Bạn đang đọc Vấp ngã tuổi hai mươi – Chương 5
Chương 5: Xin việc làm thêm và mối thù thời thơ ấu
Chúng tôi nhăn nhó với hai bản hồ sơ xin việc trên tay để đến nhà hàng ăn lớn ngay trung tâm quận Một giữa cái nắng gay gắt của Sài Gòn. Linh dặn, chủ quán hỏi đã có kinh nghiệm chưa thì cũng phải gật đầu lia lịa. Linh nhắc, chủ quán có yêu cầu làm thử một việc gì đó thì cũng cố gắng hết mình và tập trung hết sức… Tôi gật gù:
– Thưa chị là em nhớ rồi, mấy cái kĩ năng phỏng vấn mà chị tìm kiếm trên mạng hôm trước em đã thuộc làu làu. Chăm chỉ học hành đến nỗi đêm ngủ còn bi bô tập nói, tập nhớ cách đi đứng, học phép cư xử lịch sự thế nào cho phải phép là chị biết rồi đó.
– Hôm nay cô Cám Đan nhà mình ngoan ghê.
Tôi lại trề môi đáp lại Linh. Linh giương tay lên cao, cái miệng tru tréo dọa nạt:
– Thích cong cớn hả?
– Gớm quá. Trọc chị Tấm Linh thì chị khoét mắt em ra à…
Nhà hàng rất lớn, có bốn lầu, được xây theo kiến trúc thời Pháp thuộc và quét vôi màu trắng xám rất ấn tượng. Tôi nhớ như in hình ảnh Diệu Linh mải ngắm ngía nhìn tòa nhà mà lớ ngớ đâm sầm vào bụi hoa trước cổng. Đầu gối Linh gập xuống mà miệng vẫn xuýt xoa:” Đan ơi. Tòa nhà đẹp quá!”
Tấm bảng đen ghi phấn trắng đặt ngay ngắn trước cổng ra vào:” CẦN TUYỂN GẤP TIẾP TÂN, NHÂN VIÊN PHỤC NỮ NỮ, LƯƠNG CAO”.
Tranh thủ Linh đang ngồi nghỉ ở ghế đá nhà hàng bên cạnh để nắn bóp lại cái chân đau, tôi vội đi tới gần cửa nhà hàng, kiễng chân nhòm ngó vào sâu bên trong thăm dò một lượt. Ngay ngoài cửa đã có hai cô gái xinh đẹp, mặc áo dài và nụ cười rất tươi. Công việc của họ mà tôi nhìn qua chỉ là cúi chào khách và kéo cánh cửa ra vào. Theo kiến thức tìm hiểu ở trên mạng thì tôi biết đó là công việc của những người tiếp tân. Bên trong là các cô gái bận váy như những người đầu bếp thường xuất hiện ở các chương trình hướng dẫn nấu ăn trên tivi, trên đầu đội một chiếc mũ nhỏ rất xinh xắn, tay cầm bút và cuốn sổ nhỏ, chăm chú ghi chi chép chép. Sau một vòng thăm dò, tôi quay trở lại và mở túi xách lấy chai nước lọc đã chuẩn bị trước ở nhà đưa cho Linh:
– Chị Linh! Thích mặc áo dài hay mặc váy?
– Chị hả? – Linh tròn mắt vì câu hỏi bất ngờ, và mục đích cũng không rõ ràng. – Thôi, người như chị mày thì mặc cái gì lên người mà chẳng đẹp.
– Ôi, quỷ thần ơi, đừng có tự khen mình mãi thế chứ! – Tôi cười nham nhở. – Không đùa nữa, em thấy họ tuyển tiếp tân thì mặc áo dài, đứng ngoài cửa chào khách. Nhân viên phục vụ thì mặc váy, ghi món ăn khách gọi và dọn lên bàn ăn… Mà hình như còn phải dọn cả bàn xuống dưới khi khách dùng món ăn xong và quét nhà nữa thì phải.
– Thế mức lương thì sao?
– Em thấy họ ghi “ LƯƠNG CAO”, chắc là cao gấp đôi cái tòa nhà này ý nhỉ! – Tôi lại cười khúc khích.
– Gớm! Cô Cám ác vừa vừa thôi chứ. Có bốn tầng mà tôi nhìn lóa cả mắt, vấp ngã sưng cả chân. Giờ lương gấp đôi chắc mắt tôi bị lòa và chân phải bó bột, còn cổ thì gãy làm đôi vì cứ cố ngẩng lên nhìn quá.
Linh là người rất biết đùa và cực kì vui tính nên chúng tôi rất thoải mái, hai chị em chẳng mấy khi so bì hay toan tính những điều nhỏ nhặt (ngoài việc nấu cơm hay giặt quần áo ở phòng trọ). Chúng tôi ngồi thì thầm to nhỏ khoảng mươi phút sau thì chỉnh lại quần áo và bắt đầu đứng lên. Tay Linh nắm chặt tay tôi. Tôi cảm nhận được mồ hôi trong lòng bàn tay Linh ướt sang cả tay tôi:
– Em run quá.
– Đi xin việc chứ có phải đi ăn trộm ngô hay bới khoai của nhà người ta như hồi còn ở quê đâu mà run.
– Rõ ràng là chị cũng run mà còn nói dối.
– Ai bảo thế?
– Tay chị siết chặt tay em như thế này còn gì? – Tôi vùng vằng hất tay Linh ra. – Mồ hôi ở tay chị ướt sang cả tay em nữa này.
– Thôi thôi, coi như chị xin mày. Đứng ngay cái lưng lên xem nào. Á hậu của làng mà lưng cong như vầng trăng khuyết thế này à?
Tôi bật cười, nhìn dáng Linh thật là “thẳng đứng”.
Sau một hồi run rẩy đối đáp với anh chàng trẻ măng tự xưng là quản lý của nhà hàng, thì chúng tôi cũng được nhận vào làm việc với mức lương tám ngàn đồng một giờ, không hạn chế và quản lý thời gian. Linh xin vào làm ở vị trí tiếp tân. Tôi từ chối lời mời của anh quản lý và muốn làm ở khâu phục vụ. Đơn giản vì tôi thích lên tầng này, tầng kia, chạy qua phòng này phòng nọ. Cảm giác đứng gập người chào khách và chôn chân ở một chỗ suốt mấy tiếng đồng hồ là điều tôi không bao giờ dám tưởng tượng đến.
Buổi tối đầu tiên chúng tôi trở về nhà sau tám tiếng làm việc liên tục không ngừng nghỉ. Đồng hồ điểm hai mươi hai giờ đúng. Linh ngã ngửa xuống giường, hai chân co lên lại duỗi thẳng. Tôi thì chạy ngay vào nhà vệ sinh, cơm nhà hàng nấu theo kiểu phương Tây khiến tôi muốn buồn nôn.
– Đan ơi, nấu mì tôm đi. Cơm nhà hàng ngon nhưng mỗi người được một khay bé tí tẹo. Ăn như uống nước ý. Chẳng thấm tháp gì cả…
– Chị nấu mì giùm em đi. Chân em như muốn rụng ra rồi đây này…
– Thôi, mày nấu đi. Hôm qua, chân chị bị sưng. Hôm nay, lại phải đứng liên tục gần mười tiếng đồng hồ nữa…
Sáng hôm sau mở mắt ra chuẩn bị đi học, tôi và Linh ngơ ngác nhìn nhau khi thấy hai cái bát tô còn cẫn nước mì tôm nằm lăn lóc ở chỗ nấu ăn:
– Hôm qua, chị nấu mì cho em ăn à?- Tôi gãi đầu hỏi Linh.
– Đêm qua, vì sao mình lại có mì ăn liền nhỉ? – Linh cạu mày, nhìn lại tôi.
Chúng tôi cười khanh khách vì chẳng nhớ chuyện gì đã xảy ra cả, sau đó cả hai lại tranh giành nhau bằng được cái nhà tắm để vệ sinh mặt mũi trước khi lên trường.
– Mày đèo chị nhé!
– Em nhớ ra rồi, đêm qua em nấu mì cho chị ăn đấy. – Tôi tru tréo và phàn nàn, mà thật ra tôi có nhớ được điều gì đâu.
– Chị xin, chân chị bị đau.
– Lại dùng mĩ nhân kế rồi. Chẹp chẹp.
Chúng tôi long dong tới trường dưới cái nắng dịu dàng của ngày mới.
Từ sâu trong tiềm thức, tôi chẳng bao giờ quên được hình ảnh: chị Linh xinh đẹp của mình đội nắng đội mưa, chẳng quản ngại những ngày đông giá rét hay những cơn nóng nắng hơn bốn mươi độ giữa trưa ngày hè qua nhà đèo tôi đi học suốt một học kì năm lớp chín. Chuyện xảy ra chẳng qua cũng chỉ là hậu quả từ một vài lời trêu đùa quá đáng của những đứa trẻ con với nhau.
Ngày ấy, khi Linh đang ngồi vắt vẻo trên cây ổi giữa vườn và nhai ổi giòn rau ráu, tôi đi ngang qua liền gào lên khi thấy con bọ nẹt bám trên áo Linh:
– Con bọ nẹt nó bám vào lưng áo của chị kìa. Lấy que khều nó ra ngay không là sẽ bị ngứa người đó.
Linh tròn mắt rồi nhanh như sóc, Linh nhảy xuống và lột luôn chiếc áo ra ngay trước mặt tôi. Linh lật lại mặt phải của cái áo nhưng chẳng có con bọ nẹt nào cả. Giọng Linh ráo hoảnh:
– Hay là lúc chị nhảy xuống, nó bị rơi ra rồi ý Đan nhỉ?
– Con bọ nẹt có nhiều chân lắm, không thể rơi ra dễ dàng như thế được đâu. Chị tìm kĩ lại xem nào – Tôi cạu mày.
Đúng lúc đó, anh hàng xóm gần ngay cạnh nhà đi đâu về vội hét toáng lên:” Linh, Đan, tụi mày đang làm cái gì đấy hả?”. Tôi ú ớ không biết nói gì, còn Linh co chân chạy, vừa chạy vừa cố mặc lại cái áo đã xỉn màu.
Vài ngày sau, khi tôi đang ngồi vắt vẻo trên cây ổi giữa vườn và nghe anh hàng xóm huýt sáo bằng ống tre tự làm. Linh đi qua và lại hét lên:” Đan, con bọ nẹt đang ở ngay cổ áo mày kia kìa”. Tôi hốt hoảng và hai chân loạng quạng không tìm thấy cành ổi nào chắc để trụ chân. Tôi ngã sõng soài xuống sân trát bằng nền xi măng cứng nhắc. Đến khi đi lên bệnh viện thành phố, bác sĩ nói tôi bị gãy chân, Linh mới sững người:
– Hôm mày bảo con bọ nẹt ở sau lưng áo của chị là thật hay đùa?
– Em đùa chị làm gì. Chị đang ở trên cây chứ có phải dưới đất đâu, với lại chị chứ có phải con khỉ đâu mà biết leo trèo. Em có bị điên đâu mà đùa dại như thế.
– Mày nói thật hả?
– Em thề có ông trời. – Mặc dù lúc đấy tôi đang nói chuyện với Linh vào lúc chín giờ tối.
– Đan, đừng giận chị nhé!
– Giận gì cơ? – Tôi không hiểu bà chị xinh đẹp với gương mặt đang ngây ngô, và tỏ vẻ ngu ngốc đang nói chuyện gì với mình nữa.
– Chị tưởng mày đùa chị, lại còn bị thằng hàng xóm nó nhìn thấy hết khi chị không mặc áo nên hôm trước chị đùa lại là có con bọ nẹt ở cổ áo của mày. Chị xin lỗi, chị không biết là mày sợ cái con vật có nhiều lông đấy đến như thế. Mà thực ra, nó hiền khô và đẹp mà, màu lông của nó ý, màu xanh đẹp lắm…
Tôi há hốc miệng trước lời giải thích của Linh. Linh đến thăm, tôi đuổi Linh về. Linh qua nhà chơi, tôi khóa cửa phòng laị. Một thời gian sau, bác sĩ nói chân tôi sẽ để lại một vết thẹo dài. Tôi càng bực tức khi nghĩ tới cảnh Linh được khoác lên người những chiếc váy xinh đẹp, còn mình phải đeo tất da hoặc chỉ mặc được quần dài…
Sau một thời gian Linh đưa đón tôi đi học không kể nắng mưa, hay sẵn sàng đạp xe mười cây số để về nhà lấy vở bài tập nộp cho giáo viên khi tôi quên mang đến lớp; thậm chí, Linh sẵn sàng chịu kỉ luật trước nhà trường vì hành vi đánh một bạn gái ở lớp kế bên khi bạn ấy viết lá thư nhằm hăm dọa tôi vì bạn trai của cô ta bị “say nắng” khi gặp tôi và Linh trong một buổi cắm trại… thì mối quan hệ của tôi và Linh mới bắt đầu cải thiện.
– Linh. Chị ghét em hả?
– Chị xin lỗi. Chị không ghét em.
– Chị bảo vệ em để rồi bị chịu kỉ luật của nhà trường là dọn nhà vệ sinh nữ. Chị đúng là bị dở hơi…
Nói xong, tôi tập tễnh đi lấy rễ xương dừa để quét dọn khu nhà vệ sinh và gắt gỏng:” Linh, chân khỏe như chân voi thì đi lấy xô nhựa mà múc nước dội đi, em què như lão thầy bói thì để em quét cho. Nhanh lên, trời mùa đông sắp tối rồi lạnh lắm”.
Khi ấy, tôi nhìn thấy nước mắt Linh lăn ra.
Nhớ lại chuyện đã qua, tôi quay lại hỏi:
– Linh, chị biết ngày xưa em ghét chị nhiều như thế nào không?
– Ghét tao sao còn dầm mưa phùn mùa đông để quét nhà vệ sinh giúp tao làm gì.
– Chị thật là… – Tôi bực tức. – Chị hâm. Chị tin em hất chị xuống đường ngay bây giờ không hả?
Chưa kịp làm gì, cả tôi và Linh đều tròn mắt khi nhìn thấy hai cô gái ở phía bên đường đang ôm và hôn nhau rất thắm thiết.Và sau đó, chúng tôi cũng im lặng suốt đoạn đường còn lại.
Đoạn đường bỗng như bị kéo dài ra…
Ngày thứ hai đi làm về, Linh vẫn quay sang ôm người tôi và ngủ như trước kia. Vậy mà, tôi có cảm giác lạnh hết sống lưng và lòng bàn tay ướt sũng mồ hôi.
Ngày thứ ba, thứ tư và những ngày sau đó, tôi chờ cho Linh ngủ say rồi mới dám lên giường và từ từ nằm xuống bên cạnh. Nhưng nửa đêm, tôi lại bị giật mình bởi một bàn tay lạnh chạm vào người. Tôi mở mắt nhìn lên trần nhà, rồi đưa mắt nhìn sang Linh đang nằm bên cạnh. Ánh trăng soi rõ từng đường nét trên khuôn mặt đẹp của Linh đang chìm trong giấc ngủ ngon lành.