Đọc truyện Ừ Thì, Tao Thích Mày! – Chương 28
Tôi không chấp nhận lí do “bận” của Khánh.
Chiều được nghỉ nên trưa nay tan học, Hân chở tôi chạy theo Khánh trên chiếc Cup 50 của Hân.
Hai đứa cứ lén lút đi sau Khánh. Nhà Khánh xa tít tắp, ấy mà cậu ấy đi xe đạp.
Bọn tôi nấp ở đầu ngõ, đối diện và cách nhà Khánh 2 căn. Nhà Khánh khá nhỏ nhưng trông còn mới. Khánh dắt xe vào trong, chừng khoảng 5 phút lại quay ra với bộ đồ cũ hơn bộ đồ Khánh mặc đi học.
Khánh lại đi. Bọn tôi lại chạy theo. Lúc sau cậu ấy dừng tại một quán cơm lề đường, tươi cười chào đôi vợ chồng đang đứng bán rồi vào lấy khăn lau bàn, phục vụ khách.
Nhìn Khánh tất tả với công việc, tôi thấy xót xa làm sao. Cứ như người con trai trước mắt tôi là Thiên, cứ như Thiên đang vất vả mưu sinh, mắt tôi cay cay.
Hân chở tôi về tới phòng trọ. Tôi không kể cho Hân nghe chuyện Thiên. Dù sao Hân cũng không phải là Nhi. Nhi học Đại học Sư phạm, môn Văn, cách xa chỗ tôi. Cuối tuần tôi sẽ tìm nó để kể nó nghe về Khánh. Chỉ có nó hiểu tôi thôi.
Nói là làm, tôi dành cả một buổi chiều chủ nhật để kể Nhi nghe về Khánh. Nhi đề nghị:
– Tối nay lại quán cơm Khánh làm đi, tao muốn biết mặt Khánh.
Nhi có xe từ lâu, nên hôm nay nó lại làm tài xế cho tôi. Ngồi sau lưng nó băng qua phố phường thủ đô, tôi thấy nhớ nhà da diết. Tôi nhớ cả con đường đi học mà suốt bao nhiêu năm Nhi đi cùng tôi, nhớ những hôm hai đứa dắt nhau rong ruổi khắp nơi.
Dạo này tôi già rồi nhỉ? Cứ nhớ quá khứ suốt!
Tôi và Nhi đứng bên vỉa hè đối diện quán cơm lề đường Khánh làm. Vừa thoắt thấy Khánh, Nhi đã tròn mắt:
– Giống y như đúc!
– Nhưng Khánh hiền lắm mày ơi, chứ chả có nhoi như Thiên đâu.
Nhi im lặng quan sát Khánh làm việc. Khách vào khá đông, nên Khánh bận luôn tay. Dù vậy lúc nào cậu cũng nở nụ cười với khách, ông bà chủ cũng vui vẻ nốt! Tôi mừng thầm, ít ra công việc cũng không áp lực.
Vài tuần sau ba mẹ mang xe lên cho tôi. Chiếc honda hạng vừa màu đen đủ để tôi đáp ứng nhu cầu đi lại của mình.
Từ đó, mỗi buổi chiều được nghỉ tôi hay theo sau Khánh. Dường như công việc này khiến tôi nguôi ngoai nỗi nhớ Thiên.
Thế nhưng chỉ được thời gian đầu, về sau bài vở nhiều nên không có thời gian rảnh, tôi chỉ được gặp Khánh ở lớp. Dần dần tôi thành một thói quen, lúc nào cũng lặng lẽ quan sát Khánh, cứ như cố gắng níu giữ hình ảnh của cậu ấy trong đầu, sợ rằng chỉ trong một buổi chiều nhạt nắng, Khánh cũng sẽ lên xe đi mất, tất cả những gì còn lại chỉ là ánh mắt hứa hẹn. Tôi sợ, chỉ cần tôi rời mắt, Khánh sẽ đi xa, như Thiên.
***
Thời gian trôi nhanh như đang vội tìm ai. Ấy vậy mà tôi đã ở thủ đô được mấy tháng. Hôm nay về nhà, tôi lại nhớ thủ đô, nhớ Khánh, nhớ Hân, nhớ Khôi.
Chỉ có xa quê mới hiểu được cái Tết ở quê nó tuyệt vời đến mức nào. Không còn than phiền vì bị bắt làm nhiều việc nhà, trái lại tôi tự giác dọn dẹp phòng ốc, còn tự tay làm vài món cho gia đình. Anh Hai học ở tại thành phố nên ở nhà suốt, đâu hiểu được cảm giác nhớ nhà của tôi. Thấy tôi siêng năng, anh trêu:
– Chuẩn bị làm dâu nhà nào hay sao mà chăm chỉ thế?
Tôi cười cười:
– Em học hỏi chị Giang của anh thôi.
Tự dưng anh Hai im lặng. Tôi quay đầu nhìn, lại thấy anh đang quan sát tôi. Tôi bật cười:
– Hai làm gì vậy?
– Không, nhìn xem có phải em gái tao hay không thôi.
– Tiên giáng trần này, chẳng phải em gái ngươi đâu.
– OK giờ tao tin mày em gái tao.
Ba mẹ ngồi xem TV nghe anh em tôi đối đáp chỉ biết lắc đầu.
Tối anh Hai sang rủ tôi đi chơi. Trước khi ra khỏi phòng tôi còn bonus thêm một câu:
– Ăn mặc đàng hoàng.
Ờ thì đàng hoàng.
Tôi ngồi sau xe anh, mọi người cũng nhìn, nhưng là nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Lúc dừng đèn đỏ, những tia lửa không còn loẹt xoẹt đáng sợ như xưa, mà chỉ là êm đềm, ngọt ngào như cái cách người ta hay nhìn những vật đáng yêu. Có người còn trầm trồ:
– Đẹp đôi quá!
Tôi khều anh Hai:
– Hai, người ta tưởng anh em mình là tình nhân.
Anh Hai giở giọng tự cao:
– Trời ạ, mày làm sao bằng Giang mà đòi làm tình nhân tao.
Tôi không trả lời vì đã có hình ảnh khác choáng mất tâm trí tôi. Đó là cái quán ngày xưa tôi bắt gặp Hải Phong và Duy Nguyên. Cái nơi mà tôi phát hiện ra Hải Phong – mối tình đầu của tôi, là gay.
Tôi đã nói rồi, thật sự tôi đã già! Nhìn đâu cũng hoài niệm quá khứ. Buồn thế tôi ơi?