Đọc truyện Vị Khách Lúc Nửa Đêm – Chương 57
Nói xong, Thịnh Thanh Nhượng cúp điện thoại, tay còn lại đưa qua hông Tông Anh, quay số trên điện thoại bàn, liên lạc phòng tuần bộ Cục Giao Thông Vận Tải.
Sau vài lần nối máy, anh trình bày rõ với người phụ trách về tình hình của chị hai, khẩn cầu đối phương hỗ trợ lưu ý, nếu có tin tức mong họ trước tiên báo cho anh.
Qua lời kể của anh, Tông Anh được biết, sáng sớm chị hai ra ngoài, nói là đi mua bánh ngọt, nhưng đến chiều tối mà vẫn chưa có tin tức gì, Thanh Huệ thấy hoảng sợ liền gọi điện thoại cho Thịnh Thanh Nhượng, nhờ anh hỗ trợ tìm kiếm.
Lẽ ra một người trưởng thành ra ngoài làm việc, dẫu về muộn cũng không có gì ghê gớm, nhưng hiện tại là thời chiến, mọi chuyện không thể đem so với ngày thường, Thanh Huệ không yên lòng và lo âu cũng không dư thừa.
Thịnh Thanh Nhượng đặt ống nghe xuống, cụp mắt đối diện với ánh nhìn của Tông Anh: “Có chuyện gì vậy?”
Tông Anh không đáp, vẫn nghiêng người ngẩng đầu nhìn anh – anh mặc đồ ngủ, đầu tóc chưa khô mà đã đi ngủ nên xoã tung mất trật tự, vừa tỉnh ngủ, trên mặt thiếu sự khách sáo duy trì khoảng cách, trái lại, thoạt nhìn càng thêm chân thật.
Thịnh Thanh Nhượng nhận ra cô đang quan sát mình, phút chốc đưa mắt sang chỗ khác, nghiêng đầu nhìn đồng hồ để bàn.
Năm giờ mười bảy phút chiều, nghĩa là anh đã ngủ trên ghế sô pha gần mười hai tiếng đồng hồ, mà Tông Anh cứ như vậy nhìn anh ngủ cả ngày.
Anh chợt thấy lúng túng, vội vàng xoay người, nói: “Tôi đi rửa mặt cái đã.”
Nhìn anh rảo bước vào phòng tắm, Tông Anh quay lại bàn ăn, nhặt quyển sách cũ đang đọc dở lên, lật tiếp hai trang, song làm thế nào cũng không có tâm trạng đọc tiếp.
Cô đi vào phòng ngủ của Thịnh Thanh Nhượng, mở tủ đầu giường, tìm bộ quần áo trước kia của mình ở vị trí cũ.
Cô vừa thay quần áo xong, Thịnh Thanh Nhượng cũng rửa mặt xong xuôi đi tới, cô cầm bộ đồ bệnh nhân tránh sang bên cạnh, không chờ anh mở miệng liền đóng cửa thay anh, đứng bên ngoài chờ.
Nắng chiều vào nhà, thật yên tĩnh.
Nếu không cần ra khỏi nhà, cũng không có chuyện bên ngoài quấy rầy, căn nhà này trái lại thật sự thanh bình, khiến lòng người bình yên.
Thịnh Thanh Nhượng còn ở đây bao lâu? Ở lại đến khi hợp đồng cho thuê hết hạn, hay ở lại đến ngày dự định rời khỏi Thượng Hải?
Anh sẽ cùng người nhà họ Thịnh rời khỏi Thượng Hải sao?
Đang nghĩ ngợi, Tông Anh nghe thấy tiếng mở cửa phòng ngủ. Cô xoay người lại, thấy anh đã chải đầu gọn gàng, quần áo sạch sẽ, tay cầm cặp tài liệu, có vẻ đang định ra ngoài.
Quả nhiên, anh nói: “Hiện tại tôi cần đến dinh thự một chuyến.
Tông Anh gật đầu, trả lời: “Ta cùng đi nhé.”
Vừa rồi thấy cô thay quần áo, Thịnh Thanh Nhượng đã đoán được cô định theo anh ra ngoài.
Cũng tốt, để cô ở đây một mình, anh cũng không yên tâm.
Tông Anh thấy anh không phản đối, cầm cốc trà trên bàn, đi tới đưa cho anh, dặn dò “Uống nước đi”, sau đó xoay người vào phòng bếp, lấy một hộp bánh bích quy trong chạn ra.
Cô cầm hộp bánh bích quy, ra cửa trước đổi giày, Thịnh Thanh Nhượng vươn tay lấy áo gió trên giá xuống.
Tông Anh mở cửa, cảm thấy phía sau có người choàng lên vai mình một tấm áo khoác, cô bước ra ngoài xoay người lại, chỉ thấy Thịnh Thanh Nhượng cúi đầu khóa cửa, không cùng cô nói thêm câu nào dư thừa.
Anh khóa cửa kỹ càng, một tay cầm cặp, tay còn lại ôm nhẹ cô mang tính tượng trưng: “Đi bên này.”
Lấy xe đạp ra từ quầy phục vụ, trong ánh mắt dò hỏi của Diệp tiên sinh, hai người ra ngoài.
Hơi nóng ban ngày sắp hết, gió đã chuyển lạnh.
Ráng chiều trải dài trùng điệp cuối chân trời, khung cảnh rực rỡ ánh vàng.
Tông Anh mặc áo gió, xắn tay áo dài lên, ngồi lên yên sau xe đạp.
Gió đêm phất qua mặt, cô mở hộp bánh bích quy, hỏi Thịnh Thanh Nhượng: “Anh có đói không? Tôi mang một hộp bánh bích quy.”
Đang đạp xe đạp, Thịnh Thanh Nhượng thả tay trái ra, duỗi về phía sau, đón lấy miếng bánh quy trong tay cô, sô cô la có nhân, ngọt ngấy.
Dạ dày sôi ùng ục được lấp đầy bằng chút đồ ăn, cuối cùng được an ủi một lát, con đường trải đầy ánh hoàng hôn phía trước dường như cũng không u ám như thế.
Tranh thủ trở lại dinh thự nhà họ Thịnh trước khi Tô Giới công cộng đóng cửa, lúc này chị dâu cả cũng vừa về.
Cửa chính để ngỏ, chú Diêu đang đỗ xe, trông thấy hai người, ông tắt máy xuống xe, hỏi: “Tam thiếu gia, sao cậu lại đến đây?”
Thịnh Thanh Nhượng đáp: “Tôi có chuyện muốn nói với với anh cả và chị dâu.”
Nói xong, anh kéo tay Tông Anh, đi thẳng vào dinh thự.
Mặt trời lặn xuống, lá ngô đồng trong sân rụng lả tả, lại bị gió kẹp lấy, cuốn về phía trước, cuối cùng bị chặn ngoài bậu cửa căn nhà.
Trong phòng khách chỉ thắp một chiếc đèn, hầu như tất cả mọi người đều ở đây, chỉ không thấy chị hai.
Đám trẻ con hướng đôi mắt trông mong về phía phòng bếp, hy vọng có thể mau chóng được ăn cơm tối, nhưng vì mọi người chưa tới đông đủ, không có người bày đồ ăn ra bàn.
Lúc Thịnh Thanh Nhượng và Tông Anh đi vào, người giúp việc từ phòng bếp đi ra, hỏi chị dâu cả: “Phu nhân, có thể ăn cơm chưa?”
Chị dâu cả vừa về liền nghe Thanh Huệ kể về chuyện chị hai, ít nhiều có chút lo lắng, chị nói với người giúp việc: “Không, chờ một lát.”
Nói xong, chị quay sang bảo Thịnh Thanh Nhượng và Tông Anh: “Hai đứa cũng tới à? Ngồi đi.”
Thịnh Thanh Nhượng đáp lời, sau đó kéo ra một cái ghế, mời Tông Anh ngồi xuống.
Chị dâu cả lại dặn người giúp việc: “Bữa tối chuẩn bị nhiều một chút.”
Người giúp việc nghe lời quay lại phòng bếp, Thịnh Thanh Nhượng lấy một túi da bò đựng tài liệu ra khỏi cặp, đưa cho chị dâu cả, nói: “Đều ở bên trong, chị kiểm tra đi.”
Trong túi tài liệu gồm có giấy thông hành cần thiết để rời khỏi Thượng Hải, vé tàu xe – Thịnh Thanh Nhượng đã thay họ lo liệu ổn thỏa toàn bộ.
Ngoại trừ nói cảm ơn, chị dâu cả cũng không biết phải nói gì, gia đình này nợ anh, trong một sớm một chiều không thể trả hết, sau cùng chị chỉ nói thêm một câu: “Làm phiền chú.”
Nói xong, chị nhìn ra ngoài cửa, nói như thở dài: “Thanh Bình vẫn chưa về.”
Sắc trời mỗi lúc một trầm, cửa chính vẫn để mở, nhưng trước sau không thấy bóng người.
Chồng chị hai đứng ngồi không yên, nói; “Nhất định cô ấy đến đường Hà Phi mua bánh ngọt, lại bị Diêu phu nhân kéo đi đánh mạt chược, để em đi tìm cô ấy về!” Nói dứt lời, áo khoác cũng không kịp mặc, anh ta tìm chiếc xe đạp rồi lao nhanh ra ngoài.
Thanh Huệ ngồi trên ghế sô pha, mượn ánh sáng âm u đọc sách, nhưng thật ra đã sớm không đọc được chữ nào.
Chị dâu cả quay đầu hỏi bà vú: “Sau này A Huy có dùng cơm không?”
Bà vú mặt ủ mày chau lắc đầu: “Cậu ấy nói không đói bụng, nhất quyết chờ mẹ về mới ăn.”
Nghe vậy, anh cả ngồi trên xe lăn lên tiếng: “Sao lại cho phép một đứa bé càn quấy như vậy, nó nói không ăn thì không ăn, chẳng lẽ định chết đói hay sao? Gọi nó xuống ăn cơm.”
Bà vú tỏ vẻ khó xử, chị dâu cả nói: “Múc bát canh mang lên phòng cho thằng bé đi.”
Những đứa bé khác vừa nghe A Huy được ăn cơm tối thì càng thấy đói, nhưng chị dâu cả không lên tiếng, chúng đành phải mượn đèn hành lang nhìn gió cuốn lá rụng ngoài nhà, nghe tiếng côn trùng mùa thu kêu.
Trời tối hẳn, chị hai, chồng chị hai đều chưa trở về, trong nhà, ngay cả tiếng nói chuyện cẩn thận cũng ngừng lại.
Cuối cùng đám trẻ con đói bụng đến nỗi mặt mày ỉu xìu, chị dâu cả mới nói: “Để lũ trẻ ăn trước đi, chúng ta chờ Thanh Bình về rồi nói tiếp.”
Tông Anh ngồi cạnh Thịnh Thanh Nhượng, buồn ngủ, nghe thấy tiếng chị dâu cả nói, cô bỗng bừng tỉnh, lấy hộp thuốc trong túi, đổ liều lượng một lần ra, đang định nuốt chửng, Thịnh Thanh Nhượng chợt đưa tay ngăn lại: “Cô chờ một lát, tôi rót cho cô cốc nước.”
Anh đứng dậy đi rót nước, còn chưa đến phòng bếp, điện thoại trong nhà chợt đổ chuông.
Người giúp việc vội vàng chạy tới bắt máy, nghe được hai câu, mờ mịt quay đầu, nói với Thịnh Thanh Nhượng: “Người nước ngoài gọi tới, tôi không nghe rõ.”
Người trong nhà bỗng sửng sốt, Thịnh Thanh Nhượng nói: “Có lẽ là phòng tuần bộ Tô Giới.”
Anh rảo bước đi tới, đón lấy ống nghe từ tay người giúp việc, đầu dây bên kia vừa nghe thấy giọng anh, lấy làm tiếc nói: “l’m so sorry.”
Một chậu nước lạnh giội xuống, từ đầu đến chân, cơn rùng mình chạy dọc sống lưng.
Người ở đầu dây bên kia chậm rãi suy đoán quá trình câu chuyện, kể kết quả sự việc, nói hiện tại nên làm những gì, Thịnh Thanh Nhượng vẫn nghe anh ta nói, từ đầu đến cuối chỉ đáp ít ỏi vài câu.
Mọi người nín thở chờ kết quả từ anh.
“Cạch”, Thịnh Thanh Nhượng đặt ống nghe xuống, im lặng một lát, chậm rãi xoay người lại.
Căn phòng vô cùng im lặng, đồng hồ để bàn trong phòng khách thủng thẳng đổ tám hồi chuông.
“Keng, keng, keng, keng, keng, keng, keng, keng.”
“Chị hai đi rồi.” Anh nói.
Thanh Huệ giật mình; chị dâu cả vô thức hé miệng, muốn hỏi điều gì đó song nhất thời không biết nên mở lời thế nào; Tông Anh cầm một viên thuốc, im lặng nhìn về phía anh.
Thịnh Thanh Nhượng nói: “Hôm nay ở cầu Bãi Rác mới xảy ra xung đột bắn nhau quy mô nhỏ, ngộ thương chị hai, lúc đưa đi cấp cứu đã muộn.”
Anh cả tức giận vỗ xe lăn hỏi ngược lại: “Con bé mua bánh ga tô, sao lại chạy tới tận cầu Bãi Rác mới? Rốt cuộc nó định làm gì?!”
Ông mắng đứt hơi khản tiếng, mắt đỏ ngầu, lũ trẻ ngẩn người vì sợ, phòng khách im lặng như chết, ngay cả người giúp việc vào đưa cơm tối cũng không dám tiến lên phía trước một bước.
Thanh Huệ siết chặt quyển sách, chị dâu cả buông thõng hai vai thở dài, Tông Anh nhìn cửa lớn tối như mực.
Không còn ai lên giọng cả ngày giáo huấn cái này, quản giáo cái kia.
Một người buổi sáng còn tranh chấp với chị dâu cả, nhanh mồm nhanh miệng nói chuyện, ra khỏi cánh cửa kia, tựa như con thuyền cô độc vào đại dương mênh mông, lặng yên lật mình trong cơn sóng gió, hiện tại chỉ còn một màu trắng xóa.
Trong chớp mắt, nói đi là đi.
Những nơi chiến tranh đi qua, thô bạo lạnh lùng đến đáng sợ.
Thanh Huệ đột nhiên khóc lên thất thanh, đứa bé nhỏ tuổi cũng oà khóc.
Trong lúc cảm xúc của người trong nhà vỡ oà, Thịnh Thanh Nhượng lại chỉ có thể bình tĩnh đi về phía Tông Anh, cầm lấy cặp tài liệu trên bàn, nói với chị dâu cả: “Em sẽ đến phòng tuần bộ ngay bây giờ.”
Tông Anh đi cùng anh, anh xoay người lại, ghé sát tai cô nói: “Sắp tới giờ giới nghiêm ban đêm, bên ngoài nguy hiểm lắm, cô có muốn ở lại dinh thự không?”
Tông Anh lắc đầu: “Anh đi đâu, tôi đi theo đó.”
Anh nhìn trực diện vào mắt Tông Anh, không nói hai lời, lập tức nắm chặt tay cô, xoay người dẫn cô ra ngoài.
Chú Diêu lái xe đưa họ đến phòng tuần bộ Tô Giới, sau đó quay xe đến bệnh viện, cuối cùng tìm thấy chị hai ở nhà xác.
Tông Anh còn nhớ dáng vẻ diễu võ dương oai của chị ta, nhưng hiện tại ví da đã mất, đồ trang sức đắt tiền trên người cũng chẳng biết đi đâu, mái tóc uốn ôm sát thái dương được là gọn gàng, khuôn mặt trắng bệch, một vết máu loang khắp phần eo chiếc sườn xám xanh sẫm.
Thịnh Thanh Nhượng im lặng, Tông Anh thở dài.
Thịnh Thanh Nhượng làm thủ tục xong xuôi, lúc chuẩn bị về dinh thự cũng đã gần mười giờ tối.
Chỉ vài phút nữa thôi, anh sẽ phải rời khỏi thời đại này, chuyện hôm nay chắc chắn không kịp lo liệu xong.
Lúc này Tông Anh ngồi vào xe, nhìn đồng hồ, ngẩng đầu nói với anh: “Tôi đưa chị hai về dinh thự, anh cứ đi làm việc đi.”
Chú Diêu khó hiểu hỏi: “Tam thiếu gia, sáng rồi mà cậu vẫn còn chuyện gì cần làm sao?”
Tông Anh thay anh bịa cớ: “Hẳn là việc gấp bên Cục Giao Thông Vận Tải, sáng mai có thể trở về chứ?” Cô nói, đoạn nhìn về phía Thịnh Thanh Nhượng, ngụ ý là “Hiện tại anh đi đi, sáng mai về dinh thự”.
Không đợi Thịnh Thanh Nhượng trả lời, cô nhét nửa hộp bánh bích quy còn sót lại cho anh, quyết đoán đóng cửa xe, nói với chú Diêu: “Đi thôi.”
Thịnh Thanh Nhượng đứng tại chỗ nhìn chiếc xe đi xa, Tông Anh xoay người vén rèm nhìn anh, đến mười giờ – anh biến mất trên đường phố mờ tối.
Ô tô đi xuyên màn đêm, Tông Anh nhìn ngã tư đường không một bóng người, lồng ngực dường như cũng trống rỗng.
Thời chiến, ngay cả việc tang cũng giản lược, đăng cáo phó trên báo chí, gọi người nhà tụ tập lại, đơn giản tiễn đưa một người.
Chị hai gặp phải chuyện ngoài ý muốn, trái lại củng cố quyết tâm rời khỏi Thượng Hải của cả nhà.
Thanh Huệ không tiếp tục cố chấp ở lại Thượng Hải, đồng ý đi theo anh cả chị dâu vào mạn trong, chồng chị hai đưa A Huy đi thuyền đến Hồng Kông, chỉ còn Thịnh Thanh Nhượng vẫn ở lại Thượng Hải.
Đến ngày khởi hành, phòng khách trong nhà để đầy hành lý.
Mọi người bận này bận kia, chỉ có Thanh Huệ buồn rầu đứng trước cửa, chờ người của tiệm chụp ảnh đến.
Cô luôn thích chụp ảnh, lúc này phải rời khỏi Thượng Hải, cô muốn để lại một kỷ niệm.
Ngay khi cô đang bần thần, chợt có chiếc xe jeep dừng trước cửa lớn, một thanh niên mặc quân phục xuống xe, sải bước đi về phía toà nhà.
Sau một hồi, Thanh Huệ mới kịp phản ứng, khó tin hô: “Anh tư!”
Cô cũng không đặc biệt thích lão Tứ, nhưng hiện tại gặp thân nhân từ tiền tuyến trở về, cảm giác may mắn và cảm kích khó hiểu dâng trào trong lòng.
Lão Tứ trông thật nhếch nhác, trên mặt có vết thương, không biết anh ta từ đâu chạy đến.
Đi đến cửa, anh ta cụp mắt liếc Thanh Huệ một cái: “Đồ lùn.” Nói xong phủi bụi trên người, trong lúc Thanh Huệ truy vấn “sao anh lại về, anh đọc báo rồi phải không”, anh ta thuận miệng đáp: “Về báo cáo, thuận đường sang đây xem một cái, lập tức đi ngay.”
Anh ta nói, đoạn lướt qua Thanh Huệ, nhìn va li hành lý trong phòng: “Sắp đi à?”
Thanh Huệ trả lời không mấy vui vẻ “Vâng”.
Lão Tứ cũng không thèm để ý vẻ đau khổ trong giọng cô, anh đi đến trước tấm ảnh gia đình treo trên tường phòng khách, cởi mũ quân đội ra.
Thanh Huệ nói: “Chị hai mất rồi.”
Lão Tứ im lặng, nhớ lại dáng vẻ ngày xưa của chị hai khi chế giễu anh ta đến dây giày cũng không biết buộc, lại đội mũ lên, chỉnh móc gài, nói: “Chị ấy không còn cơ hội cười nhạo anh nữa.”
Bầu không khí ngưng trệ, bên ngoài người giúp việc hô: “Ngũ tiểu thư, thợ chụp ảnh đến!”
Thanh Huệ xoay người ra ngoài, người kia hỏi muốn chụp ở đâu, chụp như thế nào, Thanh Huệ đều giải thích thỏa đáng rồi tự mình đi gọi người trong nhà ra chụp ảnh.
Từ lớn đến nhỏ, chồng chị hai, chị dâu cả, anh cả, lão Tứ và cả Thịnh Thanh Nhượng, Tông Anh đang nói chuyện trên tầng hai.
Thanh Huệ sắp xếp vị trí, cô nói “anh ba đứng ở chính giữa đi”, không ai dị nghị câu nào.
Cô định gọi Tông Anh đứng cạnh Thịnh Thanh Nhượng, Tông Anh lại trốn tránh, nói: “Mọi người chụp đi, tôi không tham gia thì hơn.”
Nói xong, cô lùi về phía sau vài bước, hình ảnh quen thuộc trước mắt khiến cô không kìm được siết chặt tay – bức ảnh này chính là một trong hai tấm ảnh chụp cả gia đình mà cô trông thấy trong di động của Thịnh Thu Thật.
Lúc đó, cô chỉ biết đây là ảnh gia đình, lại không biết nó là ảnh chụp lưu lại làm kỷ niệm trước khi người một nhà đường ai nấy đi.
Lúc này, cô rốt cuộc biết vì sao lại có tấm ảnh chung kia, hiểu vì sao Thịnh Thanh Nhượng lại đứng ở chính giữa, cũng hiểu vì sao trong tấm ảnh kia không thấy bóng dáng chị hai.
Thời chiến, mỗi lần phân ly đều có thể trở thành vĩnh biệt.
Mà tấm ảnh gia đình trước mắt này, có lẽ là tấm ảnh chung với người thân cuối cùng trong đời những con người này.