Bạn đang đọc Vị Bắc Xuân Thiên Thụ – Chương 22: Một Năm Xuân
Tiếng mõ báo tang đã vang lên trong hẻm Người Mù, mọi người đến rất nhanh, những ngọn nến trắng như tuyết cháy le lói ảm đạm.
Tiếng khóc của phụ nữ trong phòng cứ nối liền nhau.
Ngoài ra, chẳng cần ai chỉ huy, các bà các chú tới lui tất bật, thu dọn quần áo, người nào làm việc người nấy, chuẩn bị đầy đủ toàn bộ những thứ cần thiết cho tang lễ.
Sinh lão bệnh tử, chung quy cũng đâu khác gì những chuyện bình thường khác đâu.
Đứng ở góc phía Tây Bắc của viện, Lý Vị cầm bộ xiêm y Lý nương tử hay mặc nhất lúc còn sống, ngửa đầu hô thật lớn tên của Lý nương tử.
Hắn hô rất lớn, âm cuối thậm chí có hơi khàn khàn, đây là chiêu hồn, mục đích rằng hy vọng linh hồn người chết nghe thấy tiếng gọi để trở về.
Xuân Thiên chăm chú nhìn tấm lưng người đàn ông, hắn mặc bộ quần áo đen đã cũ lắm rồi, luồng sáng trắng não nùng đổ xuống từ mái đầu, phảng phất cảm giác thê lương lạnh lẽo.
Nghe hắn hô mà lòng nàng chua xót tê dại, nàng hy vọng biết bao ngay bây giờ Lý nương tử có thể tỉnh lại, nghi thức thế kia sẽ kết thúc tại đây, trong nhân sinh của nàng sẽ không ai rời khỏi, không ai chết đi, không còn nỗi đau đớn nào cứa vào nội tâm yếu ớt và mẫn cảm của nàng nữa.
Lý nương tử vẫn nằm im lìm, tiếng khóc như sóng cuộn trào, khiến người ta sốt ruột, càng về lâu thì cả thể xác lẫn tinh thần đều bị cơn mỏi mệt nhấn chìm.
Linh đường nhanh chóng được sắp xếp, các cô các thím ba chân bốn cẳng kéo Trường Lưu, Xuân Thiên và Tiên Tiên qua, mặc lên người chiếc áo tang dệt bằng sợi gai dầu.
Trong phòng, Lục Minh Nguyệt cùng Triệu đại nương đang khâm liệm cho Lý nương tử, ngoài phòng Trường Lưu khóc đến độ không tài nào dằn nén nổi, chẳng ai ngăn cản cậu, lau nước mắt cho cậu, dịu dàng an ủi cậu, cậu đang gào khóc vì người yêu thương cậu nhất trên cõi đời này.
Người phúng viếng lục tục tới, khoảng sân không rộng lắm giờ đây chật ních người, nghi thực rườm rà trang trọng, Lý Vị và Trường Lưu lần lượt quỳ lạy đáp tạ, đón tiễn như lễ.
Trường Lưu khóc một thôi một hồi, quỳ dưới linh đường không biết mỏi, ban đêm cậu lên cơn sốt cao, hai má đỏ phừng phừng, cặp mắt đẫm lệ sưng phù hệt quả hạch đào.
Cậu kiên quyết ở lại linh đường, người khác khuyên lơn cỡ mấy cũng chẳng chịu nghe, Gia Ngôn cuống cuồng, chợt quỳ phịch hai gối xuống đất: “Mẹ cậu là mẹ tôi, mẹ tôi cũng là mẹ cậu.
Tôi cũng là con của cô Lý, đêm nay tôi trông ở đây, cũng là con trai trông mẹ mình, giống y như cậu thôi.”
Lục Minh Nguyệt và đau lòng vừa vui mừng, chị luôn cho rằng Gia Ngôn bướng bỉnh, chưa bao giờ nghĩ cậu nhóc sẽ nói ra được những lời tri kỷ như vậy.
Chị vội ôm lấy Trường Lưu, mắt rưng rưng, vừa dỗ vừa khuyên thằng bé, cuối cùng Lý Vị mời thầy Hồ qua, bắt cậu phải về phòng nghỉ ngơi.
Trường Lưu sốt cao không giảm, đêm mơ mơ màng màng gọi mẹ, Xuân Thiên thay nước đút thuốc cho cậu, cũng thức trắng nguyên đêm.
Trường Lưu nói mớ, vươn đôi bàn tay nhỏ bé bất lực quờ quạng trong không khí, như thể đang nắm góc áo của Lý nương tử, gọi to: “Mẹ, mẹ ơi, mẹ đừng đi.”
Cậu nhắm nghiền mắt khóc nức nở, nước mắt thấm đẫm gối đầu, Xuân Thiên hết cách, chỉ đành nắm hai tay cậu ủ vào lòng mình, nhẹ nhàng vỗ về đứa nhỏ.
“Trường Lưu, chị ở đây, đừng khóc, đừng khóc…!chị ở đây.” Sau đó nàng thấp giọng ngân nga một giai điệu nhỏ, mơ mơ hồ hồ, không nghe rõ ca từ, chỉ cảm giác ngữ điệu đầy du dương mềm mại, cậu được tiếng hát ấy xoa dịu, dần yên ổn trở lại.
Khi trời hẵng chưa tỏ, mọi người gác đêm đã sức cùng lực kiệt, nhạc tang tiếng khóc đã dừng, nàng bưng chậu vào bếp thay nước, bắt gặp Lý Vị vẫn quỳ gối trong linh đường, ngọn lửa màu vỏ quýt thiêu đốt đống tiền giấy.
Nàng đứng bên ngoài một chốc, không biết nên an ủi thế nào, sau cùng lặng lẽ rời đi.
Trưởng Lưu dậy, thấy Xuân Thiên cau chặt hàng mày dài, lim dim tựa vào giường, tay hãy còn nắm tay cậu, cậu không dám lên tiếng quấy rầy, chỉ lẳng lặng nằm trên giường nhìn đỉnh màn.
Nàng cũng mơ, rồi bỗng dưng giật mình choàng tỉnh, đập vào mắt là hai con ngươi hằn đỏ của Trường Lưu trông sang.
Bức màn trắng thuần và cách bày biện xa lạ, bấy giờ nàng mới ý thức rằng mình đang ở Lý gia, nhạc tang ngoài cửa vẫn thổi cho Lý nương tử, cũng chả phải là linh đường của cha nàng.
“Dậy rồi à?” Xuân Thiên duỗi tay xoa trán Trường Lưu: “Còn nóng này, có khó chịu không?”
Trường Lưu khịt mũi, lắc đầu, giọng có hơi khàn: “Không ạ.”
Cậu muốn xuống giường, nhưng lại được Xuân Thiên vòng tay qua hông ôm xuống, “Để chị mặc đồ cho em.”
Trường Lưu ngửi mùi thơm trên người Xuân Thiên, sắc mặt thoắt đỏ.
Con trai mười hai tuổi, chiều cao vẫn chưa phát triển, áng chừng thấp hơn Xuân Thiên một cái đầu.
Tình tình cậu trầm tĩnh hướng nội, ít trò chuyện với những bạn gái cùng tuổi, hẳn là vì không hiểu cái gì gọi là tình yêu nam nữ.
Nhưng dù cậu hay ngượng ngùng khi đối diện với con gái, nhưng cậu vẫn mến Xuân Thiên.
Người chị lớn hơn cậu vài tuổi này, có hiểu biết có lòng gan dạ, xinh xắn điềm đạm, âu sầu đáng thương, lúc cậu nhìn vào mắt Xuân Thiên, sẽ cầm lòng không đặng mà sinh ra xúc động muốn bảo vệ nàng.
Ngày chôn cất Lý nương tử, bầu trời âm u, giữa chừng thì mưa rơi tí tách.
Ngày xuân của Hà Tây khoan thai đến muộn, cơn mưa lúc này đẩy lùi khí lạnh, làn gió cũng trở nên mềm mại, sông băng tan, những mầm non mới nhú khắp mặt đất ngoài thành, tuyết như gột rửa quả núi, đẹp đẽ gợi cảm.
Vãn lang* đi cuối hàng ngũ, khản giọng xướng ca, bài ca phúng điếu: “Sương trên hẹ, dễ mà tan…” Nghe nước mắt rơi, người thân đau đớn.
Lục Minh Nguyệt bước đi giữa đoàn người đưa ma, thấy Lý Vị nắm tay Trường Lưu ở đằng trước, lòng muôn vàn cảm khái.
Một vốc hoàng thổ, một chén rượu, mộ phần mới đắp tựa trăng tròn, người nhắm mắt xuôi tay là xong hết mọi chuyện, người còn sống tiếp tục giày vò, đợi Thanh minh hằng năm lại đến thắp hương đưa rượu, cúng mộ vong linh.
(*Vãn lang: chỉ người thiếu niên dẫn quan tài hát bi ca trong tang lễ, phổ biến từ thời Ngụy Tấn đến thời Đường)
Thần sắc Hách Liên Quảng bình tĩnh, nhờ có ống tay áo che khuất, hắn nắm tay chị, mặc cho chị giãy hoài chẳng ra.
Hắn nghĩ, chị là góa phụ của anh cả hắn, năm ấy phải chăng cũng như thế, khoác tấm áo tang, kèn thổi nẫu ruột, nắm tay Gia Ngôn bước trong mưa sầu gió tủi.
Nghĩ một phần, mà lòng hắn đã quặn thắt mười phần.
Xuân Thiên đã tính toán rất nhiều ngày, hôm nay một mình nàng ra cổng phường, đến lầu Khai Nguyên thành Cam Châu.
Lầu Khai Nguyên không quá sôi nổi, tuy nhiên kinh doanh rất phát đạt, lại cũng là chi nhánh Đoàn gia mở ở Hà Tây, chủ quản là Tào Đắc Ninh.
Ông ta đã về từ Trường An, hôm nay có một lượng lớn trà thơm Giang Hoài sắp vận chuyển tới, đã hẹn với người Hồ của thành Điển Hợp đến xem hàng, bán sang phía Tây.
Đồ Nhi ở sân trước chạy ba bốn chuyến, nói là có tiểu cô nương muốn gặp ông ta.
Tào Đắc Ninh nhủ bụng, thừa dịp rỗi rãi ra ngoài xem thử, thấy là một cô nương lạ mặt, ông ta nhìn kỹ lại lần nữa thì nhận ra đây chính là thiếu nữ Lý Vị cứu ở Hồng Nhai Câu lần trước.
Tào Đắc Ninh có phần ngờ vực, bước lên chắp tay chào, tủm tỉm bảo: “Tiểu nương tử, vết thương của cô lành cả rồi chứ?”
Xuân Thiên gật đầu, hành lễ cảm ơn ông ta: “Đa tạ ơn cứu mạng ngày đó của lão bá.” Nàng hơi dừng, mím môi hỏi: “Xin hỏi, Đoàn công tử về Cam Châu chưa ạ?”
Tào Đắc Ninh tưởng nàng tìm tới Đoàn Cẩn Kha là để nói cảm ơn, nhưng rồi lại thấy không giống lắm, lắc đầu: “Nửa năm này e là Nhị công tử nhà ta không tới, nữ làng tìm Nhị công tử…!có chuyện gì sao?”
Xuân Thiên đắn đo mãi, không biết nên mở miệng thế nào, trong sự phân vân, nàng hỏi: “Có phải Đoàn công tử quen với đương kim Tĩnh vương không ạ?”
Tào Đắc Ninh chẳng ngờ nàng sẽ nói như vậy, chợt như có đá đập loạn xạ trong bụng: “Tĩnh vương mà tiểu nương tử nói…!là Tĩnh vương nào?”
Xuân Thiên sững sờ, tiếp lời: “Cả thiên hạ chỉ có một Tĩnh vương gia, phủ đệ ở phường Vĩnh Yên thành Trường An, từng chưởng quản quân Thượng Nguyên, hiện giờ là Tĩnh vương gia nắm quyền quản lý mọi việc công bộ…!Lúc Đoàn công tử cứu tôi, tôi nhớ loáng thoáng, Đoàn công tử có nhắc với người khác về lão vương phi của Tĩnh vương phủ.”
Nàng nhớ rõ, khi đó có người người, lão vương phi của Tĩnh vương phủ sắp làm lễ mừng thọ, Tĩnh vương phủ đang chờ mẻ vải Hải Tây để cắt tạo kiểu mẫu.
Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, lời ấy lọt vào tai nàng, nhất thời nàng nóng ruột, muốn quay về Trường An, mới phun ra một búng máu.
Vài năm gần đây quan hệ giữa Đoàn gia và Tĩnh vương phủ khá khăng khít, vị cô nương này trông có vẻ kỳ lạ, Tào Đắc Ninh thầm nghĩ.
Cậu Kha từng dặn ông ta hỏi Lý Vị xem tình hình cô nương được cứu lên kia thế nào rồi, Lý Vị chỉ trả lời là con của gia đình bình thường, không hề đề cập tới điều khác.
Nghi hoặc trong Tào Đắc Ninh mỗi lúc một lớn, ngữ khi ông ta dịu đi: “Xin hỏi tiểu nương tử là…”
“Tôi và Tĩnh vương…!có chút quan hệ sâu xa…” Xuân Thiên rũ mi, giọng khe khẽ: “Tôi có thân nhân là người của Tĩnh vương phủ, có điều ở xa nên lâu rồi chưa liên lạc.
Tôi nghĩ…!nếu Đoàn công tử có quen biết với Tĩnh vương phủ, có thể nào chuyển lời giúp tôi…”
Nàng cắn nhẹ môi, cúi đầu nói: “Tôi biết như vậy là hết sức mạo muội, yêu cầu quá đáng, xin chớ trách móc.”
“Xin hỏi…!tiểu nương tử họ gì?” Tào Đắc Ninh cười nói, “Họ xưng thế nào?”
“Tôi họ Tiết.” Xuân Thiên đáp, “Là cô của tôi…!một vị phu nhân của Tĩnh vương, người trong phủ gọi cô ấy là Tiết phu nhân…!Cô có người anh cả, là viên ngoại lang Hộ bộ ti môn.”
“Là vị Tiết phu nhân đó ư?” Tào Đắc Ninh vuốt chòm râu dài.
Thành Trường An có ai không biết, Tĩnh vương mừng có quý tử, hồi cuối tháng giếng vừa làm đầy tháng cho con trai cả, tiệc rình rang khách khứa đông vui, ngay cả hoàng thượng cũng ban thưởng tiền cho em bé.
Nghe nói vị Tiết phu nhân này tài mạo song toàn, Tĩnh vương yêu như châu báu, “Chính là Tiết nương tử của nhà thị lang Hộ bộ Tiết Quảng Hiếu, năm ngoái sinh con trai cho vương phủ?”
Sắc mặt Xuân Thiên thoắt biến đổi, hồi lâu mới thốt lên lời: “Đúng vậy…”
Tào Đắc Ninh cười nói: “Hóa ra là thế.” Tào Đắc Ninh gọi người pha trà bưng kẹo lên, “Vẫn chưa biết tục danh của tiểu nương tử, mời ngồi, ta sẽ đi viết thư cho Nhị công tử nhà ta.”
Tâm trí Xuân Thiên bấy giờ chỉ xoay quanh ba chữ “sinh con trai”, nàng hỏi: “Cô của tôi…!sinh con trai cho vương phủ ư…!Sao tôi không biết gì cả…”
“Cuối năm ngoái Tiết nương tử đã hạ sinh trưởng tử cho Tĩnh vương, đứa bé chào đời ngay đúng vào đêm ba mươi.”
Xuân Thiên chỉ thấy đầu óc mình trống rỗng, đờ đẫn cả nửa buổi trời, mặt mũi tái nhợt: “Vậy à…!tôi lại không biết gì hết…”
Nàng gắng cười cười, đứng dậy quay gót đi thẳng.
Tào Đắc Ninh đuổi theo nói gì đó với nàng, mà hai tai nàng như bị ù đi chẳng nghe thấy, phất tay áo bước ra ngoài, Tào Đắc Ninh gọi với theo: “Tiểu nương tử, tiểu nương tử, cô chậm đã, cô muốn chuyển lời gì…”
Nàng đi gấp gáp, lại không biết phải đi hướng nào, lồng ngực như có tảng đá đè nặng, chẳng thể hít thở.
Ba năm trước hoàng thượng hạ chỉ kê biên tài sản Vi gia, Vi Thiếu Thông tự sát, nàng xin cậu đưa mẹ về nhà.
Khi ấy cậu lo ngay ngáy, không dám có tí dính dáng gì tới Vi gia, nên đã bỏ ngoài tai lời thỉnh cầu của nàng.
Một năm sau, mẹ trở thành Tiết phu nhân sang đẹp cao quý, Tĩnh vương phủ tặng rất nhiều đồ tốt, sau đó đường làm quan của cậu được suôn sẻ hơn.
Có điều, mẹ nàng lại biến thành cô của nàng, nàng thành con gái của cậu, gọi cậu mợ là cha mẹ.
Nàng hiểu nỗi khó xử của người lớn, nơi này là Tĩnh vương phủ, mẹ nàng được thương yêu vô cùng, thế nên xét về gia thế xuất thân, càng phải trong sạch.
Thời gian đầu ở Tĩnh vương phủ, cô luôn buồn rầu sầu muộn, thường lúc nào trông thấy nàng bà mới để lộ nét cười.
Dần dà về sau, số lần cô nhắc tới Tĩnh vương càng ngày càng nhiều, cô bắt đầu làm xiêm y giày vớ cho Tĩnh vương, số lần cô gặp nàng càng ngày càng ít.
Nàng nghĩ, có lẽ cô đã quên cha từ lâu rồi.
Đầu năm ngoái, nàng quyết tâm đi về phía Tây, bao nhiêu lần ngỏ lời với mợ rằng nàng muốn đến vương phủ thăm cô, là bấy nhiêu lần bị từ chối thẳng thừng.
Mợ nói phu nhân yếu người, không tiện gặp khách.
Chính từ lúc đó, cô đã mang thai.
Cuối cùng, cô thực sự là cô nàng, biến thành thê tử của người khác, mẹ của đứa trẻ khác.
(còn tiếp).