Bạn đang đọc Vấp ngã tuổi hai mươi – Chương 9
Chương 9: Đỏm dáng là dấu hiệu ban đầu của người biết yêu
Hè năm thứ nhất, tôi và Linh cũng không về quê. Linh năn nỉ nhờ tôi giúp một việc rằng, nếu bố Linh có hỏi thì bảo đi làm thêm với tôi. Tôi cũng thay Linh nói dối. Mẹ tôi dặn dò:
– Làm gì thì làm, phải giữ mình nghe chưa?
– Con đi làm gia sư, lương ổn định, ngày có hai tiếng thôi mẹ à. Mẹ đừng có lo. Ông bà chủ của con tốt lắm. Hôm nào bận học, có thể nghỉ và cho dạy bù vào ngày hôm sau mà.
Tôi cũng nói dối để mẹ yên tâm. Vì nếu nói tôi làm phục vụ ở nhà hàng ăn, thì chắc chắn mẹ lại tưởng tượng đến những cô gái qua các bộ phim truyền hình Đài Loan, Trung Quốc, với bộ đồng phục: mặc váy siêu ngắn, đi giày siêu cao, và khuôn mặt được tô vẽ cũng siêu kĩ càng. Điều đó chỉ khiến mẹ thêm lo lắng hơn, mà sự thật thì nhà hàng tôi đang làm thêm không phải như thế. Ngược lại, môi trường làm việc rất sang trọng, rất sáng sủa, và hết sức lịch sự.
– Mẹ chẳng biết tụi bây sống, ăn ở và học hành ra làm sao. Kể mà trường con học, nó gần nhà thì bố mẹ còn lên thăm, mang gạo, mang ngô, mang khoai cho con như mấy người gần nhà mình. Con làm mẹ đâm lo. Xem mấy vụ án án trên tivi mà mẹ sợ quá. Con đi làm, thấy có gì bất thường từ đầu là phải nghỉ ngay, con à. Con đi làm thì mẹ cũng không cấm, nhưng đừng có để ảnh hưởng việc học nghe không? Có chuyện gì thì cũng phải điện thoại về nhé. Bố mày đi đâu cũng khoe cái Di Đan nhà này thế nọ thế kia. Cho nên ráng giữ thân mà học hành tử tế, con à.
– Con biết rồi mà mẹ. Con đi làm, gom tiền rồi con mua một cái di động tặng mẹ. Chứ mỗi lần gọi về nhà bác hàng xóm, con thấy cứ thế nào. Con thấy bác ấy tỏ vẻ khó chịu lắm.
– Thôi thôi, suốt ngày xắn gấu quần lên bì bõm ở đồng ruộng. Mẹ dùng di động làm gì. Có tiền thì cứ để mà ăn cho khỏe, con à.
Tôi nghe thấy tiếng bác hàng xóm kêu lên:” Nhanh nhanh bà ơi, tôi cũng đang chờ điện thoại của thằng con đây này. Nói gì mà lâu thế”. Mẹ tôi rối rít: “ Dạ dạ, xong ngay đây bác”. Mẹ tôi luống cuống nói vài từ rồi vội cúp máy, khiến tôi cũng chẳng rõ nữa. Tôi thấy giận bác hàng xóm, chẳng “tối lửa, tắt đèn có nhau” gì cả.
Tôi bước vào kì học hè năm thứ nhất, nhìn đứa nào ở lớp cũng già đi. Không già tự nhiên theo năm tháng thì cũng già bởi phấn bởi son. Tôi thấy khuôn mặt mình chẳng còn ngây ngô nữa. Tuy không quệt phấn trắng, tô son hồng như các bạn khác thì tôi cũng chẳng còn giống một cô gái từ quê lên thành thị học của ngày nào. Lông mày không còn mọc tứ lung tung, tôi đã tự tỉa mảnh thành một đường cong, tuy nhiên thì nhìn hai bên cũng không được cân xứng cho lắm. Tôi không còn mặc quần vải, áo sơ mi trắng như bộ đồng phục đến trường thời phổ thông. Tôi diện quần jean, áo thun, cũng đủ màu xanh, đỏ. Tóc tôi thay vì dài đến hông, đen óng bởi nước bồ kết và thơm mùi hoa bưởi như ở quê thì giờ được cắt ngắn ngang vai, duỗi thẳng và buộc cao như đuôi gà. Cám giác như chính tôi cũng đang lột xác như một con cua đến ngày phải thay cái mai của nó vậy. Hiếu ngồi cạnh tôi, trâm trọc:
– Đan khác thế, yêu rồi hả?
– Sao cậu hỏi thế? Cậu cũng vậy mà, đầu tóc để dài ra, cái ngắn cái dài như trai Hàn ý nhỉ, còn nhuộm màu tây tây nữa chứ.
– Ừ! Đang yêu. Thế mới hỏi Đan, Đan yêu à?
– Làm gì có! – Tôi chối thẳng, rát rát da mặt.
– Vậy làm gì mà ửng mặt lên thế kia? – Hiếu cười đểu.
– Ừ thì có, thích thích thôi. Chứ chưa có gì. Tôi thề đấy.
– Cái thằng bên IT chứ gì, tôi coi rồi, đẹp trai dữ. Di Đan nhà mình khéo chọn người vậy ta. Nhưng mà cảnh báo à nha, trai đẹp như nó, như tôi là đa tình lắm đó. Haha.
Tôi nhớ hồi mới vào lớp, Hiếu như ông già, nhà quê y như tôi. Hiếu còn bảo, nhìn con gái thành phố ghét lắm, mặc quần jean bó chặt người, cạp quần thì trễ hở lung tung, có ngày bắt con kiến bỏ vào, cho chừa cái thói ăn mặc thiếu vải đi. Tôi cười khoái. Thế mà chưa đầy một năm sau, ai cũng khác, ai cũng như người thành phố với cách ăn mặc hợp thời. Hiếu khác, tôi cũng khác. Hiếu kể tôi nghe, cậu ta đang để ý một cô bạn ở lớp bên, xinh gái, học giỏi, nhà giàu và cực kì kiêu căng. Cô ta thì tưởng Hiếu không thèm để ý đến mình nên cứ ngày một dấn thân lại chinh phục. Hiếu càng khoái, càng chơi trò nhử mồi cho cá ăn. Tôi bảo Hiếu mới là người kiêu. Hắn cười nghiêng ngả:” Con gái bây giờ dại lắm, ngu lắm cơ”. Tôi nhíu mày nhìn sang phía hắn, cái đầu hắn vẫn lắc lư theo tiếng nhạc, khuôn mặt chữ điền nghênh nghênh nhìn lên trên bục giảng, đôi mắt nhắm hờ như kẻ say. Câu nói đó làm tôi suy nghĩ miên man mãi.
Phải nói, Hiếu là cậu bạn tốt, rất thật và cực chân thành. Có buổi sáng, hắn còn mua cả khoai luộc, bánh mì cho tôi ăn sáng chung. Hắn sẵn sàng dắt bộ chiếc xe đạp bị hỏng hóc của tôi đi sửa chữa giữa cái nắng gay gắt của trưa Sài Gòn mà chẳng phàn nàn hay kể công, đòi tôi thứ này thứ khác để bồi dưỡng. Những ngày hắn nghỉ học, tôi lại xé giấy trong tập vở để viết giấy xin phép gửi lên cho thầy cô giáo bộ môn nào khó tính và cần phải điểm danh sinh viên để cộng thêm vào cột điểm chuyên cần. Đến bài kiểm tra, tôi và hắn lại thường xuyên làm chung đề, để rồi có lần sai y chang nhau bị giáo viên phát hiện và phạt bằng cách chia đôi số điểm.
Hắn rất khó hiểu, khi thì như trẻ con, khi thì học đòi làm người lớn. Có lẽ, hắn yêu rồi chăng? Vì hắn bảo chỉ có yêu, con người ta mới chịu thay đổi để làm hài lòng đối phương mà. Tôi gãi đầu:” Mình đã thay đổi những gì mà cho là yêu nhỉ?”