Đọc truyện Việc Máu – Chương 21
Sương mù sáng thứ Bảy kéo đến dày đặc nghe như một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên gáy McCaleb. Ông thức dậy lúc bảy giờ để có thể tới khu giặt quần áo nơi tòa nhà chung của vũng neo thuyền, dùng vài máy cùng một lúc để giặt toàn bộ ga trải giường. Rồi ông bắt tay lau chùi thuyền để chuẩn bị cho hai vị khách ở qua đêm. Nhưng trong khi làm việc, ông nhận thấy khó lòng tập trung vào những việc vặt vãnh ngay trước mắt mình.
Ngay khi từ sa mạc về đến thuyền vào tối hôm trước, ông đã nói chuyện với Jaye Winston. Khi ông kể với chị về bức ảnh bị thất lạc khỏi chiếc Suburban của Cordell, chị bất đắc dĩ thừa nhận rằng có thể McCaleb đã tìm ra một manh mối vững chắc mới. Một giờ sau chị gọi lại cho biết đã thu xếp một cuộc gặp ở Trung tâm Sao lúc 8 giờ sáng thứ Hai. Chị cùng với đội trưởng và vài thám tử của Cảnh sát trưởng sẽ có mặt ở đó. Arrango và Walters cũng vậy. Maggie Griffin của FBI cũng có mặt. Griffin là người đã thế chỗ McCaleb ở phân khu CBTB của phòng tác chiến Los Angeles. McCaleb chỉ biết cô ta qua tiếng tăm của cô ta, và đấy là tiếng tốt.
Cái khó chính là ở đó. Trước hết sáng thứ Hai này McCaleb sẽ phải ngồi lên ghế nóng, làm cái đích để người ta nhắm vào săm soi không khoan nhượng. Hầu hết, nếu không phải là tất cả những người có mặt ở cuộc họp tại Trung tâm Sao là những kẻ không tin. Nhưng thay vì chuẩn bị cho cuộc họp đó hay tiến hành điều tra thêm được chút nào hay chút nấy, McCaleb lại sắp đi câu trên đê chắn sóng với một người đàn bà và một chú bé. Làm thế nghe chừng không phải lắm nên ông cứ nghĩ đi nghĩ lại rằng mình nên hủy cuộc hẹn với Graciela và Raymond. Nhưng cuối cùng ông không hủy. Đúng là ông cần nói chuyện với Graciela thật, song còn hơn thế, ông cảm thấy chỉ là ông muốn ở cùng nàng. Và đó là điều khiến cho hai đường song song của các ý nghĩ bứt rứt không yên nơi ông gặp nhau ở một điểm giao: cảm thấy có lỗi vì đã dẹp cuộc điều tra sang một bên, và cảm thấy có lỗi vì đem lòng khao khát một người đàn bà đã đến để nhờ ông giúp đỡ.
Khi giặt giũ và lau chùi đại khái xong, ông đi bộ lên khu trung tâm vũng neo thuyền. Ở hàng thực phẩm ông mua các thứ chuẩn bị cho bữa tối. Ở hiệu bán mồi câu ông mua một xô mồi sống, chọn tôm và mực, cùng một bộ cần và ống dây câu nhỏ mà ông định sẽ tặng luôn cho Raymond. Về lại thuyền, ông gắn cần câu mới mua vào một trong mấy cái giá mắc cần nơi mép thuyền, còn mồi trong xô thì ông trút vào khoang cá trên thuyền. Đoạn ông cất các món vừa mua ở cửa hàng vào bếp.
Ông đã xong mọi thứ và con thuyền cũng đã sẵn sàng lúc mười giờ. Chẳng thấy bóng dáng xe của Graciela trong bãi đỗ xe, nên ông quyết định sang bên Buddy Lockridge hỏi xem liệu sáng thứ Hai tới anh ta có rảnh không. Trước tiên ông đến chỗ cổng vào kiểm tra xem nó đã mở chưa để Graciela và chú bé có thể vào trong vũng được, sau đó ông lại chỗ thuyền của Lockridge.
Theo đúng tập tục của vũng neo thuyền, McCaleb không bước lên chiếc Xuống Đáy Hai Lần, mà chỉ gọi tên Lockridge rồi đứng đợi trên bến. Cửa hầm chính của thuyền đang mở nên ông biết Lockridge đã dậy rồi, đang quanh quẩn đâu đây thôi. Sau nửa phút, cái đầu bù xù của Buddy, sau đó là khuôn mặt đầy nếp nhăn của anh ta thò lên qua cửa hầm. McCaleb đoán rằng gần như suốt đêm anh ta toàn nốc rượu.
“Chào, Terry.”
“Chào. Ổn chứ?”
“Lúc nào chả ổn. Có gì vậy, đi đâu à?”
“Không, hôm nay thì không. Nhưng sáng thứ Hai này tôi cần anh sớm. Anh đưa tôi đến Trung tâm Sao được không? Chắc ta phải đi từ bảy giờ.”
Buddy nghĩ một thoáng để xem nếu vậy thì có khớp với lịch trình bận rộn của mình không, rồi gật đầu.
“Được.”
“Tới khi đó anh vẫn ổn để lái đấy chứ?”
“Chắc rồi. Có chuyện gì ở Trung tâm Sao vậy?”
“Chỉ là họp thôi. Nhưng tôi phải tới đúng giờ.”
“Đừng lo gì hết. Ta sẽ đi từ bảy giờ. Tôi sẽ để chuông báo thức.”
“OK, à còn một chuyện nữa. Nhớ để mắt trông chừng quanh đây nhé.”
“Ý anh là e cái thằng ở nhà máy đồng hồ chứ gì?”
“Ừ. Tôi ngờ là hắn sẽ ló mặt nhưng mình chả bao giờ biết được đâu. Hắn có hình xăm khắp hai tay. Mà tay to ra trò đấy. Nếu gặp hắn thì anh nhìn là biết ngay.”
“Tôi sẽ trông cho. Xem chừng anh sắp có đôi ba vị khách thì phải.”
McCaleb thấy Lockridge đang nhìn qua vai ông. Ông ngoái lại nhìn chiếc Biển Theo Ta. Graciela đang đứng nơi đuôi tàu. Nàng đang bế Raymond đưa nó xuống thuyền.
“Tôi đi đây, Bud. Gặp anh thứ Hai nhé.”
Graciela mặc quần jeans xanh bạc màu và áo ngắn tay hiệu Dodgers, tóc bới cao dém vào dưới chiếc mũ bóng chày hợp với bộ đồ. Nàng khoác trên vai một túi xách bằng vải len thô, tay kia xách giỏ thức ăn mua ở hiệu. Raymond thì mặc quần jeans xanh và áo len chơi hockey hiệu Kings. Chú cũng đội mũ bóng chày, tay cầm một chiếc xe cứu hỏa đồ chơi và một con thú nhồi bông cũ, McCaleb thấy như là con cừu.
McCaleb ngập ngừng ôm Graciela rồi bắt tay Raymond sau khi chú dúi con thú nhồi bông vào nách bên kia.
“Rất vui gặp hai dì cháu,” ông nói.
“Sẵn sàng câu dăm con cá hôm nay chứ, Raymond?”
Chú bé dường như e thẹn quá không trả lời được. Graciela thúc nhẹ vào vai chú thế là chú gật đầu đồng tình.
McCaleb cầm mấy chiếc túi, đi trước đưa họ vào thuyền, dẫn họ đi xem một vòng con thuyền, lần trước họ chưa được tham quan như thế. Dọc đường, ông để túi thức ăn vào bếp còn chiếc túi bằng vải len thô thì đặt xuống giường trong phòng ngủ chính. Ông bảo Graciela đó là phòng nàng, ga trải giường mới giặt sạch tinh. Đoạn ông chỉ cho Raymond giường tầng trên trong phòng ngủ phía trước. McCaleb đã dẹp đi gần hết các hộp đựng hồ sơ dưới bàn làm việc nên căn phòng trông đủ ngăn nắp để làm chỗ ngủ cho chú bé. Trên chiếc giường có hàng rào bảo vệ để chú không bị lăn đùng ra khỏi giường. Khi McCaleb nói cái đó gọi là giường tầng, mặt cậu bé nhăn lại vẻ bối rối.
“Người ta gọi giường trên thuyền như vậy đấy, Raymond ạ,” ông nói. “Và người ta gọi phòng vệ sinh là phòng đầu.”
“Sao lại thế?”
“Chẳng biết nữa, chú chưa bao giờ hỏi.”
Sau đó ông dẫn hai dì cháu đến chỗ phòng đầu, chỉ cho họ biết là phải dùng bàn đạp chân để xả nước. Ông để ý thấy Graciela nhìn biểu đồ nhiệt độ treo trên móc, liền cho nàng biết nó dùng để làm gì. Nàng đặt ngón tay lên dòng ghi thứ Năm.
“Ông bị sốt à?”
“Sốt nhẹ. Qua ngay thôi mà.”
“Bác sĩ của ông nói sao?”
“Tôi chưa nói với bà ấy. Cũng qua rồi, giờ thì tôi khỏe.”
Nàng nhìn ông với một vẻ pha lẫn giữa quan tâm và theo ông nghĩ là buồn bực. Rồi ông nhận ra, có lẽ việc ông vẫn sống là quan trọng đến thế nào đối với nàng. Nàng không muốn món quà cuối cùng của em gái nàng hóa ra vô ích.
“Đừng lo,” ông nói. “Tôi khỏe. Chỉ là hôm đó tôi chạy loanh quanh hơi nhiều thôi. Tôi ngủ một giấc dài thì cơn sốt qua luôn. Từ đó tới giờ tôi khỏe.”
Ông trỏ vào mấy vạch chéo trên biểu đồ theo sau dòng có ghi chú sốt. Raymond giật gấu quần ông mà nói: “Chú ngủ ở đâu?”
McCaleb liếc nhanh sang Graciela rồi quay nhìn về phía cầu thang trước khi nàng kịp thấy mặt ông bắt đầu đổi sắc.
“Nào lên trên đi, để chú chỉ cho hai dì cháu.”
Khi họ lên lại phòng khách, McCaleb giải thích với Raymond rằng ông có thể chuyển bàn bếp thành một cái giường đơn bằng cách nào. Chú bé xem chừng thỏa mãn.
“Nào, ta xem hai dì cháu mua gì nào,” McCaleb nói.
Ông bắt đầu xem qua túi đồ ăn của Graciela rồi lôi các thứ ra. Họ đã thỏa thuận rằng nàng sẽ làm bữa trưa, ông thì làm bữa tối. Nàng đã ghé một cửa hàng deli nên xem chừng họ sẽ có món bánh xăng uých nhồi thịt và rau.
“Làm sao cô biết món này là món tôi ưa nhất?” ông hỏi.
“Tôi có biết đâu,” Graciela nói. “Nhưng cũng là món Raymond thích mà.”
McCaleb vươn tay ra rồi dùng một ngón tay miết dọc dẻ sườn Raymond khiến chú bé vừa rụt người lại vừa cười khúc khích.
“Nào, trong khi dì Graciela làm bánh xăng uých để chú cháu mình đem theo thì cháu ra ngoài kia giúp chú chuẩn bị dụng cụ nhá. Cá ngoài kia đang đợi mình đấy!”
“Vâng ạ!”
Trong khi giục chú bé ra ngoài đuôi thuyền, ông ngoái lại nháy mắt với Graciela. Lên trên boong rồi, ông đưa cho Raymond cần câu và ống dây mà ông đã mua cho chú. Khi chú bé biết mấy đồ nghề này là của chú, chú bèn chộp lấy cái cần câu như thể đó là sợi dây thừng do một đội cứu hộ ném cho. Điều đó khiến McCaleb thấy buồn hơn là dễ chịu. Ông tự hỏi chú bé đã bao giờ có một người đàn ông làm chỗ dựa trong đời hay chưa.
McCaleb nhìn lên thì thấy Graciela đang đứng nơi cửa phòng khách mở rộng. Nàng cũng có vẻ mặt buồn, mặc dù nàng đang mỉm cười với họ. McCaleb quyết rằng họ cần phải dứt khỏi những cảm xúc đó.
“OK,” ông nói. “Mồi. Chú cháu mình phải xúc đầy một xô, vì chú có cảm giác hôm nay thể nào tụi nó sẽ cắn câu nhiều đấy.”
Ông lấy cái xô nổi và lưới nhúng ra khỏi ngăn bên cạnh khoang cá rồi chỉ cho Raymond biết cách nhúng lưới vào khoang mà vớt mồi lên. Ông vớt hai lưới đầy tôm và mực vào xô rồi giao việc đó lại cho Raymond. Đoạn ông vào trong thuyền lấy hộp đựng đồ câu và thêm hai cần câu cho mình với Graciela.
Khi ông đã vào trong và đủ xa để chú bé không nghe thấy, Graciela lại gần ông mà ôm lấy ông.
“Ông thật tử tế quá,” nàng nói.
Ông nhìn đăm đắm vào mắt nàng giây lát rồi mới nói.
“Tôi nghĩ chuyện này có ích cho tôi nhiều hơn là cho cháu nó.”
“Cháu nó thích lắm,” nàng nói. “Em biết. Nó sốt ruột muốn câu được thứ gì lắm. Em hy vọng nó sẽ câu được.”
Họ đi dọc theo bến chính của vũng neo thuyền, ngang qua những cửa hiệu nhà hàng, rồi băng qua một bãi đỗ xe thì mới đến chỗ kênh chính dẫn vào các vũng neo thuyền của thành phố. Ở đây có một con đường rải sỏi vụn dẫn đến cửa kênh và đê chắn sóng xây bằng đá kéo dài khoảng trăm mét theo hình cánh cung nhô ra Thái Bình Dương. Họ cẩn thận bước trên các phiến đá to tướng bằng granit, từ phiến này sang phiến nọ, cho đến khi ra xa được chừng nửa đường.
“Này Raymond, chốt bí mật của chú đây rồi. Chắc chú cháu mình nên thử ngay đây thôi.”
Chú bé không phản đối. McCaleb đặt đồ lề xuống rồi bắt tay chuẩn bị câu. Những tảng đá vẫn còn ướt do triều dâng hồi đêm. McCaleb có mang theo khăn, ông đi tới đi lui tìm một chỗ đá phẳng để ngồi cho tiện. Ông trải mấy tấm khăn ra rồi bảo Graciela và Raymond ngồi xuống. Ông mở hộp dụng cụ, lấy ống kem chống nắng ra đưa cho Graciela. Đoạn ông bắt đầu móc mồi vào dây. Ông quyết định móc mực vào cần của Raymond vì ông nghĩ nó là mồi ngon nhất mà ông thì muốn chú bé câu được con cá đầu tiên.
Mười lăm phút sau họ đã có ba dây câu buông xuống nước. McCaleb đã dạy cho chú bé cách ném dây câu, buông ống ra và để cho con mực bơi cùng với dây câu trong dòng nước.
“Cháu sẽ câu được gì?” chú bé hỏi, mắt nhìn dây câu.
“Chú chả biết nữa Raymond. Ngoài kia nhiều cá lắm.”
McCaleb ngồi trên một tảng đá bên cạnh tảng của Graciela. Chú bé quá nôn nả nên không ngồi đợi được. Chú cứ ôm cần mà tung tăng từ tảng đá này sang tảng đá kia, sốt ruột đợi và hy vọng.
“Lẽ ra em nên mang máy ảnh,” Graciela thì thầm.
“Lần sau,” McCaleb nói. “Em thấy không?”
Ông chỉ ngang qua vùng nước về phía chân trời. Có thể thấy đường viền xanh xanh của một hòn đảo đang dâng lên trong sương mù phía xa.
“Đảo Catalina?”
“Ừ. Nó đấy.”
“Lạ thật. Em không sao quen được với ý nghĩ ông từng sống trên một hòn đảo.”
“Tôi từng sống thế thật mà.”
“Làm thế nào gia đình ông lại ra đấy ở?”
“Gia đình tôi gốc gác ở Chicago. Bố tôi là cầu thủ bóng chày. Mùa xuân một năm nọ – năm năm mươi – ông đi tập huấn với đội Cubs. Họ thường ra đảo Catalina tập luyện vào mùa xuân. Gia đình Wrigley làm chủ đội Cubs và hầu hết đảo. Thành thử họ đi ra đảo.”
“Bố mẹ tôi yêu nhau từ hồi còn trung học. Họ đã lấy nhau và ông nhân cơ hội này để đầu quân cho đội Cubs. Ông chơi ở vị trí shortstop và tay đập thứ hai. Dù thế nào thì ông ra đây nhưng không vào được đội. Tuy nhiên ông thích nơi này. Ông tìm được một việc làm cho nhà Wrigley. Và ông nhắn tin cho bà ra cùng.”
Ông đã định kể đến đấy là thôi, nhưng nàng khiến ông nói nhiều hơn.
“Rồi ông ra đời.”
“Ít lâu sau đó.”
“Nhưng cha mẹ ông không ở lại?”
“Mẹ tôi không ở lại. Bà không chịu được hòn đảo. Bà ở lại mười năm và thế là đủ. Với một số người thì hòn đảo có thể tù túng chật chội quá… Dù thế nào thì, hai ông bà chia tay. Bố tôi ở lại mà ông thì muốn có tôi cùng. Tôi ở lại. Mẹ tôi quay về Chicago.”
Nàng gật đầu.
“Bố ông làm gì cho gia đình Wrigley?”
“Nhiều việc. Ông làm việc trên trang trại của họ, rồi thì làm trong nhà họ. Họ có một chiếc Chris-Craft dài mười chín mét ở bến tàu. Ông kiếm được một chân thủy thủ trên boong, rồi cuối cùng ông chỉ huy luôn con tàu đó cho nhà họ. Cuối cùng ông tậu được thuyền của riêng mình và đem cho thuê. Ông còn là lính cứu hỏa tình nguyện nữa.”
Ông mỉm cười và nàng cười lại.
“Và Biển Theo Ta là thuyền của ông ấy?”
“Là thuyền của ông ấy, nhà ông ấy, công việc làm ăn, mọi thứ. Nhà Wrigley tài trợ cho ông. Ông sống trên thuyền suốt chừng mười hai năm. Cho tới khi ông ngã bệnh thì người ta – ý tôi là chính tôi, tôi là người duy nhất – đưa ông lên thành phố, đến bệnh viện. Ông mất ở đó. Tại Long Beach.”
“Tôi rất tiếc.”
“Chuyện lâu rồi mà.”
“Không phải tiếc cho ông.”
Ông nhìn nàng.
“Chỉ là rốt cuộc bao giờ cũng đến cái thời khắc mà ai cũng biết. Bố tôi biết không hề có cơ hội nào nữa, thế nhưng ông chỉ muốn quay trở về đó. Về lại chiếc thuyền của ông. Và hòn đảo. Tôi thì không thế. Tôi đã từng muốn thử mọi thứ, mọi thứ kỳ công chết tiệt về khoa học và y học. Và nữa, nếu như lúc ấy ông vẫn ở ngoài kia thì cứ mỗi lần muốn thăm ông là tôi lại phải ra, vất lắm. Tôi sẽ lại phải đi phà. Thế nên tôi bắt ông phải nằm lại bệnh viện ấy. Ông mất một mình trong phòng. Lúc ấy tôi đang bận một vụ ở San Diego.”
McCaleb nhìn ra phía bên kia mặt nước. Ông thấy một chiếc phà đang hướng về phía đảo.
“Tôi ước gì hồi ấy tôi đã lắng nghe bố.”
Nàng chìa tay ra đặt lên cánh tay ông.
“Cứ để cho những ý định tốt ám ảnh mình thì thật vô nghĩa.”
Ông liếc nhìn sang Raymond. Chú bé đã yên vị một chỗ và đang đứng im phăng phắc, nhìn xuống ống dây của mình trong khi sợi dây đang được đều đặn kéo ra xa. McCaleb biết rằng một con mực thì không thể có kiểu sức kéo như thế.
“Này, đợi tí, Raymond. Chắc là cháu câu được gì đó rồi đấy.”
Ông đặt cần của mình xuống mà đi lại chỗ chú bé. Ông tháo quai giữ dây ra và dây liền mắc vào quai. Hầu như ngay lập tức cần liền bị kéo trĩu xuống suýt tuột khỏi tay chú bé. McCaleb liền chộp lấy cần kéo lên.
“Cháu được một con rồi!”
“Ồ! Cháu được một con! Được một con!”
“Nhớ chú nói gì với cháu chứ Raymond. Kéo lại, thu dây vào. Kéo lại, thu dây vào. Chú sẽ giúp cháu giữ cần cho đến khi ta kéo được nhóc kia vào. Xem chừng là một nhóc bự đây. Cháu sẵn sàng chưa?”
“Rồi!”
Có McCaleb đảm nhiệm phần lớn việc thu dây, cả hai bắt đầu vật lộn với con cá. Đồng thời, McCaleb bảo Graciela quấn hai dây còn lại để tránh quấn vào sợi dây có cá mắc câu. McCaleb và chú bé chiến đấu với con cá trong khoảng mười phút. Suốt thời gian đó McCaleb cảm thấy qua sợi dây rằng cuộc giằng co cứ lơi dần bởi con cá thấm mệt. Cuối cùng, ông cũng có thể trao lại cần câu cho Raymond để cậu có thể tự mình kết thúc việc này.
McCaleb đeo đôi găng tay lấy trong hộp dụng cụ ra rồi tụt xuống các tảng đá để đến bên mép nước. Dưới mặt nước chỉ chừng mươi phân ông nhìn thấy con cá màu bạc đang yếu ớt chống cự lại sợi dây câu. McCaleb quỳ xuống tảng đá làm cho cả giày lẫn quần bị ướt, ông cúi về phía trước cho đến khi túm được sợi dây câu của Raymond.
Ông lôi con cá về phía trước làm cho mồm nó hướng lên trên, nhúng tay vào nước rồi luồn một tay đeo găng nắm quanh đuôi nó, ngay phía trước các vây lưng. Đoạn ông giật mạnh con cá ra khỏi nước và trèo lên lại các tảng đá về chỗ Raymond.
Con cá lóe sáng trong ánh nắng trông như kim loại đánh bóng.
“Cá nhồng Raymond à,” ông vừa nói vừa giơ con cá lên. “Nhìn răng mà xem.”