Đọc truyện Ván Cờ Người – Chương 21: Phần iv: Bắc -i. Gia phong
«Hồ Bằng không gật mà cũng không lắc, anh bỏ đi, không nghe vợ nói. Anh không tin Oánh Oánh tìm đến cái chết, lần trước với Văn Hòa chị cũng đã dùng đến chiêu này rồi, chị viết chúc thư là buộc anh ta phải bỏ khoản tiền gửi ngân hàng ra. Lần này chị cũng chỉ tái diễn chuyện cũ, không có gì mới. Anh không sợ Oánh Oánh một lần vất vả sẽ kết thúc mọi chuyện. Anh đoán, Oánh Oánh không thể rời anh, cái chị gái già này chỉ bám lấy anh, không đủ tư cách làm mình làm mẩy».
I. GIA PHONG
★★★
Các ông chủ của các xưởng may dân doanh thành phố Tứ Phương được một trận gió thu kích động, có điều gió thu hơi lạnh một chút, họ thông báo cho nhau rằng, gió lạnh sắp về.
Mùa đông là mùa làm ăn của những xưởng may nhỏ, áo lông vũ là sản phẩm gia công chủ yếu của những xưởng may này, chỉ cần mùa đông năm nay giống như mùa đông năm ngoái, họ sẽ có được hàng loạt hợp đồng gia công cho các thương hiệu của hãng Bosideng và Nhã Lộc. Năm ngoái vì trời rét, lượng tiêu thụ áo lông vũ trên thị trường có chiều hướng gia tăng, kéo theo sự phát triển của nghề gia công áo lông vũ, các xưởng gia công áo lông vũ được vỗ béo, các ông chủ kiếm được đầy hầu bao. Sang mùa xuân năm nay, cả thành phố có bốn trăm xưởng may nhỏ nhanh chóng phát triển lên đến hơn bảy trăm.
Chiều hướng phát triển ấy đã tạo cho chính quyền thành phố có ý tưởng phát triển nghề may gia công với qui mô lớn, kéo theo lượng tiêu thụ mặt bằng kinh doanh trong “khu giao dịch thời trang” của giai đoạn đầu công trình Trung tâm thời trang. Một số người dân thành phố có chút ít tích lũy mua mặt bằng để đầu tư, rút tiền gửi ngân hàng, bọc lớn bọc nhỏ tiền mặt đem đi đặt cọc. Rất nhanh chóng, việc bán mặt bằng tạm ngưng, muốn có phần cần phải móc ngoặc, đi cửa sau, đến độ khó kiếm được một gian hàng.
Cơ sở công nghiệp của thành phố Tứ Phương rất mỏng, chỉ có nhà máy phân bón hóa học, nhà máy bột giấy, xưởng may số ba của nhà nước là lớn một chút. Nhà máy phân bón hoá học đang sống dở chết dở vì cơ cấu sản phẩm, nhà máy bột giấy bị đình chỉ sản xuất vì gây ô nhiễm nghiêm trọng, xưởng may vì quản lý tồi nên bị đổ bể. Công nhân của xưởng may nhà nước sau khi bị mất việc họ không ngồi không mà tìm đến làm việc cho các xưởng may của các xã và của tư nhân, bổ sung vào lực lượng kĩ thuật thiếu hụt của những nơi đó. Có nhiều cán bộ, viên chức mạnh dạn lập xưởng may nhỏ chừng một chục công nhân đổ lại, bảy tám máy khâu, thuê vài gian xưởng, đó là qui mô ban đầu của họ, làm độ một năm, khi đã tạm ổn liền nghĩ đến việc mở rộng.
Có thể nói thế này, thời vụ sản xuất hàng mùa đông bắt đầu từ mùa xuân, qua Tết, sang tháng giêng họ căn cứ vào qui mô sản xuất để chiêu binh mãi mã. Mở rộng qui mô xưởng phải mua sắm thêm thiết bị và phải thuê thêm thợ. Hầu như nhà may nào cũng thiếu vốn.
Những xưởng may nhỏ tích lũy vốn ban đầu rất khó khăn, vốn mở xưởng phải tự xoay xở, dựa vào nguồn tiền tiết kiệm của gia đình hoặc vay bạn bè, người thân. Mở xưởng kiếm được tiền lại nghĩ đến làm lớn, nghĩ đến cứ liều một phen. Cái lý vốn lớn lãi nhiều ai cũng hiểu, nhưng tìm đâu ra vốn? Vay ngân hàng rất khó, nhiều người chạy đi vay tín dụng dân gian.
Tín dụng dân gian là do các ông chủ các xưởng may nhỏ tự tạo, không đến nỗi phải đi vay lãi suất cao để mở xưởng. Tám mươi phần trăm trong số hơn chục triệu của Văn Hòa là đổ vào các xưởng may nhỏ, đổ vào sản xuất của họ, hơn năm chục xưởng có dính đến khoản vay này. Lãi suất hàng tháng của Văn Hòa một hào, hai hào đều có. Vụ việc bị bại lộ, các ông chủ xưởng may phải vay lãi suất cao đều vui mừng, nhà nước xử lý họ chỉ phải trả lãi suất không quá N lần theo qui định của ngân hàng. Nên nhớ, tiền họ kiếm được đã lấp đầy cái hố sâu lãi suất không đáy kia.
Tội của Văn Hòa là chiếm dụng công quĩ và cho vay phi pháp. Những ông chủ vay tiền của Văn Hòa có người nói họ mở rộng qui mô sản xuất, tiền bỏ vào mua sắm thiết bị và thuê công nhân, có khó khăn, phải một thời gian nữa mới hoàn trả nổi. Có người tỏ ra dứt khoát không trả, bảo lãi suất phải trả đến đời con, lãi vượt quá vốn, đòi được hưởng lợi ích hợp pháp.
Mùa đông sắp tới sẽ thế nào? Rét hơn, rét hơn năm ngoái, rét đến độ nhân dân cả nước phải đi sắm áo lông vũ, các xưởng may ở thành phố Tứ Phương được dịp làm ăn. Các ông chủ kiếm được tiền trả bớt cho Văn Hòa, như vậy tội của anh có phần giảm nhẹ. Vào thu, ngày nào Oánh Oánh cũng trông, cũng mong.
Hồ Bằng bảo Oánh Oánh hoang tưởng, mùa đông sắp tới có thể ấm hơn không nói làm gì, cho dù các ông chủ nhà may kiếm được, phát tài to họ cũng không đem tiền đi trả ngay, họ sẽ tính chuyện mở rộng sản xuất cho năm sau. Với lại, ai cũng biết tiền của Văn Hòa có thể kéo dài, chây ỳ. Cho dù cơ quan tư pháp có dùng biện pháp mạnh để đòi nợ thì chính quyền thành phố cũng không bằng lòng, nếu những xưởng sản xuất nhỏ kia gặp rủi ro thì rất có khả năng Trung tâm thời trang cũng bị tổn thất lây. Dùng luật pháp để đòi nợ cũng phải có lộ trình, lộ trình phải từng bước, mỗi một bước đều có sự rắc rối, rắc rối ở chỗ các ông chủ kia sẽ lợi dụng pháp bảo.
Nghe Hồ Bằng nói vậy, Oánh Oánh đâm nản chí. Chị biết, Hồ Bằng hiểu các xưởng may kia hơn chị.
Từ sau ngày Văn Hòa bị bắt, Hữu Ngư khôi phục quan hệ với Hồ Bằng. Anh ta chủ động mời Hồ Bằng ăn cơm, coi như tan băng. Buôn bán làm ăn của anh ta cũng thay đổi, buôn bán than ít đi, thấy mở xưởng may kiếm được, anh ta cũng theo trào lưu mở một xưởng với qui mô hai trăm công nhân, nghe nói cũng lãi lắm.
Hữu Ngư có vốn, cửa miệng anh ta vẫn nói: “Nếu tôi có tiền, mua sắm một nghìn máy, mỗi mùa đông làm hai triệu áo, rất nhẹ nhàng kiếm được một khoản lớn. Vậy là tôi thành ông chủ lớn”.
Anh ta cũng nói, Văn Hòa có cống hiến đặc biệt cho sự phát triển ngành may của thành phố Tứ Phương. Còn đối với Đại Trung cũng bị bắt, anh ta không nói gì.
Có lần Hồ Bằng hỏi Hữu Ngư, Văn Hòa có bao nhiêu tiền ở chỗ anh ta? Hữu Ngư không trả lời, chỉ ậm ự không rõ ràng.
***
Cát Hồng nghe nói, cánh buôn bán bất động sản ở Ôn Châu, Triết Giang kéo đến Tứ Phương, họ buôn mặt bằng của Trung tâm thời trang. Chị vội nói với Xuyên Thanh, các gian hàng số 8 và 3,6,9 đều bị cánh buôn bán bất động sản Triết Giang kia đặt cọc, bây giờ chỉ còn mấy gian nữa trong tay các ông chóp bu trong ban chỉ huy xây dựng, vị trí rất đẹp. Chị ta muốn thuê một gian, giục Xuyên Thanh đi tìm ông Vũ.
Xuyên Thanh như ngậm trái đắng, cứng họng không sao nói nên lời. Anh ta còn mặt mũi nào để đi gặp ông Vũ?
“Chơi mạt chược ảnh hưởng tiến bộ lắm”. Câu nói không may phát ra sau tiệc rượu. Bây giờ Xuyên Thanh làm việc ở Ban lịch sử thành phố đặt trong ngôi nhà mái bằng thuộc khuôn viên cơ quan chính quyền. Anh trốn trong thành nhỏ, ngày thường vẫn cưỡi xe, cúi đầu ra vào khuôn viên chính quyền, trốn cũng không thoát.
Xuyên Thanh mặt dày mày dạn đi tìm ông Vũ nhưng không gặp phải sự lạnh nhạt, ông Vũ vẫn pha trà mời anh như trước đây, không nhắc nhở gì đến chuyện bị kỉ luật vì chơi mạt chược. Như vậy Xuyên Thanh rất tự nhiên, không ngồi ngay ngắn mà ngả ngớn trên sofa, thậm chí còn ra dạo quanh hành lang.
Anh nghĩ cũng phải, tuy tôi đến cầu xin anh, nhưng tôi là ai? Nếu tôi không ra sức, liệu anh có thể ngồi ở vị trí này không?
Ông Vũ hỏi Xuyên Thanh làm việc ở Ban nghiên cứu lịch sử có thích hợp không, Xuyên Thanh bảo rỗi rãi đến khó chịu, trở thành cá muối phơi nắng. Ông Vũ cười, cá muối sẽ có ngày vươn mình. Tiếp đó, ông hỏi anh đến có chuyện gì, Xuyên Thanh nói: “Tất nhiên có việc nhờ cậu. Không có việc tớ đến đây làm gì?”
Ông Vũ nói: “Nếu tìm tớ để mua gian hàng trong Trung tâm thời trang thì cậu đừng nên nói”.
Xuyên Thanh ngồi ngay ngắn: “Chính là chuyện đó, cậu phải giúp tớ”.
Ông Vũ trầm mặc hồi lâu. Xuyên Thanh nghĩ, ông ta đang khó xử, không ngờ ông ta nói: “Nếu cậu thật sự muốn mua, lúc này đến tìm tớ thì chỉ có một khả năng, đấy là vợ cậu đang rỗi việc, đúng không nào?”
Xuyên Thanh không biết phải trả lời thế nào, bị ông Vũ nói thẳng, không còn mặt mũi nào, anh đành phải sĩ diện, nói thẳng chuyện muốn mua mặt hàng: “Hồng bị mất việc, muốn mua một gian, chờ cho Trung tâm thời trang hoạt động, cho dù để bán nước trà âu cũng là một lối thoát”.
Ông Vũ hỏi Xuyên Thanh trong tay có bao nhiêu tiền, anh do dự giây lát rồi trả lời, có chừng hai ba trăm nghìn, vay người thân, sau đó trả sẽ không vấn đề gì. Ông Vũ cười Xuyên Thanh đập nồi bán sắt vụn, không cần thiết phải như vậy. Ông nói, nếu là Cát Hồng tìm việc làm, thì đấy là một việc tốt. Xuyên Thanh sốt ruột muốn biết việc tốt ông Vũ nói là gì, nhưng ông không nói.
Ông Vũ bảo ông đang gặp chuyện đau đầu, muốn tìm cách giúp đỡ. Khu sản xuất trong Trung tâm thời trang được thiết kế thành khu nhà xưởng theo tiêu chuẩn quốc tế năm mươi năm không lạc hậu. Nhưng không một nhà may nào vào, được hưởng chính sách ưu đãi nhưng không ai thuê, quảng cáo mỏi cả miệng vẫn không có người hỏi.
Xuyên Thanh có cái nhìn riêng, anh nói đầu tiên do qui hoạch nhà xưởng lớn quá, không thiết thực, khiến các ông chủ xưởng may nhỏ phải bước một bước quá dài từ thuê mướn đến mua đứt, giống như bắt nông dân mặc áo Piere Cardin, bảo người cưỡi xe đạp mua xe BMW, Mercedes, coi như bảo họ đập nồi bán sắt vụn để mua một cái bát.
Nói ra được điều ấy Xuyên Thanh cảm thấy nhẹ nhàng. Vừa rồi ông Vũ bảo anh đập nồi bán sắt vụn mua gian hàng, anh đã phân tích, đưa ra kết luận chính ông Vũ bảo người khác đập nồi bán sắt vụn mua bát. Ông Vũ nghe không thoải mái lắm, nhưng không có cách nào, vấn đề ông nói đúng là một tồn tại, chỉ chờ xem có giải pháp gì không. Từ sau ngày lên làm Phó thị trưởng, ông cảm thấy thiếu người bên cạnh để bàn bạc công chuyện.
Ông Vũ cảm thông với những ông chủ các xưởng may nhỏ không có tầm nhìn xa, nói hãng Bosideng chuẩn bị đưa cơ sở sản xuất lớn nhất vào Trung tâm thời trang, tám mươi phần trăm sản phẩm sẽ được gia công tại Tứ Phương này. Những doanh nghiệp lớn sẽ kéo theo các xưởng may nhỏ cùng phát triển, vào khu sản xuất sẽ có nhiều cái tốt, là hoa hồng trong vườn hoa. Không nghĩ đấy là những doanh nghiệp tư nhân, những hộ cá thể không thể nghĩ nổi.
Xuyên Thanh nói, ban đầu anh đưa ra ý tưởng về một Trung tâm thời trang đã nghĩ đến bước này rồi. Ông Vũ mắt sáng lên, vội hỏi: “Tại sao không nói với tớ?”. Xuyên Thanh nói: “Cậu không hỏi tớ rồi sao?”
Ông Vũ giục Xuyên Thanh, anh nói: “Dựng những nhà xưởng đơn giản và gọi cho thuê. Tớ đã thấy ở Tô Nam từng dãy, từng lớp nhà xưởng xanh có, đỏ có, trắng có, vàng có. Khu sản xuất của cậu sẽ lấp đầy, vừa thực dụng, vừa đẹp”.
Ông Vũ đập bàn kêu lên: “Nhà xưởng lợp tôn đầu tư ít hiệu quả lớn, lắp ráp hoặc dỡ bỏ cũng nhanh chóng. Chúng ta có thể bán quyền sử dụng từ năm năm đến mười năm, không ảnh hưởng đến kế hoạch dài hạn. Sau này nhà xưởng lớn vẫn xây dựng”.
Xuyên Thanh không nói thêm, không bàn bạc gì với ông Vũ nữa. Anh trở về với chủ đề của mình, hỏi ông Vũ cho anh việc tốt gì? Ông Vũ cũng rất sảng khoái, bảo Cát Hồng sẽ thầu chỗ đỗ xe trong Trung tâm thời trang.
Xuyên Thanh cau mày suy nghĩ, nếu số tiền thầu không quá lớn, đúng là một việc tốt. Ông Vũ vỗ vai anh, nói đấy là miếng thịt ngon, rất nhiều người nhòm ngó. Cát Hồng là công nhân mất việc, để chị nhận thầu là một cách tạo công việc cho người thất nghiệp. Đến lúc ấy có thể định mức tiền bao thầu vừa phải, thời hạn nhận thầu cũng dài hơn.
Xuyên Thanh vội cảm ơn ông Vũ, không phải là lời nói suông, anh hứa sẽ biếu ông bức thư họa tổ truyền. Ông Vũ cười ha hả: “Cậu ấy à, những thứ quí báu cứ cho đi cho lại”. Cho đù Xuyên Thanh không đỏ mặt, nhưng trong lòng vẫn thấy khó xử.
Về đến nhà, Xuyên Thanh nói với Cát Hồng chuyện ông Vũ có ý định để chị nhận thầu chỗ để xe trong Trung tâm thời trang. Cát Hồng mặt lạnh tanh, nói với giọng bất cần, cho rằng Xuyên Thanh không kiếm được miếng thịt mà đi nhặt cục xương về, vậy mà cũng khấp khởi vui mừng.
Trong bụng Xuyên Thanh có rất nhiều điển cố. Anh kể với Cát Hồng một câu chuyện, vào thời đi tìm vàng ở miền viễn tây nước Mĩ, có một người thông minh không mạo hiểm sinh mệnh, anh ta mua một con thuyền, đỗ ở một bến sông mà người đào vàng phải qua lại. Người đào vàng có người bỏ mạng mà không kiếm được vàng, còn anh kia thì kiếm tiền một cách yên ổn. Đó là một bước đi khác, vẫn được gọi là “mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”.
Cát Hồng vẫn không phấn khởi, cảm thấy đấy là sự trả ơn tất yếu sau khi anh đã giúp ông Vũ.
***
Từ sau ngày Xuyên Thanh về làm việc ở Ban lịch sử thành phố không bận như trước kia, buổi tối ở nhà cơm nước xong không có việc gì làm. Mạt chược thì hoàn toàn đoạn tuyệt, sách đọc không vào, cảm thấy mình đã quá tuổi đọc sách, không còn tâm trạng nào để đọc. Báo lại càng không, từ ngày rời tòa soạn, hễ cầm đến tờ báo lại bị kích thích. Không có việc gì làm, Xuyên Thanh và Cát Hồng cùng xem ti vi. Cát Hồng thích xem phim truyền hình nhiều tập không hợp khẩu vị của Xuyên Thanh. Xem một lúc anh chửi truyền hình, chửi biên tập, chửi người xem.
Anh nói, anh đã đọc một bài báo về chuyện này, bây giờ phim truyền hình chỉ có những phụ nữ xấu, nghèo và già xem. Những phụ nữ có tiền và thời thượng không xem phim truyền hình bao giờ, họ có những sinh hoạt về đêm vô cùng phong phú. Dung nhan của họ, tiền bạc của họ, thú vui của họ, khả năng của họ, địa vị độc lập của họ, khiến họ cưỡi trên cuộc sống. Quán bar, vũ trường, KTV là sân khấu của họ, có thể cho họ diễn dịch tình cảm, sáng tạo nên những câu chuyện của riêng mình, hiểu được cuộc sống của mình. Phụ nữ xấu, phụ nữ nghèo, phụ nữ già phần đông khó tránh khỏi thất nghiệp và nhàn rỗi không biết làm gì, họ có thể tìm được sự đồng cảm trong những phim truyền hình nhão nhoét tình cảm, hưởng thụ cái lãng mạn và cái đẹp lý tưởng. Những phụ nữ có tiền và thời thượng có thể xem một số phim truyền hình, nhưng không phải ngày nào sau bữa cơm tối đều ngồi nhà chờ xem phim. Họ mua một lô đĩa DVD cho chạy tốc độ nhanh, chọn xem một số đoạn hợp khẩu vị.
Nói đến phim truyền hình, Xuyên Thanh có phần oán hận phụ nữ. Một hôm, Cát Hồng bị anh chửi mắng bỗng nhận ra, người xem là ai? Người xem chính là chị. Xuyên Thanh chửi chính chị. Cát Hồng tắt máy, phản kích chồng, nói phượng hoàng sổ lồng không bằng gà, bây giờ anh chỉ là trưởng phòng không còn ai mời ăn uống gì nữa.
Xuyên Thanh bị chạm vào chỗ đau, anh nặng mặt, bảo nhiều người mời anh ăn cơm, có điều anh không đi đấy thôi, nói nếu Cát Hồng không có ý kiến gì thì anh vẫn đi như mọi khi.
Cát Hồng bảo cứ thế làm, chị chỉ mong Xuyên Thanh ngày nào cũng đi ăn ở đâu đó.
Chiều hôm sau, Xuyên Thanh hết giờ làm về nhà, Cát Hồng hỏi: “Anh nói rồi, bắt đầu từ hôm nay em không thổi cơm cho anh, đỡ lãng phí. Tại sao hôm nay về sớm thế, chắc là không nhận lời ai à?”
Xuyên Thanh không muốn cãi cọ với vợ, chỉ buông một câu: “Tôi đi, có người mời. Về nhà là để thay quần áo”. Anh cố tình thay áo quần, đánh giày thật bóng, cắp cặp bỏ đi.
Ra đến cửa, Xuyên Thanh không biết đi về phía nào.
Vấn đề mà Xuyên Thanh cần giải quyết đó là nơi ăn và ăn xong phải bằng cách nào cho hết thời gian. Đến khách sạn lớn là không thể, không nói gì gặp người quen, mà ở đấy tốn kém không chịu nổi. Đến các nhà hàng ăn nhỏ vấn đề lại càng nhiều hơn, một mình ngồi ăn, ai trông thấy cũng đều lấy làm lạ.
Anh vào siêu thị mua một hộp mì ăn liền và hai cái xúc xích, cho vào phồng cả cặp. Cuối cùng quyết định đi tắm hơi, giải quyết vấn đề ăn và giết thời gian trong phòng tắm hơi. Có nhiều cách gọi tắm hơi, có người gọi là trung tâm tắm hơi, có người gọi là nhà nghỉ. Trước đây Xuyên Thanh thường được người khác mua vé phòng riêng cho anh, bây giờ thì phải bỏ tiền túi, chỉ có thể tắm ở phòng kinh tế, tức là nơi không làm gì.
Xuyên Thanh vào phòng, trong đó có hai cái giường, người nằm giường bên cạnh đang tắm hoặc làm việc gì đó. Người ấy tắm xong quay về phòng, anh nhận ra đấy là Kiều, Giám đốc Công ty phục vụ lao động của Sở điện, anh chỉ biết người này vẫn gọi là Kiều. Kiều hàn huyên với anh một lúc, lại mời anh điếu thuốc.
Chỉ một lúc sau, các cô gái như một đàn cá kéo vào phòng, chèo kéo hai người mát xa. Xuyên Thanh làm lơ, giống như lão hòa thượng nhập định. Thấy vậy, các cô gái không đến với Xuyên Thanh, họ ngồi bên giường Kiều, sờ nắn xoa bóp người anh ta.
Kiều không dám đi với các cô kia. Trước mặt Xuyên Thanh anh ta giả bộ súng gươm cũng không làm gì nổi, chỉ cười cợt một lúc rồi đuổi các cô ra ngoài. Các cô gái vốn quen Kiều đều cảm thấy bất ngờ, hỏi anh ta tại sao không chọn được cô nào, trong đó có hai cô mới đến. Một cô nói đùa mấy câu, bảo Kiều sợ bất tiện, chỉ giả vờ vậy thôi.
Xuyên Thanh không dám cười thành tiếng, biết mình làm hỏng việc của Kiều, anh bảo Kiều đừng ngại, cứ tự nhiên. Kiều nghĩ rằng đã gặp được đồng hao, bảo chúng ta cùng làm, anh ta mua vé mời. Xuyên Thanh sợ Kiều khó xử, thoái thác bảo phải về “nộp lương” cho vợ. Vậy là Xuyên Thanh không mát xa, Kiều cũng đành ngồi không.
Ngồi một lúc, chừng như Kiều không cam tâm, anh ta mời Xuyên Thanh ngâm chân. Ngâm chân có lợi cho sức khỏe, không phải là chơi bời, Xuyên Thanh cùng ngâm chân với Kiều. Anh chưa muốn về vì hãy còn sớm, không có nơi nào để giết thời gian, hơn nữa hộp mì vừa mua có thể ở đây đổ nước sôi vào để ăn
Ngâm chân cho hai người là một chị công nhân thất nghiệp trên ba mươi tuổi (nhưng chị đã tìm được việc ở đây). Có thể Kiều không thích dịch vụ này, chỉ một chốc anh đã ngáy khò khò, ngâm chân xong anh ta vẫn chưa dậy. Bụng Xuyên Thanh sôi ùng ục, đòi ăn, cứ để Kiều ngủ, cho dù anh ta ngủ nhưng Xuyên Thanh vẫn thấy ngượng.
Gần mười hai giờ Kiều vẫn chưa dậy. Xuyên Thanh phải về, anh không dám về muộn, vậy là anh nhẹ tay nhẹ chân ra về, ra quầy thanh toán tiền.
Ra khỏi trung tâm tắm hơi, anh cảm thấy Kiều giống như cái quẩy, miệng chỉ ồn ào mời khách và dùng một giấc ngủ để tránh phải trả tiền. Xuyên Thanh về rồi Kiều vẫn có thể làm chuyện kia.
Không nuốt nổi món mì ăn liền, lại không thể đem về nhà, ngộ nhỡ Cát Hồng trông thấy lại cười anh, Xuyên Thanh phải xử lý hộp mì ăn liền. Anh nhìn quanh, mong trông thấy một người ăn xin hoặc có ai đó có thể nhận hộp mì này của anh. Cho đến khi về đến cửa vẫn chưa thấy ai, anh đành để hộp mì ở ngăn tủ nơi hành lang.
Lúc mở cửa, bụng Xuyên Thanh lại sôi ùng ục. Anh cười đau khổ, lắc đầu.