Đọc truyện Văn Ngọc Thanh Hiên Truyện – Chương 19
Khi tôi hổn hển bật dậy từ giấc mộng thì đã là quá trưa. Với tay lấy cốc nước trên bàn, tôi vừa uống nước vừa khẽ vuốt ngực.
Đã hơn nửa tháng trôi qua sau giấc mộng đau đớn kia, bây giờ, chỉ cần nhắm mắt ngủ, tôi sẽ mơ thấy rất nhiều chuyện cũ. Chuyện ngày nhỏ mẹ tôi cầm tay nắn nót viết những chữ đầu tiên, chuyện chơi với Đa Đa, chuyện những trưa nắng nghịch đất chơi trò gia đình ngoài vườn, chuyện những linh hồn quẩn quanh. Chuyện mối tình đầu cũng là mối tình duy nhất tôi có vừa trong trẻo thơ ngây, vừa nghịch ngợm với những suy nghĩ mà sau này lớn lên, người lớn không dám cũng không thể nghĩ vậy nữa. Chuyện những tháng năm này, tôi và Ngọc Anh sống chung trong căn nhà thuê, nấu cho nhau ăn bữa cơm đơn giản, hoặc cùng học, lên mạng gửi CV đi vài nơi, hoặc chỉ cuộn tròn trong chăn nghe Ngọc Anh kể về chàng trai nào đó, bộ quần áo hay đôi giày vừa mới ra, bộ phim này hay bộ phim kia dở tệ, chỗ nào mua mỹ phẩm xịn chỗ nào ngon-bổ-rẻ, chỗ nào vừa đắt vừa gạt người…
Sau lần mơ thấy mẹ trên lớp học, tôi không gặp lại giấc mơ ấy một lần nào nữa, những giấc mộng gần đây đều không phải ác mộng, thậm chí đó là những gì đẹp đẽ nhất trong kí ức của tôi, là nơi không có sự xấu xí của nỗi đau. Những êm đềm tốt lành ấy hiện lên chân thực, chân thực như tôi đã bước lên cỗ máy thời gian để quay về quá khứ, chân thực tới mức giữa những dịu dàng tôi muốn ở lại trong giấc mơ mãi mãi, không muốn tỉnh dậy. Tôi trong giấc mộng biết rằng đây không phải sự thật, sự thật tôi mồ côi, sống hững hờ trong căn nhà thuê mà không dám về lại nhà mình, tôi sắp kết thúc quãng đời sinh viên mà không có lòng nhiệt huyết của người trẻ, cái tôi có là trái tim khô cằn già cỗi không biết thế nào là yêu, cũng không muốn có ai hiểu mình nữa. Mỗi khi trong giấc mộng nghĩ tới mình của ngoài đời thực, tôi lại muốn quay về, và khi đó, tôi tỉnh dậy.
Nhưng mộng mơ nào cũng có mặt trái. Tôi không thể trở về dễ dàng nữa, thậm chí có chút khó khăn. Khi bắt đầu, tôi thực sự muốn ở lại, nhưng chỉ cần muốn tỉnh giấc, tôi sẽ thức dậy. Bây giờ, khi tôi muốn tỉnh giấc lại có cảm giác những người trong giấc mơ kia đều đang nhìn tôi, đang hỏi rằng sao tôi lại thế, sao tôi muốn rời đi, tôi không thể tiếp tục cùng họ sống hạnh phúc hay sao. Khi tôi muốn tỉnh giấc, tôi nhắm chặt mắt rồi mở mắt ra vẫn là khung cảnh trong mơ. Bây giờ, tôi giãy giụa để tỉnh giấc, và luôn giật mình nhận ra tôi đã ngủ quá nhiều. Lỡ mất vài buổi học rồi, may mắn là bình thường tôi không nghỉ học nên vẫn còn số buổi phép để bây giờ phung phí. Và dù môn của Thanh Hiên tôi đã nghỉ quá số buổi cho phép, tôi vẫn có suy nghĩ “hiên ngang” rằng sẽ chẳng sao cả. Tôi cũng không cần thi tốt nghiệp nên càng rảnh rỗi.
Nhưng giải quyết những cơn buồn ngủ liên tục đánh úp mình và những cơn mộng mị dài này như thế nào đây? Chẳng lẽ cuộc sống của tôi thực sự đến nỗi mà từ trong tiềm thức tôi đã chỉ còn muốn tôi ngủ mãi mãi?
Hay tôi trong tiềm thức muốn tôi thức tỉnh nên mới luôn giãy giụa trốn khỏi giấc mơ?
Tôi đặt cốc nước về đúng vị trí, chuẩn bị đi ra ngoài. Hôm nay là bốn chín ngày của Ngọc Anh.
Rời khỏi nghĩa trang, rời khỏi ngăn mộ – nơi đựng tro cốt mà bố mẹ chuẩn bị cho Ngọc Anh, tôi lặng lẽ lên tầng thượng một tòa nhà.
Có ai đó từng nói rằng, khi không thể nói được thì chỉ có thể vẽ thôi. Tôi không biết vẽ, nhưng nhà luôn có giấy và bút chì. Như lúc này, tôi đang ngồi ở một chỗ khá vắng, nguệch ngoạc đen trắng, có lúc lại ngẩn mặt ngắm hoàng hôn của những ngày cuối xuân. Gần đây, quá nhiều việc xảy ra.
Thi thể của Ngọc Anh đã trở lại, người nhà đã làm lễ hỏa táng. Câu chuyện về Ngọc Anh khép lại, những lời xì xầm đang mất dần, ngẫu nhiên, có thể nói về cái chết, không ai muốn nói về đoạn thời gian ngắn ngủi cái xác đột ngột biến mất kia.
Chúng tôi sắp kết thúc bốn năm đại học, khóa luận của tôi đã khá đầy đủ, đang đợi thầy hướng dẫn gửi nhận xét. H68 đã chọn được người mới, nhưng chỉ chọn được một người. Văn Thanh Hiên tiếp tục giảng dạy nốt kỳ học cuối này, nhằm tìm một người nữa cho đủ chỉ tiêu của công ty. AMB thực sự là một ngôi trường uy tín, không chỉ H68, nhiều công ty cũng đang săn đầu người, các sinh viên cũng đang nóng lòng tìm cho mình một chỗ ổn định. Buổi lễ tốt nghiệp hứa hẹn là một đêm quẩy tưng bừng đang rục rịch được chuẩn bị. Nhất thời, không khí xung quanh tôi trở nên sôi động.
Hơn một tháng, tôi không gặp thêm linh hồn nào. Chiếc nhẫn vẫn yên vị trên cổ. Không thương không đau, chỉ cần giữ nhẫn yên ổn. Từ ngày mẹ mất, tôi không đủ dũng khí đeo nhẫn trên tay, cũng không thể rời khỏi chiếc nhẫn nếu không muốn bị linh hồn quấy phá hay những vết thương nhỏ dây dưa cả tháng không lành. Từ ngày gặp lại Thanh Hiên, tôi có chút phòng bị, liệu anh ta có muốn lấy chiếc nhẫn một lần nữa? Liệu anh ta có đang lợi dụng tôi để làm gì đó? Bốn năm qua, tôi và anh ta sau khi mất liên lạc cũng không nói chuyện thẳng thắn một lần nào, tôi ngầm hiểu nhiều chuyện. Tôi không hận nữa, vì mẹ tôi mất rồi, bà mất không phải vì anh ta, mà vì sự ngu xuẩn nông nổi của tôi, vì cả mẹ tôi và Đa Đa đều muốn tôi sống tiếp lành lặn, khỏe mạnh, chứ không phải cuộc sống méo mó trong hận thù. Tôi không hận nữa, vì tôi cảm thấy hận thù cũng là một loại ngu xuẩn. Tôi cần sống tiếp, sống cho tử tế. Có bằng cấp, có công việc, sau này có khi phải có cả gia đình. Gia đình, ôi trời.
Việc tôi là Người Chỉ Đường không ai biết trừ tôi, mẹ tôi và Thanh Hiên. Kể cả Ngọc Anh tôi cũng giấu. Bốn năm, số lần tôi là Người Chỉ Đường đếm trên đầu ngón tay, thực ra đó chỉ là thời gian đầu đại học. Sau này, tôi rút ra vài mẹo để tránh linh hồn, tránh rắc rối không cần thiết. Tôi không nói chuyện nhiều trong lớp, cố hết sức để thành người vô hình. Tôi không có người yêu, cuộc sống này của tôi không thể bị xáo trộn chỉ vì một người. Lâu dần cũng quen. Ngọc Anh mất, cuộc sống của tôi lại chỉ còn có một mình. Tôi khe khẽ thở dài, giá mà… Nhưng đời làm gì có chỗ cho hai chữ “giá mà”, thế là tôi lại thở dài, tự cho phép mình thở dài to, rõ ràng, đầy đủ dư vị. Sau hơi thở dài này, từ ngày mai tôi sẽ sống bình thường tiếp tục. Đúng là như thế.
Kể ra sắp xếp ổn thỏa được mọi việc trong lòng cũng sẽ nhẹ lòng. Hoặc chính vẽ được một bức họa theo trường phái “ấn tượng” đầy bí hiểm như thế này cũng khiến người ta thực sự nhẹ lòng. Không thể nói được nên lời, chỉ có thể vẽ thôi. Tôi giơ bức tranh lên che mặt trời, ngắm kỹ một lần rồi gấp thành một chiếc máy bay, phi lên trời. Nhảy từ bục đá xuống, phủi quần, ra về.
Chiếc máy bay bay vòng vèo trong không trung, bay từ tầng cao nhất xuống dưới, lấy nóc một chiếc xe hơi làm sân bay. Cửa xe mở ra, Văn Thanh Hiên bước xuống xe, với lấy chiếc máy may, mở ra, chăm chú nhìn bức tranh, tự nhiên bật cười rồi gấp gọn, bỏ vào túi áo, phóng xe đi. Vừa đi vừa tự cười mình một lần nữa vì dám nghĩ cô gái kia leo lên tầng thượng để tự tử. Người mạnh mẽ như vậy, sẽ không dễ dàng rời bỏ cuộc sống, cũng không dành thời gian oán oán hận hận rơi lệ trách móc người khác. Người mạnh mẽ như vậy, phải làm sao với người mạnh mẽ như vậy?