Tuyết Hoa Và Cây Quạt Bí Mật

Chương 12: Miếu Cô Bà


Bạn đang đọc Tuyết Hoa Và Cây Quạt Bí Mật: Chương 12: Miếu Cô Bà


bố MẸ TÔI TỎ RA VUI MỪNG KHI THấY TÔI trở về. Họ còn hoan hỉ hơn khi nhận bánh ngọt nhà chồng tôi gửi tặng làm quà. Nhưng thực lòng, tôi chẳng vui mừng lắm khi gặp lại họ. Họ đã lừa dối tôi suốt mười năm qua, và trong lòng tôi trỗi dậy tình cảm khó ưa. Tôi không còn là một con bé có thể để dòng nước gột đi những cảm giác khó chịu nữa. Tôi muốn buộc tội gia đình tôi, nhưng vì hạnh phúc riêng của mình tôi vẫn cần phải tuân theo các quy tắc của đạo làm con. Vì thế tôi nổi loạn kín đáo, tách mình về mặt tình cảm cũng như thân thể càng nhiều càng tốt.
Lúc đầu, cả nhà có vẻ như không nhận ra sự thay đổi ở tôi. Họ tiếp tục nói và làm mọi việc theo phong tục và tôi cố hết sức từ chối những lời đề nghị của họ. Mẹ tôi muốn xem những bộ phận kín của tôi, nhưng tôi từ chối, lấy cớ là thẹn. Thím tôi tra hỏi tôi về chuyện chăn gối, nhưng tôi quay đi, giả ngượng. Bố tôi cố nắm lấy tay tôi, nhưng tôi bóng gió rằng giờ tôi đã có chồng nên những cử chỉ thân mật như vậy không còn phù hợp nữa. Anh trai tôi muốn kéo tôi vào cùng cười đùa và kể chuyện, tôi bảo anh nên làm những chuyện đó với vợ mình. Em trai tôi thấy nét mặt của tôi nên giữ khoảng cách; tôi cũng không làm gì để thay đổi điều đó, chỉ nhũn nhặn gợi ý rằng khi nào có vợ nó sẽ hiểu. Chỉ có chú tôi – với cái nhìn tỏ vẻ khó hiểu và đi đi lại lại hồi hộp – mới gợi lên chút thông cảm nào đó ở tôi, nhưng tôi không hề để lộ ra. Tôi làm phần việc nhà của tôi. Tôi lặng lẽ làm việc trong căn buồng phụ nữ. Tôi tỏ ra lễ phép. Tôi giữ mồm giữ miệng, vì tất cả bọn họ, ngoại trừ em trai tôi, đều lớn tuổi hơn tôi. Ngay cả khi đã có chồng, tôi vẫn không có tư cách buộc tội họ về bất cứ chuyện gì.
Nhưng tôi không thể cứ làm như thế mãi mà không bị phát hiện. Với mẹ tôi, hành động của tôi – dù tôi đã tỏ ra lịch sự từng li từng tí – là không thể chấp nhận được. Có quá nhiều người trong một ngôi nhà nhỏ như nhà tôi để một người có thể chiếm lấy cả một khoảng không gian nhường ấy, và bà coi điều đó là sự nhỏ nhen của tôi.
Tôi về nhà đến ngày thứ năm thì mẹ tôi lên bảo thím xuống nhà pha trà. Ngay khi thím đi khỏi, mẹ tôi bước vào căn buồng, tựa cây gậy vào chiếc bàn nơi tôi đang ngồi, túm lấy tay tôi, bấm mạnh móng tay vào thịt của tôi.
“Cô nghĩ là bây giờ cô cao quý hơn người nhà này rồi phỏng?” Bà rít qua kẽ răng những lời buộc tội mà tôi biết trước bà sẽ làm vậy. “Cô tưởng là cô đã trở thành người bề trên chỉ vì cô đã ngủ với con trai lão trưởng thôn hả?”
Tôi ngước nhìn bà. Tôi chưa bao giờ tỏ ra bất kính với mẹ. Lúc này cơn giận của tôi lộ hẳn ra ngoài mặt. Bà nhìn lại tôi, tin rằng ánh mắt lạnh lẽo của bà sẽ khiến tôi núng thế, nhưng tôi không nhìn đi nơi khác. Rồi, với động tác mau lẹ, bà buông tay tôi ra, thu tay lại, và tát thẳng cánh vào mặt tôi. Đầu tôi lệch qua một bên rồi trở lại như cũ ngay lập tức. Tôi lại nhìn thẳng vào mắt bà, lại càng khiến bà bực tức.
“Mày cư xử như vậy khác nào làm nhục cả nhà này,” bà nói. “Thật quá nhục nhã vì mày!”
“Thật quá nhục nhã,” tôi lẩm bẩm, biết rằng việc tôi điềm tĩnh nhắc lại lời bà chỉ khiến bà càng điên tiết hơn. Rồi, tôi túm lấy tay bà và kéo bà xuống thật mạnh để chúng tôi đối diện với nhau. Cây gậy của bà lăn cùng cục trên sàn nhà.
Từ dưới nhà, thím tôi gọi vọng lên. “Chị không sao chứ?”
Mẹ tôi đáp lại nhẹ nhàng. “Ừ, pha xong trà thì mang lên đây.”
Cả người tôi run lên bởi những cảm xúc bùng lên dữ dội bên trong. Mẹ tôi nhận ra và mỉm cười với vẻ ranh mãnh của bà. Tôi bấm sâu móng tay vào da bà như bà đã làm với tôi. Tôi cố nói nhỏ để không ai trong nhà có thể nghe được. “Mẹ nói dối. Mẹ – và tất cả mọi người trong nhà này – đều lừa dối con. Mẹ nghĩ rằng con sẽ không biết được sự thật về Tuyết Hoa ư?”
“Mọi người không nói với mày là vì muốn tốt cho con bé,” bà rên rỉ. “Chúng ta yêu quý Tuyết Hoa. Con bé thấy hạnh phúc khi ở đây. Thế thì tại sao chúng ta lại phải thay đổi cách nhìn nhận của mày đối với con bé?”
“Điều đó sẽ không thay đổi gì cả. Cô ấy là lão đồng của con.”
Mẹ tôi hất cằm lên vẻ ngoan cố và thay đổi thủ đoạn. “Tất cả mọi thứ chúng ta làm đều vì muốn tốt ày.”
Tôi bấm móng sâu hơn. “Tốt cho các người thì có, ý mẹ là vậy.”

Tôi biết sự đau đớn về thể xác mà tôi đang gây ra cho bà, nhưng thay vì nhăn nhó bà thay đổi nét mặt thành ra vẻ tử tế và khẩn nài. Tôi biết bà sẽ cố gắng thanh minh ình, nhưng tôi chưa bao giờ có thể nghĩ tới lời bào chữa như thế này.
“Mối quan hệ của con với Tuyết Hoa cộng với đôi chân hoàn hảo của con đã giúp con có được một cuộc hôn nhân tốt đẹp, không chỉ cho con mà còn cho cả em họ của con nữa. Mỹ Nguyệt đáng lẽ cũng được hạnh phúc.”
Động thái đánh lạc hướng khỏi chuyện đang khiến tôi thất vọng này hầu như quá sức chịu đựng của tôi, nhưng tôi vẫn giữ được sự điềm tĩnh.
“Mỹ Nguyệt mất cách đây đã hai năm.” Giọng tôi khàn đi. “Tuyết Hoa đến với gia đình này từ mười năm trước. Thế mà mẹ không một lần nói với con về hoàn cảnh của cô ấy.”
“Mỹ Nguyệt…”
“Chuyện này không dính gì đến Mỹ Nguyệt!”
“Chính mày đã dẫn nó ra ngoài. Nếu mày không làm vậy, thì Mỹ Nguyệt vẫn còn ở đây ngày hôm nay. Chính mày đã làm tan nát cõi lòng của thím mày.”
Lẽ ra tôi nên lường trước cái mánh khóe kiểu này của người cầm tinh con khỉ như mẹ tôi. Kể cả vậy, lời buộc tội này cũng vẫn quá nghiệt ngã, tàn nhẫn đến khó mà tin nổi. Nhưng tôi có thể làm gì? Tôi là một đứa con có hiếu. Tôi vẫn phải nhờ cậy gia đình tôi cho đến khi tôi có mang và rời khỏi đây hẳn. Làm sao mà một đứa con gái sinh nhằm tuổi ngọ lại có thể thắng được con khỉ xảo quyệt chứ?
Mẹ tôi hẳn đã nhận thấy mình đang chiếm thế thượng phong, nên bà tiếp tục. “Một đứa con gái đích thực sẽ cảm ơn ta…”
“Về cái gì?”
“Ta đã ày cuộc sống mà ta không bao giờ có được vì cái thứ này.” Bà chỉ vào đôi chân dị dạng của mình. “Ta đã quấn vải và bó chân ày, và giờ mày được tưởng thưởng.”
Những lời của bà đưa tôi trở lại những giờ phút nếm trải nỗi đau đớn tột cùng khi phải bó chân và bà đã nhắc đi nhắc lại lời hứa hẹn này. Kinh hoàng, tôi chợt nhận ra rằng trong suốt quãng thời gian khủng khiếp đó, bà không hề thể hiện với tôi một chút tình mẫu tử nào cả. Theo một cách nào đó, nỗi đau bà bắt tôi phải chịu là để nhằm phục vụ cho sự ích kỷ và những khao khát của chính bà.
Nỗi giận dữ và thất vọng mà tôi đang cảm thấy thật quá sức chịu đựng. “Con sẽ không bao giờ còn mong chờ ở mẹ bất kỳ chút tử tế nào.” Tôi thốt lên, ghê tởm buông tay bà ra. “Nhưng hãy nhớ điều này. Mẹ đã dựng lên việc này, nên một ngày nào đó con sẽ nắm quyền kiểm soát mọi việc diễn ra trong cái nhà này. Con sẽ là một người đàn bà tốt bụng và nhân hậu, nhưng trong đầu con sẽ không một phút nào quên những việc mẹ đã làm.”
Mẹ tôi cúi xuống, cầm lấy cây gậy của bà, và tựa vào nó. “Ta thấy thương thay cho nhà họ Lữ vì đã rước phải một đứa như mày. Ngày mày đi khỏi đây sẽ là ngày may mắn nhất trong cuộc đời ta. Từ giờ tới lúc đó, đừng có diễn cái trò ngu ngốc này nữa.”
“Hoặc, thế nào? Mẹ sẽ không nuôi con nữa chắc?”
Mẹ tôi nhìn tôi như thể tôi là một kẻ xa lạ. Rồi bà quay đi và tập tễnh trở lại chiếc ghế của mình. Khi thím mang trà lên, không ai nói thêm một lời nào.

Và mọi việc cứ tiếp diễn như vậy, trong phần lớn quãng thời gian còn lại. Tôi hòa nhã hơn đối với những người khác: anh và em trai tôi, chú thím, và bố tôi. Tôi muốn dứt hẳn mẹ tôi ra khỏi cuộc đời mình, nhưng hoàn cảnh không cho phép tôi làm vậy. Tôi vẫn phải ở nhà cho tới khi tôi có mang và chuẩn bị sinh nở. Và kể cả khi đã về hẳn bên nhà chồng, theo truyền thống tôi vẫn phải quay về nhà mỗi năm vài lần. Nhưng tôi cố gắng giữ khoảng cách về mặt tình cảm với mẹ tôi – dù hầu như ngày nào chúng tôi cũng ở chung với nhau trong một căn phòng – bằng cách cư xử như thể tôi đã là một người đàn bà trưởng thành và không còn cần đến sự âu yếm dịu dàng nữa. Đó là lần đầu tiên tôi cư xử như vậy – bề ngoài làm đúng theo mọi tập tục và quy tắc, buông thả cảm xúc trong một số khoảnh khắc tồi tệ nhất, rồi sau đó lại nén giữ nỗi bất bình như con mực phủ trước tảng đá – và điều này có vẻ ổn thỏa với tất cả mọi người. Gia đình tôi chấp nhận cách cư xử của tôi, và trông tôi lại giống như một cô con gái cung kính. Sau này tôi lại làm một việc giống như vậy, vì những lý do khác hẳn và kết quả thật tai hại.
TUYẾT HOA ngày càng thân thiết với tôi hơn. Chúng tôi thường xuyên viết cho nhau, và bà Vương nhận chuyển thư giúp chúng tôi. Tôi lo lắng cho hoàn cảnh của cô – giả dụ mẹ chồng cô đối xử tốt với cô, vậy còn chuyện chăn gối thì sao, và liệu mọi việc ở nhà bố mẹ đẻ của cô có tồi tệ hơn không – và cô buồn phiền vì tôi không quan tâm đến cô như xưa nữa. Chúng tôi muốn gặp nhau, nhưng không còn được tiếp tục đến thăm nhau viện cớ cùng chuẩn bị hồi môn nữa, và chúng tôi chỉ được phép ra khỏi nhà để đến nhà chồng để vợ chồng gần gũi nhau.
Tôi tới gặp chồng bốn hay năm đêm một năm. Mỗi khi tôi đi, những người đàn bà trong nhà tôi lại khóc than. Lần nào tôi cũng mang thức ăn từ nhà đi, vì bên nhà chồng sẽ không nuôi tôi ăn cho đến khi tôi về ở hẳn trong nhà họ. Khi ở Thông Khẩu, tôi được động viên tinh thần bởi cách mọi nguời đối xử với tôi. Khi trở về nhà, tôi lại cảm thấy buồn vui lẫn lộn, vì mỗi buổi tối sống xa họ khiến tôi trở nên quý giá hơn và khiến tôi thực sự cảm thấy tôi sẽ sớm được rời khỏi nhà mình.
Mỗi lần đi tôi một thêm bạo dạn, ngó ra bên ngoài cửa sổ chiếc kiệu cho đến khi tôi thuộc lòng đường đi. Tôi đi qua con đường nhỏ luôn luôn lầy lội và đầy vết lún. Những cánh đồng lúa và thỉnh thoảng là những nương khoai men quanh đường đi. Gần tới đầu thôn Thông Khẩu, một cây thông che phủ con đường như chào đón. Xa xa, phía bên trái con đường là cái ao cá của thôn. Đằng sau tôi, từ phía tôi đi đến, con sông Tiêu uốn lượn. Trước mặt tôi, giống như Tuyết Hoa đã mô tả, Thông Khẩu náu mình trong vòng tay của những ngọn đồi.
Khi những người khiêng kiệu đặt tôi xuống trước cổng chính của Thông Khẩu, tôi bước xuống đám sỏi được xếp rối rắm như vảy cá. Chỗ này có hình như móng ngựa, với nhà xay thóc của thôn ở bên phải và chuồng ngựa phía bên trái. Những cái cột ở cổng – được trang trí bằng những nét chạm trổ sơn màu – đỡ lấy chiếc mái có hiên gie ra uốn cong lên trời. Trên tường có những hình vẽ về cuộc sống của các thần tiên. Ngưỡng cửa ở cổng trước khá cao, để mọi du khách đến đây đều biết rằng Thông Khẩu có địa vị cao nhất trong huyện. Hai phiến đá mã não khắc hình chú cá đang nhảy lên được ốp ở hai bên cổng để du khách xuống ngựa.
Ngay phía trong ngưỡng cửa là khu sân chính của Thông Khẩu, không chỉ trông đầy chào mời và rộng rãi mà còn được bao quanh bởi mái vòm bát giác được chạm trổ và sơn màu có phong thủy hoàn hảo. Nếu tôi đi qua chiếc cổng thứ hai về phía bên phải thì tôi sẽ đến nhà lớn của Thông Khẩu, nơi tiếp đón khách khứa thông thường và tiến hành những cuộc họp nhỏ. Đằng sau nhà lớn là miếu thờ họ, nơi chiêu đãi các sứ thần và quan lại và tổ chức các dịp lễ lạt như đám cưới. Những ngôi nhà nhỏ hơn trong thôn, một vài cái dựng bằng gỗ, tụm lại với nhau ngay phía sau ngôi miếu thờ họ.
Nhà chồng tôi sừng sững nhô lên ở phía đối diện, bên trái tôi. Mọi ngôi nhà trong thôn này đều uy nghi, nhưng nhà chồng tôi đẹp một cách nổi bật. Ngay cả đến tận hôm nay, tôi vẫn thấy hạnh phúc khi được sống ở đây. Ngôi nhà cũng có hai tầng như bình thường. Nó xây bằng gạch và trát vữa bên ngoài. Phía trên, dưới mái hiên chìa ra bên ngoài là lớp sơn vẽ những hoạt cảnh mấy cô thiếu nữ đáng yêu cùng mấy chàng trai đẹp đẽ, cảnh học hành, cảnh chơi đàn thổi sáo, cảnh họa chữ, trên những phần trang trí. Đó là những sinh hoạt luôn diễn ra trong ngôi nhà này, vì thế những bức tranh được vẽ ra là nhằm thông báo đến khách qua đường thông điệp về đẳng cấp của những con người sống nơi đây và họ dành thời gian của mình vào việc gì. Những bức tường bên trong ốp bằng gỗ quý chặt trên đồi của huyện, còn phòng ốc thì được trang hoàng bởi cột chạm khắc, cửa sổ mắt cáo và bao lơn.
Khi tôi trở lại lần đầu, căn phòng chính vẫn y như bây giờ – với những vật dụng trang nhã, sàn gỗ, một cơn gió mát hiu hiu từ chiếc cửa sổ trên cao, và cầu thang men theo bức tường phía Đông lên ban công gỗ trang trí với các hình thoi gối lên nhau. Kế đến, bố mẹ chồng tôi ngủ ở căn phòng lớn nhất phía sau ngôi nhà trên sàn. Các em trai chồng tôi có phòng riêng ở xung quanh và liền kề căn phòng chính. Sau một thời gian, vợ chúng sẽ đến ở. Nếu họ không sinh được con trai, cuối cùng những cô vợ đó sẽ phải rời đến khu ở khác và những người thiếp hay nàng hầu sẽ đến thay thế họ ngủ với các em trai của chồng tôi.
Suốt những chuyến thăm viếng của tôi, đêm nào tôi cũng dành trọn để hiến dâng cho chồng mình. Chúng tôi cần phải sinh được con trai, và chúng tôi đều gắng hết sức làm mọi việc cần thiết để điều ấy xảy ra. Ngoài những lúc ấy ra, chồng tôi và tôi không gặp gỡ nhau nhiều lắm – anh dành thời gian của mình cùng cha mình, còn tôi thì với mẹ anh – nhưng dần dần chúng tôi cũng hiểu nhau hơn, nên nhiệm vụ mỗi đêm dần dà trở nên dễ chịu đựng hơn.
Như trong mọi cuộc hôn nhân khác, người quan trọng nhất mà tôi phải tạo dựng mối quan hệ là mẹ chồng của mình. Tất cả mọi điều Tuyết Hoa đã nói với tôi về chuyện bà Lữ nhất nhất tuân theo tục lệ thông thường đều đúng cả. Bà coi xét tôi khi tôi làm cũng những việc nhà như ở nhà tôi – pha trà và chuẩn bị bữa sáng, giặt giũ quần áo và chăn màn, chuẩn bị bữa trưa, khâu vá, thêu thùa, và dệt vải vào buổi chiều, và cuối cùng là nấu bữa tối. Mẹ chồng tôi luôn miệng sai tôi chóng cả mặt. “Bổ dưa thành những miếng nhỏ hơn đi,” kiểu như vậy, khi tôi nấu món canh bí đao. “Những miếng cô thái chỉ thích hợp cho lũ lợn nhà này ăn thôi.” Hay, “Máu kinh của ta bị dính ra chăn chiếu rồi. Cô ráng vò cho kỹ vào mà tẩy mấy vết đó đi.” Với đống đồ ăn tôi mang đi từ nhà, bà khịt mũi và nói, “Lần sau nhớ mang thứ gì đó đỡ mùi hơn đi. Mùi thức ăn của cô làm chồng và các con trai ta ăn mất ngon.” Ngay khi chuyến ghé thăm kết thúc, tôi bị trả về nhà, không một lời cảm ơn hay tạm biệt.
Mọi chuyện với tôi tóm lại là như thế – không quá tốt, cũng chẳng quá tệ, chỉ là như bình thường. Bà Lữ công bằng; tôi dễ bảo và sẵn sàng học hỏi. Nói cách khác, chúng tôi đều hiểu mình phải làm gì và cố gắng làm tốt nhất để hoàn thành bổn phận của mình. Vì vậy, chẳng hạn, vào ngày thứ hai của cái Tết đầu tiên sau lễ cưới của chúng tôi, mẹ chồng tôi mời tất cả những cô gái chưa chồng ở Thông Khẩu đến và tất cả những cô gái, giống như tôi, vừa mới được cưới về đây ghé thăm. Bà mời trà và chiêu đãi họ. Bà tỏ ra lịch thiệp và duyên dáng. Khi mọi người về hết, chúng tôi đi cùng họ. Chúng tôi đi đến năm nhà trong ngày hôm đó và thăm năm cô dâu mới. Nếu không phải tôi đã là lão đồng của Tuyết Hoa, tôi có thể tìm kiếm trong những gương mặt đó vài người để lập hội chị em kết nghĩa sau khi đã lấy chồng.
LầN ĐầU tôi gặp lại Tuyết Hoa là vào lễ viếng hằng năm của chúng tôi ở Miếu Cô Bà. Hẳn bạn cho rằng chúng tôi có nhiều chuyện để hàn huyên, nhưng cả hai đều cố nén lại. Tôi tin rằng cô rất hối hận – vì đã nói dối tôi suốt ngần ấy năm về cuộc hôn nhân thấp kém của mình. Nhưng chính tôi cũng cảm thấy không thoải mái chút nào. Tôi không biết làm sao để thổ lộ với Tuyết Hoa những cảm xúc của tôi về mẹ tôi mà không khỏi gợi cô nhớ đến sự dối trá của chính cô. Nếu những bí mật này chưa đủ để kiềm chế chúng tôi trò chuyện, thì chỉ còn chuyện làm việc đó với chồng mà vốn nghĩ đến cũng đủ ngượng chín người huống hồ nói ra. Tệ chết đi được khi bố chồng thì nghe lén ngoài cửa hay mẹ chồng thì xem xét chăn gối mỗi sáng. Tuy nhiên, Tuyết Hoa và tôi vẫn phải nói một chuyện gì đó, và nói về nghĩa vụ phải có thai thì an toàn hơn là đào bới vào những chủ đề nhạy cảm kia.
Chúng tôi tế nhị nói về những yếu tố cần thiết phải có để có thể thụ thai và liệu chồng chúng tôi có phải tuân theo đúng những quy tắc này hay không. Mọi người đều biết rằng cơ thể của con người là một bản sao thu nhỏ của vũ trụ – mắt và tai là mặt trời và mặt trăng, hơi thở là không khí, máu là mưa. Ngược lại, những yếu tố đó lại có vai trò quan trọng trong việc hình thành một đứa bé. Vì việc này là thế, nên chuyện chăn gối không nên làm khi mưa trút lên mái nhà, vì nó khiến cho đứa bé cảm thấy như bị mắc bẫy và giam hãm. Cũng không nên ân ái khi trời có giông bão, vì nó khiến đứa trẻ sẽ có những cảm giác về tàn phá và sợ hãi. Và không nên ân ái khi chồng hay vợ cảm thấy mệt mỏi, nó sẽ tạo di truyền những tinh thần u ám đó sang thế hệ sau.
“Mình nghe nói không nên ân ái sau khi làm việc cực nhọc,” Tuyết Hoa nói với tôi, “nhưng mình không tin là mẹ chồng mình từng nghe chuyện này.” Trông cô có vẻ kiệt sức. Tôi cũng cảm thấy như vậy sau khi đến thăm nhà chồng – làm việc luôn tay luôn chân, gắng sức cư xử lịch thiệp, và luôn luôn bị soi mói.
“Đấy là một nguyên tắc mà mẹ chồng mình cũng không coi trọng,” tôi cảm thấy thương xót cô. “Chẳng lẽ họ chưa từng nghe cái giếng cạn khô kêu la không còn nước ư?”

Chúng tôi chỉ còn nước lắc đầu trước bản tính của các bà mẹ chồng, nhưng chúng tôi cũng lo sợ rằng nếu mang thai chúng tôi sẽ có những đứa con trai yếu ớt hoặc không thông minh.
“Thím bảo mình về quãng thời gian tốt nhất để có thai,” tôi nói. Mặc dù, tất cả những đứa con của bà đều đã chết ngoại trừ Mỹ Nguyệt, chúng tôi vẫn tin vào kinh nghiệm của thím trong chuyện này. “Lúc ấy sẽ có thể không còn gì khó chịu trong cuộc sống của bạn nữa.”
“Mình biết,” Tuyết Hoa thở dài. “Nước mà lặng thì cá dễ thở; gió mà ngừng thì cây lại yên,” cô dẫn câu tục ngữ.
“Chúng ta cần một đêm yên tĩnh, khi trăng tròn và sáng trong, liên tưởng đến cái bụng tròn trịa của người đàn bà mang bầu và sự thanh khiết của người mẹ.”
“Và khi bầu trời quang đãng,” Tuyết Hoa nói thêm, “đó là dấu hiệu cho biết rằng vũ trụ đang thanh bình và sẵn sàng.”
“Khi chúng ta và chồng chúng ta hạnh phúc, như thế mũi tên sẽ bay trúng đích. Trong những hoàn cảnh đó, thì đến con sâu sắp chết cũng sẽ hồi dậy mà tìm bạn ái ân, thím mình nói vậy.”
“Mình biết cần có những yếu tố gì” – Tuyết Hoa lại thở dài – “nhưng khó mà hội tụ tất cả cùng một lúc lắm.”
“Thì chúng ta đành phải cố thôi.”
Và cứ thế, trong chuyến viếng Miếu Cô Bà đầu tiên của chúng tôi sau khi lấy chồng tôi đã dâng lễ vật rồi cầu cho những yếu tố đó sẽ tụ hợp. Tuy nhiên, dù đã tuân theo đúng những quy tắc ấy, chúng tôi vẫn không có thai được. Bạn nghĩ rằng sẽ dễ dàng có thai chỉ sau vài lần ân ái trong suốt một năm thôi sao? Thỉnh thoảng chồng tôi hưng phấn quá đến mức xuất ngay từ bên ngoài.
Trong lần viếng Miếu Cô Bà thứ hai của chúng tôi sau khi đã trở thành vợ, chúng tôi cầu xin thiết tha hơn và dâng lễ vật nhiều hơn nữa. Rồi, theo thông lệ, Tuyết Hoa và tôi đến cửa hàng của ông lão bán khoai để thưởng thức món gà đặc biệt kèm theo món tráng miệng ưa thích. Mặc dù đều rất thích đĩa khoai, nhưng chẳng ai ăn ngon miệng cả. Chúng tôi so sánh những điều cần chú ý và cố nghĩ ra những phương cách mới để có thai.
Vài tháng tiếp theo, tôi gắng hết sức để làm vừa lòng mẹ chồng mỗi khi đến thăm nhà họ Lữ. Ở nhà, tôi cố gắng hòa hợp. Nhưng dù ở đâu, mọi người cũng đều bắt đầu nhìn tôi bằng ánh mắt mà tôi cho là có ý trách móc tôi có mỗi việc đẻ cũng không xong. Rồi, chừng hai tháng sau, bà Vương mang đến một bức thư của Tuyết Hoa. Tôi đợi bà mối đi khỏi mới mở thư ra. Bằng nữ thư, Tuyết Hoa viết:
Mình có thai rồi. Bụng mình cứ quặn lên. Mẹ mình nói rằng điều đó có nghĩa là đứa bé đang hạnh phúc trong cơ thể mình. Mình hy vọng nó là con trai. Mình mong bạn cũng vậy.
Tôi không ngờ Tuyết Hoa đã đánh bại tôi. Tôi là người có địa vị cao hơn. Lẽ ra tôi phải có thai trước mới đúng. Quá hổ thẹn, tôi không dám nói với mẹ hay thím tin vui đó. Tôi biết họ sẽ phản ứng thế nào. Mẹ tôi sẽ chì chiết tôi, còn thím sẽ rất vui mừng cho Tuyết Hoa.
Lần tiếp theo tôi tới thăm chồng mình và chúng tôi lại ân ái với nhau. Tôi quấn hai chân quanh chân anh và giữ anh nằm mãi trên người tôi bằng cách ôm lấy anh cho đến khi anh xong việc. Tôi giữ anh như thế lâu đến mức anh cứ ở trong tôi mà ngủ luôn. Tôi thức một lúc lâu, thở khẽ khàng, nghĩ về vầng trăng tròn ngoài kia và lắng nghe từng tiếng xào xạc nào từ cây tre ngoài cửa sổ. Sáng ra, anh lăn ra khỏi người tôi và nằm nghiêng mà ngủ. Giờ tôi đã biết phải làm gì rồi. Tôi thò tay xuống dưới tấm chăn và nắm vào “người bạn nhỏ” của anh cho đến khi nó cương lên. Khi tôi đã chắc chắn thì cũng là lúc anh mở mắt, tôi rút tay ra và nhắm nghiền mắt lại. Tôi để anh ân ái với tôi lần nữa, rồi khi anh dậy và mặc quần áo để chuẩn bị ột ngày mới của mình, tôi vẫn nằm im. Chúng tôi nghe tiếng mẹ anh trong bếp, đang bắt tay vào các công việc mà lẽ ra tôi đã phải làm xong rồi. Chồng tôi nhìn tôi một thoáng, nói to nhắc nhở: nếu tôi không dậy sớm và bắt đầu công việc của mình thì hậu quả sẽ nghiêm trọng đấy. Anh không chửi mắng hay đánh đập tôi như những người chồng khác, mà chỉ rời khỏi phòng không nói một tiếng. Lát sau, tôi nghe thấy những tiếng rì rầm nho nhỏ giữa anh và mẹ anh. Không ai đến với tôi. Cuối cùng, khi tôi tỉnh hẳn, mặc quần áo vào, và đi vào bếp, mẹ chồng tôi mỉm cười sung sướng, còn Dũng Cảm và những cô gái khác thì liếc nhau.
Hai tuần sau, trên chiếc giường của tôi ở nhà, tôi thức dậy cảm thấy căn phòng quay cuồng chao đảo. Tôi chạy đến bên chiếc chậu rửa đựng lưng nước trong phòng. Thím tôi vào, quỳ xuống cạnh tôi và lau nước trên mặt tôi bằng mu bàn tay của thím. “Giờ cháu sẽ thực sự rời xa chúng ta,” thím nói, và lần đầu tiên từ bao lâu nay cái hang vĩ đại là miệng thím mở ra trong một nụ cười rộng ngoác.
Buổi chiều hôm đó, tôi ngồi bên xấp giấy và bút, mực viết một bức thư gửi cho Tuyết Hoa. “Khi mình gặp lại nhau tại Miếu Cô Bà năm nay,” tôi viết, “chúng mình sẽ đều tròn trĩnh như trăng rằm.”
MẸ TÔI, NHƯ bạn có thể hình dung, đã tỏ ra nghiêm khắc với tôi trong suốt thời gian đó y như khi bà bó chân cho tôi. Tôi nghĩ kiểu của bà là luôn chỉ nghĩ đến điều xấu có thể xảy ra. “Đừng có trèo đồi,” bà chì chiết, cứ như thể trước đây bà từng cho phép tôi làm điều đó vậy. “Đừng có đi qua cầu nhỏ, đứng trên một chân, nhìn nguyệt thực, hay tắm nước nóng.” Tôi chẳng bao giờ có nguy cơ làm những việc đó cả, nhưng chế độ ăn kiêng lại là chuyện khác. Ở huyện này, chúng tôi rất tự hào vì các loại đồ gia vị, nhưng tôi bị cấm ăn bất cứ thứ gì có tỏi, ớt, hay hạt tiêu, vì chúng có thể gây cản trở việc ra nhau khi sinh. Tôi cũng không được phép ăn bất kỳ phần thịt cừu nào, vì nó có thể khiến con tôi sinh ra ốm yếu quặt quẹo, cũng không được ăn cá có vảy, vì như thế sẽ khiến sinh nở khó khăn. Tôi phải từ chối món nào quá mặn, quá đắng, quá ngọt, quá chua, hay quá cay, vì vậy tôi không thể ăn đậu đen lên men, khổ qua, quả hạnh nấu đông, canh nóng và chua, hay bất cứ thứ gì mùi quá mạnh. Tôi chỉ được phép ăn canh nhạt, rau xào với cơm, và uống trà. Tôi chấp nhận hết mấy yêu cầu kiêng cữ đó, vì biết rằng giá trị của mình phụ thuộc hoàn toàn vào đứa bé đang lớn dần lên trong bụng.
Đương nhiên là chồng tôi và bố mẹ chồng đều sung sướng, và họ bắt đầu chuẩn bị để đón hẳn tôi về. Con tôi sẽ được sinh vào cuối tháng Bảy âm lịch. Tôi sẽ tới lễ hội hàng năm ở Miếu Cô Bà để cầu sinh con trai và sau đó tới Thông Khẩu. Gia đình chồng tôi đồng ý cho tôi hành hương – họ sẽ làm mọi thứ để bảo đảm có được đứa cháu nối dõi tông đường – với điều kiện là tôi sẽ nghỉ một đêm ở nhà trọ và không được phép làm việc nặng. Gia đình chồng tôi đã gửi một chiếc kiệu đến đón tôi. Tôi đứng ngoài ngưỡng cửa nhà mình và đón nhận những giọt nước mắt và những cái ôm thắm thiết; rồi tôi bước vào kiệu và được đưa đi, biết rằng mình sẽ còn quay trở lại vào những dịp hội Nghênh Phong, Lễ Vu Lan, hội Đuổi Chim và cuộc Thi Nếm hàng năm, cũng như bất cứ dịp lễ lạt giỗ tết nào của nhà tôi. Đây không phải là lời vĩnh biệt, chỉ là một sự chia ly tạm thời, như chị gái tôi vậy.

Thời gian này Tuyết Hoa, giờ đang mang bầu lâu hơn tôi, đã đến sống ở Cẩm Điền, nên tôi qua đón cô. Bụng cô đã quá lớn. Tôi không tin chút nào là gia đình mới của cô lại cho phép cô đi, dù đó là để cầu xin sinh con trai. Chúng tôi rất nghịch, đứng lên mặt đất, cố gắng ôm lấy nhau với hai cái bụng tròn vo, và cười suốt. Cô xinh ra nhiều so với toàn bộ quãng thời gian tôi biết cô trước đây, và niềm hạnh phúc thật sự đang ngân lên trong cô.
Tuyết Hoa cứ liến thoắng suốt chuyến đi, cô nói về cảm giác của cơ thể mình thế nào, về tình yêu với đứa bé trong bụng mình ra sao, và mọi người đã tử tế với cô thế nào từ khi cô về ở hẳn nhà chồng. Cô nắm chặt một miếng ngọc trắng đeo ở cổ để đứa trẻ sẽ có nước da trắng sáng như viên ngọc đó, thay vì nước da đỏ lựng của chồng cô. Tôi cũng đeo ngọc trắng, nhưng không giống như Tuyết Hoa, tôi hy vọng rằng nó sẽ tránh được nước da của chính tôi chứ không phải của chồng tôi, vì dù suốt ngày chỉ ở trong nhà nhưng da tôi vốn tự nhiên đã đen hơn nước da trắng như sữa của lão đồng.
Những năm trước, chúng tôi chỉ ghé qua Miếu Cô Bà, cúi đầu rồi dập đầu lạy khi chúng tôi đệ lời thỉnh cầu lên Cô Bà. Bây giờ chúng tôi kiêu hãnh bước đi, cái bụng bầu nhô ra, liếc nhìn những bà mẹ sắp sinh khác để xem ai đã có mang to hơn, bụng ai cao bụng ai thấp, nhưng luôn chú ý sao cho đầu óc và miệng lưỡi chỉ được nghĩ và nói những điều cao quý, rộng lượng để phẩm cách đó sẽ truyền sang con trai của chúng tôi.
Chúng tôi bước đến chỗ bàn thờ, mà phải đến hàng trăm đôi giày đã xếp cả lên đó. Cả hai chúng tôi đều viết thơ lên những chiếc quạt để chuyển lời cầu khấn đến Cô Bà. Lời khấn của tôi là cầu chúc có con trai, và xin Cô Bà phù hộ để nó nối dõi cho dòng họ Lữ và yêu kính tổ tiên. Tôi kết thúc bằng câu, Cô Bà, sự phù hộ của Cô Bà là niềm may mắn cho hạnh cho chúng con. Quá nhiều người đến cầu xin sinh được con trai, nhưng con hy vọng Cô Bà sẽ lắng nghe lời khẩn cầu của con. Xin Cô Bà thấu tỏ nỗi khát khao của con. Tôi viết lời khấn nghe cũng có vẻ phù hợp, nhưng giờ tôi lại đang nghĩ xem liệu Tuyết Hoa viết gì trên chiếc quạt. Đó hẳn phải là những lời lẽ đáng yêu cùng với họa trí ấn tượng. Tôi cầu mong Cô Bà sẽ không bị tác động quá vì lễ vật của Tuyết Hoa. “Xin nghe con, xin nghe con, xin nghe con.” Tôi khấn khe khẽ.
Tuyết Hoa và tôi cùng đặt hai chiếc quạt lên bàn thờ bằng tay phải, còn tay trái chộp nhanh lấy một đôi giày của trẻ con đặt trên bàn thờ và giấu vào tay áo. Sau đó, chúng tôi nhanh chóng rời ngôi miếu, hy vọng sẽ không bị bắt lại. Ở huyện Vĩnh Minh, ai muốn sinh được những đứa con khỏe mạnh sẽ ăn trộm không chút ngại ngần – nhưng phải giả vờ và lén lút – những đôi giày trên bàn thờ Phật Bà. Tại sao ư? Bạn biết đấy, trong thổ âm vùng chúng tôi từ hài (giày) được phát âm giống từ nhi (đứa trẻ). Khi con chúng tôi sinh ra chúng tôi sẽ trả những đôi giày đó về chỗ cũ – điều này giải thích động cơ chúng tôi lấy cắp giày – và dâng lễ vật tạ ơn.
Chúng tôi quay trở ra vào đúng lúc trời đẹp và đi thẳng tới quầy bán chỉ. Vì chúng tôi đã là lão đồng mười hai năm nay nên chúng tôi tìm những màu có vẻ sẽ nắm bắt được những ý tưởng về các mẫu thêu mà chúng tôi đã hình dung ra. Tuyết Hoa giơ một nắm chỉ màu xanh lá cây cho tôi xem. Đây là những màu xanh tươi tắn như mùa xuân, khô khao như lá úa, úa như lá khi cuối hạ, mơn mởn như rêu sau cơn mưa, xám như khoảnh khắc trước khi màu vàng và màu đỏ của mùa thu bắt đầu nhuốm tới.
“Ngày mai,” Tuyết Hoa nói, “mình dừng lại bên sông trên đường về nhà nhé. Chúng ta sẽ ngồi xuống đó và nhìn ngắm những đám mây trôi qua trên đầu, lắng nghe tiếng nước vỗ vào bờ đá, và cùng thêu thùa, hát lên với nhau. Làm thế con của chúng ta sinh ra sẽ có khiếu thẩm mỹ thanh tao và tinh tế.”
Tôi hôn lên má cô. Đôi khi tôi cũng để tâm trí của mình rời xa Tuyết Hoa để lạc vào chốn tăm tối, nhưng giờ đây tôi lại thấy yêu mến cô như thường. Ôi, làm sao tôi có thể đánh mất lão đồng của mình được chứ.
Chuyến viếng Miếu Cô Bà của chúng tôi sẽ không thể hoàn thiện được nếu thiếu mất bữa trưa ở hàng khoai. Ông lão Chu cười để lộ hàm răng móm mém khi thấy chúng tôi vác bụng lùm lùm. Ông thết chúng tôi một bữa ăn đặc biệt, chú ý sao cho không làm trái với chế độ ăn kiêng trong tình trạng của chúng tôi. Chúng tôi nhấm nháp từng chút. Rồi ông lão mang đến món ăn ưa thích nhất của chúng tôi, món khoai sọ chiên giòn bọc đường nấu chảy. Tuyết Hoa và tôi giống như hai cô gái say sưa choáng váng vì vui sướng hơn là hai người đàn bà sắp sinh con.
Đêm đó, trong nhà trọ, sau khi thay quần áo đi ngủ, Tuyết Hoa và tôi nằm trên giường, mặt đối mặt. Đây sẽ là đêm cuối cùng chúng tôi ở bên nhau trước khi chúng tôi trở thành những bà mẹ. Chúng tôi đã học được quá nhiều điều về những gì chúng tôi nên làm hay không nên làm và những việc đó sẽ ảnh hưởng đến những đứa con chưa sinh ra đời của chúng tôi thế nào. Nếu con trai tôi có thể phản ứng lại khi nghe thấy những lời tục tĩu hay tiếng viên ngọc chạm vào da tôi, thì tất nhiên nó cũng sẽ cảm nhận được tình yêu thương của Tuyết Hoa trong cơ thể nhỏ bé của nó.
Tuyết Hoa đặt tay lên bụng tôi. Tôi cũng làm giống như cô. Tôi đã quen với việc đứa bé quẫy đạp trong bụng, đặc biệt là vào ban đêm. Giờ tôi nhận thấy con của Tuyết Hoa đang cựa quậy trong bụng cô dưới bàn tay tôi. Vào thời khắc đó, chúng tôi gần gũi nhau hết mức mà hai người đàn bà có thể.
“Mình hạnh phúc lắm khi hai chúng ta ở bên nhau,” cô nói, rồi di ngón tay đến chỗ đứa con của tôi huých cái khuỷu tay hay đầu gối của nó về phía cô.
“Mình cũng rất vui.”
“Mình cảm thấy con trai bạn. Thằng bé khỏe mạnh. Giống như mẹ của nó vậy.”
Lời nói của cô khiến tôi cảm thấy tự hào và tràn đầy sinh lực. Ngón tay của cô ngừng lại, và lại một lần nữa cô lại ôm lấy bụng tôi trong vòng tay ấm áp của cô.
“Mình sẽ yêu mến thằng bé như yêu quý bạn,” cô nói. Sau đó, như thói quen từ thời còn bé, cô vuốt má tôi và đặt bàn tay cô lên đó cho đến khi cả hai chúng tôi đều chìm vào giấc ngủ.
Hai tuần nữa, tôi sẽ bước sang tuổi hai mươi, đứa bé của tôi cũng sẽ sớm chào đời, và cuộc sống thực sự của tôi sắp bắt đầu.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.