Đọc truyện Văn Ngọc Thanh Hiên Truyện – Chương 17
“Nhật ký, ngày… tháng… năm
Tôi ghét thế giới này. Tôi ghét mẹ.
Ngày nhỏ, tôi ngỡ rằng mình có rất nhiều bạn. Hoá ra, những người bạn từng cùng tôi đùa nghịch cả buổi là những linh hồn vất vưởng chưa siêu thoát. Tôi được cho rất nhiều món quà, về nhà mở ra nhìn lại hoá ra chỉ là đồ bằng giấy, hồi nhỏ cảm thấy những mô hình ấy thật đẹp. Hoá ra, tất cả chỉ là hàng mã. Tại sao người khác có bạn bè, có đồ chơi đẹp đẽ, còn tôi chỉ có mấy thứ ấy? Tại sao tuổi thơ tôi bây giờ nhớ lại, toàn là tràn ngập những cái mác về “con điên”, “con thần kinh”, “mụ phù thuỷ”? Tại sao họ nhìn tôi như nhìn một con quái vật như thế? Tại sao bị nhạo báng, chê cười, bị giật tóc, bị vẩy mực, tất cả đều là tôi hứng chịu? Cái thứ năng lực quái đản này, tại sao lại là tôi?
Tôi hỏi mẹ tôi tại sao, mẹ chỉ im lặng. Tôi càng gặng hỏi, đáp án chỉ càng là một ẩn số tối tăm. Mẹ tôi từng nhìn thấy những người bạn của tôi, từng mời họ ăn món kem việt quất tuyệt ngon là món tủ của mẹ, từng dắt họ về nhà. Tại sao mẹ cố giấu tôi? Mẹ, tất cả là tại mẹ tôi! Tôi ước gì tôi là người bình thường như bao người khác, mà không, chỉ cần được thương yêu bằng nửa những người khác thôi cũng được.”
Tôi gấp lại trang nhật ký. Từ ngày lên cấp ba, tôi không còn thói quen viết nhật ký nữa. Hôm nay là vừa xong tang lễ cho mẹ, tôi dọn lại nhà kho, vô tình tìm thấy quyển nhật ký này. Không biết có khi nào, mẹ tôi vô tình đọc được những dòng chữ tàn nhẫn đó chăng? Mẹ, xin mẹ hãy tha lỗi cho con.
Tôi nhớ rõ ràng ngày Văn Thanh Hiên chuyển vào lớp tôi. Hôm ấy là một ngày nắng nhẹ đầu xuân, len lỏi trong nắng vẫn là hơi thở lành lạnh. Tôi ngơ ngẩn nhìn mây trôi ngoài cửa sổ, không hề ngước lên bảng, không hề chú ý cho tới khi cậu ta bước xuống bàn cuối cùng trong góc lớp, ngồi cạnh tôi. Cả lớp ồ lên, xen lẫn vài ánh mắt ái ngại. Nhưng cậu ta chỉ quay sang tôi, mỉm cười: chúng mình làm bạn nhé.
Có lẽ vì ánh mắt chân thành đó, có lẽ vì nụ cười sạch sẽ không chút giễu cợt hay khinh bỉ đó, hoặc có lẽ tôi đã khao khát được đối xử bình thường như thế từ rất lâu, rất lâu, nên tôi không hề xù lông nhím, mà âm thầm chấp nhận, cũng âm thầm nhẩm tính xem cậu ta mất bao lâu để hốt hoảng, để nghi ngờ, để rồi lại lựa chọn xa lánh tôi như biết người từng lướt qua tôi trước đó.
Cậu ta cho tôi biết, tôi không còn trơ trọi trên đời này. Cuối cùng, có người cùng tôi chơi bóng rổ, cùng tôi đạp xe lòng vòng trên đường Trần Phú, ăn kem bảy màu bờ hồ Tam Bạc, cùng tôi đeo chiếc vòng mỹ ký mua ở chợ Đổ vừa gặp nước vài lần đã đen sì. Vòng ấy tôi không nỡ bỏ đi, cất vào trong chiếc hộp trang sức nhỏ.
Cậu ta cho tôi biết, tôi không phải là kẻ bất thường, mà là đặc biệt. Cuối cùng, một người giống tôi đã xuất hiện, không để tôi chơ vơ nữa. Cậu ta cho tôi biết, thế giới người sống và thế giới người chết tồn tại song song nhau “trần sao thì âm vậy”, nhưng có những linh hồn lạc, hoặc không tìm thấy lối về thế giới của họ, hoặc chấp mê quá nặng, không rũ bỏ được thế giới con người. Những “người” ấy cần Người Chỉ Đường, những người đưa đường chỉ lối, những người sẽ giúp họ thực hiện nguyện vọng của họ, giúp họ thanh thản ra đi. Người Chỉ Đường dẫn họ đến con đường thông giữa hai thế giới, đi như thế nào, là công việc của Người Đưa Đường. Khác với Người Chỉ Đường là những người sống có mắt âm dương để nhìn thấy hồn ma, Người Đưa Đường là linh hồn, họ không ở thế giới nào cả, họ ở giữa hai thế giới. Người Chỉ Đường giúp đỡ linh hồn, Người Đưa Đường thực hiện nhiệm vụ họ được giao. Cả Người Chỉ Đường và Người Đưa Đường đều cần dựa vào nhau, nhưng Người Đưa Đường thường coi họ là bậc trên vì họ biết tất cả thông tin về linh hồn – thứ mà Người Chỉ Đường cần phải vất vả tìm hiểu mới có thể giúp đỡ linh hồn được. Mỗi linh hồn sẽ được lưu trữ thông tin ở một Người Đưa Đường khác nhau, nếu linh hồn không thể hiển hiện thì Người Chỉ Đường sẽ triệu hồi Người Đưa Đường, dùng đồng bạc để đối lấy thông tin hoặc sự giúp đỡ.
Tôi tròn mắt lắng nghe tất cả những điều ấy. Bán tín bán nghi. Nhưng tin tưởng nhiều hơn, cho dù người cung cấp thông tin chỉ là người dưng nước lã. Đến khi cả tôi và cậu ta nhìn thấy một “người” mà người thường không thể thấy được, cùng cậu ta giúp họ thực hiện nguyện vọng cuối cùng và rồi “hoá”, tôi mới thực sự tin. Tôi đem điều này kể cho mẹ mình, tất nhiên là giấu nhẹm chuyện Văn Thanh Hiên và những vụ “giúp đỡ” của chúng tôi, tôi kể cho mẹ cốt để khoe khoang rằng chẳng cần mẹ, tôi đã tự hiểu được mình là ai. Nhưng trái ngược với sự hồ hởi xen lẫn xấc láo của tôi, mẹ chỉ lặng lẽ gật đầu. Trong niềm vui được biết mình là ai, tôi thậm chí còn cảm thấy khó chịu vì mẹ tôi không tỏ ra sung sướng hay vui mừng hay khâm phục tôi như tôi tưởng.
Tôi và Thanh Hiên yêu nhau vào cuối học kỳ II năm lớp 10. Tình yêu của chúng tôi đặc biệt hơn tất cả mọi người. Chúng tôi cùng vui vẻ bên nhau như bao cặp đôi khác, còn cùng nhau trải qua những giây phút rùng rợn với nhau. Chúng tôi biết rằng người kia là duy nhất, hiểu mình nhất, và chỉ thuộc về mình.
Học kỳ ấy, tôi vừa vặn loại giỏi, tụt xa so với top1 nơi luôn “chiếm đóng” bấy lâu.
Học kỳ I lớp 11, tôi là học sinh tiên tiến. Tôi nói với mẹ mình rằng lớp 11 học vô cùng khó, kiến thức rất nặng, toàn là nền tảng để ôn thi Đại Học. Học kỳ II lớp 11, tôi là học sinh trung bình, nhưng tôi rất vui, vì người yêu tôi đã trở thành top1 của lớp. Lớp 12, cô giáo gọi cho mẹ tôi thông báo tôi đã trốn học quá nhiều, nếu tôi tiếp tục nghỉ học nữa, cô sẽ báo cáo với Ban Giám Hiệu về trường hợp của tôi. Cô trách cứ mẹ tôi về việc không thể liên lạc với gia đình suốt thời gian qua, về việc mẹ tôi không quản giáo nghiêm, mẹ coi thường nhà trường khi mà cô gửi giấy mời nhiều lần mà mẹ không đến gặp cô. Cô nói thẳng học lực của tôi thảm hại, có thể trượt tốt nghiệp chứ đừng nói đến đỗ Đại Học. Mẹ tôi chết trân, nhìn tôi chằm chằm, điện thoại bên tai vẫn phát loa ngoài giọng cô giáo. Tôi chẳng buồn giải thích với mẹ, chỉ nói rằng: “Đời con con sống” rồi bỏ ra ngoài.
Tối ấy, tôi với Thanh Hiên cố gắng giúp đỡ một linh hồn treo cổ. Trong lúc giằng co, cánh tay tôi bị cào một vệt dài, máu chảy lênh láng. Chật vật mãi cuối cùng cũng xong, Hiên nhíu mày, hỏi tôi:
– Lạ thật, vết thương của em không tự lành ư?
– Em… em… – tôi bối rối
Hiên dứt khoát túm lấy cẳng chân tôi, kéo ống quần lên, chỗ bị một linh hồn cắn phải hôm trước đang được băng bó, thậm chí rỉ chút máu do vận động mạnh.
– Em không hề nói với anh vết thương của em – Giọng Hiên luôn không quá tức giận, không quá vui mừng, nhưng đáy mắt đã đầy xót xa và lông mày nhíu chặt – đeo thử nhẫn của anh xem.
Nói rồi, Hiên tháo chiếc nhẫn luôn đeo trên ngón áp út, đeo vào cho tôi, nhưng vết thương vẫn cứ chảy máu. Tôi biết rõ chiếc nhẫn ấy là vật gia truyền nhà Thanh Hiên, đời trước truyền đời sau, có thể khiến linh hồn tôn trọng, lại giúp vết thương lành lại, giữ lấy tính mạng cho Người Chỉ Đường. Chiếc nhẫn ấy vừa biểu trưng cho danh phận vừa là vật bảo vệ. Một khi đã nhận Văn Thanh Hiên, mãi mãi bảo hộ Văn Thanh Hiên.
Khi ấy một suy nghĩ trong đầu tôi chợt loé lên, nếu mẹ tôi cũng nhìn thấy linh hồn, có khả năng bà cũng là Người Chỉ Đường, có lẽ sẽ có vật bảo hộ.
– Mẹ, mẹ có vật gia truyền nào không? – Vừa về nhà, tôi đã hỏi.
Đáy mắt mẹ tôi khẽ hốt hoảng khi bà nhìn thấy vết thương dài sâu hoắm trên cánh tay tôi. Sau khi tôi khóc lóc kể lể về những vết thương trên người mình, bà không ngần ngại tháo chiếc nhẫn bà đã mang suốt bao năm nay, đeo vào ngón áp út trên tay tôi. Vậy mà lâu nay tôi cứ tưởng đó là nhẫn cưới của ba và mẹ cơ đấy. Tôi cảm nhận rõ ràng chiếc nhẫn ấy rung nhẹ. Vết thương lành lại rất nhanh.
Sáng hôm sau, trên cánh tay tôi chỉ còn một vệt màu hồng nhạt, vết cắn ở chân cùng biết bao vết sẹo đã sớm biến mất không dấu vết. Tôi hồ hởi nhắn tin khoe khoang với Văn Thanh Hiên. Điện thoại rất nhanh có tin nhắn qua lại. Cuối cùng, chúng tôi hẹn nhau buổi chiều sẽ đi chơi, địa điểm gặp mặt là một góc khuất trong ngõ gần trường – địa điểm gặp mặt bí mật của hai đứa.
Vì được nghỉ học, lại không còn sẹo nên tôi chọn một chiếc váy xoè thật xinh cho lần gặp mặt ấy của mình. Đến gần chỗ hẹn, tôi khẽ kéo váy lên cao một chút, vuốt vuốt lại mái tóc của mình. Chợt, từ đằng sau, một bàn tay bất ngờ bịt chặt miệng tôi. Tôi giãy giụa phản kháng nhưng không cân sức. Chưa kể, đoạn đường gần trường buổi tối vô cùng vắng người. Không người giúp đỡ, một tên bóp chặt miệng, một tên xông tới ra sức tát, thụi liên tiếp vào bụng tôi. Dạ dày tôi cuộc lên, lỗ tai ong ong, tôi cố mở to mắt nhìn kẻ đó mà rồi một đấm giữa mặt khiến tôi ngất xỉu.
Khi tôi tỉnh dậy, ngõ nhỏ đen ngòm. Từ trong ngõ nhìn ra ngoài, đường phố đã vắng tanh, hàng quán đều đã đóng cửa. Tôi quờ túi, điện thoại còn, ví tiền còn, vậy thì… vì sao? Văn Thanh Hiên đâu? Văn Thanh Hiên đâu? Có phải anh ấy cũng bị chúng đánh? Không đúng, xô xát như vậy phải có người cứu. Nếu Văn Thanh Hiên không sao, vậy anh ấy đâu? Anh ấy đâu rồi? À à, hay anh ấy đang gọi cấp cứu cho tôi? Không lẽ, hôm nay Văn Thanh Hiên không hề tới…
Màn hình điện thoại vỡ nát chỉ kịp hiển thị con số một giờ sáng rồi đen ngòm. Người tôi đau nhức, vết thương tụ máu sưng vù. Chợt, tôi thót tim. Đờ đẫn đưa bàn tay lên hứng ánh sáng từ đèn đường, tôi choáng váng nhận ra chiếc nhẫn trên tay đã biến mất. Hôm qua người ấy hỏi tôi… Hôm nay người ấy là người duy nhất biết tin… Đây là địa điểm gặp mặt bí mật, bí mật của riêng tôi và Văn Thanh Hiên. Đầu tôi ong lên, luống cuống cùng đau đớn, cứ ngồi đần ra như vậy không biết phải làm sao.
Cạnh
Oành
Tiếng chiếc xe đạp mini đổ chỏng gọng. Một bóng người lao đến. Tôi nheo mắt, tim đập liên hồi.
Mẹ tôi chạy tới. Bà luôn thanh nhã, luôn bình thản, luôn dịu dàng, chậm rãi. Giờ đây bà hốt hoảng, tóc tai rối tung, trán ướt đẫm mồ hôi. Bà lao tới phía tôi mặc kệ chiếc xe dựng vội đổ chổng kềnh. Bà sờ nắn khắp người tôi xem có gẫy chiếc xương nào hay không, rồi lại xót xa cố né những chỗ sưng vù. Lúc bấy giờ tôi mới biết hãi hùng, oà khóc.
Mẹ tôi ôm lấy tôi. Tôi có cảm giác từ người mẹ, từ da thịt thân thương của mẹ, hàng ngàn mũi dao đang đâm thẳng vào tôi. Đã bao lâu rồi tôi chẳng nhớ, lúc bấy giờ, tôi lại vụng về leo lên chiếc mini cũ của mẹ, để mẹ chở về nhà.
Những ngày tiếp theo trôi qua chậm rãi hệt như một cơn ác mộng không hồi kết. Tôi bị trật khớp, tạm thời không thể di chuyển, vết thương luôn luôn đau nhức. Có nhẫn, mọi vết thương đều lành lại rất nhanh. Nhưng một khi đã đeo nhẫn vào rồi lại tháo ra, sẽ chịu nỗi đau đớn không biết hơn biết bao nhiêu lần. Vì không thể di chuyển, tôi nằng nặc đòi một chiếc điện thoại mới, lắp sim vào và gọi cho Văn Thanh Hiên. Tôi muốn đáp án. Tôi muốn biết. Tôi muốn đòi chiếc nhẫn về. Hoặc… tốt nhất là Văn Thanh Hiên đừng biết gì về chiếc nhẫn bị mất cả. Đầu tôi vẽ ra một nghìn một tỷ viễn cảnh, cả có lí cả phi lí, nhưng mãi mãi vang bên tai chỉ là số máy không thể liên lạc được. Bạn bè hàng xóm không một ai tới thăm. Chỉ có mẹ tôi ngày ngày cần mẫn nấu vô số thức ăn tẩm bổ, chiều theo mọi yêu cầu từ hợp lí đến tác oai tác quái của tôi. Ru rú ở nhà, không liên lạc được với bạn trai, cơn đau giày vò khiến tôi đâm ra trẻ con và cáu gắt. Chỉ là trật chân thôi, mà đau đớn mãi không lành. Tôi bắt mẹ tôi luôn phải ở cạnh tôi, phải túc trực bên giường khi tôi ngủ. Đêm bị đánh cứ trở về trong ác mộng, mộng mị, bóng đè, khi tỉnh dậy mà không thấy ai bên cạnh, tôi liền lớn giọng gào khóc.
Thế rồi thời gian cũng trôi, vết thương lâu lành đến mấy cũng dần khéo miệng, đau đớn giảm bớt, tôi đã có thể tập tễnh đi lại quanh nhà. Tâm trạng cũng dần bình ổn. Dù vẫn còn rất muốn tìm Văn Thanh Hiên nhưng mọi cuộc gọi đi của tôi đều vô vọng, thậm chí đến thời điểm đó, cuối cùng tổng đài báo với tôi rằng đã ngừng cung cấp dịch vụ cho thuê bao tôi đang liên lạc. Thông tin từ lớp chỉ vỏn vẹn rằng Văn Thanh Hiên nghỉ học đã lâu. Tôi muốn tự mình tìm nhẫn về, trả lại chiếc nhẫn cho mẹ, nhưng cũng không có thêm dấu vết nào. Cuộc sống của tôi trở thành những ngày tập đi nhạt nhẽo, đôi chân đau khi đêm về trời trở lạnh, những cơn ác mộng thi thoảng hiện về. Mẹ tôi vẫn cẩn thận chăm tôi từng li từng li. Bà thậm chí chưa từng hỏi lại tôi về chiếc nhẫn, cũng không bày tỏ sự tiếc nuối khi mất đi nó, chứ đừng nói là trừng phạt sự ngỗ nghịch ngày ấy của tôi.
Tôi vẫn tưởng mọi chuyện như vậy là rất tệ, nhưng người xưa có câu nói hay vô cùng “Chó cắn áo rách”. Một đêm, tôi chợt giật mình bật dậy, trái tim đau như bị ai bóp chặt. Tôi nhìn quanh quất, không thấy mẹ. Sau nhiều lần tôi gào khóc đòi mẹ hồi mới bị thương, mẹ tôi đã mang một cái chiếu hoa trải xuống đất gần giường tôi để ngủ. Tận bây giờ vẫn thế. Vậy mà cái chiếu vẫn gấp gọn để một góc, chăn gối chưa lấy ra. Mẹ tôi đâu?
“Hiên, cứu mẹ” Một giọng nói vọng lên. Tôi giật thót. HÌnh như có một bóng người vừa lướt qua cửa.
Tôi đi ra khỏi phòng, kiểm tra khắp nhà. Phòng khách, không có. Bếp, không có. Ngoài hiên, không có. Vườn, không có.
Rầm, cánh cửa sắt dường như vừa bị ai đập mạnh. Tôi từ vườn nheo mắt nhìn ra. “Nhanh lên” Âm thanh kia một lần nữa vang lên, tôi thấy một bóng trắng lờ nhờ ngoài cổng. Tại sao lại là vong trẻ con?
Nhưng tôi vẫn ra ngoài. Lúc này tôi mới nhận ra chiếc xe mini không có ở đó. Mẹ tôi đi đâu? Vì vết thương chưa khỏi hẳn, tôi đi xe đạp điện rất chậm. Tít đằng xa luôn có một bóng trắng. Tôi lại gần, bóng trắng ấy biến mất. Lập tức có tiếng gọi, ngẩng đầu nhìn lại thấy bóng trắng ấy rất xa. Cứ thế, tôi đi dần về đường Lê Hồng Phong. Bóng trắng kia không hiện lên nữa. Tôi dựng xe bên lề đường, bước thấp bước cao bước vào mảnh đất rộng lớn. Có những nhà đã xây xong, gia chủ đã khoá cửa rồi chìm vào giấc ngủ. Có những nhà đang xây dựng dở chừng, xám xịt lẳng lặng. Có chỗ chỉ là đất hoang vô chủ. Tôi nheo mắt nhìn bốn phía. Mẹ ở đâu?
Chợt, tôi nín thở, phía xa kia, trong một ngôi nhà xám, những cửa sổ trống hoác như những cái miệng đen ngòm há to, có một cửa sổ le lói ánh sáng vàng. Tôi căng thẳng bước tới gần.
Tới gần cửa sổ, tôi lén nhìn vào trong. Mắt tôi trợn trừng. Ở giữa sàn xi măng là một hình vẽ kỳ quái. Ở mỗi góc của hình ấy có một cây nến. Tổng cộng chín cây. Một bên, mẹ tôi. Một bên, là một người con gái vận chiếc áo dài trắng, quần trắng. Tôi căng mắt nhìn, làn da trắng bệch, môi đỏ thắm, màu đỏ chói mắt trên nền trắng mang lại một vẻ quỷ dị. Cô ta khanh khách cười “Tuổi thọ của một bà già ốm yếu, bị rút cạn sinh lực, lấy của ngươi mười năm là quá hời cho ngươi rồi.”
Mẹ tôi im lặng. Cô ta nhảy phắt lên một chiếc bàn, ngồi vắt vẻo, miệng giễu cợt
“Ha ha, ngươi thật là đáng thương. Nuôi nấng vậy mà nó lại ghét bỏ ngươi. Vật gia truyền bị tình yêu mù quáng cướp đi. Già bằng ấy tuổi đầu phải chăm bẵm nịnh nọt một đứa ngu xuẩn. Chậc chậc, cái thằng người yêu của con bé cũng thật khôn, ngọt ngào một tí, lãng mạn một tí là con bé mê như điếu đổ, đến bị nó sai người cướp vật gia truyền, ăn đòn tả tơi mà còn vô vọng tìm nó. Hi hi hi, ngươi nói xem, với cái việc bắt ma trừ tà của nó, sẽ giúp nó được bao nhiêu tiền nhỉ? Con ngươi làm không công cho nó không ít đâu? Giả như ta không ra tay, nó có hai chiếc nhẫn, sẽ trẻ mãi không già, khoẻ mạnh không bệnh, hưởng thụ mọi thứ trên đời. Còn con ngươi đã kế thừa nhẫn rồi mà làm mất đi, nhận một trận đòn ấy, đau đớn gấp bội, tinh lực cạn dần rồi sớm muộn sẽ chết trẻ. Ngươi tự nhìn lại mình xem ngươi có phải là một người mẹ thất bại không nào?”
– Ta biết, ta biết rồi Ma Già. Ta đâu oán thán vụ đổi chác này – mẹ tôi đau khổ thốt lên. Tôi chết lặng khi thấy tóc bà dần bạc trắng, lưng còn xuống, đôi mắt dại ra nhìn vô định, tay chân quờ quạng tìm một điểm tựa. Tôi muốn chạy tới đỡ lấy mẹ tôi nhưng tay chân cứng đơ. Tôi chôn chân tại chỗ, lòng như lửa đốt. Tôi khóc. Nhận ra mẹ tôi đang rơi lệ. Mẹ ơi, mẹ ơi.
– Ngươi hãy chậm rãi hưởng thụ nốt ngày cuối cùng, à, ngươi đã dành ngày cuối ấy chiều chuộng đứa ngu xuẩn kia mất rồi. Thế mà nó chẳng hề hay biết. Còn mười phút, mỗi phút ta lấy một năm tuổi thọ, sau đó nhẫn về tay ngươi. Ngươi cũng đi đời nhà ma. Ha ha ha, biết bao nhiêu nghìn năm, nhân sinh biến đổi, ta vẫn chỉ thấy cha mẹ đổi tuổi thọ, đổi cả tính mệnh của mình lấy thứ con cái họ yêu cầu. Rồi con cái chúng nó lại hưởng thụ, lại cần nhiều hơn, nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Chao ôi, chao ôi, chúng nó nhớ gì, chúng nó thì nhớ cái gì?
Mẹ tôi khuỵu xuống, thở khò khè đầy khó nhọc.
Ma Già nằm dài, đong đưa cánh tay, cất giọng hát – “Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng… à ơi… Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.. ơi à… ơi à…”
Bất chợt, Ma Già khoát tay, tôi vô lực đổ rầm xuống đấy. Tôi hấp tấp gượng dậy, lao vào.
– Hứ, ta làm ăn có chữ tín, không lấy hơn của mẹ ngươi một giây nào. Nhờ phúc của linh hồn ngu ngốc kia, mi còn ba phút.
– Linh hồn? – tôi ngơ ngác
– Úi, ta lỡ miệng rồi ư? – Ma Già duyên dáng che miệng làm bộ dạng lỡ lời, rồi bất ngờ cười to – Mi nghĩ ai lay mi tỉnh, mi nghĩ ai đưa mi đến, mi nghĩ bằng cái năng lực bé mọn của mi mà vào được trận pháp này sao? Nếu không phải thằng nhóc Đa Đa lén phá luật trở về thế giới này, đổi cho ta toàn bộ cuộc đời nó ở “bên kia” lấy vài phút, hừ… chỉ bằng con bé ngu ngốc ngươi. Cái cuộc đời của linh hồn, sao ngon lành bằng tuổi thọ con người chứ. Ta thật dễ mủi lòng mà. Chao ôi, chao ôi, hi hi hi.
Chiếc nhẫn trở về trong tay nhưng tôi nào quan tâm. Tôi ôm lấy mẹ tôi, hơi thở bà chỉ còn thoi thóp. “Mẹ ơi, mẹ” – tôi ghé sát tai bà gọi. Bà gật gật đầu, tay bà run run quờ tìm tay tôi. Tôi vội nắm chặt đôi bàn tay giờ đây chỉ còn da bọc xương.
“Con xin lỗi, con xin lỗi, con sai rồi” – tôi vừa nói vừa khóc oà. Nước mắt tôi hoà với giọt nước rỉ ra từ hốc mắt đã mù loà của mẹ, lăn xuống đất, cuộn với bụi thành hạt, không tan. Nhưng chẳng như truyện cổ tính, chẳng có phép màu nào hết.
– Sinh li tử biệt, nhàm chán. Ta đi đây. Khi nào cần lại gọi ta. Một năm tuổi thọ, năm năm, mười năm, hay cả cuộc đời, chỉ cần ra giá tốt, không điều gì là không thể, rất hân hạnh được phục vụ. Hi hi hi – Tiéng cười ma quái xoáy vào óc, văng vẳng khắp không gian mãi không tan.
Tôi mặc kệ, tôi đỡ mẹ tôi ra ngoài, bước chân làm giọt nước mắt vỡ tan. Một bóng trắng lập lờ đằng xa. “Tạm biệt”, tôi còn chưa kịp nói lời chào không gian đã trở lại lạnh ngắt, ánh đèn vàng đại lộ soi bóng một già một trẻ cô độc giữa đường. Tôi muốn đưa mẹ tôi trở lại nhà, nhưng hơi thở bà vô cùng mỏng manh. Bà nắm chặt tay tôi, môi mấp máy. Tôi ghé sát tai, chỉ nghe thấy mấy tiếng “êu… ê…”. Mẹ yêu con, lòng tôi đau như bị đâm hàng ngàn nhát dao. Tôi run run, cố giữ vững mẹ. Thời khắc cuối cùng trôi qua. Tôi tận mắt chứng kiến mẹ đứng cạnh mẹ. Tôi gọi xe cấp cứu, đưa mẹ vào viện với tư cách người con. Với tư cách Người Chỉ Đường, tôi đưa linh hồn mẹ trở về nhà. Hoá ra nguyện vọng cuối cùng của mẹ chỉ là quay trở về nơi mẹ đã gắn bó cả đời, với cha, với tôi. Bà ra hiệu, tôi quay trở về giường, gạt nước mắt, nhắm mắt ngủ. Tôi ngủ, mẹ tôi túc trực bên cạnh, chính là thứ yêu cầu quái đản của tôi theo bà cả tới sau khi chết. Cơn mệt nhọc kéo tôi ngủ thiếp đi. Rất nhanh chóng, tôi bật dậy. Không nhìn thấy mẹ, tôi chạy ra vườn. Ánh nắng lấp lánh của ngày mới xuyên qua người, mẹ tôi trở nên trong suốt, tan dần vào không trung. Tôi hoảng hốt, kêu lên “Mẹ, mẹ”