Vị Bắc Xuân Thiên Thụ

Chương 15: Tĩnh Vương Phủ


Bạn đang đọc Vị Bắc Xuân Thiên Thụ – Chương 15: Tĩnh Vương Phủ


Tĩnh vương phủ nằm trong phường Vĩnh Hưng ở Trường An, gần sát cổng Cảnh Phong.

Dọc theo tường hoàng thành về phía Bắc, ngang qua cổng Diên Hỉ và cổng Trọng Minh chính là nội cung, Tĩnh vương thái phi rất hay đi con đường này vào cung.
Tĩnh vương thái phi được gả vào tôn thất, là thím họ của thiên tử, lại là em gái ruột của đương kim thái hậu.

Thái hậu ở Thái Cực cung, lão vương phi thường vào cung nói chuyện phiếm giải sầu với thái hậu, chỗ ở cũ của Tĩnh vương phủ gần với cửa cung hơn.

Năm trước lão vương phi tổ chức đại thọ sáu mươi, thái hậu hoàng đế lên loan giá đích thân đến chúc mừng.

Người trong người ngoài Tĩnh vương phủ bận bù đầu bù cổ, Tĩnh vương chưa được ngơi nghỉ thì ngày Tết lại tới.

Chiều ba mươi, Tĩnh vương vẫn còn trong cung, người cả phủ đều bận bịu, vương phi và mấy tiểu thiếp cùng lão vương phi ở ngoài thu xếp.

Nội viện giăng đèn kết hoa, đèn đóm sáng trưng, thế nhưng một bóng người cũng khó trông thấy.

Bấy giờ, Tiết phu nhân ở Lệ Gia các đang bị cơn đau bụng quằn quại hành hạ.

Tình trạng thai nhi của Tiết phu nhân không được ổn định, luôn ở trong vườn tĩnh dưỡng.

Lúc này trong vườn không có ai, may mắn là mấy ma ma hành sự thận trọng do Tĩnh vương bố trí đến đều có mặt.

Phòng sinh sớm đã chuẩn bị đâu vào đấy, ma ma đỡ đẻ thò tay vào trong váy thăm dò, nước ối đã vỡ, biết thai khí đã động, e là sắp sinh, lập tức lên tinh thần, đóng cửa đốt đèn, thêm than nấu nước.

Ma ma hộ sinh kéo thị nữ Thu Quỳ của Tiết phu nhân: “Đi, đi bẩm báo với chủ tử, phu nhân sắp sinh rồi!”
Vương gia chưa về, Thu Quỳ thở hổn hền tìm kiếm hơn nửa phủ đệ, giữa đường bị thị nữ Lưu Ly của vương phi chặn đứng: “Làm cái gì mà hùng hục đâm hết cái nọ đến cái kia thế!” Thu Quỳ túm lấy Lưu Ly như tìm được cọng rơm cứu mạng, lắp bắp nói: “Phu nhân…!phu nhân sắp sinh.”
“Chả phải chưa đủ tháng à?” Lưu Ly nhướng mày, hỏi: “Các ma ma đều ở đó sao?”
Thu Quỳ gật đầu, lòng bàn tay đổ đầy mồ hôi: “Ma ma…!bảo nô tỳ đi thông báo.”
“Nếu các ma ma đều ở đó thì cô cuống lên làm gì.” Lưu Ly nói, “Vương phi đang trong phòng nói chuyện với thái phi, để ta vào báo cho.”
Tĩnh vương phi Quý thị đang ngồi trong noãn các cười khúc khích hầu mẹ chồng, cùng chờ vương gia rời cung về phủ.

Nghe Lưu Ly tới thông báo, chỉ biết nuốt ngược vào bụng câu bông đùa đã tới bên mép, khóe miệng cứng đờ.

Lão vương phi thấy con dâu bỗng dưng ngớ ra, hỏi: “Có chuyện gì?”
Lưu Ly đáp ngay: “Lệ Gia các sai người đến báo, Tiết phu nhân hình như sắp sinh rồi ạ.”
“Ôi chao, sao lại sinh vào giờ này chứ.” Lão vương phi vội đứng dậy, “Vương gia vẫn chưa về, đi đi đi, đi xem sao.”
Tiết phu nhân khó sinh, tới tận lúc lên đèn mà đứa nhỏ chưa chịu ra.

Người hầu thân cận của vương gia tiến cung truyền tin tức, Tĩnh vương gia hay tin thì gấp gáp trở về nhà.

Trong phủ không thấy bóng dáng chủ nhân đâu, cả tốp nữ quyến tụ tập hết bên ngoài Lệ Gia các.


Tính tình Tiết phu nhân vốn điềm đạm, nói chuyện lúc nào cũng nhỏ nhẹ, mà giờ đây tiếng kêu la trong phòng có thể hình dung là tiếng sau còn khàn hơn tiếng trước.

Tim Tĩnh vương gia co thắt, biết tình hình không ổn.

Lão vương phi đợi nửa ngày trời, nước nóng bưng hai lượt nhưng đứa nhỏ vẫn chưa có dấu hiệu chui ra, ruột gan loạn cào cào.

Pháo hoa trong ngoài cung bắn thẳng lên trời nổ đùng đùng, lão vương phi không nhịn được niệm một câu A Di Đà Phật.

Con nối dòng của Tĩnh vương phủ ít ỏi, năm nay Tĩnh vương đã bên bờ tứ tuần, dưới gối hiện chỉ có hai quận chúa nhỏ.

Bật luận là ai, chỉ cần có thể sinh thêm con trai cho vương phủ, lão vương phi chắc chắn sẽ cầu xin ông trời phù hộ.

Căn phòng nóng hầm hập không ngồi nổi, nghe tiếng kêu khàn cả cổ của Tiết phu nhân ở trong, Tĩnh vương quýnh đến độ vòng tới vòng lui.

Trước kia Tiết phu nhân xuất hiện triệu chứng động thai, lúc mang bầu tâm trạng u uất, khi nào cũng lo âu dự đoán ngày mình lâm bồn.

Đã thế, thằng nhóc này còn đá chân, cũng có phải thai đầu đâu mà khó sinh vậy chứ?
“Chấp Gia.” Lão vương phi nhìn con mình mà hoa mắt chóng mắt, quở trách: “Con không ngồi yên được thì ra ngoài đứng đi, đừng có đứng trước mặt người ta cho thêm phiền phức nữa.”
“Mẫu thân!”
“Ai sinh con đều phải bước qua quỷ môn quan này, con cũng đâu phải lần đầu làm cha, sốt sắng cái gì!”
Tĩnh vương thở dài một hơi, đứng lên bước ra ngoài, dẫu lòng nóng như đốt chậu than, nhưng vẫn chỉ đành đứng ngoài phòng hứng gió rét.

Vương phi Quý thị thấy vương gia cởi áo lông cáo, bèn ôm lấy đuổi ra theo thì chứng kiến hình ảnh vương gia dáng thẳng như ngọc, khoác tấm áo mỏng đứng trong gió mà chẳng hề thấy lạnh, hai bàn tay chắp vào nhau cầu nguyện với trời: “Ông trời ơi, xin ông hãy phù hộ mẫu tử bình an, mẫu tử bình an, mẫu tử bình an…”
Quý thị ôm áo lông cáo, lặng lẽ xoay gót trở về.

Giọng sản phụ đã khản đặc, khí lực càng ngày càng yếu, ánh nhìn dần tan rã.

Ma ma cuống cuồng, đổ nửa bát tổ yến của Tiết phu nhân, thúc giục liên hồi: “Phu nhân, dùng sức rặn, nếu đứa nhỏ không ra thì rất nguy hiểm!”
Tiết phu nhân siết chặt khăn trong tay, thét lên tiếng đau đớn thật dài, rồi chợt cảm thấy thân dưới có luồng nhiệt mãnh liệt tuột khỏi người mình, cơ thể nhẹ tênh, hôn mê bất tỉnh.

Ma ma kéo đứa trẻ sơ sinh hơi thở mong manh ra từ dòng máu loãng, vỗ nhẹ vào mông nó, nghe thấy tiếng đứa nhỏ òa lên khóc, kiểm tra tỉ mỉ một phen mới thở phào nhẹ nhõm.

“Chúc mừng vương gia, chúc mừng vương gia, là một tiểu công tử!” Giọng ma ma xúc động và ngập tràn vui sướng.

Vương phủ đã nhiều năm không ai sinh con, hiện giờ có tiểu công tử để bồng bế, ma ma hộ sinh cũng lấy làm vẻ vang.

Tiết phu nhân bên cạnh được đút mấy chén thuốc, dần dần tỉnh lại, ma ma tiếp lời, “Mẫu tử bình an.”
Ngoài phòng tiếng reo vui vỡ òa, Tĩnh vương hạnh phúc khôn xiết, liên tục cười nói: “Thưởng!”
Lão vương phi nôn nao ngóng cháu trai vừa chào đời của mình, đợi ma ma bọc đứa nhỏ ôm nó ra ngoài.

Đứa nhỏ mới sinh, hai mắt díu dít lại, khuôn mặt bé xíu nhăn rúm ró, nhưng vẫn có thể nhận ra nét xinh xắn khả ái.


“Có điều em bé gầy quá…!Chọn thêm mấy bà vú nữa, chăm bẵm bồi bổ cho công tử.” Lão thái phi cười chuyển đứa nhỏ cho Tĩnh vương, “Chấp Gia, con lại bế đi này.”
Tĩnh vương thấy Tiết phu nhân tạm thời không có gì quá đáng ngại, lòng đầy hân hoan ôm đứa nhỏ vào lòng.

Đứa nhỏ mới lọt lòng cùng lắm cũng chỉ vừa tầm một vòng tay, nằm gọn lỏn trong tã lót, cặp mắt tròn vo đen nhánh ngây thơ nhìn ông.

Trái tim Tĩnh vương lấp đầy niềm sung sướng lẫn sự chua xót, đây là trưởng tử của ông, đối với một người làm cha mà nói thì điều đó có ý nghĩa rất phi thường.

Giờ khắc này, bầu trời kinh thành rợp pháo hoa muôn sắc, thiên hạ cát tường.

Cuối năm ba mươi Tết, sắp sửa bước sang một năm mới, Tĩnh vương nắm bàn tay bé tí của đứa nhỏ, nhất thời có cảm giác lệ nóng quanh tròng.

Hôm sau là mồng một Tết, hoàng đế dẫn bách quan đi tế trời, lão Vương phi vào cung yết kiến thái hậu.

Quan văn quan võ cả triều, trong ngoài cấm cung đều biết Tĩnh vương mới có quý tử, trong cung thưởng tiền cho lễ ra đời và lễ tắm rửa* của đứa nhỏ.

Hoàng đế hứng khởi, ban tên cho con trai cả của Tĩnh vương, nhũ danh là Tuế Quan.

(*Chú thích ở cuối chương)
Tin tức truyền đến tai chủ quản Hình bộ là Tiết gia.

Tiết Quảng Hiếu nghe tin đêm qua em gái mình đã sinh hạ trưởng tử cho vương gia, tảng đá lớn trong lòng rốt cuộc cũng rơi xuống, niềm vui lan tràn lên tận chân mày.

Vừa kể với Tào thị ở hậu viện, Tào thị luôn miệng niệm Phật, kể khổ không ngừng: “Lão gia, lỗi lầm của thiếp giảm được một nửa rồi.”
Tiết Quảng Hiếu trợn mắt thổi râu: “Đi chuẩn bị ít quà cáp cho tử tế vào, chọn ngày đẹp rồi tới Tĩnh vương phủ thăm phu nhân.”
Sau sinh sức khỏe Tiết phu nhân suy yếu, lão vương phi tạm thời đưa Tuế Quan về cạnh mình chăm.

Vương phi Quý thị bận mấy ngày liền đâm ra bị ho, hôm đó sang thỉnh an lão vương phi, thấy nhũ mẫu dỗ Tuế Quan ngủ, trộm vía đứa nhỏ đã bụ bẫm hơn, trên người thoang thoảng mùi sữa, mở to hai con mắt đen láy ngơ ngác nhìn người khác, cực kỳ đáng yêu.

Vương phi xuất thân từ nhà Quý thái phó, mọi thứ cả về tính cách lẫn gia thế đều vượt trội.

Chỉ tiếc vào vương phủ nhiều năm mà chưa có mụn con nào, giờ nhìn Tuế Quan thì lòng dạ xót xa khôn cùng.

Lão vương phi dẫu chẳng nỡ nhưng vẫn phải giao đứa nhỏ cho nhũ mẫu bồng đi bón sữa, miễn cưỡng xoay người nói: “Mấy ngày nay phủ ta bận quá, làm con lao lực sinh bệnh rồi.”
“Đây đều là bổn phận của con dâu ạ.” Tính Quý thị hiếu thắng, sau khi lấy Tĩnh vương, các việc trong ngoài phủ đều xử lý hết sức ổn thỏa.

Tuy nhiên gần đây đã bắt đầu thấy uể oải.

Sống chung nhiều năm, chung quy lão vương phi vẫn thương con dâu, mẹ chồng nàng dâu hai người tán gẫu một hồi, lão vương phi vỗ tay Quý thị an ủi: “Trước giờ con là đứa trẻ ngoan thông suốt lý lẽ, mấy năm nay ta cũng biết nỗi khổ tâm của con.


Nhưng con cũng phải nhớ rằng— con là do hoàng thượng ban, Chấp Gia lấy con làm Tĩnh vương phi, đứa nhỏ con sinh ra về sau chính là đích tử của vương phủ.

Thế tử Tĩnh vương, không một ai giành được.”
Hốc mắt Quý thị ươn ướt, gật đầu vâng dạ.

lão vương phi nói tiếp: “Con còn trẻ, bình thường nên nghỉ ngơi điều độ chứ đừng cậy mạnh, muốn an dưỡng thì phải nghe theo lời thầy thuốc căn dặn.

Nếu vương gia làm con giận chuyện gì, ta sẽ dạy dỗ nó cho con.”
Hễ có thời gian là Tĩnh vương nhất định sẽ lại qua Lệ Gia các thăm Tiết phu nhân.

Phu nhân tĩnh dưỡng trên giường thường hay lén khóc, có lúc nhìn Tuế Quan nắm bàn tay nhỏ bé nằm trong lòng nhũ mẫu uống sữa, hiếm hoi lắm mới thấy nụ cười xuất hiện trên môi bà.

Tĩnh vương trông bà như thế, nghiễm nhiên là có phần hụt hẫng: “Anh cả của nàng chuyển thiếp xuân, bảo muốn tới phủ thăm nàng, ta từ chối rồi.”
Tiết phu nhân sụt sùi: “Vương gia cần gì phải làm thế, đây đâu phải lỗi của anh trai chị dâu, chỉ trách thiếp thôi.”
Tĩnh vương tiếp lời: “Nàng nhìn xem, hôm nay Tuế Quan lớn hơn một chút rồi, trông càng ngày càng giống nàng.”
Tiết phu nhân vô cùng đau khổ: “Đáng tiếc là thằng bé lại có người mẹ xấu xí như thiếp, đến lúc nó trưởng thành thể nào cũng căm hận thiếp.

Vương gia, chẳng bằng để thiếp chết quách cho xong!”
Tĩnh vương bất lực, thở dài một hơi: “Con cũng có rồi, nàng nói mê sảng gì thế, đứa nào không là máu mủ nàng sinh ra, nàng đâu thể bên trọng bên khinh vậy được.”
Tiết phu nhân chưa thôi khóc, nước mắt tuôn đầm dung nhan kiều diễm: “Tuế Quan là con thiếp, Nữu Nữu cũng là con thiếp, Tuế Quan luôn nằm cạnh thiếp, nhưng Nữu Nữu bây giờ biết đang ở đâu chứ.

Vương gia…!có tin tức của Nữu Nữu không?”
Tĩnh vương ôm Tiết phu nhân vào lòng, lau đi dòng lệ trong suốt lăn dài trên hai gò má phấn, dịu dàng vỗ về: “Đừng khóc đừng khóc, ta sẽ tìm cho nàng, dù có lên trời xuống biển, đào ba tấc đất, ta cũng sẽ tìm ra con gái của nàng.”
Tĩnh vương dỗ dành một hồi, giật nhẹ tấm áo choàng nhăn nhíu, đi tìm lão vương phi.

Thấy Quý thị đang ngồi trong phòng mẹ mình chép Kinh Thư, Tĩnh vương nghĩ, cũng được, đỡ phải chạy ngược xuôi hai nơi nói hai lần.

Thế rồi, ông lập tức bày tỏ suy nghĩ của bản thân với mẫu thân và thê tử.

Tiết phu nhân bước vào vương phủ không danh không phận, đội cái danh thê thiếp ở Lệ Gia các ba năm, hiện tại lại sinh hạ Tuế Quan, Tĩnh vương thấy có phần áy náy, định cất nhắc bà lên làm trắc phi.

Quý thị cắn môi chẳng nói chẳng rằng, lão vương phi tức đến độ mặt xanh mét, thốt ra hai chữ: “Không ổn.”
Tĩnh vương biết chuyện nan giải, hỏi: “Mẫu thân thấy chuyện này có gì không ổn? Anh cả nhà mẹ đẻ của Miểu Miểu là Tiết gia, chủ quản Hình bộ, gia thế vô cùng trong sạch.

Còn nữa, tính tình Miểu Miểu mẫu thân cũng biết mà, dịu dàng hiền thục, không tranh giành thế sự, già trẻ trong phủ có ai không ca ngợi.

Mà nay đã có đứa nhỏ, chung quy rằng là có ai biết trước mặt người ta thế này, nhưng sau lưng lại thế nọ thế kia, sao có thể để mẹ ruột trưởng tử của Tĩnh vương lại là thị thiếp của vương phủ!”
Lão vương phi đã liệu trước được lý do luồn lách ấy của con trai mình: “Câu nào vương gia nói cũng hợp lý, đổi lại người khác, chẳng cần vương gia lên tiếng, ta ắt sẽ dặn dò như vậy.

Nhưng thân phận của Tiết phu nhân ra sao…!lâu nay mọi người giả đui giả điếc cùng vương gia, nên vương gia tưởng rằng chúng ta đã mù điếc hết thật rồi ư?”
Tĩnh vương cau mày, tuy nhiên nếu không để ý thì sẽ không thể nhận ra.

Thân phận của Tiết phu nhân, quả thực là khó xử.

Năm đó Tĩnh vương phụng chỉ khám xét Vi gia.

Đang ngồi trong đại sảnh kiểm kê tài sản của Vi gia, bất thình lình nghe thấy tiếng người ồn ào ở hậu viện, nói là có nữ quyến không chịu vào dịch đình làm nô, bèn nhảy xuống hồ nước tự vẫn.


Nhất thời ông nổi hứng đánh mắt qua nhìn, người đã được cứu lên bờ, vẫn chưa chết ngạt.

Tấm vải trắng che đi khuôn mặt người phụ nữ, nửa mình dưới là chiếc váy lụa Khinh La màu san hô đính hạt châu.

Váy lụa thấm nước ướt sũng sĩnh dán vào da thịt, cặp đùi ngọc thon dài thẳng tắp, hài và tất đã rớt chỗ nào, phô bày đôi bàn chân không bó mềm mại, khung xương như ngọc, nõn nà trong suốt, vừa đủ nắm tay, ngón chân tròn tròn tựa viên ngọc vỏ sò ánh hồng.

Sau khi âm thầm nghe ngóng, mới biết bà là em gái ruột của một quan viên họ Tiết trong kinh, mấy năm trước đã thành góa phụ, sống nương nhờ vào anh trai ở nhà mẹ đẻ.

Sau đó, không hiểu vì sao lại lọt vào mắt xanh của Vi Thiếu Tông, bị ép vào phủ làm thiếp, vụng trộm ở hậu viện hai năm, nghe nói rất được yêu chiều.

Kể cũng lạ, Vi Thiếu Tông phong lưu trụy lạc, trăng hoa thành thói, vậy mà lại ham mê hương sắc của một góa phụ đã qua thời son rỗi.

Tâm tư Tĩnh vương xao động, thủ đoạn cũng có phần xấu xa, đến sau khi nếm thử mùi vị đêm xuân trên ban công Tương Vương, mới hiểu được chỗ hay của người đàn bà này.

Quả là quốc sắc thiên hương, quyến rũ thiên thành*.

(*Thiên thành ở đây nghĩa là cái tự nhiên sẵn có, mình để thiên thành cho nó thành cặp với “thiên hương”)
Vốn chỉ là tham lam chút sắc đẹp, ban đầu Tĩnh vương nghĩ sẽ nuôi ở ngoài một thời gian, ấy là để đỡ thèm thôi.

Nào ngờ từ đó lại không bỏ được, quen ăn bén mùi, cuối cùng là đưa hẳn vào vương phủ, cho tới thư phòng hầu mài mực.

Lúc Tiết phu nhân vào Tĩnh vương phủ, vương phi Quý thị và Tĩnh vương đã ầm ĩ một trận.

Tĩnh vương coi trọng một góa phụ, việc đó đã khiến Tĩnh vương phi phải cắn răng hứng chịu không biết bao nhiêu là châm chọc khiêu khích trước mặt các phu nhân thế gia, dâng lòng quyết tâm bằng mọi cách phải đuổi người phụ nữ này ra ngoài.

Quý thị sinh ra từ gia đình dòng dõi, khinh thường những mánh khóe nham hiểm, chỉ chờ moi ra được lỗi của Tiết thị là đuổi bà ra khỏi phủ ngay.

Có điều, ngoại trừ sự khuyết thiếu về đức hạnh của một người đàn bà, ở những mặt khác Tiết phu nhân không hề mắc sai lầm, như hồ lô bị cưa mất miệng, tảng đá không nở hoa, không kiêu ngạo gắt gỏng, tầm thường giản dị, tiến lùi có lễ.

Cộng thêm việc được Tĩnh vương cưng chiều, đã trải ra con đường cho Tiết phu nhân bước đến hiện tại.

*Lễ ra đời: Nghi lễ sinh đẻ truyền thống của Trung Quốc, thường được cử hành 3 ngày sau khi đứa trẻ sinh, hình thức tổ chức có sự khác biệt giữa các vùng miền và dân tộc.

Nhà có con mới sinh tặng quà bánh mừng cho bạn bè thân thích được mời, bạn bè thân thích cũng sẽ tặng cho mẹ và em bé những sản phẩm dinh dưỡng.

*Lễ tắm rửa: Trẻ sinh đủ ba mươi ngày sẽ tiến hành làm mâm cúng đầy tháng, tục xưng “sang tháng”.

Lúc này phải làm ba việc, trong đó có tắm rửa, gọi theo cách cũ là đỡ đẻ, trẻ con phải chờ sang tháng mới cho tắm.

Khi tắm, trước tiên cử hành nghi thức, chuẩn bị lễ vật tạ ơn thần linh và báo với tổ tiên, sau đó dùng “cỏ giờ Ngọ” (thủy xương bồ, bụi gai để khô còn sót lại trong tết Đoan Ngọ) đốt lên cho em bé tắm.

Thả tiền đồng đỏ vào bồn tắm, mời cụ bà (vì người ta cho rằng cụ bà thì mệnh tốt) tắm cho em bé.

Ngoài ra còn hai việc nữa là cạo đầu trái đào và chia trứng gà đỏ cho trẻ con nhà hàng xóm.

(còn tiếp).


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.