoạn. Tuyết Cừu bây giờ thấy cơ thể như nhẹ hẳn lên.
Trong phút chốc, ngôi nhà kia đứng dậy. Cây lau, cây sậy cũng đều đứng thẳng.
Chàng xả công đứng lên, chỉ cần lắc mình một cái, thân ảnh như phiêu hốt ngoi lên từ từ trong không gian. Đây là một thành công bất ngờ và to lớn.
Chàng xúc động thật sự! Bức tranh kia chẳng qua chỉ là phương tiện để chàng dễ cảm nhận giữa cái không thành có, giữa vô hình thành cái hữu hình.
Cái gì nữa tính sau. Trước mắt chàng phải đối phó sự giam hãm nơi đây.
Trần nhà được tô xây phẳng lì, không chỗ nào để bám víu. Vậy trần nhà không đặt vấn đề nữa. Chỉ còn có nghiên cứu bốn vách và nền nhà. Nơi nào chàng cũng dùng thử kiếm qua nhưng mọi nơi đều cứng như sắt thép.
Tuyết Cừu vỗ trán thở dài…
* * * * *
Trong ngày hôm đó, Vương Giải Ngữ đã bắt được cả thảy bốn người.
Trong đó một cô hỏi ra mới biết là Huyền Hoa, nàng đóng vai Chưởng môn Thanh Liên giáo, cuộc xét hỏi cũng khá ly kỳ.
Nhã Uyên đưa Huyền Hoa đến một nơi kín đáo nàng cũng ăn mặc trang điểm lộng lẫy để tương xứng với cái nhan sắc thiên kiều bá mị của Huyền Hoa.
Nhã Uyên nói :
– Chắc tỷ tỷ cũng biết rồi, bỗng không gia đình tiểu muội lại mất đi một người thân mà quý vị là thủ phạm. Xin tỷ tỷ vui lòng trả lời cho tiểu muội với những câu đúng đắn nhất. Trước nhất tỷ tỷ cho biết phương danh.
Sắc diện của Nhã Uyên không biểu lộ một chút tình cảm nào.
Huyền Hoa trầm ngâm giây lát rồi nói :
– Ta là Huyền Hoa, người phái Thanh Liên giáo.
Nhã Uyên nói :
– Tỷ tỷ đã thấy người của tỷ tỷ đã bị bắt bốn người, và chắc chắn sẽ còn nữa. Bọn tiểu muội sẽ không bao giờ ngược đãi nếu như tỷ tỷ có một sự thành thật. Tỷ tỷ ở trong tổ chức Đông Hải Thần Quân?
Huyền Hoa gật đầu.
Nhã Uyên hỏi :
– Làm cách nào để mở cửa phòng nhốt Hào Hoa công tử?
Huyền Hoa nói :
– Ta không phải là chủ nhân nên ta không biết!
Nhã Uyên hăm :
– Không biết dĩ nhiên là không thể nói được. Biết mà không nói thì không thể tha thứ được! Trước sau gì những người kia cũng phải có người khai thật. Trong đám người bị bắt, tỷ tỷ là người có nhan sắc nguyệt thẹn hoa nhường, tiểu muội biết, chắc rằng tỷ tỷ phải biết! Trong cuộc đấu hồi hôm này gồm những ai?
Huyền Hoa khai đúng tên từng cặp đấu.
Dĩ nhiên Nhã Uyên ghi lại bằng bút mực để tiện việc đối chiếu.
Nàng chọn mấy câu then chốt hỏi một hồi nữa rồi đi phối hợp với các lời khai kia. Cuối cùng, họ biết Huyền Hoa là một trong tám cô đầu não trong vụ bắt Lã Tuyết Cừu. Nhưng Ngũ Ngoạn Cô không tham dự vào vụ đánh và bắt Lã Tuyết Cừu. Ngoài ra Huyền Hoa cũng biết cách mở và đóng cửa.
Nhã Uyên nghiêm mặt nói :
– Hào Hoa công tử không thù hận gì với chư vị và chư vị cũng không ruột thịt gì với Thần quân, thế mà tỷ tỷ quyết không khai cách mở cửa để thả người nhà của tiểu muội thì việc ăn miếng trả miếng chắc chắn phải có rồi đó! Tiểu muội đã bắt được chư vị, chắc chắn tiểu muội phải có thủ đoạn để cung lại cho ra lẽ. Lần cuối cùng xin tỷ tỷ hãy thức ngộ. Hãy giảng cách mở và đóng phòng nhốt Hào Hoa công tử!
Huyền Hoa nhắm mắt không nói.
Vương Giải Ngữ mặt lạnh như tiền bước vào nói :
– Cô nương nhan sắc mặn mà thế này lại cam tâm cung hiến cho tên Thần quân đại gian ác đó? Cô nương không phục chúng ta ở điểm nào?
Huyền Hoa nói :
– Các vị bắt ta không đường đường chính chính!
Nhã Uyên cười nhạt :
– Thần quân và chư vị bắt người khác chắc là đường đường chính chính lắm! Đi bán đứng cả tông môn, phẩm giá, thủ tiêu cả cái tiết bạch mà dám tự xưng mình là đường chính!
Vương Giải Ngữ nói :
– Được! Ta sẽ làm cho cô nương phục!
Nàng giải huyệt cho Huyền Hoa rồi nói :
– Cô nương nghỉ khỏe và vận công đi, chuẩn bị giao chiêu với ta. Bất chấp mọi thủ đoạn.
Huyền Hoa vừa thẹn, vừa giận lại vừa sợ. Nhưng việc đã đến nước này, nàng không thể không tranh thủ…
Giải Ngữ ném kiếm sang cho nàng nói :
– Khai thủ đi!
Hai cô ghìm nhau. Đột ngột Huyền Hoa xuất kiếm đâm ra chiêu “Nguyệt Lãng Thiên Môn”. Ảnh kiếm tuôn ra như hư ảo không thấy thực kiếm của nó.
Giải Ngữ xuất chiêu “Tinh Hiện Tây Thiên”, hai chiêu nay cùng nằm trong Tịch Dương kiếm pháp!
Ý của Giải Ngữ muốn làm nhục Huyền Hoa, nên để Huyền Hoa khai chiêu trước đánh ra kiếm pháp nào, thì nàng dùng kiếm pháp ấy mà hoàn thủ.
Đường kiếm của Huyền Hoa rất điêu luyện.
Giả sử, nếu Giải Ngữ không ở trong Bí Tàng cung thì chắc chắn nàng không phải là đối thủ của Huyền Hoa. Võ công của Giải Ngữ bây giờ còn cao siêu hơn cả Ngũ Ngoạn Cô.
Hai thiếu nữ xinh đẹp đấu với nhau một hồi sự thắng bại đã thấy rõ.
Giải Ngữ đưa ra sát chiêu “Trường Giang Cổn Cổn”, đường kiếm tuôn ra nượp nượp… Bốn phương tám hướng đều là kiếm… Huyền Hoa đành xuôi tay chờ chết.
Vương Giải Ngữ cho kiếm vào bao, nói :
– Bây giờ cô nương có chịu nói cách khai mở nơi nhốt Lã Tuyết Cừu không?
Huyền Hoa nói :
– Hãy giết ta đi!
Vương Giải Ngữ tung chưởng đánh liền. Huyền Hoa không đỡ, cũng không né tránh. Nhưng Nhã Uyên lăn xả vào đỡ chưởng này, kết quả Nhã Uyên bị văng bắn ra ngoài, miệng ụa ra, mấy búng máu. Nàng gần như ngất lịm.
Vương Giải Ngữ thất kinh, dậm chân nói :
– Sao Uyên muội lại làm thế?
Nhã Uyên gượng cười đau đớn :
– Không còn cách nào khác! Chả cần hỏi nữa tỷ tỷ ạ!
Giải Ngữ điểm huyệt cầm máu cho nàng, và lấy thuốc đưa nàng uống.
Nhã Uyên bước ra ngoài.
Vương Giải Ngữ lại điểm huyệt Huyền Hoa nói :
– Để cô sống với bóng tối mới… nhớ Lã Tuyết Cừu!
Nhã Uyên họp sáu người của mình lại : Nhã Thư, Nhã Thi, Nhã Dung, Nhã Uyên, Giải Ngữ và Mỹ Cơ.
Nhã Uyên nói :
– Thế nào họ cũng biết ta nhốt người họ ở đây. Dù muốn dù không, ta phải đề phòng. Đêm nay họ có thể tập kích nơi đây.
Nhã Thư nói :
– Cao thấp gì nhà ta ai cũng có võ công. Kể cả song thân cũng có thể tự vệ được. Nhà ta cung cứng giáo dài không thiếu. Năm người gia đình cầm cung cầm giáo.
Nhã Thi nói :
– Để sẩm tối, ta dẫn các cô này xuống thuyền chắc chắn không ai hay biết.
Nhã Uyên nói :
– Phải cải trang họ thành nam nhân. Dẫn họ đi quanh quẩn một hồi, rồi mới đưa xuống thuyền.
Giải Ngữ nói :
– Nếu ta không khai thác chúng, làm sao biết nơi giam giữ Tuyết Cừu?
Nhã Uyên nói :
– Tỷ tỷ có võ công cao nên cải trang đi với Mỹ Cơ tỷ tỷ tới đó lừa cơ hội chộp một vài tên khác hỏi, ắt ra lẽ!
Giải Ngữ lắc đầu :
– Ta bắt bốn đứa rồi, mà chúng khai còn chưa đủ. Làm sao vào nơi hang hùm mà bắt được chúng?
Nhã Uyên nói :
– Tiểu muội biết nơi nhốt Lã công tử. Công tử là người có võ công cao, nên không ai dám mở cửa đưa chàng đi nơi khác. Rất tiếc, con hồng hạc này không thể chở người bay được. Nếu không, ta tập kích từ trên lầu thượng xuống.
Họ còn đang bàn luận, gia đinh vào báo :
– Có bốn thiếu nữ rất khả nghi, ăn mặc khá sang trọng, họ đi từng cặp có khoảng cách chừng một lằn tên.
Giải Ngữ nói :
– Bốn cô đó võ công cao lắm, và lần này họ đã có sự chuẩn bị. Nhưng không sao, ta có loại thuốc mê không màu sắc, không mùi vị có thể hạ chúng được.
Nàng giao cho Mỹ Cơ lọ thuốc bột màu trắng, bỏ ra trong tay một nắm, cứ xăm xăm đi về phía họ một cách tự nhiên, với động tác thật tự nhiên chắc chắn sẽ hạ được cặp đi sau.
Mỹ Cơ và Nhã Thi lãnh nhiệm vụ ra đi. Giải Ngữ và Nhã Uyên vờ làm việc trước sân.
Không bao lâu, có hai thiếu nữ đi vào sân hỏi :
– Đây có phải là nhà… Vương lão gia không?
Giải Ngữ đưa tay vén lại mái tóc, hỏi :
– Vâng! Nhị vị tiểu thư là ai, hỏi có việc gì không?
Hai người kia đưa mắt nhìn như hội ý với nhau. Một người nói :
– Chúng ta vừa có người nhà đến đây, sao lại không thấy về?
Giải Ngữ hai tay như phân bua :
– Quý vị nói vậy là có ý gì?
Lời vừa dứt, nàng tung chưởng đánh liền. Hai thiếu nữ định tung chưởng đánh lại nhưng vận công không được. Biết mình đã trúng độc, một cô nói :
– Thì ra cô nương bắt người bằng chất độc!
Giải Ngữ nói :
– Binh bất yếm trá! Bốn người kia bị ta bắt đều bị giết hết.
Nàng giao hai cô này cho Nhã Uyên, rồi vội ra xem Mỹ Cơ. Nàng thấy Mỹ Cơ cùng Nhã Thi, đang đi theo họ. Có lẽ hai cô cùng chờ sự phản ứng của chất độc.
Giải Ngữ bình thản đi tới…
Hai bên gặp nhau, bất ngờ Giải Ngữ tung chưởng đánh liền.
Hai thiếu nữ ngạc nhiên, rồi cũng vung chưởng ra đỡ.
Chưởng lực của hai thiếu nữ dường như không gom tụ lại được.
Vương Giải Ngữ tấn công họ tới tấp giữa phố.
Cuối cùng, họ xuôi tay để Giải Ngữ điệu họ. Đến nơi, các cô chia nhau đi cung khai họ.
Trong bốn cô đó, có hai cô là Hư Trinh và Ngọc Diêu Quỳnh.
Hai cô này, ban đầu không chịu nói tên thật, nhưng hai thể nữ tùy tùng đã ngoan ngoãn cung khai, nên hai nàng không chối bỏ đâu được. Nhưng hỏi đến cách mở cửa cứu Tuyết Cừu, họ vẫn nói một lời chắc nịch :
– Không biết!
Giải Ngữ điểm mấy trọng huyệt rồi nói :
– Chừng nào các ngươi thành khẩn cung khai thì được hưởng cuộc sống thật.
Dỗ dành mọi cách, nhưng chúng không nói là không nói!
Giải Ngữ nói :
– Được rồi! Ta không giết các cô. Ta sẽ phế bỏ võ công! Các cô kia đưa mắt nhìn nhau, nhưng vẫn không mở miệng.
Giải Ngữ phế võ công Hư Trinh trước. Hư Trinh đau đớn nguyền rủa.
Giải Ngữ điểm mặt Hư Trinh nói :
– Nếu Đông Hải Thần Quân mà cô cho là cứu cánh, rồi vì lão mà làm chuyện tàn ác, thì cô không xứng đáng để hưởng sự khoan hồng của chúng ta!
Nàng quay sang Ngọc Diêu Quỳnh, nói :
– Cô nương có chịu khai không?
Diêu Quỳnh nói :
– Chìa khóa mở, Khánh Linh giữ. Chỉ cần bắt được Khánh Linh là xong!
Giải Ngữ nói :
– Việc ấy ta biết! Nhưng Khánh Linh ở phòng nào mới được?
Diêu Quỳnh nói :
– Chỉ cần hỏi cô nương tên Thu Hoa thì tự khắc sẽ xong!
Giải Ngữ hỏi :
– Làm sao gặp được Thu Hoa?
Diêu Quỳnh nói :
– Cứ vào đại tửu lâu ăn uống, phá phách rồi yêu cầu họ cho gặp Thu Hoa để rót rượu…
Giải Ngữ nói :
– Cứ nằm đó mà chờ. Khi nào ta xong công việc sẽ thả ra!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.