Bạn đang đọc Tuyết Hoa Và Cây Quạt Bí Mật: Chương 7: Học Tập
SUỐT BA NĂM TIẾP THEO, TUYẾT HOA ĐẾN thăm tôi hai tháng một lần. Chiếc áo khoác màu xanh da trời thêu hình đám mây được thay bằng bộ quần áo lụa màu hoa oải hương với những nét trang trí màu trắng – một kiểu phối hợp màu hơi lạ ột cô gái còn quá trẻ. Ngay khi cô bước vào căn buồng trên gác nhà tôi, cô thay ngay bộ quần áo mẹ tôi đã khâu cho cô. Ăn mặc theo kiểu đó thì tôi và cô mới có thể là lão đồng cả trong tâm hồn lẫn ngoài hình thức.
Tôi vẫn chưa đến thôn Thông Khẩu của Tuyết Hoa. Tôi cũng không hề hỏi han về điều đó, mà cũng không hề nghe người lớn trong gia đình tôi xì xào gì về sự kỳ lạ của cách sắp xếp này. Rồi một ngày, khi tôi lên chín, tôi nghe lỏm được mẹ tôi thắc mắc với bà Vương về tình trạng này. Họ đứng bên ngoài ngưỡng cửa, và cuộc nói chuyện của họ vọng đến chỗ tôi đứng bên ô cửa sổ.
“Chồng tôi nói rằng lần nào chúng tôi cũng phải chăm sóc Tuyết Hoa,” mẹ tôi nói nhỏ, để không ai nghe thấy. “Và những lần con bé đến chơi là chúng tôi phải chuẩn bị thêm nước uống, nấu thêm đồ ăn và giặt giũ thêm quần áo. Chồng tôi muốn biết khi nào thì Bách Huệ có thể sang chơi bên Thông Khẩu. Đó là thông lệ.”
“Theo tục lệ thông thường thì tất cả tám đặc điểm đều phải phù hợp,” bà Vương nhắc nhở mẹ tôi, “nhưng chúng ta đều biết rằng có một điểm cực kỳ quan trọng thì lại không phù hợp. Tuyết Hoa đã đến gia đình có địa vị thấp hơn gia đình cô bé.” Bà Vương ngừng một chút, rồi nói tiếp, “Tôi không hề nghe bà thắc mắc gì về điều này khi tôi đến gặp bà lần đầu kia mà.”
“Đúng, nhưng…”
“Rõ là bà chẳng biết điều gì cả,” bà Vương nói tiếp vẻ phẫn nộ. “Tôi đã nói với bà từ đầu rằng tôi mong sẽ tìm cho Bách Huệ một mối ở Thông Khẩu, nhưng điều đó sẽ không thể xảy ra nếu chẳng may một người biết đâu là chú rể tương lai nhìn thấy mặt con gái bà trước khi cưới. Hơn nữa, gia đình Tuyết Hoa cũng khó chịu vì địa vị xã hội của hai đứa không tương xứng chứ. Bà nên biết ơn vì họ đã không từ chối thỏa ước lão đồng. Tất nhiên, vẫn chưa phải là quá muộn để đổi ý, nếu chồng bà thật sự muốn vậy. Chỉ có tôi phải gánh thêm rắc rối thôi.”
Mẹ tôi còn có thể làm gì được nữa nên đành nói, “bà Vương, tôi đã lỡ lời rồi. Xin mời bà vào nhà. Bà xơi trà nhé?”
Hôm đó, tôi nhận thấy nỗi sượng sùng và sợ hãi của mẹ tôi. Bà không thể hủy hoại bất cứ điều gì trong mối quan hệ này, kể cả khi nó trút thêm gánh nặng lên gia đình tôi. Bạn có thắc mắc xem liệu tôi đã cảm thấy thế nào khi nghe nói rằng gia đình Tuyết Hoa thấy tôi không xứng với cô không? Tôi không lấy làm buồn vì điều đó, bởi tôi biết tôi không xứng đáng được Tuyết Hoa yêu mến. Mỗi ngày tôi làm việc chăm chỉ để khiến cô yêu tôi như tôi yêu cô. Tôi cảm thấy có lỗi – không, cảm thấy xấu hổ – ẹ tôi. Bà đã rất mất mặt với bà Vương. Nhưng sự thật là, tôi không bận tâm đến nỗi lo lắng của bố tôi, sự bực bội của mẹ tôi, sự cương quyết không chịu nhượng bộ của bà Vương, hay những toan tính vật chất đặc biệt với Tuyết Hoa và mối quan hệ của tôi, vì kể cả tôi có thể đến Thông Khẩu mà không để người chồng tương lai thấy mặt đi chăng nữa thì tôi cũng vẫn thấy không cần thiết phải đi đến đó để biết về cuộc sống của lão đồng. Cô đã kể với tôi về thôn cô sống, gia đình cô và ngôi nhà to đẹp của cô nhiều hơn là tôi có thể thấy khi được tận mắt nhìn. Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó.
Bà Vương và bà Cao luôn tranh giành lãnh thổ với nhau. Là bà mối cho người dân ở Phủ Vĩ, bà Cao đã thương lượng được cuộc hôn nhân tốt cho chị gái tôi và tìm được một cô gái ở thôn khác thích hợp với anh trai tôi. Bà ta cũng muốn làm vậy với cả tôi và Mỹ Nguyệt. Nhưng bà Vương – vốn có ý định sắp đặt cho số phận của tôi – đã không chỉ thay đổi con đường của tôi, và cũng là của Mỹ Nguyệt, mà còn thay đổi cả tính toán của bà Cao. Bà ta bị vuột mất món hời. Như người ta thường nói, người đàn bà keo kiệt luôn luôn nung nấu thù hận.
Bà Cao bèn tìm đến Thông Khẩu với đề nghị được giúp cho gia đình Tuyết Hoa. Chẳng mấy chốc điều này đến tai bà Vương. Dù mối bất hòa đó chẳng dây dưa gì tới chúng tôi, thì vụ xung đột vẫn diễn ra ngay tại nhà tôi khi bà Vương đến đón Tuyết Hoa nhìn thấy bà Cao đang ngồi trong gian phòng chính cắn hạt bí và cùng bố tôi bàn bạc về những vấn đề hậu cần cho việc Cử hành Hôn lễ của chị tôi. Họ không cãi cọ một lời trước mặt bố tôi. Cả hai người đàn bà đó đều không thô lỗ đến mức ấy. Chỉ cần khi xong việc bà Cao đi khỏi nhà tôi thì hẳn đã tránh được cuộc cãi vã. Nhưng thay vì vậy, bà ta lại lên gác, thả mình xuống ghế, và bắt đầu khoác lác về sự lão luyện trong nghề mai mối của mình. Bà ta giống như ngón tay khuấy vào nồi nước sôi. Cuối cùng, bà Vương không thể nhịn được nữa.
“Chỉ có chó cái động đực mới phát cuồng lên chạy tới thôn tôi mà cướp đi cô cháu gái bé bỏng của tôi.” Bà Vương huỵch toẹt.
“Thông Khẩu không phải là thôn của bà, dì thân mến ạ,” bà Cao ngọt ngào đáp lại. “Nếu đó là thôn để bà làm chủ sự, thì tại sao bà lại phải sục sạo đánh hơi khắp cái Phủ Vĩ này? Theo cách tính toán của bà, Bách Huệ và Mỹ Nguyệt lẽ ra phải là của tôi mới đúng chứ. Nhưng tôi đâu có khóc oe oé như mấy đứa bé vì chuyện đó đúng không?”
“Tôi sẽ xoay xở để mấy cô bé kia có được những đám tốt nhất. Tôi cũng sẽ làm vậy cho Tuyết Hoa. Bà làm sao mà vượt mặt tôi được chứ.”
“Đừng chắc mẩm quá thế. Bà làm ăn chả ra cái thể thống gì với chị của con bé này. Nhưng tôi thì hợp hơn, nhìn hoàn cảnh của Tuyết Hoa mà xem.”
Tôi có nói là Tuyết Hoa đang ở trong phòng và nghe thấy những lời này, nói về mình như thể cô và chị cô là những bao gạo rẻ tiền bị hai con buôn vô liêm sỉ mặc cả qua lại chưa nhỉ? Cô đứng cạnh bà Vương, đợi để về nhà. Cô cầm trong tay mảnh vải cô vừa thêu. Vặn vẹo nó trong tay, kéo căng những sợi chỉ. Cô không ngẩng mặt lên, nhưng tôi vẫn có thể thấy khuôn mặt và đôi tai cô đỏ bừng. Lẽ ra đây là lúc cuộc cãi cọ sẽ trở nên gay gắt. Nhưng thay vì vậy, bà Vương lại đưa bàn tay gân guốc của mình ra nhẹ nhàng đặt lên lưng Tuyết Hoa. Đến lúc đó, tôi không hề nghĩ bà Vương lại có thể thương xót hay thoái lui.
“Thôi, không thèm nói chuyện với cái mụ cặn bã này nữa,” bà ta nói the thé. “Đi thôi, Tuyết Hoa. Chúng ta còn phải đi cả một quãng đường dài về nhà đấy.”
Chúng tôi đã định gạt bỏ chuyện này ra khỏi đầu, song từ đó trở đi hai bà mối cứ đấu khẩu với nhau suốt. Khi bà Cao nghe ngóng rằng kiệu của bà Vương đã đến Phủ Vĩ, là y như rằng bà ta lại khoác vào bộ cánh rực rỡ thái quá, bôi má hồng rực, và đến đánh hơi quanh nhà tôi giống như – gì nhỉ, giống như một con chó cái đang động đực.
KHI Tuyết Hoa và tôi được mười một tuổi, đôi chân của chúng tôi đã hoàn toàn lành lặn. Chân tôi vững chắc và hoàn hảo một cách đáng chú ý với độ dài đúng bảy phân. Bàn chân của Tuyết Hoa lớn hơn chút xíu, trong khi chân của Mỹ Nguyệt to hơn hẳn nhưng trông vẫn rất thanh tú. Điều này, cộng với việc học nữ công gia chánh rất tốt, Mỹ Nguyệt rất dễ lấy chồng. Khi giai đoạn bó chân của chúng tôi đã qua, bà Vương bắt đầu thời kỳ thương lượng tìm mối Nhận Thân cả ba chúng tôi. Nếu tám đặc điểm của chúng tôi cũng phù hợp với chồng tương lai thì ngày đính ước sẽ được định luôn.
Giống như bà Vương tiên đoán, “đôi gót sen” hoàn hảo của tôi sẽ đưa tôi đến với một lời hứa hôn bất ngờ. Bà ta thu xếp cho tôi được về làm dâu trong gia đình họ Lữ giàu sang bậc nhất Thông Khẩu. Ông bác của chồng tôi đỗ tiến sĩ, được triều đình ban cho đất đai nhiều ngang với cả một thái ấp. Chú Lữ, nhà chồng tôi gọi ông như vậy, không có con. Ông sống ở kinh đô và nhờ anh trai trông coi phần đất đai cho thuê của mình. Vì bố chồng tôi là trưởng thôn – cho nông dân trong thôn thuê mướn đất đai và thu địa tô – nên mọi người cho rằng mai này chồng tôi cũng sẽ nắm giữ cương vị đó. Mỹ Nguyệt sẽ vào một gia đình họ Lữ kém giàu sang hơn ở gần đó. Hôn phu tương lai của cô là con trai của một người nông dân có phần đất thuê nhiều gấp bốn lần của bố và chú. Đối với nhà tôi mà nói, thế đã là sung túc lắm rồi, nhưng thế vẫn còn thua xa cái điền sản mà bố chồng tôi đang nắm quyền quản lý thay cho anh trai ông.
“Mỹ Nguyệt, Bách Huệ,” bà Vương nói, “các cô sẽ được sống gần nhau như hai chị em. Giờ các cô sẽ như chị gái tôi và tôi. Chúng tôi đều về làm dâu ở Thông khẩu. Dù cả hai chúng tôi đều gặp chuyện bất hạnh, song có một điều may mắn là chúng tôi đã được sống gần nhau.” Và thực sự là tôi và Mỹ Nguyệt đều cảm thấy biết ơn vì chúng tôi sẽ tiếp tục được chia sẻ với nhau mọi điều, từ những ngày làm vợ, làm mẹ chăm lo gạo muối cho đến lúc trở thành góa phụ ngồi lặng lẽ.
Tuyết Hoa phải lấy chồng ở ngoài Thông Khẩu, nhưng cũng gần thôi, bên thôn Cẩm Điền. Bà Vương bảo đảm rằng tôi và Mỹ Nguyệt có thể nhìn thấy Cẩm Điền và thậm chí có thể nhìn thấy cửa sổ nhà chồng Tuyết Hoa từ cửa sổ nhà chồng chúng tôi. Chúng tôi không được nghe kể nhiều về gia đình Tuyết Hoa sẽ về làm dâu, ngoại trừ việc hôn phu tương lai của cô tuổi dậu. Điều này khiến chúng tôi lo lắng, vì ai cũng biết đó không phải hai tuổi hợp nhau, vì gà trống thì luôn muốn nhảy lên lưng ngựa.
“Đừng lo các cô ạ,” bà Vương đảm bảo với chúng tôi. “Ông thầy đã xem mệnh xét tuổi cả rồi. Tôi đảm bảo rằng trong trường hợp này không có chuyện thủy hỏa xung khắc với nhau. Mọi thứ sẽ tốt đẹp cả thôi.” Bà ta nói, và chúng tôi tin bà.
Gia đình chú rể tương lai của chúng tôi gửi những món quà đầu tiên gồm tiền, kẹo và thịt. Chú thím tôi nhận được một cái chân giò lợn, trong khi bố mẹ tôi nhận được nguyên cả một chú lợn quay, con lợn này sau đó được chặt ra và gửi biếu họ hàng bà con của nhà tôi ở Phủ Vĩ. Bố mẹ và chú thím đáp lễ bằng trứng và gạo, tượng trưng cho sự mau mắn trong việc sinh con đẻ cái của chúng tôi. Sau đó, chúng tôi chờ đến giai đoạn thứ hai, lúc nhà chồng tương lai sẽ chọn ngày để Cử hành Hôn lễ.
Hãy tưởng tượng xem chúng tôi vui sướng biết bao. Tương lai của chúng tôi đã được định đoạt. Gia đình mới của chúng tôi cao sang hơn gia đình tôi. Chúng tôi còn trẻ nên vẫn hồn nhiên tin tưởng rằng tấm lòng thành kính của chúng tôi sẽ giúp chúng tôi vượt qua được mọi khó khăn với mẹ chồng. Chúng tôi bắt đầu bận bịu hơn với công việc thêu thùa may vá. Nhưng trên hết thảy, chúng tôi cảm thấy sung sướng khi được quây quần bên nhau.
Thím tiếp tục dạy chúng tôi nữ thư, nhưng chúng tôi cũng học cả Tuyết Hoa nữa, cô luôn dạy chúng tôi những chữ mới mỗi lần đến chơi. Một số chữ là do cô học lỏm được khi nhìn trộm anh trai học bài, vì nhiều chữ trong nữ thư chỉ là những chữ của nam giới viết nghiêng đi, nhưng những chữ khác là do cô học được từ mẹ cô, bà là người vô cùng thông thạo thứ chữ bí mật của nữ giới. Chúng tôi tập viết hàng giờ liền, dùng ngón tay vẽ lại những nét chữ lên lòng bàn tay mình. Thím tôi luôn luôn nhắc nhở chúng tôi phải thận trọng với từ ngữ của mình, vì khi dùng chữ tượng thanh, ngược lại với chữ tượng hình của đàn ông, nghĩa có thể bị mất hay hiểu nhầm.
“Mỗi từ đều phải đặt trong ngữ cảnh,” lần nào thím cũng nhắc nhở bọn tôi như vậy khi bài học kết thúc. “Một sự hiểu nhầm có thể gây ra nhiều chuyện buồn.” Khuyên bảo chúng tôi như vậy, rồi thím lại thưởng cho chúng tôi câu chuyện lãng mạn kể về một người phụ nữ trong vùng đã sáng tạo ra kiểu chữ bí mật này.
“Lâu lắm rồi, vào thời nhà Tống, có lẽ chừng hơn một nghìn năm trước,” thím kể lại, “vua Tống Triết Tông muốn tuyển một cung nữ trong cả vương quốc. Ông đi vi hành, cuối cùng đặt chân đến vùng này, nơi ông nghe đồn có một người nông dân họ Hồ, một người có chút học vấn và hiểu đạo lý trong thôn Cẩm Điền – đúng, Cẩm Điền, nơi Tuyết Hoa sẽ sống khi đi lấy chồng. Thầy Hồ có người con trai là nho sĩ, một người trẻ tuổi có địa vị rất cao vì đã làm bài rất tốt trong các kỳ thi của triều đình, nhưng người cuốn hút hoàng đế nhất lại chính là cô con gái cả của thầy. Tên cô là Ngọc Tú. Cô không hoàn toàn là một nhánh cây vô dụng, vì người cha đã quan tâm đến việc dạy dỗ cô. Cô thuộc nhiều bài thơ cổ và học được chữ viết của đàn ông. Cô biết múa hát. Cô biết thêu rất đẹp và trang nhã. Những phẩm chất đó đã khiến hoàng đế tin rằng cô sẽ trở thành một cung phi tốt. Hoàng đế đến gặp thầy Hồ, xin cưới cô con gái thông minh của ông, và ít lâu sau Ngọc Tú được đưa về kinh đô. Một câu chuyện có hậu ư? Xét về mặt nào đó thì đúng là vậy. Thầy Hồ nhận được rất nhiều quà biếu và Ngọc Tú chắc chắn sẽ được sống phong lưu trong nhung lụa. Nhưng, các con ạ, ta muốn nói với các con rằng ngay cả một người thông minh sáng láng và được học hành tử tế như Ngọc Tú cũng khó tránh khỏi những lúc buồn rầu vì phải xa cách gia đình. Ôi! Biết bao nước mắt đã tuôn rơi trên gò má mẹ cô! Ôi, các chị em cô đã khóc ròng trong nỗi buồn nhung nhớ! Nhưng không ai buồn như Ngọc Tú.”
Chúng tôi đã học được phần này. Nỗi buồn phải lìa xa gia đình chỉ là sự khởi đầu cho chuỗi muộn phiền của Ngọc Tú. Tài năng là vậy song cô cũng không thể giữ mãi được sự sủng ái của hoàng thượng. Ông dần dần cảm thấy chán ngán khuôn mặt như trăng rằm, đôi mắt như trái hạnh đào, đôi môi tựa trái anh đào của cô, trong khi tài năng của cô – rất đáng chú ý khi cô còn ở đây, ở huyện Vĩnh Minh này – trở nên tầm thường khi so sánh với những phi tần khác trong cung. Tội nghiệp Ngọc Tú. Cô không có quan hệ với ai trong cung. Các phi tần khác đâu cần đến một cô gái gốc gác quê mùa. Cô thấy cô đơn và buồn bã nhưng không có cách nào để liên lạc với mẹ và các chị em của mình mà không bị người khác phát hiện. Một lời bất cẩn thôi sẽ có thể khiến cô bị chém đầu hay ném xuống giếng trong hoàng cung để cô im lặng mãi mãi.
“Ngày cũng như đêm, Ngọc Tú đành chỉ nén giữ những cảm xúc ấy trong lòng,” thím tôi tiếp tục. “Những người đàn bà độc ác trong cung và những tên hoạn quan chỉ nhìn thấy cô im lặng thêu thùa hay luyện chữ. Lần nào họ cũng xem đó làm trò cười. ‘Ủy mị chưa kìa,’ bọn họ nói. Hay ‘Hãy nhìn con khỉ nhà quê kia đang học đòi viết chữ như đàn ông kìa.’ Mỗi lời từ miệng họ phát ra đều thật tàn nhẫn, nhưng không phải là Ngọc Tú đang cố gắng học theo lối viết chữ của đàn ông. Cô đang thay đổi nó, cải biến nó, làm nó mềm mại hơn, và kết cục là sáng tạo ra một kiểu chữ hoàn toàn mới không còn phải dựa vào kiểu chữ của đàn ông nữa. Cô đã lặng lẽ sáng tạo ra một kiểu mật mã để có thể viết thư về nhà ẹ và các chị em.”
Tuyết Hoa và tôi thường hay thắc mắc là làm thế nào mà mẹ và các chị em gái của Ngọc Tú có thể đọc được những mật mã ấy, và hôm nay thím cài thêm vào câu chuyện câu trả lời của thím.
“Có lẽ, một viên hoạn quan vì thông cảm cho cảnh ngộ của cô lén chuyển bức thư của Ngọc Tú ra ngoài đã giải thích tất cả cho họ. Hay, cũng có thể các chị em gái của cô không hiểu tờ giấy viết gì, nên đã đặt nó sang một bên, và khi nó nghiêng đi, họ mới nhìn thấy và hiểu được những ký tự bị viết nghiêng đi đó. Sau đó, qua thời gian, những người đàn bà trong gia đình này đã tạo ra kiểu chữ tượng thanh mới, mà họ học được dần dần từ lá thư ấy, kiểu chữ mà bọn con gái các con đang học đó. Nhưng đây là một điều đặc biệt mà đàn ông sẽ để ý đấy.” Thím nghiêm giọng, nhắc nhở chúng tôi nên thắc mắc những điều như thế. “Bài học mà chúng ta nên rút ra từ cuộc đời của Ngọc Tú là cô đã tìm được ình một cách để giúp vợi bớt những nỗi lòng uẩn khúc đằng sau cuộc đời tưởng chừng như hạnh phúc của cô và món quà của cô đã được truyền qua biết bao thế hệ để đến được với chúng ta hôm nay.”
Chúng tôi im lặng một lúc, suy nghĩ về người cung nữ cô đơn đó. Thím tôi bắt nhịp trước và chúng tôi cùng hát theo, còn mẹ thì ngồi nghe. Đó là một bài hát buồn, người ta đồn rằng đó là bài hát từ chính miệng Ngọc Tú hát lên. Giọng hát của chúng tôi cất lên nỗi buồn của cô:
“Từng chữ viết đều thấm đẫm nước mắt từ trái tim con,
Một cuộc nổi loạn vô hình mà không ai thấy được.
Hãy biến câu chuyện cuộc đời của chúng ta thành nghệ thuật đau thương.
Ôi mẹ, ôi chị hãy lắng nghe con, hãy lắng nghe em.”
Những tiếng cuối cùng vọng ra ngoài song cửa và lan ra con hẻm. “Hãy nhớ đấy, các con ạ,” thím tôi nói. “Không phải tất cả đàn ông đều là hoàng đế, nhưng tất cả các cô gái đều phải đi lấy chồng. Ngọc Tú tạo ra nữ thư cho những người phụ nữ trong huyện ta để chúng ta có thể giữ được sợi dây liên lạc với gia đình cha mẹ đẻ của mình.”
Chúng tôi chọn lấy cây kim của mình và bắt đầu thêu thùa. Ngày hôm sau thím sẽ kể lại câu chuyện đó cho chúng tôi nghe.
NĂM TUYẾT HOA và tôi lên mười ba, việc học hành của chúng tôi đến từ mọi hướng, và mọi người mong chúng tôi sẽ giúp đỡ được trong mọi việc thông thường nhất. Nếu như giới phụ nữ trong nhà Tuyết Hoa dạy cô phong thái lịch lãm và kỹ năng tao nhã rất thành công, thì họ lại thất bại thảm hại trong việc dạy cô nữ công gia chánh, vì thế cô thường đi theo tôi khi tôi làm việc nhà. Chúng tôi thức dậy lúc trời vừa rạng và nhóm lửa nấu cơm. Sau khi rửa bát đĩa, Tuyết Hoa và tôi trộn cám cho lợn. Đến trưa, chúng tôi đi ra ngoài mấy phút để hái rau tươi ngoài vườn; sau đó chúng tôi nấu cơm trưa. Mẹ và thím tôi từng làm tất cả những việc này. Bây giờ họ giám sát chúng tôi. Buổi chiều là thời gian ở buồng phụ nữ. Tối đến, chúng tôi phụ giúp và sắp bữa cơm tối.
Ngày nào cũng vậy, không hở ra lấy một phút nào không phải học. Những cô gái trong gia đình tôi – bao gồm cả tôi và Tuyết Hoa – đều cố gắng để trở thành những học trò giỏi. Mỹ Nguyệt là người giỏi nhất trong việc xe sợi, công việc mà tôi và Tuyết Hoa không thể kiên nhẫn nổi. Tôi thích nấu nướng, nhưng lại chẳng hứng thú gì với việc dệt vải, may vá và khâu giày. Không đứa nào trong chúng tôi thích việc lau chùi giặt giũ cả, còn Tuyết Hoa thì ghê sợ việc đó. Mẹ và thím tôi không trừng phạt cô như với tôi và Mỹ Nguyệt khi bọn tôi quét nhà không sạch hay không giặt hết bụi đất bẩn trên quần áo của bố tôi. Tôi nghĩ họ nương tay với Tuyết Hoa vì họ biết mai này thể nào cô chả có người hầu kẻ hạ và cô sẽ chẳng bao giờ phải tự làm những công việc như vậy. Tôi thì lại nhìn sự thất bại của cô theo một chiều hướng khác. Cô sẽ không bao giờ học được việc giặt giũ lau chùi đúng cách vì lúc nào cô cũng như đang lơ lửng và thoát ly khỏi thực tế cuộc sống.
Chúng tôi cũng phải học từ những người đàn ông trong gia đình, tuy không phải theo cái cách mà các bạn nghĩ. Bố và chú không bao giờ trực tiếp dạy dỗ chúng tôi. Vì như vậy là không đúng. Ý tôi muốn nói là tôi học được về đàn ông thông qua những hành động của Tuyết Hoa và cách bố và chú ứng xử lại. Cháo là một trong những món dễ nấu nhất – chỉ cần đổ gạo và nhiều nước vào, và khuấy lên liên tục – cho nên chúng tôi để Tuyết Hoa nấu bữa sáng. Khi cô thấy là bố tôi thích hành tươi, cô chắc rằng nên cho thêm một nhúm nữa vào bát của ông. Đến bữa tối, mẹ và thím luôn lặng lẽ đặt đĩa lên bàn và để bố và chú tự phục vụ; Tuyết Hoa đi quanh bàn, hơi cúi thấp đầu, và múc vào từng đĩa, đầu tiên cho bố tôi, rồi đến chú, rồi anh trai tôi, rồi đến em trai. Cô luôn đứng cách một khoảng đủ xa để không tỏ ra quá thân mật, nhưng đồng thời cũng vẫn thể hiện vẻ thanh lịch. Tôi nhận thấy rằng, qua những cử chỉ nho nhỏ đó của cô, họ sẽ cố sao để không ăn ngấu ăn nghiến, khạc nhổ ra sàn nhà, hay gãi cái bụng tròn căng của họ. Thay vì thế, họ cười và nói chuyện với cô.
Khao khát hiểu biết trong tôi đòi hỏi vượt ra ngoài những gì tôi cần biết trong căn buồng phụ nữ trên gác, hay ở dưới nhà, thậm chí cả trong việc học nữ thư. Tôi muốn biết về tương lai của tôi. May thay, Tuyết Hoa lại rất thích nói chuyện, và cô kể rất nhiều điều về Thông Khẩu. Giờ cô thường xuyên qua lại giữa hai thôn và đã thuộc lòng cả đường đi. “Khi bạn về nhà chồng,” cô nói, “bạn phải đi qua con sông và nhiều đồng lúa, đi về phía những ngọn đồi thấp mà bạn có thể nhìn thấy từ đầu thôn Phủ Vĩ. Thông Khẩu nằm lọt thỏm trong vòng tay bao bọc của những ngọn đồi đó. Chúng không bao giờ dao động và thôn mình cũng vậy, ít nhất đó là những gì mà bố mình nói. Ở Thông Khẩu không bao giờ có động đất. Ở đấy phong thủy rất hoàn hảo.”
Theo những lời Tuyết Hoa nói, Thông Khẩu lớn dần lên trong trí tưởng tượng của tôi, nhưng điều đó không thấm gì so với những cảm giác của tôi khi nghe cô nói về đức phu quân và nhà chồng tương lai của tôi. Cả Mỹ Nguyệt và tôi đều không có mặt khi bố và chú bàn bạc với bà Vương, nhưng chúng tôi giống nhau ở những điểm cơ bản: mọi gia đình ở Thông Khẩu đều mang họ Lữ, và cả hai gia đình đó đều khá giả. Những điểm này khiến hai ông bố rất ưng ý, nhưng chúng tôi thì chỉ muốn biết về đức ông chồng của mình, về mẹ chồng, và những người đàn bà khác trong căn buồng phụ nữ của nhà chồng tương lai. Chỉ có Tuyết Hoa mới có thể trả lời cho chúng tôi.
“Bạn may mắn đó, Bách Huệ ạ,” một hôm Tuyết Hoa bảo tôi thế. “Mình đã từng gặp cậu con trai nhà họ Lữ đó. Anh ta là anh họ cách hai đời của mình. Tóc anh ấy đen óng như màu đêm vậy. Anh ấy rất tử tế với bọn con gái. Hồi trước, anh ấy đã chia sẻ với mình chiếc bánh trung thu. Anh ấy không cần phải làm như vậy.” Cô bảo rằng đấng phu quân tương lai của tôi tuổi hổ, một tuổi cũng có cá tính mạnh mẽ như tuổi tôi, khiến chúng tôi trở thành một đôi hoàn hảo. Cô mách cho tôi những điều cần biết để sống hòa hợp với nhà họ Lữ. “Đó là một gia đình bận rộn,” cô giải thích. “Là trưởng thôn, nhà ông chủ Lữ sẽ có nhiều khách khứa trong, ngoài thôn. Bên cạnh đó, trong nhà cũng nhiều người. Nhà đó không có con gái, nhưng sẽ có con dâu. Bạn sẽ là con dâu đầu tiên. Bạn sẽ có thứ bậc cao nhất trong số đó. Nếu bạn sinh con trai đầu lòng, bạn sẽ duy trì được thứ bậc đó mãi mãi. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không gặp phải những vấn đề rắc rối như Ngọc Tú, cung nữ của hoàng đế. Mặc dù vợ ông chủ Lữ đã sinh được bốn người con trai, mà ông ấy vẫn nạp thêm ba người thiếp. Ông ấy phải có thiếp, vì ông ấy là trưởng thôn. Nạp thiếp để ọi người thấy sự mạnh mẽ của ông ấy.”
Lẽ ra tôi phải lo lắng về những chuyện như vậy. Vì, nếu người cha có thiếp, thì rốt cuộc con trai chắc chắn cũng sẽ có. Nhưng tôi còn quá trẻ con và ngây thơ, những điều như vậy không hề gợn lên trong đầu óc tôi. Và thậm chí nếu có, tôi cũng chưa hề biết gì về những mâu thuẫn có thể nảy sinh. Thế giới của tôi vẫn chỉ có bố mẹ, chú thím – đơn giản, đơn giản thế thôi.
Tuyết Hoa chuyển sang Mỹ Nguyệt, như mọi khi cô ngồi im lặng bên chúng tôi, đợi chúng tôi để ý đến cô. Tuyết Hoa nói, “Mỹ Nguyệt, mình cũng mừng cho bạn. Mình biết rõ về gia đình họ Lữ đó lắm. Chồng tương lai của bạn, bạn biết rồi đó, tuổi hợi. Anh ta có những đặc điểm là khỏe mạnh, hào hiệp và sâu sắc, còn bạn, với bản tính của loài cừu, hẳn sẽ mê anh ta như điếu đổ. Đó cũng là một cuộc hôn nhân kết hợp hoàn hảo.”
“Thế còn mẹ chồng mình thì sao?” Mỹ Nguyệt ngập ngừng hỏi.
“Bà Lữ đó ngày nào chả qua chơi với mẹ mình. Bà ấy tốt bụng lắm, tốt hơn so với những gì mình có thể kể với bạn.”
Đột nhiên, nước mắt trào ra từ đôi mắt của Tuyết Hoa. Điều ấy kỳ lạ đến độ tôi và Mỹ Nguyệt đều khúc khích cười, nghĩ rằng Tuyết Hoa lại bày trò. Lão đồng của tôi chớp mắt thật nhanh.
“Có con ma lọt vào mắt mình!” Tuyết Hoa la lên, rồi cùng cười với chúng tôi. Sau đó, cô lại tiếp tục đoạn bỏ lửng ban nãy. “Mỹ Nguyệt, bạn hẳn sẽ rất mãn nguyện à xem. Họ sẽ yêu thương bạn thật lòng. Và điều quan trọng nhất là hằng ngày bạn có thể đi đến nhà Bách Huệ. Các bạn sẽ được sống gần gũi nhau biết bao.”
Tuyết Hoa liếc nhìn tôi. “Mẹ chồng tương lai của bạn là người rất truyền thống,” cô nói. “Bà ấy nhất nhất tuân thủ quy tắc của phụ nữ. Bà ấy rất cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói. Bà ấy ăn mặc trang điểm rất chỉn chu. Và khi khách đến, trà nóng luôn phải sẵn sàng.” Vì đã có Tuyết Hoa hướng dẫn làm những việc đó, tôi không sợ mình sẽ mắc lỗi. “Trong nhà đó kẻ ăn người ở đông hơn nhà mình nhiều,” Tuyết Hoa tiếp tục. “Bạn sẽ không phải nấu nướng, trừ khi phải làm những món đặc biệt dành riêng cho bà Lữ. Bạn cũng sẽ không phải chăm sóc con bạn trừ khi bạn muốn làm vậy.”
Khi cô nói với tôi những điều như thế, tôi nghĩ cô mất trí.
Tôi hỏi cô thêm về bố chồng tương lai của tôi. Cô nghĩ ngợi giây lát rồi trả lời, “Ông chủ Lữ là người hào phóng và giàu lòng thương người, nhưng ông ấy cũng rất tài trí, đó chính là lý do tại sao ông ấy được làm trưởng thôn. Mọi người đều kính trọng ông ấy. Mọi người cũng kính trọng vợ con ông ấy.” Cô nhìn tôi với đôi mắt sắc lẻm và nhắc lại, “Bạn quá may mắn.”
Nghe cái viễn cảnh mà Tuyết Hoa vẽ ra, làm sao tôi lại có thể không mơ tưởng tới lúc tôi ở Thông Khẩu cùng với người chồng yêu quý và những đứa con trai hoàn hảo?
HIỂU BIẾT CỦA TÔI BẮT ĐầU mở rộng ra ngoài phạm vi thôn tôi. Tuyết Hoa và tôi tới giờ đã đến Miếu Cô Bà ở Xá Hạ năm lần. Năm nào chúng tôi cũng leo lên những bậc thang dẫn đến ngôi miếu, dâng lễ vật lên bàn thờ, và thắp hương. Sau đó, chúng tôi đi ra chợ, nơi chúng tôi mua kim chỉ và giấy. Cuối ngày, chúng tôi đến chỗ ông lão Chu để ăn món khoai môn rán bọc đường nóng của ông. Khi đi qua đi lại, chúng tôi lén nhìn ra ngoài chiếc kiệu trong khi bà Vương ngủ. Chúng tôi nhìn thấy con đường mòn bắt đầu từ đường dẫn đến một thôn khác. Chúng tôi nhìn thấy những dòng sông và những con kênh. Những người khiêng kiệu kể với chúng tôi rằng những dòng sông này liên kết xứ tôi với các vùng khác trong cả nước. Sống trong căn buồng phụ nữ, chúng tôi chỉ nhìn thấy bốn bức vách, nhưng đàn ông ở xứ tôi thì không cô lập đến vậy. Nếu họ muốn, họ có thể lên thuyền đi bất cứ đâu.
Suốt thời gian đó, bà Vương và bà Cao ra vào nhà chúng tôi như hai con gà mái bận rộn. Sao cơ? Bạn nghĩ rằng, khi việc hôn nhân của chúng tôi đã được định đoạt, thì cả hai người đó sẽ để chúng tôi yên ư? Họ phải ngó nghiêng và chờ đợi, mưu tính và phỉnh phờ, để bảo vệ cho khoản đầu tư của mình. Bất cứ điều gì cũng có thể gặp trục trặc. Rõ ràng, họ đang lo lắng đến chuyện bốn đám cưới trong một gia đình và dò xem liệu bố tôi có đồng ý thông qua chi phí đi hỏi vợ cho anh trai tôi, ba món hồi môn ngang bằng nhau cho ba đứa con gái, và quan trọng hơn, là tiền thù lao cho bà mối hay không. Nhưng vào mùa hè năm tôi lên mười ba, cuộc chiến giữa hai bà mối đột ngột căng thẳng hẳn lên.
Chuyện khơi mào khá đơn giản. Chúng tôi đang ở buồng phụ nữ khi bà Cao bắt đầu than vãn rằng mấy nhà ở thôn này chẳng chịu trả thù lao đúng hẹn gì cả, ý muốn nói rằng nhà tôi cũng là một trong số đó.
“Một tên nông dân dấy quân nổi loạn trên vùng đồi núi đang làm tất cả chúng ta gặp khó khăn,” bà Cao phát biểu. “Không thu hoạch được mùa màng mà cũng chẳng bán ra được. Không ai có tiền cả. Tôi nghe nói có một số cô gái đã phải từ bỏ hôn ước của mình vì gia đình họ không thể cho họ của hồi môn. Những cô gái đó rồi sẽ chỉ thành nàng hầu vợ lẽ mà thôi.”
Trong huyện mọi việc trở nên rất khó khăn, đó chẳng phải là tin tức gì mới mẻ, nhưng cái vế bà Cao nói sau đó khiến tất cả chúng tôi đều sửng sốt.
“Thậm chí cô Tuyết Hoa bé bỏng cũng chưa chắc đã an toàn. Vẫn chưa phải là quá muộn để tôi đi kiếm mối khác thích hợp hơn.”
Tôi cảm thấy mừng vì Tuyết Hoa đã không có mặt ở đây để nghe những lời nói bóng nói gió này.
“Bà đang nói về một trong những gia đình phong lưu thần thế nhất trong huyện đấy,” bà Vương cự lại, giọng bà không trơn tuột như bôi mỡ nữa mà nghe tựa như đá choảng vào nhau.
“Có lẽ, bà dì ạ, bà muốn nói là đã từng. Người ta thấy ông chủ đó đánh bạc và nạp thiếp quá nhiều.”
“Ông ta chỉ làm những việc tương xứng với vị trí của mình thôi. Mặt khác, chính bà mới cần được tha thứ cho sự ngu dốt của bà. Chốn cao sang không phải là chỗ để bà mon men tới.”
“Ha ha! Bà làm tôi tức cười quá đi mất. Bà nói dối mà cứ như là đang nói thật. Cả huyện đều biết gia đình đó đang gặp chuyện gì. Dính líu với cái bọn trên núi, cùng lúc mùa màng thì thất bát, lại lơ là, và chẳng thể trông mong gì hơn ở con người bạc nhược đó ngoài việc ông ta chỉ biết ôm riết lấy cái tẩu hút.”
Mẹ tôi đột ngột đứng lên. “Bà Cao, tôi rất cảm kích vì những gì bà đã làm cho lũ trẻ, nhưng chúng chỉ là trẻ con và không nên nghe những chuyện như vậy. Tôi sẽ tiễn bà ra cửa, vì bà còn phải đến thăm những người khác nữa, tôi chắc chắn là thế.”
Mẹ tôi gần như kéo bà Cao khỏi ghế và lôi bà ta ra cửa. Ngay khi họ đi khuất khỏi tầm mắt, thím tôi rót trà mời bà Vương, người vẫn ngồi đó im lặng, vẻ nghĩ ngợi, đôi mắt nhìn xa xăm. Rồi, bà chớp mắt ba lần, nhìn quanh phòng và gọi tôi đến chỗ bà. Tôi mới mười ba và vẫn còn thấy sợ bà ta. Tôi đã biết ngoài mặt phải gọi bà ta là dì, nhưng trong tâm trí tôi bà ấy vẫn luôn là bà Vương đáng sợ. Khi tôi đến gần, bà ấy kéo mạnh tôi lại, nắm chặt cánh tay tôi như lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.
“Không bao giờ, không bao giờ được phép nói những điều cô vừa nghe được cho Tuyết Hoa, rõ chưa. Cô bé ấy ngây thơ lắm. Không nên để những lời thô tục của người đàn bà đó làm vẩn đục tâm trí cô bé.”
“Dạ vâng, thưa dì.”
Bà ấy nhìn tôi nghiêm khắc lần nữa. “Không bao giờ!”
“Dạ, con hứa.”
Lúc đó, tôi không hề hiểu một nửa những gì vừa nghe thấy. Mà nếu có hiểu đi chăng nữa, thì hà cớ gì tôi phải nhắc lại những chuyện bép xép xấu xa ấy với Tuyết Hoa? Tôi yêu quý Tuyết Hoa. Tôi sẽ không bao giờ làm tổn thương cô bằng việc nói lại với cô những lời độc địa của bà Cao.
Tôi chỉ nói thêm là: mẹ tôi sẽ phải nói chuyện với bố tôi, vì bà Cao sẽ không bao giờ được phép bước chân vào nhà chúng tôi một lần nữa. Mọi công việc giao dịch với bà ấy sẽ tiến hành ngoài ngưỡng cửa nhà tôi. Thế tức là mẹ và bố tôi hết sức lo lắng đến Tuyết Hoa. Cô là lão đồng, nhưng họ cũng yêu quý cô như tôi.
THÁNG THỨ MƯỜI năm tôi mười ba tuổi đã đến. Bên ngoài song cửa, bầu trời nắng gắt trắng xóa của mùa hè đã nhường chỗ àu xanh thăm thẳm của mùa thu. Chỉ còn một tháng nữa là tới đám cưới của chị gái tôi. Gia đình nhà trai đã chuyển đến những món quà cuối cùng. Các chị em kết nghĩa của chị tôi đã bán đi một suất hai mươi lăm cân thóc của họ và mua quà. Các cô gái đến ở cùng chúng tôi trong lễ Ngồi và Hát ở căn buồng trên gác. Những người phụ nữ khác trong thôn đến thăm để chung vui, khuyên bảo, và tỏ lòng quyến luyến. Trong vòng hai mươi tám ngày, chúng tôi cùng nhau ca hát và kể chuyện. Nhóm chị em kết nghĩa giúp chị tôi may những chiếc chăn cuối cùng và bọc những đôi giày chị tự tay làm lấy để làm quà cho những người phụ nữ trong gia đình mới của chị. Chúng tôi cùng nhau làm cuốn sách về ngày thứ ba sau lễ cưới cho chị tôi. Chính những thứ này sẽ giới thiệu chị với những người phụ nữ trong gia đình mới của chị, và chúng tôi cố gắng tìm những từ phù hợp để miêu tả những phẩm chất và tính cách tốt nhất của chị.
Ba ngày trước khi chị tôi về gia đình mới, chúng tôi có một ngày Buồn bã và Lo lắng. Mẹ ngồi ở bậc thang thứ tư trên cầu thang dẫn đến căn buồng, đặt chân lên bậc thứ ba và bắt đầu than khóc.
“Con gái ơi, con là viên ngọc trong tay mẹ,” mẹ hát. “Mắt mẹ đẫm lệ tuôn rơi. Hai suối lệ tuôn chảy trên mặt mẹ. Chẳng mấy chốc nơi này sẽ trống vắng bóng dáng con.” Chị tôi, các chị em kết nghĩa của chị, và những người phụ nữ trong thôn bắt đầu khóc khi nghe được nỗi buồn của mẹ tôi. Hu, Hu, Hu.
Kế đến thím tôi sẽ hát, theo đúng nhịp điệu mà mẹ tôi đã hát trước đó. Như mọi khi, thím luôn cố tỏ ra lạc quan ngay giữa lúc đau khổ. “Thím xấu xí và cũng không mấy khôn ngoan, nhưng thím luôn cố gắng để trở thành một người tốt tính. Thím yêu chồng và chồng thím cũng yêu thím. Chú thím là đôi uyên ương xấu xí và không mấy khôn ngoan. Nhưng chú thím đã được tận hưởng thật nhiều niềm vui chăn gối. Thím mong con cũng sẽ được như vậy.”
Đến lượt mình, tôi cất giọng. “Ơi chị gái ơi, trái tim em nhỏ lệ vì mất chị. Nếu chúng ta là con trai, chúng ta sẽ không bao giờ phải chia cách. Chúng ta sẽ luôn ở bên nhau như bố và chú, như anh cả và em trai. Gia đình ta đều buồn bã. Căn buồng này sẽ thật cô đơn khi thiếu vắng bóng dáng chị.”
Muốn tặng chị món quà quý nhất có thể, tôi đã hát những điều tôi học được từ Tuyết Hoa. “Mọi người cần quần áo – dù mùa hè có mát đến đâu và mùa đông có ấm đến đâu – cũng cứ may quần áo cho người khác, chẳng đợi ai đòi hỏi. Ngay cả khi trên bàn tràn ngập thức ăn, hãy để bố mẹ chồng ăn trước. Hãy cần cù chăm chỉ và hãy nhớ ba điều: là nàng dâu hiếu thảo luôn tôn kính cha mẹ chồng, là người vợ hiền luôn biết nâng khăn sửa túi cho chồng, là người mẹ ân cần chu đáo và mẫu mực đối với các con. Nếu làm được những điều như vậy, gia đình mới của chị sẽ đối xử tử tế với chị. Trong ngôi nhà tốt lành đó, hãy giữ cho tâm hồn chị yên ả.”
Những người chị em kết nghĩa tiếp lời tôi. Họ rất yêu quý người chị kết nghĩa của mình. Chị ấy có tài và chu đáo. Khi người con gái cuối cùng đi lấy chồng nốt, thì hội chị em kết nghĩa quý giá của họ cũng tan rã. Họ chỉ còn lại những kỷ niệm về những buổi thêu thùa và may vá cùng nhau. Họ chỉ còn lại những câu chữ ghi trong cuốn sổ về ngày thứ ba sau lễ cưới để an ủi mình trong những năm tháng còn lại của cuộc đời. Họ đã thề rằng khi một người trong hội chị em mất đi, những người còn lại sẽ đến viếng và đốt cuốn sổ họ đã viết để nó sẽ cùng người chị em đó sang thế giới bên kia. Ngay cả trong lúc đang đau buồn vì người đã ra đi, hội chị em kết nghĩa vẫn hy vọng người ấy được hạnh phúc.
Sau khi mọi người đều đã hát xong và để những giọt nước mắt tuôn trào, đến lượt Tuyết Hoa, cô bày tỏ theo một cách riêng khác. “Em sẽ không hát,” cô nói. “Thay vào đó em sẽ bày tỏ bằng cách mà em và em gái chị đã nghĩ ra để giữ chị mãi mãi ở bên bọn em.” Nói đoạn, cô lấy chiếc quạt của chúng tôi từ trong tay áo, mở nó ra, và đọc đôi câu thơ đơn giản mà chúng tôi đã cùng nhau viết: “Hỡi chị gái và cũng là người bạn tốt của chúng em, con người lặng lẽ và ân cần. Chị sẽ là một kỷ niệm hạnh phúc.” Sau đó Tuyết Hoa chỉ vào một đóa hoa cẩm chướng nhỏ cô đã vẽ trên vòng lá đang ngày một dày thêm trên mép quạt, tượng trưng cho sự hiện diện mãi mãi của chị tôi.
Ngày hôm sau, mọi người gom lá tre lại và đổ đầy các thùng nước. Khi gia đình mới của chị tôi đến, chúng tôi sẽ tung lá tre xuống người họ, việc đó tượng trưng cho tình yêu của đôi vợ chồng mới sẽ mãi mãi xanh tươi như cây tre; sau đó chúng tôi té nước ngụ ý với gia đình chú rể rằng chị tôi trong sạch và tinh khiết như thứ chất lỏng thiết yếu đó. Cùng với những trò tinh nghịch này, khắp nhà mọi người nói cười rộn rã, hoan hỉ chúc tụng.
Đã nhiều giờ trôi qua với cỗ bàn và than vãn. Của hồi môn được bày ra và mọi người xúm vào bình luận về chất lượng của món đồ tự tay chị tôi làm. Cả ngày lẫn đêm hôm đó, chị tôi trông thật xinh đẹp với đôi mắt đẫm lệ. Sáng hôm sau, chị bước lên kiệu hoa về gia đình mới của chị. Mọi người té nước nhiều hơn nữa và đồng thanh: “Cho con gái đi lấy chồng cũng chỉ như hắt nước đi mà thôi!” Chúng tôi đi đến rìa thôn và nhìn theo đám rước đi qua chiếc cầu rời khỏi Phủ Vĩ. Ba ngày sau, nhà tôi chở đến thôn mới của chị tôi nào là bánh nếp, quà tặng và cuốn sổ ngày thứ ba sau lễ cưới chúng tôi đã viết, cuốn sổ này sẽ được đọc to lên trong căn buồng phụ nữ mới của chị. Ngày hôm sau, theo phong tục, anh trai tôi đưa xe của nhà đến đón chị tôi và đưa chị trở về nhà. Ngoại trừ một năm về thăm chồng vài lần, chị vẫn tiếp tục sống với chúng tôi cho đến khi mang thai đứa con đầu tiên.
Trong tất cả những sự việc diễn ra trong đám cưới của chị tôi, điều tôi nhớ nhất là khi chị quay về sau lần về thăm nhà chồng vào mùa xuân năm kế tiếp. Bình thường chị luôn điềm đạm – ngồi trên ghế đẩu trong góc phòng, lặng lẽ thêu thùa khâu vá, không bao giờ tranh cãi, luôn luôn nghe lời – nhưng giờ đây chị quỳ xuống sàn nhà, vùi mặt vào lòng mẹ, khóc than cho nỗi khổ của mình. Mẹ chồng chị ngược đãi chị, luôn luôn quở trách và chửi mắng. Chồng của chị không biết gì mà lại còn thô lỗ. Bố mẹ chồng muốn chị phải xách nước và giặt giũ quần áo cho cả gia đình. Hãy nhìn xem, những đốt ngón tay của chị đã trầy trợt đến mức nào do phải làm việc nhà ngày hôm qua? Nhà bên ấy không muốn phải nuôi chị và nói thậm tệ về nhà tôi vì đã không mang đủ đồ ăn cho chị khi đưa chị đến.
Mỹ Nguyệt, Tuyết Hoa và tôi hội ý với nhau, rì rầm những lời xót thương, nhưng trong thâm tâm, dù thấy thương cho chị nhưng chúng tôi vẫn tin rằng những chuyện như vậy sẽ không xảy ra với chúng tôi. Mẹ khẽ vuốt tóc chị và vỗ về thân hình run rẩy của chị. Tôi chờ mẹ nói với chị là đừng lo lắng, rằng những chuyện như vậy chỉ là tạm thời thôi, nhưng mẹ lại không nói một lời nào. Mẹ quay sang nhìn thím, đôi mắt ánh lên vẻ bất lực, chờ thím chỉ giùm.
“Thím đã ba mươi tám tuổi đầu,” thím nói, nhưng không phải với giọng thông cảm mà là cam chịu. “Thím đã sống một cuộc sống khổ sở. Gia đình thím là một gia đình tương đối khá giả, nhưng đôi chân và khuôn mặt thím đã làm số phận thím thành ra thế này. Thậm chí có một người cũng như thím – không thông minh hay xinh đẹp cho lắm cũng chẳng phải hạng đui què mẻ sứt – cũng còn tìm được một tấm chồng, vì thậm chí một người đàn ông đần độn cũng còn có thể có con trai. Chỉ cần người đàn bà có kinh là được. Cha thím đã gả thím vào một gia đình tốt nhất mà ông ấy có thể tìm được cho thím. Thím đã khóc y như cháu bây giờ. Số phận thím còn nghiệt ngã hơn nữa kia. Thím không thể sinh con trai. Thím là gánh nặng cho nhà chồng. Thím đã từng ao ước có được con trai và một cuộc sống hạnh phúc. Thím ước gì con gái thím sẽ không bao giờ phải đi lấy chồng để thím có người lắng nghe nỗi lòng của thím. Nhưng cái phận đàn bà là vậy. Cháu không thể thoát khỏi số phận của mình. Nó là tiền định.”
Chính thím tôi – người vẫn luôn được xem là người pha trò của cả nhà, người luôn kể về niềm hạnh phúc khi chú thím đầu ấp tay gối, người luôn hướng dẫn chúng tôi học tập với sự động viên tuyệt vời – lại là người nói ra những tình cảm đó, và chuyện này quả là một cú sốc cho chúng tôi. Mỹ Nguyệt đưa tay ra siết chặt tay tôi. Nước mắt cô tuôn rơi trước sự thật này, cái điều chưa bao giờ được nói ra trong căn buồng phụ nữ cho đến tận hôm nay. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc sống khó khăn đến mức nào đối với thím, nhưng giờ đây tâm trí tôi đang lật nhanh qua những năm tháng trước và tự hỏi làm thế nào mà thím vẫn giữ được nét mặt tươi cười với cuộc sống rõ ràng là đáng buồn của bà kia chứ.
Không cần phải nói, những lời này không an ủi chị tôi được. Chị nức nở dữ hơn, đưa tay lên bịt hai tai lại. Mẹ tôi đành phải nói, nhưng khi mẹ nói, lời nói thốt ra khỏi miệng mẹ trôi tuột ra từ những phần sâu kín nhất của cái âm – thụ động, tối tăm và đàn bà.
“Con đã đi lấy chồng,” mẹ nói, vẻ dửng dưng đến kỳ lạ. “Con đã đến thôn khác. Mẹ chồng con tàn nhẫn. Chồng con không quan tâm đến con. Chúng ta đều mong ước con sẽ không bao giờ đi khỏi đây, nhưng mọi đứa con gái đều phải đi lấy chồng. Mọi người đều đồng tình như vậy. Mọi người đều chấp nhận điều đó. Có thể con sẽ khóc lóc và xin được trở về nhà, có thể chúng ta đều đau lòng khi con ra đi, nhưng con – và cả chúng ta nữa – đều không có sự lựa chọn nào khác. Các cụ ngày xưa đã nói dứt khoát: ‘Con gái không lấy chồng là đứa bỏ đi; lửa không đốt cháy ngọn núi, đất sẽ không phì nhiêu’.”