Bạn đang đọc Tuyết Hoa Và Cây Quạt Bí Mật: Chương 4: Chiếc Quạt
ĐÃ SÁU THÁNG TRÔI QUA KỂ TỪ ngày TÔI BỊ bó chân, hai tháng kể từ khi bà nội và em ba mất. Tuyết đã tan, đất đã mềm đi, bà nội và em ba được sửa soạn chôn cất. Có ba chuyện trong cuộc sống của người Dao – không, của tất cả người dân trên đất nước Trung Hoa này – mà hầu hết tiền bạc đều dồn cả vào đó, là: sinh nở, hôn nhân và tang lễ. Tất cả chúng tôi đều mong ước được sinh ra một cách suôn sẻ và có một cuộc hôn nhân tốt đẹp; tất cả chúng tôi đều mong được chết nhẹ nhàng và chôn cất chu đáo. Nhưng số mệnh và hoàn cảnh thực tế mới là cái chi phối khiến ba việc ấy ở mỗi người mỗi khác. Bà nội là người đứng đầu gia đình tôi và đã sống một cuộc sống mẫu mực; em ba thì chưa đạt được điều gì. Bố và chú tôi gom góp tiền trả cho ông thợ đóng quan tài ở Thượng Giang Hư để mua một cỗ áo quan tốt cho bà nội. Bố và chú tự làm lấy cái hộp nhỏ cho em ba. Những chị em kết nghĩa của bà nội tôi đến viếng lần nữa, và sau cùng chúng tôi cũng tổ chức lễ mai táng.
Một lần nữa, tôi lại thấy nhà mình nghèo đến mức nào. Nếu chúng tôi có nhiều tiền hơn, có lẽ bố tôi sẽ dựng bia tưởng niệm quả phụ cho bà nội. Có lẽ bố tôi sẽ đi mời ông thầy về để tìm nơi an táng thích hợp, có phong thủy tốt nhất để chôn cất bà hoặc thuê kiệu để đưa con gái và cháu gái mình, vẫn chưa thể đi bộ quá xa, đến nơi chôn cất. Tất cả những việc ấy đều không thể làm được. Mẹ cõng tôi trên lưng, còn thím cõng Mỹ Nguyệt. Đám tang đơn sơ của chúng tôi đi ra huyệt mộ cách nhà không xa lắm, vẫn nằm trong vùng đất mà bố tôi thuê. Bố và chú tôi quỳ, lạy dập đầu ba lần liên tục. Mẹ tôi ngồi bên nấm mộ mới đắp và xin được tha thứ. Chúng tôi đốt tiền giấy, nhưng không có thứ quà cáp nào khác tặng cho những người đến tham dự ngoài kẹo.
Mặc dù bà nội không thể đọc được nữ thư, bà vẫn còn quyển sổ về ngày thứ ba sau lễ cưới mà bà được tặng nhân ngày cưới từ bao năm trước đây. Những thứ này, cùng mấy món đồ quý giá khác, được hai người chị em kết nghĩa cuối đời của bà nội thu gom lại để đem đốt tại phần mộ, những dòng chữ ấy sẽ theo bà sang thế giới bên kia. Họ cùng khấn bà tôi. “Mong rằng bà sẽ được gặp lại mấy chị em kết nghĩa khác của chúng ta. Ba người sẽ hạnh phúc bên nhau. Đừng quên chúng tôi. Những sợi dây liên kết giữa chúng ta vẫn bền chặt cả khi chốn cực lạc có bị cắt lìa khỏi dương gian. Đó chính là sức mạnh và sự vững bền của tình bạn chúng ta.” Không ai nói gì với em ba. Thậm chí cả anh trai tôi cũng không hề nhắn nhủ bất cứ điều gì. Vì em ba chưa biết viết nên mẹ, thím và chị gái tôi viết một số thông điệp bằng nữ thư để giới thiệu nó với tổ tiên chúng tôi, rồi chúng tôi đốt những thứ đó đi sau khi đám đàn ông đi khỏi.
Mặc dù chúng tôi mới bắt đầu thời kỳ ba năm chịu tang bà nội, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn theo nếp cũ. Giai đoạn đau đớn nhất của việc bó chân đã qua. Mẹ tôi không còn đánh tôi nhiều như trước nữa, và nỗi đau đớn của việc bó chân cũng giảm bớt đi. Điều tốt nhất đối với tôi và Mỹ Nguyệt bây giờ là ngồi xuống và để đôi chân uốn theo hình dáng mới. Vào buổi sáng sớm, hai đứa tôi – dưới sự giám sát của chị gái – tập làm những mũi thêu mới. Xế trưa, mẹ dạy cho tôi xe sợi bông; đầu buổi chiều, chúng tôi bắt đầu dệt vải. Mỹ Nguyệt và mẹ của nó cũng học những bài tương tự, chỉ có điều theo trình tự ngược lại. Cuối buổi chiều, chúng tôi dốc sức cho việc học nữ thư, thím dạy bọn tôi những từ đơn giản với sự kiên nhẫn và khiếu hài hước tuyệt vời.
Do không phải giám sát việc bó chân của em ba, chị gái tôi, lúc bấy giờ đã mười một tuổi, trở lại với việc học nữ công. Bà Cao, một bà mối trong làng, thường ghé qua để thảo luận về việc Nhận Thân, giai đoạn đầu tiên trong năm giai đoạn xe duyên cho anh trai và chị gái tôi. Bà Cao đã tìm được một cô con gái của một gia đình rất tương xứng với gia đình tôi tại thôn Cao Gia, bên nhà mẹ đẻ của bà Cao, cho anh trai tôi. Quả là một chuyện tốt khi kén được cô con dâu tương lai như vậy, bởi bà Cao đã mai mối nhiều đám giữa hai thôn với nhau đến mức những bức thư viết bằng nữ thư được trao đi gửi lại như thoi đưa. Ngoài ra, thím tôi vốn là người bên Cao Gia. Giờ thì thím lại có thể liên lạc với gia đình mình dễ dàng. Thím hớn hở đến mức suốt mấy ngày liền mọi người thấy thím cười suốt, ngoác cái miệng như vòm hang vĩ đại với hàm răng chỉa ra lởm chởm.
Chị gái tôi, mà ai gặp cũng phải công nhận là dịu dàng và xinh đẹp, sẽ đi làm dâu trong một gia đình khá giả hơn gia đình tôi ở tận thôn Cát Đàm xa xôi. Chúng tôi buồn vì sau này sẽ không còn được gặp chị thường xuyên nữa, nhưng chúng tôi vẫn được sống cùng chị sáu năm nữa trước khi đám cưới được tổ chức, rồi hai hoặc ba năm tiếp theo trước khi chị mãi mãi rời xa chúng tôi. Ở xứ tôi, như người ta vẫn biết, mọi người đều tuân theo tập tục bất lạc phu gia, tức là nàng dâu sẽ chưa về ở hẳn trong nhà chồng cho đến khi có mang.
Bà Cao chẳng giống bà Vương chút nào. Cách ăn mặc của bà ấy phải nói là thô lược. Trong khi bà Vương mặc quần áo bằng lụa thì bà Cao chỉ mặc bộ quần áo vải bông thô kệch. Trong khi bà Vương ăn nói nghe trơn tru như bôi mỡ vào miệng, thì bà Cao cứ oang oang như lệnh vỡ. Bà ta thường bước lên căn buồng phụ nữ, ngồi ghé lên chiếc ghế đẩu, và bảo cho bà ta xem bàn chân của cả mấy cô con gái nhà họ Di chúng tôi. Đương nhiên, chị tôi và Mỹ Nguyệt ngoan ngoãn vâng lời. Còn tôi, dù số phận đã nằm trong sắp đặt của bà Vương, nhưng mẹ vẫn bảo tới đưa chân cho bà ta xem. Bà Cao nhận định: “Khe nứt là phải sâu như những nếp gấp dưới chân của cô bé này này. Nó sẽ khiến chồng con bé cảm thấy sung sướng,” hay “cái gót chân cong xuống thế kia của con bé tựa như cái bao cùng với ngón chân cái thuôn nhọn về phía trước như thế kia sẽ làm chồng nó luôn nhớ tới ‘anh bạn nhỏ’ của mình. Suốt ngày anh chồng may mắn sẽ chỉ nghĩ tới chuyện chăn gối thôi.” Lúc ấy tôi không hiểu bà ta nói như vậy là nghĩa làm sao. Tới khi hiểu được, tôi ngượng chín cả người mỗi khi nghe mẹ và thím nói về chuyện đó. Nhưng họ với bà mối thì lại cười vang. Ba đứa chúng tôi cũng cười góp, nhưng như tôi đã nói, những lời ấy nằm ngoài vốn kinh nghiệm hay sự hiểu biết non nớt của chúng tôi. Năm đó, vào ngày mùng tám tháng Tư âm lịch, hội chị em kết nghĩa của chị tôi tụ họp ở nhà tôi nhân hội Chọi Trâu. Năm cô gái đều chứng tỏ mình đã chuẩn bị để mai này quán xuyến công việc nhà cửa tốt đến mức nào bằng cách cho thuê số lúa mà nhà mình đã cho để thành lập hội chị em kết nghĩa và dùng số tiền kiếm được để chuẩn bị bữa tiệc mừng. Mỗi cô mang một món ăn từ nhà mình tới: món mì, cải xanh với trứng muối, giò heo rưới tương ớt, đậu đũa muối, bánh nếp ngọt. Mọi người còn cùng nhau nấu nhiều món khác nữa, tất cả bọn con gái tập trung lại nặn bánh bao để hấp rồi khi ăn chấm với tương ớt vắt chanh. Họ ăn, cười khúc khích, và trích dẫn những câu chuyện viết bằng nữ thư như “Truyện Tam Cô”, kể về con gái của một nhà giàu có trải qua bao thăng trầm vẫn chung thủy với người chồng nghèo khó, cuối cùng sự chung thủy của họ đã được đền đáp và người chồng được phong quan; hoặc truyện “Nàng tiên cá chép”, kể về một con cá hóa thành một cô gái trẻ xinh tươi, sau đó yêu một chàng học trò thông minh sáng láng, điều đó đã khiến nàng phải hiện hình.
Nhưng truyện họ thích nhất là “Truyện cô gái có ba người anh trai”. Họ không biết tường tận câu chuyện này và họ không nhờ mẹ hát câu xướng và lời đáp, dù mẹ nhớ được khá nhiều từ trong đó. Thay vào đó, các chị em kết nghĩa của chị tôi lại nhờ thím tôi dẫn dắt cả câu chuyện. Mỹ Nguyệt và tôi cũng hùa vào, vì câu chuyện tình yêu đẹp đẽ và có thực này – vừa bi vừa hài – là một cách hay để chúng tôi có thể hát lên những ước nguyện của mình, được biểu lộ thông qua thứ chữ đặc biệt của phụ nữ chúng tôi.
Một người chị em kết nghĩa của thím đã thêu câu chuyện đó lên chiếc khăn tay của bà. Thím tôi lôi mảnh khăn ra rồi cẩn thận mở. Mỹ Nguyệt và tôi xích lại gần, ngồi bên cạnh thím để có thể đọc được những chữ thêu này khi thím hát.
“Ngày xưa, có một cô gái có ba anh trai,” thím bắt đầu hát. “Cả ba đều đã có vợ, nhưng cô gái vẫn chưa lấy chồng. Dù nàng là người đức hạnh và đảm đang, song những người anh không chịu cho nàng của hồi môn. Nàng thật bất hạnh làm sao! Nàng có thể làm gì được đây?”
Giọng mẹ tôi đáp lại. “Nàng quá đau khổ, bèn chạy ra vườn và treo cổ.”
Mỹ Nguyệt, chị tôi, những người bạn của chị, và tôi cùng hát đoạn đồng ca “Người anh cả của nàng bước ra vườn và vờ như không nhìn thấy nàng. Người anh thứ hai bước ra vườn và cũng vờ như không nhìn thấy nàng chết. Người anh thứ ba nhìn thấy, òa khóc, và bồng xác nàng vào nhà.”
Mẹ liếc sang và bắt gặp ánh mắt tôi đang chăm chú nhìn mẹ. Mẹ mỉm cười, hài lòng, có lẽ vì thấy tôi không bỏ sót một từ nào.
Thím bắt đầu lại câu chuyện. “Ngày xưa, có một cô gái có ba anh trai. Khi nàng mất, không ai buồn để ý đến thi thể của nàng. Dù nàng là một cô gái đức hạnh và đảm đang, các anh trai cũng không chịu khâm liệm nàng. Điều này quả thật tàn nhẫn! Điều gì sẽ xảy ra?”
“Khi chết nàng cũng bị lãng quên như lúc sống, cho đến khi thi thể nàng bốc mùi.” Giọng mẹ tôi ngân lên.
Lần nữa bọn tôi lại đồng thanh hát đoạn điệp khúc nổi tiếng. “Người anh cả ột mảnh vải để bọc thi thể nàng. Người anh hai cho hai mảnh vải để bọc thi thể nàng. Người anh ba mặc cho nàng rất nhiều quần áo để nàng được ấm áp khi sang thế giới bên kia.”
“Ngày xưa có một cô gái có ba người anh” thím tôi tiếp tục. “Giờ đến việc mặc tấm áo vĩnh cửu cho nàng khi nàng đã trở thành hồn ma, các anh nàng không bỏ một xu nào để mua quan tài. Dù nàng là một cô gái đức hạnh và đảm đang, các anh nàng lại là những kẻ keo kiệt. Thật là bất công làm sao! Liệu nàng có thể được yên nghỉ dưới suối vàng?”
“Đơn độc, đơn độc,” mẹ tôi hát, “nàng sẽ sống những tháng ngày ám ảnh.”
Thím tôi dùng ngón tay để chỉ cho chúng tôi từ chữ này đến chữ khác và chúng tôi cố gắng nhìn theo mặc dù chúng tôi chưa đủ nhuần nhuyễn để biết hết các chữ đó. “Người anh cả nói, chúng ta không cần phải chôn nó trong một cái hộp. Nó chết thế nào thì để như thế ấy!” Người anh thứ hai đề nghị, “chúng ta sẽ dùng chiếc hộp cũ trong kho.” Người anh thứ ba nói, “đây là tất cả số tiền mà em có, em sẽ đi mua một cỗ quan tài.”
Khi chúng tôi đến gần đoạn kết, nhịp điệu của câu chuyện trở nên gấp gáp. Thím tôi hát, “ngày xưa có một cô gái có ba anh trai. Họ đã đi xa, nhưng điều gì sẽ xảy ra với cô em gái đây? Người anh cả – tính tình bần tiện; người anh hai – tâm hồn lạnh lùng; chỉ riêng anh ba là có tấm lòng nhân ái.”
Mấy chị em kết nghĩa để tôi và Mỹ Nguyệt kết thúc câu chuyện. “Người anh cả nói, ‘hãy chôn nó ở đây bên đường trâu đi’ ” (có nghĩa là nàng sẽ mãi mãi bị chà đạp). “Người anh thứ hai thì bảo, ‘Hãy chôn nó dưới chân cầu’ ” (có nghĩa là nàng sẽ bị cuốn đi). “Nhưng người anh thứ ba – với trái tim nhân hậu, hiếu nghĩa đủ đường – thì nói, ‘chúng ta sẽ mai táng em gái sau nhà mình để mọi người đều tưởng nhớ đến em,’ thế là cô gái kia, khi sống chẳng được hạnh phúc, cuối cùng cũng tìm được niềm vui ở chốn cực lạc.”
Tôi thích câu chuyện này. Được hát cùng mẹ và những người khác thật là thích, nhưng sau cái chết của bà nội và em ba, tôi đã hiểu rõ hơn về những lời nhắn nhủ của câu chuyện. Câu chuyện cho tôi thấy giá trị của một cô gái – hay một người phụ nữ – có thể rất khác nhau theo quan điểm của mỗi người. Nó cũng chỉ dẫn cách khâm liệm một người thân sau khi chết – mộc, liệm như thế nào, mặc những lớp quần áo vĩnh cửu đúng cách như thế nào, nên chôn cất người chết ở đâu. Gia đình tôi đã cố gắng tuân theo những tập tục đó và tôi cũng sẽ vậy khi trở thành vợ, thành mẹ.
SAU HÔM hội Chọi Trâu, bà Vương quay lại. Càng ngày tôi càng ghét những chuyến ghé thăm của bà ta, vì mỗi lần như vậy là cả nhà lại lo lắng. Tất nhiên, mọi người đều vui vì chị gái tôi có triển vọng sẽ có một cuộc hôn nhân tốt. Và tất nhiên, mọi người cũng vui vì anh trai tôi sắp lấy vợ và nhà tôi sẽ có nàng dâu cả. Nhưng chúng tôi vừa phải chịu hai cái tang. Nếu gạt bỏ tình cảm sang một bên, thì những điều này có nghĩa là nhà tôi phải chi phí tốn kém cho cả hai đám tang vừa qua và hai đám cưới sắp tới. Cái áp lực đè nặng lên tôi là làm sao để có được một cuộc hôn nhân tốt lại mang thêm một ý nghĩa đặc biệt. Đó là sự sống còn của gia đình tôi.
Bà Vương đi lên gác để đến buồng phụ nữ, lịch sự kiểm tra việc thêu thùa của chị gái tôi và ngợi khen những mẫu thêu rất tốt đó. Sau đó, bà ấy ngồi xuống chiếc ghế đẩu, lưng quay về phía khung cửa sổ mắt cáo. Bà ta không nhìn thẳng vào tôi. Mẹ – giờ đã bắt đầu hiểu mình là người đàn bà có địa vị cao nhất trong nhà – vẫy tay bảo thím tôi mang trà ra. Bà Vương nói về chuyện thời tiết, về những kế hoạch ấy ngày đi lễ sắp tới, về việc vận chuyển hàng hóa đến đây bằng đường sông từ Quế Lâm. Khi trà được rót, bà Vương mới bàn đến công việc.
“Thưa bà,” bà ta bắt đầu “trước đây chúng ta đã từng bàn luận về những cơ hội mở ra cho con gái bà. Mối thông gia với một gia đình ở Thông Khẩu có vẻ như đã cầm chắc.” Bà ta ngả người ra trước và kể. “Tôi cũng nhận được chút lợi ích ở đó. Trong vòng vài năm tới đây, tôi sẽ tới gặp bà và chồng bà về việc Nhận Thân.” Bà ta ngồi thẳng thớm trở lại và hắng giọng: “Nhưng hôm nay tôi đến đây để bàn về một mối kết giao theo kiểu khác. Chắc bà vẫn nhớ ngay từ ngày đầu tiên chúng ta gặp nhau, tôi đã nhận thấy rằng Bách Huệ có cơ hội trở thành một lão đồng.” Bà Vương đợi ọi người kịp nhập tâm điều này trước khi tiếp tục. “Thôn Thông Khẩu cách đây chừng bốn mươi lăm phút đi bộ. Hầu hết những gia đình ở đó đều là tông tộc nhà họ Lữ. Có thể tìm được cho Bách Huệ một lão đồng ở đó. Con bé ấy tên là Tuyết Hoa.”
Câu hỏi đầu tiên của mẹ khiến tôi và tất cả những người khác trong buồng nhận thấy rằng bà chẳng những không quên điều bà Vương đã đề cập trong cái lần gặp gỡ đầu tiên mà còn mưu tính và suy nghĩ về khả năng này từ lúc ấy.
“Tám đặc điểm đó là gì?” mẹ tôi hỏi, giọng nói ngọt ngào che đậy phần nào sự cả quyết của bà. “Tôi thấy không có lý do nào để có một cuộc kết giao như vậy trừ phi chỉ ra đầy đủ cả tám đặc điểm ấy.”
“Thưa bà, lẽ nào hôm nay tôi dám tới mà chưa định rõ cả tám điểm ấy,” bà Vương đáp lại chẳng chịu kém phân. Bách Huệ và Tuyết Hoa cùng tuổi ngựa, sinh cùng tháng, và nếu như cả bà và mẹ nó đều nói thật, thì hai đứa còn cùng ngày sinh và giờ sinh. Bách Huệ và Tuyết Hoa có cùng số anh chị em, và chúng đều là con thứ ba trong gia đình…”
“Nhưng…”
Bà Vương đưa tay ra hiệu ẹ tôi ngừng lại. “Tôi sẽ trả lời câu hỏi của bà trước khi bà hỏi đây: Đúng, đứa con gái thứ ba trong nhà họ Lữ đã về với tổ tiên. Sự cố đau đớn này không hề liên quan, vì không ai muốn nghĩ đến việc mất đi đứa con, dẫu là con gái.” Bà ta nhìn mẹ tôi chòng chọc, gần như thách mẹ dám mở miệng. Khi mẹ tôi nhìn đi chỗ khác, bà Vương lại tiếp tục “Bách Huệ và Tuyết Hoa cao ngang nhau, xinh đẹp như nhau, và quan trọng nhất, chúng được bó chân cùng một ngày. Cụ nội của Tuyết Hoa là tiến sĩ, có một địa vị xã hội và kinh tế ít ai bì kịp.” Bà Vương không cần phải giải thích rằng nếu gia đình này, so với tổ tiên họ, đã đạt tới danh vị cao nhất trong hệ thống khoa cử của triều đình như vậy, thì nhà họ chắc chắn là giàu có phong lưu và có quan hệ với toàn những bậc thế gia vọng trọng. “Mẹ của Tuyết Hoa có vẻ không bận tâm đến sự khác biệt giữa hai nhà vì hai đứa có rất nhiều điểm tương đồng.”
Mẹ tôi điềm tĩnh gật đầu, con khỉ trong bà đang mải mê âm thầm với tất cả chuyện này, nhưng tôi thì chỉ muốn nhảy ra khỏi ghế, chạy như bay đến bờ sông và thét lên thích thú. Tôi liếc nhìn thím. Tôi chờ nhìn thấy nụ cười rộng ngoác như mái hang trên miệng thím, nhưng thay vì vậy thím mím chặt miệng, cố gắng giấu đi sự vui sướng của mình. Cả cơ thể của bà hiện thân cho sự điềm tĩnh và nền nã chừng mực, ngoại trừ những ngón tay của bà, cứ ngó ngoáy một cách căng thẳng như một đám lươn con… Bà hiểu được tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ này hơn bọn tôi. Không lộ liễu, tôi lén nhìn Mỹ Nguyệt và chị gái. Đôi mắt họ lấp lánh vì mừng cho tôi. Ôi, những chuyện bọn tôi sẽ tâm sự với nhau đêm nay sau khi cả nhà đi ngủ!
“Mặc dù tôi luôn tiến hành những cuộc tiếp xúc kiểu này vào dịp Trung Thu khi các cô gái được tám hay chín tuổi,” bà Vương lưu ý, “nhưng tôi cảm thấy trong trường hợp này tiến hành kết giao ngay bây giờ sẽ có lợi cho con gái của bà. Con bé khá lý tưởng về nhiều mặt, nhưng việc nữ công có thể phải học nhiều hơn nữa, và nó cần phải trau rèn nhiều lắm đấy để có thể xứng với một gia đình cao sang hơn.”
“Con gái tôi sẽ không phải là một đứa như bà nói tới,” mẹ nói với thái độ dửng dưng. “Nó cứng đầu và khó bảo. Tôi không chắc đây là một ý kiến hay. Thà trở thành một trái nho không hoàn hảo giữa đám chị em kết nghĩa còn hơn làm một tiểu thư cao sang phải thất vọng.”
Niềm sung sướng mới cách đây mấy phút của tôi rơi tọt xuống vực thẳm. Dù tôi khá hiểu mẹ, nhưng tôi chưa đủ lớn để hiểu rằng những lời chua ngoa bà nói về tôi là một phần trong cuộc thương lượng này, cũng giống như những ẩn ý mà bố tôi và bà mối sẽ ngồi lại trao đổi với nhau về cuộc hôn nhân của tôi. Nói về tôi như thể không có giá trị gì sẽ giúp bố mẹ tôi tránh được những lời phàn nàn từ phía người chồng hay từ phía gia đình người lão đồng tương lai của tôi. Nó cũng sẽ giúp giảm được bất kỳ khoản tốn phí tiềm ẩn nào mà bố mẹ tôi phải trả cho bà mối và giảm bớt những gì họ phải đưa vào của hồi môn của tôi.
Bà mối vẫn điềm nhiên. “Bà thấy vậy cũng là lẽ thường. Có quá nhiều người quan tâm đến chuyện này. Nhưng hôm nay nói thế là đủ.” Bà ta ngừng lại trong giây lát như thể đang cân nhắc, mặc dù tất cả chúng tôi đều thấy rõ rằng từng lời nói từng hành động của bà ta đều đã được xếp đặt từ trước và diễn đi diễn lại nhiều lần rồi. Bà ta thò vào ống tay áo, lôi ra một chiếc quạt, và gọi tôi lại. Khi trao nó cho tôi, bà Vương nói với qua tôi. “Bà cần có thời gian để suy nghĩ về số phận của con gái mình.”
Tôi mở chiếc quạt và đọc những dòng chữ chạy dọc trên một nếp gấp và vòng lá tô điểm ở mép ngoài chiếc quạt.
Mẹ tôi lạnh lùng nói với bà mối, “Bà đưa nó cho con gái tôi dù tôi và bà chưa thỏa thuận về khoản thù lao của bà sao?”
Bà Vương xua xua tay trước câu nói của mẹ như thể nó có mùi khó ngửi. “Cũng giống như cuộc hôn nhân của con bé. Nhà họ Di không phải trả thù lao. Gia đình của cô bé kia sẽ trả cho tôi. Và nếu giờ tôi giúp giá trị của con gái bà được nâng lên khi trở thành một lão đồng, thì khoản thù lao tôi được nhận từ gia đình nhà trai sẽ còn tăng thêm nhiều hơn nữa kìa. Tôi hài lòng với sự dàn xếp này.”
Bà ta đứng dậy và bước vài bước tới chỗ cầu thang. Rồi bà ta quay lại, đặt tay lên vai thím tôi và nói với cả phòng: “Một điều nữa mà tất cả các vị nên xem xét. Người phụ nữ này đã làm rất tốt cho con gái của mình; và tôi có thể thấy rằng Mỹ Nguyệt và Bách Huệ cũng gần ngang ngửa nhau. Nếu chúng ta thỏa thuận được về việc tạo dựng mối quan hệ lão đồng cho Bách Huệ, một điều sẽ củng cố vững chắc cơ hội lấy chồng ở Thông Khẩu của con bé, thì tôi nghĩ rằng việc xem xét để tìm một mối cho Mỹ Nguyệt ở đó cũng sẽ thuận lợi.”
Khả năng này khiến cả nhà kinh ngạc. Tôi quên mất phải cư xử đúng mực và quay lại nhìn Mỹ Nguyệt, lúc này cũng đang phấn chấn y như tôi.
Bà Vương đưa cánh tay lên và khum bàn tay lại thành hình trăng khuyết. “Tất nhiên, có thể là bà đã thỏa thuận với bà Cao. Tôi không muốn vào địa phận của bà ta chút nào,” – nói vậy nghĩa là bà ta có ý chê bôi – “dù sao cũng là công việc.”
Nếu không có ý gì khác, thì điều này chứng tỏ mẹ tôi còn non tay lắm so với thủ thuật mặc cả lão luyện của bà Vương, mà giờ đang nói chuyện thẳng với mẹ tôi.
“Tôi cho rằng việc này là do người đàn bà quyết, một trong vài điều ít ỏi bà có thể làm cho con gái mình, và cũng có thể là cho cả cháu gái bà nữa. Tuy nhiên, cũng phải có sự đồng ý của bố con bé nữa, thì chúng ta mới có thể tiến xa hơn. Thưa bà, tôi sẽ rời khỏi đây với lời khuyên nhỏ cuối cùng thế này: chờ đến giờ đi ngủ hãy thuyết phục cho trường hợp này.”
Trong khi mẹ và thím tiễn bà mối lên kiệu, chị tôi, Mỹ Nguyệt và tôi cùng đứng lại trong căn phòng, ôm ghì lấy nhau và trò chuyện rôm rả. Có thể nào tất cả những điều tuyệt vời này lại đang xảy đến với tôi? Mỹ Nguyệt rồi cũng sẽ lấy chồng ở Thông Khẩu? Chúng tôi sẽ thực sự được ở bên nhau suốt quãng đời còn lại? Chị tôi, hẳn cũng cảm thấy hơi chua chát cho số phận của mình, song vẫn nhiệt tình cầu mong những điều tốt đẹp mà bà mối hứa hẹn sẽ thành hiện thực, vì chị hiểu rằng như vậy sẽ có lợi cho cả nhà.
Chúng tôi còn trẻ con và đang rất phấn khích, nhưng chúng tôi vẫn biết cách cư xử như thế nào cho phải phép. Mỹ Nguyệt và tôi ngồi xuống để đôi chân chúng tôi được nghỉ ngơi.
Chị gái tôi khẽ chạm đầu vào chiếc quạt tôi đang cầm, “Nó nói gì vậy?”
“Em không thể đọc được hết. Giúp em với.”
Tôi mở chiếc quạt ra. Chị tôi và Mỹ Nguyệt nhìn chăm chú qua vai tôi. Cả ba chúng tôi cùng tỉ mỉ xem các con chữ, và tìm những từ mà chúng tôi đọc được: cô gái, tốt, phụ nữ, nhà, bạn, mình.
Thím tôi biết rằng chỉ mình thím mới có thể giúp tôi, nên thím trở lên gác sớm nhất. Thím dùng ngón tay chỉ cho tôi từng con chữ. Tôi nhớ được ngay: “Mình được biết bạn là cô gái tính tình thùy mị nết na và hiểu đạo công dung ngôn hạnh trong nhà. Bạn và mình sinh cùng ngày cùng năm. Sao chúng ta không trở thành bạn tương giao của nhau nhỉ?”
Trước khi tôi có thể trả lời thư cô gái mang tên Tuyết Hoa đó, gia đình tôi phải xem xét và cân nhắc nhiều điều. Mặc dù, chị tôi, Mỹ Nguyệt và tôi không hề nói bất cứ một lời nào về những chuyện sắp xảy ra, chúng tôi ngồi hàng giờ ở căn buồng trên gác lắng nghe mẹ và thím bàn bạc về những hệ quả của mối kết giao lão đồng. Mẹ tôi là một người khôn ngoan sắc sảo, nhưng thím tôi xuất thân từ gia đình khá giả hơn nhà tôi và suy nghĩ sâu sắc hơn. Thế nhưng, vì là người đàn bà có địa vị thấp nhất trong nhà nên thím luôn cẩn trọng khi nói ra bất cứ điều gì, đặc biệt là lúc này, khi mẹ tôi có toàn quyền quản lý gia đình.
“Một cuộc kết giao lão đồng cũng quan trọng không kém gì một cuộc hôn nhân tốt,” thím mào đầu. Thím sẽ lặp lại nhiều điều bà mối đã nói, nhưng thím luôn quay lại một yếu tố mà thím xem là quan trọng nhất. “Mối quan hệ lão đồng được lựa chọn là để có được quan hệ bạn bè tình cảm và trung thành mãi mãi. Hôn nhân thì không được lựa chọn và chỉ có mục đích duy nhất – sinh con trai.”
Nghe nhắc đến con trai, mẹ tôi cố an ủi cô em dâu. “Thím có được Mỹ Nguyệt đấy thôi. Nó là đứa con gái ngoan và sẽ khiến mọi người hạnh phúc…”
“Và nó sẽ rời xa em mãi mãi khi nó đi lấy chồng. Chị có hai đứa con trai, chúng sẽ sống bên chị đến hết đời.”
Ngày nào hai người cũng nói đến chuyện buồn này, và ngày nào mẹ tôi cũng cố lái sang những vấn đề thực tế hơn.
“Nếu Bách Huệ trở thành lão đồng, con bé sẽ không thể có những người chị em kết nghĩa. Mà đàn bà con gái trong gia đình ta…”
… đều có, mẹ định nói nốt vậy, nhưng thím lại ngắt lời, kết câu theo kiểu khác – “đều có thể làm như những chị em kết nghĩa trong những dịp cần đến họ. Nếu chị cảm thấy cần có thêm nhiều cô gái trong thời gian tới cho lễ Ngồi và Hát trước đám cưới của Bách Huệ, chị có thể nhờ cả những cô chưa chồng ở hàng xóm sang để có mặt bên con bé.”
“Mấy con bé đó không biết nhiều về nó,” mẹ tôi lên tiếng.
“Nhưng lão đồng có thể. Đến khi hai đứa đều đã lấy chồng, chúng sẽ hiểu nhau hơn chị hoặc em hiểu chồng mình.”
Thím ngừng lại như mỗi khi nhắc tới chuyện này.
“Bách Huệ có cơ hội để đi theo một con đường khác với con đường mà chị và em đã đi để rồi kết thúc ở đây,” thím tiếp tục, sau giây lát. “Chính mối quan hệ lão đồng sẽ làm tăng giá trị cho con bé và khiến mọi người ở Thông Khẩu biết rằng nó xứng đáng với cuộc hôn nhân tốt đẹp ở đó. Và vì mối quan hệ giữa hai lão đồng là vĩnh viễn, không thay đổi khi chúng đi lấy chồng, nên sợi dây ràng buộc với mọi người ở Thông Khẩu sẽ được thắt chặt hơn và bác trai – và cả chúng ta nữa – sẽ được sự che chở lâu dài. Tất cả những điều đó sẽ giúp bảo vệ địa vị của Bách Huệ trong những chỗ dành cho phụ nữ ở nhà chồng tương lai của nó. Nó sẽ không phải là một người đàn bà què cụt với khuôn mặt xấu xí hay đôi chân dị hợm. Nó sẽ trở thành người đàn bà với đôi chân bó hoàn hảo, đã chứng tỏ được sự chung thủy, chân thành, và khả năng viết được thứ chữ viết bí mật của chúng ta khá thành thạo đủ để trở thành lão đồng của một cô gái từ thôn của họ.”
Những buổi nói chuyện kiểu này là vô tận, và ngày nào tôi cũng lắng nghe họ nói. Cái mà tôi không nghe được là những câu chuyện đó được truyền đạt lại cho bố tôi thế nào khi bố mẹ đi ngủ. Bố tôi sẽ phải tốn kém khá nhiều cho cuộc kết giao này – những món quà tặng thường xuyên giữa lão đồng và hai nhà, sự khoản đãi đồ ăn và thức uống khi Tuyết Hoa đến thăm gia đình chúng tôi, và những chi phí cho tôi đến Thông Khẩu – tất cả những thứ đó bố đều không có. Nhưng như bà Vương nói, tùy thuộc ở mẹ xem có thuyết phục được bố rằng đó là một ý hay. Thím cũng giúp đỡ bằng cách thì thầm với chú vì tương lai của Mỹ Nguyệt tùy thuộc vào tương lai của tôi. Ai bảo rằng phụ nữ không có ảnh hưởng tới những quyết định của đàn ông thì thật ngớ ngẩn và nhầm to.
Cuối cùng, gia đình tôi đã chọn đúng như ước nguyện của tôi. Vấn đề đặt ra tiếp theo là tôi sẽ phải hồi âm cho Tuyết Hoa thế nào. Mẹ giúp tôi thêu thêm vài họa tiết vào đôi giày mà tôi đang tự tay làm để gửi đi, coi như món quà đầu tiên, thế nhưng bà lại không thể khuyên tôi phải viết thư hồi âm thế nào. Thông thường, thư hồi âm được gửi trên một chiếc quạt mới, nó sẽ trở thành một phần của cái được xem là quà trao đổi cho “lễ cưới”. Tôi có những ý nghĩ khác, những điều cắt đứt hoàn toàn với truyền thống. Khi tôi nhìn thấy vòng cỏ tết trên mép chiếc quạt của Tuyết Hoa, tôi nghĩ tới một câu châm ngôn “Cây đậu móng chim và cây đu đủ, dây leo dài, rễ ăn sâu. Cây cọ bên trong tường vườn, rễ ăn sâu, trụ vững nghìn năm.” Với tôi, câu nói này đã tổng kết hết thảy những gì tôi muốn mối quan hệ này có được: sâu sắc, không rời xa, mãi mãi bền lâu. Tôi muốn chiếc quạt này trở thành biểu tượng của quan hệ giữa chúng tôi. Tôi mới bảy tuổi rưỡi, nhưng tôi đã hình dung được chiếc quạt với những thông điệp bí mật của nó sẽ có ý nghĩa thế nào.
Khi mọi người bảo tôi nên trả lời Tuyết Hoa trên chính chiếc quạt đó, tôi nhờ thím giúp viết thư hồi đáp theo đúng tiêu chuẩn nữ thư. Chúng tôi bàn bạc với nhau nhiều ngày về những khả năng có thể xảy ra. Nếu tôi phải thật độc đáo với món quà đáp lễ, thì tôi nên tuân theo thông lệ càng sít sao càng tốt khi viết lá thư bí mật. Thím viết ra những từ mà chúng tôi đã nhất trí với nhau, và tôi tập viết theo cho đến lúc nét chữ của tôi cũng tạm chấp nhận được. Khi đã hài lòng, tôi mài mực trên nghiên, hòa với nước cho đến khi mực có màu đen thẫm. Tôi cầm chiếc bút lông trong tay, cố giữ thẳng, giữa ngón cái và ngón trỏ và ngón giữa, sau đó tôi chấm mực. Tôi bắt đầu vẽ một bông hoa tuyết bé xíu giữa vòng lá trên mép quạt. Tôi chọn nếp gấp kế bên dòng chữ đẹp đẽ của Tuyết Hoa để viết. Tôi mở đầu theo cách quen thuộc và tiếp tục bằng những đoạn đã được thông qua cho sự kiện này:
Mình viết thư cho bạn. Hãy lắng nghe những tâm tình của mình. Dù mình nghèo và không thích hợp với bạn, dù mình không xứng bước qua cánh cổng cao sang nhà bạn, thì hôm nay mình vẫn viết thư cho bạn để nói rằng chính ông trời đã sắp đặt để chúng ta được kết giao với nhau. Những lời nói của bạn đã chiếm trọn tim mình. Đôi ta như uyên phải có ương. Đôi ta như sông phải có cầu. Người người khắp nơi sẽ phải thầm ghen với mối duyên đẹp của chúng ta. Đúng vậy đấy, trái tim mình thật sự hòa cùng nhịp đập với trái tim bạn.
Cố nhiên là tôi không có tất cả những tình cảm đó. Làm sao mà chúng tôi có thể nghĩ ra nổi nào là tình yêu, tình bạn, lời cam kết mãi mãi, sâu sắc đến như thế trong khi chúng tôi mới chỉ bảy tuổi? Chúng tôi chưa hề gặp nhau, và thậm chí nếu có gặp thì chúng tôi cũng chẳng hiểu chút nào những tình cảm như vậy. Đó chỉ là tất cả những từ ngữ tôi viết ra, hy vọng một ngày nào đó những điều này sẽ trở thành sự thật.
Tôi đặt chiếc quạt và đôi giày dùng cho chân bó lên một mảnh vải. Khi đôi tay không bận bịu gì thì tâm trí tôi lại lo lắng về nhiều chuyện. Liệu tôi có quá thấp kém so với gia đình Tuyết Hoa không? Liệu họ có trông vào những nét chữ của tôi và nhận ra sự kém cỏi của tôi không? Họ có nghĩ rằng việc làm trái với truyền thống của tôi chứng tỏ cách cư xử của tôi thật tệ? Liệu họ có cắt đứt mối kết giao này? Những ý nghĩ lo lắng bứt rứt đó – hồ ly tinh, mẹ tôi bảo thế – cứ bám riết lấy tôi, nhưng tất cả những gì tôi có thể làm là chờ đợi, tiếp tục những công việc ở buồng phụ nữ, và để đôi chân nghỉ ngơi cho xương lành lại đúng cách.
Thoạt nhìn những gì tôi viết trên chiếc quạt, bà Vương bĩu môi tỏ ý không tán thành. Một lúc lâu sau thì bà ấy gật gù, rõ là cố ý tỏ ra thế. “Đây quả thật là một cuộc kết giao hoàn hảo. Tuy hai cô bé không trùng khớp với nhau ở tám điểm kia, nhưng chúng giống hệt nhau về tính cách của người tuổi ngựa. Việc này sẽ hay đây…” Bà ta nói từ cuối cùng cao vống lên như câu hỏi, điều đó lại làm tôi băn khoăn về Tuyết Hoa. “Bước tiếp theo là hoàn tất những thỏa ước chính thức. Tôi sẽ hộ tống hai cô bé này đến Miếu Cô Bà ở Xá Hạ để chúng viết thỏa ước. Thưa bà, tôi sẽ lo chu đáo việc đi lại cho cả hai cô bé. Tôi sẽ chú ý để hai đứa đi bộ ít thôi.”
Dứt lời, bà Vương cầm bốn đầu mảnh vải, buộc lên trên đôi giày và chiếc quạt, rồi mang nó theo đến gia đình lão đồng tương lai của tôi.