Viên Nguyệt Loan Đao

Chương 25: Theo Dõi Tìm Hiểu


Bạn đang đọc Viên Nguyệt Loan Đao – Chương 25: Theo Dõi Tìm Hiểu

Đinh Bằng ngồi trên xe. Tiểu Hương vẫn co ro bên cạnh chàng. A Cổ dong
xe đi chậm chạp, không mục đích. Vì lúc lên xe Đinh Bằng chỉ bảo A Cổ một
tiếng:
– Tùy tiện đi!
“Tuỳ tiện đi” có nghĩa là đi đâu cũng được nhưng không phải về nhà. Cố
nhiên tuỳ tiện có thể về nhà, nhưng nếu muốn về nhà Đinh Bằng đã trực tiếp
nói về nhà. Cho nên A Cổ đã tùy tiện dong xe đi mà không về nhà.
A Cổ không biết nói chuyện nhưng nghe hiểu lời người khác nói. Chính vì
hắn không nói chuyện được nên hắn còn có thể hiểu được lời người khác chưa
nói ra miệng. Cho nên A Cổ chỉ dong xe chạy quanh quẩn vùng phụ cận.
Tay Đinh Bằng vẫn vuốt nhẹ đầu tóc Tiểu Hương nhưng bàn tay chàng đã
dần dần đưa xuống sau gáy của nàng. Cổ nàng thật nhỏ, mềm nhũn như nhung
tơ, bất cứ tay ai sờ đến cũng không nỡ dùng sức nhưng Đinh Bằng hình như xuất
thần, tay vẫn dùng sức bóp mạnh.
Trước Tiểu Hương còn chịu được, sau tới lúc không chịu nổi mới khẽ kêu
thành tiếng:
– Công tử gia nhẹ tay một chút được không?
Giọng nàng nhỏ nhẹ đáng thương, một cô gái khả ái làm chuyện gì cũng khả
ái nhưng Đinh Bằng lại lớn tiếng cười ha hả.
Tiểu Hương ngạc nhiên hỏi:
– Công tử gia cười chuyện gì thế?
Đinh Bằng vẫn cười nói:
– Ta tưởng ngươi không có tri giác, thì ra ngươi còn biết đau.
– Tỳ tử vẫn bình thường, còn công tử gia hình như có vẻ thất thần…
– Ngươi cho rằng ta vừa bóp cổ ngươi đau là do ta thất thần mà ra?
– Chẳng lẽ không phải?
Đinh Bằng mỉm cười, lắc đầu:
– Tuyệt đối không phải.
– Nói vậy công tử gia đã cố ý?
– Phải!
Tiểu Hương giọng sợ hãi:
– Tiểu tỳ có gì đắc tội công tử gia?
– Trong lòng ngươi đang ai oán ta?
Tiểu Hương giật mình hỏi:
– Công tử gia có thể nhìn thấu trong lòng tiểu tỳ?
– Chẳng lẽ ngươi không tin?
– Tuyệt đối không tin.
– Trong lòng ngươi ai oán ta là con người bạc tình, bạc nghĩa vì Tạ Tiểu
Ngọc mà quên Thanh Thanh.
– Tiểu tỳ không dám nghĩ thế. Trên sự thực công tử đối với tiểu thư tình
nghĩa sâu đậm lúc nào cũng mong nhớ không quên.
– Vậy tại sao từ lúc lên xe mặt mày ngươi cứ âu sầu như có tâm sự đầy
bụng?
Tiểu Hương nghĩ một lúc mới đáp:
– Tiểu tỳ đang lo ngại.
– Ngươi lo ngại chuyện gì?
– Lo ngại công tử không về Hàng Châu.
Đinh Bằng cười:
– Nhà ta tại Hàng Châu đương nhiên ta muốn về.
– Nhưng trước mắt hình như công tử chưa chuẩn bị về.
– Phải! Chuyện bên ngoài ta chưa làm xong.
– Hình như công tử còn tính muốn trở về Thần Kiếm sơn trang?
Đinh Bằng cười:
– Thần Kiếm sơn trang chẳng phải nhà của ta, chúng ta không thể nói trở về
chỉ có thể nói đến thăm viếng, bái phỏng lần nữa.
– Công tử định đến bái phỏng lần nữa?
– Phải! Nếu bên ngoài không có chuyện gì mới mẻ đáng coi, sau khi quanh
quẩn vài vòng ta định đi đến Thần Kiếm sơn trang một lần nữa.
– Vị Tạ tiểu thư đó là nữ lang rất xinh đẹp dộng nhân.
Đinh Bằng cười:
– Câu nói này có thể đúng nhưng cũng chẳng kể là phát hiện mới mẻ, trước
ngươi ít ra đã có cả ngàn người nói qua.
Tiểu Hương vội biện bạch:
– Nhưng ngàn người đó đều không giống ý nghĩa và tâm tình câu nói này của
tiểu tỳ.
Đinh Bằng không hỏi nàng ý nghĩa và tâm tình gì, chàng đã hoàn toàn thấu
hiểu, chỉ cười cười hỏi:
– Có phải vì chuyện ta còn muốn đến Thần Kiếm sơn trang?
– Phải! Vì công tử đã có lý do không đến không được.
Đinh Bằng cười một tiếng:
– Tiểu Hương! Ngươi thực tại chẳng thể coi là một cô gái rất mực thông
minh. Thanh Thanh kêu ngươi ở bên cạnh ta là muốn ngươi nhắc nhở ta những
giả trá trên giang hồ, để tránh cho ta bị…
Tiểu Hương ngắt lời:
– Tiểu tỳ biết! Trách nhiệm này thực ra rất nặng, tiểu tỳ đã làm không tốt
nhưng tiểu tỳ vẫn đem hết toàn lực vì vậy tiểu tỳ mới hy vọng công tử chớ nên
đến Thần Kiếm sơn trang nữa.
– Ngươi cho rằng trong Thần Kiếm sơn trang đầy rẫy giả trá?
– Cả đến người ngu nhất cũng có thể nhìn ra toàn bộ Thần Kiếm sơn trang
đều đầy rẫy quỷ dị, thậm chí cả Tạ Tiểu Ngọc cũng có vấn đề, tiểu tỳ nghi ngờ
chuyện cô ta là con gái Tạ đại hiệp.
Đinh Bằng cười:
– Cô ta không có vấn đề.
Tiểu Hương muốn nói lại thôi, hình như nàng không đồng ý câu này.
Đinh Bằng nói tiếp:
– Ngoại trừ họ Tạ ra cô ta với Thần Kiếm sơn trang hầu như không có chút gì
tương xứng. Hành vi cô ta cũng không giống người Tạ gia, nhưng cô ta đích xác
là con gái Tạ Hiểu Phong, không thể nghi ngờ.
– Con gái tạ đại hiệp không nhất định là người tốt.
– Bản thân Tạ Hiểu Phong cũng chẳng phải là thánh nhân tuyệt đối, đương
nhiên con gái ông ta chẳng thể kể là tốt lành.
Tiểu Hương chu môi:
– Nhưng công tử lại nói cô ta không có vấn đề?
– Đương nhiên cô ta không có vấn đề vì cô ta là con gái Tạ Hiểu Phong.
Nếu cô ta có vấn đề thì đó cũng là vấn đề của Tạ Hiểu Phong. Ít ra không cần
chúng ta giải quyết vấn đề giùm họ.
– Tạ đại hiệp nhất định sẽ giải quyết sao?
– Ta nghĩ ông ta sẽ nhất định… dù sao Tạ Hiểu Phong vẫn là Tạ Hiểu Phong.
Tiểu Hương không cho là như vậy nên thắc mắc:
– Tại sao ông ta vẫn chưa giải quyết cho lẹ?
Đinh Bằng cười hỏi:
– Ngươi cho rằng bản thân Tạ Tiểu Ngọc có vấn đề?
– Đương nhiên cô ta hóa thân là Ngọc Vô Hà, cầm đầu Liên Vân thập tự sát
tinh đó là một vấn đề lớn.
– Nhưng vấn đề đó đã giải quyết xong rồi. Liên Vân thập tự sát tinh đã tiêu
vong, Ngọc Vô Hà cũng chẳng còn tồn tại nữa.
– Nhưng trên mình cô ta vẫn có vấn đề. Theo tiểu tỳ thấy toàn bộ Thần
Kiếm sơn trang đều có vấn đề.
Đinh Bằng cười:
– Nói vòng vo, lâu lắc chỉ có câu này thông minh nhất.
Tiểu Hương tròn xoe mắt hỏi:
– Công tử cũng nhìn ra Thần Kiếm sơn trang có vấn đề?
– Ta đâu phải người ngu quá?
Tiểu Hương cười một tiếng:
– Tiểu tỳ tưởng công tử đã bị Tiểu Ngọc mê hoặc rồi chứ!
– Ngươi có rõ quá khứ của ta không?
Tiểu Hương gật đầu:
– Biết.
Đinh Bằng không cười nữa, thần sắc chuyển thành trang nghiêm:
– Ta đã bị nữ nhân mê hoặc một lần, sa vào cạm bẫy một lần.
– Chuyện đó chẳng trách công tử được. Bọn Liễu Nhược Tùng đã an bài quá
chu đáo bí mật mà công tử lại vào đời chưa…
Đinh Bằng lắc đầu:
– Bất kể nói sao ta vẫn bị lừa dối. Lần thứ nhất ta bị lừa là vì người cho ta
ngu, lần thứ hai nếu bị lừa nữa thì ta là người ngu mà ta chẳng phải người ngu.
– Tại sao công tử còn muốn đến Thần Kiếm sơn trang lần nữa?
Đinh Bằng cười nói:
– Vì Tạ Tiểu Ngọc đã cải tạo Thần Kiếm sơn trang thành rất có khí phái.
– Phải! Một khí thế ghê người chưa từng có.

– Trong Thần Kiếm sơn trang người nổi danh nhất là Tạ Hiểu Phong, nhưng
lúc Tạ Hiểu Phong làm chủ nhân không có khí phái như bây giờ.
– Đó là vì ông ta ít khi có nhà vả lại ông ta cũng không thích khoa trương.
Đinh Bằng cười nói thêm:
– Ông ta còn không phải người có nhiều tiền.
– Đương nhiên không phải. Chỉ có một lúc ông ta ẩn tích mai danh đi làm
khổ công kiếm được chút ít tiền bạc, sau đó thường trong mình không có lấy một
đồng. Hình như ông ta nổi danh quá đi đến đâu cũng chẳng cần tiêu tiền nên
ông ta cũng không nghĩ đến chuyện phải dùng tiền. Thần Kiếm sơn trang đương
nhiên cũng có lợi tức thu vào nhưng chẳng được bao nhiêu chỉ đủ duy trì mấy hạ
nhân sở hữu của Tạ gia sẵn có trước kia.
– Có điều kỳ quái là trên giang hồ chưa ai đặt nghi vấn về điểm này. Mọi
người tôn kính Tạ đại hiệp quá, coi Thần Kiếm sơn trang là thánh địa vì vậy họ
cho rằng tình trạng trước mắt hiện giờ mới thực sự là Thần Kiếm sơn trang.
Đinh Bằng cười hỏi Tiểu Hương:
– Ngươi đã có kiến văn rộng rãi như vậy có biết tiền bạc của Thần Kiếm sơn
trang do đâu mà có để tiêu xài hào hoa như vậy không?
– Tiểu tỳ không rõ, nhưng sau khi Tạ Tiểu Ngọc đến khí thế Thần Kiếm sơn
trang lớn hẳn hơn trước, có thể Tạ tiểu chư cũng chẳng đem đến nhiều tiền bạc.
– Vậy tiền bạc của Thần Kiếm sơn trang từ đâu đến?
– Vấn đề này chẳng những không ai hỏi, e rằng cũng không ai trả lời được.
– Ta đi hỏi Tạ Tiểu Ngọc liệu nàng có trả lời không?
Tiểu Hương cười:
– Có thể! Nhưng đáp án của cô ta tuy nghe có vẻ hợp tình hợp lý nhưng vị
tất đã là thực?
– Làm sao để biết đáp án thực sự?
– Chỉ có tự mình đi tìm hiểu.
– Đi đâu để tìm hiểu?
– Tự nhiên là đến Thần Kiếm sơn trang.
– Hiện giờ ngươi còn thắc mắc gì nữa không?
– Không! Tiểu tỳ chỉ muốn biết công tử vì chuyện gì mà lại đến nơi đó là
yên tâm rồi.
Nàng thò đầu ra ngoài, đưa tay làm vài thủ thế với A Cổ, cỗ xe lại quay đầu
về hướng Thần Kiếm sơn trang. Trên nét mặt Tiểu Hương hiện vẻ tươi cười rất
dịu hiền đằm thắm.
o
Cỗ xe lại trở về tới bến thuyền trước cửa Thần Kiếm sơn trang chờ thuyền
sang đón. Chờ một lúc lâu thuyền mới qua. Lần này do Tạ tiên sinh đưa thuyền
qua. Từ dưới thuyền bước lên Tạ tiên sinh hướng về cửa xe vái chào:
– Xin lỗi Đinh đại hiệp! Tệ trang nhất thời không rõ đại hiệp tới nên ra đón
chậm trễ.
Tiểu Hương thò đầu ra cười, trả lời:
– Không quan hệ! Chúng tôi đến có vẻ mạo muội Tạ tiên sinh chớ khách
sáo.
A Cổ dong xe lên thuyền.
Từ lúc thuyền rời bờ ra giữa sông Tiểu Hương luôn đứng cạnh xe không trở
vào trong xe nữa.
Tạ tiên sinh men tới gần cỗ xe hỏi:
– Không rõ Đinh đại hiệp đến lần này có gì chỉ giáo?
Tiểu Hương lên tiếng:
– Tiên sinh hỏi tiểu nữ hay hỏi công tử tiểu nữ?
Tạ tiên sinh nhìn cỗ xe đáp:
– Đều có thể! Điều này có gì khác biệt chăng?
Tiểu Hương nói:
– Khác biệt rất lớn. Nếu tiên sinh hỏi tiểu nữ, tiểu nữ có thể trả lời ngay.
Nếu tiên sinh hỏi công tử tiểu nữ, tiểu nữ không thể trả lời thay, công tử đối với
danh phận trên dưới tôn ty rất coi trọng.
Tạ tiên sinh vô hình chung như vừa bị một mũi đinh phủ đầu hơi biến sắc
mặt nhưng ông ta nhớ lần trước, tại cửa trang đã bị diễu cợt thành ra không dám
phát tác chỉ nói:
– Vậy kể như tại hạ xin lỗi cô nương cũng được.
Tiểu Hương cười một tiếng nói:
– Tiểu nữ không biết!
Tạ tiên sinh thiếu điều muốn ói máu, ông ta đã miễn cưỡng hạ thấp thân
phận, tự coi mình là hạ nhân để nói chuyện với Tiểu Hương, một kẻ coi là hạ
nhân không dè lại chỉ được một câu trả lời như vừa rồi.
Tiểu Hương lại cười hi hi nói:
– Xin Tạ tiên sinh chớ giận. Tiểu nữ thực không biết công tử tiểu nữ muốn
làm gì, trước giờ công tử chưa từng bàn bạc với bọn hạ nhân chúng tôi.
Nàng nhìn thấy Tạ tiên sinh máy môi như sắp nói vội cướp lời:
– Nếu tiên sinh muốn hỏi công tử tiểu nữ, tiểu nữ khuyên tiên sinh chớ nên
gánh lấy bẽ bàng, vì công tử tiểu nữ cũng từ trước tới giờ không tùy tiện nói
chuyện với bọn hạ nhân.
Sắc mặt Tạ tiên sinh biến đổi rất khó coi, lớn tiếng:
– Trong Thần Kiếm sơn trang Tạ mỗ là tổng quản, không phải hạ nhân.
Tiểu Hương cười cười:
– Tổng quản trong nhà tiểu nữ là Liễu Nhược Tùng trước kia cũng là người
giang hồ rất nổi danh nhưng nay ở trong nhà tiểu nữ chỉ là một hạ nhân.
Tạ tiên sinh nổi giận:
– Đó là nhà các ngươi. Tổng quản của Thần Kiếm sơn trang chẳng thể so
sánh với người trong quý phu,û mà địa vị của Tạ mỗ trên giang hồ cũng chẳng thể
so sánh với Liễu Nhược Tùng.
Chẳng lẽ tổng quản của Thần Kiếm sơn trang có điểm gì đặc biệt? Địa vị
của tiên sinh chẳng lẽ giống đại hiệp Tạ Hiểu Phong?
– Chưa có như thế.
– Vậy thì ngang hàng Tiểu Ngọc tiểu thư?
– Điều… điều này cũng chưa phải.
Tiểu Hương cười lạnh:
– Công tử tiểu nữ nói: “trong Thần Kiếm sơn trang hiện thời chỉ có hai người
là chủ nhân, một vị là Tạ đại hiệp, một vị là Tiểu Ngọc tiểu thư” Tạ tiên sinh
đều không phải thì vẫn chỉ là tên hạ nhân mà thôi.
Tạ tiên sinh vốn không cần tranh chấp những điểm này nhưng hôm nay hình
như hỏa khí ông ta bốc lên đặc biệt, cười lạnh một tiếng nói:
– Đinh công tử nhà cô từng tại trong nhà Liễu Nhược Tùng tự xưng là vãn
bối trước mặt ta.
Tiểu Hương cười nói:
– Tạ tiên sinh nhắc tới chuyện này cũng đủ rõ công tử tiểu nữ đã coi tiên
sinh là hạ nhân. Công tử nói: thực tế tiên sinh chẳng xứng đáng là tiền bối. Lúc
đó công tử tôn tiên sinh làm tiền bối nguyên chỉ hy vọng các vị chủ trì công đạo
nhưng các vị chỉ biết xu phụ thế lực, liên tay nhau áp bức công tử…
– Đó chẳng thể trách chúng ta, là mưu mẹo lừa dối của Liễu Nhược Tùng
sắp đặt quá cao. Không ai có thể ngờ hắn dám đem lão bà của mình đi làm
chuyện như thế.
– Quý chủ nhân Tạ đại hiệp trong đời không biết trải qua bao nhiêu gian
hiểm nhưng chưa từng bị ai lừa dối một lần. Tiên sinh đã là tổng quản của Thần
Kiếm sơn trang tự nhiên tai mắt phải thông suốt vậy mà ngay cả lão bà của Liễu
Nhược Tùng như thế nào cũng không rõ…
Tạ tiên sinh lớn tiếng:
– Chuyện của Thần Kiếm sơn trang phải lo liệu quá nhiều, ai công đâu đi
điều tra những chuyện chó mèo hục hặc của họ như thế?
Tiểu Hương cười:
– Lời Tạ tiên sinh nói cũng đúng. Tiên sinh đã không thèm để ý nghe ngóng
để biết hành vi của bọn chúng, tại sao tiên sinh lại nhào tới góp náo nhiệt, làm
nhân chứng? Giang hồ công nghĩa, nếu đều dựa vào kiến chứng của các vị thì
sẽ thành thể thống gì?
Tạ tiên sinh bị nàng vặn hỏi một hồi trừng mắt há miệng, không thốt ra lời.
Tiểu Hương lại cười cười nói tiếp:
– Nếu hôm đó đổi là Tạ đại hiệp mà không phải Tạ tiên sinh tin rằng Liễu
Nhược Tùng không qua mặt…
– Chuyện đó chưa chắc. Gia chủ nhân…
Tiểu Hương cướp lời:
– Tạ đại hiệp chẳng thông minh hơn tiên sinh bao nhiêu, chỉ cao minh hơn
một chút thôi, nhưng ông ta đối với người không hiểu rõ tuyệt không kết thâm
giao, đối với chuyện không hiểu rõ tuyệt không tham dự. Đó tức là nguyên
nhân tại sao ông ta là đại hiệp, tiên sinh là tổng quản, ông ta là trang chủ, tiên
sinh là hạ nhân.
Tạ tiên sinh đã giơ một tay lên nhưng chưa đánh ra vì lúc đó thuyền vừa cập
bến.
Tạ tiên sinh cố nhịn tức nhìn bọn thủy thủ lên bờ, nhìn A Cổ dong xe lên bờ

nhằm hướng trước cửa sơn trang.
Trước cửa chưa thấy có người ra. Tạ tiên sinh vội đi tới mấy bước kêu:
– Khoan!
Tiểu Hương chuẩn bị lên xe, nghe gọi liền dừng bước, cười hỏi Tạ tiên sinh:
– Tiên sinh tổng quản lại có gì chỉ giáo?
Tạ tiên sinh cười lạnh:
– Vừa rồi cô nương giáo huấn tại hạ một chập, tại hạ chưa tạ ơn.
Tiểu Hương cười:
– Tiên sinh chớ khách sáo! Cũng chớ nên để bụng. Chúng ta đều là hạ nhân
cần phải khuyên bảo giúp đỡ nhau chứ có gì đâu mà ngại?
Nếu Tạ tiên sinh chẳng cố sức nén xuống được thì đã phun ra một búng máu,
khó khăn lắm mới bình tĩnh lại được, cười lạnh một tiếng hỏi:
– Cô nương rất có khẩu tài chẳng hay những lời vừa rồi cô nương nói thay
cho Đinh đại hiệp hay do ý của cô nương?
– Tiên sinh thực mau quên quá! Công tử tiểu nữ có nói chưa bao giờ bọn hạ
nhân chúng tôi thay lời, đây chỉ là lời tiểu nữ tự ý nói ra thôi.
Tạ tiên sinh cười lạnh một tiếng:
– Hay lắm! Hay lắm! Cô nương còn trẻ tuổi đã đưa ra được một tràng đạo
lý như thế thực hiếm có.
– Giang hồ không kể bổn phận, có lý đúng trước. Không gì qua được một
chữ lý. Tiểu nữ biết vì tiên sinh thấy tiểu nữ nhỏ tuổi mà dám nói năng như vậy
với tiên sinh nên tiên sinh không phục nhưng tiểu nữ nắm vững được đạo lý.
– Dù cô nương nói toàn là lý nhưng tại hạ là tổng quản của Thần Kiếm sơn
trang dù có cần nghe dạy bảo giáo huấn cũng chưa đến lượt cô nương lên tiếng.
Tiểu Hương cười một tiếng nói:
– Khí lượng của tiên sinh hẹp hòi quá. Công tử tiểu nữ với tiểu thư tiên sinh
là bằng hữu, chúng ta hà tất phải phân biệt rõ ràng? Nếu tiên sinh thấy bị thiệt
thòi tiên sinh cũng đưa ra đề mục giáo huấn tiểu nữ một phen.
Lúc này Tạ tiên sinh lại đảo mắt nhìn về hướng cửa sơn trang nói:
– Quy củ của Thần Kiếm sơn trang, phương thức giáo huấn hạ nhân không
giống nơi khác.
Tiểu Hương cười:
– Nhập gia tuỳ tục! Xin cứ chiếu theo quy củ của quý trang giáo huấn tiểu
nữ được rồi! Chẳng hay Thần Kiếm sơn trang giáo huấn hạ nhân như thế nào?
Tạ tiên sinh bỗng đưa tay đánh tới một chưởng, nhằm đầu vai Tiểu Hương.
Chưởng thế rất mau lẹ. Tuy đã xuất thủ nhưng ông ra rất ngại Đinh Bằng, mắt
không rời cửa xe, chưởng cũng không dám xuất đủ kình lực.
Chưởng đã gần tới đầu vai Tiểu Hương trong xe vẫn không động tĩnh. Tạ
tiên sinh tính dù Đinh Bằng có lẹ tới đâu cũng không thể cản được nên mới phát
xuất kình lực. Có điều ông ta thấy Tiểu Hương đứng yên không phòng bị, tình
hình trông rất đáng thương, trong lòng chợt bất nhẫn. Ông ta biết nếu chưởng hạ
xuống đối phương không chết cũng tàn phế suốt đời. Đối với một cô gái yếu
đuối đáng thương như vậy tội gì phải hạ trọng thủ. Do ý niệm này ông đã thu về
phần lớn kình lực.
Cũng do một thay đổi ý niệm này một cánh tay của ông đã được bảo toàn.
Giữa lúc chưởng của ông còn cách đầu vai Tiểu Hương nửa tấc chợt một làn đen
lướt ngang trước mặt, cuốn gọn cổ tay ông ta nhấc bổng lên. Chưởng của ông ta
như chạm phải cây thiết chuỳ nung đỏ, sưng tấy một đường dài, tới lúc thân hình
chạm đất mới cảm thấy đau thấu tâm can. Lằn đen đó là cây roi của A Cổ, cây
roi của hắn tung ra đúng lúc cần thiết, không sai một mảy may, đánh tan một
chưởng của đối phương.
May Tạ tiên sinh đã thu hồi tám phần kình lực nên chỉ mới bị nhấc bổng
thân mình lên. Nếu ông ta xuất chưởng toàn lực, đụng mạnh ngọn roi có thể thủ
chưởng của ông ta đã bị đánh nát thành bột.
Chung quanh bỗng trở nên im lặng, không một tiếng động nhỏ. Bọn tráng
đinh đứng thao tác trước cửa trang, bọn thuỷ thủ từ dưới thuyền lên đang thu dọn
giây, còn có một số người đứng coi náo nhiệt. Tất cả đều im lặng.
Tại Thần Kiếm sơn trang Tạ tiên sinh không phải là chủ nhân tối cao. Chủ
nhân là Tạ Hiểu Phong và con gái ông ta Tạ Tiểu Ngọc. Nhưng Tạ tiên sinh là
người tương đối có quyền uy. Bất kể là người cũ người mới tới, thậm chí bao
quát cả những người đến làm khách ai nấy đều rất mực tôn kính Tạ tiên sinh.
Rất ít người thấy Tạ tiên sinh động thủ nhưng khi nghe chuyện ông ta phê bình
và kiến giải về kiếm pháp ai nấy đều biết kỹ nghệ nhất thân của ông ta đã đạt
hóa cảnh rất cao thâm.
Đương nhiên ông ta không sánh được Tạ Hiểu Phong, sánh được với những
vị tôn sư kiếm đạo rất nổi danh trên võ lâm, nhưng chẳng kém chưởng môn nhân
của một số kiếm phái. Lấy kiếm xếp hạng, danh hiệu đệ nhất của Tạ Hiểu
Phong nhiều năm rồi. Đã có không biết bao nhiêu người muốn dành lấy nhưng
chưa ai dành được. Trước mắt hầu như đã không còn ai dòm ngó. Dù có người
đánh bại được ông ta, có thể chỉ bằng võ công chứ không thể bằng kiếm. Ông ta
đã là “kiếm trung chi thần”. Chính vì ông ta đã chiếm ngôi võ công đệ nhất nên
mọi người chẳng còn phân biệt đệ nhị đệ tam gì? Chẳng ai muốn liều mạng để
tranh lấy ngôi vị thiên hạ đệ nhị kiếm. Vì vậy kiếm thuật của Tạ tiên sinh được
liệt vào hạng thứ mấy nhưng chắc chắn ông ta có thể được liệt trong hạng mười
danh kiếm cao thủ, không còn nghi ngờ.
Tạ tiên sinh hiểu sự đánh giá cũng như địa vị của mình trong tầm mắt mọi
người nên ông ta rất tiếc giữ tài nghệ, tuyệt chẳng khinh suất ra tay. Đinh Bằng
chọc giận ông ta chẳng phải một lần, có lần trước mặt chưởng môn nhân năm
đại môn phái bị châm biếm khó chịu ông ta đã phải cố nhịn. Ông ta biết lực
lượng của mình, tuyệt không đủ chọi với Đinh Bằng, tội gì phải phạm điều mất
mặt một lần nữa? Huống chi chịu nhận tức với Đinh Bằng chẳng ai cho rằng
mình bị mất mặt. Sự tình tuy thế nhưng trong lòng cũng ít nhiều kém vui.
Hôm nay trên thuyền ông ta chỉ vô tình nói một câu, không dè lại tạo dịp
cho Tiểu Hương châm biếm chế diễu một phen khiến ông mất hết thể diện.
Tại Thần Kiếm sơn trang Tạ tổng quản chẳng phải hạ nhân mà là người có
đủ quyền uy gần giống chủ nhân. Nếu đem địa vị của ông ta bày hàng theo tình
trạng thực tế của Thần Kiếm sơn trang thì ông ta có thể trên Tạ Hiểu Phong mà
dưới Tạ Tiểu Ngọc. Vì Tạ Hiểu Phong chỉ mang danh hiệu, trên thực tế không
quản lý công việc. Trong Thần Kiếm sơn trang ngoại trừ năm ba người trong
khu cấm viên của ông ta, ông ta không biết ai nữa.
Chỉ khổ nỗi Tạ tiên sinh không thể nói ra tình trạng này với Đinh Bằng và
Tiểu Hương nên đành phải nhận danh xưng là hạ nhân, đưa đầu chịu lãnh châm
biếm.
Đến lúc lên bờ lại thêm một trận chế diễu ông ta không thể nhịn được nữa
nên cuối cùng đã ra tay.
Ai nấy đều hy vọng được thấy tổng quản oai quyền này ra tay. Không ai
ngờ Tạ tiên sinh lại ra tay đối phó một cô gái nhỏ. Cũng không ai ngờ Tạ tiên
sinh ra tay lần đầu đã lãnh một roi.
Cặp mắt của vô số người giống như băng lạnh vì họ ít nhiều có tâm lý “hạnh
tai lạc hoạ”, được thấy Tạ tiên sinh được lãnh một roi hình như là một chuyện
đại khoái nhân tâm. Còn trong lòng Tạ tiên sinh thì như rực lửa nếu không có
một biểu thị khác sau này chẳng những ông ta không còn chỗ đứng trong Thần
Kiếm sơn trang cũng không thể lộ mặt trên giang hồ.
Nhưng ông ta chẳng phải người lúc xúc động đã không cần mạng sống, ông
ta rất muốn rút kiếm nhưng lại sợ Đinh Bằng trong xe, sợ cây loan đao trên tay
Đinh Bằng. Còn nếu tay không thì đấu chẳng lại tên phu xe cao to lực lưỡng có
sức mạnh dã man.
So đi tính lại rất lâu.
Hai chữ rất lâu này chỉ là cảm giác của ông ta, cảm giác của một số người
bàng quan, họ đều cho rằng rất lâu nhưng trên thực tế không lâu. Tạ tiên sinh
nhìn phía cửa trang vẫn chưa thấy Tạ Tiểu Ngọc ra. Tình trạng đó có nghĩa ông
phải tiếp tục chống đỡ ngăn cản, đưa đầu chịu trận kéo dài thêm thời gian, cho
nên ông nhằm A Cổ vẫy tay nói:
– Gã to con! Ngươi xuống đây!
A Cổ rất biết nghe lời, nhảy xuống xe lập tức. Đứng trước mặt ông ta giống
pho tượng thiên thần, cao hơn nửa thân mình so với ông ta. Tạ tiên sinh không
sợ thân hình A Cổ nhưng sợ lực lượng của hắn. Ông hỏi:
– Có phải vừa rồi ngươi quất ta một roi không?
A Cổ làm thinh vì hắn không có lưỡi, hắn không biết nói chuyện. Nhưng A
Cổ có cách biểu đạt lời nói. Hắn nhìn Tiểu Hương ra mấy thủ thế, có vài thủ
thế rất hoạt kê, giống như chó bò lết.
Tạ tiên sinh không nín được cười nhưng lời Tiểu Hương giải thích lại khiến

ông ta thiều điều biến cười thành khóc.
Tiểu Hương truyền lại:
– Hắn nói hắn không dám đánh tiên sinh chỉ đánh một con chó. Hắn cho
rằng một đại nam nhân, chẳng nói chẳng rằng đánh lén một cô gái tay không,
hành vi đó chỉ có chó mới làm được thôi.
Tạ tiên sinh cố đem hết nỗ lực tự nhủ mình phải bình tĩnh, cũng vẫn không
nhịn nổi, lớn tiếng:
– Nói bậy nói bạ! Ta đã cảnh cáo cô trước rồi.
Tiểu Hương cười:
– Không sai! Tiên sinh đã nói qua muốn giáo huấn tiểu nữ một phen.
– Thế tại sao còn nói ta đánh lén?
– Tiểu nữ cũng đã cho tiên sinh hay, tiểu nữ không rõ quy củ giáo huấn hạ
nhân của người Thần Kiếm sơn trang các vị như thế nào, mà kể như quy củ của
Thần Kiếm sơn trang các vị giáo huấn hạ nhân bằng quyền hay chưởng, tiên
sinh cũng nên cho tiểu nữ hay một tiếng rồi mới động thủ.
Tạ tiên sinh giọng lạnh lùng:
– Lúc ta dùng chưởng đánh ngươi chưa từng báo trước, tại bổn trang đều như
thế, chẳng thể vì cô nương mà đặc biệt phá lệ.
Tiểu Hương cười:
– Cho nên tiên sinh mới lãnh một roi. A Cổ đại thúc lúc đánh chó cũng
giống tiên sinh chưa từng báo trước.
Tạ tiên sinh nhìn kỹ cỗ xe một lần nữa, thấy vẫn không có động tĩnh liền hạ
quyết tâm nhìn A Cổ nói:
– Ngươi có thể đánh trúng ta một roi, chứng tỏ ngươi cũng khá xứng đáng ta
vì ngươi rút kiếm, cây roi có phải là vũ khí của ngươi không?
A Cổ nhẹ nhàng liệng cây roi một cái, cây roi tự động cắm trúng lỗ trên
thành xe, vừa ổn, vừa chuẩn, đủ thấy hắn khống chế kình lực rất vững vàng.
Trong lòng Tạ tiên sinh lại kinh hãi. A Cổ liệng cây roi chứng tỏ hắn muốn
dùng tay không quyết đấu. Nhưng ông ta không muốn lỡ cơ thất thế liền hỏi:
– Thì ra ngươi không dùng roi! Cũng được! Ngươi tùy tiện dùng vũ khí gì
cũng được! Nếu không có sẵn, ta có thể kêu người đem đến cho ngươi một thứ
vũ khí ngươi muốn.
Người thông minh như Tạ tiên sinh chưa từng làm chuyện ngu, ông ta đã
dùng lời buộc chết đối phương, ép đối phương chẳng dùng vũ khí chẳng được.
Chỉ có điều Tạ tiên sinh thông minh lần này lại làm một chuyện không thông
minh. Ông ta cho rằng hiện tại trong Thần Kiếm sơn trang hầu như đã thu thập
đủ bất cứ loại binh khí nào trong thiên hạ, dù giá cắm binh khí bên ngoài không
có thì mật kho bên trong cũng có thể tìm ra được thứ vũ khí cần dùng.
Năm xưa Bách Hiểu Sinh từng làm cuốn “Binh khí phổ”, liệt kê các binh khí
danh gia thiên hạ, trước sau liệt kê thành thứ tự. Tuy liệt kê là binh khí nhưng
liệt hạng là người. Trong binh khí phổ kể tên đệ nhất là Thiên Cơ bổng của
Thiên Cơ lão nhân. Thứ hai là Long Phượng hoàn của Thượng Quan Kim Hồng.
Thứ ba là phi đao của tiểu lý thám hoa Lý Tầm Hoan…
Vì Bách Hiểu Sinh liệt danh là binh khí nên nhất trí công nhận rất công bình.
Tuy nhiên Thiên Cơ lão nhân và Thượng Quan Kim Hồng đều chết dưới phi đao
của Tiểu Lý phi đao. Đó là nguyên cớ của nhân vi. Lý tầm Hoan là người đã
gần đạt cảnh giới Tiên Phật, một đao xuất thủ chỉ vì cứu người, trong bụng chưa
từng có sát cơ. Vì thế đao của Tiểu Lý đích xác không bằng Thiên Cơ bổng và
Long phượng hoàn nhưng hai người xử dụng vũ khí đó đã chết dưới đao Tiểu Lý.
Đây là chuyện xảy ra rất lâu về trước. Có nhiều sự tích như đã vẽ vời thêm,
hầu như đã biến chất, hầu như đã bị người đời cho là truyền thuyết. Nhưng Tạ
tiên sinh không cho đây là truyền thuyết, ông ta cùng Tạ Tiểu Ngọc có chung
một thị hiếu, mà thị hiếu này cũng bắt đầu từ Tạ Hiểu Phong. Đó là sưu tập
binh khí của các danh gia trong truyền thuyết. Nhất là những thứ binh khí danh
gia kỳ dị, nổi tiếng trong binh khí phổ. Lúc thiếu thời Tạ Hiểu Phong đã từng
say mê và thu thập được khá phong phú. Sau này Tạ Hiểu Phong bớt ham mê,
để cho Tạ tiên sinh tiếp tục thực hiện. Công việc sưu tập này chỉ có tăng chứ
không giảm, tự nhiên ngày càng phong phú. Đến khi Tạ Tiểu Ngọc gia nhập
mới trở thành đại quan vì nàng đem đến Thiên Cơ bổng và Phong Vân song lưu
tinh cùng thiết kích và cánh tay sắt của Lã Phụng Tiên. Lã Phụng Tiên tức khí
vì bị xếp dưới Tung Dương thiết kiếm nên đã bỏ thiết kích thành danh của mình,
luyện một cánh tay đến trình độ cứng hơn vàng đá. Chỉ tiếc Bách Hiểu Sinh đã
chết, không ai xếp lại cánh tay này của Lã Phụng Tiên, nhưng chắc chắn không
kém hơn thiết kích của ông ta vì ông đã dùng cánh tay này đánh bại Quách Tung
Dương, nhân vật được liệt danh hạng thứ tư.
Chuyện thu thập của Thần Kiếm sơn trang gần như đã được bảy tám phần
mười số binh khí liệt danh trong “Binh khí phổ”. Thiên Cơ bổng và Long Phượng
hoàn đã có, chỉ có duy nhất chưa tìm được Tiểu Lý phi đao và Tung Dương thiết
kiếm. Sau này, Lý thám Hoa tuy đã tuyệt tích giang hồ, chỉ để lại thế gian
những sự tích động lòng người, không lưu lại hình ảnh gì khác.
Tung Dương thiết kiếm luôn được bảo tồn tại Quách gia. Một kiếm thuật
thế gia rất được trọng vọng, đệ tử đông, kiếm thuật cao, gia giáo cũng rất
nghiêm, không hay gây sự. Họ không gây sự với ai, cũng không ai dám gây sự
với họ và còn đặc biệt chiếu cố hậu nhân của họ. Sau Lý Tầm Hoan chỉ có một
truyền nhân là Diệp Khái cũng có lần nhận tình nghĩa của Quách gia nên lòng
báo đáp cũng sâu đậm hơn. Sau Diệp Khái, không ai rõ ai là truyền nhân nhưng
không ai dám nói họ không có truyền nhân vì trên giang hồ vẫn xảy ra nhiều
chuyện quái dị. Chuyện rất bí ẩn, đột nhiên bị phát giác. Người rất dữ dằn khó
đối phó bỗng dưng bị mất đầu. Cũng chẳng ai rõ người nào làm những chuyện
đó. Người làm chuyện này thủ pháp rất gọn ghẽ, như thần long không thấy đầu
thấy đuôi, võ công cao khôn lường, hầu như chẳng có chuyện khó khăn gì không
làm được. Mọi người đều tin là truyền nhân đời sau của Tiểu Lý thám hoa,
Diệp Khai và Phó Hồng Tuyết đã làm mà những người vừa kể đều có quan hệ
sâu sắc với Quách gia. Cho nên chưa có ai dám tìm đến Quách gia gây phiền
phức, kể cả Tạ Hiểu Phong lúc oai danh cực thịnh của mình cũng không dám tìm
đến Quách gia khiêu chiến.
Tung Dương thiết kiếm được con cháu Quách gia coi là thánh vật, thờ phụng
trong từ đường. Thanh kiếm này do Lý Tầm Hoan đích thân đưa về Quách gia
cùng với di thể Quách Tung Dương. Lý Tầm Hoan từng lưu lại Quách gia lâu tới
ba tháng để thụ tang.
Thần Kiếm sơn trang chưa dám đến thu thanh kiếm này vì Tạ Hiểu Phong
không đáp ứng cho làm chuyện này.
Tạ tiên sinh mở miệng khoe. A Cổ không mở miệng. Tiểu Hương nói thay:
– Binh khí nào A Cổ đại thúc cũng xử dụng được nhưng rất mong muốn được
xử dụng phi đao của đại hiệp Lý Tầm Hoan năm xưa.
Đây là chuyện Tiểu Hương cố ý gây phiền phức nhưng Tạ tiên sinh đã rất
thẳng thắn nói:
– Bổn trang không có phi đao này. Tại hạ tin rằng chẳng những bổn trang
không có mà khắp thiên hạ cũng khó ai có được.
Câu này quả thực chẳng ai cho là sai, chỉ tiếc từ miệng Tạ tiên sinh nói ra đã
trở thành vấn đề.
Tiểu Hương cười hi hi, móc trong lưng ra một lưỡi đao nhỏ mỏng manh khua
trước mắt mọi người một vòng rồi lại cất đi rất lẹ nói:
– Tiểu Lý phi đao thủ pháp tuy đã thành tuyệt hưởng, nhưng phi đao vẫn còn
ở nhân gian, đây chẳng phải là vật quan trọng đáng kể gì.
Ánh mắt Tạ tiên sinh bỗng rực sáng, vội hỏi:
– Lưỡi đao trong tay cô nương có phải đích thực là phi đao của Lý Thám Hoa
xử dụng năm xưa không?
Tiểu Hương đáp:
– Sao có thể giả được?
Tạ tiên sinh nói:
– Đây quả thực khó có ai tin.
Tiểu Hương nói:
– Tiểu Lý Phi Đao sau mỗi lần xuất thủ Lý Thám Hoa đều thu hồi quá nửa,
cũng có những trường hợp không tiện thu hồi nên không phải chỉ có một lưỡi lưu
truyền. Chỉ có điều những người chữ đắc đều quý trọng khác thường, không dễ
gì đưa cho người khác coi.
Tạ tiên sinh bất giác vô cùng kinh dị hỏi:
– Cây đao đó của cô nương từ đâu có được? Tại hạ nghĩ nhất định là vật tổ
truyền lại vì Lý Thám Hoa đã khứ thê lâu năm, tuyệt không thể tự tay tặng cô
nương.
Tạ tiên sinh hỏi, Tiểu Hương nguyên có thể không trả lời nhưng với lời hỏi
khách khí của Tạ tiên sinh khiến nàng cảm thấy khó xử. Tạ tiên sinh lại nói
tiếp:
– Cô nương cũng biết, Lý Thám Hoa suốt đời quang minh lỗi lạc, sự tích của
ông ta chẳng có gì phải dấu người khác, trừ phi cây đao của cô nương đánh cắp
từ tay người khác bằng không cô nương chẳng ngại gì không nói ra.
Rốt cuộc Tiểu Hương phải miễn cưỡng nói:
– Không phải tiểu nữ đánh cắp, chẳng qua cây đao này trong tay tiểu nữ
không được vinh dự lắm mà thôi. Đ ó là do Lý Thám Hoa thân tặng cho tổ phụ
tiểu nữ, ông ta cũng truyền thụ đao pháp phi đao cho tổ phụ tiểu nữ.
Mọi người đều có vẻ hãi, Tạ tiên sinh hỏi:
– Vậy cô nương cũng biết xử dụng thủ pháp đó?
Tiểu Hương lắc đầu:
– Không! Lý Thám Hoa tuy truyền tuyệt kỹ phi đao cho tổ phụ tiểu nữ
nhưng bị tằng tổ phụ biết, người lập tức cắt đứt hết đường gân hai bàn tay của tổ
phụ tiểu nữ khiến suốt đời tổ phụ không thể phát huy được tuyệt kỹ.
– Vậy là thế nào? Chẳng lẽ gia thế cô nương có chuyện gì xích mích với Lý
Thám Hoa?
Tiểu Hương chỉ trả lời một câu:
– Tiểu nữ họ Long! Bổn danh Long Tiểu Hương.
Tạ tiên sinh lại hỏi thêm một câu nữa:
– Tằng tổ phụ của cô nương nhất định là Long Thiếu Vân?
Tiểu Hương khẽ gật đầu, hơi buồn:
– Cao tằng tổ phụ tiểu nữ suốt một đời chống đối Lý Thám Hoa, nhưng chính
mình cũng đau khổ một đời. Võ công tằng tổ phụ tiểu nữ bị Lý Tầm Hoan phế
cũng hận ông ta thấu xương nhưng đó chẳng phải hận thực sự mà là tự thương
hại mình còn hơn người khác nhiều.
Tạ tiên sinh nói:

– Tại hạ biết! Mọi người đều cho rằng Lý Thám Hoa bị Long gia cô nương
hãm hại. Ai cũng cho rằng Long Thiếu Vân nhận được Lý Thám Hoa báo đáp
nhiều mà thiếu cũng nhiều chỉ có tại hạ cho rằng Lý Thám Hoa thiếu Long gia.
vì ông ta đã gây cho Long Thiếu Vân một đời thống khổ.
Tiểu Hương hơi được an ủi gật đầu nói:
– Phải! Chính Lý Thám Hoa cũng rõ. Ông ta cũng nói ra lúc truyền thụ
tuyệt kỹ đao pháp cho tổ phụ tiểu nữ. Ông ta nói ông ta đã lầm. Chuyện ông ta
nhường cao tằng tổ mẫu cho cao tằng tổ phụ là một chuyện sai lầm tệ hại trong
đời. Chuyện này chẳng những khiến cả ba người đau khổ suốt đời mà còn làm
khổ lây nhiều người khác nữa.
Ngữ khí Tiểu Hương bỗng trở nên phẫn khái:
– Nhất là sau này mỗi khi Long gia tiểu nữ bị hại người khác biết là con cháu
của Long Thiếu Vân họ đều coi thường chúng tôi. Cũng vì lý do này Lý Thám
Hoa mới dốc túi truyền thụ tuyệt kỹ phi đao cho tổ phụ tiểu nữ nhưng lại bị cao
tằng tổ biết, ngăn cản…
Tạ tiên sinh ngắt lời:
– Cao tằng tổ phụ cô nương cũng quá phẫn, giữa ông ta với Lý Thám Hoa
không có thù hận, ngăn cản tổ phụ cô nương học tuyệt kỹ cũng được nhưng mà
bất tất phải hủy hai tay ông ta?
Tiểu Hương nói:
– Người muốn huỷ đôi tay tổ phụ tiểu nữ là cao tằng tổ mẫu.
Mọi người nghe nói đều giật mình, cả Tạ tiên sinh cũng kêu lên:
– Cao tằng tổ mẫu cô nương có phải hiệu xưng võ lâm đệ nhất mỹ nhân Lâm
Thi Âm?
Tiểu Hương giọng kiêu ngạo:
– Phải! Tiểu nữ tin rằng đến hiện tại trên giang hồ cũng chưa xuất hiện một
nữ nhân thứ hai nào khiến mọi người khó quên như cao tằng tổ mẫu tiểu nữ.
Tạ tiên sinh không phải để mỉa mai hỏi:
– Bà ta là người yêu ghi xương tạc dạ của Lý Thám Hoa tại sao lại giận Lý
Thám Hoa?
– Không phải người hận Lý Thám Hoa mà chỉ muốn thể hiện lập trường của
người, vì người là thê tử của Long Thiếu Vân là mẫu thân Long gia Vân, mặc dù
người đời đều coi thường Long Thiếu Vân nhưng người lấy làm vinh dự vì trượng
phu người bất luận thế nào, con cháu Long gia quyết không cần Lý Thám Hoa
chiếu cố.
– Lý Tầm Hoan biết chuyện này không?
– Đương nhiên biết vì lúc đó Lý Thám Hoa cũng ở tại chỗ, ông ta còn vì tổ
phụ cầu tình nhưng sau khi nghe lời của cao tằng tổ mẫu ông ta đã buồn bã bỏ
đi. Nghe nói từ lúc đó ông không đặt chân vào giang hồ nữa.
Tạ tiên sinh than nhẹ một tiếng:
– Họ đều là quái nhân nhưng chắc chắn đều là những người chí tình.
Tiểu Hương không nói gì thêm, để ý đến ánh mắt Tạ tiên sinh vẫn lấp lánh,
luôn nhìn ống tay áo của mình, nàng bỗng cười một tiếâng hỏi:
– Chắc tiên sinh rất muốn có được cây đao này?
Tạ tiên sinh gượng cười nói:
– Cô nương cũng biết tệ trang chuyên sưu tầm các loại danh khí tiền nhân,
độc còn thiếu vài…
Tiểu Hương cười cười ngắt lời:
– Nói vậy nếu tiểu nữ chịu nhường cây đao này cho các vị, nhất định tiên
sinh không cự tuyệt chứ?
Tạ tiên sinh vội đáp:
– Tự nhiên! Tự nhiên! Nếu cô nương chịu nhường không tiếc bất cứ điều
kiện gì, tệ trang cũng có thể tiếp thụ.
Ông ta vốn người lão luyện nhưng vì quá hứng khởi khi tiếp xúc một vật
đáng giá phi thường nên ông ta biến thành ấu trĩ. Sau khi nói ra rồi ông ta mới
nghĩ: “chắc đối phương chỉ nói đùa thôi chứ dễ gì buông tay cho ai” nên bất giác
có điểm thất vọng.
Số lượng tiểu lý phi đao lưu truyền lại thế gian khá nhiều vì là loại xen giữa
binh khí và ám khí, không giống binh khí của người khác. Người có được một
lưỡi đao này đã luôn luôn giữ kỹ không rời, do đó tiểu lý phi đao cũng trở nên
rất khó sưu tầm. Hơn nữa mọi người đều coi Lý Thám Hoa như thần minh, tự
nhiên khi người có được chút quan hệ với Lý Thám Hoa đều cảm thấy vô cùng
kiêu ngạo, dù nói cách nào cũng chẳng chịu đem chứng vật giá trị kiêu ngạo đó
tặng cho người khác.
Tiểu Hương lại lấy đao từ trong lưng ra nói:
– Cây đao này trong tay người khác coi như bảo vật nhưng trong tay con cháu
Long gia chúng tôi thực chẳng đáng kể gì, tiểu nữ có thể tặng cho tiên sinh vô
điều kiện.
Trong một thoáng Tạ tiên sinh tưởng mình nằm mơ, với giọng nói chính mình
cũng không tin hỏi:
– Cô nương muốn tặng cho tại hạ?
Tiểu Hương cười:
– Phải! Tiểu nữ trao cây đao cho A Cổ, do A Cổ đại thúc liệng ra, tiên sinh
có thể tiếp được cây đao sẽ thuộc về tiên sinh.
Tạ tiên sinh hơi biến sắc:
– Tiểu lý phi đao, lệ bất hư phát.
Câu này đã lưu truyền hơn trăm năm, chưa ai hoài nghi tính chân thật. Đối
diện một lợi khí thiên hạ vô song Tạ tiên sinh đích xác không có dũng khí tiếp
thu. Chỉ đáng tiếc ông ta đã tự rút kiếm trước, khiêu chiến với đối phương. Còn
đáng tiếc hơn tổng quản của Thần Kiếm sơn trang trong lúc này lại đứng trước
cửa Thần Kiếm sơn trang, trước mắt rất nhiều thuộc hạ của ông. Tạ tiên sinh dù
đã sợ hãi gần chết cũng không thể cự tuyệt. Huống chi Tiểu Hương đã trao cây
đao cho A Cổ. Bàn tay A Cổ to lớn đã nắm gọn cả đao lẫn cán trong lòng
chưởng. Trên bàn tay A Cổ còn mang bao tay có mũi nhọn dương lên, đang
đứng chờ đối phương, dù đối phương không bước tới A Cổ cũng không bỏ qua.
Tạ tiên sinh buộc lòng phải đâm thẳng trường kiếm, nhắm trước mặt địch thủ,
mũi kiếm không có hoa chiêu nhưng là một chiêu có khí thế kinh sơn động địa.
Mọi người quan chiến chung quanh đều vì chiêu kiếm này rúng động. Tuy họ
đứng cách khá xa nhưng đều cảm thấy kiếm khí lạnh da, thân hình tự động tháo
lui.
A Cổ đích thân tiếp thụ kiếm khí mãnh liệt hơn người khác nhưng biện pháp
hắn đối phó chiêu kiếm đối phương khiến không ai có thể ngờ. Hắn đưa quyền
nhằm thẳng mũi kiếm. Chiêu số xuất phát, Tạ tiên sinh biến sắc.
o
Tại Thần Kiếm sơn trang, A Cổ chỉ hiển lộ quyền chiêu một lần, đó là lần
đối phó bốn tên kiếm nô trước cửa tàng kiếm lư. Lần đó hắn chỉ xuất phát một
chiêu, đưa mình chịu đỡ bốn mũi kiếm của đối phương đâm tới rồi đưa tay gạt
đối phương ra, đập một quyền bẻ tan ống khóa của Tàng kiếm lư, đập tung bí
mật. Bốn mũi kiếm đối phương đều bị khí công hắn chống lại, không chạm mảy
may tới da thịt hắn. Đến lúc bốn tên kiếm nô tiếp tục phát xuất một tuyệt thức
khác, kiếm chưa tới mình hắn đã bị kiếm khí đối phương dồn ép tháo lui mấy
bước liền. May lúc đó thần đao Đinh Bằng kịp xuất thủ nên mới cản được chiêu
kiếm kỳ tuyệt của bốn kiếm này.
Hiện tại nhìn kiếm khí của Tạ tiên sinh, thấy không kém chiêu tuyệt kiếm
của bọn kiếm nô nhưng A Cổ vẫn dám dùng quyền đón đỡ. Quyền đầu A Cổ
tuy có mang bao quyền chế tạo bằng đồng nhưng chiêu kiếm đối phương có khí
thế sấm sét ngàn cân, cả tòa núi cũng bị chém sập, một quyền bằng xương thịt
sao có thể đón đỡ?
Ai cũng cho rằng A Cổ đã chán muốn sống. Cả Tiểu Hương cũng nghĩ thế.
Nhưng sắc mặt Tạ tiên sinh bỗng biến đổi, vội vã triệt chiêu thu kiếm. Chỉ có
điều quyền của A Cổ đã đánh ra không thể thu hồi. Một tiếng “coong”, trường
kiếm trượt khỏi tay bay đi, quyền đầu tiếp tục nhằm Tạ tiên sinh đánh tới. Thân
hình Tạ tiên sinh cũng lập tức tháo lui nhưng không đủ lẹ, vẫn bị quyền phong
quét trúng đầu vai, thân hình bị đẩy bay đi. Thủ chưởng A Cổ mở ra, một làn
sáng xuất hiện, đó là cây tiểu lý phi đao trong lòng chưởng hắn, đao quang bay
theo, nhằm cổ họng Tạ tiên sinh bắn tới.
Tạ tiên sinh đã bị quyền phong đánh trúng, ngũ tạng ly vị, nếu bị thêm một
đao này nữa, dù ông ta có chín cái mạng cũng chỉ còn một lần sống. Nhưng có
điều vận khí của ông ta còn khá.
Nói là vận khí còn khá cũng chỉ thoát được cái chết mà thôi. Giữa một phút
nguy hiểm đó, có người đưa kiếm đánh rớt mũi phi đao. Còn thân hình Tạ tiên
sinh bị dộng mạnh vào mặt tường. May lưng dộng mạnh vào tường chỉ bị ngã
ngồi xuống, còn có thể gượng đứng dậy được, sắc mặt tái nhợt, khoé miệng rớm
máu.
A Cổ đánh một quyền mà ông ta bị hai đòn, một quyền kích, một quyền
xung kích.
Tạ Tiểu Ngọc giúp ông đánh rớt phi đao, tay cầm kiếm đứng nhìn ông ta với
nét mặt lạnh lùng. Tạ tiên sinh vận khí một lúc mới có thể nói chuyện, ông khẽ
cúi đầu:
– Tiểu thư đã tới. Thuộc hạ thật bất tài…
Tạ Tiểu Ngọc cười lạt:
– Ngươi thật làm mất mặt quá! Đường đường là tổng quản của Thần Kiếm
sơn trang bị một tên xa phu của người ta đánh bại. Bên ngoài đã có người nói:
thần đao nhất xuất, thần kiếm vô quang. Bây giờ ngươi gây thêm chuyện này
hỏi còn giống cái gì nữa?
Tạ tiên sinh gượng cười:
– Thuộc hạ tin võ công không kém hắn, chỉ dùng sai chiêu thức. Thuộc hạ
phát xuất chiêu thức “Sơn vũ dục lai” muốn dồn hắn phải lui rồi đưa ra sát thủ
kế tiếp theo sau, không ngờ hắn lại dám đón đỡ trực tiếp.
Hiện giờ Tạ Tiểu Ngọc mới rõ tại sao Tạ tiên sinh bị đánh bại chỉ trong một
quyền của đối phương. Một kiếm chiêu “thạch phá thiên kinh” của ông ta
nguyên chỉ là hư chiêu còn sát thủ thực sự ẩn chứa phía sau. Nhìn thanh thế
kiếm chiêu đó chẳng ai có thể cho là hư chiêu. Vì vậy chiêu này nguyên cũng là
một chiêu “vạn vô nhất thất”, không rõ đã có biết bao nhiêu người bị đánh bại
dưới chiêu kiếm này của Tạ tiên sinh. Chỉ tiếc vận khí của Tạ tiên sinh quá
xấu, đã gặp đối thủ là A Cổ. A Cổ là người chưa từng biết lui, ông ta bị đánh
bại là điều khó tránh.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.