Đọc truyện Vị Khách Lúc Nửa Đêm – Chương 50
Sau câu này là khoảng giấy trống, Tông
Anh cúi xuống, nhanh chóng lật mấy trang tiếp theo, toàn bộ đều là giấy
trắng kẻ ngang, không có chữ nào.Tay cô khựng lại, nghe Thịnh
Thanh Nhượng nói: “Tôi đã xem qua, các trang sau không có nội dung gì
cả, dường như bắt đầu từ ngày đó, quyển sổ ghi chép công việc này đã bị
vứt bỏ ”
Nuốt sống lương tâm, cuốn sổ ghi chép bị vứt bỏ…
Liên hệ với manh mối để lộ qua phong thư nặc danh được gửi đến trước đó, đủ
để loại trừ khả năng Nghiêm Mạn tự sát, hơn nữa cơ bản có thể xác định
lúc vụ tai nạn xảy ra, Hình Học Nghĩa cũng có mặt tại hiện trường.
Ông ta giữ im lặng xuất phát động cơ gì, tại sao lại tự trách? Ở hiện trường có ai khác không?
Suy đoán lần lượt rõ ràng, nhưng vẫn thiếu chứng cứ.
Tông Anh đặt quyển sổ ghi chép công việc xuống, đứng thẳng dậy, nhìn về phía màn hình tivi.
Tin thời sự buổi đêm kết thúc, quảng cáo dầu gội đầu xuất hiện, Thịnh Thanh Nhượng vẫn ngồi trên ghế sô pha, ngẩng đầu nhìn bóng lưng cô, nói:
“Biệt thự của Hình Học Nghĩa cháy, nếu có người cố ý làm thế, vậy chỉ có một khả năng – họ không tìm được vật cần tìm, vì chột dạ mới phóng hỏa
thiêu cháy toàn bộ.”
Chứng cứ mấu chốt, hoặc đã hóa thành tro bụi, hoặc căn bản không ở đó.
Tông Anh chau mày, lại nghe anh nói: “Truy tìm sự thật của nhiều năm trước,
có tiến triển đã rất khó, gặp trở ngại là chuyện thường, đừng quá buồn
phiền, tôi sẽ tìm cùng cô, việc phải làm bây giờ là nghỉ ngơi cho khoẻ.”
Nói xong Thịnh Thanh Nhượng đứng dậy, lấy hộp sữa trong tủ lạnh ra, rót một cốc, bỏ vào lò vi sóng hâm nóng, lấy ra đặt trên bàn trà: “Uống hết rồi đi ngủ sớm đi.”
Anh thu tay lại, Tông Anh đưa mắt nhìn đôi tay quấn băng rồi lại nhìn mặt hắn, đáp một tiếng: “Ừ.”
Nghe được lời hồi đáp của cô, Thịnh Thanh Nhượng xoay người, đứng tại chỗ mấy giây, rốt cục vẫn lên gác.
Đóng cửa phòng, anh mở cặp sắp xếp lại tài liệu, nghe thấy tầng dưới lần
lượt truyền đến tiếng bước chân, tiếng nước chảy trong khi rửa cốc,
tiếng tắt đèn, tiếng đóng cửa… Cuối cùng lặng ngắt như tờ.
Ngọn
đèn nhỏ trên bàn lặng lẽ toả sáng, cửa sổ phía Bắc kề sát tán lá ngô
đồng, bóng đêm yên tĩnh lại đẹp đẽ – phút giây hòa bình ngắn ngủi.
Sáng hôm sau, tại năm 1937, Thượng Hải lại đổ mưa.
Thịnh Thanh Nhượng tiếp tục ở lại thư phòng làm việc, Tông Anh kiểm tra cho A Cửu ngoài phòng khách, Thịnh Thanh Huệ và A Lai nấu cháo trong bếp.
Thanh Huệ vừa làm việc vừa hỏi: “Tông tiểu thư, hai hôm nay chị đi đâu vậy? Em còn tưởng chị không quay lại nữa.”
Tông Anh tháo ống nghe bệnh ra, đáp: “Tôi đi gặp một người bạn để xử lý một số chuyện, làm xong rồi về.”
Nửa tiếng trước, Thịnh Thanh Nhượng xuống lầu, định rời khỏi chung cư, lại
thấy Tông Anh đã sớm chuẩn bị xong xuôi, chờ anh ở phòng khách.
Lý do cô đưa ra rất đầy đủ, cô đã chẩn đoán và chữa viêm phổi cho A Cửu,
có đầu thì phải có đuôi, cô phải hoàn thành nốt phần cuối cùng.
Vì thế, cả hai cùng trở lại năm 1937.
Sáu giờ ba mươi chín phút, trong thư phòng vọng ra có tiếng máy đánh chữ có tiết tấu, Thanh Huệ lại hỏi Tông Anh: “Vậy hiện tại chị định ở lại
Thượng Hải hay ra nước ngoài?”
Tông Anh đặt đứa bé vào nôi, đứng thẳng lên trả lời cô: “Hiện tại tôi vẫn chưa xác định.”
Thanh Huệ không hỏi nữa, đưa bát đũa đã rửa sạch cho A Lai, bảo cậu bé đi bày bàn ăn.
A Lai dọn đồ ăn xong, Thanh Huệ bưng nồi cháo ra, nhìn thư phòng, gọi: “Anh ba, ăn sáng thôi.”
Câu trả lời vọng ra từ thư phòng lại là: “Mọi người cứ ăn trước đi, không cần để ý đến anh.”
Thanh Huệ liền gọi Tông Anh cùng ngồi xuống, đồng thời cảm ơn cô vì đã mang
túi gạo và chút đồ hộp đến: “A Cửu ngã bệnh, trong nhà thiếu lương thực, nếu không có chị hỗ trợ, em chắc chắn không xoay sở được. Đúng là đưa
than sưởi ấm trong ngày tuyết rơi, cám ơn chị, Tông tiểu thư.”
Tông Anh nói: “Không cần cám ơn tôi, đều là Thịnh tiên sinh chuẩn bị.”
Nghe cô nói vậy, Thanh Huệ lại nhìn thư phòng, hạ giọng nói: “Nhà máy nhất
định phải di dời, anh ba sẽ bận rộn hơn, đêm cũng không về nhà, không
biết anh ấy có nghỉ ngời tử tế không, hôm nay trời mưa to, không biết
chừng có thể ở nhà nghỉ ngơi một chút.”
Tông Anh tiếp lời “Chỉ mong là thế” rồi không nói thêm nữa.
Trên bàn ăn bát đũa lên xuống, ngoài phòng mưa rơi tầm tã.
Hạ thu luân chuyển, gió to mưa lớn, chiến sự ở Thượng Hải vẫn đang tiếp
diễn, tiếng máy bay chiến đấu ù ù trên đỉnh đầu chỉ ngừng nghỉ tạm thời…
Tầng mây dày đặc bao phủ tiết trời mưa to, không có lợi cho việc bay trên không.
Hiếm khi có một ngày yên bình như hôm nay, A Cửu uống sữa xong, ngoan ngoãn
chìm vào giấc ngủ, Thanh Huệ và A Lai bận bịu việc nhà, cửa thông ra ban công để ngỏ, gió sớm mang theo những hạt mưa chạm vào rèm cửa sổ, căn
nhà tràn đầy hơi ẩm, máy quay đĩa lâu ngày không sử dụng lại cất lên
khúc hát Thập Lý Dương Trường: “So Tô Hàng với thiên đường, Tô Hàng hiện tại cũng bình thường, Thượng Hải giờ mới là thiên đường…”
Trong
khoảnh sân hiu quạnh vọng đến đôi ba tiếng chim hót, tầng dưới, phu nhân nhà nào đó cao giọng trách móc người nhà lãng phí gas, cửa sổ khách sạn đằng xa lấp loáng ánh đèn, trên đường cái, xe hơi chạy như bay qua vũng nước khiến chúng văng tung toé.
Không khí bị cơn mưa gột sạch, mùi khói thuốc súng thoang thoảng còn sót lại cũng tan biến.
Trong mưa, hết thảy đều thanh nhàn như trước lúc chiến tranh.
Thanh Huệ rửa bát, hâm lại chỗ cháo còn thừa trong nồi, múc một bát đưa cho Tông Anh, kèm theo một ánh mắt đầy ẩn ý.
Tông Anh hiểu ý, cầm bát đứng dậy, đưa đến thư phòng.
Thịnh Thanh Nhượng vẫn chưa làm xong việc, Tông Anh để bát cháo vào tay anh,
anh ngẩng đầu lên nói “cảm ơn”, lại nói: “Nếu buồn ngủ, cô cứ ngủ một
lát đi.”
Tông Anh đáp: “Tôi không buồn ngủ.”
Anh liền quay đầu chỉ chiếc ghế mây cạnh giá sách, nói: “Vậy cô cứ tùy ý ngồi.”
Tông Anh quay đầu lại nhìn chiếc ghế, nhưng không định ngồi xuống, trái lại đi đến trước giá sách, định tìm một quyển để đọc.
Trên giá sách hầu như đều là sách về chuyên ngành luật, lướt tay qua các
quyển sách, Tông Anh thấy quyển “Luận Tư Bản” do Ngô Bán Nông dịch, nơi
xuất bản là Nhà in Thương Vụ Thượng Hải.
Cô còn nhớ rõ đơn xin
tăng kinh phí cho dự án di dời nhà máy lùi sâu vào đất liền mà mấy ngày
trước Thịnh Thanh Nhượng cầm trên tay, Nhà in Thương Vụ Thượng Hải cũng
nằm trong danh sách di dời.
Nếu cô nhớ không nhầm, nhà in này là
biểu tượng, đồng thời đi đầu nền xuất bản sách của Trung quốc thời hiện
đại, kinh qua mưa gió thời chiến, lúc chuyển về Thượng Hải đã là năm
1946, mà hiện tại mới là năm 1937.
Những năm tháng gian khổ sắp tới, Thịnh Thanh Nhượng có kế hoạch gì cho bản thân không?
Tiếng máy đánh chữ tốt cuộc chấm dứt, Thịnh Thanh Nhượng sắp xếp lại văn kiện trong tay, Tông Anh cầm “Báo cáo của đoàn luật sư Thượng Hải” mấy năm
trước lên xem, trong đó có một bài “Mức phí chung tạm thời của luật sư
Thượng Hải” tiến hành hạn định mức phí cao nhất mà luật sư được phép
thu, kể cả phí cố vấn, phí duyệt hồ sơ, phí ra toà của các loại vụ án
khác nhau… Lúc Tông Anh đọc đến đoạn “mục tiêu tố tụng từ 5 vạn trở lên, phiên thẩm vấn đầu tiên và phiên thứ hai thu ba phần trăm…”, Thịnh
Thanh Nhượng cất văn kiện vào cặp tài liệu, trong phòng vang lên tiếng
cài khoá vào chốt – “cách”.
Thịnh Thanh Nhượng quay đầu nhìn cô, dưới ánh nhìn của anh, Tông Anh gập sách lại, cất về chỗ cũ.
Cô chợt nhận ra mình hiểu rất ít về Thịnh Thanh Nhượng, anh biết sinh nhật của cô, biết rõ vấn đề khó khăn mà cô phải đối mặt, thậm chí biết rõ
quá khứ của mẹ cô… Mà hiểu biết của cô về anh lại hết sức mơ hồ.
Tông Anh chỉ biết thân thế của anh không được như ý, gia đình không hòa
thuận, hiện tại mỗi ngày tốn rất nhiều thời gian vào việc di dời nhà máy lùi sâu vào đất liền, về phần thái độ với cuộc sống hiện tại, với kế
hoạch trong tương lai, Tông Anh hoàn toàn không biết.
Anh không chủ động kể, cô cũng không dò hỏi.
Tiếng mưa rơi bên ngoài càng lúc càng ồn ã, Tông Anh ma xui quỷ khiến hỏi:
“Trước khi chiến tranh xảy ra, anh cũng phải bận rộn cả ngày như vậy
sao?”
“Cũng bận, chỉ là nội dung công việc khác mà thôi.” Thịnh
Thanh Nhượng cũng không phản cảm với câu hỏi của cô, trái lại hình như
anh rất thích được trao đổi cùng cô về cuộc sống của mình: “Lúc đó phải
tham gia rất nhiều tiệc xã giao của giới giáo dục và giới kinh doanh,
nghiệp vụ cũng nhiều; hiện tại quốc nạn phủ đầu, thiếu nhiều cuộc xã
giao không cần thiết, nghiệp vụ cũng giảm, trong hai tháng qua, trừ hội
nghị thường kỳ của cục Giao Thông Vận Tải, tôi chỉ cần bận việc bên Uỷ
Ban di dời.”
“Sau đây thì sao?” Tông Anh hỏi, “Sau khi chấm dứt việc di dời nhà máy lùi sâu vào đất liền, anh có dự định gì không?”
Trong lòng hai người đều biết rõ, đợi đến tháng 11, Thượng Hải thất thủ, Tô
Giới cũng trở thành đảo biệt lập, đến lúc đó, đi con đường nào, nhất
định là vấn đề phải cân nhắc kỹ lưỡng…
Tiếp tục ở lại Thượng Hải hay đi nơi khác?
Vấn đề cô đưa ra, chỉ có tiếng mưa rơi đáp lại.
Ánh mặt trời ảm đảm chiếu qua cửa sổ, trải lên sàn nhà, bát cháo trên bàn đọc sách đã nguội.
Im lặng hồi lâu, Tông Anh hít một hơi ngắn, lại hỏi: “Anh Thịnh, anh có
từng nghĩ thứ gì thúc đẩy anh đi qua đi lại giữa hai thời đại mỗi ngày
không?”
Thịnh Thanh Nhượng hiển nhiên cũng nghiêm túc suy nghĩ,
anh mím môi ngẫm nghĩ vài giây, nói: “Ngày 12 tháng 7, tức ngày đầu tiên tôi đến thời đại của cô, hôm đó không có gì khác ngày thường, trừ một
chuyện.”
“Là chuyện gì?”
“Hôm đó đèn hành lang hỏng, tôi thay chiếc đèn khác.”
“Đèn hành lang?”
“Đúng.”
Tông Anh nhớ tới chiếc đèn kia, lần đầu tiên đến chung cư 699 năm 1937, cô
liền nhận ra nó, lúc ấy Thịnh Thanh Nhượng nói với cô: “Chiếc đèn này
chiếu sáng con đường của tôi, đồng thời chiếu sáng con đường của Tông
tiểu thư, âu cũng là duyên phận hiếm có.”
Vậy nên chiếc đèn chiếu
sáng con đường của cả anh và cô này, trải qua những thay đổi của năm
tháng, thay bóng đèn mấy lần, nhưng trước sau vẫn vững vàng treo ở đó,
bí ẩn nằm trong nó sao?
“Ý anh là, chiếc đèn kia khiến anh xuyên qua hai thời đại?”
“Tôi không chắc lắm.”
“Chiếc đèn kia có xuất xứ từ đâu?”
“Tôi mua nó trong cửa hàng của một người Do Thái, xuất xứ cụ thể thì tôi không rõ lắm.”
“Nếu thay nó thì thế nào?” Dây thần kinh Tông Anh căng lên như dây đàn.
“Tôi đã thử rồi.” Anh bình thản nói, “Nhưng hết thảy vẫn như cũ, tôi vẫn đến thời đại của cô.”
Trong phút chốc, trái tim chợt nhảy lên cao của Tông Anh lại rơi về vị trí cũ.
Cô thong thả bước đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài, rồi quay về, bầu trời bổ
xuống một tia chớp khoa trương, ngay sau đó là tiếng sấm đinh tai nhức
óc.
Chờ tất cả ngừng lại, Tông Anh quay đầu nhìn về phía Thịnh
Thanh Nhượng, chậm rãi hỏi: “Mặc dù không thể xác định rốt cuộc vì sao
chuyện này bắt đầu, nhưng anh có từng nghĩ đến chuyện, một ngày nào đó,
việc đi xuyên không gian này sẽ đột nhiên kết thúc?”
Không còn đi
qua đi lại giữa hai thời đại, triệt để chấm dứt liên hệ với tương lai,
vĩnh viễn ở lại năm 1937, tuân theo quỹ đạo nên có của thời đại mà tiếp
tục tiến về phía trước.
Thịnh Thanh Nhượng cũng nghĩ tới, nhưng anh không cách nào trả lời.
Thoáng chốc, điện thoại đổ chuông, Thanh Huệ ôm đứa bé ở bên ngoài gọi vọng vào: “Anh ba, chắc là điện thoại của anh đấy.”
Thịnh Thanh Nhượng vội đứng dậy nghe điện thoại, theo đó, cuộc nói chuyện cũng bị bỏ giở giữa chừng.
Sau khi nghe điện thoại xong, anh trở lại thư phòng, chỉ nói lời từ biệt:
“Tôi cần đến nhà máy kiểm tra đối chiếu một số khoản, xin cô yên tâm,
tôi nhất định sẽ về trước mười giờ.” Anh xách cặp tài liệu lên, thậm chí còn tâm lý nói với cô: “Nếu thấy sách ở giá bên này quá tẻ nhạt, cô có
thể cầm sách ở giá bên kia, bên đó thú vị hơn.”
Tông Anh còn chưa
bừng tỉnh hoàn toàn sau đề tài vừa rồi, đối mặt với từ biệt, cô không
nói gì, chỉ lấy mấy viên sô cô la đen bọc giấy thiếc trong túi ra, tiến
lên một bước, mở cặp tài liệu của anh ra rồi nhét vào.
Thịnh Thanh Nhượng ra khỏi nhà, mưa nặng hạt hơn.
Mây đen phô bày bộ mặt dữ tợn, cuồn cuộn lao đến từ phía chân trời, toàn bộ Thượng Hải bị ngâm trong mưa.
Bốn tiếng sau, Thanh Huệ nhận được một cú điện thoại – người gọi tới là chị dâu cả ở dinh thự nhà họ Thịnh.
Tại thời khắc Thân Thành hết sức bấp bênh, chị dâu cả dẫn con cái từ nhà mẹ đẻ ở Giang Tô về Thượng Hải để chăm sóc anh cả, người mất đi hai chân
trong cuộc oanh tạc, đồng thời bảo toàn gia đình này.
Cô cũng lo cho Thanh Huệ nên mới gọi cú điện thoại này, bảo Thanh Huệ mang đứa bé về nhà.
Trong điện thoại, Thanh Huệ phản bác: “Chị hai sẽ không chịu để em về đâu.”
Chị dâu cả nói: “Em tuỳ tiện đưa ra một quyết định trọng đại như vậy, con
bé đương nhiên phản đối, nhưng nói cho cùng chỉ vì sợ em không gánh nổi
trọng trách này. Tính con bé ngang ngạnh, em hết lần này tới lần khác
muốn cứng đối cứng, đối đầu với con bé, càng thêm dầu vào lửa. Thanh
Huệ, bỏ nhà ra đi không phải biện pháp giải quyết vấn đề.”
Thanh
Huệ có phần nhụt chí: “Nhưng, nhưng em đâu còn cách nào khác, chị ấy cực kỳ cố chấp! Nói muốn đoạn tuyệt quan hệ, vậy chỉ còn cách này thôi!”
Chị dâu cả: “Trước mắt quốc nạn ập xuống, người một nhà vẫn chia năm xẻ bảy, em nói xem làm vậy có đúng không?”
Thanh Huệ hoàn toàn không trả lời được, đầu dây bên kia, chị dâu cả nói tiếp: “Chị đã bảo lái xe đến đón em, thu dọn xong, em mang cả đứa bé về nữa.
Chỗ anh ba em, tối nay chị sẽ nói chuyện, về phần cô hai, em không cần
lo lắng, tin chị đi, chị vẫn có tiếng nói trong nhà này.”
Cách nói chuyện của chị dâu xưa nay luôn thong thả, đâu ra đấy, Thanh Huệ ngừng phản bác, chỉ có thể cúi đầu đáp: “Vâng ạ.”
Cô cúp điện thoại, xoay người nhìn về phía Tông Anh: “Tông tiểu thư, có lẽ em phải về nhà.”
Tông Anh có phần bất ngờ, nhưng nghe Thịnh Thanh Huệ thuật lại lời chị dâu cả nói, cô liền hiểu rõ toàn bộ câu chuyện.
Nếu lời chị dâu cả có trọng lượng trong nhà, vậy không còn nghi ngờ gì nữa, Thanh Huệ về nhà là lựa chọn ổn thỏa hơn cả – khả năng kinh tế và khả
năng sinh hoạt của cô quả thật không đủ để nuôi dưỡng hai đứa bé một
mình.
Chính Tông Anh là người mang phiền toái này đến cho Thanh Huệ, cô đương nhiên không thể phớt lờ.
Tông Anh trước tiên hỏi: “Vậy cô có bằng lòng trở về không?”
Thanh Huệ cắn môi, nhíu mày cân nhắc một lát, nỗi băn khoăn lớn nhất của cô
vẫn là sự phản đối của chị hai, chỉ cần chị dâu cả cho phép, vậy cô cũng không bài xích chuyện về nhà.
Tông Anh thấy cô gật đầu, lập tức khom người bắt đầu giúp cô thu dọn quần áo trên ghế sô pha, nói: “Được, tôi về cùng cô.”
Trời mưa không tiện cho việc đi lại, ô tô phải đi chậm.
A Lai đi tuốt đằng trước, Thanh Huệ ôm A Cửu theo sát phía sau, Tông Anh xách hai rương hành lý đi cuối cùng.
Diệp tiên sinh ở quầy phục vụ che ô cho họ, đưa từng người một lên xe.
Mưa bụi sương mù, sấm sét đứt quãng, khuôn mặt gầy gò của Thanh Huệ áp lên
cửa sổ xe, thỉnh thoảng cô lại vỗ nhẹ đứa bé trong lòng, mắt nhìn ra
ngoài.
Dưới lán che mưa của các cửa hàng ven đường, vô số dân chạy nạn cuộn mình tránh mưa – trời đã trở lạnh, những đứa bé kia vẫn mặc áo đơn, nhìn màn mưa đầy trời bằng ánh mắt mong đợi, chờ cơn mưa kéo dài
không có điểm cuối này kết thúc.
Thanh Huệ đột nhiên cảm nhận được nỗi khó chịu xưa nay chưa từng có, trong ký ức của cô, sáng mùa thu ở
Thượng Hải chưa bao giờ lạnh như thế.
Lúc đến dinh thự nhà họ Thịnh, trời đã xế chiều.
Mọi người vừa ăn xong bữa trưa không lâu, trừ đám trẻ con, không ai ngủ trưa.
Dưới cơn mưa xối xả, cây cối xanh rì rậm rạp ngoài toà nhà không tránh khỏi
suy tàn; lối vào nhà ướt sũng, trên mặt thảm là dấu chân lộn xộn, chưa
kịp lau sạch; vài chiếc ô đặt sau cửa, tạo thành một vũng nước dưới đất.
Chịu ảnh hưởng của sắc trời, phòng khách tối om, mọi người ngồi trên ghế sô
pha chờ Thanh Huệ về, bầu không khí im lặng khác thường.
Tông Anh
xách va li tới cửa, thấy Thanh Huệ chần chừ không vào nhà, mãi đến khi
người giúp việc gọi vọng vào trong: “Ngũ tiểu thư đã về.” Cô mới cất
bước vào nhà.
Lúc Thanh Huệ vào nhà, A Cửu nằm trong lòng đột
nhiên khóc to, chị hai ngồi trên sô pha trước tiên nhíu mày, chồng chị
ta thản nhiên ngồi như thể mọi việc không liên quan đến mình, anh cả
ngồi trên xe lăn ho, chỉ có chị dâu cả đứng lên, dặn bà vú cả đứng bên
cạnh: “Vú Trương, mang đứa bé đi nghỉ trước đi, chúng tôi có chuyện cần
nói.”
Bà vú nhanh chân tiến lên, định đỡ lấy đứa bé trong lòng
Thanh Huệ, Thanh Huệ do dự một lúc, sau khi nghe bà nhấn mạnh nhiều lần
rằng “Ngũ tiểu thư cứ yên tâm, cô cũng do vú một tay nuôi lớn mà”, cô
mới bằng lòng đưa đứa bé cho bà.
Chị dâu cả lại nhìn Tông Anh đang đứng ngoài cửa, khiêm tốn hỏi: “Xin hỏi cô là…?”
Không đợi Tông Anh trả lời, chị hai đã mở miệng trước: “Bác sỹ cưa chân cho anh cả.”
Chị dâu cả giật mình, nhưng lập tức nói: “Bên ngoài trời mưa, ẩm ướt quá, mời cô vào nhà.”
Tông Anh vào nhà, người giúp việc lập tức tiến lên đỡ lấy va li trong tay cô, chị dâu cả cũng mời cô ngồi xuống.
Tông Anh vẫn đứng cạnh Thanh Huệ, âm thầm nắm chặt tay cô, Thanh Huệ lấy
dũng khí nói: “Tùy tiện bỏ nhà ra đi là lỗi của em. Nhưng em đã trưởng
thành, có quyền tự đưa ra quyết định, không thương lượng đã lỗ mãng đuổi em ra khỏi nhà, thậm chí dùng lời lẽ làm nhục hai đứa bé vô tội là
không đúng.”
Chị hai thấy mũi nhọn nhắm thẳng vào mình, lập tức chỉ tay vào cô, nói: “Mày còn mạnh…”
“Thịnh Thanh Bình.” Chị dâu cả chỉ quát một tiếng, chị hai lập tức im lặng,
nén cơn tức, khoanh tay lại, khuỷu tay tì lên tay vịn ghế sô pha.
Hiển nhiên trước khi Thanh Huệ đến, chị dâu cả đã thuyết phục chị hai. Bởi
vậy, cho dù bất mãn, chị ta cũng chỉ có thể chịu đựng.
Nhưng chị
dâu cả vẫn khuyên bảo Thanh Huệ, cho chị hai một bậc thang: “Nhận nuôi
hai đứa bé không phải chuyện nhỏ, với năng lực hiện tại, em không thể
nuôi sống chúng. Rời khỏi gia đình này, rời khỏi chú ba, em vẫn chưa thể tự lập, vẫn phải dựa vào người khác, đúng không?”
Thanh Huệ hơi cúi đầu, chịu thua đáp: “Vâng.”
“Về sau mọi chuyện đều phải thương lượng với nhau, không cần vì tranh chấp
nhất thời mà gây gổ đến nông nỗi này, người một nhà phải làm sao cho ra
người một nhà.” Chị dâu cả nói, đoạn nhìn chị hai, “Cũng đừng quá hà
khắc với chú ba. Luôn bị đối xử lạnh nhạt, có thật lòng đến mấy, sớm
muộn gì cũng nguội lạnh.”
Chị hai quay mặt đi, tuy có chút không
phục vì mất mặt, nhưng không lớn lối kiêu căng như trước nữa, vì chăm
sóc con ốm, khuôn mặt chị ta gầy rộc đi, dưới ánh sáng âm u lộ ra vài
phần tiều tụy.
Chị dâu cả nói xong, bên ngoài vẫn mưa như trút nước.
Lúc này, người giúp việc vội vã cuống quít chạy xuống, giọng nói dồn dập khác thường: “A Huy thiếu gia đột nhiên sốt cao!”
Tính ra, đã sáu ngày kể từ ngày phát bệnh, sau khi đưa A Huy đến bệnh viện
chữa dịch tả, chị hai sợ thằng bé nhiễm bệnh phiền phức hơn ở bệnh viện, vừa thấy bệnh tình chuyển biến tốt đẹp liền không để ý lời can ngăn của mọi người mà đón con về nhà.
Sáng nay thoạt nhìn đã sắp khỏi,
không ngờ lúc này lại đột nhiên sốt cao, chị hai vô cùng sốt ruột, lập
tức đứng dậy chạy lên gác, lúc đi ngang qua Tông Anh, chị ta lại thỉnh
cầu: “Bác sỹ Tông, cô cùng tôi lên xem qua được không?”
Thanh Huệ
rất phản cảm với dáng vẻ đó của chị ta, nhưng mạng người quan trọng, cô
không tiện ngăn cản, chỉ có thể nhắc nhở Tông Anh: “Tông tiểu thư, chị
cẩn thận một chút.”
Tông Anh không nói hai lời lên lầu, hỏi nhiệt
độ cơ thể của A Huy, lại hỏi về tình hình khôi phục trong vài ngày qua,
chỉ kiểm tra qua một lát rồi ra ngoài rửa tay.
Lúc này, cả nhà hầu như đều lên gác, Tông Anh khom người, đứng trước vòi nước lặng lẽ rửa tay cẩn thận.
Chị hai nôn nóng hỏi: “Sao cô không nói gì?”
Tông Anh đưa tay vặn chặt vòi nước, bình tĩnh trả lời: “Người bị bệnh dịch
tả, nhất là trẻ em, trước khi khỏi hẳn sẽ trải qua một thời kỳ phản ứng, nhiệt độ cơ thể tăng cao là chuyện hết sức bình thường, sau ba ngày sẽ
tự động hạ sốt, không cần lo lắng.”
Chị hai lại truy vấn: “Thật sao?”
Tông Anh xoay người nhìn chị ta: “Tôi chắc chắn.”
Chị hai thở phào nhẹ nhõm, lập tức xoay người vào phòng, nhưng đi tới cửa
lại đột nhiên dừng bước, do dự một lúc, mất tự nhiên nói với Tông Anh
một tiếng: “Cảm ơn cô.”
Theo thói quen, mỗi lần rửa tay xong, Tông Anh đều giơ hai tay lên, nước chảy dọc theo cổ tay xuống khuỷu tay,
toàn bộ nước rơi xuống sàn nhà, cô chưa kịp đáp lại.
Lúc này, chị dâu cả cũng bước đến, đưa khăn lông cho cô.
Theo thói quen nghề nghiệp, Tông Anh không thích dùng khăn lông lau tay, nhưng cô vẫn nhận lấy chiếc khăn trong tay chị dâu cả.
Chị dâu cả đợi cô lau khô tay rồi mới lên tiếng: “Nhà tôi từ trước đến nay
là người kiêu ngạo, mất đi hai chân, nhất thời khó chấp nhận, nhưng tôi
biết đây là kết quả tốt nhất. Có lẽ anh ấy từng nói những câu khó nghe
với cô, mong cô lượng thứ. Cuối cùng, cảm ơn cô đã giữ lại mạng sống cho anh ấy.”
Tông Anh muốn đáp lại câu gì đó, song cô không am hiểu những chuyện kiểu này cho lắm.
Người giúp việc đột nhiên chạy rầm rập lên gác, nói bằng giọng vô cùng lo
lắng: “Phu nhân, nhà máy gọi điện thoại tới, nói là nhà máy ở Áp Bắc bị
đánh bom, toà nhà làm việc đằng sau nhà máy bị sập hoàn toàn!”
Chị dâu cả vô thức siết chặt tay, cố gắng nói một cách ổn định: “Hôm nay chú ba đến nhà máy phải không?”
Người giúp việc gật đầu mạnh: “Họ nói Tam thiếu gia đang ở trong tòa nhà kia!”
Đại sảnh bị một tia chớp đột nhiên bổ xuống chiếu sáng, lại trong nháy mắt âm u trở lại.
Chị dâu cả, người từ trước đến nay luôn vững vàng, lúc này đột nhiên cũng
luống cuống: “Mau gọi chú Diêu đến nhà máy xem có chuyện gì!”
Vừa dứt lời, cô thấy Tông Anh lao xuống dưới nhà.
—
Lời tác giả:
Cô bé đánh đàn nhà bên: Chú ơi, chú không được gặp chuyện không may đâu! Nếu không sẽ không có ai xem phim, mua búp bê cho cháu!
Chi phí chung hiện hành của luật sư Thượng Hải được trích từ “báo cáo đoàn luật sư Thượng Hải” kì 23 năm dân quốc 28.
Bài hát Thập Lý Dương Trường: