Vì Sao Ông Ackroyd Chết

Chương 4: Người Đàn Ông Trồng Bí


Bạn đang đọc Vì Sao Ông Ackroyd Chết – Chương 4: Người Đàn Ông Trồng Bí

Trong bữa ăn trưa, tôi nói với Caroline rằng tối nay tôi sẽ không ăn cơm nhà, ông Ackroyd mời tôi tới nhà ông ấy dùng bữa tối.
– Ồ, hay tuyệt! – Bà chị tuyên bố – Cậu sẽ được nghe nhiều điều lý thú nữa. À, nhân dịp này, tôi muốn hỏi cậu: Có chuyện gì đã xảy ra với Ralph đấy?
– Với Ralph à? Không có gì đâu. Em chẳng biết gì cả – Tôi ngạc nhiên nói.
– Thế thì tại sao anh ta lại xuất hiện trong một nhà trọ ở gần Fernly Park?
Tôi biết rằng những điều bà chị tôi vừa nói là đúng sự thật.
– Ông Ackroyd nói với em rằng Ralph hiện đang ở London – Tôi trả lời Caroline mà quên bẵng mất rằng mình định giấu bà chị tất cả những gì mình biết.
– Ồ, thế à? Ralph về nhà vào buổi sáng hôm qua và hôm nay anh chàng vẫn đang ở cái nhà trọ ấy đấy. Tối hôm qua, Ralph đi dạo với một cô gái.
Đối với tôi, câu chuyện này có gì đáng ngạc nhiên đâu cơ chứ. Còn đối với anh chàng Ralph, câu chuyện này cũng chẳng có gì đáng để phải nói cả. Nhưng tôi thấy lạ là tại sao Ralph về đây chỉ vì một thích thú bình thường là đi dạo chơi với một cô gái?
– Ralph đi dạo với một cô phục vụ của nhà trọ phải không?
– Không phải, thế mới thành vấn đề chứ. Hắn ta đi tìm cô gái đó. Tôi không biết cô ấy là ai, song tôi có thể đoán được.
Một sự thú nhận cay đắng của Caroline, chị ấy không biết cô gái kia là ai, nhưng chị ấy dám chắc là có thể đoán được. Tôi im lặng nhìn bà chị và chờ đợi.
– Flora Ackroyd – Caroline nói.
– Như vậy, nếu là Flora Ackroyd thì tại sao Ralph Paton lại không đến Fernly Park để gặp cô ta?
– Á, đấy là một cuộc họp bí mật để đính hôn với nhau – Caroline nói với vẻ mặt đắc thắng – Để cho ông già Ackroyd bị đột ngột, cho nên họ gặp nhau như vậy đấy.
Tôi không muốn làm buồn bà chị tôi – tôi nghĩ rằng, tất cả những câu chuyện của chị tôi là sai hoàn toàn. Để lái qua chuyện khác, tôi hỏi Caroline đã biết gì về người hàng xóm mới của chúng tôi hay chưa.

Một người đàn ông mới đến ở The Lauches, trong một ngôi nhà bên cạnh nhà chúng tôi. Caroline rất bực tức về việc không làm thế nào để có thể biết được, dù là một điều rất nhỏ, về người đàn ông này. Chính vì thế mà chị ta nói rằng, việc tìm hiểu ông hàng xóm mới kia là một việc rất hay. Những chuyện Caroline muốn biết về ông hàng xóm bao gồm: Ông ta từ đâu tới đây? Nghề nghiệp của ông ấy là gì? Đã có vợ con gì chưa?… Cho đến nay, tất cả những gì chúng tôi biết về ông hàng xóm chỉ vẻn vẹn như sau: tên ông ta là Poirot, người nước ngoài, sống một cách lặng lẽ và chỉ cần mẫn chăm lo vườn bí mà ông ta đang trồng thôi.
– Tôi không thu lượm được gì mới mẻ về ông hàng xóm – Caroline bực bội thú nhận – Song tôi tin rằng ông ta có một chiếc máy hút bụi chạy bằng điện. Tôi sẽ hỏi mượn ông ấy và…
Trong khi Caroline đang mải mê nói, tôi đã chuồn khỏi phòng ăn – một cuộc ngừng bắn nhỏ. Tôi đang lững thững đi bách bộ trong vườn, bỗng nghe tiếng lịch bịch của những vật nặng bị ném xuống đất; đúng lúc đó, một quả bí bay ngang qua mang tai tôi và rơi bịch xuống đất.
Tôi giận dữ nhìn quả bí. Trên bức tường ngăn với ngôi nhà bên cạnh xuất hiện một khuôn mặt. Một cái đầu hình quả trứng với bộ tóc đen và một đôi mắt nhìn như muốn đọc hết tất cả suy nghĩ của người khác. Đó chính là ông hàng xóm bí ẩn của chúng tôi, Poirot.
– Tôi chân thành mong ông tha lỗi – Ông ta nói với một cái nhìn thành khẩn nhận lỗi – Tôi rất bực những cây bí của tôi: chúng đã không như tôi mong muốn. Ông xem này, chúng cứ méo mó thế nào ấy, khó coi quá. Tôi đã bổ quả to nhất ném đi cho đỡ tức, không may nó lại bay qua bức tường và rơi vào vườn nhà ông. Tôi rất lấy làm xấu hổ, ông làm ơn bỏ qua cho tôi.
Cơn giận của tôi dịu dần trước những lời nói chân thành của ông ta. Suy cho cùng, quả bí cũng không động chạm đến tôi; tôi tin rằng đây chỉ là ông hàng xóm quá vụng về trong khi ném.
Người đàn ông nhỏ bé, kỳ quặc này hình như đọc được những ý nghĩ trên trong đầu tôi.
– Không phải thế đâu. Ông đừn nghĩ như vậy. Tôi không phải là một thằng vụng về đâu – Poirot nói như cải chính – Bởi vì tôi đã quá tức giận, có lẽ tức giận bản thân mình đấy. Tôi đang cố sức làm việc trong lúc đáng được an nhàn trong tuổi già. Nhưng tôi đã thu được những gì sau những ngày lao động vất vả, mà thực ra, tôi đã tin rằng mình sẽ thu được kết quả tốt hơn nhiều. Ông có hiểu tôi không?
– Tôi hiểu chứ – Tôi chậm rãi trả lời – Tôi cho rằng điều xảy ra với ông là một chuyện thường tình. Ngay cả đối với tôi, có lẽ tôi cũng có thể kể cho ông nghe một thí dụ về một việc xảy ra ngoài mong muốn của tôi. Năm ngoái, tôi nhận được một khoản tiền hồi môn. Giá trị của số tiền đó làm cho tôi có ý định thực hiện một giấc mơ. Tôi luôn luôn có ý định đi du lịch để có thể biết hơn về thế giới mà chúng ta đang sống. Đúng như vậy đấy; song chuyện đó là của một năm trước, và bây giờ thì tôi vẫn đang ở đây.
– Những mắc xích của thói quen – người đàn ông nhỏ bé nói – Chúng ta bỏ công sức ra, tìm kiếm những gì chúng ta muốn, nhưng lại để mất đi các kết quả lao động hàng ngày của mình. Công việc tôi đã làm rất thú vị, đó là một công việc hay nhất trong mọi công việc trên đời này.
– Ông nói thật đấy chứ – tôi tò mò hỏi lại ông ta và tự cảm thấy mình bỗng có ý muốn tìm kiếm một câu chuyện lạ tai.
– Công việc của tôi là tìm hiểu bản chất của một con người.
– Thế à? – Tôi cảm thấy thất vọng về câu trả lời của ông ta. Về công việc này, có lẽ Caroline, chị gái tôi, còn làm cừ hơn ông ta.
– Có lẽ chưa bao giờ ông đi đâu xa nhỉ?

– Chưa, đáng lẽ tôi có thể thực hiện điều đó cách đây một năm rồi. Nhưng tôi đã rất ngốc nghếch và thậm chí còn tồi hơn thế, tôi đã quá tham lam. Tôi đã liều một cú như đâm đầu vào canh bạc: có thể được tất cả, nhưng cũng có thể mất sạch sành sanh.
– Có lẽ ông đã hùn vốn vào một công ty nào đó phải không?
– Đúng đấy, đúng như ông nói – Tôi buồn bã trả lời – Một mỏ vàng ở Úc.
Poirot nhìn tôi một cách thích thú khiến tôi không thể đoán ra được ông ta đang nghĩ gì về mình.
– Ồ, một mỏ vàng ở Úc à! – Poirot nhắc lại – Tôi có một người bạn, ông ta không bao giờ rời khỏi tôi nửa bước, ông ấy cũng giống ông ở một vài điểm. Tất cả của cải, tiền bạc của ông ấy cứ chạy hết vào hãng Dầu phương Tây; cũng giống như tiền bạc của ông đã chạy hết vào mỏ vàng. Như thế là chúng ta đã quen biết nhau rồi đấy, có lẽ đây là số phận. Tôi bị mất một người bạn thì nay lại có một ông bạn mới tương tự như người bạn cũ.
Poirot cúi xuống cắt một quả bí rõ to và đưa cho tôi:
– Ông hãy nhận lấy quả bí này của tôi và làm ơn đưa nó cho bà chị tuyệt diệu của ông.
Tôi cám ơn ông ta và cầm lấy quả bí.
– Nhân tiện – ông hàng xóm nói tiếp – tôi muốn phiền ông một chút. Ông là một bác sỹ, có lẽ ông quen biết tất cả mọi người ở cái thị trấn nhỏ bé này nhỉ? Vậy anh chàng trẻ tuổi có mái tóc và cặp mắt rất đen là ai đấy? Anh ấy có một dáng điệu rất đặc biệt là đầu luôn luôn ngả về phía sau và luôn luôn có một nụ cười dễ dãi nở trên môi.
– A, thế ra ông cũng quan tâm đến sự việc và con người ở cái thị trấn này đấy nhỉ. Đó là đại úy Ralph Paton. Anh chàng đó đã biệt tích một thời gian khá lâu đấy. Anh ấy là con riêng của bà góa Paton, vợ ông Ackroyd.
– Tất nhiên là tôi có thể đoán được những điều ông vừa nói. Ông Ackroyd đã từng nhiều lần kể cho tôi nghe chuyện về anh chàng này.
– Ông cũng quen ông Ackroyd à? – tôi ngạc nhiên hỏi.
– Ông Ackroyd và tôi, chúng tôi quen nhau từ hồi còn ở London, khi tôi vẫn còn làm việc ở đó. Tôi đã yêu cầu ông Ackroyd đừng nói chuyện gì về tôi với bất cứ ai.
Tôi cười.

– Như vậy là anh chàng đại úy Ralph Paton này lại định cưới cô Flora em họ của anh ta, làm vợ đấy – Poirot tiếp tục nói.
– Làm thế nào mà ông biết được chuyện này.
– Chính ông Ackroyd chứ còn ai nữa. Cách đây một tuần, ông ấy đã kể cho tôi nghe chuyện đó; ông ấy tỏ ra phấn khởi về việc này. Tôi biết rằng đó là một mong muốn của ông Ackroyd. Chính vì thế mà ông ấy đã làm đủ mọi cách để hai người lấy nhau. Ông ta đã gây một áp lực lớn về tiền bạc đối với Ralph. Theo ý kiến tôi thì việc ông Ackroyd đã làm là không đúng. Bây giờ lũ trẻ hay làm theo ý riêng của chúng, chúng muốn lấy ai thì lấy, cha mẹ không nên bắt buột làm gì. Cái anh chàng Ralph này có lẽ phải chiều lòng ông bố dượng để có tiền.
Tất cả mọi suy nghĩ của tôi lại bị đảo lộn lung tung. Ackroyd là một người đàn ông kín đáo; hình như không bao giờ ông ấy thổ lộ cho người ngoài những vấn đề xung quanh gia đình ông ta, nhất lại là một người không quen biết. Thế mà không biết tại sao ông hàng xóm của tôi lại có thể khai thác được những câu chuyện ấy từ ông Ackroyd. Tôi nhìn Poirot với thái độ dò hỏi; tôi cho rằng người đàn ông nhỏ bé này là một nhà buôn gì đó đã về hưu. Cho nên những công việc ông ta đã làm, theo lời ông ta nói, là rất quan trọng.
– Riêng ông có ý kiến gì về Ralph Paton không? – Tôi hỏi.
– Một anh chàng dễ coi; song, nhìn bề ngoài thì không thể đánh giá được một con người. Có một số vấn đề về anh ta tôi vẫn chưa hiểu được.
Poirot thận trọng trả lời tôi, nhưng tôi vẫn chưa kịp hiểu ông ta nói những gì thì có tiếng của Caroline gọi tôi vang lên từ trong nhà.
Vào tới nhà, tôi thấy Caroline vẫn còn đội mũ trên đầu; rõ ràng là chị tôi vừa đi đâu về. Caroline có vẻ như rất sốt ruột để trút cho tôi tất cả những gì chị vừa thu lượm được. Chị mở đầu trước khi tôi kịp hỏi:
-Tôi vừa gặp ông Ackroyd, tôi đã hỏi ông ta về anh chàng Ralph. Rất kỳ lạ là ông ấy không hề biết một tí gì về Ralph cả. Ông Ackroyd còn kể với tôi là Ralph và Flora đã hứa hôn với nhau rồi.
– Những điều chị nói em đã biết hết rồi – tôi ngắt lời Caroiline – Ông hàng xóm của chúng ta vừa kể cho em biết.
Lúc ấy Caroline có vẻ như lưỡng lự một chút, hình như chị ấy thắc mắc là có nên kể tiếp cho tôi nghe nữa hay không, hay là tôi đã biết hết rồi. Nhưng rồi Carolie lại tiếp tục nói:
– Tôi đã nói với ông Ackroyd rằng Ralph đang nghỉ tại nhà trọ của thị trấn; ông ấy cám ơn tôi. Tôi nghĩ rằng thế nào rồi ông Ackroyd cũng đi đến nhà trọ để tìm Ralph, nhưng ông ấy không thể nào tìm thấy đâu.
– Sao lại không?
– Lúc trở về nhà, tôi có đi qua khu rừng nhỏ ở Fernly Park và bỗng nhiên nghe thấy tiếng người nói chuyện. Một trong những giọng nói là của Ralph Paton, tôi nhận ra được ngay. Giọng thứ hai là của một cô gái – và tất nhiên là tôi không muốn tò mò nghe trộm câu chuyện của họ rồi.
– Chị mà lại không muốn nghe à? – Tôi mỉm cười ngắt lời Caroline.
– Tôi không thể nghe được – Bà chị vẫn say sưa nói mà không hề đoái hoài tới câu hỏi của tôi – Cô gái nói điều gì đó và Ralph có vẻ như rất giận dữ: Cô bé thân mến của anh, hắn cười gằn, đừng có điên mà làm điều đó. Ông già của anh, khi chết đi, sẽ không cho anh một tí gì đâu. Ông ấy vẫn còn giận anh, mà thực ra đã từ lâu nay rồi, cách đây vài năm rồi cơ. Chúng ta bất lực rồi. Chúng ta phải có tiền, cô bé ạ. Anh sẽ trở nên giàu có khi ông già đó chết và anh không muốn ông ấy thay đổi tờ di chúc của mình. Em cứ để yên cho anh làm, đừng có đâm đầu vào mà làm hỏng việc của anh… Ralph nói rõ ràng như vậy đấy. Đúng vào lúc ấy, tôi đạp phải một nhánh cây khô; họ liền hạ thấp giọng xuống và bỏ đi ngay lập tức. Tôi rất mong nghe được những gì mà cô gái sẽ nói. Tôi cho rằng đó là cô Flora, nhưng…
– Nhưng, cái nhưng của chị ở đây chẳng có ý nghĩa gì – Tôi tiếp lời Caroline.

Tôi bỏ đi và quyết định đến nhà trọ để tìm Ralph. Tôi quen Ralph và hiểu anh ấy hơn tất cả mọi người ở thị trấn này. Tôi đã quen mẹ Ralph trước khi anh ta ra đời. Hơn nữa, tôi lại rất hiểu Ralph trong khi mọi người biết rất mơ hồ về anh ta. Ralph không nghiện rượu như bà mẹ mình, nhưng anh ta có một số nhược điểm trong tính cách. Tôi có thể làm gì để giúp Ralph bây giờ? Tôi đã cho rằng mình có thể giúp được Ralph.
Đến khách sạn, những người ở đây nói với tôi rằng Ralph Paton vừa mới về. Leo lên cầu thang, tới phòng của Ralph, tổi đẩy cửa bước vào.
– Ai đấy? À, bác sỹ Sheppard – Ralph đứng dậy chào tôi – Tôi rất sung sướng được bác sĩ tới thăm.
Tôi bắt tay anh ta. Một nụ cười nở trên khuôn mặt buồn bã của Ralph.
– Bác sỹ chính là người tôi muốn gặp trong lúc khủng khiếp này – Ralph nói.
– Sao thế, Ralph? Có chuyện gì đã xảy ra với anh thế?
– Một vấn đề rất dài dòng; tôi đang gặp rất nhiều trắc trở, bác sỹ ạ.
– Anh có thể nói cho tôi nghe được không? Tôi hỏi.
– Đó là chuyện của cha tôi. Bác sỹ biết rằng, tôi luôn luôn kính trọng ông Ackroyd và gọi ông ấy là cha. Nghĩ lại cho cùng thì ông ấy không xứng đáng là cha tôi.
– Ông ta đã làm gì anh?
– Đây không phải là việc ông Ackroyd, bản thân tôi cũng chẳng hiểu ông ta thích làm cái gì bây giờ. Tôi đang gặp nhiều khó khăn rất nghiêm trọng, và cho tới lúc này, tôi cũng chưa biết mình sẽ phải làm gì.
– Tôi có thể làm được gì để giúp anh? – Tôi hỏi.
– Cám ơn bác sỹ, bác sỹ là một người rất tốt, bác sỹ ạ. Nhưng bác sỹ không thể làm được gì cho tôi đâu. Tôi cần phải tự xử trí lấy thôi. Một lần nữa, tôi xin cám ơn bác sỹ.
Ralph im lặng một lúc và nhắc lại bằng một giọng nghiêm chỉnh hơn:
– Phải, chỉ có tôi mới xử trí được thôi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.