Vấp ngã tuổi hai mươi

Chương 2


Bạn đang đọc Vấp ngã tuổi hai mươi – Chương 2


Chương 2: Kết quả thi đại học

Suốt mười hai năm học, lần nào đi họp phụ huynh về bố mẹ tôi cũng khen tôi hết lời vì được nở mặt nở mày với bà con, lối xóm. Nhưng rồi nụ cười trên khuôn mặt của bố mẹ lại tắt ngấm khi thấy cứ hết đứa nọ con nhà ông kia gói ghém quần áo lên thành phố học, trong khi con gái mình vẫn phải quanh quẩn ở nhà, chẳng có một tờ giấy thông báo nào gửi tới. Ngay cả Linh, nó cũng xa làng và theo bác cả vào Sài Gòn nhập học với số điểm cao vời vợi. Vào thời điểm bấy giờ, khái niệm của Internet đối với tôi là gần như là không hề tồn tại ngoài những buổi học lí thuyết mù mờ cùng những cụm từ Tiếng Anh hết sức khó hiểu. Tất cả học sinh trong làng chỉ còn biết ngóng trông vào bác trưởng thôn cùng lá thư định mệnh. Có những hôm, chúng tôi đến ủy ban nhân dân xã ngồi lì ở trước cổng, đuổi thế nào cũng không đứa nào chịu ra về. Tất cả cũng chỉ là vì cái tờ giấy thông báo đậu hay trượt mà thôi.
Tôi cũng thấp thỏm như bố mẹ, chẳng còn tự tin vào bài dự thi của mình hôm ở Hà Nội nữa. Chờ mãi, mong ngóng hoài vẫn im ỉm, mấy đứa bạn thân đi hết cả rồi, tôi đành xin bố mẹ cho lên huyện học may vá, sang năm ôn thi lại. Bố mẹ thở dài, rồi cũng phải đồng ý, vỗ vai động viên tôi. Hẳn bố mẹ buồn và thất vọng nhiều lắm. Tôi đóng cửa phòng và nằm im, ngẩng mặt nhìn lên trần nhà sáng lem bởi ánh điện vàng vọt. Những con thạch thùng màu vàng chanh bám chắc, thỉnh thoảng phát ra tiếng kêu rồn rộn để bắt muỗi. Tự dưng, tôi cảm giác như lòng kiên nhẫn, sự khôn ngoan, cả sự chịu đựng của mình còn không bằng nổi một con thạch thùng nhỏ như một ngón tay áp út đang rình bắt muỗi. Tôi khóc. Ánh trăng lén lút ngoài cửa sổ đang bị vẩn mây đen che mờ dần…
Lên huyện học may được một tuần, tôi càng thấy tủi thân ình hơn. Trong nhóm mấy đứa bạn chơi thân với nhau, tôi vào tốp đứa học khá nhất, vậy mà … . Có lần buồn, nghĩ vẩn vơ mà tôi đi xe đạp đâm cả vào người trong làng, có khi đi ngã nhào xuống cả con kênh, bì bõm nước bùn đen. Bọn trẻ con đi chăn trâu thấy vậy mà cười phá, mấy bác nông dân nhìn tôi mà tội nghiệp. Tôi khóc. Sống mũi cay xè và ran rát. Quần áo tôi ướt sũng, lấm lem bùn lầy.
– Trời đất, có sao không? Đi đứng phải nhìn trước nhìn sau chứ!– Bác hàng xóm gần nhà tôi dìu hai cánh tay tôi dậy, thở dài. – Thế mày vẫn chưa lên thành phố học hả? Làm gì mà lâu thế?

– Dạ chưa bác ạ! Chắc cháu trượt đại học rồi.
– Mày học hành giỏi giang. Xưa nay tiếng tăm đồn thổi từ làng trên xuống làng dưới mà nói trượt. Nói bậy nói bạ.
– Cháu nói thật mà bác. Đám bạn ở làng đi gần hết rồi, mà cháu đâu có giấy thông báo trúng tuyển nào đâu. – Tôi vừa lồm cồm bò từ dưới kênh lên, vừa phải cố giải thích trước sự kì vọng quá nhiều của người hàng xóm đang đứng trước mặt mình.
– Thế bố mẹ mày không tính cho học cao đẳng hay trung cấp à?
– Dạ, cháu đang học may trên huyện, và ôn thi lại, sang năm cháu thi tiếp.
– À. Ừ. Ráng mà học nghe chưa! Ở quê thì lại lấy chồng quê, khổ tấm thân mày. Phải con hơn cha thì nhà mới có phúc chứ. Ở quê mãi thì còn lâu mới đổi đời được, con ạ. Con bé nhà tao thi ba năm liên tiếp mới đỗ đấy thôi. Mới đi hôm kìa à. Mày mới thi có một năm, ăn thua gì mà như người mất hồn thế này..

– Vâng.
– Mà đừng có nghĩ dại rồi làm liều nghe chưa. Khổ mày, khổ cả bố mẹ mày đấy. Đi đứng ngoài đường thì nhìn trước nhìn sau. Nhìn quần áo mày kìa, lấm lem bùn đất không à. Lát về bố mẹ mày lại thêm lo. Con gái lớn rồi, phải biết suy nghĩ chứ.
– Dạ.
Tôi thở dài như bà cụ non. Bác hàng xóm cùng mấy người đang làm đồng chép miệng, rồi lắc đầu về phía tôi.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê này, cây đa cổ thụ ngay cổng làng đã thành nơi hẹn hò, vui chơi không chỉ của tôi và đám bạn, mà ngay cả những người già, trai gái cũng chọn đây là điểm hẹn lí tưởng trong các ngày hội hay đêm trăng. Còn bây giờ, mình tôi ngồi thút thít nhìn lũ trẻ con làng. Bỗng thấy bản thân mình thật vô dụng.

Tôi bơ vơ. Tôi ho dữ dội. Rồi tôi lại chỉ nghe thấy tiếng khóc của chính mình như đang lạc vào trong gió.
Ở làng tôi xưa nay, cũng không biết là đã có bao nhiêu vụ tự tử chỉ vì thi rớt đại học nữa, mà đa phần lại là nữ. Có lẽ vì lý do đó mà bố mẹ tôi càng thêm lo lắng hơn, thấy tôi có biểu hiện gì khác lạ là hỏi han đến nơi đến chốn. Buổi tối hôm nào, bố thấy mặt tôi rầu rầu là lại trải chiếu ra giữa nền nhà ngủ, bắt tôi vào nằm chung với mẹ bằng được mới thôi. Chắc bố lo tôi sẽ làm điều dại dột. Mẹ thì hết lời an ủi:” Học tài thi phận con à. Chị Di Vân thì đi lấy chồng rồi, còn con thì ráng mà giữ sức khỏe để ôn thi. Con mà có việc gì, thì bố mẹ biết sống làm sao…”. Chị Di Vân đang mang em bé nên cũng không về qua nhà thăm bố mẹ và tôi nhiều như trước. Và hình như cũng bắt đầu từ những buổi tối đó trở đi, tôi bắt đầu tập cách sống không đúng với cảm xúc của mình. Tôi cười ở nhà, cười ở chỗ học may. Và chỉ buồn, chỉ khóc khi đang đi rồi nghĩ vẩn vơ ở ngoài đường, hoặc góc giường trong căn phòng nhỏ riêng của riêng mình.
Gần cuối tháng mười năm đó, cái giờ gà lên chuồng rồi mà bác trưởng thôn còn vào nhà tôi đập cổng, kêu í ới. Tiếng chó la sủa inh ỏi, tôi còn nghe rõ tiếng bổ bảo:”Bà vào phòng con Đan xem nó có đấy không? Trời ạ, con với cái … “. Tiếng đôi guốc gỗ của mẹ nện cồm cộp xuống nền nhà tiến về phía cửa phòng tôi. Mẹ thở dài khi nhìn tôi vẫn chong đèn học, nói với ra ngoài:”Nó có nhà, ông ơi”. Bố hớt hải vừa chạy ra cổng, vừa “Ừ, ừ …”.
Hóa ra là, tôi có giấy báo trúng tuyển vào đại học. Bố tôi chạy bạt mạng ra đường, cười và hô to. Cả khu xóm hôm đó khó có ai mà ngủ được. Bác trưởng thôn bảo giấy báo theo đường bưu điện gửi sai, tìm mãi rồi còn lạc lên cả khu làng trên. Vậy là, ước mơ vào đại học của tôi chẳng cần phải chờ đến năm sau. Đó là một tin tốt bất ngờ. Tôi vô cùng sung sướng.
Tôi cứ đứng ì người ra cầm tờ giấy thông báo trúng tuyển, mặc ẹ đang đưa hai bàn tay gầy guộc trơ gân ra ôm mặt, mếu máo vì niềm vui của đứa con út. Đêm đó, họ hàng nhà tôi đều bị bố sang đánh thức cả, bố mua cả mấy thùng bia và kêu mẹ đi lấy hạt lạc xuống bếp luộc. Bác trưởng thôn dặn, đêm nay phải gói ghém quần áo và gấp sách vở, sáng mai đi Sài Gòn luôn, không thì không kịp nhập học.
Tôi vừa thu đồ, vừa buồn vui khó tả. Tôi chẳng biết mình khóc vì niềm vui của ngày sắp trở thành cô tân sinh viên, hay nỗi nhớ quê hương, xóm làng và bố mẹ khi phải xa nhà nữa. Qua khe cửa sổ nhìn xuống dưới bếp, ngọn lửa vàng leo lắt, những tiếng kêu bập bùng của củi khô còn ẩm ẩm nước bắn ra, kêu độp độp. Tôi thấy hai bàn tay mẹ cứ đưa lên lại đưa xuống liên tục, quyệt hai hàng nước mắt, khóc khóc cười cười. Nhưng biết làm sao bây giờ, tôi cũng lúi húi xuống bếp, rúc đầu vào lòng mẹ. Sẽ phải bao nhiêu lâu nữa đây, tôi mới lại được sà vào lòng mẹ như thế này? Không biết đến lúc nào, bàn tay gầy xương vì nắng, vì gió của mẹ lại luồn qua khe tóc vuốt trơn và an ủi. Mẹ trách tôi vì không nghe lời gia đình, thi vào một trường đại học ở miền Bắc, khoảng một tháng đón xe về nhà một lần. Rồi mẹ lại cười ra nước mắt:
– Mà con gái mẹ lớn rồi nhỉ, phải đi học rồi còn về lấy chồng nữa chứ. Ở nhà mãi, bố mẹ cũng phải già đi thì ai nuôi.

– Học xong, con về nhà ở với bố mẹ luôn. Con không muốn lấy chồng.
– Cha bố nhà cô chứ. Vào Sài Gòn phải chú tâm học hành nghe con. Thiếu thốn gì thì điện thoại về nhà. Bố mẹ chẳng có nhiều nhưng cũng phải nuôi con ăn học đàng hoàng cho bằng con cái nhà người ta. Đừng có ham chơi, ham vui mà hỏng đời con gái. Tụi con trai thành phố nó xấu lắm, phải đàng hoàng, đứng đắn đừng để nó lợi dụng. Nghe chưa Đan?
– Dạ. Nhưng con nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ chị cả, ….
Vòng tay mẹ siết chặt người tôi hơn. Đôi vai gầy của mẹ càng thêm run rẩy. Ánh lửa vàng bập bùng cháy soi rõ gương mặt mặt mẹ tôi, những nếp nhăn nơi đuôi mắt nheo lại, và những giọt nước mắt mằn mặn lăn dài xuống hai bên gò má.
Đêm nay, chẳng cần bố bắt ép như mọi khi, tôi cũng sẽ phải ngủ với mẹ. Ngày mai, tôi đi rồi, ….
Trên nhà, mắt bố đỏ au nhưng những đường nét trên khuôn mặt thì hân hoan lắm, các cô bác hồ hởi bảo:”Dòng dõi họ Đàm nhà mình là vinh danh lắm đấy, chưa đứa nào rớt đại học đâu” hay “Con Di Đan đâu, lên đây bác cho vài chục ngàn để lấy may mắn mai lên đường nào”, … .
Rồi ngày mai, bố đưa tôi đi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.