Đọc truyện Vạn Kiếp Thần Tiên – Chân Tình Viên Mãn – Chương 19: Lần đầu gặp gỡ
Hôm nay là lễ hội ngày mùa.
Đây có lẽ là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người dân trấn Đông Hồ. Theo tục lệ, trưởng trấn sẽ đại diện cử hành nghi thức ở sân làm lễ linh thiêng, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa màng tươi tốt,… Đối với những người quanh năm làm nghề nông mà nói, còn có gì quí giá hơn những điều họ đang ước ao đó?
Nghi thức kéo dài gần một canh giờ, lôi kéo sự có mặt của toàn bộ người dân trong trấn, chẳng quản người lớn hay trẻ nhỏ. Nghi thức trong lễ hội ngày mùa quá đỗi quen thuộc, dường như đã trở thành một điều tất yếu trong cuộc sống của mỗi người. Nhưng điều thực sự khiến người ta hào hứng hơn cả chính là lễ hội bắt đầu phía sau nghi thức ấy – lễ hội sẽ được kéo dài hết ba ngày ba đêm.
Từ khi bắt đầu có thể tự mình ra ngoài tới giờ, Tuyết Hồ chưa bao giờ bỏ lỡ bất cứ lễ hội ngày mùa nào.
Chuyện ngày nhỏ chẳng cần hỏi nàng cũng đã biết được rất rõ ràng, rất đầy đủ. Nói đùa, một chuyện ngay cả đứa trẻ con lên ba trong trấn cũng kể được rành mạch làm sao một người trí tuệ phát triển bình thường như nàng lại không biết?
Nhưng nàng cũng không quan tâm mấy. Nàng từ lâu đã hiểu rất rõ một điều, đó là cho dù nàng có bận tâm tới đâu cũng sẽ chẳng thay đổi được bất cứ điều gì.
Nhưng nàng cũng không buồn. Có đen mới biết được trắng, có bóng tối mới cảm nhận được ánh sáng. Nếu như không có nỗi buồn, niềm vui cũng chỉ là một khái niệm mơ hồ không có bất cứ một phân trọng lượng nào.
Dù sao thì cách nghĩ ấy cũng chỉ để tự an ủi bản thân phần nào. Khách quan mà nói, chuyện đồn đại ấy quả thực ảnh hưởng không ít tới cuộc sống của nàng.
Cho tới tận bảy tuổi, Tuyết Hồ chưa từng được bước chân ra khỏi nhà. Lớn hơn một chút, thỉnh thoảng cũng có thể được ra ngoài. Thế nhưng mỗi lần đều giống như chuẩn bị nghi lễ chào đón vị quan lớn ở trên đạo tới thăm trấn, vô cùng rườm rà phức tạp. Rút cuộc cho tới năm mười lăm tuổi, nàng đã có thể “tự mình” ra ngoài. “Tự mình” ở đây có nghĩa là chỉ cần đem theo một nha hoàn và một hộ vệ, đó dường như là điều tất nhiên chẳng đáng nói tới.
Nhiều lúc Tuyết Hồ cũng ngồi một mình suy ngẫm rất lâu. Không phải chỉ là ra ngoài đi dạo thôi sao, nhất thiết phải quan trọng hình thức như vậy? Đó dường như là điều phức tạp của việc sinh ra trong một gia đình giàu có.
Nàng chưa từng rời khỏi trấn nên không biết được gì nhiều. Còn trong trấn Đông Hồ này, Nhà họ Đặng là gia đình giàu có duy nhất. Ngay cả trưởng trấn cũng chỉ là một người nông dân rất đỗi bình thường, cũng quanh năm cày cấy không khác gì mọi người. Năm ngoái thậm chí còn phải tới nhà nàng vay tiền mua thóc giống. Ông ấy chẳng qua chỉ khác mọi người ở vị trí đứng trong các buổi lễ của trấn mà thôi.
Mặc dù việc đem theo nha hoàn và hộ vệ lúc rời khỏi nhà đối với nàng mà nói là việc bắt buộc của gia đình giàu có. Nhưng chẳng qua ngẫm nghĩ kĩ càng hơn một chút, lí do đem theo người làm của hai chị em dường như rất khác biệt…
Đặng Tuyết Liên từ nhỏ đã nổi tiếng khắp trấn. Tới năm nàng mười bảy tuổi, danh tiếng đã không còn chỉ dừng lại ở ngay cả đạo thị nhỏ bé. Đặng Nguyên một lần lên kinh thành làm ăn xong trở về, xe ngựa vừa dừng trước cổng nhà đã vội vã chạy xuống, một mạch lao thẳng vào phòng sinh hoạt chung, nơi có phu nhân và con gái lớn đang ngồi uống trà thêu vá. Trên khuôn mặt đã có vài nếp nhăn của ông sáng rực hẳn lên, cười tươi tới mức hai mắt chỉ còn vẻn vẹn một đường chỉ:
– Phu nhân, phu nhân, tôi có tin này vô cùng vui. Bà có muốn nghe không?
Bà Thị Giang hiền hậu mỉm cười, chiều ý chồng cất tiếng hỏi:
– Lão gia mau nói đi thôi!
Đặng Nguyên ngồi xuống bàn uống tạm một chén nước con gái lớn vừa mới rót, yêu chiều giơ tay xoa đầu con gái.
– Danh tiếng của Tuyết Lớn nhà chúng ta rất là tốt! Tôi lên tới tận kinh thành cũng được người ta hỏi thăm luôn…
Uống thêm hai ngụm nước, bắt đầu vừa cười vừa sôi nổi kể chuyện. Từ lão bán quầy, lão môi giới cho tới đối tác buôn bán,… tất cả đều đem ra kể lại tỉ mỉ một lượt. Giọng nói vốn trầm trầm thường ngày vì vui vẻ mà cũng vang hơn, ngay cả người làm đi qua lại trước sân cũng nghe thấy rõ ràng.
Tất nhiên, con gái nhỏ Tuyết Hồ đang ngồi hóng mát trên mỏm đá cạnh bờ ao nhỏ gần ấy cũng nghe được không thiếu một câu…
Con gái lớn nhà họ Đặng nổi tiếng thông minh xinh đẹp như vậy, nhưng chẳng hiểu vì sao năm nay đã mười chín tuổi rồi nhưng vẫn chưa được gả đi. Ừ thì, xem ra so với con gái tới lứa thông thường đã có chút muộn. Nhưng hình như Đặng Nguyên và bà Thị Giang đều không có dấu hiệu lo lắng gì. Nếu nói tới vấn đề khiến bọn họ lo lắng thực sự, chắc chắn phải nhắc tới con gái nhỏ mới đúng.
Đặng Nguyên đã không ít lần phải vỗ về an ủi những lời phiền muộn cùng than thở của phu nhân:
– Bà yên tâm, Đặng Nguyên tôi không tới nỗi không nuôi nổi một đứa con gái. Sợ cái gì, cùng lắm hai chúng ta nuôi Tuyết Hồ, càng đỡ sợ gả về nhà người ta bị bắt nạt!
Nói bọn họ không lo lắng gì về con gái lớn hoàn toàn là việc có cơ sở rõ ràng.
Đặng Tuyết Liên ngay từ lúc mười hai tuổi đã có bà mối tới tận nhà dạm hỏi. Đợi tới lúc nàng mười bảy, mười tám tuổi, khi đã là thiếu nữ trưởng thành, số lượng nam giới tới ngấp nghé cửa ngõ đã nhiều không đếm xuể. Người làm thậm chí còn đồn rằng, nhà họ Đặng tiếp đãi khách tới hỏi con gái lớn đã dùng hết cả một đồi chè đạo bên.
Thế nhưng nàng bây giờ vẫn chưa được gả, hay nói đúng hơn là còn chưa chịu gả, chẳng qua chỉ vì chưa tìm được một mối ưng ý mà thôi.
Đặng Tuyết Liên không chỉ xinh đẹp mà còn học rộng hiểu sâu, thêu thùa may vá không gì không thạo. Có lẽ từ trước tới nay là một cô gái ưu tú hiếm gặp, cho dù có kiêu căng kén chọn hơn nữa cũng chẳng có gì khó hiểu.
Vậy mới nói, con vàng con bạc quý giá nhường ấy, nhà họ Đặng làm sao dám để cho nàng một mình ra khỏi nhà?
Miên man suy nghĩ hồi lâu, trên đường cái bắt đầu xuất hiện đông người qua lại.
Lễ hội năm nào nàng cũng đi hết cả ba ngày, thực ra chẳng mua bán được thứ gì, nhưng xét cho cùng cũng là một chỗ có thể đi chơi được. Nhìn đường phố đông vui cũng là một việc rất thú vị. Từ nhỏ Tuyết Hồ đã có thói quen xem các đám đông từ xa, lặng lẽ vui chung vơi niềm vui của bọn họ.
Dọc hai bên đường cái vốn ngày thường chỉ là đường đất, quanh quẩn vài ngôi nhà dân đơn sơ cùng vài người qua lại. Nếu vào ngày cấy gặt sẽ thấy người cầm theo cuốc, theo liềm. Nếu ngày thường có thể thấy các bà, các thím xách theo giỏ hàng tất bật ra chợ. Chỉ có duy nhất ngày hôm nay mới thấy tất cả mọi người đều chung một việc, chung một dáng điệu.
Các ngôi nhà trên phố, lớn nhỏ gì đều mở cửa rất rộng để đón lộc ngày mùa. Từng gian hàng kề sát nhau bán đủ các loại đồ. Hấp dẫn nhất đối với Tuyết Hồ mà nói chính là gian hàng bán đèn trung thu.
Tuy hôm nay cách trung thu còn xa lắm, nhưng làm gì có ai qui định rằng không phải trung thu thì không được bán đèn trung thu đâu. Hôm nay chỉ là dịp để người ta bán hàng lấy may mà thôi.
Đèn lồng dán giấy đỏ rực treo trên cán gỗ mỏng, bị gió thổi khiến cho lung lay lung lay, nom xa giống như những quả đào tiên to tròn căng mọng đang đung đưa trước gió. Thật đẹp mắt, thật đáng yêu!
Thế nhưng Tuyết Hồ ngay từ năm sáu tuổi đã chẳng còn chơi đèn trung thu nữa…
Nàng đi qua sạp hàng bán trâm gỗ, hai chân đột ngột dừng lại tò mò nhấc lên một chiếc. Cây trâm làm bằng gỗ hương được mài nhẵn, phía đuôi khắc chạm hình một đóa hoa sen khép hờ, đẹp mà thanh thoát. Nếu chẳng kể tới chất liệu, chỉ so về hình dáng thì chẳng kém gì cây trâm ngọc đỏ thắm chị gái nàng vẫn thường dùng. Tuy rằng đóa hoa sen trên cây trâm ngọc về màu sắc thì tự nhiên hơn nhiều, thế nhưng một bông hoa sen bằng gỗ này cũng rất đáng để người ta để mắt tới.
Tuyết Hồ tỉ mỉ vuốt ve dọc theo thân cây trâm, chậm rãi xoa nhẹ lên đóa hoa, trong lòng thầm nghĩ, không ngờ ở một sạp hàng bán rong trong ngày lễ hội cũng có được thứ đồ tinh xảo như vậy. Không nghĩ tới nha hoàn đi theo nàng hôm nay lại khá nhanh nhẹn, dường như đoán được vẻ thích thú trong ánh mắt của cô chủ mà chưa cần gọi đã tự động lên tiếng:
– Cô ơi, cô bán cây trâm này bao nhiêu?
Tuyết Hồ giật mình, đưa một tay lên vốn định ngăn cản nhưng không kịp.
– Không bán!
Cô gái bán hàng quay mặt đi dửng dưng nói ra hai chữ.
Nha hoàn thoáng giật mình nhưng rất nhanh dường như hiểu ra điều gì.
Đây chính là lý do khiến cho nàng dù thích tới đâu, từ trước tới giờ cũng chỉ xem chứ chưa từng mua.
Đôi hàng lông mi Tuyết Hồ run nhẹ, không nói thêm gì đặt cây trâm xuống bàn, hừ lạnh một tiếng xoay người bỏ đi. Nhưng chân vừa mới nhấc được bước thứ hai, cô gái bán hàng phía sau lại nói đổng một câu. Chất giọng vốn lanh lảnh lại cộng thêm cố ý nói to hơn bình thường đập vào tai thật nhức nhối.
– Đúng là xui xẻo, vừa sáng ra mở hàng đã gặp phải đứa khốn nạn! Yêu quái còn bày đặt dùng đồ trang sức!
Tuyết Hồ dừng chân, quay người nhìn thẳng vào cô gái. Cô ta vẫn giữ vẻ mặt kiêu căng coi thường không thèm nhìn lại, trên tay còn đang cầm một miếng bìa nhỏ, châm lửa hơ khắp quầy hàng.
Tuyết Hồ cười lạnh, muốn đốt vía nàng sao?
Hai mày nhíu chặt, môi mím lại. Tuyết Hồ tức giận nặng nề bước gần lại quầy bán đồ trang sức của con gái. Hai người làm vẫn theo sát nàng, nha hoàn có vẻ lo lắng kéo nhẹ tay áo ý muốn ngăn lại nhưng bị nàng phớt lờ.
Tuyết Hồ dừng lại ngay trước quầy hàng, khoanh tay trước ngực nhếch miệng cười nhạt. Đoạn nói, giọng vốn vẫn không có cảm xúc nhàn nhạt như nói chuyện thời tiết, âm điệu trầm nhưng vẫn khiến người ta cảm nhận được hơi lạnh đang tỏa ra:
– Nếu cô có tý đầu óc thì thử nghĩ xem, nếu tôi thực sự là yêu quái thì giờ cô còn có thể đứng đây nói hươu nói vượn được không?
Cô gái kia nghe vậy thì chỉ nhếch mép khinh thường:
– Đúng là không biết xấu hổ!
Tuyết Hồ lại hừ nhẹ, hơi cong bàn tay lại dùng khớp ngón tay gõ gõ lên mặt quầy. Ngón tay chạm gỗ kêu lên những tiếng cộp cộp rất nhỏ nhưng chắc, không vang nhưng khiến người ta rất dễ phân tâm.
Nàng nói:
– À không, một việc nhỏ bé như vậy chẳng cần dùng gì tới yêu thuật cao siêu gì cho lãng phí. Tôi cho dù người trần mắt thịt cũng có cách làm được…
Dừng lại một thoáng, cười cười nhếch cằm hỏi:
– Nghe nói cuối đường cái có mấy tên lưu manh hay đứng, bọn họ chỉ cần có tiền thì không gì không dám làm. Cô có tin không?
Chỉ trong chớp mắt, mặt cô gái kia đã trắng bệch. Hai bàn tay nơi gấu tay áo nắm chặt mép váy cũng run rẩy. Mắt mở lớn không thể tin nổi. Miệng lúng búng như ngậm hột thị hồi lâu không nói được lời nào.
Tuyết Hồ từ xưa tới nay vẫn vậy, chẳng so được về cái gì, cùng lắm cũng chỉ so được về miệng lưỡi. “Cùng lắm” hay là “bởi vậy”. Đâu là quả đâu là nhân, thật khó để nói cho rõ ràng.
“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Tôi cho dù không phải ác bá thì cũng là cường hào, để một kẻ như cô tùy tiện khinh thường thì thật uổng cho cái lốt hào nhoáng ấy!”
Tuyết Hồ càng tiến sát lại cô gái kia, miệng cười nhưng mắt không cười. Quả thực dáng vẻ của nàng lúc này, đặc biệt là biểu hiện trên khuôn mặt chẳng khác nào yêu quái hiện hình người, vừa hung ác lại nham hiểm rất đáng sợ.
Cô gái bán hàng không nhịn được run lên, rất lâu cũng không nói nổi lời nào.
Tuyết Hồ vươn tay nắm lấy cổ cô gái, giọng cảnh cáo:
– Lần sau thấy tôi thì ăn nói cho cẩn thận nghe chưa?
Nhưng cánh tay vừa định thu về lại bị người ta giữ lấy.
Nàng liếc mắt nhìn theo ống tay áo màu tím đậm chỉ lộ ra từ cổ tay của bàn tay đang giữ chặt mình. Ống tay áo chỉ một màu sắc đơn giản, nhưng nơi cổ tay lại có thêu một đường chỉ hình cánh chim rất lớn đang sải cánh như chao lượn trên bầu trời. Đánh giá tổng quan mà nói, đây là một họa tiết khá đặc biệt không phải áo nào cũng có. Tới tám phần đó là đồ đặt thêu riêng. Bởi vậy, chỉ từ ống tay áo này có thể thấy được, vị công tử giữa đường chạy ra này cũng là một người có thực lực về kinh tế.
Cánh tay dài, cổ áo gọn gàng. Lộ ra khuôn mặt cương nghị, vầng trán rộng, lông mày dày, làn da rám nắng khỏe mạnh. Một khuôn mặt không phải rất đẹp nhưng cũng đủ khiến người ta mến mộ.
Hai người lặng lẽ nhìn nhau chừng qua thời gian một lúc ngắn.
Xung quanh vốn dĩ từ lúc trước đã đông đỏ rất nhiều người đứng quây thành một vòng, lúc này cũng lặng thinh ngạc nhiên trước sự xuất hiện đột ngột giống như của một vị anh hùng gan dạ chống lại cường hào ác bá này.
Tuyết Hồ bất động, hai mắt chỉ hơi nheo lại chớp mấy cái.
Vị công tử đột ngột xuất hiện nhíu nhẹ mày, thoáng cái buông lỏng thu tay về.
Tuyết Hồ cười nhạt đưa tay phủi ống tay áo bị nắm mà hơi nhăn lại, dợm bước bỏ đi. Nhưng một giọng nói lại đột ngột vang lên ngăn cản:
– Tiểu thư đây, nhìn cô cũng là người đàng hoàng được dạy dỗ tử tế. Vì sao lại đi bắt nạt một người yếu đuối như vậy?
Nàng giật mình, không ngờ kẻ lạ mặt vừa mới tới lại nói ra những lời như vậy. Khuôn mặt lại duy trì vẻ dửng dưng lạnh nhạt, đầu mày hơi cong lên vẻ như thách thức nói ra mấy chữ:
– Thiếu nữ yếu đuối? Hừ, trên đời này cũng không có cái kiểu yếu đuối như vậy!
Vị công tử thoáng giật mình. Lúc hắn tới nơi đã thấy mọi người đứng đông đầy ở đây, thoáng liếc qua cũng thấy rõ cô gái nhà giàu này đang chèn ép người ta. Chẳng lẽ hắn đã để lỡ việc gì xảy ra từ trước đó rồi sao?
Hắn còn chưa kịp hồi phục tinh thần, nàng đã bỏ đi. Trước đó còn không quên buông lại một câu chễ giễu đầy ngang ngược:
– Mấy người rảnh rỗi cứ đứng đó mà bảo vệ nhau đi, chàng trai khoẻ mạnh bảo vệ một cô gái yếu đuối, trông cũng được lắm!
Nhân vật chính đã bỏ đi. Đám người nhiệt tình đóng vai quần chúng tự biết hết chuyện vui cũng dần dần tản mất, ngay cả kẻ đóng vai “thiếu nữ yếu đuối” trong vở kịch cũng đã lấy lại được bình tĩnh xếp lại quầy đồ cùng cây trâm gây họa.
Phố phường lại huyên náo, buôn bán vui vẻ như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Phạm Kiên đứng lặng như đang suy nghĩ, ánh mắt hướng theo bóng dáng lẻ loi đang xa dần, khuất hẳn nơi cuối phố.
***
Tuyết Hồ mang theo tâm tình không mấy thoải mái trở về nhà. Lần đầu tiên trong mấy năm qua nàng mất hứng xem cho hết lễ hội ngày mùa. Tổ chức suốt ba ngày thì ích gì? Hai ngày tiếp theo, nàng chẳng thèm ra khỏi cửa nửa bước!
Nhưng bước chân của nàng bị suy nghĩ ép buộc dừng lại nơi sân lớn trước cổng nhà. Cỗ xe ngựa nhỏ đã được lau chùi sạch sẽ, ngựa cũng đã được đeo dây cương cẩn thận. Mấy ngày nay chưa hề nghe nói trong nhà có người định đi đâu xa.
Tuyết Hồ ngẩn người trong chốc lát, sau một thoáng suy nghĩ quả quyết đi về phía cỗ xe. Người đứng trông ngựa vừa thấy nàng thì cung kính chào một tiếng, vốn còn đang định hỏi cậu ta xem cỗ xe này chuẩn bị cho ai thì đã thấy cha nàng, Đặng Nguyên từ sân trong vui vẻ bước ra.
– Cha định đi đâu vậy?
Đặng Nguyên thấy con gái nhỏ thì tươi cười:
– Tuyết Nhỏ, sao hôm nay về sớm vậy? Có muốn theo cha lên núi không?
Tuyết Hồ nghe vậy, khuôn mặt nhất thời cũng tươi tỉnh trở lại.
– Có! Có! Cho con đi theo với!
Đặng Nguyên nhíu mày nhìn chiếc xe ngựa nhỏ trong chốc lát, quay đầu nói với con gái:
– Con vào gọi chị nhanh một chút kẻo muộn.
Đoạn quay sang người làm đang đứng cầm cương ngựa, chỉ tay sai bảo:
– Cậu tháo dây cương ra, thay bằng cỗ xe ngựa lớn đi.
Tuyết Hồ bần thần.
Nàng mất một thoáng im lặng, vẻ mặt cứng ngắc có vẻ hơi buồn bã.
Bị Đặng Nguyên lên tiếng thúc giục nàng mới lấy lại được tinh thần, cười nhạt một tiếng cất bước đi vào trong. Nhưng mới vừa bước tới giữa sân đã thấy chị gái khoác một tấm áo mỏng, hai viền áo lông trắng tinh mượt mà. Thiếu nữ mười chín tuổi làn da trắng nõn, dáng đi uyển chuyển nổi bật giữa khoảng không rộng lớn khiến người ta không tài nào rời mắt đi được. Phải, Tuyết Hồ là phận nữ, thế nhưng cũng bị vẻ đẹp này làm cho chói mắt.
Đặng Tuyết Liên vừa thấy em gái đã mỉm cười, khuôn mặt xinh đẹp dưới ánh nắng càng sáng ngời lấp lánh.
– Tuyết Nhỏ, về sớm vậy sao? Vừa hay, chúng ta cùng lên núi dạo một chuyến!
Cô lớn nhà họ Đặng từ trước tới nay đối xử với em gái luôn vô cùng yêu thương. Nhưng nói rõ hơn một chút, Đặng Tuyết Liên là người đối xử với ai cũng tốt đẹp như vậy. Nói thế nào nhỉ, một con người luôn sống trong nhung lụa hạnh phúc sẽ có xu hướng muốn chia sẻ ít nhiều niềm vui trong cuộc đời họ với mọi người.
Tuyết Hồ cười gượng, dáng vẻ lúc đứng cạnh chị gái càng trở nên nhỏ bé, nhạt nhòa.
– Vâng, cha gọi chị nhanh một chút.
Tuyết Liên nhoẻn miệng cười lộ ra lỗ dùi nhỏ bên má, bàn tay trắng muốt rơi khỏi ống tay áo vàng nhạt nắm lấy tay em gái, rảo bước về phía cổng nhà, nơi Đặng Nguyên đã đứng chờ sẵn.
Năng lực làm việc của người làm trong nhà trước giờ vẫn rất cao. Hai cô chủ mới vừa nói chuyện trong chốc lát, thế nhưng lúc tới nơi cỗ xe ngựa lớn đã được chuẩn bị rất sẵn sàng.
Đặng Nguyên từ trên xe vén rèm lên gọi:
– Trời không còn sớm, hai con lên mau thôi!
Tam nhân bất đồng hành. Vì vậy ngoại trừ người làm đánh xe cùng mấy người làm có chút võ nghệ đi theo phía sau, quản gia nhà bọn họ được đặc biệt gọi đi cùng. Nhưng quản gia là người khá lớn tuổi rất hiểu phép tắc, đối với thân phận cao hơn người làm nhưng thấp hơn chủ nhà vẫn ý tứ ngồi bên ngoài, coi như cùng người đánh xe nói chuyện phiếm cho quãng đường bớt nhàm chán, cũng là để ba cha con chủ nhân ngồi trong thuận lợi trò chuyện.
Nói lần này lên núi nhưng lại đi bằng xe ngựa, kể ra cũng có mấy lí do.
Tầm chục ngày trước, Đặng Nguyên trong một chuyến buôn bán gạo lên kinh thành được người ta mách cho một chỗ rất đẹp. Núi Tuyết Sơn vốn dĩ lúc trước không phải chưa từng được nghe qua, nhưng phải chờ đến lúc có người nhắc tới mới dậy lên được tò mò.
Con người ấy mà, phải có một chút cạnh tranh mới nảy sinh hứng thú, phải có một vài thực nghiệm mới có được sự tin tưởng.
Đối phương chỉ nói có mấy câu thôi cũng đủ dậy lên hào hứng trong lòng Đặng Nguyên. Ông về tới nhà lập tức cho quản gia trong nhà đi hỏi thăm đường đi lối rẽ. Nghe đâu nơi này gần đây đột nhiên vô cùng nổi tiếng, vì vậy đường xá mới được làm lại rất đẹp, rất dễ đi. Hình như là chuẩn bị cho thánh thượng hạ giá thì phải.
Đặng Nguyên nghe thấy vậy thì vô cùng phấn khích. Nói đùa, đương kim thánh thượng còn có ý muốn ngự lãm, làm sao ông lại nỡ lòng bỏ qua cho được.
Nhưng ngẫm nghĩ một hồi lại có ý định rủ thêm người nhà đi cùng, cảnh đẹp không thể chỉ ngắm một mình. Vì vậy mới có chuyện từ một người một ngựa đổi thành xe ngựa nhỏ, sau lại đổi thành xe ngựa lớn như bây giờ.
Trong xe ngựa, Đặng Nguyên an nhàn ngồi tựa một góc nhắm mắt nghỉ ngơi. Tuyết Hồ ngồi góc còn lại im lìm, trong tay vân vê khăn lụa mỏng như đang suy nghĩ điều gì. Chỉ có Tuyết Liên là có dáng vẻ của một người đi dạo vãn cảnh, cánh tay nhấc rèm cửa lên nhìn ra bên ngoài. Khuôn mặt lộ rõ thích thú cùng vui vẻ, thỉnh thoảng lại xuýt xoa mấy tiếng.
Cuộc hành trình vì vậy hơi trầm lặng nhạt nhẽo. Đi được hơn nửa canh giờ rút cuộc mới tới nơi.
Tuyết Sơn là địa danh ở đạo bên cạnh, mới từ một hai năm gần đây mới được người ta khám phá ra. Nếu nói nổi tiếng nhiều người biết tới chắc cũng chỉ trong vòng nửa năm trở lại. Người tới chưa nhiều, vì vậy ít nhiều vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ hoang sơ thuần khiết. Không biết được sau này khi có nhiều người qua lại rồi sẽ chuyển biến thế nào.
Ba người xuống xe ở một gò đất cao, rộng và trống trải. Ngoại trừ Tuyết Hồ dáng vẻ còn chút thất thần thiếu tập trung, mọi người đều tỏ ra vô cùng thích thú và kinh ngạc.
Cả một khoảng đất rộng ngập tràn màu xanh.
Trên gò đất cỏ mọc dày kín, mỗi ngọn chỉ cao chừng một gang tay nhưng rất xanh. Màu xanh non như chứa nhựa, phủ kín cả tầm mắt. Ven bìa rừng chỉ nhìn thấy cây cao, lá dày lá mỏng xen lẫn. Thỉnh thoảng có gió thổi qua phát ra tiếng vi vu mát rượi.
Nắng dày và cao. Từ mặt đất tới bầu trời vời vợi tràn đầy sắc vàng của nắng, xua tan đi chút lạnh giá cuối mùa.
Mọi người theo chân một người dẫn dường đi vãn cảnh. Đi hết gò đất là vào tới rừng cây. Các gốc cây to, mọc cách nhau một khoảng rộng. Nhìn từ ngoài vào có vẻ rậm rạp um tùm nhưng kì thực đi sâu vào mới rõ, cả một đoàn gần chục người đi chung cũng chẳng có gì khó khăn.
Tuyết Hồ cảm thấy nơi này cũng chẳng có gì quá đặc sắc, nhiều nhất cũng chỉ nổi bật ở không khí trong lành. Trong lòng không tránh được chán nản, nếu biết trước như thế này thà rằng ở nhà ngủ một giấc cho khỏe người!
Bọn họ tản ra ở ven một bờ suối. Tuyết Hồ không mấy hứng thú ngồi riêng trên một mỏm đá ở góc xa, lặng lẽ nhìn về phía chân trời. Một vài gợn mây trắng lờ lững trôi qua, khuất dần sau tán lá, để lại một khoảng trời xanh lam trống trải.
Một ngày vốn dĩ đẹp trời đầy nắng, trong mắt nàng chỉ thấy có cô tịch hoang vu…
Trong một nhoáng, giống như bị hoa mắt, Tuyết Hồ bỗng nhiên nhìn thấy một bóng trắng muốt chen lẫn bên bờ suối, khuất sau những thân cây cổ thụ cao cả mấy chục thước. Nàng nheo hai mắt nghiêng đầu suy nghĩ, tầm mắt chạy dọc khắp ven bờ suối, trải dài theo nếp đất đá lởm chởm, cho tới khi dừng lại ở một gốc cây đại thụ kì quái.
Đó dường như là thân cây to nhất trong khu rừng này, cũng là thân cây to nhất mà Tuyết Hồ từng được nhìn thấy.
Cây không quá cao, đỉnh lá cao nhất trên tán cây cùng lắm cũng chỉ xấp xỉ những tán lá bên cạnh. Nhưng tán cây lại rất rộng, cũng giống như thân cây vậy. Giống như một cây nấm hương khổng lồ kì vĩ, tán lá xanh mướt xum xuê tỏa kín cả một mảnh đất bao tròn, ôm lấy thân cây to cả ba người mới ôm kín.
Nhưng điều kì lạ nhất của thân cây đại thụ này có lẽ không chỉ dừng lại ở đó.
Nơi gốc cây, trên những phiến rễ to bằng cả bắp chân người trưởng thành mọc tràn nhô cả lên khỏi mặt đất bị khoét một lỗ hổng to. Miếng khoét tròn, trơn nhẵn nửa giống như do con người tạo ra lại nửa như không phải.
Nếu đó chỉ là một vét khoét tự nhiên thì đường nét quá nhẵn nhụi, rất đáng ngạc nhiên. Còn nếu đó quả thực là một vết khoét do con người tạo ra thì có thể thấy đó hẳn là một bậc thầy trong nghề mộc, một chuyên gia không chỉ tay nghề tốt mà còn tính toán rất chuẩn xác. Ví dụ như lỗ khoét rộng bao nhiêu để cây không bị đổ hay khoét từ đâu để cây vẫn có đủ khả năng sinh tồn… Đó là còn chưa nói tới chuyện thần thánh phương nào lại tìm tới một nơi vắng vẻ như thế này để làm ra một cái hang động nhỏ lạ kì như vậy?
Từ cổ chí kim, người ta xây tầng hầm bí mật cũng chỉ có hai khả năng. Một là giấu của, hai là giấu người.
Hang động nhỏ nằm trong thân cây này ít nhiều gì cũng có thể tính là một loại tầng hầm bí mật, nói như vậy mục đích của nó hẳn cũng không nằm ngoài hai phương án trên. Ở một nơi vắng vẻ như hiện tại có vẻ phù hợp với việc giấu của. Thế nhưng xét về độ lộ liễu mà nói, phương án này có vẻ thiếu phù hợp. Nói như vậy, đáp án chắc chắn là giấu người.
Tuyết Hồ lặng lẽ ngẩng đầu nhìn khắp xung quanh một lượt. Nhân vật kỳ bí được giấu trong hang này nếu không phải là một người tu hành quanh năm chỉ ăn hoa quả, cây cối thì cũng là một cao thủ săn bắt và tự có khả năng nhóm lửa, nấu nướng…
Nàng nhìn chằm chằm về phía đó rất lâu, hai chân không tự chủ được bắt đầu bước đi từ lúc nào.
Thời gian lặng lẽ trôi qua. Những thanh âm nói chuyện đều bỏ lại sau lưng, trôi về một phía rất xa. Khung cảnh trống vắng rộng lớn chỉ còn văng vẳng tiếng nước chảy róc rách theo nhịp. Tuyết Hồ giống như lọt vào một cõi thần tiên hư ảo, trước mắt chỉ còn một gốc cây đại thụ kì quái kia.
Không có gió. Một chiếc lá cây lìa cành, chao đảo giữa không trung như luyến tiếc rồi rơi xuống, chạm đất không gây một tiếng động. Ngỡ như tất cả xung quanh đều trở nên mờ nhạt, bị bao phủ bởi một tầng mây sương mịt mù.
Giống như định mệnh, cũng giống như đã sắp đặt trước trong tiềm thức.
Nàng bị thu hút bởi một ý nghĩ mờ nhạt le lói trong trí óc, cho tới khi tất cả dừng lại.
Khoảnh khắc đó, thời gian cũng ngưng đọng thành một giọt nước trong ngần lưu lại trên phiến lá, bị gió thổi nghiêng rơi tách xuống mặt rừng, lặng lẽ thấm vào đâu không ai thấy rõ.
Dưới ánh sáng vàng nhạt của buổi chiều sớm thưa thớt xuyên qua kẽ lá, trong mắt Tuyết Hồ che kín một màu trắng muốt mềm mại.
Bộ lông dày mượt mà nằm yên bất động. Hai mắt trong hố sâu khuất nắng càng lộ ra một cái nhìn sáng rực, sắc bén tới lạ kì…
Vào một ngày cuối đông đầu xuân trên đỉnh Tuyết Sơn đầy nắng, nàng gặp được định mệnh của bản thân mình, định mệnh thay đổi cả đời đời kiếp kiếp của nàng. Hay nói đúng hơn, đời đời kiếp kiếp của nàng từ lúc này mới thực sự bắt đầu.
Vì hắn mà bắt đầu…