Viên Nguyệt Loan Đao

Chương 4: Thiên Ngoại Lưu Tinh


Bạn đang đọc Viên Nguyệt Loan Đao – Chương 4: Thiên Ngoại Lưu Tinh

Mười lăm tháng bảy, đúng ngọ, mặt trời chói chang.
Mặt đất vũ trường trải cát nhuyễn, sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời, kiếm
khí quang mang càng làm thêm chói mắt.
Kiếm Đinh Bằng đã đánh ra.
Kiếm pháp của hắn ngoại trừ chiêu “Thiên ngoại lưu tinh” các chiêu kiếm
khác quả thực đều là gia truyền, chỉ có thể kết một chữ “bình” – bình thường,
bình thực, kiếm pháp rất bình thường.
Võ Đang kiếm pháp là nội gia chính tông, lãnh tụ võ lâm, khinh linh
huyền diệu, trong tay Liễu Nhược Tùng sử dụng càng lưu động khó lường. Ông
ta chỉ dùng ba khẩu quyết: “khiêu, tước, thích” với kiếm thế khinh linh đã dồn
Đinh Bằng vào thế lúng túng muốn ngộp thở.
Mọi người đều hơi thất vọng về vị thiếu niên kiếm khách mới quật khởi
trong giang hồ. Nhưng Đinh Bằng càng tự mình tin tưởng hơn. Ít ra hắn đã nhận
thấy ba chỗ sơ hở trong kiếm pháp Liễu Nhược Tùng. Chỉ cần hắn thi triển
chiêu “Thiên ngoại lưu tinh”, muốn phá kiếm pháp Liễu Nhược Tùng thực như
dao bén chẻ tre. Hắn vốn còn muốn nhường Liễu Nhược Tùng thêm mấy chiêu,
không muốn làm vị kiếm khách tiền bối này quá khó chịu. Nhưng một khi kiếm
ra khỏi bao chẳng thể lưu tình. Hắn đã nhớ kỹ câu này của Chung Triển.
Kiếm pháp bình thường của hắn chợt thay đổi, một thanh kiếm sắt bình
thường bỗng hoá thành một đạo lưu tinh quang hoa chói mắt. Lưu tinh từ ngoài
trời bay tới, không thể tìm hiểu được cách chống đỡ. Vô tình thiết kiếm, kiếm
hạ vô tình.
Trong lòng Đinh Bằng chợt lại thấy hơi ái ngại, vì hắn biết Liễu Nhược
Tùng chắc sẽ bị thương dưới kiếm của hắn.
o
Nhưng hắn đã lầm.
Một tiếng “keng”, tinh quang bắn bốn phía. Liễu Nhược Tùng đã đỡ được
chiêu kiếm “Thiên ngoại lưu tinh” của Đinh Bằng.
Võ Đang nội gia chân khí. Liễu Nhược Tùng là đệ tử tục gia duy nhất của
Thiên Nhất chân nhân nội lực thâm hậu, đương nhiên Đinh Bằng chẳng thể sánh
kịp. Song kiếm chạm nhau, Đinh Bằng bị chấn động sắp té ngã. Nhưng hắn
không để bị té xuống. Kiếm của hắn tuy bị chấn mẻ một miếng, hổ khẩu tay
cũng bị chấn thương nhưng hắn không để bị té ngã vì hắn quyết tâm không để té
ngã. Quyết tâm không nhìn thấy được bằng mắt nhưng là then chốt trọng yếu
quyết định sự hơn thua, thậm chí có khi còn trọng yếu hơn nội lực.
Hắn chưa thua còn muốn đấu nữa. Vừa rồi chắc có gì sơ sót. Chiêu kiếm
đó vốn là chiêu kiếm tất thắng.
Liễu Nhược Tùng đã thu kiếm thức nhìn Đinh Bằng với ánh mắt rất kỳ
quái.
Chung Triển chợt nói:
-Đinh thiếu hiệp chưa thua.
Ông ta quả thực là người chính trực. Vì câu nói này sự chán ghét của Đinh
Bằng đối với ông ta đã chuyển thành sự cảm kích.
Cuối cùng Liễu Nhược Tùng cũng gật gật đầu nói:
-Tại hạ biết thiếu hiệp chưa thua.
Nhưng ông ta vẫn nhìn Đinh Bằng bằng ánh mắt kỳ quái hỏi từng tiếng
một:
-Chiêu kiếm thiếu hiệp sử dụng vừa rồi có phải đã đánh bại kiếm pháp
của Tung Dương Quãng Chính Bình?
Đinh Bằng đáp:
-Phải!
Liễu Nhược Tùng lại hỏi:
-Lúc thiếu hiệp đánh bại hai vị Sử Định và Cát Kỳ cũng bằng chiêu kiếm
này?
-Phải!
-Đây thực là kiếm pháp gia truyền của thiếu hiệp?
-Phải!
-Lệnh tôn là vị tiền bối nào?
-Gia phụ đã qua đời tám năm trước.
Đinh Bằng không nói tên phụ thân mình, Liễu Nhược Tùng cũng không
truy vấn.
Thần sắc ông càng kỳ quái hơn, chợt quay mình hỏi vị Tạ tiên sinh:
-Chiêu kiếm Đinh thiếu hiệp sử dụng vừa rồi chắc Tạ tiên sinh đã nhìn rất
rõ?
Tạ tiên sinh mỉm cười đáp:
-Loại kiếm pháp tinh diệu cao tuyệt này tại hạ thực không hiểu rõ lắm
may cũng nhìn được khá rõ.
Liễu Nhược Tùng lại hỏi:
-Tạ tiên sinh thấy chiêu kiếm đó thế nào?
Tạ tiên sinh đáp:
-Chiêu kiếm đó lăng lệ kỳ quỷ, hầu như đã có uy lực như “Đoạt mệnh
thập tam thức” của vị tuyệt đại kỳ hiệp Yến Thập Tam năm xưa. Lộ số cũng
phảng phất tương tự, chỉ tiếc công lực chưa đủ mà thôi.
Ông ta lại cười cười nói tiếp:
-Đây chẳng qua tại hạ chỉ thuận miệng nói bậy mà thôi chứ kiếm pháp tại
hạ không rành lắm.
Đương nhiên chẳng phải ông ta chỉ thuận miệng nói bậy, môn hạ Thần
Kiếm sơn trang làm gì có người không rành kiếm pháp?
Ba mươi năm trước, Yến Thập Tam tung hoành thiên hạ, mình trải trăm
trận lớn nhỏ, đánh đâu thắng đó, được thiên hạ công nhận là người duy nhất có
thể cùng Tạ tam thiếu gia quyết thắng phụ. Sau đó vị kỳ hiệp này có cùng Tạ
Hiểu Phong giao thủ hay không, rút cuộc ai thắng, ai bại đến nay vẫn là một câu
hỏi không giải đáp. Hiện tại vị kỳ hiệp cô độc kiếm khách này tuy đã quy tiên
nhưng thanh danh và kiếm pháp của ông vẫn lưu truyền bất hủ.
Tạ tiên sinh đem chiêu kiếm của Đinh Bằng so sánh với đoạt mệnh thập
tam thức của vị kỳ hiệp đó quả thực là một vinh sủng cho Đinh Bằng.
Liễu Nhược Tùng chợt mỉm cười nói:
-Theo lời Tạ tiên sinh khiến tại hạ vinh hạnh vô cùng.
Đinh Bằng ngẩn người. Mọi người cũng ngẩn người ngạc nhiên.
Vinh hạnh vô cùng phải là Đinh Bằng tại sao lại là Liễu Nhược Tùng?
Chung Triển lạnh lùng hỏi:
-Tạ tiên sinh tán thưởng kiếm pháp của Đinh Bằng có quan hệ gì với Liễu
đại hiệp?
Liễu Nhược Tùng đáp:
-Có chút quan hệ!
Chung Triển vẫn cười lạnh. Liễu Nhược Tùng không đợi Chung Triển nói
gì thêm tiếp lời:
-Mọi người trong giang hồ đều biết kiến văn của tiền bối rộng rãi, đã so
sánh tương đương với Bách Hiểu Sinh binh khí phổ năm xưa.
Chung Triển nói:
-Lão phu tuy không có kiến văn quảng bác bằng Bách Hiểu Sinh nhưng
kiếm pháp của các môn phái trong thiên hạ lão phu đều đã thấy qua.
Liễu Nhược Tùng hỏi:
-Tiền bối đã thấy qua chiêu kiếm này chưa?
-Chưa.
Liễu Nhược Tùng hỏi:
-Còn Tạ tiên sinh?
Tạ tiên sinh đáp:
-Tại hạ cô lậu quả văn, không có kiến thức về kiếm pháp cũng không rõ
có bao nhiêu…
Liễu Nhược Tùng thản nhiên cười cười nói:
-Sở dĩ hai vị chưa thấy qua chiêu kiếm này là vì chiêu kiếm này do tại hạ
sáng chế…
o
Câu nói này thật rất kinh người. Kinh hãi nhất đương nhiên là Đinh Bằng.
Gần như hắn không nhịn được, chồm lên hỏi:
-Tiền bối nói sao?
Liễu Nhược Tùng nói:
-Lời tại hạ nói chắc Đinh thiếu hiệp đã nghe rất rõ rồi.
Máu nóng Đinh Bằng đã xông lên đỉnh đầu:
-Tiền bối… tiền bối có gì làm chứng?
Liễu Nhược Tùng từ từ quay mình sai tên đồng tử:
-Ngươi đi mời phu nhân đem kiếm phổ của ta ra đây!
o
Đối với một nam nhân học kiếm mà nói, trên đời có hai khoản tuyệt đối
không thể cho người khác cùng hưởng: đó là kiếm phổ và thê tử.
Liễu Nhược Tùng là một nam nhân. Liễu Nhược Tùng cũng học kiếm.
Đối với kiếm phổ và thê tử đương nhiên ông ta cũng trân quý. Nhưng hiện tại
ông ta muốn thê tử đưa kiếm phổ ra đủ thấy đối với chuyện này phương pháp xử
lý của ông ta đã tỏ ra vô cùng thận trọng.
Không ai nói gì thêm, cũng không ai còn có thể nói gì.
Liễu Nhược Tùng xử sự công chuyện thường khiến chẳng ai có thể dèm
pha.
o
Kiếm phổ do đích thân Liễu phu nhân đem ra.
Kiếm phổ cất giữ trong một chiếc hộp phong kín. Trên mặt chiếc hộp còn
có niêm phong. Mặt Liễu phu nhân cũng che bằng vuông sa mỏng.
Một lớp sa mỏng tuy che kín được diện mục của bà ta nhưng không che
được nét phong hoa tuyệt đãi của bà. Liễu phu nhân vốn là mỹ nhân nổi tiếng
giang hồ mà còn xuất thân thế gia, chẳng những có mỹ danh còn có hiền danh.
Có người lạ mặt đương nhiên bà ta chẳng thể lộ diện mục thật. Bà ta
đương nhiên cũng đã biết chuyện này nên đã giao ngay kiếm phổ cho Chung
Triển và Tạ tiên sinh.
Thân phận của Tạ tiên sinh, sự chính trực của Chung Triển tuyệt chẳng ai
còn hoài nghi. Liễu phu nhân cúi đầu, thái độ cũng khiến chẳng ai có thể nói gì.
o
Chiếc hộp phong kín đã được mở. Kiếm phổ bằng lục màu đạm, rất
mỏng, mỏng phi thường. Vì đây không phải là Võ Đang kiếm phổ mà là Thanh
Tùng kiếm phổ do Liễu Nhược Tùng tự sáng tác.
Võ Đang kiếm pháp bác đại tinh thâm. Liễu Nhược Tùng độc sáng kiếm
pháp chỉ có sáu chiêu. Trang cuối cùng tức là chiêu kiếm đang nói.
Tạ tiên sinh và Chung Triển lập tức lật trang kiếm phổ cuối cùng. Với
thân phận và địa vị của họ đương nhiên không thể coi chuyện mình không nên
coi. Nhưng đây là chứng cớ vì nhất sinh tín dự của Đinh Bằng và Liễu Nhược
Tùng nên họ chẳng thể không coi.
Chỉ xem qua mấy hàng sắc mặt cả hai đều biến đổi.
Liễu Nhược Tùng liền hỏi:
-Chiêu kiếm Đinh thiếu hiệp sử dụng vừa rồi phải chăng hai vị đều đã

thấy rất rõ?
-Phải!
Vừa rồi Đinh thiếu hiệp nói đã dùng chiêu kiếm này đánh bại kiếm pháp
của Sử Định, Cát Kỳ và Quách chính Bình phải chăng hai vị đều đã nghe rất rõ?
-Phải!
-Đinh thiếu hiệp và tại hạ phải chăng mới gặp nhau lần thứ nhất?
Điểm này Chung Triển và Tạ tiên sinh không thể xác định được nên họ
quay sang hỏi Đinh Bằng. Đinh Bằng gật đầu thừa nhận.
Liễu Nhược Tùng lại hỏi:
-Kiếm phổ này có phải là giả tạo không?
-Không phải. Điểm này Tạ tiên sinh và Chung Triển đều có thể xác định.
Liễu Nhược Tùng bèn thở dài một tiếng:
-Hiện giờ tại hạ không có gì để nói nữa.
o
Đinh Bằng cũng không thể nói gì. Tuy hắn tự thấy đã trưởng thành, nhưng
thực ra vẫn như một đứa trẻ.
Hắn sinh trưởng tại một vùng hương thôn chất phác. Ra khỏi hương gia
mới hơn ba tháng, những quỷ quyệt trong giang hồ làm sao hắn rõ? Hắn chỉ cảm
thấy lặng người. Toàn thân như chìm xuống, chìm xuống một hố sâu thăm thẳm
toàn thân trên dưới như bị trói chặt, muốn gỡ, gỡ không ra, muốn kêu, kêu không
thành tiếng. Sở hữu hy vọng đều đã bị huỷ diệt, viễn cảnh quang minh sáng lạn
đã biến thành một màu đen tối. Hắn thực không rõ nên làm gì mới phải.
Chung Triển hỏi Liễu Nhược Tùng:
-Liễu đại hiệp đã sáng xuất chiêu kiếm này sao chưa thấy sử dụng qua?
Liễu Nhược Tùng giải thích:
-Tại hạ là Võ Đang môn hạ, lấy Võ Đang làm vinh hạnh. Chiêu kiếm này
chẳng qua chỉ trong lúc vô ý sáng xuất rồi tiện tay ghi lại cũng chẳng qua chỉ là
nhất thời hứng thú muốn lưu lại ngày sau tiêu khiển mà thôi. Võ Đang kiếm
pháp bác đại uyên thâm đủ để tại hạ trọn đời sử dụng không hết. Nhất sinh tại
hạ tuyệt không muốn sáng xuất đệ nhị gia kiếm pháp với dã tâm tự sáng môn
phái, nếu chẳng phải thực bất đắc dĩ tại hạ tuyệt không muốn đưa kiếm phổ này
ra.
Lời giải thích của Liễu Nhược Tùng chẳng những hợp tình hợp lý mà còn
quang minh chính đại, bất luận ai cũng không thể không tiếp thụ.
Tạ tiên sinh mỉm cười khen:
-Nói rất hay! Thiên Nhất chân nhân chắc cũng rất vinh dự có được một đệ
tử như Liễu đại hiệp.
Chung Triển thắc mắc:
-Chiêu kiếm này đã là kiếm pháp Liễu đại hiệp tự sáng vậy Đinh Bằng
học được từ đâu?
Liễu Nhược Tùng đáp:
-Điểm này chính tại hạ cũng đang muốn hỏi Đinh thiếu hiệp.
Đoạn lão quay sang hỏi Đinh Bằng với thái độ rất ôn hoà:
-Rút lại, chiêu kiếm này có phải là kiếm pháp gia truyền của thiếu hiệp
không?
Đinh Bằng cúi đầu đáp:
-Không phải!
Nói ra hai câu này hắn có cảm giác như tự mình đánh mình một roi thật
mạnh. Nhưng hiện tại hắn đã chẳng thể thừa nhận. Hắn vốn là một thanh niên
trẻ tuổi chất phác, không biết mạo muội lương tâm nói dối.
Liễu Nhược Tùng hỏi tiếp:
-Vậy thiếu hiệp đã học được ở đâu?
-Gia phụ trong lúc tình cờ lượm được một pho kiếm phổ tàn khuyết, trong
đó có chiêu “Thiên ngoại lưu tinh” này.
-Là kiếm phổ của ai?
-Không rõ – hắn thực tình không rõ.
Trong kiếm phổ không ghi tên họ, tự hắn cũng không rõ kiếm phổ của ai
cho nên hắn chẳng thể không tin Liễu Nhược Tùng. Hắn nói hoàn toàn là thực.
Liễu Nhược Tùng chép miệng nói:
-Không dè một thiếu niên trẻ tuổi như thiếu hiệp đã dám nói dối.
Đinh Bằng cãi:
-Tại hạ không nói dối.
-Vậy kiếm phổ đó đâu?
-Tại…
Đinh Bằng không nói tiếp được, vì hiện tại hắn cũng không rõ kiếm phổ
đó ở đâu. Hắn nhớ đã từng tặng kiếm phổ đó cho Khả Tiếu, tuy Khả Tiếu trả
lại hắn nhưng hắn lại đưa cho Khả Tiếu cất giữ. Nàng đã tặng tất cả cho hắn,
hắn cũng đã tặng tất cả cho nàng.
Sau đó qua những ngày rất êm ấm, rất say sưa đắm đuối, một người trẻ
tuổi mới nếm tư vị ôn nhu sao còn biết nghĩ đến chuyện khác?
Liễu Nhược Tùng lạnh lùng nhìn hắn, lại chép miệng nói:
-Thiếu hiệp còn trẻ, chưa phạm lỗi lầm gì lớn, tại hạ không truy cứu lý
lịch kiếm phổ đó nữa.
Đinh Bằng cúi đầu, hắn đã nhận rõ, hiện tại dù nói gì cũng không ai tin,
hắn cũng đã nhận ra cặp mắt những người khác đang nhìn mình với vẻ khinh
biệt.
Liễu Nhược Tùng nói tiếp:
-Chỉ cần thiếu hiệp đáp ứng, trọn đời không dùng kiếm nữa, cũng không
lai vãng giang hồ nữa tại hạ sẽ để thiếu hiệp đi.
Thần sắc ông ta trở nên rất nghiêm túc tiếp:
-Sau này, nếu thiếu hiệp bội tín dù thiếu hiệp trốn đi đâu tại hạ cũng tìm
đến lấy tính mạng của thiếu hiệp.
Mọt người học kiếm, một người tuổi trẻ, quyết tâm muốn nổi tiếng hơn
người nếu trọn đời chẳng thể dùng kiếm, trọn đời không được lai vãng giang hồ
cuộc sống còn có ý nghĩa gì?
Nhưng hiện tại Đinh Bằng chẳng thể không đáp ứng, hiện tại hắn đã
không còn đường lựa chọn nữa.
Hắn đột nhiên cảm thấy lạnh toát toàn thân, vì giữa lúc đó chợt có một
luồng gió lạnh thổi tới, thổi bay tà áo của hắn, cũng thổi bay tấm sa che mặt của
Liễu phu nhân…
o
Thiên khí đã sắp đổi, dương quang xán lạn đã bị mây đen che kín. Đinh
Bằng chợt cảm thấy toàn thân đã cứng đơ giá lạnh, chợt lại cảm thấy toàn thân
như bị thiêu đốt trong lửa đỏ. Một nỗi bi thống và phẫn nộ không thể tả, chẳng
khác luồng hoả diện từ dưới chân xông lên yết hầu, thiêu đỏ mặt hắn cũng thiêu
đỏ cặp mắt hắn.
Trong một chớp mắt tấm sa che mặt bị thổi bay hắn đã nhìn rõ diện mục
Liễu phu nhân. Vị Liễu phu nhân này chính là Khả Tiếu.
o
Hiện tại tất cả đều đã rõ ràng.
Hắn không ngờ sự thực trong chuyện này lại bỉ ổi tàn khốc đến thế. Hắn
chợt cất tiếng cười lớn. Tiếng cười của hắn chẳng khác tiếng kêu rú của dã thú
sắp chết.
Hắn trỏ mặt Liễu phu nhân lớn tiếng:
-Phải rồi! Thì ra là nàng!
Mọi người đều giật mình nhìn hắn.
Liễu Nhược Tùng hỏi hắn:
-Ngươi nhận biết nàng?
Đinh Bằng đáp:
-Đương nhiên ta biết. Ta không biết nàng còn ai biết?
-Ngươi biết nàng là ai?
-Lý Khả Tiếu.
Liễu Nhược Tùng trầm nét mặt cười lạnh:
-Ta chẳng thể cười, ngươi cũng chẳng thể cười.
Chuyện này quả thực chẳng thể cười, chẳng có chút gì có thể cười.
Chuyện này cũng khiến người chẳng thể khóc ra tiếng.
Đinh Bằng vốn cần nói ra tất cả sự thực đã qua – từ lúc nàng trần truồng,
bắt đầu thâm nhập vào tâm linh hắn, đến khi nàng yêu cầu hắn đi kiếm Mai Hoa
lão nhân rồi bị treo lên cây cho đến lúc nàng cho hắn tất cả, hắn cũng cho nàng
tất cả…
Nhưng hắn không thể nói ra được, vì chuyện này thực quá hoang đường,
nếu hắn nói ra nhất định người khác sẽ cho hắn là một thằng khùng, một thằng
dâm ô biến thái. Đối phó với loại người khùng này bất kể dùng phương pháp
tàn khốc đến đâu đều không ai nói năng. Hắn đã từng tận mắt nhìn thấy một
người khùng như vậy bị người ta treo lên tới chết. Hiện tại hắn mới rõ mình đã
sa vào một cạm bẫy khủng khiếp. Một cặp mệnh danh quân tử và thục nữ chẳng
những muốn đoạt kiếm phổ của hắn còn hủy hoại triệt để con người hắn. Vì hắn
đã uy hiếp tới họ. Vì cuộc chiến này hắn vốn nhất định thắng. Hiện tại hắn vốn
đã có thể vang danh giang hồ, nổi tiếng hơn người. Nhưng ngược lại…
Đinh Bằng chợt chồm lên dùng hết lực lượng toàn thân định chụp lấy vị
Liễu phu nhân “Bất khả tiếu” này. Hiện tại đã hết. Hắn đã bị huỷ diệt triệt để
trong tay nàng. Hắn cũng muốn hủy diệt nàng. Chỉ đáng tiếc một thục nữ danh
nhân như Liễu phu nhân tuyệt chẳng thể dễ dàng bị hủy dưới tay một vô danh
tiểu tử như Đinh Bằng.
Thân hình hắn vừa chồm lên đã có hai mũi kiếm đâm tới. Mai Hoa lão
nhân lớn tiếng quát:
-Nãy giờ ta không mở miệng chỉ vì Liễu Nhược Tùng huynh đệ của ta
nhưng bây giờ ta không thể nhịn được nữa.
Liễu Nhược Tùng vẫn làm bộ than thở:
-Ta vốn không muốn làm khó dễ ngươi tại sao ngươi lại nhất định tự mình
tìm cái chết?
Một tiếng sấm động. Mưa đổ xuống như trút. Kiếm quang xen lẫn sấm
chớp. Quần áo Đinh Bằng đã nhuộm đỏ máu tươi. Mắt hắn cũng đỏ hoe. Hắn
đã bất chấp tất cả. Nhất sinh của hắn đã bị hủy chi bằng chết ngay tại đây?
Chết trước mắt người đàn bà lang độc.
Tạ tiên sinh không ngăn cản. Chung Triển cũng không. Họ đều không
muốn xen vào chuyện này, gã trẻ tuổi này thật không đáng được họ đồng tình.
Nếu như hắn có thân phận, có địa vị, có danh khí, nếu như hắn xuất thân thế gia
hiển hách cũng có thể còn có người giúp hắn nói vài câu, nghe hắn giải thích.
Chỉ tiếc hắn là một tên nghèo mạt, không có gì.
Kiếm quang nhoáng lên đâm trúng vai hắn, hắn không thấy đau. Hắn đã
có phần điên cuồng, mê loạn, tê dại. Một người lâm tình trạng này thường kích
động bản năng cầu sinh, chẳng ai muốn như một con chó điên chờ người dùng
loạn kiếm đâm chết. Nhưng đáng tiếc lúc này hắn đã đi vào tử lộ, muốn quay
đầu cũng không kịp nữa.
Hai thanh kiếm của Mai Hoa và Mạc Trúc tử đã như hai con rắn độc xoắn
chặt lấy hắn. Hắn đã phát hiện ra âm mưu của họ nên họ tuyệt chẳng thể tha
cho hắn sống.

Hiện tại mọi người đều đã cho rằng hắn rất đáng tội, dù cho họ có giết
hắn cũng là chuyện thiên kinh đại nghĩa.
Liễu Nhược Tùng đã phóng ra một đường kiếm trí mạng. Đường kiếm
này sắp đâm trúng cổ họng Đinh Bằng. Đột nhiên lại một tiếng sét lớn vang
động. Tiếng sét và chớp cùng giáng xuống một lượt, cây cổ thụ lớn trên luyện
võ trường bị sét đánh chẻ đôi.
Sấm sét, điện chớp, lôi hoả.
Cành cây lớn gãy lìa trong hỏa diệm ào ào đổ xuống với khí thế lôi đình.
Đây là oai của trời đất, cơn phẫn nộ của trời đất, bất cứ ai đều không tránh khỏi
sợ hãi.
Trong tiếng la hoảng mọi người đều bất giác nhảy lui. Liễu Nhược Tùng
cũng nhảy lui ra phía sau. Chỉ có Đinh Bằng xông tới phía trước, xông ra giữa
những cành cây gẫy đổ, xông ra giữa vùng lôi hỏa …
Hắn không rõ, phải chăng mình có thể lui ra được cũng chẳng rõ mình sẽ
trốn đi đâu. Hắn không có mục đích cũng không biện phương hướng. Trong
lòng chỉ muốn trốn ra khỏi cạm bẫy này, trốn được đến đâu hay đến đó. Hắn cố
dùng hết lực lượng. Đến lúc kiệt sức hắn gục ngã xuống bên một khe suối bên
núi.
Mưa tiếp tục, trời đã tối.
Trước khi ngã gục chuyện hắn nghĩ tới cuối cùng chẳng phải là cừu hận
đối với Liễu Nhược Tùng và “Khả Tiếu”, cũng chẳng phải là bi thống của chính
mình. Điều hắn nghĩ tới là cặp mắt của phụ thân nhìn hắn lúc sắp qua đời.
Trong cặp mắt đó đầy sự yêu thương và lòng tin.
Hiện tại cặp mắt đó vẫn phảng phất như đang nhìn hắn, trong ánh mắt vẫn
đầy yêu thương và lòng tin, tin tưởng con mình nhất định có thể tranh khẩu khí,
nổi tiếng hơn người, muốn con mình phải sống.
Trăng tròn. Trăng đêm rằm tháng bảy.
Mưa đã tạnh, trăng tròn đã lên cao.
Trăng đêm nay phảng phất đẹp hơn bình thường, đẹp thần bí, đẹp thê
lương, đẹp khiến người nát tim.
Đinh Bằng mở mắt nhìn thấy vầng trăng tròn này.
Hắn chưa chết, những người muốn hắn chết không tìm được hắn.
Cũng không rõ là tình cờ hay là thiên ý hắn mới gục ngã bên khe suối
cạnh sườn núi này.
Mưa rào tạo cơn nước lũ, nước lũ từ trên núi đổ xuống khe suối, cuốn theo
người hắn đến đây. Chỗ này cách chỗ hắn ngã gục xuống rất xa.
Từ khe suối bò lên liền nhìn thấy một động huyệt rất sâu, bốn bề là núi là
cây rừng. Sơn cốc sau trận mưa ướt át và mát mẻ, giống như một xử nữ vừa tắm
ra. Nét đẹp của xử nữ cũng luôn đượm nét thần bí. Đinh Bằng phảng phất đã bị
lực lượng thần bí này hấp dẫn, bất giác tự nhiên bước vào động.
Aùnh trăng từ ngoài rọi vào soi rõ bốn vách động đầy những bức hoạ. Hình
hoạ chẳng phải là nhân gian mà là trên trời, chỉ có trên trời mới có cảnh tượng
như vậy.
Điện đường rộng lớn và hoa lệ, vũ sĩ mặc kim giáp cầm kim qua, cung nga
mặc vũ y, cột tóc cao, khăp nơi bầy đầy những hoa tươi, quả thơm, châu ngọc
trân báu, tuyệt chẳng có nơi nhân gian. Đồ họa đàn ông đều oai vũ hùng tráng
như thiên thần, đàn bà đều xinh đẹp cao quý như tiên tử. Đinh Bằng nhìn ngây
đến say mê.
Sở hữu hy vọng của hắn đều đã huỷ diệt, tiền đồ quang minh đã biến
thành một màu hắc ám. Tại nhân gian hắn bị lừa đảo, khinh miệt, bị hạ nhục, bị
oan uổng dồn vào đường cùng. Tại nhân gian hắn đã không còn tiền đồ, không
tương lai, đã bị người ta hủy diệt triệt để. Nỗi oan uổng hắn bị đổ lên đầu, trọn
kiếp sống này không còn cách rửa sạch, kiếp sống hắn đã không có ngày ngóc
đầu dậy được. Dù còn sống hắn cũng chỉ có thể dương mắt nhìn những người đã
hạ nhục, lừa dối và vu oan hắn diễu võ dương oai, vì những người đó chẳng bao
giờ bị hắn đánh gục được.
Hắn sống còn có ý nghĩa gì?
Nhân gian tuy không có thiên lý nhưng trên trời có. Tại nhân gian bị oan
khuất chỉ có lên trời khiếu nại. Hắn còn trẻ vốn chẳng nên có lối suy nghĩ này
nhưng một khi đã đến đường cùng không biết làm sao chẳng nghĩ vậy còn có thể
nghĩ gì hơn, hắn chợt muốn chết.
Chết quả thực dễ dàng hơn sống như thế này nhiều mà cũng thống khoái
hơn nhiều. Bị lừa dối, bị một người đàn bà mình yêu lần thứ nhất lừa dối. Đây
vốn là chuyện bất cứ người nào đều chẳng thể chịu đựng và đủ khiến một người
trẻ tuổi hết ham sống.
Hắn chợt phát hiện trong tay còn cầm thanh kiếm. Thanh kiếm này đã
không thể đem lại thanh danh và vinh dự cho hắn chi bằng chết bằng thanh kiếm
này cho xong? Hắn nâng kiếm, chuẩn bị đưa mũi kiếm tự đâm vào cổ họng…
Không dè giữa lúc đó một trận gió thổi qua, trong làn gió phảng phất có
bóng người. Một bóng người mờ mờ, kèm theo mùi thơm thoang thoảng bay qua
trước mặt hắn rồi chợt không thấy nữa. Thanh kiếm trong tay hắn cũng không
thấy.
o
Đinh Bằng ngẩn người. Sau đó hắn cảm thấy một luồng hơi lạnh từ chân
xông lên, đột nhiên toàn thân lạnh giá. Chẳng lẽ nơi đây có quỷ?
Trong động huyệt vốn rất thần bí, hiện tại trong bóng tối lại phảng phất
đầy hình bóng ma quỷ. Nhưng một người đã quyết tâm muốn chết thì còn sợ gì
ma quỷ nữa? Ma quỷ chẳng qua cũng là người đã chết mà thôi. Không có kiếm
cũng vẫn có thể chết được.
Đinh Bằng chỉ hận chẳng những người ta khi phụ hắn mà lúc sắp chết ma
quỷ cũng trêu cợt hắn. Hắn nghiến răng dùng lực lượng toàn thân lao đầu vào
vách đá. Bất luận bị người khi phụ hay ma quỷ trêu cợt, món nợ này sau khi
chết hắn nhất định phải thanh toán.
o
Nhưng hắn lại chưa chết.
Đầu hắn không chạm vách đá vì lại có trận gió thổi qua. Trước vách đá
chợt xuất hiện một người. Đầu hắn chạm vào mình người này. Chuyện đã xảy
ra còn đáng sợ hơn đưa đầu vào vách đá vì trên đời chẳng thể có người nào lẹ
như vậy. Hắn giật mình tháo lui, nhìn rõ người trước mặt. Một tuyệt sắc mỹ
nhân, mặc vũ y, cột tóc cao giống hệt tiên tử trong bức họa trên vách. Chẳng lẽ
nàng từ trong bức hoạ trên vách bước ra?
o
Tay trái nàng xách chiếc giỏ tre đựng đầy hoa quả tươi, tay mặt cầm thanh
kiếm. Kiếm của Đinh Bằng. Nàng nhìn Đinh Bằng mỉm cười, nụ cười thanh
tâm, êm dịu, thuần khiết, cao quý. Bất kể là gì nhìn nàng ít ra không đáng sợ.
Đinh Bằng cảm thấy còn hơi thở, còn có thể nói được nên hắn lập tức hỏi một
câu:
-Cô nương là người hay là ma?
Câu hỏi rất tức cười nhưng bất cứ ai dưới tình trạng này đều hỏi như vậy.
Cô nàng lại cười, cười híp cả mắt, chợt hỏi lại hắn:
-Công tử có biết hôm nay là ngày gì không?
Đinh Bằng đáp như một cái máy:
-Tháng bảy, mười lăm tháng bảy.
Tuyệt sắc mỹ nhân phảng phất như từ bức hoạ trên vách bước ra lại hỏi:
-Công tử biết mười lăm tháng bảy là ngày gì không?
Đinh Bằng chợt nhớ ra, hôm nay là tiết trung nguyên là ngày tết của ma
quỷ. Đêm nay quỷ môn quan mở rộng. Đêm nay bầy ma quỷ trong u minh địa
phủ đều đến nhân gian. Đinh Bằng thất thanh hỏi:
-Cô nương là ma?
Mỹ nhân nhoẻn miệng cười, hỏi lại:
-Công tử nhìn tiểu nữ có giống ma không?
-Nàng không giống.
Đinh Bằng lại nín không được hỏi:
-Vậy có phải cô nương là tiên tử trên trời?
Mỹ nhân cười ngọt lịm:
-Tiểu nữ cũng rất muốn để công tử nhận tiểu nữ là tiên tử trên trời tiếc
rằng tiểu nữ lại không dám nói dối, vì nếu mạo nhận là tiên tử trên trời sẽ bị đày
xuống địa ngục rút lưỡi.
o
Đinh Bằng đinh ninh:
-Dù nói gì cô nương tuyệt chẳng phải người ta.
Mỹ nhân nói:
-Đương nhiên tiểu nữ chẳng phải người ta.
Đinh Bằng lại bất giác tháo lui vài bước, ngập ngừng hỏi:
-Vậy… vậy cô nương là gì?
-Tiểu nữ là “hồ”.
-Là Hồ?
Mỹ nhân hỏi:
-Chẳng lẽ công tử chưa hề nghe nói trên đời có “Hồ” sao?
Đinh Bằng có nghe qua, truyền thuyết về “hồ” có rất nhiều, có chuyện nói
“hồ” rất đẹp, có chuyện nói “hồ” rất đáng sợ và “Hồ” không thể đụng chạm tới
được. Khi chúng thích ngươi, chúng cho ngươi được hưởng tất cả tài phú vinh
diệu trên đời, đem đến cho ngươi vận may mộng tưởng không tới, nhưng chúng
cũng có thể mê hoặc cho ngươi hồn tiêu phách tán, mê hoặc ngươi cho tới chết.
Tuy nhiên chưa ai nhìn thấy chúng, cũng chưa ai phủ nhận sự tồn tại của chúng.
Trong truyền thuyết sở hữu có một điểm tương đồng duy nhất là “hồ” thường
hiện thân làm người mà còn thích hoá thân thành nữ nhân mỹ lệ.
Đinh Bằng giật mình nhìn nữ nhân mỹ lệ trước mắt, quần áo hắn vừa khô
lại bị mồ hôi lạnh thấm ra ướt.
Hắn thực đã gặp một loài “hồ”.
o
Ánh trăng mờ nhạt rọi vào, rọi trên mặt nữ nhân. Mặt nàng mỹ lệ mà
nhợt nhạt, lợt lạt gần trong suốt. Chỉ có người chưa bao giờ thấy ánh dương
quang mới có sắc mặt như vậy. “Hồ” đương nhiên không thể thấy được ánh
dương quang.
Đinh Bằng chợt bật cười.
Mỹ nhân hình như thấy hơi kỳ quái, chưa bao giờ có người gặp hồ tiên mà
còn cười được. Nàng không nín được hỏi:
-Công tử thấy chuyện này rất buồn cười phải không?

-Chuyện này chẳng buồn cười và cô nương cũng chẳng hăm dọa được tại
hạ.
-Vậy hả?
-Tại vì tại hạ vốn chẳng sợ cô nương, dù cô nương có là ma hay là “hồ”,
tại hạ đều không sợ.
-Mọi người đều sợ quỷ hồ tại sao công tử lại không sợ?
-Vì dù gì tại hạ cũng muốn chết rồi.
Đinh Bằng cười nói tiếp:
-Nếu cô nương là ma, sau khi tại hạ chết rồi cũng là ma tại sao còn phải
sợ cô nương?
Mỹ nhân chép miệng nói:
-Một người sau khi chết rồi quả thật chằng còn sợ gì nữa.
-Không sai!
-Nhưng một người tuổi còn trẻ như công tử tại sao muốn chết?
-Công tử thực tình muốn chết?
-Đúng!
-Công tử nhất định phải chết?
-Không chết không được!
-Đáng tiếc công tử đã quên một chuyện.
-Chuyện gì?
-Hiện tại công tử chưa chết, vẫn còn là người sống.
Đinh Bằng thừa nhận, mỹ nhân nói tiếp:
-Tiểu nữ là “hồ”, hồ tiên, tiểu nữ có pháp lực. công tử không có cho nên
tiểu nữ không muốn công tử chết. Công tử tuyệt đối chẳng chết được, trừ phi…
-Trừ phi sao?
-Trừ phi công tử cho tiểu nữ hay trước, vì chuyện gì công tử không chết
không được?
Đinh Bằng chợt chồm lên lớn tiếng:
-Tại sao tại hạ phải cho cô nương hay? Cô nương căn cứ vào đâu bắt tại
hạ phải nói cho cô nương?
Hắn nhớ lại chuyện vừa qua, trong lòng hắn tràn đầy bi thống và phẫn nộ
hắn nói tiếp:
-Ta nhất định không cho cô nương hay coi cô nương làm gì được ta? Chết
là xong chuyện, một người đã quyết tâm muốn chết còn sợ người khác làm gì
được?
Mỹ nhân giật mình nhìn hắn chợt lại cười cười nói:
-Hiện tại tiểu nữ đã tin công tử quả thật muốn chết.
-Đúng vậy!
Mỹ nhân chợt lại hỏi:
-Công tử tên gì?
-Tại sao cô nương cần hỏi tên tại hạ?
-Đợi lúc công tử chết biến thành ma chúng ta sẽ là đồng lân, không chừng
thường gặp nhau đương nhiên tiểu nữ muốn biết tên công tử.
-Tại sao cô nương không cho tại hạ biết tên cô nương trước? “Hồ” cũng
phải có tên chứ!
Mỹ nhân nhoẻn miệng cười:
-Tiểu nữ có tên, tên tiểu nữ là Thanh Thanh.
Thanh Thanh mặc quần áo mầu xanh lạt, giống bầu trời quang đãng ngày
xuân, giống hồ thủy trong suốt dưới bầu trời khô tạnh, giống viễn sơn phản ánh
trong hồ thủy, đẹp thần bí mông lung. Eo lưng Thanh Thanh thon thon, mềm mại
giống nhành dương liễu trong gió xuân. Đai lưng Thanh Thanh cũng mầu xanh,
cài một thanh đao, thanh đao cong cong, vỏ đao bằng bạc, chuôi đao gắn một hạt
minh châu sáng lấp lánh. Sóng mắt Thanh Thanh còn ôn nhu mỹ lệ hơn châu
quang.
o
Đinh Bằng chẳng chút sợ nàng, bất luận nàng là người là “Hồ” hắn đều
không sợ.
Nếu Thanh Thanh là người đương nhiên là một mỹ nhân. Nếu Thanh
Thanh là “hồ” đương nhiên cũng là một mỹ “hồ” ôn nhu thiên lương, tuyệt không
làm hại bất cứ ai. Loan đao của nàng nhìn cũng không giống đao để hại người.
Đinh Bằng chợt hỏi nàng:
-Cô nương cũng dùng đao?
Thanh Thanh hỏi lại:
-Tại sao tiểu nữ không thể dùng đao?
-Cô nương đã giết người?
Thanh Thanh lắc đầu:
-Người dùng đao không nhất thiết để giết người.
Đinh Bằng chép miệng than:
-Kẻ giết người cũng không nhất định phải dùng đao.
Hiện tại hắn mới rõ có những kẻ không cần dùng đao cũng có thể giết
người, phương pháp giết người của họ còn tàn khốc hơn dùng đao.
Thanh Thanh hỏi:
-Công tử đã gặp loại người đó?
-Phải!
-Cho nên họ không dùng đao giết công tử, công tử vẫn phải chết mới
được?
Đinh Bằng cười chua chát:
-Tại hạ thà nguyện họ dùng đao giết còn hơn.
Thanh Thanh lại hỏi:
-Công tử có thể nói cho tiểu nữ nghe chuyện đã gặp phải, để tiểu nữ coi
xem có phải chuyện đáng chết hay không.
Chuyện này vốn không thể nói cho ai hay, vì nói ra cũng không ai tin.
Nhưng Thanh Thanh không phải người mà là “Hồ”. Hồ thông minh hơn người,
nhất định có thể phân biệt lời hắn nói thực hay giả.
Đinh Bằng không sợ Thanh Thanh chê là ngu muội, hắn đã kể cho nàng rõ
chuyện hắn đã tao ngộ. Có nói ra những điều dấu kín trong lòng có chết cũng
được chết thống khoáng.
Kể xong chuyện Đinh Bằng thở ra một hơi dài nhẹ nhõm hỏi:
-Một người gặp chuyện như vậy, cô nương có thấy nên chết đi hay không?
Thanh Thanh lẳng lặng nghe rồi cũng thở dài nói:
-Đúng!
Đinh Bằng hỏi:
-Phải chăng bây giờ tại hạ đã có thể chết rồi chứ?
Thanh Thanh đáp:
-Đúng! Công tử hãy chết đi!
o
Bất luận người hay “hồ” đều nhận thấy Đinh Bằng nên chết đi. Còn tiếp
tục sống như vậy quả thực chết tốt hơn.
Đinh Bằng chép miệng nói:
-Cô nương hãy đi chỗ khác!
Thanh Thanh hỏi:
-Tại sao tiểu nữ phải đi?
-Một người lúc chết hình dạng rất khó coi, tại sao cô nương muốn ở lại
đây coi tại hạ chết?
-Nhưng chết cũng có rất nhiều cách, công tử cũng nên chọn cách chết dễ
coi một chút.
-Chết là chết! Chết thế nào cũng giống nhau. Tại sao tại hạ phải chọn
cách chết cho dễ coi?
-Vì tiểu nữ.
-Vì cô nương?
-Phải! Vì tiểu nữ chưa được coi người khác chết bao giờ. Cầu xin công tử
chết cho dễ coi một chút cho tiểu nữ coi được không?
Đinh Bằng cười chua chát. Hắn chưa bao giờ nghĩ tới có người đề ra yêu
cầu hắn một chuyện hoang đường như vậy. Hắn không nỡ cự tuyệt:
-Dù sao tại hạ cũng đã muốn chết, chết bằng cách nào cũng không quan
hệ.
Thanh Thanh nhoẻn miệng cười:
-Công tử thật tốt.
Đinh Bằng thắc mắc:
-Chỉ tiếc hiện giờ tại hạ chưa biết chết cách nào cho dễ coi.
-Tiểu nữ biết.
-Tốt! Cô nương muốn tại hạ chết cách nào tại hạ sẽ chết như thế.
Thanh Thanh nói:
-Cách đây không xa có một nơi gọi là Ưu sầu cốc, trong cốc có một loại
vong ưu thảo. Người thường chỉ ăn một lá vong ưu thảo sẽ quên hết ưu sầu
phiền não.
Nàng nhìn Đinh Bằng nói tiếp:
-Người đời ngu muội có ai đã thực tình quên được hết ưu sầu phiền não?
Đinh Bằng nói:
-Chỉ có người chết.
Thanh Thanh khẽ than:
-Công tử nói đúng, chỉ có người chết mới không có phiền não.
-Chết cách đó chắc rất dễ coi.
-Theo tiểu nữ biết, dù ở trên trời hay dưới đất đó là một cách chết dễ coi
nhất.
-Chỗ đó cách đây xa không?
-Không xa!
Dứt lời nàng quay mình từ từ đi về phía động huyệt tối tăm nhất.
Ưu sầu và hắc ám luôn không phân biệt.
Ưu sầu sơn cốc đương nhiên cũng nằm trong vùng hắc ám. Một vùng hắc
ám thăm thẳm vô biên.
o
Đinh Bằng không nhìn thấy Thanh Thanh, cũng không nghe tiếng bước
chân nàng. Chỉ ngửi mùi thơm thoang thoảng trên mình nàng tiết ra. Hắn theo
mùi thơm của nàng đi tới. Động huyệt sâu hơn sợ tưởng tượng của hắn nhiều,
hắn không rõ đã đi bao lâu cũng không rõ đã đến đâu.
Mùi thơm nồng hơn.
Ngoài mùi thơm của Thanh Thanh còn có mùi thơm của hoa. So với mùi
thơm của nàng, mùi thơm của hoa cỏ phảng phất biến thành dung tục. Nàng là
“hồ” thật. Đinh Bằng không tin, cũng không muốn tin. Hắn còn trẻ, nếu nàng là
người… Dù gì ta cũng sắp chết. Nàng cũng là người tốt, là “hồ” cũng không
sao, với ta hiện giờ chẳng còn quan hệ gì.
Trong lòng Đinh Bằng than thầm, không nghĩ tới chuyện này nữa rồi hỏi:
-Trong ưu sầu cốc cũng có hoa?
Thanh Thanh đáp:
-Đương nhiên có. Đủ mọi loại hoa. Tiểu nữ bảo đảm công tử chưa bao
giờ được thấy nhiều hoa như thế.
Giọng nói nàng êm dịu như làn gió xuân từ viễn sơn đưa tới, nói tiếp:
-Tiểu nữ cũng bảo đảm công tử chưa bao giờ thấy chỗ nào đẹp như chỗ
này.
o
Nàng không nói dối cũng không khoa trương. Ưu sầu cốc quả là một nơi
mỹ lệ phi thường. Nhất là dưới ánh trăng càng đẹp hơn, đẹp như mộng.
Một người vừa bước ra từ vùng hắc ám thăm thẳm vô biên, chợt nhớ đến
một nơi mỹ lệ như thế này càng khó tránh khỏi nghĩ mình đang nằm mơ.
Đinh Bằng hỏi:
-Đây có phải là đang nằm mơ không?
-Không phải!
-Tại sao nói đây là ưu sầu cốc?
-Vì là nơi giao giới giữa người với thần, chẳng những người phàm không
thể tùy tiện đến đây, mà thần cũng không thể tùy tiện đến đây được.
-Vì sao?
-Vì thần đến đây sẽ bị biến làm người phàm, người đến đây sẽ bị biến
thành quỷ.
-Chỉ có người sắp chết và thần đã bị biến thành người phàm, mới có thể
đến đây được phải không?
-Không sai!
-Cho nên chỗ này mới gọi là ưu sầu cốc?
-Đúng vậy!
Thanh Thanh nói tiếp:
-Bất kể là thần hay là người đến đây đều sẽ gặp bất hạnh, chỉ có loài hồ
chẳng phải người, chẳng phải ma, chẳng phải như thần như tiểu nữ mới có thể
tùy ý ra vào.

Lời nàng nói quả thật quá ly kỳ, quá thần bí, nhưng Đinh Bằng chẳng thể
không tin. Chỗ này quả thực chẳng phải nhân gian, vết chân phàm nhân quả
thật không bước tới. Một người được chết tại đây thực chẳng nên oán thán gì.
Đinh Bằng hỏi:
-Khóm vong ưu thảo đó ở đâu?
Thanh Thanh không trả lời, đưa mắt nhìn một khối nham thạch phía xa.
Khối nham thạch như khối bạch ngọc, giống một cự nhân cô độc, đứng sừng
sững dưới ánh trăng. Trên nham thạch không có hoa chỉ có một khóm cỏ màu
bích lục, đẹp hơn mầu hoa, đẹp hơn mầu phỉ thúy.
Đinh Bằng hỏi:
-Có phải đó là vong ưu thảo không.
Thanh Thanh khẽ gật đầu:
-Phải!
Nàng dẫn hắn đến gần khối nham thạch nói tiếp:
-Là vong ưu thảo, mỗi năm chỉ nẩy lá một lần, mỗi lần chỉ có ba lá, nếu
đến trễ không kịp vì lá khô héo mất.
Đinh Bằng thắc mắc:
-Đây chỉ là một loại độc thảo mà thôi, không lẽ cũng trân quý như vậy?
Thanh Thanh giải thích:
-Đây chẳng phải là độc thảo mà là Vong ưu thảo. Muốn quên hết ưu sầu
chẳng phải là chuyện dễ.
Nàng hỏi lại Đinh Bằng:
-Công tử thấy có phải không?
Đinh Bằng đáp:
-Phải!
Giữa lúc này chợt một bóng đen bay tới che khuất bóng trăng. Bóng đen
giống một vầng mây.
Không phải vầng mây đen mà là một con ưng, con ưng mầu xám. Con ưng
bay lượn dưới ánh trăng, bay lượn trên khối nham thạch như một vầng mây đen.
Nét mặt Thanh Thanh bỗng lộ vẻ kỳ quái, cau mày nói:
-Hôm nay đến kiếm Vong ưu thảo hình như chẳng phải chỉ có một mình
công tử.
Đinh Bằng ngước nhìn phi ưng dưới bóng trăng hỏi:
-Chẳng lẽ đó là thần?
Thanh Thanh lắc đầu:
-Đó chỉ là một con ưng.
-Ưng đến kiếm vong ưu thảo, chẳng lẽ ưng cũng có ưu sầu phiền não?
Thanh Thanh chưa kịp đáp chợt con ưng đã như lưu tinh chụp xuống khóm
vong ưu thảo trên khối nham thạch. Động tác của con ưng rất lanh lẹ, rất chuẩn
xác, người không thể sánh bằng. Không dè động tác của Thanh Thanh còn lẹ
hơn, nàng khẽ quát:
-Cút đi.
Cùng với tiếng quát, người nàng như lưu tinh bay vụt lên mặt khối nham
thạch. Ống tay áo nàng phất ra như đón lưu vân, nhắm mắt con ưng vụt tới.
Con ưng cất tiếng kêu dài bay đi, chớp mắt mất dạng trong vùng tối tăm xa
thẳm.
Vầng trăng tròn lại khôi phục ánh sáng. Thanh Thanh đứng trên đỉnh
nham thạch, dưới ánh trăng tà áo phất phới như tiên nữ trên trời.
Đinh Bằng than thở trong lòng. Nếu hắn có được thân pháp như nàng hà
tất phải sợ Liễu Nhược Tùng nữa? Hà tất phải tìm cái chết nữa? Chỉ đáng tiếc
thân pháp như nàng tuyệt chẳng phàm nhân nào có thể sánh kịp.
Hắn thấy Thanh Thanh đang vẫy tay nhìn hắn hỏi:
-Công tử có thể lên được không?
-Tại hạ thử coi.
Nham thạch láng bóng như gương, không chỗ bám tay, hắn thực khó lòng
có thể lên được nhưng hắn nhất định phải thử.
Bất kể là người hay “hồ” cũng vẫn là một nữ nhân, hắn không muốn để
nàng coi thường. Hắn đã thử một lần, lại một lần. Lần nào cũng bị té, toàn thân
tím bầm.
Thanh Thanh đứng trên nham thạch nhìn hắn té lên, té xuống, không lần
nào nàng đưa tay kéo hắn cũng như không có ý định giúp hắn lên.
Bất luận ngươi muốn gì đều cần phải dựa vào bảnh lĩnh của chính mình.
Người không có bản lĩnh chẳng những không thể sống tốt đẹp, ngay cả chết
cũng không thể chết êm thấm.
Hắn nghiến răng cố bò lên. Lần này gần như thành công hắn đã bò sắp
tới đỉnh nham thạch. K hông dè con ưng lúc này chợt lại bay trở về, đôi cánh
quạt gió đẩy kình phong quét vào mặt hắn khiến hắn lại bị té xuống. Lần này
hắn bị té thảm hơn. Trèo càng cao té ngã càng thảm.
Trong lúc đầu óc quay cuồng hắn thoáng nghe con ưng cười lạnh nói:
-Hạng ngươi như mi cũng đòi lấy vong ưu thảo?
o
Đây chẳng qua chỉ là con ưng, không phải thần. Chim ưng không biết cười
lạnh cũng không biết nói, lời nói là do người, người cưỡi trên lưng chim. Con
ưng còn bay lượn trên không người đã bay xuống, hạ chân trên nham thạch nhẹ
nhàng như chiếc lá rơi. Phàm nhân tuyệt không có thân pháp khinh diệu như
vậy.
Nguyệt quang trong sáng người này cũng lấp lánh kim quang. Mình y mặc
trường bào dệt bằng kim tuyến, trường bào dài ba thước. Vì người này chỉ cao
ba thước, trường bào ba thước mặc trên mình dài phủ quét đất. Râu y dài hơn
kim bào. Kiếm y dài hơn râu.
Một người cao ba thước, lưng mang kiếm dài bốn thước, bao kiếm đúc
bằng hoàng kim cũng kéo lê mặt đất. Coi người này thực chẳng giống một con
người.
Cũng có thể y vốn chẳng phải là người mà là “thần”, nơi đây vốn chẳng
phải là chỗ phàm nhân có thể đến được.
Một người tại nhân gian đã không có chỗ đặt chân tại sao đến đây?
Một người còn là người làm sao có thể tranh cường đấu thắng với “thần”
và “hồ”?
Đinh Bằng chợt thấy rất hối hận vì hắn vốn không nên đến chỗ này.
o
Trường bào kim sắc, bộ râu kim sắc đều tỏa kim quang lấp lánh. Thân
hình lão nhân này tuy không đầy bốn thước nhưng thần tình, khí phách coi giống
như một cự nhân cao mười trượng. Lão chợt hỏi:
-Có phải vừa rồi ngươi làm con ta kinh sợ bỏ chạy không?
Lão hỏi Thanh Thanh nhưng chẳng thèm nhìn Thanh Thanh một cái, làm
như thế giới này chẳng ai xứng đáng làm cho lão phải để ý.
“Con của ngươi?” -Thanh Thanh cười hỏi:
-Chim đó là con của ngươi?
Lão nhân nói:
-Đó không phải là chim mà là ưng. “Thần ưng” -thần trong loài ưng.
Lúc lão nói biểu tình rất thận trọng và nghiêm túc vì lời lão nói tuyệt
chẳng phái nói chơi, nói dởm.
Thanh Thanh vẫn cười:
-Ưng cũng là chim, con của ngươi là chim, chẳng lẽ ngươi cũng là chim?
Lão nhân nổi giận. Đầu tóc lão đã sói một nửa, lúc lão giận những sợi tóc
còn lại đều dựng ngược.
Nghe nói khi một người luyện khí công đến mức tột đỉnh có thể nộ phát
xung quang. Nhưng thiên hạ chưa ai có thể luyện khí công đến mức độ này.
Loại khí công này tuyệt chẳng phải phàm nhân nào cũng có thể luyện được.
Thanh Thanh hình như chẳng chút sợ hãi vì nàng cũng chẳng phải người.
Nàng là “Hồ”. Nghe nói “hồ” chẳng sợ bất cứ cái gì.
Nộ khí lão nhân lắng dịu rất mau, lão lạnh lùng nói:
-Ngươi đủ sức làm ưng nhi của ta phải bỏ chạy công lực của ngươi cũng
khá lắm.
Thanh Thanh hỏi:
-Thế à?
Lão nhân:
-Nhưng ta không giết ngươi.
Lão ngạc nhiên nói tiếp:
-Vì trên đời này chỉ còn lại có hai người đủ tư cách để cho ta giết.
Thanh Thanh thốt tiếng:
-“Chà”
Lão nhân hỏi:
-Chà là ý gì?
-Ý nói nếu ngươi muốn giết ta vẫn có thể giết được mà.
-Tại sao?
-Vì ta vốn không phải người.
-Vậy ngươi là vật gì?
-Cũng chẳng phải vật gì, ta là “hồ”.
Lão nhân cười lạnh:
-Hồ quỷ dị loại càng không xứng để lão nhân ta rút kiếm.
Khí phái lão chẳng những lớn lối, mà gan cũng rất lớn. Lão vẫn không
thèm nhìn Thanh Thanh một cái, hai tay chắp sau lưng, bước về phía Vong ưu
thảo.
-Loại người như lão chẳng lẽ cũng có ưu phiền sầu não gì muốn quên?
Thanh Thanh chợt cản đường lão ta đi nói:
-Ngươi không được động tới Vong ưu thảo này.
Lão nhân vẫn không thèm hỏi tại sao. Nhưng Thanh Thanh đã đứng trước
mặt lão. Lão chẳng thể không nhìn nàng, nhưng lão không ngửng đầu lên nhìn
mặt nàng, chỉ nhìn thanh đao nàng cài trên đai lưng.
Thanh đao cong cong màu xanh xanh.
o
Thanh đao cong cong của Thanh Thanh lấp lánh ngân quang dưới ánh
trăng. Lão nhân chợt chìa một bàn tay như móng chim nói:
-Đưa đây!
Thanh Thanh hỏi:
-Đưa cái gì?
-Đao của ngươi.
-Tại sao ta phải đưa đao của ta cho ngươi?
-Vì ta muốn coi.
-Hiện tại ngươi đã trông thấy rồi.
-Ta muốn coi đao chớ không phải coi vỏ đao.
-Ta khuyên ngươi chỉ nên coi vỏ đao là đủ, chớ nên coi đao.
-Tại sao?
-Vì thanh đao này tuyệt đối không thể coi được.
Nàng khẽ than:
-Vì những người nhìn thấy đao này, đều đã chết dưới lưỡi đao này.
Lão chợt ngẩng đầu nhìn mặt Thanh Thanh. Mặt nàng lợt lạt mà mỹ lệ,
mỹ lệ đượm nét thê diễm mà thần bí, mỹ lệ đến độ bất cứ nam nhân nào chỉ
nhìn qua nàng một cái đều phải động tâm.
Phản ứng của lão nhân này lại hoàn toàn khác. Đồng tử lão chợt thu nhỏ
nét mặt chợt lộ vẻ sợ hãi, thất thanh kêu lớn: -Là nàng!
Chẳng lẽ lão nhân này đã gặp mặt Thanh Thanh, và đã quen Thanh Thanh
trước kia.
Lão nhân chợt lắc đầu: -Không phải, tuyệt đối không phải. Ngươi còn trẻ,
còn quá trẻ.
Thanh Thanh cũng lộ vẻ hơi kỳ quái hỏi: -Phải chăng ngươi có quen một
người giống ta?
Lão nhân: -Ta không biết ngươi, ta chỉ biết thanh đao này, nhất định ta
không lầm, ta không thể… Lão chợt hỏi Thanh Thanh: – Có phải trên đao có
khắc bãy chử không?
Thanh Thanh hỏi: -Bãy chử gì?
Lão nhân nói: -Xuân vũ nhẹ rơi bên gác nhỏ.
o
“Xuân vũ nhẹ rơi bên gác nhỏ”! Đây là một câu thơ tuyệt mỹ. Đinh
Bằng cũng đã đọc qua câu thơ này. Mổi khi hắn đọc, hay nghe câu thơ này,
trong lòng hắn đều vương vấn chút “khinh sầu”, một nổi buồn nhè nhẹ, mang
mác, một loại tình cãm tuyệt mỹ. Nhưng phản ứng của Thanh Thanh và lão
nhân này khác nhau. Lúc nói ra bảy chử ấy, tay lão run hẳn đi, và sắc mặt cũng
đổi màu. Còn Thanh thanh, khi nghe bãy chữ này, sắc mặt nàng cũng đổi, chợt
liệng giỏ hoa trên tay, và nắm chặt chuôi đao cong cong.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.