Đọc truyện Vị Gió Hè – Chương 7: Chiếc áo len đen
Nam Nhã cong cong khóe môi mỉm cười trong gió thu, quả nhiên là thiếu niên, trong sáng như vậy, lý tưởng như vậy. Chỉ là, cậu lại không biết, cuộc đời là từ chủ nghĩa lý tưởng mà dấn thân vào con đường chủ nghĩa hiện thực, càng đi càng mơ hồ.
Nhưng mà, vào giờ khắc này, nàng lại bị cậu kéo lên con đường ngược chiều.
Chu Lạc bắt đầu ngày ngày đến trường đều đi đường vòng, quấn theo Nam Nhã từ nhà trẻ của Uyển Loan về. Nhưng dù cho hai người chẳng có chuyện gì để nói, hay thỉnh thoảng cười với Nam Nhã lại bị nàng đáp lại bằng một cái trừng mắt, sau đoạn đường ngắn đó, Chu Lạc vẫn luôn cả người sung sướng mà đến trường, tâm trạng vui vẻ suốt ngày.
Có lần rời giường muộn, ba chân bốn cẳng chạy vào ngõ thì gặp được Nam Nhã đã đưa Uyển Loan đến nhà trẻ xong đang trên đường về. Chu Lạc nghĩ lúc đi qua nói câu gì đó thôi cũng được, lại thấy có vài ba nam sinh từ đầu đường đằng kia, huýt sáo với Nam Nhã, Chu Lạc ngầm nổi giận, Nam Nhã lại như kẻ điếc, chẳng có phản ứng gì. Mấy nam sinh kia không thấy có gì thú vị liền bỏ đi.
Nam Nhã từ từ đến gần, đi qua người Chu Lạc cũng làm như không thấy cậu, Chu Lạc nóng nảy, tách một tiếng búng tay ngay bên tai nàng. Kết quả là nhận lấy một cái trừng mắt hung tợn của Nam Nhã: “Muốn chết à?”
Nàng đi rồi, cậu bị mắng vậy mà lại cực kỳ cao hứng, nghĩ đến ánh mắt phát cáu của nàng, cậu chạy vèo vèo trên con đường đến trường chỉ thiếu điều muốn bay lên.
Muốn chứ! Muốn chết đi được!
Trương Thanh Lý thì chẳng thoải mái được như vậy, liên tiếp mấy ngày liền đều đứng ngồi không yên, trong giờ học cũng không nhịn được mà quan sát Chu Lạc. Cậu hoàn toàn vẫn bình thường chẳng có gì khác lạ, cần nói thì nói, cần làm thì làm, nhưng tinh thần thì luôn ở trạng thái rất tốt, lúc làm bài thi ngẫu nhiên lại cong cong khóe môi, lúc quay bút nghĩ cách giải đề cũng ngẫu nhiên mà ngâm nga một câu hát. Luôn luôn là người đến lớp cuối cùng, khi tan học thì mau mau chóng chóng lặn mất tăm, cũng không thấy cậu qua lại thân thiết quá mức với một nữ sinh nào.
Cô nhìn Chu Lạc đến xuất thần, hoàn toàn quên mất là mình đang ngồi trong phòng thi sát hạch hằng tháng, Chu Lạc đang cúi đầu làm bài thì cảm nhận được ánh mắt của cô, chậm rãi quay đầu lại, thoáng nhìn lướt qua cô bạn, đầu óc còn chưa thoát khỏi đề thi.
Trương Thanh Lý xấu hổ cúi thấp đầu.
Thầy giám thị vừa mới đi qua người, sáu mẩu giấy nhỏ liền bắn qua bàn cô. Trương Thanh Lý cả kinh, vậy mà lại đến từ Chu Lạc.
Cậu muốn nói gì với cô?
Trương Thanh Lý vừa mừng vừa sợ, mở giấy ra, trái tim phút chốc rơi xuống đáy vực, hóa ra là lời giải bài thi…
Đầu cậu nghĩ gì vậy hả? Trương Thanh Lý oán giận, lại nhìn sang Chu Lạc, cậu đã đứng lên, nộp bài trước giờ. Bài thi vừa đặt xuống bàn giáo viên, bóng dáng đã nhoáng cái biến mất khỏi cửa phòng.
Chu Lạc đeo tai nghe nghe nhạc, chạy một mạch xuống núi giữa tiết trời tháng Mười một, trong cõi lòng trẻ trung đốt lên một ngọn lửa, cơ thể chẳng e ngại chút nào trước không khí lạnh mới tràn về.
Một tháng qua, cậu cứ học xong là lại chuồn đến tiệm Nam Nhã đọc thơ cho nàng nghe. “Tuyển tập thơ” đã đọc hết, cậu tìm tòi các bài mới trong thư viện, thường phải xem rất lâu mới kiếm ra được một bài vừa ý.
Cậu có cảm giác mình như thợ mò ngọc trai vậy.
Đủ mọi loại thơ thẩn kỳ quái đều bị cậu đào xới, không phải chỉ có mỗi thơ, đôi lúc bắt gặp một đoạn văn ngắn cảm động cậu cũng góp nhặt về. Cậu mua một tập giấy viết thư, đem những đoạn văn thơ tìm được cẩn thận nắn nót chép lại, mỗi ngày mang một bài tới đọc cho Nam Nhã nghe. Nam Nhã thích thì giữ lại, không thích thì trả cậu. Mà cho đến nay cậu cũng chưa bị trả lại tờ nào, toàn bộ đều được cất trong ngăn kéo của nàng.
Ban ngày ngày một ngắn lại, ánh sáng lọt dưới cửa cuốn ngày một tối đi, tiếng gió gào rít ngày một lớn hơn, nước trà trong chén cũng ngày một ấm lên. Cậu thiếu niên ngồi bên quầy, cách một khoảng sáng ánh đèn, đọc thơ cho cô gái xinh đẹp nghe. Hoàng hôn ở cửa hàng nhỏ thoang thoảng mùi vải vóc nhàn nhạt, tạo nên cảm giác rất dễ chịu và thư thái.
Có khi Chu Lạc không mang thơ tới, hai người không nói gì nhiều, nàng cũng không đuổi cậu đi. Một bài hát ngân lên từ máy cát-xét, nàng mở sổ phác thảo mẫu thiết kế, cậu chuyên tâm làm bài tập, ngòi bút cọ lên mặt giấy nghe sàn sạt. Đến giờ chia tay thì mỗi người một đường, ngắn gọn một tiếng chào rồi lại một tiếng tạm biệt.
Nghĩ đến đây, bước chân Chu Lạc thoăn thoắt.
Tới một bậc thềm đá, cậu bỗng dừng lại, hằng ngày đi đi lại lại vội vàng nên không chú ý tới, cây cối trong núi qua một đêm đã ngả vàng tự lúc nào. Núi đồi trùng điệp một màu vàng ươm, đôi chỗ lại điểm xuyết vài mảng đỏ rừng phong và những dãy rau quả đủ sắc màu rực rỡ trên ruộng bậc thang.
Cảnh sắc thế này phải khoe với Nam Nhã mới được!
Chu Lạc nghĩ đến đây, mỉm cười, càng nghĩ càng thấy vui vẻ, nụ cười trên mặt càng lúc càng rộng, đến cuối cùng nhịn không được mà “oa oa” thành tiếng vọng khắp núi. Cậu phi như bay xuống bậc thang, xuyên qua con hẻm nhỏ, vọt qua bờ tường thấp, từ chạc cây lá vàng nhảy xuống, theo cửa sau tiệm xường xám mà đi vào, giật tai nghe xuống, vén rèm vào phòng.
Mới bốn giờ chiều, cửa tiệm xường xám mở rộng, Nam Nhã đang vẽ, bị bóng người chui ra làm giật nảy mình, kinh ngạc: “Sao cậu lại qua đây giờ này?”
“Hôm nay là ngày sát hạch, nộp bài thi xong sớm.” ở trước mặt nàng, cậu thiếu niên cứ đắc ý khoe khoang suốt, khúc khích hai tiếng, “Đề đơn giản chết được. Em suýt ngủ mất đấy.”
Ngoài rèm đặt một tấm bình phong, vì không để người ngoài phố thấy được, Chu Lạc tự giác đứng bên đó, không dám đi qua.
Nam Nhã nói: “Đừng để đến lúc trả bài lại sai một đống lỗi không đáng có do không soát lại bài đấy nhé.”
Chu Lạc nói: “Yên tâm, em soát lại một lượt rồi, không có lỗi ẩu đoảng nào hết.”
Cậu thiếu niên chỉ chực có cơ hội là khoe khoang, Nam Nhã lười hùa theo cậu, liếc một cái: “Không lạnh sao?”
Chu Lạc xoa xoa hai bàn tay: “Chỗ này ấm mà, trong phòng học mới lạnh. Không biết ai dở hơi lại đi xây trường trên núi nữa, đến xế chiều khắp núi toàn sương là sương.”
“Tại mặc ít thì có.” Nam Nhã nói, “Cái tuổi này của cậu chỉ chăm chăm giữ phong độ, chẳng chịu để ý nhiệt độ gì hết.”
“Oan cho em quá đi, mặc đồng phục thì phong độ nỗi gì chớ?”
Chu Lạc cũng không dám rời khỏi bình phong ra bên ngoài lấy ghế, bèn đem cái ghế con trong phòng nhỏ ra ngồi xuống, trông như một chú cún lớn đùng đang ngồi chồm hổm.
Nam Nhã có chút buồn cười, cúi đầu nhoẻn miệng.
Chu Lạc không dời mắt khỏi mặt nàng giây nào, tất nhiên cũng không bỏ qua biểu cảm nho nhỏ này, lập tức hỏi: “Chị cười gì vậy?”
Nam Nhã không trả lời, Chu Lạc chép miệng, biết hỏi cũng chẳng ra nên không truy cứu, đề nghị: “Đóng cửa đi! Em dẫn chị đi xem cái này vĩ đại cực.”
“Trong mắt cậu một con giun cũng vĩ đại lắm đấy.” Nàng tưởng tượng tới cảnh cậu lượm tấm da rắn đem đến khoe với nàng, thật muốn cạn hết cả lời.
Cậu khi tan học trên đường thấy cái quỷ gì cũng mang tới chỗ nàng khoe, nào là một cành cây “xinh đẹp” chỉ còn mỗi một cánh hoa vắt vẻo, nào là một bó lúa mạch lỉa chỉa cọng thấp cọng cao, lại còn cả một cái bắp ngô chẳng biết vặt trộm của nhà ai nữa.
“Cái này vĩ đại thật mà.”
“Cái gì mới được chứ.”
“Giờ không thể nói được, phải đi mới biết. Chắc chắn là hàng xịn luôn.”
“Sao không mang tới đây?”
“To quá, mang không nổi.”
Nam Nhã hơi hiếu kỳ, ngoảnh sang: “To cỡ nào?”
Chu Lạc đứng dậy khỏi cái ghế con, hai tay mở ra, khoát một vòng như miêu tả cả quả địa cầu.
Nam Nhã: “…”
Nam Nhã nói: “Cái vĩ đại mà cậu nói, là không khí?”
Chu Lạc cười ha ha một tiếng. Cậu rất thích nói chuyện với nàng, chuyện gì cũng đều trở nên rất thú vị.
“Tóm lại là cực kỳ lớn, cực kỳ vĩ đại, chị đi rồi chắc chắn sẽ không hối hận.” thấy sắc mặt nàng có vẻ buông lỏng, Chu Lạc tiếp tục thuyết phục, “Đi đi, chị phải tin vào mắt em chứ, có lần nào tìm thơ cho chị lại khiến chị thất vọng không?”
Nam Nhã rốt cuộc cũng động lòng, đứng dậy đi đóng cửa cuốn.
Nàng kéo cửa xuống xong, Chu Lạc cũng nhảy ra khỏi tấm bình phong. Một cước đạp mép cửa cuốn còn cách mặt đất mười centimét sập xuống cho kỳ hết, tiếng gió thổi và âm thanh ồn ào trên đường bị chặn lại bên ngoài.
Trên quầy nước nấu vừa vặn sôi, Nam Nhã nói: “Uống chén trà nóng đi… Để tôi vẽ xong mẫu này đã.”
Nàng châm một chén trà nóng, đưa cho cậu.
Chu Lạc bưng chén ngửa đầu, ừng ực mấy tiếng, yết hầu trượt một vòng, xong. Trả lại chén trà, mắt cậu sáng lòe lòe nhìn nàng.
“…” Nam Nhã lại rót thêm cho cậu một chén, cũng tự rót cho mình một chén.
Nam Nhã nói: “Bên trong đồng phục cậu chỉ mặc có mỗi một lớp áo phông thôi đấy! Không lạnh đúng là nói khoác.”
“Thật sự không lạnh mà!” Chu Lạc nói, “Chị đừng có không tin, có người trời sinh không sợ lạnh đó.”
“Tin.” Nam Nhã nói, “Da cậu dày.”
Chu Lạc ngoác miệng tặng nàng một nụ cười nhìn muốn thót tim, vén tay áo lên cho nàng xem tay: “Nào nào, chị sờ thử xem da em có dày hay không.”
Nam Nhã “chát” một tiếng đập lên tay cậu, vẫn nói câu kia: “Không đàng hoàng chút nào.”
“Áo len của em đều do mẹ em đan năm trước đó, bị co rút hết rồi, mặc không vừa nữa, bó vào người nghẹt thở chết được luôn, em chẳng muốn sờ vào tẹo nào.” Chu Lạc xoay ngược cái ghế lại ngồi, tay khoác lên lưng ghế, làm như đang cưỡi ngựa.
Nam Nhã cúi đầu vẽ hoa văn phượng hoàng lên bản thiết kế xường xám, nói: “Nói mẹ cậu đan cho cái mới đi. Dì ấy trông tiệm tạp hóa cũng khá rảnh mà.”
“Kiểu mẹ em đan nhìn già lắm, màu sắc cũng tởm nữa.” Chu Lạc cưỡi ghế đu tới đu lui, chợt nảy ra ý tưởng: “Đàn chị, chị cũng biết đan len đúng không, đan cho em một cái đi, bán cho em theo giá thị trường cũng được?”
“…” Nam Nhã sao lại không nhận ra trò quỷ của cậu, cũng không buồn ngẩng đầu lên, “Không rảnh.”
Chu Lạc chưa buông tha: “Em thấy quần áo trong tiệm chị đều đổi thành hàng thu đông rồi, khi nào tiện chị hỏi hộ em xem có áo cho nam không cũng được, lấy hai cái nhé. Em tin vào mắt thẩm mỹ của chị.”
Nam Nhã ngẩng đầu: “Vậy thì được, tôi sẽ để ý giúp cậu.”
Nam Nhã lại cụp mắt xuống, một tay bưng cái chén sứ nhỏ, chậm rãi uống trà, một tay hạ nốt vài nét cuối cùng xuống bản vẽ xường xám dưới ánh đèn bàn.
Chu Lạc không quấy rầy nàng, hớp một ngụm trà nóng, liếc mắt nhìn dáng vẻ nàng cúi đầu vẽ dưới ánh đèn, cảm thấy cảnh tượng này tốt đẹp biết bao.
Cậu nghịch cái chén nhỏ trong tay, trắng tinh, trơn láng, giống như con người nàng vậy, ban đầu chạm vào thì lạnh lẽo như băng, ủ trong tay một hồi sẽ ấm lên theo nhiệt độ cơ thể.
Rất nhanh đã vẽ xong, Nam Nhã đặt bút xuống, nói: “Đi thôi.”
Chu Lạc một hơi uống cạn chén trà, chạy ra cửa sau, leo lên tường, đi tới cuối con ngõ đợi nàng. Dậm chân một lúc lâu, Nam Nhã mới từ đường lớn vòng qua.
Nàng khoác bên ngoài xường xám một chiếc áo khoác vàng nhạt, trên cổ quàng một cái khăn len màu đỏ. Chu Lạc nhìn mà sững sờ.
Nam Nhã dừng lại trước mặt cậu, ngó quanh một lượt, hỏi: “Đi đường nào?”
Chu Lạc sợ bị người khác bắt gặp, dẫn Nam Nhã tới ngã ba, men theo một con đường nhỏ đi lên núi.
Nam Nhã lại khá ngạc nhiên: “Tôi ở trong trấn đó giờ mà lại không biết có con đường này đấy.”
“Trước kia là lối mòn của dân hái thuốc, em phát hiện được, cũng chưa từng nói cho ai biết.”
Hai người chuyên tâm leo núi, không nói thêm lời nào mà hưởng thụ sự yên tĩnh đó, gió thu mát lạnh, một đường sóng vai, chỉ có tiếng gió và tiếng hai người hổn hển hít thở.
Đi tới lưng chừng sườn núi, phía trước đường phân thành một ngã ba, một đường rộ sắc vàng ươm của tán cây bạch quả, một đường lại rực rỡ màu lá phong đỏ tươi.
Chu Lạc cười hỏi: “Đi bên nào?”
“Bên nào cảnh đẹp hơn?”
“Lá phong.”
“Bên nào khó đi hơn?”
“Lá phong.”
“Vậy đi đường lá phong đi.” Nam Nhã nói.
Chu Lạc không khỏi nở nụ cười.
“Cậu cười gì?”
“Chị làm em nhớ đến hôm đầu tiên đọc cho chị nghe bài ‘Con đường không được chọn’.”
Nam Nhã nghe nói đến, khóe miệng khẽ cong.
Tuy chiếc khăn đỏ che khuất nửa gương mặt của nàng, Chu Lạc vẫn có thể thấy được ý cười nơi đáy mắt nàng, hỏi: “Chị lại cười gì thế?”
“Tôi cũng nhớ tới hôm đó.”
“Để xem xem chúng ta có nghĩ đến cùng một câu không?”, Chu Lạc đút tay vào túi quần, quay đầu nhìn nàng.
“Ít dấu chân hơn mà đi tới.”
Nhìn nhau cười.
“Đàn chị, bọn em hôm nay làm bài sát hạch tiếng Anh, có một bài đọc hiểu. Mới nãy chị hỏi em đường nào khó đi hơn, em liền nhớ tới một câu trong bài đó, Never take the easy road.”
“Đừng bao giờ chọn con đường đi dễ dàng?”
“Đúng vậy. Có hai lựa chọn ở trước mặt, đừng chọn đường dễ đi, hãy chọn con đường khó khăn hơn.”
Nam Nhã bỏ tay vào túi áo, đạp lên thảm lá rụng, nghe cậu học sinh cấp ba đang giảng bài như một thầy giáo nhỏ.
“Mọi người đều có khuynh hướng chọn con đường đầy đủ, nhiều người đi. Bởi vì rất dễ dàng, không phải lao lực.”
Nam Nhã mỉm cười, tiếp lời: “Nhưng đường khó đi lại thú vị hơn. Giống như bây giờ, vì sao chúng ta không đi ngõ nhỏ mà lại đi đường núi, bởi vì đường núi cảnh đẹp hơn.”
Chu Lạc cười cười.
Không phải, bởi vì em muốn sóng vai với chị,
Con ngõ nhỏ dễ đi, em chỉ có thể ở phía sau chị; con đường núi khó đi, em có thể cùng chị song hành.
“Bài đọc hiểu đó chính là ý vậy. Đường khó đi khiến người ta nhớ mãi không quên, không khiến người ta phải hối hận. Ý nghĩa của sự sống vừa vặn chính là ở việc không ngừng chọn lựa từng đoạn đường khó đi.” Cậu thiếu niên cảm khái, trong giọng ngập tràn chủ nghĩa lý tưởng thuần túy.
Nam Nhã cong cong khóe môi mỉm cười trong gió thu, quả nhiên là thiếu niên, trong sáng như vậy, lý tưởng như vậy. Chỉ là, cậu lại không biết, cuộc đời chính là từ chủ nghĩa lý tưởng mà dấn thân vào con đường chủ nghĩa hiện thực, càng đi càng mơ hồ.
Nhưng mà, vào thời khắc này, nàng lại bị cậu kéo lên con đường ngược chiều.
Nàng tự nhiên tiếp nhận lời cậu, khẽ than: “Đúng vậy, lựa chọn thì dễ, nghênh tiếp khiêu chiến lại rất khó. Nhưng, làm chuyện khó mới có ý nghĩa.”
Không khí trong núi mát lạnh, Chu Lạc không nói gì. Những kẻ đồng điệu tự hiểu lòng nhau, chẳng cần phải nhiều lời.
Trong lúc nói chuyện họ đã đi tới đỉnh núi, nhìn xuống toàn cảnh núi non và trấn nhỏ. Dãy núi đượm một màu vàng, ruộng bậc thang ngũ sắc rực rỡ.
Ánh hoàng hôn muôn hồng nghìn tía, rọi khắp đất trời, họ như đứng trước cửa lên thiên đường.
Gió núi luồn qua người họ, Nam Nhã nói: “Quả là rất vĩ đại.”
Mà Chu Lạc lúc ấy bỗng nhiên lại rất muốn ôm lấy nàng.
Nhưng cậu không làm.
Trong khoảnh khắc trưởng thành đó, lý trí chín chắn đã kiềm chế lại xung động của hoóc-môn. Dường như cậu thiếu niên đã lớn lên chỉ trong một cái nháy mắt. Cậu nể trọng, nâng niu, không dám phá hỏng cảm tình thật vất vả mới vá lại được giữa hai người họ, cũng chính trong một cái chớp mắt kia, cậu bỗng ý thức được, nàng là con đường khó đi của mình.
Chu Lạc buổi trưa từ trường về đi một chuyến tới tiệm băng đĩa, đúng lúc Lâm Quế Hương muốn sang nhà người ta biếu đồ, bảo cậu ở lại trông tiệm, đợi bà về rồi hẵng quay lại trường, Chu Lạc vâng lời.
Cậu vừa nghe nhạc vừa làm bài tập, chợt nghe tiếng Uyển Loan: “Có ai không ạ?”
Chu Lạc lập tức ném bút sách sang một bên, thấy Nam Nhã đứng bên cạnh cô bé con, cậu thiếu niên gắng kiềm chế lại niềm vui sướng đột ngột dâng trào, vèo cái phóng tới trước mặt Nam Nhã, nghiêm túc hỏi: “Mua gì vậy?”
Nam Nhã liếc nhìn vẻ mặt làm bộ của cậu, bình tĩnh cúi đầu, lắc lắc tay Uyển Loan.
Uyển Loan non nớt nói: “Lãng Vị Tiên (*) ạ.”
(*) Tên một loại bim bim ở Trung Quốc.
“Mấy gói?”
“Hai gói ạ.” Uyển Loan đáp, đưa tiền cho cậu.
Chu Lạc nhận lấy tiền, tháo hai gói xuống cho cô bé, lại bỏ thêm một que kẹo.
Uyển Loan chớp chớp cặp mi dài: “Anh Chu Lạc, em không có mua kẹo que.”
Chu Lạc nói: “Đây là tặng cho con.”
“Ồ, cảm ơn anh.” Uyển Loan nói, chậm chạp tháo balo nhỏ hình bọ rùa xuống, lấy ra một cuốn sổ nhỏ, bàn tay bé xinh mở sổ ra, rút một bông hồng nhỏ kẹp trong đó, nhón chân lên đưa cho cậu, “Anh Chu Lạc, cái này tặng anh.”
Chu Lạc ngẩn người, vừa định từ chối, lại hiểu ra, cô bé không muốn lấy không kẹo que của cậu nên tặng cho cậu một bông hồng nhỏ.
Chu Lạc nhận lấy, cười: “Cảm ơn.”
Chu Lạc đem bông hồng nhỏ kẹp vào sổ ghi chép, Nam Nhã cũng theo vào tiệm băng đĩa, Uyển Loan đứng ngoài cửa chóp chép ăn Lãng Vị Tiên.
Nam Nhã đi đến, đặt cái túi lớn trong tay tới trước mặt cậu: “Đây.”
“Cái gì vậy?” Chu Lạc cười hì hì, từ trong túi lấy ra một bọc màu đen, mở ra, là áo len, vừa giản dị vừa bắt mắt, cầm trong tay rất mềm mại.
Mắt Chu Lạc sáng lên: “Tặng em à?”
“Tặng?” Nam Nhã nói, “Không phải cậu sống chết đòi bằng được à?”
Chu Lạc cũng không cò cưa, nhanh chóng cởi áo khoác, mặc áo len vào, lập tức cả người ấm sực, dài rộng đều vừa như in, kiểu dáng cũng đẹp mắt.
“Là chị đan?”
Nam Nhã dời mắt ra ngoài tiệm: “Tôi làm gì rảnh được vậy? Lúc nhập hàng thì nhờ người ta thôi.”
Chu Lạc thấy chất len rất tốt, mềm nhẹ lại ấm, không giống như hàng có thể mua được mà giống đồ thủ công, bèn hỏi: “Chất liệu gì vậy? Sợi bông? Lông dê? Sợi tổng hợp?”
Nam Nhã nói: “Không biết. Quên không hỏi.”
Chu Lạc hỏi: “Bao tiền thế? Nếu là mua giúp, em phải trả tiền chị.”
“Hai mươi đồng.”
“Rẻ vậy?”
“Nhập hàng mà, giá gốc.”
Chu Lạc trả tiền cho nàng, Nam Nhã cũng không nói nhiều, xoay người đi chọn băng từ. Chu Lạc mặc lại áo khoác, chỉnh trang cổ áo len, đảo mắt nhìn thấy Uyển Loan vẫn đang ở trước cửa nhai bim bim nhóp nhép.
Chu Lạc len lén chạy ra ngoài, ngồi chồm hổm ở cửa ngoắc tay với Uyển Loan, nhỏ giọng gọi: “Uyển Loan.”
“Dạ?” Uyển Loan ngừng ăn, rất vui vẻ chạy lại.
Chu Lạc vuốt vuốt má cô bé: “Về sau phải gọi là chú Chu Lạc, không được gọi là anh.”
“Tại sao ạ?” Uyển Loan ngoẹo đầu, vẻ mặt nghi hoặc.
“Mẹ con là đàn chị của chú.” Chu Lạc lời hay lẽ phải giảng giải. Gọi “đàn chị” lâu như vậy không phải để gọi chơi mà là để kéo giãn vai vế, nếu không Nam Nhã sẽ mãi coi cậu là trẻ con. (*)
(*) Trong tiếng Trung không phân vai vế khi xưng hô, chỉ có 我 (wǒ = tôi) và 你 (nǐ = bạn) nên Chu Lạc phải gọi 小师姐 (tiểu sư tỷ = đàn chị) mới phân rõ được vai vế với Nam Nhã.
Uyển Loan vẫn không hiểu: “Đàn chị là gì ạ?”
“Thì là…chị thôi.” Chu Lạc nói, “Con xem, mẹ con là chị chú, con làm sao có thể gọi chú là anh được chứ?”
Uyển Loan nhíu mày, suy nghĩ một chút, nói: “Nhưng cũng không thể gọi là chú nha.”
“Sao lại không phải chú.”
“Em trai của mẹ phải gọi là cậu.” Uyển Loan nghiêm túc, “Là cậu Chu Lạc.”
Chu Lạc: “…”
Quả nhiên là con gái Nam Nhã, không bịp được mà.
Chu Lạc nghẹn gần chết, nhưng vẫn tạm coi là đã đạt thành mục đích: “Được, cậu thì cậu, miễn không phải anh là được… Uyển Loan ngoan, gọi một tiếng xem.”
Uyển Loan lanh lảnh: “Cậu Chu Lạc!”
“Ngoan quá.” Chu Lạc xoa xoa đầu cô bé, rất hài lòng, bế cô nhóc tung lên hai cái, Uyển Loan bay lên rồi lại rơi xuống, hưng phấn kêu oa oa.
Chu Lạc thấy cô bé thích, lại tung thêm vài cái, Uyển Loan phấn khích cười khanh khách không ngừng. Nam Nhã nghe thấy, liếc về phía bên này, cũng không ý kiến gì.
Lâm Quế Hương trở về bắt gặp, sợ hết hồn, “Mày thả con bé xuống ngay! Ngã nó bây giờ!”
Chu Lạc tiếp được Uyển Loan đang rơi xuống, ôm cô nhóc vào lòng: “Uyển Loan, con có bị ngã chưa?”
“Chưa ạ.” Uyển Loan lắc đầu như trống bỏi.
Đám Trần Quân vừa vặn đi tới, nói hùa: “Bọn cháu đều là người lớn cả rồi, làm rơi trẻ con sao được?”
Lâm Quế Hương trừng mắt cả đám: “Người lớn cái gì, một đám nhóc vắt mũi chưa sạch, đi học đi!” lại quay vào tiệm băng đĩa hô một tiếng: “Nam Nhã, ra trông con đi chứ.”
Nam Nhã đi ra bế Uyển Vịnh vào, một đám nam sinh dõi mắt theo. Khăn quàng cổ màu vàng nhạt, bên ngoài khoác một chiếc áo len lông dê màu be, dưới vạt áo để lộ một đoạn xường xám, trên nền lụa trắng nở bừng những đóa hoa khác loài, tựa như giấu bên trong đó cả một bầu trời sắc xuân.
Người đã xoay đi, ánh mắt vẫn không rời, cả đám nhìn chằm chằm vào mắt cá chân bọc trong lớp tất mỏng màu da người dưới tà xường xám, bước đi trên đôi giày cao gót, toát lên vẻ gợi cảm kín đáo.
Còn đang nhìn, lại bị thân hình Chu Lạc chặn lại.
Trần Quân cười cười: “Đi, đến trường thôi.”
Chu Lạc nói: “Chờ chút.”
Cậu vào tiệm tính tiền cho Nam Nhã, tốt quá, cả đám sói con lập tức ào ào tràn hết vào tiệm ngắm người đẹp.
Cả Trương Thanh Lý và Khương Băng Băng cũng theo vào, cảm thấy đến Uyển Loan nhỏ bé cũng đặc biệt xinh xắn. Cô bé con kéo góc áo mẹ, mặc trang phục giống mẹ như đúc, từ khăn gió, xường xám cho đến tất chân, mùa đông mà cũng đẹp đến vậy.
Chu Lạc tức đến đầu bốc khói, lại không thể đuổi bọn họ đi, đành nhanh chóng tính tiền cho Nam Nhã, nhân tiện liếc ra đầu máy phát nhạc nhìn tên bài hát, thấy là bài mà nàng thích nghe nhất dạo gần đây, cậu cũng muốn ở lại nghe.
Trần Quân lại gần xem những cuốn băng Nam Nhã mua, là tuyển tập ca khúc của rất nhiều ngôi sao âm nhạc, chẳng biết ai vào với ai, bèn nhạt nhẽo hỏi một câu: “Chị thích nghe nhạc à?”
Nam Nhã cong nhẹ khóe môi: “Ừ.”
Trần Quân thấy nàng mỉm cười, không ngừng nỗ lực: “Trong này chị thích bài nào nhất?”
“Chu Tuệ Mẫn.”
Chu Lạc liếc nhanh qua, bài hát tên là “Hồng nhan tri kỷ”.
Nam Nhã cầm băng từ, nắm tay Uyển Loan rời đi. Trần Quân mừng rỡ hết sức, thì thầm: “Thấy không, chị Nam nói chuyện với tao.”
Chu Lạc thầm trợn mấy trăm con mắt khinh bỉ trong lòng, người ta gọi đó là phải phép có hiểu không hả.
Một đám học sinh đùa đùa giỡn giỡn đi về phía trường học, mấy cậu con trai bắt đầu bàn tán về Nam Nhã. Trần Quân kể, cậu ta nghe bố nói, vụ ly hôn này của Nam Nhã ước chừng có thể thành. Từ Nghị sau khi được thả ra, một mực tuân thủ đúng trình tự xét duyệt đơn ly hôn, trong khoảng thời gian này, hai người đang ở riêng, tòa đề nghị song phương tránh gặp gỡ để giảm thiểu mâu thuẫn phát sinh. Bố Trần Quân nói, Nam Nhã không sai gì, Uyển Loan sẽ được xử giao cho Nam Nhã nuôi. Mà Nam Nhã có ý rằng dù không nhận được một đồng nào cũng muốn ly hôn.
Chu Lạc không nói tiếng nào, trong lòng càng nghe càng sung sướng.
Cho đến khi không biết tên nào thốt một câu: “Tốt, chờ tao trưởng thành, tao sẽ cưới Nam Nhã.”, không đợi Chu Lạc ra tay, đã bị một lũ hội đồng, đánh cho thần khóc quỷ gào.
Khương Băng Băng cảm khái: “Mặt mũi Uyển Loan xinh thật, nếu như tớ sau này cũng sinh được một đứa xinh như vậy thì thật tốt.”
Chu Lạc đáp một câu: “Vậy cậu phải đẹp bằng mẹ người ta kia.”
Đám nam sinh cười ha ha, Khương Băng Băng ỉu xìu, thụi lên vai Chu Lạc một đấm.
Chu Lạc nghiêng bả vai, cười cười, hỏi: “Tôi nói không đúng à? Chẳng lẽ phượng hoàng lại đẻ ra gà con, còn gà mẹ thì đẻ được phượng hoàng?”
Khương Băng Băng càng tức, đuổi đánh Chu Lạc; Chu Lạc nhanh nhẹn tránh thoát, hai tay đút túi quần đối mặt với cô bạn, bước chân thoăn thoắt giật lùi trong con hẻm, chạy mà như trêu ngươi.
Khương Băng Băng vẫn còn đuổi theo muốn đánh, cậu so với khỉ còn linh hoạt hơn, tránh trái tránh phải: “Qua đây này, qua đây này…”
Trương Thanh Lý nhìn theo, im lặng cúi đầu.
Trần Quân huých Trương Thanh Lý một cái: “Đừng nghĩ nhiều, không phải nó.”
Trương Thanh Lý sửng sốt: “Cậu biết?”
Trần Quân lắc đầu: “Không, tớ từng hỏi nó rồi.”
Hỏi nó ngày đó có hú hí với Chu Lạc không ấy hả? Trương Thanh Lý dở khóc dở cười.
Trần Quân nói: “Hơn mười ngày nữa là sang năm mới rồi, thừa dịp đêm đó cậu nắm chắc cơ hội, muốn nói gì thì nói thẳng ra đi.”
Trương Thanh Lý tâm tình thoáng phức tạp. Thời gian trôi nhanh thật, đảo mắt đã là cuối tháng Mười hai. Cô đơn phương thầm mến lâu như vậy, cũng nên thổ lộ đi thôi.