Vì Sao Ông Ackroyd Chết

Chương 16: Câu Chuyện Về Ursula Bourne (2)


Bạn đang đọc Vì Sao Ông Ackroyd Chết – Chương 16: Câu Chuyện Về Ursula Bourne (2)

Vào lúc 21 giờ, cuộc gặp gỡ của Poirot bắt đầu. Ursula cũng được mời tới và cô ta là người đầu tiên có mặt.
Sau đó, đoàn người từ Fernly Park mới kéo đến, sau cùng là cô Russell và Parker. Poirot xếp chúng tôi ngồi xung quang một chiếc bàn, còn ông ta ngồi ở vị trí chủ tọa.
– Trước tiên – Poirot bắt đầu – tôi thấy cần thiết phải tuyên bố rằng – ông ta nhìn Ursula – đây không phải là Ursula Bourne, mà là Ursula Paton. Cô ấy và đại úy Ralph Paton đã lấy nhau từ hồi tháng ba.
Có những tiếng kêu ngạc nhiên.
– Xin chúc mừng chị, tôi rất vui mừng vì điều đó – Flora nói – Nhưng chị đã giữ câu chuyện này quá kín đấy. Tôi nghĩ rằng chị có biết hiện nay Ralph đang ở đâu chứ? Riêng tôi thì không – Flora tự trả lời – Đúng thế, tôi không biết gì cả.
– Chỉ có Poirot biết thôi – Poirot nói một mình – Ông ta đã biết tất cả.
– Ông cho rằng ông có thể đoán được Ralph đang ở đâu phải không? – Tôi nghi ngờ hỏi ông ta.
– Không phải là đoán, ông bạn của tôi ạ, mà tôi biết cơ đấy. Nhưng bây giờ hãy để tôi bắt đầu đã. Bà Ackroyd, cô Flora, ông Raymond, thiếu tá Blunt, bà Ralph Paton, bác sỹ Sheppard, John Parker, cô Russell, tất cả các ông bà đều nghi ngờ một người.
Một cảm giác ngột ngạt chạy lan khắp phòng từ người này sang người khác. Mọi người đều nghĩ rằng đây là một cái bẫy.

– Khi được yêu cầu điều tra vụ án này – Poirot nói tiếp – tôi đã đến Fernly Park cùng với bác sỹ Sheppard. Tôi đã nhìn thấy dấu giày ở cửa phòng làm việc của ông Ackroyd. Tôi xem xét ngôi nhà nghỉ mùa hè và tìm thấy một mảnh vải rách. Tôi đã nhận ra đấy là mảnh vải của một chiếc tạp dề và người sử dụng nó phải là một cô gái ở đây. Khi đọc bản danh sách tất cả những người trong nhà, tôi nhận thấy rằng, một trong những người đó không có quan hệ với vụ án này, đó là Ursula Bourne. Ursula đã nói rằng cô đã ở trong phòng riêng của mình từ 21g30 đến 22 giờ. Nhưng trong khỏang thời gian này cô ta lại ở ngoài nhà nghỉ mùa hè. Nếu như vậy thì Ursula ở đó để gặp ai? Chúng ta đã biết rằng có một người lạ mặt đến Fernly Park vào tối hôm ấy, và tôi có nhặt được một chiếc lông ngỗng mà những người nghiện thước phiện hay dùng. Song, thời gian của hai sự kiện đó đã không trùng lặp. Người lạ mặt đã đến ngôi nhà nghỉ mùa hè ngay sau lúc 21 giờ; còn Ursula đã không ở đó trước 21 giờ 30. Từ đó, tôi nghĩ rằng có thể có hai cuộc gặp gỡ ở nhà nghỉ mùa hè.
Tôi đã phát hiện ra việc cô Russell hỏi bác sỹ Sheppard về thuốc phiện và làm thế nào để chữa bệnh nghiện thuốc phiện. Như vậy thì ai đã đến gặp Ursula? Câu hỏi này đã được trả lời bằng chiếc nhẫn mà tôi đã tìm thấy trong bể cá vàng, cộng thêm với việc Ralph đã bị phát hiện trên con đường tới ngôi nhà nghỉ mùa hè vào lúc 21 giờ 25. Tôi cũng nghe được một câu chuyện là Ralph đã có một hội đàm ở trong rừng với một cô gái. Những chứng cứ trùng lặp xảy ra. Rõ ràng là Ralph không ở trong phòng làm việc của ông Ackroyd vào lúc 21 giờ 30, cũng không phải là Charles Kent, người đàn ông lạ mặt, vì anh ta cũng vừa bỏ đi xong. Như vậy thì ai là kẻ đã nói chuyện với ông Ackroyd?
– Tôi cũng đã tự hỏi mình câu hỏi đó. Có ai đó đã ngồi với ông Ackroyd? Mà cũng không phải tôi là người duy nhất nghe thấy giọng ông Ackroyd nói – Raymond nói – Ông thiếu tá Blunt cũng nghe đấy.
– Thiếu tá Blunt hình như đã nghĩ rằng khi đó ông chính là người đã nói chuyện với ông Ackroyd đấy, ông Raymond ạ – Poirot nhấn mạnh – Tôi cũng tự hỏi tại sao ông ta lại có ý nghĩ ấy? Có một nguyên nhân như thế này – Những gì ông đã nghe thấy lúc đó là: … những yêu cầu đối với tôi về vấn đề tiền là luôn luôn chậm trễ, nên tôi buộc lòng phải nói là không thể đồng ý với lời yêu cầu của ông… Ở đây có một điều đáng nghi ngờ.
– Ông Ackroyd thường hay đọc cho tôi viết những bức thư có sử dụng từ như thế – Raymond nhấn mạnh.
– Chính xác là như thế – Poirot trở lại vấn đề – Như thế thì đây là một bức thư được đọc lên. Tôi tự hỏi: một người bình thường, khi nói có dùng những lời lẽ như vậy không?
– Có lẽ là lúc đó ông Ackroyd đang đọc to một lá thư – Song, ở đây cần phải xem là ai đọc thư cho ai nghe.
– Tại sao? Không có chứng cứ nào về việc có một người nữa ở trong phòng. Đây không giống như cách ông Ackroyd đọc to lá thư cho một mình mình nghe. Nhưng hình như anh đã quên mất việc có một người rẽ qua đây vào hôm thứ tư tuần trước. Người đàn ông đó không đóng vai trò gì quan trọng, có lẽ thế. Nhưng cái công ty đã cử người đó tới đây lại gây cho tôi nhiều chú ý.
– Người đàn ông của công ty bán máy ghi âm ở Cranchester – Raymond cười.

– Đúng như vậy, tôi đã hỏi công ty này – Poirot nói thêm – Họ nói với tôi là ông Ackroyd có mua một chiếc máy ghi âm. Tôi không hiểu tại sao ông ấy lại không nói với ông. Nhưng bây giờ ông thấy đấy, vì sao những lời nói của ông Ackroyd là rất bình thường và tại sao ông thiếu tá Blunt lại cho rằng khi đó ông Ackroyd đang nói chuyện với ông. Thiếu tá Blunt không chú ý đến những lời nói ở trong phòng vì khi đó ông ta đang chú ý đến cái tạp dề của Ursula trong bụi cây.
– Nhưng ở đây có gì khác đâu chứ? – Tôi hỏi – Nếu lúc 21g30 mà đang nói vào máy ghi âm thì lúc đó ông Ackroyd vẫn đang còn sống chứ có gì phải bàn cãi nữa. Vấn đề ở đây là phải tìm ra ai là người đã nói chuyện với ông Ackroyd hay nói một cách khác là ai là kẻ đã giết ông ấy?
– Đúng thế! – Raymond đồng tình – Charles Kent vừa đi khỏi Fernly Park vào lúc đó, Ralph bỏ đi vào lúc 21 giờ 45. Nếu vô tội thì tại sao Ralph lại không ra mắt cảnh sát để cải chính nhỉ?
– Tất cả quí vị ở đây đều nghĩ như vậy phải không? – Poirot hỏi – Quí vị đều cho rằng Ralph Paton cần xuất hiện ngay phải không? Quí vị đã không tin tôi khi tôi nói là: tôi đã biết tất cả. Đúng, tôi biết rõ bất cứ chuyện gì: sự thật về cú điện thoại, dấu giày nơi cửa sổ, nơi Ralph đang trốn…
– Như vậy, anh ta đang ở đâu, ông Poirot? – Thiếu tá Blunt ngắt lời Poirot.
– Kia kìa! – Poirot chỉ ra cửa.
Tất cả mọi người cùng nhất loạt quay lại: Ralph Paton đang đứng mỉm cười ngoài cửa.
Lúc này là một thời điểm bất lợi cho tôi, giá như có một lỗ nẻ nào để tôi chui xuống thì tốt quá. Có những tiếng kêu ngạc nhiên khi Ralph đi tới bên cạnh vợ anh ta và mỉm cười. Poirot cũng cười và ông ta chỉ tay về phía tôi.

– Bác sỹ, tôi đã nói là ông đã phí công để giấu tôi mà – Ông ta nói – Tôi luôn luôn tìm ra được điều gì, dẫu ai có muốn giấu tôi. Ông có còn nhớ cuộc gặp mặt cuối cùng của chúng ta không? Tôi đã buộc tội 5 người đã nói dối tôi. Bốn người sau đó đã nói cho tôi nghe sự thật, nhưng bác sỹ Sheppard thì không. Ông đã tìm gặp đại úy Ralph Paton ngay sau khi từ Fernly Park trở về. Vốn là một người sâu sắc, ông đã nhận ra, có lẽ là hơn bất cứ một người nào khác, rằng vụ án này thế nào rồi cũng sẽ gây rắc rối cho Ralph Paton, vì ông là một người bạn của Paton, có phải thế không, bác sỹ Sheppard.
– Đúng thế – tôi buồn bã thú nhận – Tôi có thể thú nhận tất cả ngay bây giờ. Tôi có gặp Ralph vào buổi trưa hôm đó, tôi có biết về mối tình bí mật của hai người, Ralph và Ursula, và những khó khăn về tài chính mà Ralph đang gặp phải. Chính vì vậy, sau khi xảy ra cái chết của ông Ackroyd, tôi đã đi tìm Ralph ở nhà trọ. Tôi gặp anh ta ở ngoài đường và đã khuyên anh ta trốn đi vì tôi nhận thấy rằng anh ta có thể sẽ gặp nhiều phiền phức trong vụ án này.
– Và bác sỹ của chúng ta đã thắng trong việc dẫn đại úy Paton thoát khỏi vòng truy lùng của cảnh sát. Rõ ràng là cảnh sát không bao giờ nghĩ tới chuyện đi tìm Ralph trong một bệnh xá. Vậy làm sao tôi có thể tìm ra được cái bệnh xá ấy nhỉ? Tôi đã nghĩ rằng, nếu Ralph vô tội thì tại sao anh ta lại không ra trình diện với cảnh sát? Vậy có lẽ anh ta đang ở một nơi nào đó, không hề nhận được một tí thông tin nào từ bên ngoài; nơi đó chỉ có thể là chỗ điều trị các bệnh nhân bị điên mà thôi. Do đó tôi đã dựng nên câu chuyện về người anh họ bị điên của mình, và qua câu chuyện này, bà chị tốt bụng của bác sỹ đã khuyên tôi nên đưa người anh họ của mình tới một chỗ ở Cranchester, nơi bác sỹ Sheppard thường gởi những bệnh nhân mắc bệnh thần kinh tới điều trị, mà theo Caroline nói, là rất tốt. Tôi đã tới đó và tìm thấy Ralph Paton. Sau khi thuyết phục mọi người ở đó họ đã đồng ý cho anh ta trở về. Và Ralph đã về đến nhà tôi vào buổi sớm hôm nay.
Tôi mỉm cười nhớ tới người đàn ông của Caroline, người mà theo chị nói, là một chuyên gia về thuốc độc đã từ London tới đây.
– Bác sỹ Sheppard đã đối xử rất tốt với tôi, tôi xin thành thật cảm ơn bác sỹ – Ralph cảm động nói – Bác sỹ đã giúp tôi thoát khỏi mọi khó khăn. Bác sỹ đã làm tất cả những gì mà bác sỹ cho là có lợi cho tôi. Song, bây giờ tôi nhận thấy rằng đã tới lúc tôi cần phải ra mắt mọi người. Chắc các ông các bà cũng thấy đấy, trong cái bệnh xá mà tôi đã ở, không bao giờ, chúng tôi được đọc một tờ báo. Tôi không hề biết những gì đã xảy ra đối với tôi.
– Được rồi, nhưng bây giờ anh hãy nói về anh đi đã – Raymond sốt ruột đề nghị.
– Có lẽ tôi không có nhiều chuyện để nói với mọi người đâu – Ralph đáp – Tôi rời nhà nghỉ mùa hè vào lúc 21g45. Trên đường về, tôi lang thang trên đường và tự hỏi không biết sẽ phải làm gì, bởi vì chắc chắn tất cả mọi người sẽ biết rõ bí mật của tôi và Ursula; điều bí mật đó đã không còn gì là bí mật nữa; bố dượng tôi, ông Ackroyd, đã biết đều bí mật đó rồi. Tôi không biết tý gì về vụ án. Tôi cũng chẳng có quan hệ gì tới nó. Thú thật là tôi không bao giờ có đủ can đảm để làm chuyện đó; cầm dao giết ông Ackroyd – người đã nuôi nấng tôi trong nhiều năm trời. Tôi cũng xin thề với mọi người ở đây, là tôi không hề đến gần ngôi nhà của ông vào buổi tối ngày hôm đó, và tôi cũng không hề gặp ông Ackroyd sau đó để biết xem là ông ấy còn sống hay đã chết.
– Hình như vấn đề này còn tồi tệ hơn nữa đấy – Raymond buồn bã nói – Nó còn kéo dài cho tới khi rõ ràng anh không liên quan tới cái chết của ông Ackroyd. Vậy ai sẽ chứng minh được điều này?
– Đơn giản thôi, anh bạn ạ – Poirot nói – Để cứu Ralph Paton, kẻ tội phạm hãy nên thú nhận đi!
Ông ta nhìn quanh tất cả mọi người; một không khí nặng nề đè lên tất cả.

– Các ông, các bà đều thấy đấy; trong buổi họp mặt này, tôi đã chủ ý không mời ông thanh tra Raglan tới dự, bởi vì tôi không muốn nói cho ông ấy biết tất cả những gì tôi biết. Hay nói một cách khác, tôi không muốn cho ông ta biết sự thật vào buổi tối hôm nay.
Poirot ngả người về phía trước và nói bằng một giọng hết sức lạnh lùng:
– Tôi biết rằng kẻ giết ông Ackroyd hiện đang có mặt trong phòng này. Tôi muốn nói cho kẻ giết người đó biết rằng: ngày mai, ông thanh tra Raglan sẽ biết được tất cả sự thật, hiểu không?
Im lặng bao trùm lên căn phòng, không hiểu là Poirot nói với ai, một sự nghi ngờ đe dọa tất cả mọi người. Ngay lúc đó, người phục vụ của Poirot bước vào và phá tan sự im lặng đó.
Ông ta đưa cho Poirot một bức điện. Poirot cẩn thận mở bức điện ra và bình tĩnh đọc; một nụ cười nở trên môi ông ta.
– Bây giờ tôi đã thấy là tôi đúng rồi. Tôi đã biết chắc chắn rằng ai trong số các ông bà ngồi đây là kẻ đã giết ông Ackroyd – Poirot vừa vươn vai vừa nói.
– Đó là một bức điện phải không? – Raymond hỏi.
– Một bức điện gởi cho tôi từ một chiếc tàu biển trên đường đi châu Mỹ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.