Ung Châu Tàng Cốc

Chương 11: Đường vào Tàng Cốc


Đọc truyện Ung Châu Tàng Cốc – Chương 11: Đường vào Tàng Cốc

Sau một đêm nghỉ ngơi yên tĩnh tại nhà chung của bản Mèo, cả đoàn chúng tôi đều cảm thấy hưng phấn, sức khỏe cũng như tinh thần đều được phục hồi lại trạng thái đỉnh cao như sẵn sàng cho những bước đi sắp tới. Để cảm ơn già làng đã cho tá túc, chúng tôi tặng mọi người nhiều muối trắng và thuốc lá. A Lủ không tiếc tay, tặng lại đầu hổ xám để treo trong nhà chung, nó tự quyết định giống như con hổ này là của nó, do nó giết được không chừng. Đồng thời giáo sư ngỏ lời muốn mua hai con ngựa để chở đồ đạc thay cho số bị hổ cắn hai hôm trước và được dân bản nhiệt tình đáp ứng. Theo lời già làng, có hai ngọn thác trong vùng này, thật may là cả hai đều cùng một hướng, đỡ tốn thời gian đi lại rất nhiều. Do tâm lý thoải mái, chúng tôi băng rừng khá nhanh, chẳng mấy chốc đã đến thác nước thứ nhất. Ngọn thác này khá lớn, tuy nhiên nước chảy không quá siết mà dàn trải ra và đổ xuống hạ lưu tạo nên một màn nước bạc. Chung quanh thác nước thông thoáng, cây lớn cũng không nhiều nên chúng tôi thoải mái tìm kiếm nửa ngày, cuối cùng cũng không phát hiện được gì, nghĩ cũng đúng thôi, nếu như cửa vào kho tàng dễ kiếm như thế, thì sớm đã chẳng còn gì sau suốt ngàn năm qua, vậy nên đoàn chúng tôi tiếp tục băng rừng nhắm hướng tới ngọn thác thứ hai.

Càng ngày đường đi càng khó khăn và hiểm trở, cho đến khi nghe được tiếng thác nước đổ ầm ầm từ xa thì đã không thể cưỡi ngựa đi tiếp mà phải chia nhau hành lý mở đường vượt rừng hoang mà xuống chân thác. Khi nhát dao cuối cùng chặt đứt những sợ dây leo dày đặc, thác nước hùng vĩ cao cả trăm mét hiện ra trước mắt chúng tôi. Trong ánh hoàng hôn, sương mù do thác đổ xuống tạo nên những ánh xạ cầu vồng tuyệt đẹp. Tuy nhiên dưới cân những cầu vồng đó là một xoáy nước hun hút, chảy xiết vô cùng, làm cho bất kỳ ai nhìn thấy cũng phải choáng váng mặt mũi, kinh sợ trước sức mạnh của mẹ thiên nhiên. Ngoài xoáy nước, khu vực thác nước đổ xuống khá rộng, áng chừng vài chục mét, báo hiệu việc tìm kiếm lần này sẽ thực sự mất thời gian và công sức.

Do khu vực thác quá rậm rạp, quá trình thám hiểm không suôn sẻ như dự tính. Hai bên bờ thác không thể di chuyển sát mép nước. Muốn lục lọi khu vực này chỉ có thể dùng cách bơi xuống vùng xoáy nước ngay chân thác mà thôi. Tôi đề nghị mặc áo phao, cột dây thừng vào người rồi chia ca lần lượt từng người gồm A Lang, tôi, A Lủ sẽ xuống nước. Người ở trên bờ tranh thủ chặt cây cối tạo một khu vực thoáng để dựng trại rồi đốt lửa để sưởi ấm sau khi bơi lặn dưới nước. Cả đoàn nhanh chóng đồng ý, tôi sẽ tìm kiếm lượt đầu tiên, mặc chiếc áo phao mỏng, đội đèn pin thám hiểm, cố định chắc chắn dây thừng để bắt đầu xuống nước. Lộ trình tìm kiếm trước tiên là bơi vòng các bờ vùng vực thác. Suốt mấy tiếng đồng hồ cố gắng lùng sục không có kết quả, kèm theo trời đã về khuya. Tôi lên bờ dừng lại việc tìm kiếm, ngày mai sẽ tiếp tục vào buổi sớm, tôi nhận thấy càng ngày mình càng dị ứng với trời đêm trong rừng thẳm đại ngàn này rồi.


Hôm sau đến A Lủ tiếp tục công việc, nó tìm kiếm không mấy nhiệt tình, làm mọi người ở trên ai cũng sốt ruột. Phần nữa vì nó hơi mập mạp, bơi lặn không nhanh nhẹn được như lúc trên bờ. Không ngoài dự đoán của mọi người, nó cũng chẳng tìm được tý gì giống như một lối vào mà mọi người đang mong mỏi. Khi A Lang xuống nước, chúng tôi mới cảm thấy được sự khác biệt giữa thợ săn rừng núi và những con người thành phố như tôi, anh ấy ngụp lặn trong dòng nước giống như loài rái cá, tốc độ gấp đôi gấp ba chúng tôi, cũng may chuyến đi này có A Lang dẫn đường, nếu không khó có thể đến được đây dù chỉ một bước ngắn. Đang nhìn A Lang bơi lội, tôi chợt phát hiện ra có gì không ổn, ngay phía sau anh ấy có gợn nước nổi lên bất thường. Định thần nhìn kỹ lại, một vệt đen ngoằn ngoèo uốn lượn đang trườn tới. Tôi hét lên đầy kinh hãi:

– Cẩn thận!!!

Đoạn hối A Lủ và An phụ một tay kéo A Lang vào bờ cấp tốc. Lúc này A Lang còn chưa kịp hiểu ra chuyện gì, bị chúng tôi kéo dây thừng nên vùng vẫy tứ phía, trong lúc quay cuồng ấy, anh kịp nhìn thấy một con trăn lớn đang lao về phía mình. Nó ngóc đầu lên khỏi mặt nước rồi cắn về phía A Lang, nhanh như chớp, A Lang cũng lặn người xuống để né tránh. Có vẻ con trăn đớp hụt phải sợi dây thừng, nó cuộn người lại, cuốn luôn vào sợi dây thừng khiến tôi bị hụt đà kéo trên bờ, ngã chúi người về phía trước. May mắn A Lủ nhanh tay, kéo tôi lại được, lúc này giáo sư cũng đã lao đến phụ kéo dây thừng. Bốn người dùng hết sức giằng co với con trăn lớn mà vô cùng vất vả. Chúng tôi trước hết phải cột cố định sợi dây thừng vào một gốc cây, rồi từng tý một vận sức kéo vào, sợi dây căng cứng chìm sâu xuống làn nước xanh thẫm., rồi thi thoảng lại trồi lên mặt nước, phía đầu dây vẫn là A Lang đang cố vật lộn trong nước với một con trăn lớn cuốn quanh người. Rồi con trăn kéo A Lang hụp xuống rất sâu, thấy mặt nước nổi lên những trận bọt khí, tôi liên tục động viên mọi người phải cố lên, nếu không A Lang có thể bị ngạt nước mà chết. Đang lúc lo lắng, mặt nước bỗng loang lỗ màu đỏ của máu rồi theo bọt khí A Lang đã nổi lên, trên tay anh cầm con dao săn ra hiệu chúng tôi đã ổn rồi, mau kéo anh ấy vào bờ. Tôi bỏ thêm củi vào đống lửa để A Lang sưởi ấm, anh ấy kể lại rằng con trăn nước khá dài, có lẽ hơn năm mét, lúc nó cắn trượt, liền từ sợi dây cuốn đến anh, may thay còn có con dao đi rừng bất ly thân, một tay anh ấy cố túm lấy cổ con trăn, gồng hết sức không cho nó cắn mình, một tay rút dao ra, cảm giác lúc này cơ thể đã bị xiết chặt đến cực hạn, các khớp xương đã bắt đầu kêu răng rắc. Dùng hết sức lực cuối cùng, trong lúc vật lộn dưới nước anh đã cắt được cổ nó, ngay yếu huyệt, lúc này nó mới chịu chết mà buông tha anh ấy, dần dần thả lỏng cơ thể A Lang ra rồi chìm sâu xuống vực thác đen ngòm. 


– Trong lúc vật lộn với con trăn và bị nó kéo chìm xuống nước, tôi có nhìn thấy phía dưới mép nước có một hốc lớn đen kịt không thể nhìn rõ, rất có thể là cửa của một hang động ngầm. – A Lang nói thêm.

Lúc này ánh mắt cả đoàn tràn ngập tia hy vọng, đã tìm được đường vào kho tàng rồi thì mọi thứ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. A Lủ thì lo lắng không biết kho tàng bị ngập nước bao nhiêu năm liệu có còn gì không, việc này cũng rất có khả năng xảy ra. Các duy nhất để kiểm chứng là phải một lần nữa lặn vào hang ngầm để khám phá. Vì A Lang vừa trải qua cơn hiểm nghèo, nên tôi quyết định sẽ tự mình lặn vào hang động đó. Tôi thống nhất nếu mọi người thấy tôi dật dây ba lần nghĩa là có nguy hiểm phải lập tức kéo tôi trở lại. Còn nếu kéo dây một lần nghĩa là không có gì xảy ra cả, tôi vẫn ổn. Bơi đến hướng A Lang chỉ, hít một hơi thật sau rồi rôi lặn xuống, trên đầu có đội đèn pin chuyên dụng, tuy nhiên dưới làn nước đục, ánh sáng không thể chiếu xa được, cái hốc vẫn chỉ có một màu đen huyền bí. Tôi lặn sâu vào trong hốc, ánh đèn pin chỉ chiếu được một khoảng ngắn chưa đầy hai mét làm tôi chỉ biết tiến tới theo quán tính, ngay khi gần hết hơi, trước mặt tôi hiện ra một vài bậc thang chìm trong đáy nước, đây chính là bậc thang đá, có dấu vết đục đẽo rõ ràng của con người không thể sai được. Hai tay lần mò theo từng bậc, bỗng có cảm giác người đã trồi ra khỏi mặt nước, tôi đã đứng hẳn trên bậc cuối cùng, đèn pin lúc này đã phát huy công dụng tốt hơn lúc dưới nước. Tuy vậy trước mắt tôi vẫn là đường hầm tối đen không thể thấy được đầu cuối.

Dù kinh ngạc trước phát hiện của mình, tuy nhiên tôi không dám khinh thường mà hành động đơn lẻ liền dựt dây báo hiệu cho mọi người biết mọi việc vẫn ổn, tôi tìm cách cột lại đầu sợi dây vào một mầm đá chỗ đầu bậc thang rồi lần theo sợi dây quay ra ngoài. Lên tới bờ, tôi thuật lại cho mọi người nghe phát hiện mới. Giáo sư mừng rỡ ra mặt, động viên chúng tôi rằng đã đến được kho tàng, mọi người nên ngay lập tức tiến vào. Rút kinh nghiệm từ những biến cố trước, tôi yêu cầu mọi người chuẩn bị hành trang thật chu đáo, mang theo những gì cần dùng nhất, bỏ vào các ba lô hành quân chống thấm, một lần nữa ăn uống thật no trước khi bắt đầu tiến vào động ngầm dưới nước.


Sau đó do có sẵn dây thừng cố định hai đầu, mọi người không mấy khó khăn để đến được hang động. Duy chỉ có giáo sư vì tuổi cao nên hơi yếu, phải cố gắng lắm mới lặn qua hết được đoạn hang ngập nước. Khi tất cả mọi người đã vào tới và lên hết các bậc thang, chúng tôi dùng đen pin soi thật kỹ chung quanh, tìm hiểu xem rốt cuộc có gì trong hang tối. Đèn pin vẫn không thể chiếu tới nóc hang động, do vậy ít nhất nó phải cao vài chục mét. Tuy cao nhưng thành hang lại khá hẹp, có chỗ thì trơn tru như được chỉnh sửa bởi sức người, cũng có chỗ lồi lõm giống như tự nhiên sinh ra đã vậy. Giáo sư nhận định:

– Hang động này hình thành tự nhiên, sau mới được đội quân vận kho tàng sửa chữa lại làm chỗ cất dấu. Mọi người xem, có mầm đã nhô lên cao như thế này, phải biết rằng nhũ đã cao lên với tốc độ chỉ chưa tới một phần năm phân một năm mà thôi. Nhìn cái này xem, hang động này đã hình thành trên dưới năm bảy ngàn năm là ít.

Ông vừa nói vừa chỉ tay vào những nhũ đã lởm chởm bên vách hang, có cái cao cả gần một mét. Khoan hãy nói vì sao người xưa có thể phát hiện hang động này, nội việc vận chuyển và cải tạo hang động đã là một kỳ tích, rồi ông hối thúc chúng tôi nhanh chóng tiến lên khám phá. Lần mò trên nền đá rêu bám ngàn năm, cả đoàn chầm chậm tiến về phía trước, đi được khoảng vài trăm mét, đang nghĩ thầm không biết hang này dài bao nhiêu, thì A Lủ đi đầu dừng lại hỏi chúng tôi:

– Có tiếng nước đổ xuống như thác nước vậy, không lẽ còn một cái thác khác trong đây à? Thác trong thác, cái này mới hay này. Hô hô.


Chúng tôi cũng im lặng, lắng nghe, khi không còn tiến chân người vang vọng trong hang thì quả đúng là có tiếng thác đổ. Cứ mỗi bước tiến lên tiếng thác càng lớn hơn. Cho đến khi nghe thấy ầm ầm đinh tai nhức óc thì chúng tôi đã ở trên bờ một khoảng không vô cùng rộng lớn nhựng vẫn tối đen như hũ nút mà thôi. May mắn thay, có những bậc thang dẫn xuống phía dưới. Những bậc thang đá này lớn hơn rất nhiều so với bậc thang ngoài cửa động. Nó không hoàn toàn trơn nhẵn, nhưng dù gì có bậc để đi vào lúc này cũng là khá tốt rồi. Càng đi sâu xuống, tiếng thác nước lại càng rõ ràng, cho đến khi xuống được gần trăm bậc, trước mắt chúng tôi dưới ánh đèn pin đã có thể nhìn thấy hai cái vòi nước lớn như vòi rồng đang phun ra từ vách đá hai bên cạnh bậc thang. Các dòng nước này rất có thể được hút vào từ xoáy nước nơi các thác phía ngoài đổ xuống. Chúng tôi băng khoăn không biết người xưa dẫn nước vào đây để làm gì, hay do tự nhiên nước đục đá sói mòn thành đường ống dẫn vào nơi này, sẽ rất vô lý nếu giả thiết tự nhiên là đúng. Vì hai voi nước phun ra nơi này rất cân đối với nhau, cảnh quan hoành tráng này không thể do thiên nhiên tạo ra được. Bậc thang vẫn có vẻ còn rất dài, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc tiến dần xuống dưới, đi mãi qua thêm trăm bậc nữa mới hết được con dốc bậc thang nghiêng tầm bốn mươi lăm độ đó. Dòng nước đổ ra từ voi rồng hai bên lúc này theo hai con lạch chạy xiết như muốn cuốn phăng tất cả, chỉ chừa lại một khoảng thạch đạo nhỏ làm nối đi được nối với cầu thang nơi lúc này chúng tôi đang đứng mà thôi. Tôi cùng An chiếu đèn pin, dẫn đường để bước tiếp trên thạch đạo, An nói:

– Mọi người phải tập trung vào nhé, đường tuy không trơn trượt nhưng khá nhỏ, đừng để bị rớt xuống dòng nước hai bên là không cứu được đâu.

Bước đi khoản chục bước, dưới ánh sáng nhạt nhòa vừa chiếu đến được, tôi giật mình nhìn thấy lố nhố những bóng người đứng dọc hai bên thạch đạo, liền khựng người lại, không biết lại có chuyện gì nữa đây nhỉ. Sau tôi An cũng nhìn thấy hình ảnh đó, hai người chúng tôi liền quay người lại chuẩn bị cảnh báo với mọi người, nhưng vừa quay lại thì trong mắt tôi đã hiện lên cảnh tượng còn khủng khiếp hơn nhiều lần.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.