Đọc truyện Vị Khách Lúc Nửa Đêm – Chương 2
Lúc Tông Anh lao xuống tầng dưới, chào đón cô là màn mưa đầy trời.
Xe cứu thương hú còi lái thẳng vào toà nhà, đưa bệnh nhân tới phòng điều trị khẩn cấp. Tiếp sau đó là một đợt huyên náo, người đến người đi, toàn bộ hoà vào màn mưa và bóng đêm.
Trong tầm mắt, không thấy bóng người mặc áo sơmi trắng, cầm ô xanh đen nào cả.
Cô chạy xuống tầng dưới chỉ mất 37 giây, đối phương đã biến mất không thấy bóng dáng, Tông Anh thậm chí nghi ngờ vừa rồi là ảo giác của mình.
Mặt đất vô cùng ẩm ướt, bánh xe chạy qua kéo theo bọt nước bắn tung toé, cơn mưa đêm bất ngờ xoá đi thời tiết nóng bức, gió lạnh kèm theo hơi ẩm lấp đầy đại sảnh.
Tông Anh lùi về phía sau vài bước, lại xoay người, ngồi thụp xuống ghế dài ở lối vào, ổn định hô hấp.
Tiếng xe cứu thương bên ngoài đã ngừng, chỉ còn tiếng mưa rơi tầm tã, từng luồng không khí mới mẻ ùa vào, thế chỗ lớp khí thải tích tụ trong cơ thể.
Hơn nửa số đèn đôi bỗng vụt tắt, chỉ còn rất ít người đang đi lại ở tầng một, Tông Anh duỗi chân, khép mắt lại, hơi thở trở nên đều đặn.
Cảm giác như đi thang máy, lại như bước trên đám mây, dưới chân là khoảng không mềm mại, không ổn định, mỗi bước đi tuy mạo hiểm nhưng vẫn an toàn, tiếp tục đi về phía trước, lại đột ngột bước hụt, rơi khỏi cảnh mộng, cả trái tim dường như cũng rơi thẳng xuống đất.
Cô mở mắt ra, trái tim thoáng đập nhanh, sau đó liền bị vỗ vai một cách bất ngờ.
“Sao lại ngồi đây?” Thịnh Thu Thuật hỏi, anh vừa tham gia hội chẩn về.
“Xuống dưới hút thuốc, không cẩn thận nên ngủ gật.” Tông Anh tùy tiện tìm một lý do sứt sẹo, ngả người về phía trước, tì trán lên hai tay.
Thịnh Thu Thật nói: “Ngồi đây dễ cảm lạnh, đừng để bị sốt.” Anh đút tay vào túi áo blouse, nhìn cơn mưa nhỏ bên ngoài, nói: “Đợi mưa tạnh, cô về nhà ngủ đi, bây giờ cứ lên phòng ngồi một lát đã.”
Tông Anh không muốn nhúc nhích, nhưng đối phương rất kiên nhẫn, vẫn đứng bên cạnh chờ, đợi cô tình nguyện đứng lên mới thôi.
“Cô cả nói chuyện hơi nặng lời, nhưng tính cô ấy xưa nay vẫn vậy, cô đừng để bụng.” Đối phương tích cực khuyên bảo cô.
Tông Anh cũng không phụ nỗi khổ tâm của anh ta, lên tiếng đáp: “Ừ.”
Cô đứng dậy đi theo Thịnh Thu Thật lên tầng, đối phương lại hỏi ban ngày cô có nghỉ ngơi đầy đủ không, cô tựa vào thang máy, trả lời thành thật: “Luôn phải chuẩn bị tinh thần bị gọi đi.”
Cửa thang máy mở ra, Thịnh Thu Thật quay đầu lại nhìn Tông Anh, đột nhiên cảm thấy cô giống như một cỗ máy, một cỗ máy mặc đồng phục cơ quan quốc gia.
Đẩy cửa phòng ra, cô cả và mẹ Tông Du vẫn còn ở đó.
Đại khái vì được khuyên can và an ủi, cảm xúc của mẹ Tông Du ổn định hơn nhiều, nhưng hốc mắt vẫn ửng đỏ, đây cũng là chuyện dễ hiểu. Trông thấy Tông Anh bước vào, bà khẽ lên tiếng bằng giọng mũi nghèn nghẹn: “Tông Anh, cảm ơn con.”
Tông Anh chưa kịp trả lời, cô cả lại nói: “Sao ban nãy tự dưng lại chạy ra ngoài thế, làm cô sợ hết hồn!” Cô cả càu nhàu: “Từ bé đến lớn, lúc nào cũng vậy. Làm bất cứ chuyện gì, ít ra phải nói với người khác một câu chứ!”
Thịnh Thu Thật nhìn Tông Anh một cái, âm thầm chỉ chỉ chiếc ghế sau bàn máy tính, bảo cô qua bên đó ngồi, bản thân kéo một chiếc ghế dựa, ngồi xuống đối diện sô pha, nói chuyện với hai người nhà: “Sự cố lần này có vẻ nghiêm trọng hơn tưởng tượng, phía truyền thông đã kéo tới phòng điều trị khẩn cấp, hiện tại hai cô đã báo cho cha Tông Du chưa?”
“Cha thằng bé đang công tác ở nước ngoài, sao có thể lập tức quay lại được?” Cô cả u sầu đầy mặt, lại có phần nôn nóng: “Lũ phóng viên đúng là nhàn rỗi, không có việc gì làm, chuyện như vậy mà họ còn muốn đặt lên bàn thảo luận sao? Không biết có ảnh hưởng gì đến công ty không?”
Bên kia nhỏ giọng nói chuyện, Tông Anh lại không quá quan tâm đầu đuôi sự việc.
Cô không cẩn thận huých khuỷu tay vào con trỏ chuột, màn hình máy tính chợt sáng lên, là hệ thống PACS mà lâu rồi cô không trông thấy (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh), hơn nữa đang trong trạng thái đã đăng nhập, có quyền chọn tài liệu để đọc.
Giao diện ảnh hiển thị phim kiểm tra vùng não của Tông Du, mười hai tấm ảnh cỡ 3×4 xếp sắp theo số thứ tự, sau khi xem xét kỹ lưỡng vài tấm, cô cơ bản có thể xác nhận tình trạng tổn thương não bộ của Tông Du…
Thật may mắn, không có gì đáng ngại cả.
Tiếng mưa rơi bên ngoài nhỏ dần, Tông Anh nhắm mắt lại, chủ động bỏ qua tiếng nói chuyện trong phòng, có thể nghe rõ tiếng đồng hồ quartz chuyển động, tích tắc, tích tắc.
Nhịp tim đập nhanh dần theo tiếng thôi thúc của kim đồng hồ, cột sống gập lại khiến người ta hô hấp không thoải mái, điều này nhắc cô nhớ đến khoảnh khắc bị đưa vào thiết bị kiểm tra sáng hôm qua, cảm giác khó thở như bị giam giữ trong không gian kín mít vậy.
Cô chợt thở dài một hơi đầy khó chịu, lập tức mở mắt ra, ma xui quỷ khiến đưa tay kích mở giao diện kiểm tra một lần nữa.
Thịnh Thu Thật đột nhiên nghiêng đầu nhìn lại, hỏi cô đang xem gì vậy.
Tông Anh nhập số bệnh án vào mục sàng lọc, thuận lợi tìm ra phim chụp cộng hưởng từ vùng não của mình.
Cô đáp: “Chơi Minisweeper.”
Màn hình chỗ sáng chỗ tối, đằng sau những tấm hình nguyên thủy chưa được ký hiệu và nâng cao chất lượng kia ẩn giấu một “lời phán quyết”.
Từ những tấm phim gốc chưa bị thay đổi này, một bác sỹ lâm sàng có kinh nghiệm có thể chẩn đoán được đây là bệnh gì.
Mười phút sau, ánh mắt cố gắng tìm kiếm thông tin trên màn hình dần dần ảm đạm, cần cổ ngả về phía trước cũng từ từ rụt lại, hai vai Tông Anh rũ xuống; trong một khoảnh khắc, hô hấp của cô trở nên ngưng đọng, ngột ngạt, chán nản, nhưng cuối cùng Tông Anh vẫn tựa vào ghế, đan tay vào nhau.
Rõ ràng là mùa hạ, nhưng cơn lạnh vẫn ngấm dần vào lòng bàn chân, chạy khắp toàn thân.
Trong phút chốc, xung quanh tựa như chìm vào im lặng, thậm chí cả tiếng kim đồng hồ chuyển động cũng không còn nữa, nhưng ngay sau đó lại có tiếng ồn ào như có người phá cửa vào.
Tông Anh ngẩng đầu lên, chỉ thấy có ba người lạ mặt lao tới, giả vờ đại diện chính nghĩa giơ máy ghi âm và camera lên, hô hào muốn phỏng vấn đương sự. Cô cả và mẹ Tông Du đều có phần trở tay không kịp, Thịnh Thu Thật đứng bật dậy, lớn tiếng mời đối phương ra ngoài: “Nơi này là phòng khám, không nhận phỏng vấn.”
Người cầm máy ghi âm kia không kịp nói tên toà soạn báo của mình, mà vội vàng chạy về phía mẹ Tông Du, đi thẳng vào vấn đề: “Xin hỏi chị có phải người nhà của người chết không?”
“Chết gì mà chết! Anh nói ai chết?” Cô cả giơ tay đẩy mạnh một cái, song đối phương vẫn không thay đổi mục tiêu, nhìn thẳng mẹ Tông Du, tiếp tục ép hỏi: “Xin hỏi chị là em gái người chết Hình Học Nghĩa đúng không? Vì sao Hình Học Nghĩa lại đưa cháu trai ra khỏi nhà vào rạng sáng? Chị có biết chuyện này không?”
Những câu hỏi thăm dò đầy nghi vấn tựa như cây kim, tàn nhẫn đâm vào người nghe; như thể một loại xâm phạm thô lỗ, lạnh lùng.
Trong cơn giận dữ, cô cả cầm một một chiếc cốc trên bàn trà ném về phía đối phương: “Ra ngoài hết cho tôi!”
Tiếng máy ảnh kỹ thuật số chụp hình liên tục vang lên, Thịnh Thu Thật tiến lên ngăn cản, nhưng vẫn có người tinh mắt phát hiện ra Tông Anh đang ngồi sau bàn máy tính.
Sơ mi đồng phục màu lam nhạt vô cùng thu hút sự chú ý, người nọ trực tiếp hướng ống kính vào Tông Anh, người bên cạnh lập tức quay về phía cô đặt câu hỏi: “Xin hỏi chị có phải cảnh sát phụ trách vụ án không?”
Ngay khi đối phương chụp ảnh, Tông Anh vội quay đầu đi, cầm cuốn sổ ghi đơn thuốc trên bàn lên, che một bên sườn mặt.
Tuy cô nhíu mày từ chối trả lời, nhưng tiếng máy ảnh “tách, tách” vẫn chưa dừng lại, đủ loại chất vấn kéo nhau mà đến, Tông Anh không nghe rõ câu nào hết.
Giờ phút này, cô rất mong được yên tĩnh một lát, không bị ai quấy rầy, nhưng hết lần này đến lần khác vẫn bị kéo lên bục thẩm vấn đầy huyên náo, mỗi giây trôi qua đều là dày vò.
Một lát sau, bảo vệ mới chậm chạp đến, căn phòng một lần nữa trở nên im lặng, nhưng thêm vào đó là một đống hỗn loạn và uể oải.
Từ dáng vẻ hùng hổ vừa rồi của đối phương, Tông Anh nhận ra đây dường như không chỉ là sự cố giao thông mang tính chất đơn giản, có lẽ còn liên lụy tới rất nhiều chuyện, nhưng hiện tại cô không còn sức quan tâm nữa.
Đồng hồ chỉ ba giờ năm mươi sáu phút sáng, mưa đã tạnh, đêm đen sâu thẳm, khuôn mặt mỗi người đều toát lên vẻ mệt mỏi đến chết lặng, tê liệt ngồi một chỗ không nói lời nào.
Tông Anh lấy lại tinh thần, cố giữ suy nghĩ được tỉnh táo rồi cầm chuột, kích vào tài liệu ghi chép mình vừa đọc, chọn xoá bỏ.
Cô đứng dậy, đẩy ghế về phía sau, nói với Thịnh Thu Thật: “Tạnh mưa rồi, tôi đi trước đây, có gì gọi sau nhé.”
Thịnh Thu Thật định tiễn cô về, nhưng lúc bước tới cửa, cô quay lại nói: “Phòng khám bất cứ lúc nào cũng có thể có việc gấp, tốt hơn hết là anh cứ ở đây đi.” Nói dứt lời, theo thói quen lấy người đẩy cửa, lặng yên ra về.
Mưa đêm rả rích, mặt đất đọng nước.
Ra khỏi bệnh viện rồi rẽ trái là đường về nhà Tông Anh. Hơn bốn giờ sáng, các cửa hàng ven đường gần như đều đóng cửa hết, chỉ có cửa hàng tiện lợi mở hai tư giờ nằm chếch bên đường đối diện còn toả sáng ánh hào quang ấm áp, tựa như một chiếc hộp dự trữ đồ ăn trong suốt.
Ô tô lái qua, kéo theo tiếng nước bắn ào ào, nhanh chóng lao vút đi.
Tông Anh bước nhanh qua lối đi bộ, đẩy cửa cửa hàng tiện lợi, tiếng chuông vang lên.
“Hoan nghênh quý khách.” Cậu sinh viên làm thêm ca đêm máy móc chào đón cô, giọng nói uể oải.
Tông Anh cầm một hộp mì trên giá hàng hóa, mở tủ lạnh lấy một chai nước, lúc chuẩn bị tính tiền, lại xoay người cầm thêm một hộp mì nữa.
“13, 4 đồng.” Cậu sinh viên kia trả lời ngắn gọn.
Tông Anh sờ túi tiền, sực nhớ ra mình không mang ví, vì vậy đành phải lấy di động trả tiền, màn hình hiển thị lượng pin còn dư lại 1%, giống chủ nhân của mình, nó cũng sắp không trụ vững nổi nữa.
Nhận lấy bát mì trần nước sôi, Tông Anh ngồi xuống chiếc bàn dài màu xanh cạnh cửa sổ, ra sức thổi nguội đồ ăn.
Cô vặn mở chai nước, uống một hơi hơn nửa chai, dạ dày trống rỗng tựa như một túi nước lạnh lẽo.
Không ai vào cửa hàng, hai cậu nhân viên làm thêm bận bịu báo lại những nguyên liệu nấu ăn Quan Đông bị hỏng, một người nói “Dây khoai nưa đã hỏng hết rồi, cả thuốc này cũng phải vứt đi thôi”, người bên cạnh ghi danh sách những thứ cần vứt, làm xong hai người lại tranh nhau đẩy nhiệm vụ rửa nồi, thay nước canh mới cho đối phương.
Trong tiếng tranh chấp nho nhỏ, Tông Anh mở nắp hộp mì ra, mùi mì thơm nồng nhanh chóng bay ra.
Nước mì nóng hầm hập, tương ớt phủ đầy một tầng, Tông Anh vừa ăn vừa đổ mồ hôi, thoạt nhìn có vẻ sảng khoái, nhưng dạ dày lại bắt đầu biểu tình, nhưng cô vẫn kiên trì ăn hết hai hộp mì.
Trong lúc đó, Tiết Tuyển Thanh gọi tới một lần, màn hình di động sáng lên, dùng 1% lượng điện, cứng đầu sáng khoảng 20 giây, cuối cùng tối om, hệt như một ngôi sao vụt tắt.
Sau khi ăn no căng bụng, thân thể dường như vô tư vô lự, tất cả buồn rầu và những thứ vụn vặt đều ở biến mất sau cánh cửa thủy tinh.
Tông Anh ngồi ở cửa hàng tiện lợi hồi lâu, mãi đến khi có xe vận tải đưa cơm nắm và bánh mì mới để bán trong ngày đến, cô mới nhận ra rằng trời sắp sáng.
Trời chung quy sé sáng, người dân thành phố M cũng phải tỉnh dậy để hối hả mưu sinh, Tông Anh đứng dậy quay về nhà trọ số 699.
Nhà trọ rất gần bệnh viện, đi bộ chỉ mất hơn mười phút. Không khí mới mẻ ẩm ướt, trên đường có trẻ con mua đồ ăn sáng, có các cụ ông chuẩn bị đi ra ngoài tập thể dục buổi sáng, những sợi nắng bình thản chiếu sáng cuối ngã tư đường, cảnh phố phường trăm năm vẫn thế.
Nhà trọ số 699 xây vào năm một nghìn chín trăm ba mươi, là một toà nhà lớn có hình dáng cong cong, tổng cộng gồm bảy tầng, nằm ở trung tâm thành phố, giữa trốn náo nhiệt xô bồ, nó vẫn giữ được nét bình lặng, trải qua khói lửa chiến tranh, đi qua gần một thế kỷ mưa gió.
Năm ngoái, bà ngoại Tông Anh còn ở nơi này, sau khi bà đi theo chú út ra nước ngoài, chỉ còn lại một mình Tông Anh ở lại, nơi này coi như nhà của cô.
Vì quá bận rộn, chỉ có thể ngủ lại ký túc xá, nên mấy ngày nay cô chưa quay về nhà trọ số 699. Sau đêm mưa bão, cây ngô đồng Pháp đối diện cửa ra vào bị mưa gió vùi dập, lá rụng đầy đất.
Cửa chính hình mái vòm khảm các ô thuỷ tinh hình vuông đa màu sắc, vào những hôm có nắng, vô vàn sắc màu sặc sỡ chiếu xuống mặt đất.
Quẹt thẻ vào tòa nhà, thang máy hiện đại đã sớm thay thế thang máy cũ của ba mươi năm trước, sau này lại có thêm mấy chục gia hộ gia đình chuyển đến nơi này sống.
Tông Anh trọ ở tầng cao nhất, phòng hai gian kiểu cũ, vào những thế kỷ trước, thiết kế này được coi là cực kỳ thời thượng và tiện lợi, điểm bất tiện duy nhất là cửa sổ, khung cửa cao mà hẹp, bởi vậy, hàng năm cả căn nhà luôn thiếu ánh sáng mặt trời, lúc nào cũng âm u, tối tăm.
Hàng hiên tràn đầy hương vị cuộc sống thường nhật, có mùi gạo mùi cháo và cả mùi đun nấu, Tông Anh lại như u hồn trốn địa ngục.
Gần như ngay khi bước vào nhà, Tông Anh liền mệt đứt hơi, đóng sầm cửa lại, đi được vài bước liền đổ ập lên sô pha.
Tấm rèm che kín mít, căn phòng tối om, vài phút sau, Tông Anh từ từ mở mắt ra, như thường lệ, phản ứng đầu tiên của cô là cầm lấy cốc trà trên bàn.
Đại khái do đầu óc còn choáng, vừa đưa cốc trà lên miệng, cô lập tức uống luôn.
Ban đầu, yết hầu cạn khô hò reo vì được tiếp nước, nhưng ngay sau đó, cô mới nhận ra một sự thật đáng sợ…
Nước còn nóng.
—
Lời tác giả:
Tiên sinh không vội vàng: Tôi đun nước đấy!
—
Giải thích chút nha:
1. PACS là hệ thống sắp xếp thông tin và hình ảnh, thường được ứng dụng trong bệnh viện, một số bệnh viện chỉnh hợp nó với hệ thống HIS/CIS, cách sử dụng cụ thể ở mỗi nơi khác nhau. Thông thường, điểm khác biệt nằm ở chỗ, A có hệ thống cung cấp dữ liệu khác hoặc B xác định và hạn chế hoá khác, chỉnh thể cơ bản vẫn giống nhau.
Trên thực tế, bình thường đến bệnh viện chụp x-quang, khoảng một phút sau khi kiểm tra, phim tư liệu đã rơi truyền tới PACS, người có quyền hạn có thể trực tiếp thuyên chuyển quyền kiểm tra, nhưng không có báo cáo và phim. Báo cáo và phim cần được kỹ thuật viên khoa hình ảnh tiến hành sàng chọn, sau đó được đóng dấu bằng “kỹ thuật PS” tương quan, kết quả chẩn đoán bệnh mới được đưa ra.
2. Nhà trọ số 699 thuộc về tô giới Pháp, được xây vào năm 1930, khánh thành năm 1931, lúc ấy đã có thang máy. Mỗi tầng lầu xây bảy loại phòng từ A-G, đỉnh tầng có hai căn nhà có kết cấu giống nhau, đối diện cửa sổ là vườn hoa chung, chiếm diện tích bốn mẫu, phong cách kiến trúc thuộc trường phái trang trí nghệ thuật.
Hiện tại, nhà trọ số 699 vẫn có người ở, đại khái tầm sáu bảy mươi hộ gia đình, bên cạnh có một quán cà phê xây ở vị trí rất thấp, tui rất lo nó bị mưa to nhấn chìm.
Editor: Đây là một số hình mình tìm được về nhà trọ 699 ^^