Bạn đang đọc Vấp ngã tuổi hai mươi – Chương 11
Chương 11: Sự dại dột ngu ngốc
Và chúng tôi đã say đến nỗi chẳng còn biết gì nữa trong căn phòng trọ chật hẹp rộng khoảng mười sáu mét vuông. Chỉ biết rằng sáng hôm sau, chẳng ai còn mặc gì trên người cả, và tôi nằm gọn lỏn trong vòng tay ôm của Nam. Khi đó đã gần mười một giờ trưa. Đầu tôi đau ê ẩm.
Hoảng hốt với tất cả những gì xung quanh. Những loong bia Sài Gòn bị bóp méo, nằm lăn lóc mỗi góc vài cái. Mùi mực nướng nồng nặc, vài cái râu mực cháy đen nhẻm còn sót lại rơi vương vãi, cả hàng dài những chú kiến đen vẫn đang hối hả đi theo đàn tranh thủ tha mồi về tổ của chúng. Chiếc bánh ga tô lần đầu tiên trong đời tôi được tặng còn dang dở, những nụ hồng đỏ màu máu đã bắt đầu thâm đen viền cánh nằm ủ rũ trên bàn. Quần áo dày xéo lên nhau, nằm lung tung ở cuối tấm đệm. Bên cạnh tôi, đôi mắt Nam vẫn nhắm nghiền, hơi thở đều đều phả ra vô tư lự. Còn tôi, kẻ như đang bị hút kiệt sự sống của mình, từng tiếng thở hắt ra đứt quãng, đầy nặng nhọc.
Tôi như kẻ chết ngồi, mắt trân trân nhìn mọi thứ đang phô diễn ra ngay trước mắt mình một cách thản nhiên. Tôi ngỡ tưởng, người đang ở trước mặt là bố và mẹ. Bàn tay trái bố đang chỉ thẳng vào mặt tôi, mắng nhiếc. Nào thì:” Đồ lăng lòa. Đồ rước trai về nhà ngủ. Đồ cho ăn học mà đầu óc toàn bã đậu. Đồ bôi tro trát trấu vào danh dự của cái nhà này, …Trước khi lên thành phố, bố mày dặn đến cạn cả hơi rằng phải lo học hành tử tế. Giờ học chưa được cái chữ nào vào đầu thì thân con gái đã tả tơi thành ra thế này đấy hả. Trời ạ.”. Bàn tay phải đầy gân guốc của bố, nắm chặt lấy cái que mây kêu rắc rắc, đập đen đét xuống nền nhà theo từng tiếng quát tháo buông ra. Còn mẹ thì khóc than ở dưới bếp, cứ cố bênh vực tôi là bị bố chửi vạ lây theo:” Con hư là tại bà. Bà là người không biết dạy con. Nhục, nhục lắm. Nghe chưa hả?, …”. Rồi hàng xóm đứng vây quanh đầy ngoài cổng, ngoài sân xem bố tôi dạy loại con gái hư như thế nào, xem có phải cạo đầu, bôi vôi và bỏ sông hay không. Lũ trẻ con làng thì đang í ới mấy bài ca mà xưa nay chỉ dành cho loại gái không chồng mà chửa. Còn tôi ư? Như bố bảo đấy, lấy cái mo cau mà úp vào mặt khi đi ra ngoài đường. Mà có khi đừng ra ngoài đường nữa, người làng lại bôi nhọ thêm vào bộ mặt của gia đình.
Tôi khóc.
Tôi nặng nhọc, đứng dậy đi lững thững vào nhà tắm. Tiếng nước xối xả, mát lạnh mà chẳng làm tôi tỉnh, chỉ thấy lạnh ngắt như tảng băng tan, buốt tới tận xương, tận tủy và nước mắt đau đớn hòa chung. Tiếc nấc nghẹn ứ cổ họng tôi. Tôi thấy tức ngực, từng hơi thở nhả ra như người hấp hối. Tôi đã giam mình rất lâu trong phòng tắm mà Nam vẫn chưa tỉnh giấc.
– Này, dậy mau!
– Cho con ngủ chút nữa đi cô. Hôm nay con không có học mà.
Nam ngái ngủ, nói lảm nhảm rồi quay người vào trong. Trời đất, chắc hắn tưởng tôi là mẹ anh Hải hay cô giúp việc gì đây:
– Dậy đi. – Tức giận, tôi cầm luôn cả cán chổi quét nhà đánh vào người Nam hai cái.
Nam dụi mắt, tay quờu quờu cái kính ở cạnh đưa lên mắt. Rồi hoảng hốt, há hốc miệng nhìn tôi, kéo chăn lên, đưa mắt lại nhìn mình và đám quần áo cuối tấm nệm. Không để Nam thắc mắc hay nói gì trước, tôi đóng xầm cửa lại, đi ra ngoài:” Mặc đồ vào, nhanh lên”.
Năm phút, rồi mười phút, Nam vẫn chưa bước ra ngoài cửa, trong phòng vẫn im lặng. Tôi đập cửa, Nam cũng không trả lời. Cánh cửa gỗ từ từ đẩy ra, phát tiếng kêu két két:
– Mặc quần áo xong thì về đi, ngồi đấy làm gì nữa. Tính giải thích sao, khỏi cần đi, say xỉn thì cả hai còn biết gì nữa đâu. Tôi cũng có lỗi mà. Tôi đây là gái quê, nhưng cũng chẳng bắt đền hay ăn vạ gì Nam đâu. Đứng lên rồi đi về cho tôi còn dọn dẹp nhà cửa. Chiều tôi còn đi làm thêm nữa chứ. Tôi không rảnh rỗi, thừa thời gian như mấy người đâu. Nghe không hả. … . Sao còn ngồi ì một đống ra đấy. Đã bảo đứng lên cơ mà.
Tôi nói một hơi dài như người chị đang giảng bài cho cậu em trai. Nam vẫn ngồi im, đầu tóc rối bù. Hình như lớp gel xịt tóc tối qua mà cậu ta cố chau chuốt cho đẹp mã thì hôm nay nhìn trông thấy rõ bẩn và xù lên như một con nhím vừa mới thoát ra khỏi cái hang ẩn láu. Tôi lại càu nhàu, nhưng tỏ vẻ cảm thông, dịu dọng xuống một chút:
– Nam vào gội đầu, tắm qua loa đi, không về mẹ anh Hải lại thắc mắc mà mắng cho.
Nam vẫn để cho tôi độc thoại như một con rối. Tôi cũng thấm mệt, mà cũng đuối lý, chẳng còn biết nói gì để cậu ta chịu đứng lên. Sức vóc tôi thì cũng chẳng đủ để có thể lôi cậu ta ném ra đường như mang một bịch rác quăng vào thùng chứa. Tôi đang tức giận, lẫn cả sự căm thù, dẫu vẫn biết, tôi cũng là người có lỗi.
Nam kéo tấm chăn lên, bảo tôi nhìn xuống “vết máu” đó. Tôi cáu bẳn, nhưng tỏ vẻ không quan tâm, rồi cười nửa miệng:
– Đã bảo đây không không thích ăn vạ hay bắt đền mà. Đứng lên, đi về không tôi gọi chủ nhà đấy.
– Ừ. Lúc nào Đan khỏe, Nam qua rồi mình nói chuyện sau.
Nam trả lời cụt lủn rồi đứng dậy bỏ đi.
Tôi đứng lên khép cửa phòng. Dáng đi xiêu vẹo, oặt ẹo như mầm cây đang vươn mình trỗi dậy, nhưng thật không may nó lại bị lệch hướng.
Tôi giam mình trong bốn bức tường tối đen. Cửa phòng đóng kín, qua khe hở có chút ánh sáng mặt trời lọt qua tạo ảo giác nhờ nhờ. Tôi nằm vật xuống tấm nệm, chút mơ hồ. Lúc này thì, nước mắt tôi đã không thể nào cầm cự được. Nó trào xuống hai bầu má, lăn xả không ngừng. Tôi nhìn lại chính mình, nhìn vào nơi vùng kín của cơ thể. Nơi đó, nó vừa mới bị một vết thương, nó đang đau đớn và vẫn rỉ máu không ngừng. Vết thương bí mật được che giấu kín giữa đôi chân. Mọi thứ im lặng nhưng hậu quả có lẽ là vô cùng tàn khốc, đang chết dần trong mòn mỏi.
Tôi ước, ông mặt trời đáng ghét kia biến mất ngay tức khắc. Tôi mong, mong mỏi một trận mưa xối xả, cuốn trôi tất cả mọi thứ vào ngay lúc này.